Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1833/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI”.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về “Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng”;

Căn cứ Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”;

Căn cứ Quyết định số 2284/QĐ-TTg ngày 13/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai Nghị định số 99/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2011 “Hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng”; Thông tư số 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 07/5/2012 “Hướng dẫn trình tự thủ tục nghiệm thu thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng” của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 19 TTr/SNN ngày 09/01/2013 về việc xin phê duyệt “Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng thành phố Hà Nội”, được sự nhất trí của đồng chí Chủ tịch, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố và các đồng chí Thành viên UBND Thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Quy hoạch Kiến trúc; Công thương; Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã (Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sơn Tây) và Thủ trưởng các Sở ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3; (để thực hiện)
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo)
- Các đ/c PCT UBND TP;
- VPUB: các PVP, các phòng CV, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Việt

 

ĐỀ ÁN

CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1833/QĐ-UBND ngày 23/02/2013 của UBND TP. Hà Nội)

Phần 1.

CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.

I. Cơ sở pháp lý:

- Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 04/12/2004.

- Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về ”Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng”.

- Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Quyết định số 2284/QĐ-TTg ngày 13/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án triển khai Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010”.

- Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT “Hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả môi trường rừng”.

- Thông tư số 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 07/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT “Hướng dẫn trình tự, thủ tục nghiệm thu, thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng”.

II. Cơ sở khoa học và thực tiễn:

1. Cơ sở khoa học:

- Chi trả dịch vụ môi trường là nhiệm vụ của những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái môi trường để chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái môi trường đó.

- Bản chất của việc chi trả dịch vụ môi trường là tạo cơ chế khuyến khích, mang lại lợi ích cho người đang sử dụng các hệ sinh thái môi trường, để bảo vệ hoặc tăng cường các dịch vụ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.

- Giá trị sử dụng gián tiếp của rừng là “loại hàng hóa đặc biệt” có giá trị rất lớn, chiếm tới 60% - 80% tổng giá trị kinh tế mà rừng tạo ra. Vì vậy, phải được hình thành thị trường để trao đổi giữa người sản xuất cung ứng các giá trị sử dụng gián tiếp của rừng với người hưởng lợi các giá trị sử dụng này. Các hoạt động trao đổi cung ứng dịch vụ các giá trị sử dụng từ môi trường rừng được gọi là “Chi trả dịch vụ môi trường rừng”.

2. Cơ sở thực tiễn:

Ngày 10/4/2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 380/QĐ-TTg về Chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam trên cơ sở thực hiện Dự án thí điểm về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai tại tỉnh Sơn La với sự hỗ trợ của cơ quan Hợp tác kỹ thuật CHLB Đức (GTZ) và tỉnh Lâm Đồng với sự hỗ trợ của tổ chức Winrock International (USAID).

Phần 2.

HIỆN TRẠNG VÙNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN.

I. Đặc điểm Tự nhiên và Tài nguyên rừng:

1. Thành phố Hà Nội có diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố trên địa bàn 61 xã, thuộc 7 huyện, thị xã (Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sơn Tây), tổng diện tích là: 28.851 ha, chiếm 8,6 % diện tích tự nhiên của toàn Thành phố.

2. Khí hậu Hà Nội có các đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, mưa ít. Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm từ 23oC - 23,8oC, nhiệt độ cao nhất vào tháng 7, tháng 8 (28,3oC - 39,5oC), thấp nhất vào tháng 1, tháng 2 (7oC - 15oC). Lượng mưa trung bình năm từ 1.800 mm - 2.200 mm.

3. Kết quả điều tra hệ thực vật, động vật rừng của Hà Nội, cho thấy:

- Có 1.205 loài thực vật, thuộc 649 chi, 160 họ thực vật bậc cao, gồm: 36 loài thực vật quý hiếm; 7 loài thực vật đặc hữu; 185 loài thực vật có giá trị sử dụng gỗ; 3 loài thực vật đa tác dụng và 150 loài thực vật có tác dụng chữa bệnh.

- Có 342 loài động vật có xương sống, gồm: 63 loài thú, 191 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lưỡng thể; trong đó có 66 loài quý hiếm.

- Hệ thống rừng, cây xanh môi trường Hà Nội gắn với nhiều khu du lịch văn hóa, giải trí, du lịch tâm linh, di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

II. Đặc điểm Kinh tế - Xã hội:

1. Vùng rừng và đất lâm nghiệp (thuộc 7 huyện, thị xã), dân số: 1.667.700 người, chiếm 22,45% tổng dân số của Hà Nội. Mật độ dân số vùng rừng và đất lâm nghiệp trung bình là (886 người/ km2), gồm 4 dân tộc (Kinh, Mường, Dao, Tày), trong đó người kinh chiếm đại đa số (99.6%)

2. Môi trường không khí ở Hà Nội chịu tác động chủ yếu của các hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề thủ công, giao thông vận tải, xây dựng và sinh hoạt của người dân. Chất lượng môi trường không khí đã có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là cửa ngõ vào nội thành.

III. Thực trạng Bảo vệ và Phát triển rừng:

1. Tình hình giao, khoán, thuê rừng và đất lâm nghiệp:

- Theo tài liệu điều tra: đến tháng 12/2010, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của Hà Nội, cơ bản đã được giao khoán cho các chủ quản lý với tổng diện tích là 28.851 ha (các Ban quản lý rừng: 35,0%; các Doanh nghiệp: 1,7%; các Công Ty, Liên doanh liên kết: 7,3%; Hộ gia đình: 18,0%; Lực lượng vũ trang: 0,9% và UBND các xã: 37,2%).

- Thực hiện Quyết định 5561/QĐ-BNN-KL của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt “Đề án thí điểm sử dụng môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái và giáo dục hướng nghiệp tại Vườn quốc gia Ba Vì”. Hiện tại, đã có 6 Doanh nghiệp thuê môi trường rừng trên diện tích rừng được giao khoán bảo vệ là: Khu du lịch Suối Mơ; Khoang Xanh; Thác Đa; Thiên Sơn – Suối Ngà; Tiên Sa và Ao Vua.

2. Kết quả hoạt động lâm nghiệp:

2.1. Bảo vệ rừng:

- Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) là cơ quan tham mưu cho Thành phố thực hiện quản lý và bảo vệ rừng theo quy định của Nhà nước.

- Vườn quốc gia Ba Vì (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn (Sở Nông nghiệp và PTNT), Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn (Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội) và Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn (UBND huyện Sóc Sơn) thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Các Hạt Kiểm lâm huyện đã hướng dẫn được 50 thôn/bản xây dựng “Quy ước Bảo vệ và Phát triển rừng”. Các địa phương này bước đầu đã thực hiện tốt các cam kết bảo vệ rừng của địa phương.

2.2. Phát triển rừng:

- Khoanh nuôi, phục hồi rừng (2005-2010): 10.699 ha, bình quân là 1.783 ha/năm ở Vườn quốc gia Ba Vì và Ban quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn.

- Trồng rừng tập trung (2005-2010): đã trồng 2.417 ha, bình quân 403 ha/năm. Đối tượng trồng rừng là diện tích đất trống đồi trọc, diện tích khai thác rừng trồng và trồng bổ sung vào những diện tích rừng không đảm bảo mật độ. Nhìn chung, công tác trồng rừng đã thu được kết quả khả quan. Cơ cấu cây trồng rừng đã đa dạng, đa mục đích.

- Trồng cây phân tán (2005-2010): đã trồng 4,91 triệu cây các loại, bình quân hàng năm trồng từ 700 ngàn đến 1,0 triệu cây. Các loài cây phân tán là những cây xanh bóng mát, cây cảnh quan, cây ăn quả... được trồng ở các vườn nhà, đường giao thông, công sở, trường học. Bước đầu đã làm đẹp cảnh quan và cung cấp lượng gỗ củi phục vụ tại chỗ cho nhân dân địa phương.

Phần 3.

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ NHIỆM VỤ CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG.

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

- Xác định nội dung, biện pháp cụ thể để thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn 7 huyện, thị xã có rừng và đất lâm nghiệp.

- Kết hợp thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng với quản lý đất đai và phát triển rừng; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng có hiệu quả hơn.

- Góp phần bảo đảm điều hòa, cân bằng môi trường sống; bảo tồn đa dạng sinh học; ngăn chặn, hạn chế tác hại của thiên tai.

2. Yêu cầu:

- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ và quyền hạn thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Xác định nhiệm vụ bảo vệ rừng của cơ quan cung cấp dịch vụ môi trường rừng và huy động sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần xác định phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

II. Nhiệm vụ:

1. Xác định hệ số điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân cho 1 ha rừng:


 

1.1: Lựa chọn hệ số điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng (hệ số K), gồm:

- Hệ số K1: điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trạng thái rừng.

- Hệ số K2: Phân loại rừng theo mục đích sử dụng (không thực hiện trong Đề án).

- Hệ số K3: điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo nguồn gốc hình thành rừng.

- Hệ số K4: mức độ khó khăn (không thực hiện trong Đề án).

1.2: Lý do lựa chọn:

- Đảm bảo tính công bằng cho chủ rừng và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội. Rừng Hà Nội có nhiệm vụ chủ yếu là bảo tồn tính đa dạng sinh học, cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí.

- Xác định mức độ khó khăn của công tác quản lý bảo vệ rừng (hệ số K):

K = K1 + K3, Trong đó:

a) K1: điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo trạng thái rừng:

K1: có giá trị bằng 1,00 đối với rừng giàu.

K1: có giá trị bằng 0,95 đối với rừng trung bình và.

K1: có giá trị bằng 0,90 đối với rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng núi đá.

Trạng thái rừng theo quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về “Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng”. Bổ sung, điều chỉnh diện tích từng trạng thái rừng cụ thể, được xác định hàng năm trước khi thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

b) K3: điều chỉnh mức chi trả DVMTR theo nguồn gốc hình thành rừng:

K3: có giá trị bằng 1,00 đối với rừng tự nhiên.

K3: có giá trị bằng 0,80 đối với rừng trồng.

Trường hợp chủ rừng có nhiều lô rừng, thì mỗi lô rừng sẽ có một hệ số K riêng.

- Phương pháp xác định tiền chi trả cho chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng: theo quy định tại Thông tư số 80/2011/TT-BNN ngày 23/11/2011, của Bộ Nông nghiệp và PTNT về “Hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng”.

1.3: Xác định tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng:

- Xác định tiền chi trả cho chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng: theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính Phủ về “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”, số tiền nhận trực tiếp từ bên chi trả dịch vụ môi trường rừng được coi là 100% và sử dụng như sau:

- Được sử dụng tối đa 10% để chi trả cho các hoạt động: quản lý hành chính văn phòng theo cơ chế ủy thác, chi cho các hoạt động tiếp nhận tiền, thanh quyết toán, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến nghiệm thu, đánh giá rừng; hỗ trợ cho hoạt động kỹ thuật theo dõi chất lượng dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến việc chi trả dịch vụ môi trường rừng các cấp huyện, xã, thôn.

- Được sử dụng kinh phí không quá 5% làm Quỹ dự phòng, để hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn.

- Số kinh phí 85% còn lại, để chi trả cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Trường hợp chủ rừng là tổ chức Nhà nước có thực hiện khoán bảo vệ rừng, thì được sử dụng 10% trong tổng số 85% kinh phí trên, để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá chất lượng, số lượng rừng để thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm và 90% kinh phí chi trả cho hộ được nhận khoán.

2. Tuyên truyền, giáo dục về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Nhằm nâng cao nhận thức xã hội về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn 7 huyện, thị xã có rừng. Kết hợp tuyên truyền giáo dục về bảo vệ và phát triển rừng.

3. Rà soát kết quả giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng:

3.1. Rà soát kết quả giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng:

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã có rừng:

- Lập dự toán và kinh phí, trình UBND Thành phố phê duyệt. Phổ biến chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tổng hợp kết quả giao đất giao rừng và khoán bảo vệ rừng. Khảo sát, thu thập số liệu bổ sung kết quả về giao đất giao rừng và khoán bảo vệ rừng nhằm xác định sự thay đổi diện tích và hiện trạng rừng.

- Xác định diện tích có rừng (diện tích rừng phân theo nguồn gốc hình thành rừng, trạng thái rừng, phân theo chủ quản lý và phân theo mục đích sử dụng rừng đến tận từng chủ rừng). Đối chiếu diện tích có rừng của các chủ rừng đã kê khai với thực địa.

- Lập cơ sở dữ liệu cho việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng.

3.2. Khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài:

- Đối với diện tích rừng do tổ chức Nhà nước quản lý, gồm: Ban quản lý rừng (Phòng hộ, Đặc dụng), Doanh nghiệp giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình theo Hợp đồng để phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Đối với diện tích rừng do UBND xã quản lý, UBND huyện, thị xã chỉ đạo các địa phương khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, cá nhân, hộ gia đình để làm cơ sở chi trả dịch vụ môi trường rừng.

4. Xác định đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Xác định được số diện tích rừng của các chủ rừng thuộc đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng (các Tổ chức nhà nước, Doanh nghiệp, Lực lượng vũ trang, Cộng đồng dân cư, Cá nhân, Hộ gia đình).

5. Xác định các đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng:

- Điều tra, thống kê các đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng: điều tra thống kê các cơ sở phải chi trả dịch vụ môi trường, để lập Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn rừng và đất lâm nghiệp thuộc 7 huyện, thị xã (Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai và Sơn Tây).

- Xác định mức chi trả và số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Hà Nội: Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch là (2,0%) trên doanh thu thực hiện trong kỳ (mức tối đa). Số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong kỳ hạn thanh toán bằng doanh thu nhân với mức chi trả 2%.

- Rà soát, bổ sung điều chỉnh đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng: Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND 7 huyện, thị xã có rừng tiếp tục rà soát, bổ sung điều chỉnh đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

6. Cơ chế quản lý và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng:

- Nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Theo quy định tại điều 5, điều 6, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về xác định nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng và hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hình thức gián tiếp, trên cơ sở quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế của rừng Hà Nội.

- Nguồn tài chính chi trả dịch vụ môi trường rừng:

Ngân sách nhà nước Thành phố hỗ trợ vốn ban đầu khi thành lập. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Nguồn thu từ các khoản đóng góp bắt buộc của các đối tượng theo quy định tại Đề án này. Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Vốn nhận ủy thác từ các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước. Vốn từ các Quỹ và các nguồn tài chính khác. Nguồn hỗ trợ từ Quỹ Trung ương.

- Sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại điều 15, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Đối tượng được miễn, giảm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại điều 9, Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. UBND Thành phố quyết định miễn giảm đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng nằm trong phạm vi Hà Nội. Quyết định xử lý miễn giảm gửi cho Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ môi trường rừng để triển khai thực hiện theo quy định.

- Xây dựng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Nội theo quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ. Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng.

- Trách nhiệm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Nội Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ từ Quỹ Trung ương. Chịu sự kiểm tra, giám sát của Quỹ Trung ương đối với nguồn vốn do Quỹ Trung ương hỗ trợ. Báo cáo UBND Thành phố, Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ.

Phần 4.

CÁC GIẢI PHÁP VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN.

I. Giải pháp về chính sách:

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.

2. Hoàn thiện chính sách giao đất, giao rừng, cho thuê rừng để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

3. Ban hành mức chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 1 ha rừng, hệ số điều chỉnh (K) chi trả dịch vụ môi trường rừng của thành phố Hà Nội.

4. Ban hành cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thành phố Hà Nội.

II. Giải pháp về tổ chức:

1. Cấp Thành phố: Không thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng Hà Nội. UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Nội) chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các Sở ngành liên quan thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

2. Cấp Huyện, Thị xã: ủy quyền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng thông qua Hạt Kiểm lâm cấp huyện.

III. Giải pháp về nguồn lực:

Huy động nguồn lực từ ngân sách Trung ương, Thành phố, các nguồn kinh phí từ xã hội hóa, kể cả kinh phí của các tổ chức ngoài nước để tổ chức thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Hà Nội.

IV. Giải pháp về khoa học:

1. Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm tiên tiến: Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm tiên tiến phù hợp để quản lý, theo dõi, giám sát thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng từng huyện, thị xã.

2. Nghiên cứu, định giá trị một số dịch vụ môi trường rừng: Nghiên cứu định giá trị một số cơ quan hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

V. Hợp tác Quốc tế:

Huy động hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

VI. Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án:

1. Nguyên tắc:

- Hỗ trợ các hoạt động triển khai các nhiệm vụ hàng năm của Đề án. Bổ sung phí chi trả trong trường hợp số tiền chi từ bình quân 01 ha rừng thấp hơn so với chi trả năm trước.

- Sử dụng 10% nguồn kinh phí thu từ các đối tượng chi trả và các nguồn hỗ trợ khác để thực hiện các nhiệm vụ hàng năm.

- Để tổ chức triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, cần huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ (nguồn kinh phí xã hội hóa, ngân sách Thành phố).

2. Khái toán nhu cầu vốn thực hiện:

Nhu cầu vốn (khái toán): 2.717.000.000 đ (Hai tỷ, bảy trăm mười bảy triệu đồng), gồm các nội dung:

- Tuyên truyền về nhận thức xã hội việc chi trả dịch vụ môi trường rừng.

- Rà soát thành quả giao đất giao rừng.

- Thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp.

- Kiểm tra, giám sát.

Phần 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN.

I. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Nội) thực hiện "Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng thành phố Hà Nội" chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở ngành liên quan:

- Xây dựng Phương án quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cơ chế chi trả cho các đối tượng chủ rừng. Tham mưu cho UBND Thành phố xác định hệ số K.

- Lập Kế hoạch, Dự toán kinh phí cho các hoạt động khác để thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Hà Nội trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Tổng hợp, chuẩn bị các nội dung báo cáo UBND Thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách trên địa bàn Hà Nội.

2. Các Sở ngành liên quan:

Theo chức năng nhiệm vụ trong phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Hà Nội.

3. UBND 7 huyện, thị xã có rừng:

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng nội dung, nhiệm vụ rà soát kết quả giao đất giao rừng và khoán rừng đến cấp xã và Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc huyện và UBND các xã triển khai xây dựng, thực hiện Đề án dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn quản lý.

- Tổ chức giám sát việc chi, trả và giám sát chất lượng rừng của các đối tượng chủ rừng (cộng đồng dân cư thôn, cá nhân, hộ gia đình) được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện.

- Định kỳ hàng quý báo cáo UBND Thành phố tình hình thực hiện Đề án.

II. Tiến độ thực hiện:

1. Năm 2013: Quyết định hệ số K làm cơ sở cho việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, nguyên tắc, hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng. Xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng và Quy chế quản lý và sử dụng quỹ. Xây dựng đề cương và dự toán kinh phí cho việc lập từng hoạt động để triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2013 theo Đề án đã phê duyệt. Theo dõi, giám sát và đánh giá; Đánh giá giữa kỳ và sơ kết. Nghiệm thu diện tích rừng hiện còn ở từng xã trong 7 huyện, thị xã có rừng năm 2013 làm căn cứ để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tổ chức thực hiện chi trả dịch vụ môi trường cho chủ rừng. Định kỳ hàng quý báo cáo UBND Thành phố về việc thực hiện Đề án.

2. Năm 2014: Tiếp tục thực hiện nội dung: xây dựng đề cương, dự toán kinh phí hoạt động năm 2014, tổ chức thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng ở 7 huyện, thị xã có rừng, Theo dõi, giám sát, đánh giá và nghiệm thu diện tích rừng ở từng xã trong 7 huyện, thị xã có rừng năm 2014 làm căn cứ để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Tổng kết và xây dựng các đề xuất cho hoàn thiện chính sách; Định kỳ hàng quý báo cáo UBND Thành phố về việc thực hiện Đề án.

3. Năm 2015 và các năm tiếp theo: Tổ chức thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo chính sách mới được hoàn thiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1833/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 1833/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/02/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Trần Xuân Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản