Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 08 tháng 01 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 105/2008/NQ-HĐND ngày 29/01/2008 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2879/QĐ-UBND ngày 26/8/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 353/TTr- SVHTTDL ngày 29/12/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình hành động phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/2008/NQ-HĐND ngày 29/01/2008 của HĐND tỉnh và Quyết định số 2879/QĐ- UBND ngày 26/8/2009 của UBND tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Minh Cả

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 175 /QĐ-UBND ngày 08/01/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Tỉnh Quảng Nam có tiềm năng về du lịch, nổi bật là 2 di sản văn hóa Thế giới: Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, 125km bờ biển sạch đẹp, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sông Thanh cùng với nhiều di sản, di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, đường Trường Sơn, văn hóa các dân tộc miền núi ... là thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp tham quan làng quê, làng nghề, du lịch hội nghị, sự kiện...

Trong những năm qua, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/6/2007, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 105/2008/NQ-HĐND ngày 29/01/2008 về đẩy mạnh phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Nghị quyết số 145/2009/NQ-HĐND ngày 04/8/2009 Về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng 2020, cùng với sự chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã từng bước vượt qua khó khăn do lạm phát và suy giảm kinh tế, tiếp tục phát triển ổn định, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tài nguyên du lịch được chú ý giữ gìn, tôn tạo và phát huy ngày càng có hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về du lịch đạt được nhiều kết quả tốt. Tốc độ tăng trưởng du lịch cao, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho nhân dân địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam hiện nay cũng đang đối mặt với những thách thức khó khăn như sự cạnh tranh giữa các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực. Sản phẩm du lịch, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí chưa nhiều, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn, ngoại ngữ; công tác lập và triển khai các quy hoạch du lịch chưa đạt hiệu quả cao do thiếu vốn và kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành, công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch chưa tập trung và chưa thu hút được những thị trường khách cao cấp.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, đồng thời tập trung phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng thế mạnh hiện có, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động phát triển du lịch đến năm 2015 tập trung vào những mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nhanh và bền vững để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tăng tiềm lực kinh tế - quốc phòng - an ninh, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2015: Đón 5,5 - 6 triệu lượt khách (Trong đó: 2,65 triệu lượt khách quốc tế); số phòng lưu trú đạt 12.000 - 14.000 phòng; Thu nhập du lịch đạt 422 triệu USD; giải quyết việc làm cho 25.700 lao động trực tiếp và 52.500 lao động gián tiếp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP (2 giai đoạn: 2010 - 2012 và 2013 - 2015)

1. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch

a) Nội dung:

- Xây dựng sản phẩm du lịch Văn hóa - Lịch sử:

+ Trên nền tảng giá trị của 2 di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, tiếp tục phát triển thế mạnh du lịch văn hóa lịch sử của tỉnh. Triển khai đầu tư xây dựng các điểm du lịch văn hóa, lịch sử phía Nam và vùng núi phía Tây của tỉnh. Trước mắt ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử:

+ 2010 - 2012: Tạo thêm các sản phẩm du lịch mới tại phố cổ Hội An, xây dựng phát triển du lịch tại Địa đạo Kỳ Anh, Làng Zara (Nam Giang), Bhờ Hồông (Đông Giang), Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (An Phú - Tam Kỳ), Khu di tích Phước Trà.

+ 2013 - 2015: Tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch tại các sản phẩm du lịch giai đoạn 2010 - 2012. Xây dựng và phát triển du lịch tại khu di tích cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa, tái hiện đoạn đường Trường Sơn (Phước Sơn) kết hợp tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa của dân tộc thiểu số Quảng Nam.

- Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, làng quê, làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng:

+ 2010 - 2012: Làm tốt công tác bảo tồn các làng quê, làng nghề truyền thống: Làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà. Tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện làng quê Trà Nhiêu (Duy Vinh - Duy Xuyên), Đại Bình (Nông Sơn), rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An).

+ 2013 - 2015: Tiếp tục phát huy có hiệu quả các sản phẩm du lịch giai đoạn 2010 - 2012; Xây dựng làng du lịch Lộc Yên (Tiên Phước), mở tuyến du lịch sông nước dọc sông Thu Bồn xuất phát từ Hội An đến Duy Xuyên. Lập đề án kêu gọi đầu tư khai thác du lịch tại khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Nam Giang), mở các dịch vụ khai thác du lịch tại thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My.

- Xây dựng sản phẩm du lịch hội nghị, sự kiện, lễ hội kết hợp mua sắm:

+ Trên cơ sở văn hóa truyền thống và các lễ hội dân gian của tỉnh, chọn lọc và tổ chức có hiệu quả các lễ hội, đặc biệt chú trọng phát triển các lễ hội truyền thống dân gian mang tính tâm linh:

. 2010 - 2012: Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ rước cộ Chợ Được, Lễ hội Thanh Minh (Điện Bàn), Lễ hội Mừng lúa mới (Đông Giang) kết hợp tham quan tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại Bhờ Hôồng. Tổ chức phố mua sắm ban đêm tại Hội An chuyên bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do các làng nghề trong tỉnh sản xuất. Chú trọng khuếch trương giới thiệu sản phẩm hàng may mặc của Hội An.

. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh lưu trú du lịch đạt hạng từ 3 - 5 sao; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn phục vụ hội nghị cấp quốc gia và quốc tế.

+ 2013 - 2015: Lễ hội Long Chu (Hội An), Lễ cúng cá Ông, đồng thời nghiên cứu tổ chức những sự kiện du lịch mang tính hiện đại, định kỳ và có tính quảng đại quần chúng để thu hút khách.

- Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng Biển - Đảo:

+ 2010 - 2012: Lập quy hoạch chi tiết và tiếp tục kêu gọi đầu tư vào đảo Cù Lao Chàm, phát triển các dịch vụ giải trí, thể thao, lặn biển xem san hô và tìm hiểu đời sống các sinh vật biển tại đảo gắn với bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển đa dạng sinh học theo đúng tiêu chí của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã được UNESCO công nhận. Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bãi biển Hội An, Điện Bàn. Phát triển dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển từ Điện Ngọc (Điện Bàn) đến vùng Đông Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành.

Ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ ngoài lưu trú, xây dựng khu vui chơi giải trí. Tiếp tục xin chủ trương Chính phủ cho phép đầu tư phát triển dịch vụ giải trí có thưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn quốc tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

+ 2013 - 2015: Quy hoạch, phát triển các bãi biển công cộng Hà My (Điện Bàn), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành) đủ điều kiện đón khách du lịch. Đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch. Tiếp tục phát triển các dịch vụ lưu trú từ 4 sao trở lên dọc ven biển tỉnh Quảng Nam.

b) Giải pháp

- Ngân sách nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông đường bộ, đường thủy, nguồn điện tại các khu, điểm du lịch; chú ý lồng ghép việc xây dựng cơ sở hạ tầng vào các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Ngân sách Trung ương đầu tư 50% , đối ứng địa phương 50% xây dựng hạ tầng thiết yếu đảm bảo điều kiện đón khách tại các khu, điểm du lịch mới.

- Ban hành cơ chế quản lý và khuyến khích đầu tư đối với các loại hình du lịch được ưu tiên phát triển. Có chính sách ưu tiên về cơ chế, nguồn vốn đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa.

- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường du lịch; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư về văn minh ứng xử du lịch; sắp xếp lại hoạt động bán hàng rong, hàng lưu niệm, hạn chế các tệ nạn ăn xin, chèo kéo du khách, cò mồi, tệ nạn xã hội tại các khu, điểm du lịch. Xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn và giới thiệu tóm tắt lịch sử tại các khu, điểm du lịch.

- Nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô hoạt động lữ hành, từng bước chủ động nguồn khách đến Quảng Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Thường xuyên, định kỳ kiểm tra trình độ hướng dẫn viên và chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch. Xây dựng và kết nối hệ thống website quản lý hướng dẫn viên thống nhất trên toàn quốc.

2. Xúc tiến quảng bá du lịch: Đây là công tác được thực hiện hằng năm nhằm mục đích quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam đến các thị trường khách trong nước và nước ngoài.

a) Nội dung

Tiếp tục thông qua các hình thức xúc tiến, quảng bá tiếp thị hình ảnh du lịch Quảng Nam gắn với khẩu hiệu và biểu tượng “Quảng Nam - Một điểm đến, 2 di sản văn hóa thế giới”. Từng bước gắn hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch với công tác nghiên cứu thị trường và chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu của du khách và xu hướng phát triển du lịch của thế giới. Đồng thời xây dựng hình ảnh du lịch mới của Quảng Nam là du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp và tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế.

Các hình thức quảng bá xúc tiến du lịch:

- Tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo, roadshow: Tiếp tục tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện du lịch trong nước và nước ngoài tại các thị trường du lịch trọng điểm; tổ chức các sự kiện du lịch tại địa phương để quảng bá hình ảnh và thu hút du khách đến Quảng Nam. Hợp tác với các đối tác chuyên nghiệp, các tổ chức kinh tế tại nước ngoài tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh.

- Các hoạt động Famtrip, Presstrip: Hằng năm chủ động phối hợp với Tổng cục Du lịch, các địa phương bạn, các doanh nghiệp du lịch tổ chức đón, làm việc từ 3 - 4 đoàn báo chí, lữ hành trong nước và từ 4 - 5 đoàn lữ hành, báo chí quốc tế đến khảo sát du lịch Quảng Nam. Mở rộng đối tượng tham gia các đoàn famtrip, presstrip là các nhà nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu chuyên ngành.

- Quảng bá trực quan:

+ Hoàn thiện, đổi mới hệ thống panô du lịch trên địa bàn tỉnh, đầu tư xây dựng mới và tăng số lượng panô (loại lớn) quảng bá du lịch tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường chính (Xây dựng các bảng chỉ dẫn tại các đầu mối giao thông quan trọng đến các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn).

+ Xây dựng panô quảng bá du lịch Quảng Nam tại một số thành phố, khu du lịch lớn như: Đà Nẵng, Huế, Phan Thiết, Hạ Long, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, tại các sân bay và nhà ga lớn, tại các cửa khẩu đường bộ như: Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh)…

+ Xây dựng Panô du lịch Quảng Nam tại Thái Lan, Campuchia, Lào…

- Quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông:

+ Tiếp tục hợp tác với các cơ quan báo chí trong nước chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình quảng bá về du lịch Quảng Nam. Hằng năm thực hiện các đợt tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông vào dịp diễn ra các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh, kỷ niệm ngày du lịch Việt Nam và thế giới. Mở các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa, du lịch Quảng Nam trên một số tờ báo lớn và trên sóng Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

+ Xây dựng bản đồ số cho ngành du lịch tỉnh Quảng Nam.

+ Kết hợp với các chương trình của quốc gia, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch để quảng bá du lịch Quảng Nam trên các phương tiện thông tin nổi tiếng của nước ngoài như BBC, CNN, NHK…

- Ấn phẩm: Biên tập, sản xuất và phát hành các ấn phẩm có chất lượng giới thiệu du lịch Quảng Nam bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Nga, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha… dưới các hình thức như: Tập gấp, bản đồ, sách hướng dẫn du lịch, băng đĩa, bưu ảnh…Vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện đĩa DVD, tập gấp và các loại ấn phẩm khác để quảng bá về đơn vị mình.

- Các hình thức khác:

+ Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng website du lịch Quảng Nam, mở rộng bằng các ngôn ngữ: Nga, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Tất cả các khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 3 sao trở lên xây dựng website riêng của doanh nghiệp và kết nối vào website du lịch Quảng Nam, kết nối vào hệ thống website chuyên ngành của cả nước.

+ Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, trung tâm du lịch lớn của cả nước để tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

+ Xây dựng và đưa vào họat động có hiệu quả trạm thông tin vệ tinh ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể và trạm thông tin du khách tại thành phố Hội An. Đầu tư xây dựng tại Hội An, Mỹ Sơn và một số khu, điểm du lịch khác trong tỉnh các trạm thông tin du lịch, các bảng thông tin điện tử về du lịch Quảng Nam.

+ Kêu gọi hoặc đăng cai tổ chức các giải thể thao lớn, các sự kiện văn hóa, du lịch quốc gia và quốc tế tại Quảng Nam để quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch địa phương.

+ Phấn đấu xây dựng Hội An thành đô thị du lịch đầu tiên của Việt Nam. b) Giải pháp

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch theo kế hoạch hàng năm do tỉnh tổ chức. UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm lồng ghép cùng quảng bá tiềm năng du lịch Quảng Nam trong các chương trình công tác của ngành trong và ngoài nước.

- Lập đề án thành lập quỹ xúc tiến phát triển du lịch với kinh phí đóng góp được trích từ nguồn thu phí vé thăm quan đến các điểm di tích.

- Thực hiện xã hội hóa công tác quảng bá xúc tiến đến các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp, cá nhân khi thực hiện kế hoạch xúc tiến quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của doanh nghiệp kết hợp quảng bá về tiềm năng du lịch của tỉnh.

3. Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch

a) Nội dung:

- Năm 2010 - 2012: Ban hành cơ chế khuyến khích, thu hút các dự án thành lập trường đào tạo nghề du lịch theo mô hình hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp hoặc 100% vốn của doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Liên kết với các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề trong tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhiều hình thức, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về nghiệp vụ du lịch.

- Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đào tạo tại chỗ lực lượng lao động đủ chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ du khách.

- 2013 - 2015: Tăng cường đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước có kiến thức chuyên môn sâu, giỏi ngoại ngữ (Mỗi cán bộ cần học một ngoại ngữ để giao tiếp).

Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch hằng năm phối hợp với Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch (VTCB) tổ chức sát hạch tay nghề và công nhận cấp bậc nghề đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Thường xuyên có kế hoạch tập huấn nâng cao nhận thức du lịch đối với cộng đồng, tăng cường tính liên kết, hợp tác của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp phát triển du lịch đồng thời phối hợp với các trường đào tạo nghề tổ chức đào tạo nghiệp vụ du lịch từ cơ bản đến chuyên sâu.

b) Giải pháp:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo sau đại học đối với cán bộ quản lý trong các cơ quan nhà nước các cấp tỉnh, huyện, thành phố. Hằng năm, tổ chức đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch; tổ chức các hoạt động truyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực du lịch đối với các chủ thể kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư.

- Lồng ghép vào các chương trình đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân dân các vùng dự án trong chương trình đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp của tỉnh, tổ chức đào tạo nghề du lịch cơ bản.

- Các doanh nghiệp du lịch tự trang trải chi phí cho các hoạt động đào tạo và tổ chức sát hạch công nhận bậc nghề theo tiêu chuẩn nghề nghiệp của VTCB.

4. Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với phát triển du lịch

a) Nội dung:

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngành du lịch:

- 2010 - 2012: Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vào các lĩnh vực: lưu trú và mua sắm, may mặc. Tiếp tục tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng và nâng cấp chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, kêu gọi vận động các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình dịch vụ vui chơi giải trí.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch mới đảm bảo điều kiện đón tiếp khách.

- 2013 - 2015: Mở rộng xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch với nhiều loại hình lưu trú, ưu tiên các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch thuộc vùng núi và hải đảo, xây dựng các khu vui chơi giải trí, đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển, đầu tư xây dựng bảo tàng tổng hợp tại thành phố Tam Kỳ, xã hội hóa mô hình bảo tàng trong nhân dân.

Nâng cao chất lượng dịch vụ: Y tế, ngân hàng, thông tin, xây dựng mạng internet không dây tại khu di sản văn hóa thế giới Hội An.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Giao thông đường bộ:

- 2010 - 2012: Ưu tiên vốn đầu tư và triển khai xây dựng một số tuyến đường chính dẫn đến các khu du lịch trọng điểm trong tỉnh. Trước mắt ưu tiên hoàn thiện tuyến đường du lịch ven biển từ Điện Ngọc đến Hội An. Đầu tư xây dựng các tuyến đường du lịch ven sông Tam Kỳ đoạn từ đường Nam Quảng Nam đến đập chính Phú Ninh; Tuyến đường nối Mỹ Sơn đến nước khoáng nóng Tây Viên; Tuyến đường Nam Phước - Duy Vinh - Duy Hải nối du lịch vùng Đông Duy Xuyên với Mỹ Sơn. Tuyến đường vào thác Grăng (Nam Giang). Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến đường du lịch ven biển Duy Hải (Duy Xuyên) - Kỳ Hà (Núi Thành).

- Nâng cấp các tuyến đường ĐT 604, 607, 608; các tuyến đường nối tuyến Nam Phước - Mỹ Sơn; Đường vào khu di tích Trung Trung Bộ - Nước Oa (Bắc Trà My); đường Tam Thanh - hồ Phú Ninh - mỏ vàng Bồng Miêu; Đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng trạm dừng chân du khách trên tuyến quốc lộ 1A tại huyện Thăng Bình;

Đầu tư thông tuyến đường cửa khẩu Nam Giang thúc đẩy phát triển du lịch qua Lào và các nước trong khối ASEAN.

- 2013 - 2015: Xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại Cù Lao Chàm. Hoàn thành cơ bản tuyến đường ven biển từ giáp Đà Nẵng đến giáp Quảng Ngãi, tuyến đường Nam Quảng Nam; Mở rộng tuyến nối Hà Lam đến Bình Minh; tuyến đường 14D.

- Hoàn thiện cơ bản trùng tu, tôn tạo hạ tầng khu phố cổ Hội An; xây dựng mới bến xe du lịch tại khu vực II phố cổ phù hợp với không gian kiến trúc phố cổ.

Giao thông đường thủy:

- 2010 - 2012: Lập dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, Trường Giang để phát triển tuyến du lịch sông nước Tam Kỳ - Hội An.

- 2013 - 2015: Xây dựng bến thuyền du lịch tại một số điểm dọc sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Trường Giang tại các địa phương làng Đại Bình (Nông Sơn), làng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), hồ Phú Ninh.

- Thu hút doanh nghiệp đầu tư tàu cao tốc phục vụ khách du lịch tham quan tuyến Đà Nẵng - Hội An - Cù Lao Chàm.

Đường hàng không:

Hợp tác đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế phục vụ khách công vụ, chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Dung Quất, khu kinh tế mở Chu Lai

Hạ tầng du lịch khác:

- 2010 - 2012: Đầu tư hạ tầng du lịch làng quê (Trà Nhiêu, rừng dừa Bảy Mẫu, Đại Bình) bao gồm: Nhà đón tiếp, bãi đỗ xe, công trình vệ sinh công cộng, hệ thống cấp thoát nước, khôi phục làng nghề... ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần, tranh thủ lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ.

- 2013 - 2015: Đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại, hệ thống bán hàng tự chọn tại Hội An; xây dựng hạ tầng Trung tâm ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; trung tâm thông tin đón và phân phối khách du lịch tại Hội An từ nguồn hỗ trợ trung ương và ngân sách tỉnh. Đầu tư xây dựng bảo tàng thuyền xưa và tái hiện thương cảng Hội An thế kỷ XVII - XVIII.

Hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch:

- Năm 2010 - 2012: Dịch vụ y tế: Đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Hội An đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đảm bảo được việc chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch và phục vụ nhân dân địa phương.

- Năm 2013 - 2015: Dịch vụ y tế: Nâng cấp dịch vụ y tế tuyến huyện đảm bảo chất lượng phục vụ khách tham quan, du lịch các khu điểm du lịch chuẩn bị đưa vào khai thác: Làng Đại Bình (Nông Sơn), làng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), khu du lịch Bằng Am (Đại Lộc), Mỏ vàng Bồng Miêu (Phú Ninh), làng Lộc Yên (Tiên Phước) và

Bệnh viện huyện Phước Sơn phục vụ khách tham quan du lịch đường Trường Sơn và các huyện miền Núi.

Bưu chính Viễn thông: Phủ sóng điện thoại di động, Internet đến các khu, điểm du lịch: hồ Phú Ninh, Bằng Am (Đại Lộc) các xã dọc ven biển Duy Hải (Duy Xuyên)

- Kỳ Hà (Núi Thành), các địa phương có làng nghề, làng quê phát triển du lịch, các huyện miền núi.

Dịch vụ Ngân hàng: Nâng cấp hệ thống dịch vụ Ngân hàng các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính của khách du lịch tham quan, lưu trú.

b) Giải pháp:

- Tiếp tục thực hiện Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi dự án đầu tư vào ngành du lịch. Thực hiện chính sách ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ, khu vui chơi giải trí.

- Khuyến khích, hỗ trợ pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng cho các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mở rộng kinh doanh, nâng cấp chất lượng sản phẩm hiện có và mở rộng kinh doanh các loại hình cơ sở lưu trú theo Luật Du lịch. Ưu tiên hỗ trợ các hộ dân thuộc vùng miền núi và đảo tham gia vào lĩnh vực lưu trú du lịch.

- Chú trọng công tác đầu tư trùng tu các di sản, di tích phục vụ cho phát triển du lịch.

- Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng. Đối với một số địa phương có điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư lớn sẽ thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư để các chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.Trên cơ sở những nội dung, nhiệm vụ của chương trình hành động này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. Định kỳ báo cáo kết quả về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, trình UBND tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát việc tổ chức thực hiện chương trình; hằng năm, tổ chức tổng kết đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, những thành công, hạn chế, qua đó đề xuất những giải pháp phù hợp đối với sự nghiệp phát triển du lịch của địa phương.

3. Các Sở, Ban, ngành phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện lồng ghép các chương trình dự án liên quan đến sự nghiệp phát triển du lịch đảm bảo theo đúng chương trình, kế hoạch và các quy định hiện hành.

4. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ chương trình hành động này. Trong quá trình tổ chức triển khai, nếu cần thiết bổ sung, điều chỉnh, các Sở, ngành, địa phương chủ động báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 175/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015

  • Số hiệu: 175/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/01/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Trần Minh Cả
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản