Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1592/QĐ-UBND | Bình Phước, ngày 09 tháng 8 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 194/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1063/TTr-SVHTTDL ngày 19/7/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, với các nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
2. Phát triển thể dục, thể thao là yêu cầu khách quan, góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực, chất lượng cuộc sống của nhân dân và chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng nếp sống lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
3. Xây dựng và phát triển văn hóa, thể dục thể thao là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Đầu tư cho văn hóa, thể dục thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển.
4. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát:
a) Hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội; đồng thời nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc, vùng biên giới và khu công nghiệp tập trung.
b) Xây dựng và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tăng tuổi thọ của người Việt Nam theo tinh thần vì sự nghiệp dân cường, nước thịnh, hội nhập và phát triển.
c) Đưa ngành du lịch lên giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trên cơ sở khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Lĩnh vực văn hóa
Đến năm 2015: Hoàn thành xây dựng Trung tâm văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Nhà hát tỉnh, Công viên văn hóa tỉnh; 100% huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, thư viện; 40% xã, phường, thị trấn, thôn, ấp có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; từ 60% trở lên hộ gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 40% trở lên thôn, ấp, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Thôn, ấp văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; từ 60% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 15% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 15% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; nâng số lượt người xem biểu diễn nghệ thuật đạt 1 buổi/người/năm; 40% tài liệu, hiện vật quý hiếm được tin học hóa.
Phấn đấu đến năm 2020: Có 60% xã, phường, thị trấn, thôn, ấp có nhà văn hóa và khu thể thao; 50% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 70% tài liệu, hiện vật quý được tin học hóa; số lượt người xem biểu diễn nghệ thuật đạt 1,5 buổi/người/năm; 100% di tích được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.
b) Lĩnh vực thể dục, thể thao
Đến năm 2015: Hoàn thành xây dựng nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng của tỉnh, xây dựng bể bơi, khán đài A sân vận động; 100% huyện, thị xã có sân vận động, 60% có nhà thi đấu, 50% có bể bơi; 95% xã, phường, thị trấn, thôn, ấp có mặt bằng tập luyện thể dục thể thao; 27,34% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và 15% hộ gia đình luyện tập thể dục thể thao; 80% số trường phổ thông thực hiện hoạt động thể thao ngoại khóa; 85% học sinh, sinh viên và 98,5% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; huy chương đạt được tại các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế là 120 huy chương; vận động viên cấp cao là 107 vận động viên.
Phấn đấu đến năm 2020: Hoàn thành xây dựng bể bơi và khán đài A sân vận động tỉnh; 100% huyện, thị xã có nhà thi đấu, bể bơi; 100% xã, phường, thị trấn, thôn, ấp có mặt bằng tập luyện thể dục thể thao; 32,94% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và 21% hộ gia đình luyện tập thể dục thể thao; 90% học sinh, sinh viên và 99% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; huy chương đạt được tại các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế là 168 huy chương; vận động viên cấp cao là 155 vận động viên.
c) Lĩnh vực du lịch
Năm 2015: Tổng số khách du lịch đạt 252.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 14.000 lượt và khách nội địa là 238.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 22,20%/năm (đối với tổng số khách), 27,97%/năm (đối với khách quốc tế) và 21,91%/năm (đối với khách nội địa). Thu nhập từ hoạt động du lịch đạt 16,50 triệu USD, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 đạt 33,94%/năm.
Phấn đấu đến năm 2020: Tổng số khách du lịch đạt 527.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 39.000 lượt và khách nội địa đạt 488.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15,90%/năm (đối với tổng số khách), 22,74%/năm (đối với khách quốc tế) và 15,44%/năm (đối với khách nội địa). Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 65,20 triệu USD, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 31,63%/năm.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Lĩnh vực văn hóa:
a) Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Lấy mục tiêu xây dựng gia đình, xã, phường, thôn ấp văn hóa làm nòng cốt của phong trào.
b) Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, bảo tàng và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống đặc trưng, truyền dạy, phổ biến văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer. Thông qua các hoạt động văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giải quyết việc làm cho nhân dân.
c) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng và chất lượng các sản phẩm văn hóa, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
d) Về hoạt động văn học, nghệ thuật sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc trong việc xây dựng con người toàn diện.
đ) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường hợp tác và giao lưu khu vực, quốc tế về văn hóa.
2. Lĩnh vực thể dục, thể thao:
a) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học, bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh, sinh viên; góp phần phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng những tài năng về thể thao bổ sung cho tỉnh.
b) Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao quần chúng. Duy trì, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào thể dục, thể thao với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; quan tâm phát triển phong trào thể dục, thể thao người cao tuổi, người khuyết tật và người lao động tại các khu công nghiệp.
c) Xây dựng kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao dựa trên các thế mạnh, nguồn lực, điều kiện sẵn có của từng địa phương, trên nguyên tắc đầu tư có trọng điểm, hiệu quả, tránh dàn trải. Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các huấn luyện viên, vận động viên xuất sắc.
d) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao phục vụ tuyển chọn, đào tạo vận động viên và tập luyện thể dục thể thao vì sức khỏe nhân dân.
đ) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát triển các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao; tăng cường hợp tác khu vực, quốc tế về thể dục thể thao.
3. Lĩnh vực du lịch:
a) Định hướng về thị trường và sản phẩm du lịch:
Nghiên cứu khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch quốc tế (Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, Mỹ và châu Âu), thị trường khách du lịch trong nước (Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây nguyên và nội tỉnh). Các sản phẩm du lịch gồm: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, du lịch thương mại cửa khẩu, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch Caravan, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm. Đưa một số dự án du lịch vào hoạt động, khai thác giai đoạn 2015 - 2020.
b) Tổ chức không gian phát triển du lịch theo 3 hướng chính:
- Hướng phát triển theo Quốc lộ 14 với Đồng Xoài là trung tâm động lực phát triển, kết nối với các điểm du lịch sóc Bom Bo, trảng cỏ Bàu Lạch, Vườn Quốc gia Cát Tiên.
- Hướng phát triển theo Quốc lộ 13 với Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là cửa ngõ đón khách trong và ngoài nước. Khu vực Lộc Ninh là trung tâm động lực phát triển cùng với thị xã Bình Long là trung tâm dịch vụ du lịch.
- Hướng phát triển theo tỉnh lộ 741 là hướng phát triển tạo khả năng kết nối giữa khu vực Đồng Xoài với khu vực Thác Mơ, núi Bà Rá, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Theo hướng này trung tâm động lực phát triển là khu vực Thác Mơ - Bà Rá.
c) Định hướng đầu tư phát triển du lịch:
Đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và công trình phục vụ du lịch; đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới và các cơ sở vui chơi giải trí; đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo vệ các di tích văn hóa - lịch sử và khôi phục phát triển lễ hội truyền thống phục vụ du lịch.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Phát triển nguồn nhân lực:
Quy hoạch sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, lao động tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực của ngành; thành lập Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực hiện có về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia giỏi hoạt động trong lĩnh vực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện có, xây dựng các tiêu chí cho từng công việc. Từ đó, có kế hoạch bổ nhiệm, tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển hoặc cho thôi việc những cán bộ không đáp ứng được nhu cầu.
2. Đầu tư tài chính:
Sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực hiện có, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, huy động từ nhân dân và các thành phần kinh tế - xã hội tham gia vào các hoạt động đầu tư. Ngoài ra có chính sách khuyến khích nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Đảm bảo tốt nguồn vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Đổi mới cơ chế chính sách và quản lý điều hành:
Thực hiện đổi mới cơ chế chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các lĩnh vực của ngành phát triển. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế, đảm bảo tính công bằng và hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. Tuyên truyền và quảng bá:
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin nhanh chóng, đầy đủ những chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá du lịch của Bình Phước đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước, góp phần đưa du lịch của Bình Phước vào bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
5. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch:
a) Đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Xây dựng mới những công trình văn hóa quan trọng; trùng tu, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử đặc trưng của Bình Phước.
b) Nâng cao chất lượng các môn thể thao, chất lượng vận động viên, huấn luyện viên. Nghiên cứu bổ sung các giải thể thao cấp tỉnh, các mô hình thể thao giải trí, đặc biệt là các giải thể thao phong trào để từ đó có điều kiện phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển thể dục thể thao của tỉnh.
c) Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế và đặc trưng của tỉnh để tập trung đầu tư phát triển, đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần tích cực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
d) Đầy tư xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ và kịp thời; đa dạng hóa, hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện hoạt động; kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
6. Tổ chức liên kết, phối hợp:
Liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; phối hợp có hiệu quả giữa các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
7. Xã hội hóa:
Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích để đẩy nhanh quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch góp phần tích cực để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đưa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát triển lên tầm cao mới.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Quy hoạch định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; tổ chức sơ kết vào cuối năm 2015 và tổng kết vào năm 2020.
- Công bố công khai Quy hoạch được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng để các ngành, các cấp, nhân dân và doanh nghiệp được biết và phối hợp thực hiện.
- Tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa Quy hoạch này theo giai đoạn 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện.
2. Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
3. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tham mưu UBND tỉnh đưa các chỉ tiêu phát triển của Quy hoạch này vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm để thực hiện.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy hoạch đến các tầng lớp nhân dân biết, hưởng ứng thực hiện.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành, kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 42/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 2Quyết định 1557/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch du lịch Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030
- 3Quyết định 2094/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 4Quyết định 1572/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình kích cầu Du lịch tỉnh Bình Định
- 5Quyết định 11/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 6Quyết định 102/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng, đào tạo các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh giai đoạn 2007 - 2010 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 7Nghị quyết 27/NQ-HĐND năm 2013 thông qua Quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 8Quyết định 1008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 9Quyết định 990/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 10Quyết định 493/QĐ-UBND năm 2009 cho phép tiến hành lập dự án quy hoạch phát triển ngành Văn hóa Khánh Hòa đến năm 2020
- 11Quyết định 1316/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 12Quyết định 2366/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn hóa tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 13Quyết định 3105/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035
- 1Quyết định 194/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 5Nghị quyết 42/2012/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 6Quyết định 1557/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch du lịch Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030
- 7Quyết định 2094/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 8Quyết định 1572/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình kích cầu Du lịch tỉnh Bình Định
- 9Quyết định 11/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 10Quyết định 102/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng, đào tạo các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh giai đoạn 2007 - 2010 do tỉnh Bình Phước ban hành
- 11Nghị quyết 27/NQ-HĐND năm 2013 thông qua Quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 12Quyết định 1008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 13Quyết định 990/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 14Quyết định 493/QĐ-UBND năm 2009 cho phép tiến hành lập dự án quy hoạch phát triển ngành Văn hóa Khánh Hòa đến năm 2020
- 15Quyết định 1316/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 16Quyết định 2366/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn hóa tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 17Quyết định 3105/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035
Quyết định 1592/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- Số hiệu: 1592/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/08/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Người ký: Trương Tấn Thiệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/08/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra