Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TNG CỤC TIÊU CHUN
ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1983/QĐ-TĐC

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP VỚI QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 9:2012/BKHCN VỀ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ (EMC) ĐỐI VỚI CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ GIA DỤNG VÀ CÁC MỤC ĐÍCH TƯƠNG TỰ

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Quyết định số 27/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

Căn cứ Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự;

Căn cứ Thông tư số 13/2013/TT-BKHCN ngày 12 tháng 4 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 9 năm 2011, Thông tư số 10/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 4 năm 2012 và Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ (EMC) đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, các tổ chức chứng nhận được chỉ định và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu VP, HCHQ.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Trần Văn Vinh

 

HƯỚNG DẪN

CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP VỚI QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA QCVN 9:2012/BKHCN VỀ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ (EMC) ĐỐI VỚI CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ GIA DỤNG VÀ CÁC MỤC ĐÍCH TƯƠNG TỰ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1983/QĐ-TĐC ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

1. Mục đích và phạm vi áp dụng

1.1. Văn bản này hướng dẫn việc chứng nhận sự phù hợp về giới hạn phát xạ nhiễu điện từ theo QCVN 9:2012/BKHCN cho các thiết bị điện và điện tử gia dụng (với dòng điện làm việc danh định không lớn hơn 25A mỗi pha) được sản xuất và nhập khẩu (sau đây viết tắt là chứng nhận hợp quy).

1.2. Văn bản này áp dụng đối với các tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện việc chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN (sau đây viết tắt là tổ chức chứng nhận) và các doanh nghiệp có liên quan.

2. Căn cứ thực hiện

2.1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây viết tắt là quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN);

2.2. Thông tư số 13/2013/TT-BKHCN ngày 12 tháng 4 năm 2013 về việc sửa đổi một số điều của Thông tư số 21/2011/TT-BKHCN, Thông tư số 10/2012/TT-BKHCN, Thông tư số 11/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây viết tắt là Thông tư số 13/2013/TT-BKHCN);

2.3. Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây viết tắt là Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN).

3. Thuật ngữ và định nghĩa

3.1. Doanh nghiệp: đại diện pháp lý (chủ thương hiệu, nhà sản xuất có đủ quyền sở hữu hợp pháp với thương hiệu, đại diện được ủy quyền duy nhất đối với sản phẩm tại Việt Nam) của sản phẩm cần chứng nhận hợp quy.

3.2. Kiểu loại (model): Các sản phẩm điện và điện tử có cùng một tên gọi hay nhãn hiệu, có cùng một thiết kế và kết cấu.

3.3. Lô sản phẩm/hàng hóa: Tập hợp một kiểu loại sản phẩm hàng hóa có cùng tên gọi hay nhãn hiệu, cùng thiết kế và kết cấu, có cùng công dụng, cùng một cơ sở sản xuất hoặc được nhập khẩu cùng một chuyến hàng và theo cùng một bộ hồ sơ nhập khẩu.

3.4. Mẫu thử nghiệm điển hình (gọi tắt là mẫu điển hình): là mẫu đại diện của quá trình sản xuất bình thường, mang đầy đủ các đặc tính kỹ thuật, thiết kế, kết cấu đặc trưng và hoàn chỉnh của kiểu loại thiết bị đăng ký chứng nhận và dùng để thử nghiệm điển hình.

3.5. Thử nghiệm điển hình (type- test): là việc tiến hành thực hiện xác định các đặc tính kỹ thuật của mẫu điển hình (Mục 3.4) của kiểu loại sản phẩm theo thủ tục hoặc quy trình được quy định tại tiêu chuẩn hay quy định kỹ thuật làm căn cứ kỹ thuật cho việc đánh giá, chứng nhận sự phù hợp.

3.6. Kết quả thử nghiệm điển hình (type test report): là kết quả của quá trình thử nghiệm trên mẫu điển hình và phải có nội dung như quy định tại Phụ lục 1.

3.7. Thiết bị đun nước nóng tức thời (instantaneous water heater): là thiết bị tĩnh tại, dùng để đun nóng nước khi nước được dẫn qua thiết bị sử dụng với mục đích tắm rửa, không bao gồm các cây nóng lạnh hoặc bình đun nước nóng khác.

3.8. Máy khoan cầm tay hoạt động bằng động cơ điện (Hand-held motor-operated electronic drill): là dụng cụ sử dụng động cơ điện được thiết kế để khoan các lỗ trong các vật liệu khác nhau như kim loại, gỗ, chất dẻo được thiết kế để dễ dàng mang đến nơi làm việc, có thể được cầm, đỡ bằng tay hoặc được treo lên trong quá trình làm việc. Máy khoan này có thể có trục mềm và động cơ cố định hay di động.

3.9. Máy hút bụi (vacuum cleaner): là một thiết bị hoạt động bằng bơm điện tạo một phần chân không để hút bụi hay các chất bẩn.

3.10. Máy giặt (washing machine): thiết bị sử dụng nước để làm sạch và làm khô các sản phẩm dệt may.

3.11. Tủ lạnh, tủ đá (refrigerator, freezer): thiết bị được làm lạnh với hệ thống làm lạnh kiểu bơm nén chạy bằng điện, có một hay nhiều ngăn để bảo quản thực phẩm, thức uống hay các đồ vật khác có mục đích tương tự thuộc phạm vi sử dụng ở nhiệt độ cần thiết.

3.12. Máy điều hòa không khí (air conditioner): cụm hoặc các cụm thiết bị bao gồm ít nhất một bộ phận nén môi chất làm lạnh hoạt động bằng điện, bộ phận trao đổi nhiệt, được thiết kế chủ yếu để cung cấp không khí được kiểm soát theo một hay các thông số lý hóa (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ lưu thông không khí, dòng ion ...) định trước phù hợp cho một vùng không gian xác định.

3.13. Bóng đèn có balat lắp liền (Self-ballasted lamp): là một khối liên kết không thể tháo rời mà không bị hỏng, có sẵn đầu đèn kết hợp với nguồn sáng và các linh kiện bổ sung cần thiết để khởi động và ổn định nguồn sáng (không bao gồm đèn LED).

4. Nguyên tắc thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp, sử dụng tổ chức thử nghiệm

4.1. Tổ chức chứng nhận có thể xem xét và ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau với tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước xuất khẩu có đủ năng lực thực hiện các yêu cầu theo quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN. Việc ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau phải được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

4.2. Tổ chức chứng nhận có thể xem xét sử dụng kết quả đánh giá chứng nhận sự phù hợp của tổ chức chứng nhận có năng lực từ các nước xuất khẩu thực hiện. Các tổ chức này phải được tổ chức công nhận là thành viên của PAC hoặc IAF hoặc thuộc Chương trình chứng nhận an toàn của Ủy ban điện quốc tế IEC (IEC CB Scheme) công nhận có năng lực phù hợp với các yêu cầu quy định đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO/IEC Guide 65 hoặc ISO/IEC 17065 và/hoặc được thừa nhận theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia tương ứng với phạm vi các sản phẩm và tiêu chuẩn được quy định tại quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN.

4.3. Tổ chức chứng nhận có thể xem xét sử dụng kết quả thử nghiệm điển hình được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm của nước xuất khẩu. Tổ chức thử nghiệm này đã được tổ chức công nhận là thành viên của ILAC, APLAC hoặc thuộc Chương trình chứng nhận an toàn của Ủy ban điện quốc tế IEC (IEC CB Scheme) công nhận có năng lực phù hợp với các quy định tại tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 đối với phạm vi thử nghiệm và/hoặc được thừa nhận theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đối với sản phẩm theo các tiêu chuẩn tương ứng được quy định tại quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN.

4.4. Khi thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp hoặc sử dụng phòng thử nghiệm phục vụ chứng nhận hợp quy, tổ chức chứng nhận phải báo cáo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các thông tin về tổ chức đánh giá sự phù hợp hoặc phòng thử nghiệm được sử dụng để theo dõi, quản lý.

Khi cần thiết, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tổ chức kiểm tra việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, sử dụng tổ chức thử nghiệm của các tổ chức chứng nhận cũng như năng lực của tổ chức đánh giá sự phù hợp trước hoặc sau khi được thừa nhận hoặc sử dụng.

4.5. Khi thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp hoặc sử dụng tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận phải chịu trách nhiệm về kết quả chứng nhận cuối cùng.

5. Đánh giá chứng nhận hợp quy

5.1. Việc chứng nhận hợp quy sản phẩm điện và điện tử theo quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN được áp dụng theo phương thức thử nghiệm mẫu điển hình (Phương thức 1 quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN).

5.2. Hồ sơ đăng ký chứng nhận hợp quy sản phẩm điện và điện tử theo quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN do doanh nghiệp lập theo hướng dẫn của tổ chức chứng nhận bao gồm:

a) Giấy yêu cầu chứng nhận hợp quy của doanh nghiệp (theo mẫu của tổ chức chứng nhận);

b) Tài liệu kỹ thuật (Mô tả kỹ thuật thiết bị, sơ đồ mạch, danh mục linh kiện sử dụng trong thiết bị...);

c) Các hình ảnh (ngoại quan và chi tiết bên trong) của sản phẩm;

d) Các tài liệu hướng dẫn sử dụng cho sản phẩm (hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn lắp đặt);

đ) Kết quả chứng nhận sự phù hợp (Giấy chứng nhận) của sản phẩm với quy định tại quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN của tổ chức chứng nhận được chỉ định hay thừa nhận (nếu có);

e) Kết quả thử nghiệm (KQTN) điển hình mức phát xạ nhiễu điện từ phát ra với các chỉ tiêu quy định tại tiêu chuẩn áp dụng tương ứng với sản phẩm theo quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN (nếu có).

Trường hợp doanh nghiệp đã có Giấy chứng nhận (điểm đ Mục này) hoặc KQTN điển hình (điểm e Mục này), tổ chức chứng nhận xem xét sự phù hợp của thông tin trên Giấy chứng nhận, KQTN điển hình so với mẫu hàng hóa thực tế và các thông tin được cung cấp từ điểm (b) đến điểm (d) Mục này:

- Nếu hoàn toàn phù hợp, tổ chức chứng nhận cấp Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp theo quy định tại Mục 5.6 của Hướng dẫn này.

- Nếu không phù hợp, tổ chức xem xét và thực hiện theo các quy định tại Mục 5.3 đến Mục 5.6 của Hướng dẫn này.

5.3. Lấy mẫu điển hình

a) Mẫu dùng để thử nghiệm điển hình do doanh nghiệp tự cung cấp theo hướng dẫn của tổ chức chứng nhận. Đối với các lô hàng nhập khẩu, tổ chức chứng nhận cần hướng dẫn doanh nghiệp chủ động chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký và thực hiện đánh giá sự phù hợp của mẫu điển hình cho hàng hóa thuộc lô hàng trước khi nhập khẩu. Đối với lô hàng nhập khẩu tiếp theo có cùng chủng loại hàng hóa đã được cấp giấy chứng nhận trước đó (giấy chứng nhận vẫn còn hiệu lực), tổ chức chứng nhận hướng dẫn doanh nghiệp không phải gửi mẫu điển hình để thử nghiệm (trừ trường hợp có sự thay đổi nêu tại Mục 5.8 Hướng dẫn này).

Đối với trường hợp sử dụng kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm của nước xuất khẩu được quy định tại Mục 4 của Hướng dẫn này, doanh nghiệp cung cấp 01 mẫu.

Đối với trường hợp sử dụng tổ chức thử nghiệm trong nước, số mẫu dùng để thử nghiệm điển hình tối thiểu là 02 mẫu đối với mỗi kiểu loại, trong đó một mẫu dùng để thử nghiệm điển hình và một mẫu để dự phòng. Mẫu dự phòng này sẽ được sử dụng trong trường hợp mẫu chính bị hư hỏng hoặc được dùng để đối chiếu, so sánh khi cần. Thời gian lưu mẫu là 90 ngày kể từ ngày phát hành Giấy chứng nhận và mẫu sẽ hoàn trả lại doanh nghiệp sau khi hết thời hạn lưu mẫu.

b) Khi giao nhận/trả mẫu, phải lập biên bản có chữ ký xác nhận của đại diện doanh nghiệp và người tiếp nhận mẫu của tổ chức chứng nhận. Mẫu phải được chụp ảnh (tổng quan và chi tiết đủ để mô tả về sản phẩm) và lưu trong hồ sơ của tổ chức chứng nhận.

c) Các công việc liên quan như phương pháp niêm phong/ký hiệu mẫu, vận chuyển, bảo quản mẫu, thời gian nhận mẫu, thời gian lưu mẫu, thông báo kết quả thử nghiệm, bảo mật, và các nội dung cần thiết khác được tổ chức chứng nhận giải thích rõ và thống nhất với doanh nghiệp và tổ chức thử nghiệm trước khi tiến hành.

5.4. Thử nghiệm mẫu điển hình

5.4.1. Mẫu được tiến hành thử nghiệm điển hình các chỉ tiêu kỹ thuật quy định tại các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng quy định tại quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN như sau:

a) Đối với các nhóm sản phẩm mô tả từ Mục 3.7 đến Mục 3.12 của Hướng dẫn này, được tiến hành thử nghiệm các chỉ tiêu quy định tại Điều 4 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7492-1:2010 (CISPR 14-1:2009);

b) Đối với nhóm sản phẩm mô tả tại Mục 3.13 của Hướng dẫn này, được tiến hành thử nghiệm các chỉ tiêu quy định tại Điều 4 và áp dụng mức giới hạn quy định tại Điều 5.4 của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7186:2010 (CISPR 15:2009).

5.4.2. Tiến hành chụp ảnh chi tiết sản phẩm (ngoại quan và chi tiết bên trong sản phẩm, các linh kiện chính, bản mạch...) trong quá trình thử nghiệm mẫu điển hình.

5.4.3. Mẫu phải được thử nghiệm điển hình tại tổ chức thử nghiệm được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định. Khi xem xét sử dụng hoặc thừa nhận tổ chức thử nghiệm của nước xuất khẩu phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định tại Mục 4 của Hướng dẫn này.

5.5. Đánh giá - xử lý kết quả thử nghiệm

5.5.1. Kết quả thử nghiệm mẫu điển hình được xem là phù hợp với quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN khi kết quả thử nghiệm của tất cả các chỉ tiêu kỹ thuật đều phù hợp với quy định tại Điều 4 của TCVN 7492-1:2010 (CISPR 14-1:2009) và Điều 4, Điều 5.4 của TCVN 7186:2010 (CISPR 15:2009).

5.5.2. Kết quả thử nghiệm mẫu điển hình được xem là không phù hợp khi có bất kỳ một chỉ tiêu nào không phù hợp với quy định tương ứng như đã nêu tại Mục 5.5.1 của Hướng dẫn này tại thời điểm đánh giá.

5.5.3. Trường hợp mẫu điển hình không phù hợp với quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN (xem Mục 5.5.2), tổ chức chứng nhận có văn bản thông báo đến doanh nghiệp nêu rõ lý do mẫu sản phẩm chưa đủ điều kiện chứng nhận để doanh nghiệp thực hiện việc khắc phục. Sau khi khắc phục về mặt kỹ thuật, doanh nghiệp thông báo đến tổ chức chứng nhận kết quả khắc phục và có thể gửi mẫu lần 2 đối với loại sản phẩm đã được khắc phục để tiến hành các trình tự quy định từ Mục 5.3 đến Mục 5.5 của Hướng dẫn này. Kết quả thử nghiệm và đánh giá mẫu điển hình lần 2 là kết quả cuối cùng.

5.6. Cấp Giấy chứng nhận hợp quy và cho phép sử dụng dấu hợp quy

5.6.1. Tổ chức chứng nhận thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận phù hợp với quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN cho doanh nghiệp khi mẫu điển hình đáp ứng với yêu cầu quy định tại Mục 5.5.1 của Hướng dẫn này. Giấy chứng nhận (theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Hướng dẫn này) có thời hạn hiệu lực 03 năm kể từ ngày ký.

5.6.2. Tổ chức chứng nhận hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dấu hợp quy (CR) trên sản phẩm tương ứng với mẫu điển hình theo quy định của pháp luật. Cách thể hiện dấu hợp quy (CR) và các thông tin liên quan trên sản phẩm được quy định tại Phụ lục 3 của Hướng dẫn này. Trường hợp, sản phẩm điện và điện tử thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn QCVN 4:2009/BKHCN và quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN thì dấu hợp quy (CR) chỉ được gắn lên sản phẩm khi đã đáp ứng tất cả các yêu cầu quy định tại cả 02 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này.

5.6.3. Giấy chứng nhận đã cấp chỉ có giá trị đối với các kiểu, loại sản phẩm đã được chứng nhận thông qua thử nghiệm mẫu điển hình và không thay thế cho nghĩa vụ của doanh nghiệp về chất lượng và an toàn đối với sản phẩm được chứng nhận. Doanh nghiệp không được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng giấy và dấu hợp quy (CR) cho pháp nhân khác mà không có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức chứng nhận.

5.7. Giám sát đột xuất, chứng nhận lại và chứng nhận mở rộng

5.7.1. Khi có khiếu nại hoặc khi sản phẩm, hàng hóa trên thị trường có vấn đề về chất lượng, tổ chức chứng nhận phải tiến hành đánh giá giám sát đột xuất tại doanh nghiệp sản xuất. Đánh giá giám sát đột xuất bao gồm việc lấy mẫu và thử nghiệm mẫu điển hình.

5.7.2. Kết quả đánh giá giám sát đột xuất là căn cứ để tổ chức chứng nhận đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp cho doanh nghiệp. Trường hợp kết quả thử nghiệm mẫu điển hình không đạt, tổ chức chứng nhận đình chỉ hiệu lực giấy chứng nhận không quá 03 tháng. Nếu quá 03 tháng, doanh nghiệp sản xuất không hoàn tất việc khắc phục các nội dung không phù hợp, tổ chức chứng nhận xem xét và quyết định hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận.

5.7.3. Ba (03) tháng trước ngày hết hiệu lực của Giấy chứng nhận, tổ chức chứng nhận thông báo đến doanh nghiệp để thực hiện thủ tục chứng nhận lại. Thủ tục chứng nhận lại được thực hiện theo quy định tại Mục 5.3, Mục 5.4 và Mục 5.5 của Hướng dẫn này.

Tuy nhiên, đối với trường hợp mẫu điển hình không có sự thay đổi về kết cấu, kích thước và có bằng chứng chứng minh doanh nghiệp kiểm soát đầy đủ sự phù hợp của sản phẩm trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp, tổ chức chứng nhận có thể không thực hiện việc thử nghiệm mẫu điển hình tại tổ chức thử nghiệm.

5.7.4. Khi có nhu cầu chứng nhận mở rộng đối với các sản phẩm điện và điện tử, doanh nghiệp lập hồ sơ theo quy định tại Mục 5.2 của Hướng dẫn này và gửi đến tổ chức chứng nhận được chỉ định. Tổ chức chứng nhận thực hiện việc đánh giá chứng nhận theo quy định tại Mục 5.3, Mục 5.4 và Mục 5.5 của Hướng dẫn này.

5.8. Thay đổi sau khi chứng nhận

5.8.1. Thay đổi đối với sản phẩm được chứng nhận

a) Khi doanh nghiệp có bất cứ yêu cầu thay đổi nào đối với sản phẩm đã được cấp chứng nhận (thay đổi linh kiện, kết cấu hay thiết kế của sản phẩm...) nhưng vẫn muốn giữ nguyên các thông tin liên quan đến sản phẩm (thông tin nhận dạng như nhãn hiệu, kiểu loại, thông số kỹ thuật, công bố về tính năng sử dụng...), doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức chứng nhận các thông tin chi tiết liên quan đến sự thay đổi trên sản phẩm để được xem xét hoặc thử nghiệm bổ sung và đánh giá về sự phù hợp trước khi chấp nhận để doanh nghiệp đưa vào sản xuất hay lưu thông;

b) Tổ chức chứng nhận phải tiến hành xem xét, lập hồ sơ bổ sung đánh giá kỹ thuật về tác động của sự thay đổi đến sự phù hợp tổng thể của sản phẩm để quyết định việc tiếp tục duy trì kết quả chứng nhận đối với sản phẩm (kèm theo các thông tin bổ sung về sự thay đổi). Trong trường hợp cần thiết, có thể đánh giá chứng nhận lại theo Hướng dẫn này;

c) Trong mọi trường hợp thay đổi, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo các thay đổi không làm giảm mức độ an toàn của sản phẩm.

5.8.2. Thay đổi các chi tiết về doanh nghiệp

a) Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận phải thông báo chính thức bằng văn bản đến tổ chức chứng nhận về các thay đổi:

- Khi có sự thay đổi về tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, tên người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp, fax, e-mail ...;

- Khi ngừng sản xuất quá 03 tháng;

- Khi giải thể hoặc phá sản.

b) Tổ chức chứng nhận phải cập nhật các thông tin thay đổi vào hồ sơ, xem xét để có quyết định thích hợp và thông báo bằng văn bản chấp nhận sự thay đổi cho doanh nghiệp.

5.9. Đình chỉ, thu hồi Giấy chứng nhận

5.9.1. Trong trường hợp có ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền hay có bằng chứng về sự không phù hợp của sản phẩm và/hoặc doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hoặc kết quả đánh giá giám sát nêu tại Mục 5.7 không đáp ứng yêu cầu hoặc không thông báo cho tổ chức chứng nhận về sự thay đổi đối với sản phẩm điện và điện tử đã được chứng nhận; tùy theo mức độ vi phạm, tổ chức chứng nhận phải thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp như đình chỉ (không quá 03 tháng) hoặc thu hồi giấy chứng nhận, quyền sử dụng dấu chứng nhận đã cấp. Tổ chức chứng nhận phải quy định cụ thể các điều kiện đình chỉ và thu hồi Giấy chứng nhận.

5.9.2. Khi bị đình chỉ, doanh nghiệp có trách nhiệm tạm ngừng lưu thông sản phẩm đã được chứng nhận; thu hồi hàng hóa liên quan trên thị trường, thống kê lượng hàng tồn kho mang dấu hợp quy CR; thông báo cho tổ chức chứng nhận và cơ quan quản lý có thẩm quyền biết đồng thời thực hiện các hành động khắc phục.

5.9.3. Nếu quá thời hạn đình chỉ, mà không nhận được bằng chứng khắc phục thỏa đáng có liên quan đến nội dung đình chỉ, tổ chức chứng nhận xem xét và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp. Trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận, doanh nghiệp phải hoàn trả lại Giấy chứng nhận đã cấp, không được sử dụng dấu CR trên sản phẩm liên quan kể từ ngày quyết định đình chỉ tạm thời có hiệu lực.

6. Một số yêu cầu về lưu giữ hồ sơ của tổ chức chứng nhận

Tổ chức chứng nhận phải lưu giữ ở dạng bản cứng hay dữ liệu ở dạng điện tử (đĩa CD, DVD, thẻ nhớ, băng từ... với định dạng thích hợp cho việc đọc và tra cứu) tối thiểu trong vòng 05 năm kể từ khi chấm dứt, hủy bỏ, thu hồi hoặc đình chỉ hoàn toàn hiệu lực chứng nhận đối với toàn bộ các tài liệu, văn bản, hình ảnh liên quan đến sản phẩm/hàng hóa được chứng nhận như:

a) Tài liệu, giấy tờ liên quan đến hồ sơ yêu cầu chứng nhận hợp quy;

b) Các biên bản, báo cáo đánh giá, hình ảnh chi tiết liên quan đến mẫu điển hình;

c) Kết quả thử nghiệm điển hình, báo cáo đánh giá, hình ảnh sản phẩm, chi tiết cấu thành sản phẩm;

d) Giấy chứng nhận hợp quy;

e) Các tài liệu khác có liên quan hình thành trong quá trình chứng nhận hợp quy.

7. Các tài liệu, biểu mẫu sử dụng

- Phụ lục 1: Mẫu nội dung thông tin kết quả thử nghiệm điển hình.

- Phụ lục 2: Mẫu Giấy chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự được đánh giá chứng nhận theo phương thức 1.

- Phụ lục 3: Hướng dẫn cách thể hiện dấu hợp quy (CR) và các thông tin liên quan trên sản phẩm thiết bị điện và điện tử gia dụng phù hợp quy chuẩn QCVN 09:2012/BKHCN.

 

PHỤ LỤC 1

NỘI DUNG THÔNG TIN CỦA KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM ĐIỂN HÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1983/QĐ-TĐC ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

I. Kết quả thử nghiệm điển hình cần được trình bày với nội dung chính như sau:

1. Thông tin cơ bản về tổ chức thử nghiệm, thông tin về mẫu, doanh nghiệp, thời gian thử nghiệm/General information of the Testing Laboratory, the submitted sample, Manufacturer, testing time period.

2. Tóm tắt kết quả thử nghiệm - Summary of Test Result.

3. Mô tả thiết bị thử - EUT (Equipment under Test) Description.

3.1. Hình chụp EUT - Photograph of EUT.

3.2. Thông tin về EUT - EUT information.

3.3. Chế độ vận hành của EUT - EUT operation.

4. Thiết bị thử nghiệm - Test facility and instrument.

5. Chi tiết các phép thử: thông tin từ mỗi phép thử phải bao gồm

Mô tả thử nghiệm - Test description;

Sơ đồ thiết lập thử nghiệm - Test set-up schema;

Hình chụp thử nghiệm - Photograph;

Dữ liệu đo - Measurement Data.

(nếu phép thử không áp dụng, phải nêu rõ lý do)

II. Khuyến khích tổ chức thử nghiệm sử dụng mẫu kết quả thử nghiệm do Chương trình chứng nhận an toàn thiết bị điện, điện tử của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC-CB) ban hành (master TRF cho tiêu chuẩn CISPR 14-1 và CISPR 15).

 

PHỤ LỤC 2

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP QUY ĐỐI VỚI SẢN PHẨM ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ GIA DỤNG ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP VỚI QUY CHUẨN QCVN 9:2012/BKHCN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1983/QĐ-TĐC ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

Tên Tổ chức Chứng nhận

(logo nếu có)

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

Số:…………

Chứng nhận:

Tên sản phẩm (mô tả tên sản phẩm với thông số kỹ thuật cơ bản và danh định):

…………………………………………………………………………………………….

Nhãn hiệu thương mại:…………………………………………………………………

Kiểu loại (model):...................................................................................................

 

Được sản xuất tại: (Tên, địa chỉ doanh nghiệp sản xuất)

 

Được nhập khẩu bởi: (Tên, địa chỉ doanh nghiệp nhập khẩu, nếu có)

 

Phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN và được phép sử dụng dấu hợp quy (CR)

 

Phương thức chứng nhận:       Phương thức 1

(theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ)

 

 

Đại diện có thẩm quyền của Tổ chức Chứng nhận
(Ký tên, đóng dấu)

 

 

Ngày cấp: ……………………

Ngày hết hiệu lực: ……………(hoặc ghi: 03 năm kể từ ngày cấp)

 

PHỤ LỤC 3

HƯỚNG DẪN CÁCH THỂ HIỆN DẤU HỢP QUY (CR) VÀ CÁC THÔNG TIN LIÊN QUAN TRÊN SẢN PHẨM THIẾT BỊ ĐIỆN VÀ ĐIỆN TỬ GIA DỤNG PHÙ HỢP VỚI QUY CHUẨN QCVN 9:2012/BKHCN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1983/QĐ-TĐC ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

1. Hình dạng, kích thước của dấu hợp quy (dấu CR) được quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Cách thể hiện dấu hợp quy (CR) và các thông tin liên quan trên sản phẩm điện và điện tử gia dụng được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN theo phương thức 1 (thử nghiệm mẫu điển hình):

2.1. Đối với các sản phẩm điện và điện tử thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN, dấu hợp quy (CR) và các thông tin liên quan được thể hiện theo Hình 1 dưới đây:

Hình 1

Trong đó:

+ E: Chữ đầu của nhóm từ EMC (được quản lý theo QCVN 9:2012/BKHCN).

+ XXXX: Số giấy chứng nhận.

+ ABC: Tên tổ chức chứng nhận (ghi tên viết tắt tiếng Việt hay tiếng nước ngoài của tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc thừa nhận với font chữ và kích thước thích hợp).

Ngoài ra, tổ chức chứng nhận có thể thể hiện logo của tổ chức (nếu cần).

2.2. Đối với sản phẩm điện và điện tử thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn QCVN 4:2009/BKHCN và quy chuẩn QCVN 9:2012/BKHCN, dấu hợp quy (CR) và các thông tin liên quan được thể hiện theo Hình 2 dưới đây:

Hình 2

Trong đó:

+ S: Chữ đầu của từ “Safety” (được quản lý theo QCVN 4:2009/BKHCN).

+ E: Chữ đầu của nhóm từ EMC (được quản lý theo QCVN 9:2012/BKHCN).

+ XXXX: Số giấy chứng nhận.

+ ABC: Tên tổ chức chứng nhận (ghi tên viết tắt tiếng Việt hay tiếng nước ngoài của tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc thừa nhận với font chữ và kích thước thích hợp).

Ngoài ra, tổ chức chứng nhận có thể thể hiện logo của tổ chức (nếu cần).

Trường hợp, thiết bị điện được chứng nhận bởi 02 tổ chức chứng nhận khác nhau thì phải thể hiện tên của cả 02 tổ chức chứng nhận.

3. Các Hình 1, 2 nêu trên cần thiết kế đảm bảo chiều dài, chiều rộng của Hình bằng nhau và thể hiện cùng một màu, tương phản với màu nền để dễ nhận biết.

4. Dấu hợp quy (CR) nêu tại Hình 1, 2 có thể được in trực tiếp trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ gắn vào sản phẩm. Dấu hợp quy (CR) phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, không thể tẩy xóa, bóc ra gắn lại.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1983/QĐ-TĐC năm 2014 Hướng dẫn chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ (EMC) đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng và các mục đích tương tự do Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành

  • Số hiệu: 1983/QĐ-TĐC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2014
  • Nơi ban hành: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng
  • Người ký: Trần Văn Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản