Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3c/2004/NQ-HĐND5 | Huế, ngày 10 tháng 12 năm 2004 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2004
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
- Căn cứ Nghị quyết số 30NQ/TU ngày 01 tháng 12 năm 2004 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XII về nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2005;
- Sau khi xem xét báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch năm 2004 và phương hướng nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2005;
- Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,
QUYẾT NGHỊ
HĐND tỉnh tán thành và thông qua báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2004; phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp về phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2005 của UBND tỉnh. Cụ thể:
A. Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2005:
Năm 2005 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001 – 2005, đấy cũng là năm có nhiều sự kiện trọng đại như tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, đánh dấu thời kỳ 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh phải nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch và các chương trình Kinh tế - Xã hội trọng điểm của tỉnh năm 2005, như sau:
I. Các chỉ tiêu chủ yếu:
1. Tốc độ tăng sản phẩm trong tỉnh ( GDP): 11%
- Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng : 15-16%
( riêng công nghiệp tăng 16-17%);
- Giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp tăng 6-7%)
( riêng ngư nghiệp tăng : 18-20%)
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng : 9-10%;
2. GDP bình quân đầu người: 550-600 USD;
3. Doanh thu du lịch tăng: 22-25%;
4. Sản lượng lương thực có hạt: 240-245 nghìn tấn;
5. Giá trị kim ngạch xuất khẩu : 40 triệu USD.
6. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội: trên 3.500 tỷ đồng
7. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn : 1.000 tỷ đồng
8. Tổng chi ngân sách địa phương: 1.457,05 tỷ đồng;
9. Tốc độ tăng dân số tự nhiệm 1,3%;
10. Phổ cấp giáo dục trung học cơ sở trong độ tuổi từ 15 – 20 ở 100% xã, phường, thị trấn;
11. Tỷ lệ học sinh huy động vào hệ ngoài công lập: 22-23%
12. Lao động được đào tạo nghề: 25%
13. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn: 23%
14. Tỷ lệ hộ dùng điện : 95%
15. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch : 75%
16. Lao động được giải quyết việc làm: 14 nghìn người;
17. Tỷ lệ hộ nghèo còn: 8%;
18. Hoàn thành xoá nhà tạm cho 2 huyện Nam Đông, A Lưới và các bản đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện;
19. Hoàn thành cơ bản kiên cố hoá kênh mương ở vùng đồng bằng và vùng trọng điểm ở miền núi, ven biển;
20. Hoàn thành cơ bản nhựa hoá tỉnh lộ; bê tông hoá 70% đường giao thông nông thôn.
II. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra, HĐND tỉnh quyết định lấy năm 2005 là năm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả, tạo bứt phá về tăng trưởng kinh tế., đồng thời tập trung đầu tư cho 10 chương trình Kinh tế - Xã hội trọng điểm sau:
1. Chương trình cải cách hành chính;
2. Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề;
3. Chương trình phát triển thuỷ sản;
4. Chương trình phát triển du lịch;
5. Chương trình xây dựng đô thị mới và Khu khuyến khích phát triển Kinh tế - Thương mại Chân Mây;
6. Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị;
7. Chương trình phục hồi sinh kế dân tái định cư vùng lòng hồ Tả Trạch;
8. Chương trình công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm;
9. Chương trình nâng cao đời sống và xoá nhà tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số;
10. Chương trình khắc phục hậu quả trận lũ tháng 11/2004.
B. Các nhóm giải pháp, chính sách chủ yếu:
Bên cạnh những giải pháp đã được đề cập trong báo cáo của UBND tỉnh, để thực hiện thắng lợi hệ thống chỉ tiêu đề ra năm 2005, HĐND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tập trung đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, gắn liền với tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý xã hội. Cải cách hành chính phải tạo sự chuyển biến căn bản trong việc công khai hoá, đơn giản hoá, cụ thể hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết mọi yêu cầu của doanh nghiệp và nhân dân, giảm bớt hội họp không cần thiết. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, các cơ quan, đơn vị các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị với yêu cầu hợp lý, hiệu quả nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng ngành, từng cấp. Đề cao trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đúng đầu cơ quan hành chính Nhà nước. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thạo việc, chí công vô tư. Áp dụng các cơ chế, biện pháp để ngăn chặn và xử lý các trường hợp cán bộ, công chức phẩm chất đạo đức kém, thiếu tinh thần trách nhiệm; lợi dụng chức vụ để nhũng nhiễu, phiền hà, gây bất bình cho nhân dân. Phát động các tổ chức, công dân và các cơ quan công luận giám sát phát hiện những hành vi tiêu cực, tham nhũng, tắc trách đối với nhân dân. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy công quyền những cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất.
2. Huy động mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả cho đầu tư phát triển, áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, nguồn lực của các doanh nghiệp, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế; nguồn lực trong nhân dân, đặc biệt là các tổng công ty lớn để đầu tư trực tiếp vào sản xuất hàng hoá. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế “ đổi đất lấy hạ tầng”, “tạo vốn từ quỹ đất” và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động được. Lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình dự án trên từng địa bàn nhằm đạt hiệu quả cao nhất; chống thất thoát. lãng phí và nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương về phương hướng chủ yếu phát triển Kinh tế - Xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
3. Tập trung xúc tiến, hỗ trợ các công trình, dự án lớn để sớm khởi công trong năm 2005 như nhà máy Bia, nhà máy 5 vạn cọc sợi, nhà máy sản xuất ôtô ở khu công nghiệp Phú Bài; xí nghiệp Xí măng Hương Trà; mở rộng nhà máy Xi măng Luksvaxi, dự án Xi măng Đồng Lâm, Thủy điện Bình Điền, Thuỷ điện Sông Bồ, Trung tâm thương mại Hùng Vương…Đẩy mạnh tiến độ các dự án xây dựng chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, các dự án lớn để chào mừng 30 năm giải phóng quê hương và Đại hội Đảng các cấp như đường 74, đường Trần Phú - Nguyễn Khoa Chiêm – Hai Bà Trưng, Tự Đức - Thủy Dương - Thuận An; các dự án ở vùng Cảnh Dương – Chân Mây – Lăng Cô… Tranh thủ các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ để được bổ sung vốn nhằm đẩy nhanh tiến bộ các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án của Trung ương trên địa bàn.
4. Đẩy nhanh tiến độ đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước để cơ bản hoàn thành trong năm 2005; tập trung vào các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh thu lỗ; các doanh nghiệp chủ lực về chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là doanh nghiệp có quy mô sản xuất hàng hoá lớn và thị trường tiêu thụ ổn định. Có chính sách để quản lý thống nhất, hỗ trợ, định hướng, tạo mối liên kết, thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, nâng cao công suất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
5. Tập trung chăm lo phát triển sự nghiệp văn hoá – xã hội, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao; tích cực thực hiện các chính sách, các phong trào giúp đỡ trực tiếp các hộ nghèo; đa dạng hoá nguồn lực để cơ bản xoá xong nhà ở tạm bợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cải thiện đời sống của dân cư các vùng khó khăn. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dân số để hạ thấp tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên. Phát triển hệ thống đào tạo nghề gắn với kế hoạch giải quyết việc làm, kể cả xuất khẩu lao động; quan tâm hơn trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế của một trung tâm văn hoá, du lịch, trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu; các thiết chế văn hoá ở cơ sở, tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị các di sản văn hoá để thúc đẩy Kinh tế - Xã hội phát triển.
6. Động viên toàn dân tập trung giải quyết hậu quả lũ lụt. Lãnh đạo các cấp chỉ đạo trực tiếp tận cơ sở việc khắc phục nhanh thiệt hại, giải quyết các vấn đề phát sinh do lũ lụt. Các cấp, các ngành và các tầng lớp dân cư trong tỉnh cần phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ; huy động mọi nguồn lực giúp dân dọn dẹp, sửa sang nhà ở, ổn định lại cuộc sống; tổ chức cứu trợ kịp thời, đúng người, đúng đối tượng, tuyệt đối không để bất cứ một người dân nào bị đói, rét; không để xảy ra dịch bệnh. Làm tốt công tác quản lý thị trường và giá cả; kịp thời xử lý vệ sinh môi trường, nguồn nước; sửa chữa các trường học, trạm xá… để đưa mọi sinh hoạt trở lại bình thường.
7. Tích cực chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, nhất là chi xây dựng cơ bản, chi hành chính, thực hành tiết kiệm triệt để; đề cao tinh thần gương mẫu trong cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Rà soát lại những vụ việc tồn đọng, nổi cộn, bức xúc và mới phát sinh để tập trung, giải quyết. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm. Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra các vụ việc tiêu cực, tham những, mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị mình.
8. Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống. Thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình, bình tĩnh xử lý mọi tình huống nhằm tạo thế chủ động để ngăn chặn, đẩy lùi và đập tan âm mưu hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ và mọi âm mưu phản động của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm tốt trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 ( khoá IX) về chiến lực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
9. Phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước đều khắp ở tất cả các địa phương, cơ sở, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế; tạo môi trường văn hoá – xã hội lành mạnh. Kịp thời phát hiện những điển hình tốt, tiêu biểu để nhân rộng đồng thời xử lý nhanh chóng những vướng mắc cản trở đến quá trình phát triển của địa phương.
HĐND tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, quân và dân trong tỉnh nêu cao tinh thần làm chủ, đoàn kết, phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội năm 2005, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2001 – 2005.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khoá V, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2004.
| CHỦ TOẠ KỲ HỌP |
- 1Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐT về nhiệm vụ kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 6 tháng cuối năm 2003
- 2Nghị quyết 103/2007/NQ-HĐND về mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2008 của tỉnh Lạng Sơn
- 3Nghị quyết 03/2011/NQ-HĐND xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010
- 4Quyết định 27/QĐ-HĐND năm 2011 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010 hết hiệu lực
- 1Nghị quyết 03/2011/NQ-HĐND xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010
- 2Quyết định 27/QĐ-HĐND năm 2011 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đến ngày 31 tháng 12 năm 2010 hết hiệu lực
Nghị quyết 3c/2004/NQ-HĐND5 về nhiệm vụ kế hoạch - xã hội năm 2004 của tỉnh Thừa Thiên Huế
- Số hiệu: 3c/2004/NQ-HĐND5
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 10/12/2004
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Văn Mễ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra