Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1316/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VĂN HÓA TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao nhiệm vụ lập quy hoạch ngành, sản phẩm, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc thành lập Hội đồng thẩm định các Dự án: Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 720/TTr-SVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2014 về việc thẩm định Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Tờ trình số 1028/TTr-SVHTTDL ngày 04 tháng 9 năm 2014 về việc xem xét phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và của Hội đồng thẩm định quy hoạch dự án ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 tại Báo cáo thẩm định số 952/BCTĐ-HĐTĐ ngày 25 tháng 7 năm 2014 về kết quả thẩm định Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), với những nội dung chủ yếu sau:

I- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NGÀNH VĂN HÓA

1. Quan điểm phát triển

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, phù hợp với con người và văn hóa Quảng Ngãi. Hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý các lĩnh vực thuộc ngành văn hóa đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Phát triển văn hóa tương xứng với

tiềm năng, nguồn lực phát triển, gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa trên cơ sở bền vững, tăng cường tiềm lực; đưa hoạt động văn hóa phát triển phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, xây dựng những giá trị văn hóa mới, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa trên thế giới.

Tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, theo hướng hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có năng lực, trình độ chuyên môn.

b) Mục tiêu cụ thể

b.1) Lĩnh vực di sản văn hóa:

Lựa chọn một vài hình thức văn hóa phi vật thể tiêu biểu để xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đại diện hoặc di sản văn hóa có nguy cơ khẩn cấp, trình UNESCO công nhận.

Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và những biện pháp khuyến khích người dân trao truyền và thực hành các di sản văn hóa dân gian truyền thống của địa phương.

b.2) Nghệ thuật biểu diễn:

- Đến năm 2015: Cấp huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn, mỗi cấp thành lập một Đội Nghệ thuật quần chúng, hoạt động thường xuyên, ổn định, được bố trí chỉ tiêu kế hoạch, kinh phí và phương tiện trang thiết bị đủ điều kiện hoạt động tại chỗ. Cấp thôn/tổ dân phố: Thành lập một Đội Văn nghệ quần chúng, được hỗ trợ dàn âm thanh, nhạc cụ để tổ chức sinh hoạt, tập luyện chương trình văn nghệ.

- Đến năm 2020: Cấp huyện/thành phố; xã/phường/thị trấn; thôn/tổ dân phố: Thành lập một Đội Nghệ thuật truyền thống (Đội Nghệ thuật dân tộc) hoạt động thường xuyên, ổn định; hàng năm có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể; được hỗ trợ các phương tiện trang thiết bị đảm bảo hoạt động tại chỗ.

b.3) Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”:

Đến năm 2015, 85% gia đình, 75% thôn, tổ dân phố; trên 95% cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa. Đến năm 2020, 90% gia đình, 79% thôn, tổ dân phố; trên 98% cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa.

b.4) Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa:

Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa các cấp: cấp tỉnh, cấp huyện/thành phố, cấp xã/phường/thị trấn và thôn/tổ dân phố, trong đó, chú trọng trước hết đến hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh.

- Đến năm 2015: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng hoạt động của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, Trung tâm Văn hóa Thể thao các huyện, thành phố, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin; Hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Bảo tồn tôn tạo Khu di tích Sa Huỳnh, hoàn chỉnh thủ tục và tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa tại đảo Lý Sơn, xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Phạm Văn Đồng (giai đoạn 2), tôn tạo các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.

- Đến năm 2020: Hoàn thành dự án Bảo tàng Lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa tại đảo Lý Sơn, triển khai xây dựng Trung tâm văn hóa đa năng của tỉnh, Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Tượng đài Bác Phạm Văn Đồng tại thành phố Quảng Ngãi, đầu tư tôn tạo, khai thác Di tích quốc gia Trường Lũy-Quảng Ngãi và tiếp tục tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VĂN HÓA

1. Di sản văn hóa

a) Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Nâng cao vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, gắn việc tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống với công tác xây dựng đời sống văn hóa.

Hàng năm tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đến năm 2016 tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cấp tỉnh, năm 2018 tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cấp quốc gia. Đến năm 2020 hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục cần thiết đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trở thành Lễ hội cấp quốc gia.

b) Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa vật thể

Tiếp tục hướng dẫn, triển khai Luật Di sản văn hóa trong các ngành, các cấp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.

- Đến năm 2015: hoàn thiện Hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Di tích khảo cổ Sa Huỳnh là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

- Đến năm 2020: đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Khu chứng tích Sơn Mỹ, Di tích quốc gia Trường Lũy - Quảng Ngãi là di tích cấp quốc gia đặc biệt và hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao, Du lịch Quảng Ngãi.

2. Nghệ thuật biểu diễn

a) Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Quảng Ngãi gắn với bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Quảng Ngãi.

Chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ, diễn viên; đa dạng các chương trình biểu diễn. Có chính sách, cơ chế khuyến khích hoạt động nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập; phát triển phong trào nghệ thuật quần chúng ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

b) Hoạt động nghệ thuật không chuyên

Ưu tiên phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong

tỉnh như: Bài chòi, Hát Sắc Bùa, Bã trạo, dân ca các dân tộc thiểu số. Phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại, nhất là ở các trung tâm đông dân cư, đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân, tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng.

3. Phát hành phim và chiếu bóng

- Đến năm 2015: Xây dựng đề án đổi mới hoạt động chiếu bóng phục vụ khu vực miền núi và hải đảo theo hướng giảm đầu mối, giảm định biên, tăng cường đầu tư chiều sâu và nâng cao chất lượng trong hoạt động tuyên truyền phổ biến phim, phục vụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Nâng cấp Rạp Chiếu bóng Hòa Bình đạt tiêu chuẩn quốc gia để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

- Đến năm 2020: Tại trung tâm thị trấn Đức Phổ và Sơn Hà xây dựng một rạp chiếu bóng với khoảng 300 chỗ ngồi và các dịch vụ văn hóa bổ trợ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho công nhân và nhân dân các huyện phía Nam và phía Tây của tỉnh.

4. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

- Đến năm 2015: Tiến hành sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Thông tin triển lãm tỉnh Quảng Ngãi.

- Đến năm 2020: 100% huyện, thành phố trong tỉnh có Nhà triển lãm; 80%

phường, thị trấn có phòng triển lãm; 50% xã có phòng triển lãm.

5. Thư viện

Tăng cường sự phát triển toàn diện hệ thống thư viện nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đảm bảo đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nguồn cán bộ có năng lực, trình độ. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và phục vụ.

- Đến năm 2015: 30% số cấp xã có phòng đọc, tủ sách; trong đó, 10% xã có thư viện đạt chuẩn quy định theo Thông tư số 56/2003/TT-BVHTT ngày 16 tháng 9 năm

2003 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn chi tiết về điều kiện thành lập thư viện và thủ tục đăng ký hoạt động thư viện.

- Đến năm 2020: 60% số cấp xã có thư viện, phòng đọc hoặc tủ sách.

6. Bảo tàng

Quy hoạch lại khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và các bảo tàng chuyên đề. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tàng và công tác bảo tồn. Đối với nhà bảo tàng, nhà truyền thống cấp huyện: Đảm bảo vị trí ở trung tâm, thuận tiện cho việc tham quan, học tập và phát huy giá trị, có đầy đủ trang thiết bị, hệ thống trưng bày và kho chứa khoảng hơn 1.000 hiện vật, diện tích trưng bày đạt 100 - 200 m2.

Đối với nhà truyền thống cấp xã/phường: Đầu tư xây dựng nhà trưng bày, phòng truyền thống ở các xã/phường; kết hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao, có phòng trưng bày đạt khoảng 60 m2 trở lên.

7. Cổ động trực quan và thông tin lưu động

- Đến năm 2015: 100% cấp huyện/thành phố các đội thông tin lưu động được đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa trang thiết bị, các phương tiện hoạt động; có từ 3 - 5 cụm tranh, panô kiên cố được đầu tư xây dựng; 80% số Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn/tổ dân phố có hệ thống truyền thanh.

- Đến năm 2020: 100% cấp huyện/thành phố nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động; 100% số Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn/tổ dân phố có hệ thống truyền thanh.

8. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

a) Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đồng thời chống mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội khác.

b) Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội

Tiếp tục thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

9. Thiết chế văn hóa

a) Thiết chế văn hóa cấp tỉnh

Tiếp tục sử dụng hiệu quả và khai thác tối đa công năng sử dụng của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh theo cơ chế cung ứng dịch vụ văn hóa, đảm bảo nâng mức tự cân đối kinh phí hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, giảm dần tỷ lệ nguồn ngân sách cấp của Nhà nước.

b) Thiết chế văn hóa cấp huyện/thị xã/thành phố

- Đến năm 2020: 90% số đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 30% số đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà Thiếu nhi; 10% số đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà Văn hóa Lao động.

- Đến năm 2025: 100% huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 40% số đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà Thiếu nhi; 30% số đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà Văn hóa Lao động.

c) Thiết chế văn hóa cấp xã/phường/thị trấn

- Đến năm 2020: có 41% Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã cơ bản đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (5 xã đã đạt chuẩn, xây mới 53 xã và sửa chữa, nâng cấp cho 10 xã hiện có, tổng số 68/166 xã), trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. Cán bộ văn hóa có trình độ đại học đạt 35%, cao đẳng hoặc trung cấp có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp đạt 30%; cán bộ thể dục, thể thao có trình độ đại học đạt 20%, trình độ cao đẳng hoặc trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ đạt 15%.

- Đến năm 2025: 77% xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (127/166 xã) cơ bản đạt các tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

d) Thiết chế văn hóa thôn/tổ dân phố

- Đến năm 2020: 43% Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn cơ bản đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (49 thôn đã đạt chuẩn, xây mới 39 thôn và sửa chữa, nâng cấp cho 300 thôn hiện có, tổng số 388/897 thôn), trong đó được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. Có 100% cán bộ kiêm nhiệm phụ trách Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Đến năm 2025: 87% thôn có Nhà Văn hóa - Khu thể thao (777/897 thôn) và cơ bản đạt các tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

e) Thiết chế văn hóa tại các Khu công nghiệp

- Đến năm 2020: 100% Khu công nghiệp, Khu kinh tế có quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động, trong đó tối thiểu

30% Khu kinh tế, Khu công nghiệp đã hoạt động, xây dựng được Trung tâm Văn hóa

- Thể thao phục vụ công nhân, người lao động.

- Đến năm 2025: 40% Khu công nghiệp, Khu chế xuất có Trung tâm Văn hóa - Thể thao vụ công nhân, người lao động.

g) Hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thông tin

Khai thác, phát huy vốn văn nghệ dân gian truyền thống và giữ gìn các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tác, liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi thông tin lưu động. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở các Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

10. Đào tạo và nghiên cứu khoa học

a) Đào tạo

- Phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng và hoàn chỉnh Đề án đào tạo cán bộ làm công tác văn hóa xã.

- Phối hợp với địa phương đưa đi đào tạo các lớp tại các trường văn hóa nghệ thuật có uy tín trong nước. Sau kết thúc khóa học, đưa về địa phương bố trí công tác ở xã, phường, thị trấn theo đúng chuyên ngành đã được đào tạo.

b) Nghiên cứu khoa học

Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa, như công tác chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương tiến hành các nghiên cứu sâu về các giá trị văn hóa các cộng đồng dân tộc trên địa bàn, tìm hiểu và quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh ra bên ngoài.

11. Quản lý dịch vụ văn hóa

a) Kinh doanh Karaoke

Tăng cường công tác thẩm định, cấp phép và kiểm tra các điểm kinh doanh dịch vụ bar, Karaoke theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các điểm kinh doanh karaoke vi phạm pháp luật.

b) Công tác thanh tra

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc, hành vi vi phạm quy định của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa trong đời sống xã hội.

12. Giao lưu và hợp tác quốc tế

Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Tăng cường năng lực, trình độ ngoại ngữ của các cán bộ quản lý văn hóa cấp tỉnh để chủ động trong công tác giao lưu, hợp tác trao đổi văn hóa với bạn bè quốc tế. Đối với các nghệ sỹ, diễn viên của tỉnh, ngoài việc thường xuyên rèn luyện nghề, cần được trau dồi kiến thức về ngoại ngữ để làm chủ trong các cuộc giao lưu, tiếp xúc với khán giả nước ngoài khi lưu diễn.

13. Công tác gia đình

Tiếp tục tổ chức thực hiện các chương trình phối hợp về công tác gia đình với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi...; đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các đơn vị liên quan trong xây dựng văn bản chính sách về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

14. Văn hóa các dân tộc thiểu số

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đào tạo cán bộ chuyên sâu về văn hóa, hỗ trợ phục dựng nhà truyền thống các dân tộc, xuất bản sách và tài liệu liên quan đến văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời hằng năm sẽ tổ chức chuyên đề về bảo tồn văn hóa phi vật thể, bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp về quản lý nhà nước

Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa.

Triển khai các quy định của pháp luật, chính sách về văn hóa tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động văn hóa, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động dịch vụ văn hóa.

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và trách nhiệm cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa.

2. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp văn hóa ở các vùng trong tỉnh.

Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn phát triển các di sản văn hóa phi vật thể, chú trọng bồi dưỡng đào tạo tài năng văn hóa, thể thao của tỉnh và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ văn hóa, thể thao xã, phường; hướng dẫn viên du lịch trong tỉnh.

3. Giải pháp về vốn đầu tư

Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của nhà nước, ưu tiên các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.

Huy động vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn xã hội hóa là hết sức quan trọng trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tu bổ tôn tạo các di tích, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên, triển lãm, mỹ thuật. Mục tiêu là huy động tối đa các nguồn vốn để giải quyết nhu cầu đầu tư cho kết cấu hạ tầng, các dịch vụ văn hóa.

4. Giải pháp về nguồn nhân lực

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ sự nghiệp văn hóa; Xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nguồn cán bộ phục vụ phát triển sự nghiệp văn hóa. Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý văn hóa từ tỉnh đến huyện, đồng thời tiếp tục cải cách hành chính đối với quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư và cấp phép các ngành nghề dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa để tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển chung của ngành.

5. Giải pháp về xã hội hóa

Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách quản lý nhà nước về xã hội hóa văn hóa. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho hoạt động văn hóa; Khuyến khích xây dựng các công trình văn hóa; các đơn vị sản xuất và kinh doanh thiết bị, dụng cụ văn hóa, thể thao.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển sự nghiệp văn hóa. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị công lập để khai thác, sử dụng hiệu quả.

6. Giải pháp về khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế

Chú trọng công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển văn hóa, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ cán bộ văn hóa.

Phối hợp với các cơ quan ở Trung ương và địa phương để biên soạn và ứng dụng các chương trình, giáo án giảng dạy trong các cơ sở đào tạo thuộc ngành quản lý. Tăng cường công tác hội nhập, giao lưu quốc tế, giới thiệu văn hóa và con người Quảng Ngãi thông qua các hoạt động chuyên môn về văn hóa. Tranh thủ sự giúp đỡ, thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân và các tổ chức quốc tế cho việc phát triển văn hóa.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố công bố công khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch, đảm bảo kết quả và đúng theo quy định của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Trưởng ban: Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Quảng Ngãi; Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Viết Chữ

 

PHỤ LỤC 1

CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CỦA NGÀNH VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 1316 /QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

STT

Tên dự án

Địa điểm xây dựng

Quy mô

Tổng mức đầu tư

(tỷ đồng)

Ghi chú

1

2

3

4

5

6

A

Các dự án thực hiện
Giai đoạn 2014 – 2015

 

 

 

 

1

Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh

Huyện Đức Phổ

2 ha

34

Đang triển khai thi công

2

Khu lưu niệm Bác Phạm Văn Đồng (Giai đoạn 2)

Huyện Mộ Đức

5 ha

36,5

Đã bố trí nguồn vốn

3

Bảo tàng Lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa tại đảo Lý Sơn

Huyện Lý Sơn

1,5 - 2 ha

115

Đã có chủ trương

4

Cải tạo, nâng cấp nhà làm việc và luyện tập đoàn ca múa nhạc dân tộc

Thành phố Quảng Ngãi

1.958m2

10,1

Đã bố trí nguồn vốn

5

Tôn tạo và nâng cấp mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng

Thành phố Quảng Ngãi

0,7ha

8,5

Đang lập dự án

6

Trùng tu, tôn tạo di tích Quốc gia kiến trúc nghệ thuật Chùa Ông

Huyện Tư Nghĩa

0,9ha

13,7

Đã có chủ trương

B

Các dự án thực hiện giai đoạn 2016 - 2020

 

 

 

 

1

Tượng đài Bác Phạm Văn Đồng

Tp. Quảng Ngãi

1 ha

20

 

2

Trung tâm Văn hóa đa năng

Tp. Quảng Ngãi

2 ha

200

 

3

Xây dựng Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tp. Quảng Ngãi

5 ha

200

 

4

Tiếp tục xây dựng Bảo tàng Lịch sử Hoàng Sa Trường Sa tại đảo Lý Sơn

Huyện Lý Sơn

1,5 - 2 ha

115

Đã có chủ trương

5

Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Trường Lũy - Quảng Ngãi

8 huyện của tỉnh

Khoảng 101 km

70

Đang lập dự án

6

Xây dựng và phát huy quần thể Di tích khởi nghĩa Trà Bồng

Huyện Trà Bồng

1,5 ha

50

 

7

Xây dựng và phát huy quần thể di tích chiến thắng Vạn Tường

H. Bình Sơn

2 ha

50

 

8

Xây dựng và phát huy Di tích Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Trung Bộ (Nghĩa Hành)

H. Nghĩa Hành

1 ha

50

 

9

Xây dựng Hồ sơ Di sản văn hóa phí vật thể chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đưa UNESCO công nhận (gồm 2 hồ sơ:

 

 

03

 

(1) Lễ Khao Lề thế Lính Hoàng Sa, đảo Lý Sơn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Huyện đảo Lý Sơn

 

 

(2) Hát Sắc Bùa là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp)

Một số huyện thị có liên quan

 

 

 

PHỤ LỤC 2

KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NGÀNH VĂN HÓA ĐẾN 2020
(Kèm theo Quyết định số: 1316 /QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Đơn vị tính: ha

TT

Địa phương

Diện tích

1.

Thành phố Quảng Ngãi

68,17

2.

Huyện Bình Sơn

29,69

3.

Huyện Sơn Tịnh

104,22

4.

Huyện Tư Nghĩa

29,43

5.

Huyện Mộ Đức

6,80

6.

Huyện Đức Phổ

413,47

7.

Huyện Nghĩa Hành

1,74

8.

Huyện Trà Bồng

7,38

9.

Huyện Tây Trà

5,48

10.

Huyện Sơn Hà

30,33

11.

Huyện Sơn Tây

11,91

12.

Huyện Minh Long

4,75

13.

Huyện Ba Tơ

19,86

14.

Huyện Lý Sơn

8,17

 

Tổng cộng:

741,40

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1316/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 1316/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Lê Viết Chữ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản