Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1868/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 11 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ BỐ TRÍ DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư 03/2004/TT-BNNPTNT ngày 25/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1776/QĐ-TTg

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ các văn bản của UBND tỉnh: Thông báo số 344/TB-UBND ngày 26/5/2014 v/v cho phép rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020; Quyết định số 1627/QĐ-UBND ngày 09/10/2014 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập dự án: Rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Tờ trình số 63/TTr-SNN ngày 23/3/2016) và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Báo cáo thẩm định số 459/BC-SKHĐT ngày 22/7/2016; kèm theo Biên bản họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch ngày 24/02/2016 và Kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch tại Thông báo số 01/TB-HĐTĐ ngày 04/3/2016),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Quan điểm, nguyên tắc quy hoạch bố trí ổn định dân cư.

- Bố trí, ổn định dân cư phải phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và từng huyện, thị xã, thành phố gắn với Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các xã; tuân thủ các quy hoạch ngành, lĩnh vực của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Bảo đảm tính khoa học, tính tiên tiến, liên tục và kế thừa; dựa trên các kết quả điều tra cơ bản, các định mức kinh tế - kỹ thuật, các tiêu chí, chỉ tiêu có liên quan để xây dựng rà soát, bổ sung quy hoạch cho phù hợp.

- Kết hợp chặt chẽ giữa hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường; giữa yêu cầu trước mắt với lâu dài; gắn hiệu quả bộ phận với hiệu quả tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

- Ưu tiên phương án di dời, bố trí dân cư tại địa bàn nội bộ xã, đảm bảo cự ly di chuyển ngắn, không xáo trộn về đời sống và sản xuất của người dân.

- Ưu tiên các đối tượng vùng thiên tai cần di dời cấp bách (vùng thường xuyên ngập lụt, vùng có nguy cơ lũ quét…) và các đối tượng dân cư đang sống trong vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

2. Mục tiêu.

2.1 Mục tiêu tổng quát:

Giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 phấn đấu cơ bản hoàn thành quy hoạch bố trí sắp xếp ổn định dân cư theo các đối tượng đã xác định, gắn quy hoạch bố trí dân cư với phát triển sản xuất và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh và từng địa phương nói riêng; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trên địa bàn.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Tổng số hộ được bố trí ổn định: 2.455 hộ (gồm: 1.285 hộ vùng bị thiên tai, 170 hộ vùng đặc biệt khó khăn), trong đó:

- Giai đoạn 2016 - 2020: 1.215 hộ (gồm: 1.185 hộ vùng bị thiên tai, 30 hộ vùng đặc biệt khó khăn).

- Định hướng giai đoạn 2021 - 2025: 1.240 hộ (gồm: 1.100 hộ vùng bị thiên tai, 140 hộ vùng đặc biệt khó khăn).

b) Xây dựng hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của dân cư và phúc lợi công cộng.

c) Phát triển sản xuất bền vững vùng bố trí dân cư.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch bố trí ổn định dân cư.

1.1. Số điểm dân cư bố trí ổn định theo các đối tượng:

a) Giai đoạn 2016 - 2020: 24 điểm tái định cư, trong đó:

- Đối tượng vùng bị thiên tai: 23 điểm (gồm: 21 điểm tái định cư tập trung, 02 điểm tái định cư xen ghép);

- Đối tượng vùng đặc biệt khó khăn: 01 điểm (tái định cư tập trung).

b) Định hướng giai đoạn 2021 - 2025: 22 điểm tái định cư, trong đó:

- Đối tượng vùng bị thiên tai: Có 20 điểm (gồm: 17 điểm tập trung, 03 điểm tái định cư xen ghép);

- Đối tượng vùng đặc biệt khó khăn: 02 điểm (tái định cư tập trung).

1.2. Số hộ bố trí ổn định theo các đối tượng:

a) Giai đoạn 2016 - 2020: 1.215 hộ, trong đó:

- Đối tượng vùng bị thiên tai: 1.185 hộ;

- Đối tượng vùng đặc biệt khó khăn: 30 hộ.

b) Định hướng giai đoạn 2021 - 2025: 1.240 hộ, trong đó:

- Đối tượng vùng bị thiên tai: 1.100 hộ;

- Đối tượng vùng đặc biệt khó khăn: 140 hộ.

1.3. Địa bàn bố trí ổn định:

Các dự án bố trí ổn định dân cư đều thực hiện bố trí trong nội bộ xã, có 45 dự án.

1.4. Hình thức bố trí ổn định:

- Di chuyển xen ghép: 05 dự án;

- Di chuyển đến vùng tái định cư tập trung: 40 dự án;

- Ổn định tại chỗ: 06 dự án bằng các chương trình và nguồn vốn khác.

2. Cụ thể từng địa phương.

2.1. Thành phố Tuy Hòa:

a) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 02 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 124 hộ (vùng bị thiên tai).

b) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Số điểm dân cư được bố trí ổn định: 01 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 93 hộ (vùng bị thiên tai).

2.2. Thị xã Sông Cầu:

a) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 03 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 94 hộ (vùng bị thiên tai).

b) Định hướng giai đoạn 2021 - 2025:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 06 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 243 hộ (vùng bị thiên tai).

2.3. Huyện Tuy An:

a) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 03 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 83 hộ (vùng bị thiên tai).

b) Định hướng giai đoạn 2021 - 2025:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 05 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 229 hộ (vùng bị thiên tai).

2.4. Huyện Đồng Xuân:

a) Giai đoạn 2016-2020:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 04 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 184 hộ (vùng bị thiên tai: 154 hộ, vùng đặc biệt khó khăn: 30 hộ).

b) Định hướng giai đoạn 2021-2025:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 03 điểm (gồm: 02 điểm tái định cư tập trung, 01 điểm tái định cư xen ghép).

- Số hộ được bố trí ổn định: 155 hộ (vùng bị thiên tai: 15 hộ, vùng đặc biệt khó khăn: 140 hộ).

2.5. Huyện Phú Hòa:

a) Giai đoạn 2016-2020:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 02 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 130 hộ (vùng bị thiên tai).

b) Định hướng giai đoạn 2021-2025:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 03 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 130 hộ (vùng bị thiên tai).

2.6. Huyện Sơn Hòa:

a) Giai đoạn 2016-2020:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 03 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 280 hộ (vùng bị thiên tai).

b) Giai đoạn 2021-2025:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 02 điểm (gồm: 01 điểm tái định cư tập trung, 01 điểm tái định cư xen ghép).

- Số hộ được bố trí ổn định: 120 hộ (vùng bị thiên tai).

2.7. Huyện Sông Hinh:

a) Giai đoạn 2016-2020:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 02 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 210 hộ (vùng bị thiên tai).

b) Giai đoạn 2021-2025:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 01 điểm (tái định cư tập trung).

- Số hộ được bố trí ổn định: 250 hộ (vùng bị thiên tai).

2.8. Huyện Tây Hòa:

Thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, trong đó:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 03 điểm (gồm: 02 điểm tái định cư tập trung, 01 điểm tái định cư xen ghép).

- Số hộ được bố trí ổn định: 76 hộ (vùng bị thiên tai).

2.9. Huyện Đông Hòa:

a) Giai đoạn 2016-2020: 34 hộ, 123 nhân khẩu.

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 02 điểm (gồm: 01 điểm tái định cư tập trung, 01 điểm tái định cư xen ghép).

- Số hộ được bố trí ổn định: 34 hộ (vùng bị thiên tai).

b) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Số điểm bố trí ổn định dân cư: 01 điểm (tái định cư xen ghép).

- Số hộ được bố trí ổn định:20 hộ (vùng bị thiên tai).

3. Nhu cầu sử dụng đất.

Căn cứ vào quy hoạch bố trí ổn định dân cư, tổng nhu cầu sử dụng đất để bố trí ổn định dân cư trên địa bàn toàn tỉnh là: 74,26 ha. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020: 40,13 ha; giai đoạn 2021 - 2025: 34,13 ha.

Bảng nhu cầu sử dụng đất để bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2016-2025

STT

Địa phương

Diện tích (ha)

Giai đoạn 2016 - 2020

Định hướng 2021 - 2025

Tổng 2016 - 2025

1

Thành phố Tuy Hòa

3,20

2,36

5,56

2

Thị xã Sông Cầu

2,67

6,15

8,82

3

Huyện Tuy An

2,81

6,39

9,20

4

Huyện Đồng Xuân

5,74

4,38

10,12

5

Huyện Phú Hòa

4,20

4,68

8,88

6

Huyện Sơn Hòa

7,50

2,77

10,27

7

Huyện Sông Hinh

10,40

7,10

17,14

8

Huyện Tây Hòa

3,05

-

3,05

9

Huyện Đông Hòa

0,56

0,30

0,86

 

Tổng

40,13

34,13

74,26

4. Nhu cầu vốn đầu tư.

4.1. Tổng vốn đầu tư:

a) Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án bố trí ổn định dân cư theo Chương trình bố trí ổn định dân cư (Quyết định 1776/QĐ-TTg) giai đoạn 2016 - 2025: 269,8 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 220,7 tỷ đồng

- Vốn sự nghiệp kinh tế: 49,1 tỷ đồng

b) Phân nguồn:

- Vốn ngân sách Trung ương: 268,3 tỷ đồng

- Vốn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác: 1,5 tỷ đồng (đối với các dự án chuyển tiếp thực hiện trước năm 2016).

4.2. Phân kỳ vốn đầu tư:

a) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 131,6 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn đầu tư phát triển: 107,3 tỷ đồng.

+ Vốn sự nghiệp kinh tế: 24,3 tỷ đồng.

- Phân nguồn:

+ Nguồn vốn ngân sách Trung ương: 130,1 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn ngân sách địa phương: 1,5 tỷ đồng.

b) Giai đoạn 2021 - 2025:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 138,2 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn đầu tư phát triển: 113,4 tỷ đồng.

+ Vốn sự nghiệp kinh tế: 24,8 tỷ đồng.

- Phân nguồn: Vốn ngân sách Trung ương: 138,2 tỷ đồng.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền vận động.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đồng thuận, lấy ý kiến của các hộ dân trước khi thực hiện di dời.

- Phân công rõ ràng, gắn quyền hạn, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành; tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến sâu rộng.

- UBND các cấp, đặc biệt là cấp xã cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu được sự nguy hiểm ở vùng bị thiên tai, lợi ích từ chương trình bố trí ổn định dân cư, vận động nhân dân di dời đến các khu tái định cư.

- Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, quần chúng, các tổ chức xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ,…

2. Cơ chế chính sách.

2.1. Chính sách đất đai:

- UBND cấp huyện và xã cần có biện pháp thu hồi diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả của các tổ chức, cá nhân hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư theo đúng quy định.

- Miễn, giảm tiền sử dụng đất ở đối với hộ di dân ở vùng thiên tai, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn tương tự như hộ dân làng chài, dân cư trên sông nước đầm phá theo đúng quy định tại Quyết định số 33/2011/QĐ-TTg ngày 10/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn tiền sử dụng đất ở cho hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư.

- Giải quyết vị trí đất ở cũ của các hộ dân: Về nguyên tắc không được chuyển nhượng, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp tục hoạt động sản xuất khi không có thiên tai.

2.2. Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ từ nguồn đầu tư phát triển để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đối với vùng bố trí ổn định dân cư tập trung theo đúng quy định tại Điểm 2.b, Điều 3 Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2.3. Chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bố trí ổn định dân cư của Quy hoạch này theo đúng quy định.

2.4. Chính sách hỗ trợ cộng đồng bố trí dân cư xen ghép:

Thực hiện chính sách hỗ trợ cộng đồng bố trí dân cư xen ghép đúng theo Điểm 2.d, Điều 3 Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2.5. Chính sách hỗ trợ gián tiếp:

Ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp thuộc Chương trình ổn định dân cư, các địa phương cần lồng ghép các chính sách gián tiếp thuộc các chương trình liên quan khác để hỗ trợ cho các hộ thuộc diện bố trí ổn định dân cư trong Quy hoạch này, góp phần giúp người dân ổn định đời sống lâu dài nơi tái định cư.

2.6. Các chính sách khác:

- Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ gia đình được bố trí ổn định đến vùng dự án bố trí dân cư nhưng không bảo đảm quỹ đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống; phát triển sản xuất thực hiện theo quy định của các chính sách hiện hành;

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng nội dung, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quản lý, thực hiện chương trình cho cán bộ làm công tác bố trí dân cư và bảo đảm kinh phí chỉ đạo thực hiện chương trình ở các cấp.

3. Giải pháp quỹ đất bố trí ổn định dân cư.

- Rà soát, đánh giá lại quỹ đất của từng địa phương, tận dụng tối đa quỹ đất chưa sử dụng, đất sản xuất không hiệu quả, đất ở còn lại trong các khu dân cư, đất khu vực cao ráo, ở các vị trí thuận lợi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để bố trí cho các dự án tái định cư tập trung và tái định cư xen ghép thuộc Chương trình bố trí ổn định dân cư cho phù hợp.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ, bồi thường đất đai theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Giải pháp vốn đầu tư và huy động vốn đầu tư.

- Nguồn vốn đầu tư được bố trí theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

- Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong việc bố trí vốn hàng năm cho Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu tái định cư tập trung, hỗ trợ cho các hộ dân trong diện di dời.

- Lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác và vốn phát triển chuyên ngành như: Giao thông, thủy lợi, điện,… để giải quyết đất sản xuất, đất ở, hỗ trợ di dời, đầu tư hạ tầng cho các khu tái định cư tập trung.

- Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu gồm nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA đầu tư cho các dự án lớn như đê điều, thủy lợi, giao thông, điện, phát triển nông, lâm nghiệp,…

- Các địa phương cần tích cực kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu quy hoạch phát triển đô thị, trong đó có bố trí các khu tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai với phương thức bán rẻ, trả chậm, nhằm giảm bớt áp lực vốn cho ngân sách nhà nước.

IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN

Dự án 1: Dự án Khu tái định cư Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An; diện tích: 1,2 ha.

Dự án 2: Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân; diện tích: 1,5 ha.

Dự án 3: Dự án Bố trí, di dời dân cư vùng sạt lở Sông Ba, thị trấn Củng Sơn (Khu tái định cư tập trung Khu phố Đông Hòa, Tây Hòa thị trấn trấn Củng Sơn); diện tích: 4,17 ha.

Dự án 4: Dự án Khu tái định cư xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh (giai đoạn 2); diện tích: 3,7 ha.

Dự án 5: Dự án tái định cư tập trung Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa; diện tích: 2,7 ha.

Dự án 6: Dự án tái định cư tập trung cư thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu; diện tích: 0,65 ha.

Dự án 7: Dự án tái định cư tập trung cư thôn Long Thạnh, xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu; diện tích: 0,9 ha.

Dự án 8: Dự án Khu tái định cư Thành An, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa; diện tích: 1,8 ha.

Dự án 9: Dự án Khu tái định cư tập trung Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, huyện Tuy An (giai đoạn 2); diện tích: 1,0 ha.

Dự án 10: Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Long Mỹ, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân; diện tích: 1,5 ha.

Dự án 11: Dự án Khu tái định cư tập trung Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An (giai đoạn 2); diện tích: 0,76 ha.

Dự án 12: Dự án Tái định cư tập trung Đồng Din, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa; diện tích: 2,4 ha.

Dự án 13: Dự án Tái định cư tập trung thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa; diện tích: 2,56 ha.

Dự án 14: Dự án Khu tái định cư xen ghép thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa; diện tích: 0,25 ha.

Dự án 15: Dự án Khu tái định cư thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh; diện tích: 2,2 ha.

Dự án 16: Dự án Tái định cư tập trung Bến Ổi, thôn Phước Lương, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa; diện tích: 0,5 ha.

V. CÁC NỘI DUNG KHÁC

Chi tiết theo Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chịu trách nhiệm tổ chức công bố rộng rãi Quy hoạch đến các tầng lớp dân cư và các thành phần kinh tế; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Quy hoạch; vận động nhân dân tham gia thực hiện Quy hoạch. Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch. Định kỳ hàng năm đánh giá và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

Chủ động huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án bố trí ổn định dân cư đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu Quy hoạch đã đề ra.

2. Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Trong chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch.

3. UBND cấp xã:

Tham gia cùng UBND cấp huyện; các sở, ban, ngành có liên quan trong việc tổ chức triển khai, quản lý, kiểm tra tình hình thực hiện các dự án theo Quy hoạch này.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động- Thương binh và Xã hội; Trưởng ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan trách nhiệm thi hành quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: NN và PTNT, KH và ĐT, TC;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- CVP, PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, Hg, To, HK

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Chí Hiến