Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107/2020/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2020 |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là sở)
1. Sửa đổi, bổ sung
“1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh):
a) Dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở và các văn bản khác theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Dự thảo kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về ngành, lĩnh vực trên địa bàn cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của sở;
c) Dự thảo quyết định việc phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cho sở, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
d) Dự thảo quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở; dự thảo quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chi cục và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở;
đ) Dự thảo quyết định thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân công.”
2. Sửa đổi, bổ sung
“6. Hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật; quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong và ngoài công lập thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực.”
3. Sửa đổi, bổ sung
“Điều 5. Cơ cấu tổ chức của sở
1. Cơ cấu tổ chức của sở, gồm:
a) Phòng chuyên môn, nghiệp vụ;
b) Thanh tra (nếu có);
c) Văn phòng (nếu có);
d) Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có);
đ) Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).
2. Tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở
a) Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở;
b) Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.
3. Tiêu chí thành lập Văn phòng thuộc sở được áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này. Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.
4. Tiêu chí thành lập chi cục và các tổ chức tương đương thuộc sở (sau đây gọi chung là chi cục)
a) Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
b) Được phân cấp, ủy quyền để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực;
c) Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức.
5. Tiêu chí thành lập phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở
a) Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi cục hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của chi cục;
b) Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 05 biên chế công chức.”
4. Sửa đổi, bổ sung
“Điều 6. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sở và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc sở
1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sở
a) Người đứng đầu sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là Giám đốc sở), là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu, là người đứng đầu sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Cấp phó của người đứng đầu sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là Phó Giám đốc sở) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc sở, giúp Giám đốc sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc sở phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc sở vắng mặt, một Phó Giám đốc sở được Giám đốc sở ủy nhiệm thay Giám đốc sở điều hành các hoạt động của sở. Phó Giám đốc sở không kiêm nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc sở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Số lượng Phó Giám đốc sở
Bình quân mỗi sở có 03 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.
2. Số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở
a) Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 09 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng;
b) Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 09 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng;
c) Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Trưởng phòng.
3. Số lượng Phó Chánh Thanh tra sở
a) Thanh tra sở có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Chánh Thanh tra;
b) Thanh tra sở có từ 08 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Chánh Thanh tra.
4. Số lượng Phó Chánh Văn phòng sở được thực hiện như quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Số lượng Phó Chi cục trưởng thuộc sở
a) Chi cục có từ 01 đến 03 phòng và tương đương được bố trí 01 Phó Chi cục trưởng;
b) Chi cục không có phòng hoặc có từ 04 phòng và tương đương trở lên được bố trí không quá 02 Phó Chi cục trưởng.
6. Số lượng Phó Trưởng phòng thuộc chi cục thuộc sở
a) Phòng có dưới 07 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng;
b) Phòng có từ 07 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.”
5. Sửa đổi, bổ sung
“1. Sở Nội vụ:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua, khen thưởng.
2. Sở Tư pháp:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; pháp chế; công chứng, chứng thực; nuôi con nuôi; trọng tài thương mại; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; luật sư, tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hòa giải cơ sở; bán đấu giá tài sản; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.”
6. Sửa đổi, bổ sung
“5. Sở Công Thương:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; dầu khí (nếu có); hoá chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; lưu thông hàng hoá trên địa bàn; xuất khẩu, nhập khẩu; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn.”
7. Sửa đổi, bổ sung
“8. Sở Xây dựng:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (bao gồm: Cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; chiếu sáng đô thị; công viên, cây xanh đô thị; quản lý nghĩa trang, trừ nghĩa trang liệt sỹ; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, không bao gồm việc quản lý khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngâm đô thị; quản lý sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị); nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng.
Đối với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chức năng tham mưu về quy hoạch xây dựng và kiến trúc do Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; chất thải rắn; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo (đối với các tỉnh có biển, đảo).”
8. Sửa đổi, bổ sung
“11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Lao động, tiền lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp; giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm); bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội.
12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo (không bao gồm nội dung quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin); việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với các địa phương có Sở Du lịch thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về du lịch do Sở Du lịch thực hiện.”
9. Sửa đổi, bổ sung
“16. Thanh tra tỉnh:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân.
17. Văn phòng Ủy ban nhân dân:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; kiểm soát thủ tục hành chính; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của địa phương; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đầu mối Cổng thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện từ phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quản lý công báo và phục vụ các hoạt động chung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý công tác quản trị nội bộ của Văn phòng.
Trường hợp không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ngoại vụ, dân tộc do Văn phòng Ủy ban nhân dân thực hiện.”
10. Sửa đổi, bổ sung
“Điều 9. Các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương
1. Sở Ngoại vụ:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia (đối với những tỉnh có đường biên giới).
Sở Ngoại vụ được thành lập khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
a) Có cửa khẩu quốc tế đường bộ;
b) Có cửa khẩu quốc tế đường hàng không;
c) Có cảng biển quốc tế;
d) Có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên (hoặc có tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 100.000 tỷ Việt Nam đồng) đang hoạt động tại địa phương, có trên 4.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại địa phương, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt từ 100.000 tỷ Việt Nam đồng trở lên, đã ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc tế với 5 địa phương trở lên.
2. Ban Dân tộc:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Ban Dân tộc được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
a) Có ít nhất 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản;
b) Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;
c) Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
3. Sở Du lịch:
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch.
Sở Du lịch được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
a) Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội (có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia hoặc đô thị du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, nổi bật);
b) Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) hàng năm của địa phương với tỷ trọng từ 10% trở lên trong 5 năm liên tục.
4. Sở Quy hoạch - Kiến trúc (được thành lập ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh):
Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc.”
11. Sửa đổi, bổ sung
“Điều 10. Bộ trưởng Bộ Nội vụ
1. Trình Chính phủ quy định khung về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, chi cục, cấp phòng thuộc sở, cấp phòng thuộc chi cục thuộc sở và cấp phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
3. Tổng hợp, theo dõi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.”
12. Sửa đổi, bổ sung
“Điều 11. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
1. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ đối với sở theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
2. Hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục thuộc sở.
3. Hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở theo ngành, lĩnh vực quản lý.
4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.”
13. Sửa đổi, bổ sung
“Điều 12. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của sở phù hợp với hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng Phó Giám đốc của sở phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các tiêu chí quy định tại Nghị định này.
2. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục thuộc sở phù hợp với hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực; quyết định việc thành lập chi cục thuộc sở và cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc sở theo quy định tại Nghị định này.
3. Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ Nội vụ.
4. Quyết định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, phân cấp hoặc ủy quyền cho sở và Giám đốc sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
5. Căn cứ quy định khung của Chính phủ và theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ, quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, chi cục thuộc sở, phòng và tương đương thuộc sở, phòng thuộc chi cục thuộc sở và phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương và không được thấp hơn quy định khung của Chính phủ.
6. Hàng năm, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nội vụ và bộ quản lý ngành, lĩnh vực về tình hình tổ chức và hoạt động của sở.
7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.”
14. Sửa đổi, bổ sung
“Điều 13. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Lãnh đạo, chỉ đạo sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc sở và Phó Giám đốc sở theo quy định của Đảng và của pháp luật.
3. Quyết định số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị thuộc sở theo đề nghị của Giám đốc sở, phù hợp với tiêu chí quy định tại Nghị định này.”
Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp
1. Các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Việc sắp xếp các tổ chức thuộc sở theo tiêu chí quy định tại Nghị định này hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2021.
3. Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại tổ chức, số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định tại Nghị định này, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung và phải có giải pháp điều chỉnh, sắp xếp lại số cấp phó vượt quy định để bảo đảm trong thời hạn 3 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị phải thực hiện theo đúng quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2020.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
- Ban Bí thư Trung ương Đảng; | TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 31/2016/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Quyết định 3927/QĐ-BNV năm 2016 về giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 3Nghị định 108/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- 1Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- 2Văn bản hợp nhất 1/VBHN-BNV năm 2020 hợp nhất Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Nội vụ ban hành
- 1Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Thông tư 31/2016/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Quyết định 3927/QĐ-BNV năm 2016 về giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 5Nghị định 108/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- 6Kết luận 34-KL/TW năm 2018 thực hiện mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 7Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 8Thông tư 07/2020/TT-BTP hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Bộ Tư pháp ban hành
- 9Thông tư 05/2021/TT-BTNMT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10Thông tư 5/2021/TT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 11Thông tư 01/2021/TT-UBDT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- 12Thông tư 03/2021/TT-BNG hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về công tác đối ngoại của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành
- 13Thông tư 11/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 14Thông tư 04/2022/TT-BCT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 15Thông tư 15/2022/TT-BVHTTDL hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 16Thông tư 30/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 17Thông tư 15/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành
- 18Thông tư 34/2023/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Số hiệu: 107/2020/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 14/09/2020
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 895 đến số 896
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra