Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1843/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ KIỂM SOÁT HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/06/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hải quan ngày 14/06/2005;

Căn cứ Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

Căn cứ Nghị định số 107/2002/NĐ-CP ngày 23/12/2002 quy định phạm vi địa bàn hoạt động của hải quan; Quan hệ phối hợp trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan;

Căn cứ Quyết định số 65/2004/QĐ-TTg ngày 19/04/2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

Căn cứ quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 1948/QĐ-TCHQ ngày 30/9/2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các văn bản liên quan có nội dung trái với quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cơ quan Tổng cục và Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Lãnh đạo TCHQ (để b/c);
- Trang Website Hải quan;
- Lưu: VT, ĐTCBL (15b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ KIỂM SOÁT HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1843/QĐ-TCHQ ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định cụ thể các nội dung sau:

1. Nguyên tắc hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị kiểm soát hải quan các cấp trong thực hiện hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

3. Một số vấn đề trong hoạt động hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ kiểm soát hải quan, thu thập thông tin hải quan, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan.

Điều 2. Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan là các nghiệp vụ do cơ quan hải quan tiến hành theo quy định (như thu thập thông tin trong nước và ngoài nước liên quan đến hoạt động hải quan; vận động quần chúng; điều tra nghiên cứu nắm tình hình; tuần tra kiểm soát, cơ sở bí mật, sưu tra, đấu tranh chuyên án; trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến, trinh sát kỹ thuật; các biện pháp ngăn chặn; tiến hành một số hoạt động điều tra theo thẩm quyền quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự) để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy; chống hàng giả và thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan; phòng, chống khủng bố, rửa tiền và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

2. Đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố gồm: Đội Kiểm soát hải quan; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy; Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm; Tổ làm nhiệm vụ tham mưu chống buôn lậu và xử lý vi phạm, thu thập thông tin nghiệp vụ hải quan, chống hàng giả và thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan thuộc Phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

3. Đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Chi cục Hải quan gồm: Tổ Kiểm soát hải quan; Tổ Kiểm soát ma túy; Bộ phận thu thập xử lý thông tin, chống hàng giả và thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan, tham mưu xử lý vi phạm thuộc các Đội công tác trực thuộc Chi cục; Bộ phận được giao nhiệm vụ kiểm soát hải quan tại Chi cục Hải quan nơi không thành lập Tổ Kiểm soát hải quan.

4. Đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu gồm: các Đội kiểm soát, các Hải đội kiểm soát trên biển, Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ và các Phòng tham mưu nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan

1. Tuân thủ các quy định tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Quản lý Thuế, Luật Hải quan, Luật Sở hữu trí tuệ, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật liên quan. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế, quy trình nghiệp vụ. Phát hiện kịp thời, chính xác và xử lý nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

2. Hệ thống các đơn vị kiểm soát hải quan được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, thống nhất về nghiệp vụ; Đơn vị cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ đối với đơn vị cấp dưới; Đơn vị cấp dưới chấp hành sự chỉ đạo của đơn vị cấp trên, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định và yêu cầu của cấp trên; Có quan hệ phối hợp với các đơn vị khác trong và ngoài Ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Đơn vị kiểm soát hải quan và Thủ trưởng Cơ quan Hải quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan cần thiết để nắm vững tình hình hoạt động buôn lậu, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, bắt giữ, xử lý vi phạm trong phạm vi địa bàn được phân công; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên nếu có hành vi buôn lậu xảy ra do không thực hiện đúng quy định.

4. Hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan được tạo mọi điều kiện để bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ và đúng quy định của pháp luật. Đơn vị kiểm soát hải quan trong quá trình hoạt động nghiệp vụ được quyền yêu cầu đơn vị, cán bộ, công chức hải quan liên quan có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các biện pháp cần thiết:

- Điều tra, xác minh, ngăn chặn hành vi vi phạm, hành vi tẩu tán tang vật; bắt giữ đối tượng, áp dụng quản lý rủi ro;

- Thực hiện quyết định khám xét, bắt giữ, tạm giữ hàng hóa, phương tiện, hành khách thuộc đối tượng đấu tranh theo kế hoạch, chuyên án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tạm dừng làm thủ tục hải quan, áp dụng các biện pháp cần thiết đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

5. Đơn vị kiểm soát hải quan được áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để thu thập thông tin hải quan từ cơ sở dữ liệu, phần mềm chung của ngành Hải quan và cơ sở dữ liệu của các tổ chức, cá nhân liên quan để chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Điều 4. Phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn của hải quan các cấp trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan

1. Cục Điều tra chống buôn lậu

Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định số 1016/QĐ-BTC ngày 11/5/2010 và Quyết định số 2055/QĐ-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính; Tham mưu cho Tổng cục trưởng quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trong ngành hải quan và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tập trung vào các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1.1. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan tại các địa bàn trên toàn quốc và nước ngoài theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; điều tra nghiên cứu nắm tình hình; tuần tra kiểm soát; cơ sở bí mật; sưu tra; tổ chức đấu tranh chuyên án; trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến, trinh sát kỹ thuật; thu thập thông tin trong nước và ngoài nước liên quan đến hoạt động hải quan.

- Tiến hành một số hoạt động điều tra theo thẩm quyền quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phục vụ cho việc xác minh, làm rõ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật hải quan.

1.2. Chủ trì đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1, Điều 7 của Quyết định này.

1.3. Tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục phê duyệt hoặc trực tiếp phê duyệt (khi được ủy quyền) các kế hoạch công tác kiểm soát hải quan của Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

1.4. Chỉ đạo, phối hợp với Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong quá trình tổ chức đấu tranh chuyên án, điều tra, xác minh theo kế hoạch đã được phê duyệt.

1.5. Yêu cầu các đơn vị hải quan các cấp bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ công tác đấu tranh chuyên án, thực hiện kế hoạch điều tra, bắt giữ đã được phê duyệt.

2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định 1027/QĐ-BTC ngày 11/5/2010; Quyết định số 2053/QĐ-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quyết định số 1167, 1168, 1170/QĐ-TCHQ ngày 09/06/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác kiểm soát hải quan tập trung vào những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

2.1. Đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố:

a) Tham mưu cho Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch công tác kiểm soát hải quan, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan đối với các Chi cục Hải quan và đơn vị thuộc Cục.

b) Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan tại địa bàn Cục Hải quan tỉnh, thành phố quản lý.

c) Chủ trì đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý theo quy định tại điểm 1.2, khoản 1, Điều 7 của Quyết định này;

d) Yêu cầu các Chi cục Hải quan và các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố cung cấp thông tin, tài liệu, bố trí lực lượng, trang thiết bị phương tiện để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; phối hợp kiểm tra, phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu, hàng hóa vi phạm.

đ) Chấp hành chỉ đạo nghiệp vụ và yêu cầu của Cục Điều tra chống buôn lậu lập trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

2.2. Đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Chi cục Hải quan:

a) Tham mưu cho Chi cục trưởng Chi cục Hải quan để chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan; quyết định hình thức, mức độ kiểm tra đối với những lô hàng có dấu hiệu vi phạm.

b) Yêu cầu các đơn vị thuộc Chi cục cung cấp thông tin, tài liệu, bố trí lực lượng, trang thiết bị phương tiện để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

c) Chủ trì đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý theo quy định tại điểm 1.3, khoản 1, Điều 7 của Quyết định này; phối hợp điều tra, xác minh, kiểm tra, phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu, hàng hóa vi phạm.

d) Chấp hành sự chỉ đạo nghiệp vụ, thực hiện yêu cầu của Đơn vị kiểm tra hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 5. Hoạt động hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ kiểm soát hải quan

Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan tỉnh, thành phố, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện hoạt động hướng dẫn, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo quy định hiện hành, cụ thể như sau:

1. Hướng dẫn, kiểm tra định kỳ sẽ được thông báo trước; hướng dẫn, kiểm tra đột xuất tùy theo yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra sẽ được thông báo trước hoặc không thông báo trước cho đơn vị được kiểm tra.

2. Nội dung hướng dẫn, kiểm tra

2.1. Cục Điều tra chống buôn lậu

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình, quy chế, chế độ, chính sách, kế hoạch công tác trong lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

b) Hướng dẫn, kiểm tra chấp hành chế độ thông tin báo cáo, hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

c) Kiểm tra thực hiện chỉ đạo nghiệp vụ, xử lý thông tin cảnh báo hiện tượng, phương thức, thủ đoạn, đối tượng, … vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan do Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ đạo.

d) Kiểm tra kết quả điều tra, xử lý vụ việc vi phạm.

đ) Các nội dung khác theo yêu cầu nghiệp vụ.

2.2. Đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong lĩnh vực được phân công, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các Chi cục Hải quan cửa khẩu về các nội dung sau:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình, quy chế, kế hoạch công tác, chế độ báo cáo, hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

b) Kiểm tra thực hiện chỉ đạo nghiệp vụ, xử lý thông tin cảnh báo hiện tượng, phương thức, thủ đoạn, đối tượng, … vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan do Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo.

d) Kiểm tra kết quả điều tra, xử lý vụ việc vi phạm.

đ) Các nội dung khác theo yêu cầu nghiệp vụ.

3. Phương pháp kiểm tra

a) Kiểm tra hồ sơ, việc thực hiện công tác nghiệp vụ kiểm soát.

b) Làm việc với đơn vị, cá nhân liên quan; Yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu giải trình.

4. Đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, cử cán bộ, bố trí địa điểm làm việc theo yêu cầu kiểm tra; được yêu cầu hướng dẫn, kiến nghị các vấn đề thuộc phạm vi nội dung kiểm tra.

Điều 6. Hoạt động thu thập thông tin hải quan, thu thập mẫu vật phục vụ công tác nghiệp vụ cơ bản, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan

1. Các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Chi cục Hải quan, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu tại các địa bàn được phân công, chủ động thực hiện:

1.1. Thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình, sưu tra.

1.2. Thu thập thông tin, tài liệu, trinh sát ngoại tuyến, trinh sát nội tuyến, trinh sát kỹ thuật phục vụ công tác đấu tranh chuyên án, điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính.

1.3. Cán bộ kiểm soát hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện các công việc tại điểm 1.1 và 1.2 chủ động tiến hành hoạt động nghiệp vụ. Quá trình thực hiện không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hành khách, phương tiện vận tải.

1.4. Các đơn vị hải quan, cán bộ, công chức hải quan quản lý địa bàn có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, cán bộ kiểm soát hải quan thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm 1.1 và 1.2.

2. Việc trực tiếp thu thập thông tin, thu thập mẫu vật phục vụ công tác đấu tranh chuyên án, điều tra, xử lý vi phạm, tại đơn vị trong Ngành thực hiện như sau:

2.1. Gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc cử cán bộ mang giấy giới thiệu (do lãnh đạo cấp Cục hoặc Chi cục, Đội Kiểm soát, Hải đội ký) trực tiếp làm việc với đơn vị cùng cấp có thông tin cần thu thập. Trường hợp cần thiết thì thông báo Cục Hải quan tỉnh, thành phố để chỉ đạo, phù hợp.

2.2. Nội dung văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc nội dung làm việc của cán bộ trực tiếp đi thu thập phải nêu rõ đơn vị được yêu cầu; thông tin, tài liệu cần thu thập; số điện thoại, số fax, đơn vị, tên cán bộ nhận thông tin tài liệu và thời gian yêu cầu cung cấp.

3. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu có trách nhiệm phân công cán bộ tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin; tạo điều kiện cho đơn vị yêu cầu được sử dụng thiết bị, phương tiện cần thiết để tác nghiệp, truy cập cơ sở dữ liệu điện tử chung của Ngành.

4. Thời hạn cung cấp thông tin:

4.1. Đối với các thông tin sẵn có trong cơ sở dữ liệu, hồ sơ lưu trữ thì cung cấp trong thời gian nhanh nhất (không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu). Trường hợp có khó khăn khách quan không thể cung cấp ngay được phải thông báo bằng văn bản và hẹn thời gian cung cấp cho đơn vị yêu cầu.

4.2. Đối với các thông tin cần có quá trình thu thập, phân tích, xử lý thì do 2 bên thống nhất, nhưng không chậm quá 05 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được yêu cầu).

5. Đơn vị tiếp nhận thông tin, tài liệu có trách nhiệm giữ bí mật, quản lý, sử dụng đúng mục đích, theo quy định.

Điều 7. Hoạt động điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan

1. Trách nhiệm chủ trì điều tra và xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan

1.1. Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì:

a) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án do Cục phát hiện, xác lập.

b) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

c) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án có tính chất phức tạp (trị giá hàng hóa vi phạm lớn, đối tượng vi phạm hoạt động có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, có dấu hiệu móc nối nội bộ hải quan, liên quan tới nhiều Cục Hải quan tỉnh, thành phố).

d) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án do Cục Hải quan tỉnh, thành phố phát hiện, đấu tranh, nhưng do yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo bàn giao cho Cục Điều tra chống buôn lậu trực tiếp thụ lý điều tra.

đ) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án do Cục Hải quan tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng khác bàn giao.

1.2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố chủ trì:

a) Xác lập chuyên án, kế hoạch đấu tranh đối với vi phạm xảy ra tại địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, do Cục phát hiện.

b) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan.

c) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án do Cục Điều tra chống buôn lậu, cơ quan chức năng khác bàn giao.

1.3. Chi cục Hải quan cửa khẩu chủ trì:

a) Đấu tranh đối với hành vi phạm tội quả tang, vi phạm xảy ra tại địa bàn quản lý của Chi cục, do Chi cục phát hiện.

b) Vụ việc do Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện hoặc Đội Kiểm soát chống buôn lậu bàn giao.

2. Bàn giao vụ việc, chuyên án giữa các đơn vị hải quan.

2.1. Khi phát hiện vụ việc vi phạm không thuộc trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này thì bàn giao vụ việc cho đơn vị có trách nhiệm chủ trì.

2.2. Việc bàn giao thông tin, hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật (nếu có) của vụ việc, chuyên án phải đúng trình tự, thủ tục quy định. Chỉ bàn giao vụ việc khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu.

2.3. Đơn vị tiếp nhận vụ việc, phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị bàn giao biết kết quả điều tra, xử lý chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc vụ việc.

3. Phối hợp đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và điều tra, xử lý

3.1. Các đơn vị trong Ngành, khi nhận được yêu cầu huy động, phối hợp của các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu để đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và điều tra, xử lý vi phạm phải có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo yêu cầu; nếu gặp khó khăn phải thông báo kịp thời bằng văn bản cho đơn vị chủ trì.

Đơn vị kiểm soát hải quan cấp dưới có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ thu thập thông tin, trinh sát, điều tra, khám xét, bắt giữ, … theo đúng quy định và theo chỉ đạo, yêu cầu của đơn vị kiểm soát cấp trên.

3.2. Đơn vị chủ trì vụ việc có trách nhiệm gửi yêu cầu phối hợp bằng văn bản (do lãnh đạo Cục, lãnh đạo các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục ký). Nội dung văn bản phải thể hiện rõ các yêu cầu về lực lượng, biện pháp nghiệp vụ, trang thiết bị, thời gian, địa điểm cần phối hợp. Thông báo bằng văn bản cho đơn vị phối hợp biết kết quả điều tra, xử lý.

3.3. Trường hợp khẩn cấp, cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, tẩu tán tang vật, bắt giữ đối tượng bỏ trốn; có thông tin chính xác về hành vi vi phạm thì các Chi cục Hải quan, đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các Đổi Kiểm soát, Hải đội kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu trực tiếp phối hợp:

a) Vụ việc thuộc kế hoạch, chuyên án của đơn vị kiểm soát hải quan đang đấu tranh thì đơn vị kiểm soát gửi yêu cầu phối hợp bằng điện fax, giấy giới thiệu (do lãnh đạo cấp Cục hoặc Chi cục, Đội Kiểm soát, Hải đội ký) hoặc cử cán bộ làm việc trực tiếp với Chi cục Hải quan (nơi xảy ra vi phạm) thông báo quyết định khám xét, tạm giữ và yêu cầu tổ chức thực hiện quyết định.

Chi cục Hải quan có trách nhiệm bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cần thiết thực hiện quyết định; Đồng thời báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết, chỉ đạo.

b) Cán bộ kiểm soát hải quan, khi thực hiện nhiệm vụ phát hiện vụ việc khẩn cấp (không thuộc kế hoạch, chuyên án của đơn vị đang đấu tranh) thì làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu (nơi xảy ra vi phạm) để Chi cục chủ trì tổ chức ngăn chặn, khám xét, bắt giữ, báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Đồng thời báo cáo lãnh đạo đơn vị.

4. Xử lý hàng hóa, phương tiện, tang vật vi phạm:

4.1. Trường hợp xác định toàn bộ lô hàng vi phạm phải xử phạt hành chính, truy thu thuế: đơn vị chủ trì ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền, Chi cục Hải quan ra quyết định truy thu thuế theo quy định.

4.2. Trường hợp xác định toàn bộ lô hàng vi phạm phải xử phạt hành chính, tịch thu hàng hóa vi phạm:

a) Đơn vị chủ trì ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, quyết định xử phạt và chịu trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm.

b) Trường hợp đơn vị chủ trì là Cục Điều tra chống buôn lậu thì tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hoặc phối hợp Cục Hải quan tỉnh, thành phố bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm.

c) Trường hợp đơn vị chủ trì là Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hoặc bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi xảy ra vi phạm; bàn giao cho Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố (những vụ việc đang chờ quyết định xử lý của Cục).

4.3. Trường hợp vi phạm hình sự thì phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

4.4. Trường hợp phát hiện, bắt giữ quả tang vụ án ma túy hoặc nghi là ma túy thì phối hợp và chuyển giao vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4.5. Trường hợp xác định một phần lô hàng vi phạm:

a) Đối với phần lô hàng vi phạm phối hợp xử lý theo quy định tại điểm 4.1 và 4.2 khoản 4 Điều này.

b) Đối với phần lô hàng không vi phạm thì đơn vị chủ trì lập biên bản chứng nhận. Chi cục Hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan.

5. Chi phí hoạt động ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý và các khoản chi phí khác (lưu kho, bốc xếp, …) đảm bảo từ nguồn kinh phí của đơn vị chủ trì, theo chế độ hiện hành, Quyết định số 82/2005/QĐ-BTC ngày 21/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí chi cho hoạt động nghiệp vụ đặc thù của lực lượng kiểm soát hải quan, Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 59/2008/TT-BTC, Quyết định số 3107/QĐ-BTC ngày 26/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

6. Khi cần thiết, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc điều tra, xử lý, giải quyết đối với các chuyên án, vụ việc vi phạm.

Điều 8. Điều kiện đảm bảo

1. Lực lượng kiểm soát hải quan được trang bị, sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết để phục vụ cho hoạt động kiểm soát hải quan theo quy định của pháp luật và Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Cán bộ kiểm soát hải quan được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hải quan.

3. Trong quá trình điều tra, xác minh, đấu tranh chuyên án, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm phân công cán bộ kiểm soát hải quan được đào tạo nghiệp vụ, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn nghiệp vụ.

4. Tuyển dụng, luân chuyển cán bộ kiểm soát hải quan theo quy định của Nhà nước, của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đảm bảo tính chuyên sâu nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo các đơn vị, cán bộ, công chức Hải quan thuộc quyền quản lý thi hành Quyết định này.

Các đơn vị, cá nhân được phân công quản lý địa bàn, có trách nhiệm áp dụng đầy đủ, đúng quy định những biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan cần thiết; tổ chức triển khai nghiêm chỉnh chỉ đạo, yêu cầu nghiệp vụ của thủ trưởng, đơn vị kiểm soát cấp trên; đảm bảo chủ động nắm tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và tổ chức đấu tranh hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm tại địa bàn.

Các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác theo Quyết định này được khen thưởng. Đơn vị, cá nhân gây cản trở, sai phạm thì xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và của ngành Hải quan.

2. Định kỳ hàng năm, Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng Kế hoạch công tác kiểm soát hải quan để báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo, cụ thể:

2.1. Nội dung Kế hoạch công tác kiểm soát năm: do đơn vị chủ động xây dựng, đảm bảo đủ các nội dung chủ yếu sau:

- Đặc điểm địa bàn đơn vị quản lý (về tình hình hoạt động buôn lậu, địa bàn, mặt hàng, đối tượng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn buôn lậu chủ yếu, ….).

- Mục tiêu yêu cầu, phương án đấu tranh (về tổ chức lực lượng, phân công đơn vị, cán bộ quản lý địa bàn; trang thiết bị; biện pháp nghiệp vụ ...), công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra.

2.2. Kế hoạch công tác kiểm soát năm các đơn vị về Tổng cục Hải quan (qua Cục Điều tra chống buôn lậu) trước ngày 30/11 hàng năm.

2.3. Cục Điều tra chống buôn lậu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện Kế hoạch công tác kiểm soát hải quan năm.

3. Tổng kết đánh giá thực hiện Quyết định này và báo cáo Tổng cục Hải quan báo cáo định kỳ công tác kiểm soát hải quan hàng năm./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1843/QĐ-TCHQ năm 2011 về Quy định hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1843/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/09/2011
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản