Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số :1698/2006/QĐ-UBND

Huế, ngày 14 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích và phát triển công nghiệp nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 22/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Chỉ thị số 16/2004/CT-BCN ngày 22/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về đẩy mạnh hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 01/12/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Nghị quyết 3c/2004/NQ-HĐND5 ngày 10/12/2004 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2005;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 144/SCN-KH ngày 12 tháng 5 năm 2006 về việc ban hành Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời về tiêu chuẩn làng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế".

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với Giám đốc các Sở, Ban ngành có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thành phố Huế phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện theo những quy định đã ban hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế và thủ trưởng các cơ liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thúy Hòa

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1698 /2006/QĐ-UBND ngày14 /7/2006 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khái niệm về làng nghề truyền thống, làng nghề TTCN:

1. Làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) là một cộng đồng dân cư tập trung trên cùng một địa bàn như: thôn, làng, bản, khu phố,...(gọi tắt là làng) cùng sản xuất một hoặc một số sản phẩm hàng hoá trong đó có ít nhất một sản phẩm đặc trưng thu hút đại bộ phận lao động hoặc hộ gia đình tham gia, đem lại nguồn thu nhập chính và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập từ sản xuất (không tính các thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ) của cộng đồng dân cư đó.

2. Làng nghề là làng có hoạt động sản xuất các ngành nghề TTCN hoặc ngành nghề truyền thống.

Điều 2. Phân loại làng nghề

1. Làng nghề truyền thống là làng nghề có hoạt động sản xuất TTCN, có quá trình hình thành từ lâu đời (50 năm trở lên) được tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ, sản phẩm có tính hàng hoá đặc trưng và mỹ thuật, tên nghề gắn liền với địa danh của làng.

2. Làng nghề TTCN là làng mà đại bộ phận lao động hoặc hộ gia đình trong làng cùng làm một hoặc một số ngành nghề TTCN, đem lại nguồn thu chính cho người dân trong làng, sản phẩm của làng được nhiều người biết đến.

3. Làng nghề TTCN và làng nghề truyền thống sau đây được gọi chung là "làng nghề".

Điều 3. Tên và biểu tượng của làng nghề

1. Tên gọi của làng nghề TTCN được gắn với nghề sản xuất chính và địa danh của làng, nếu chỉ có một nghề tồn tại và phát triển thì lấy nghề đó đặt tên cho nghề của làng, nếu có nhiều nghề phát triển thì tên nghề của làng lấy tên nghề nào có giá trị sản xuất hoặc thu nhập cao nhất để đặt tên nghề gắn với tên làng nghề, nếu nghề hoạt động trên địa bàn từ hai địa danh trở lên trong cùng một xã thì tên nghề được gắn với tên xã.

2. Làng nghề có thể có biểu tượng (Logo) nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hoá của làng nghề.

Điều 4. Ngành nghề áp dụng

1. Các địa phương trên địa bàn tỉnh có hoạt động sản xuất các ngành nghề sau đây phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ được xem xét công nhận “Làng nghề Thừa Thiên Huế ”:

a) Sơ chế và chế biến nông lâm, thuỷ hải sản, thực phẩm. b) Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

c) Dệt, da, may mặc, thêu đan.

d) Sản xuất cơ khí nhỏ, đúc kim loại, sản xuất đồ ngũ kim, dụng cụ và công cụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

đ) Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ , thủy tinh.

Điều 5. Đối tượng áp dụng là các làng nghề truyền thống, làng nghề TTCN trên địa bàn tỉnh có hoạt động sản xuất TTCN phù hợp với các ngành nghề quy định tại Điều 4 của Quy định này.

Chương II

TIÊU CHUẨN LÀNG NGHỀ THỪA THIÊN HUẾ

Điều 6. Tiêu chuẩn làng nghề truyền thống

1. Sản xuất các mặt hàng phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh mà pháp luật không cấm.

2. Số hộ lao động trực tiếp tham gia làm nghề truyền thống có ít nhất 30 hộ với 100 lao động làm nghề truyền thống.

3. Giá trị sản xuất hoặc thu nhập từ nghề truyền thống ở làng chiếm tỷ trọng trên 10% so với tổng giá trị sản xuất hoặc thu nhập của làng trong năm.

4. Chịu sự quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, quản lý chuyên ngành của các Sở, Ban ngành có liên quan, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng làng văn hoá của địa phương.

5. Sản xuất ở làng nghề đảm bảo trật tự, an toàn vệ sinh môi trường và phải gắn với bảo tồn cảnh quan, môi trường sinh thái của địa phương.

Điều 7. Tiêu chuẩn làng nghề TTCN

1. Sản xuất các mặt hàng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà pháp luật không cấm.

2. Số hộ lao động trực tiếp tham gia làm nghề TTCN đạt từ 30% trở lên so với tổng số hộ lao động của làng hoặc có ít nhất trên 40 hộ với trên 100 lao động có nghề.

3. Giá trị sản xuất hoặc thu nhập từ sản xuất TTCN ở làng chiếm tỷ trọng trên 30% so với tổng giá trị sản xuất hoặc thu nhập của làng trong năm.

4. Chịu sự quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, quản lý chuyên ngành của các Sở, Ban ngành có liên quan, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng làng văn hoá của địa phương.

5. Sản xuất ở làng nghề đảm bảo trật tự, an toàn vệ sinh môi trường và phải gắn với bảo tồn cảnh quan, môi trường sinh thái của địa phương.

Chương III

TỔ CHỨC XÉT DUYỆT, CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ THỪA THIÊN HUẾ

Điều 8. Việc xét duyệt, công nhận "Làng nghề Thừa Thiên Huế" được thực hiện theo trình tự sau:

1. Sở Công nghiệp là cơ quan chủ trì tham mưu đề xuất với UBND tỉnh xét công nhận làng nghề.

2. Các làng nghề nếu đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này thì đề nghị xét công nhận là "Làng nghề Thừa Thiên Huế"

3. UBND xã, phường, thị trấn làm văn bản đề nghị kèm theo báo cáo làng nghề được UBND huyện, thành phố xác nhận, gửi hồ sơ trực tiếp về Sở Công nghiệp. Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh xét công nhận "Làng nghề Thừa Thiên Huế".

Thời hạn xét duyệt công nhận làng nghề đạt danh hiệu “Làng nghề Thừa Thiên Huế" không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

4. Hàng năm UBND tỉnh tổ chức xét công nhận danh hiệu “Làng nghề Thừa Thiên Huế" cho các làng nghề trong tỉnh đạt các tiêu chuẩn theo Quy định này.

Điều 9. Hồ sơ xét công nhận danh hiệu “Làng nghề Thừa Thiên Huế", gồm:

1. Văn bản đề nghị công nhận danh hiệu “Làng nghề Thừa Thiên Huế" của UBND xã, phường, thị trấn.

2. Báo cáo giải trình đề nghị công nhận làng nghề (trong đó nói rõ tên làng nghề, ngành nghề hoạt động, số hộ, lao động tham gia, các vấn đề khác có liên quan tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này) của UBND xã, phường, thị trấn .

3. Biểu tổng hợp các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy định này.

4. Biên bản kiểm tra xác nhận của UBND huyện, thành phố.

Điều 10. Thu hồi danh hiệu làng nghề

1. Làng nghề sau khi được xét công nhận “Làng nghề Thừa Thiên Huế", trong thời gian 03 năm liền nếu không duy trì được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này sẽ bị thu hồi danh hiệu.

Sở Công nghiệp là cơ quan tham mưu đề xuất với UBND tỉnh thu hồi danh hiệu làng nghề.

2. Làng nghề bị thu hồi danh hiệu “Làng nghề Thừa Thiên Huế" nếu sau đó 3 năm liên tục đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6, Điều 7 sẽ được xem xét và công nhận lại danh hiệu “Làng nghề Thừa Thiên Huế". Trình tự xét duyệt và công nhận như Điều 8 và Điều 9 của Quy định này.

Chương IV

QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA LÀNG NGHỀ THỪA THIÊN HUẾ

Điều 11.

1. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn đối với làng nghề:

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng phát triển ngành nghề.

- Xây dựng làng nghề, động viên các nghệ nhân, thợ giỏi   tham gia tích cực công tác truyền nghề, dạy nghề.

- Vận động các cơ sở sản xuất tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ, đa dạng hoá mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; du nhập ngành nghề mới, sản xuất sản phẩm mới; đồng thời chú trọng đảm bảo môi trường sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững cho làng nghề.

- Chỉ đạo làng nghề chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh và địa phương về phát triển ngành nghề ở nông thôn; xây dựng và phát triển làng nghề gắn với xây dựng làng, xã văn hoá, gia đình văn hoá.

- Hàng năm tiến hành sơ kết, tổng kết về tình hình hoạt động của làng nghề. Rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo để không ngừng phát triển nghề, làng nghề.

2. Trách nhiệm của làng nghề:

- Tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, quan tâm cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Bám sát nhu cầu thị trường để sản xuất mặt hàng mới hoặc du nhập nghề mới; đồng thời chú trọng bảo đảm môi trường sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững.

- Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo phát triển lâu dài, phát huy tốt tinh hoa của ngành, nghề đặc biệt là các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.

- Làng nghề phải tự mình liên kết làm tốt công tác lưu thông, làm tốt việc cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hoá.

- Tích cực đầu tư, mở rộng hệ thống vệ tinh của làng nghề ở các địa phương khác hoặc liên kết theo hiệp hội ngành nghề với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Có trách nhiệm phối hợp tốt hoạt động của làng nghề với hoạt động văn hoá du lịch.

- Thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh và của địa phương về phát triển ngành nghề nông thôn.

Điều 12. Quyền lợi của làng nghề được công nhận "Làng nghề Thừa Thiên Huế"

1. Ngoài các ưu đãi hiện hành của Nhà nước về phát triển sản xuất TTCN, các cơ sở sản xuất, nghệ nhân của làng nghề còn được hưởng thêm các ưu đãi sau đây của tỉnh: Được ưu tiên hỗ trợ vốn khuyến công trong việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đào tạo nghề, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, xúc tiến thương mại, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư,... theo quy định hiện hành của UBND tỉnh.

2. Các nghệ nhân, thợ giỏi tay nghề cao trong toàn tỉnh có nhiều đóng góp trong việc nhân cấy nghề, phát triển nghề được UBND tỉnh xem xét tặng thưởng các danh hiệu và đề nghị Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu khác.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13.

1. Sở Công nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thủ tục xét duyệt công nhận làng nghề cho địa phương, tổng hợp và trình UBND tỉnh công nhận "Làng nghề Thừa Thiên Huế".

2. Các Sở, Ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thành phố Huế bố trí cán bộ theo dõi hoạt động làng nghề và hướng dẫn triển khai Quy định này.

Hàng năm, Sở Công nghiệp phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Huế tiến hành tổng kết đánh giá việc khôi phục, phát triển làng nghề gắn với công tác hoạt động của ngành ở địa phương.

3. UBND các huyện, thành phố Huế gắn việc khôi phục, phát triển làng nghề với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề.

4. UBND xã, phường, thị trấn cử cán bộ theo dõi, quản lý hoạt động của làng nghề và truyền đạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển làng nghề cho nhân dân ở làng nghề; tập hợp các kiến nghị, đề xuất của các cơ sở sản xuất ở làng nghề báo cáo UBND huyện, thành phố để giải quyết theo chức năng được phân cấp.

Trong quá trình thực hiện Quy định tạm thời này nếu có vướng mắc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Công nghiệp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết./.