Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1509/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 26 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị;

Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị năm đến 2020;

Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020,

Căn cứ Nghị quyết số 05/2013/NQ-HĐND ngày 31 tháng 5 năm 2013 của HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI, kỳ họp thứ 8 về việc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm

Thực hiện mục tiêu chiến lược về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định hướng phát triển đô thị của quốc gia; phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và định hướng của tỉnh, của vùng; phân bố hợp lý các đô thị, các vùng đô thị hóa tạo sự phát triển cân đối, có sự hỗ trợ, liên kết giữa các đô thị; kết hợp hài hòa giữa cải tạo và xây dựng mới, gìn giữ bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống, điều kiện tự nhiên và cảnh quan môi trường với việc áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ, xây dựng cuộc sống tiện nghi, văn minh hiện đại ở đô thị.

2. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng chiến lược phát triển hệ thống đô thị phù hợp với sự phân bố và trình độ phát triển lực lượng sản xuất trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020; xác định các khu vực trọng điểm, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thu hút mọi nguồn lực phát triển, khai thác hợp lý tiềm năng vùng và liên kết vùng.

Quy hoạch phát triển các đô thị trở thành các trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ, là động lực phát triển cho các vùng phụ cận; Đề xuất các chương trình ưu tiên cho giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

3. Định hướng phát triển hệ thống đô thị

Trong giai đoạn đến năm 2020, nâng cấp, mở rộng 13 đô thị hiện có và phát triển thêm 07 đô thị mới; chỉ tiêu điểm đô thị đạt 3,98 đô thị/1000 km2. Điều chỉnh chức năng một số đô thị, tạo lập hệ thống đô thị liên vùng và phát triển một cách có hiệu quả các đô thị có tính chất đặc thù của vùng.

4. Chức năng đô thị

Thành phố Đông Hà phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí của thành phố đạt đô thị loại II, là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thế trận an ninh quốc phòng của tỉnh, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung. Là đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây;

Các đô thị là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện lỵ (gồm 08 đô thị);

Các đô thị đặc thù và tổng hợp vùng đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ của vùng (gồm 11 đô thị).

5. Phân loại đô thị đến năm 2020

Hệ thống đô thị của Quảng Trị đến năm 2020 được phân thành các cấp bao gồm: Thành phố Đông Hà đô thị loại II; thị xã Quảng Trị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo, thị trấn Hồ Xá và thị trấn Cam Lộ nâng lên đô thị loại IV là các đô thị động lực phát triển. Các thị trấn tham gia vào các cực tăng trưởng của các tiểu vùng bao gồm các thị trấn: Thị trấn Hải Lăng, thị trấn Ái Tử, thị trấn Gio Linh, thị trấn Cửa Việt, thị trấn Cửa Tùng, thị trấn Bến Quan, thị trấn Krông Klang và 07 trung tâm xã nâng lên thị trấn: Bồ Bản, Hướng Phùng, Tà Rụt, Mỹ Thủy, A Túc, Mỹ Chánh, La Vang.

6. Phát triển hạ tầng kỹ thuật đến năm 2020

- Cấp nước sinh hoạt: Nhu cầu cấp nước trên địa bàn tỉnh là 75.000 m3/ngày.đêm; đạt tỷ lệ đô thị có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung là 100%; tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung là 100%;

- Thoát nước và vệ sinh môi trường: Có 100% hệ thống thoát nước đối với thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị; 70% đến 80% cho các đô thị còn lại; 100% đô thị được xử lý thất thải rắn đảm bảo vệ sinh môi trường;

- Giao thông đô thị: 100% hệ thống giao thông của thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và 80% đối với các đô thị còn lại được cứng hóa; hoàn thành đầu tư xây dựng các bến, bãi đổ xe cho các đô thị;

- Tiếp tục đầu tư, cải tạo và xây dựng mới lưới điện đô thị đảm bảo nhu cầu phụ tải. Các trục đường chính của đô thị được chiếu sáng, các nút giao thông quan trọng của đô thị được lắp đèn tín hiệu giao thông;

- Đầu tư xây dựng các lâm viên, công viên, vườn hoa, quảng trường; các khu vui chơi giải trí, các trung tâm văn hóa - thể dục thể thao. Xây dựng thêm các công trình phúc lợi công cộng; cải tạo, nâng cấp và xây mới các cơ quan, công sở và các công trình hạ tầng xã hội khác.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, có sự phù hợp giữa các loại quy hoạch, tránh lãng phí và không hiệu quả, tránh tình trạng quy hoạch treo.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị thông qua việc cải cách thể chế bộ máy quản lý hành chính; bổ sung các văn bản pháp quy về quy chế, quy trình kiểm soát phát triển đô thị.

3. Kiện toàn bộ máy làm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch các cấp, thực hiện phân công, phân cấp trên cơ sở quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi cấp; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực làm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư và xây dựng, nhất là các huyện, thị xã, thị trấn. Tăng cường trách nhiệm của các Hội nghề nghiệp có liên quan tham gia vào công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng.

4. Củng cố và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai, không xây dựng theo đúng quy hoạch và các quy trình, quy phạm của Nhà nước.

5. Huy động mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị. Có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị. Tăng cường công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

6. Mở rộng cuộc vận động nâng cao nhận thức văn minh đô thị và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển đô thị.

7. Tăng cường sự thống nhất đồng bộ trong việc xây dựng và quản lý đô thị, phát huy sức mạnh toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, Hội nghề nghiệp tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác phát triển hệ thống đô thị.

Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã cụ thể hóa các nội dung của quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm và theo từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Giao Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra và đề xuất các giải pháp cần thiết để thực hiện quy hoạch theo đúng quy định; định kỳ cập nhật, báo cáo và đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Cường

 

PHỤ LỤC

TÍNH CHẤT, QUY MÔ VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN CÁC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020

I. PHÁT TRIỂN NÂNG CẤP CÁC ĐÔ THỊ HIỆN HỮU

1. Thành phố Đông Hà: Là đô thị tỉnh lỵ - trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Quảng Trị.

Là trung tâm thương mại, dịch vụ với quy mô cấp vùng và khu vực; Là một trong những trọng điểm công nghiệp, khoa học kỹ thuật và trung tâm văn hóa tỉnh.

Là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Quảng Trị và giao thông liên vùng nối Quảng Trị với các miền trong cả nước và nối với các nước trong khu vực. Là trung tâm giao dịch quốc gia và quốc tế - đầu cầu phát triển trên hành lang kinh tế Đông Tây.

Động lực phát triển đô thị

Phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trở thành ngành kinh tế động lực.

Loại đô thị

Đô thị loại II

Quy mô dân số

150.000 người

Đất xây dựng đô thị

2.250 ha

Định hướng phát triển không gian

Định hướng phát triển về 4 phía, trong đó lấy trục sông Hiếu làm trục cảnh quan trung tâm để phát triển đô thị.

2. Thị xã Quảng Trị: Là thị xã trực thuộc tỉnh. Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch phía Nam tỉnh.

Động lực phát triển đô thị

Phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ - du lịch.

Phát triển công nghiệp - xây dựng với các ngành chủ đạo: Chế biến nông lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng.

Loại đô thị

Cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III

Quy mô dân số

32.775 người

Đất xây dựng đô thị

491,63 ha

Định hướng phát triển không gian

Lấy đô thị hiện có làm hạt nhân phát triển về các hướng.

Hướng Đông phát triển hết ranh giới thị xã lấy phần xâm canh của xã Hải Quy vào thị xã.

Hướng Tây phát triển qua sông Thạch Hãn về phía xã Triệu Thượng. Lấy sông Thạch Hãn là trục không gian xanh của đô thị.

Hướng Nam phát triển về phía xã Hải Lệ.

3. Thị trấn Lao Bảo: Là đầu mối kinh tế thương mại, giao thông của hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa khẩu quốc tế quan trọng có vai trò thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Lào và các nước Asean khác; có vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh và quốc phòng.

Động lực phát triển đô thị

Phát triển kinh tế cửa khẩu.

Phát triển thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải, du lịch...

Loại đô thị

Đô thị loại IV

Quy mô dân số

30.033 người

Đất xây dựng đô thị

540,59 ha

Định hướng phát triển không gian

Quỹ đất xây dựng mở rộng phát triển theo vòng cung Bắc - Đông - Đông Nam.

4. Thị trấn Khe Sanh: Thị trấn huyện lỵ của huyện Hướng Hóa. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Động lực phát triển đô thị

Phát triển kinh tế cửa khẩu.

Phát triển thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải, du lịch...

Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, gia công đóng gói và công nghiệp năng lượng (thủy điện).

Phát triển nông sản hàng hóa chất lượng cao.

Loại đô thị

Đô thị loại IV

Quy mô dân số

33.792 người

Đất xây dựng đô thị

608,26 ha

Định hướng phát triển không gian

Quỹ đất xây dựng mở rộng phát triển lên phía Bắc của thị trấn, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh.

5. Thị trấn Hải Lăng: Thị trấn huyện lỵ của huyện Hải Lăng. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Hải Lăng.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác dịch vụ - thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Quốc lộ 1A, phát triển công nghiệp với cụm công nghiệp Diên Sanh.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

5.000 người

Đất xây dựng đô thị

125 ha

Định hướng phát triển không gian

Khu vực đô thị:

- Không gian đô thị phát triển dọc về phía Đông quốc lộ 1A. Trục chính của đô thị là tuyến Tỉnh lộ 582, bố trí dọc 2 bên là các khu công trình công cộng, thương mại - dịch vụ;

- Quy hoạch khu vực hồ nước thành khu công viên chính kết hợp với khu phố đi bộ mua sắm, giải trí tạo thành khu thương mại - văn hóa lớn của đô thị;

- Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị bố trí về phía Tây Nam Quốc lộ 1A, phạm vi mở rộng có thể kéo dài đến hành lang xanh cách ly, bảo vệ của tuyến đường quy hoạch mới nối từ đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan ra đến cảng Mỹ Thủy.

6. Thị trấn Ái Tử: Thị trấn huyện lỵ của huyện Triệu Phong. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác dịch vụ - thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Quốc lộ 1A, là điểm cung cấp các dịch vụ thương mại - văn hóa cho cụm công nghiệp Đông Ái Tử nằm trong đô thị.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

5.500 người

Đất xây dựng đô thị

137,5 ha

Định hướng phát triển không gian

Khu vực đô thị:

- Không gian đô thị phát triển chủ yếu dọc Quốc lộ 1A.

- Tại khu vực thị trấn cũ tiếp tục xây dựng các trụ sở cơ quan hành chính, văn phòng,

- Mở rộng thị trấn về phía Đông (các công trình thương mại - dịch vụ, các đơn vị ở, Khu sân bay cũ) quy hoạch các khu dân cư mới, khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và các công trình phúc lợi.

7. Thị trấn Gio Linh: Thị trấn huyện lỵ của huyện Gio Linh. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác dịch vụ - thương mại trên tuyến hành lang kinh tế Quốc lộ 1A, là điểm cung cấp các dịch vụ thương mại cho khu công nghiệp Quán Ngang nằm gần kề đô thị.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

10.500 người

Đất xây dựng đô thị

262,5 ha

Định hướng phát triển không gian

Không gian đô thị phát triển theo 2 hướng chính:

Phía Đông Quốc lộ 1A và hướng theo trục đường Tỉnh lộ 575a là nơi có nhiều quỹ đất thuận lợi xây dựng đô thị mà không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp.

Hai bên đường 575a bố trí khu trung tâm hành chính - văn hóa, công viên cây xanh, khu thể dục thể thao.

Khu thương mại dịch vụ chủ yếu dọc Quốc lộ 1A và 2 bên đường 575a.

Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị bố trí dọc theo đường 575a về hướng Đông.

8. Thị trấn Cửa Việt: Là đô thị phát triển kinh tế tổng hợp ven biển, trực thuộc huyện Gio Linh.

Động lực phát triển đô thị

Dịch vụ - du lịch, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ cảng biển.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

7.000 người

Đất xây dựng đô thị

175 ha

Định hướng phát triển không gian

Các trục giao thông chính của đô thị theo 2 hướng:

Bắc - Nam: đường dọc bờ biển.

Hướng Đông - Tây: đường Quốc lộ 9 và tuyến song song nối khu vực bãi tắm Cửa Việt với Quốc lộ 9.

Khu hành chính, thương mại, công cộng bố trí tại khu vực trung tâm, các khu dân cư mới quy hoạch dọc tuyến đường chính song song Quốc lộ 9. Các khu dịch vụ - du lịch bố trí dọc ven biển.

9. Thị trấn Hồ Xá: Là đô thị phát triển kinh tế tổng hợp vùng phía Bắc tỉnh. Thị trấn huyện lỵ của huyện Vĩnh Linh. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Động lực phát triển đô thị

Thế mạnh là đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh thuộc hành lang kinh tế Quốc lộ 1A, phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tài chính, công nghiệp, du lịch.

Là điểm cung cấp các dịch vụ thương mại cho khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá nằm gần kề đô thị.

Loại đô thị

Đô thị loại IV

Quy mô dân số

20.000 người

Đất xây dựng đô thị

360 ha

Định hướng phát triển không gian

Hướng phát triển không gian: chủ yếu dọc Quốc lộ 1A, và phát triển khu vực phía Bắc thị trấn hiện có. Mở rộng không gian đô thị tại khu vực ruộng thấp dọc Quốc lộ 1A và khu vực phía Đông Bắc thị trấn nhằm khai thác quỹ đất thuận lợi phục vụ nhu cầu đô thị hóa, mở rộng thị trấn. Trục thương mại của thị trấn là trục dọc theo quốc lộ 1A. Khai thác cảnh quan ven sông Hồ Xá để tạo thành không gian công viên cây xanh, công viên sinh thái.

10. Thị trấn Cửa Tùng: Là đô thị phát triển du lịch - dịch vụ, thương mại phía Đông huyện Vĩnh Linh, thị trấn trực thuộc huyện Vĩnh Linh.

Động lực phát triển đô thị

Dịch vụ - du lịch, thương mại, khai thác và chế biến thủy sản.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

8.500 người

Đất xây dựng đô thị

215,5 ha

Định hướng phát triển không gian

Không gian đô thị phát triển dọc ven biển từ khu vực mũi Si đến cảng Cửa Tùng.

Quỹ đất dự trữ phát triển bố trí phía Tây Bắc.

11. Thị trấn Bến Quan: Là đô thị phát triển kinh tế tổng hợp phía Tây huyện Vĩnh Linh.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác dịch vụ - thương mại trên tuyến đường Hồ Chí Minh.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

6.000 người

Đất xây dựng đô thị

150 ha

Định hướng phát triển không gian

Phát triển về 2 bên của trục đường Hồ Chí Minh và phía Bắc tỉnh lộ 571.

Hướng trục chính đô thị nằm song song với đường Hồ Chí Minh, khu trung tâm hành chính - thương mại - dịch vụ bố trí 02 bên đường làm điểm nhấn chính của đô thị.

Quy hoạch cây xanh cảnh quan ven bờ sông Sa Lung và các suối nhỏ cùng với hệ thống cây xanh đường phố tạo nên không gian xanh xen kẽ giữa các khu chức năng của đô thị.

Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị bố trí về phía Bắc.

12. Thị trấn Cam Lộ: Là đô thị phát triển kinh tế tổng hợp. Thị trấn huyện lỵ huyện của huyện Cam Lộ. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác dịch vụ - thương mại trên tuyến hành lang kinh tế đường Quốc lộ 9.

Loại đô thị

Đô thị loại IV

Quy mô dân số

10.000 người

Đất xây dựng đô thị

180 ha

Định hướng phát triển không gian

Khu phía Bắc đường Quốc lộ 9 là phần đất đô thị hiện hữu gồm khu hành chính, trụ sở các cơ quan, một số công trình thương mại - dịch vụ.

Khu phía Nam là khu xây dựng mới gồm khu trung tâm thương mại, văn hóa, công viên, khu thể dục thể thao, các đơn vị ở theo dạng chia lô, nhà vườn với mật độ xây dựng thấp.

Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị bố trí chủ yếu phía Nam đường Quốc lộ 9.

13. Thị trấn Krông Klang: Là đô thị phát triển kinh tế tổng hợp. Thị trấn huyện lỵ của huyện ĐaKrông. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác dịch vụ - thương mại trên tuyến hành lang kinh tế đường Quốc lộ 9, là đô thị miền núi có bản sắc văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

5.000 người

Đất xây dựng đô thị

125 ha

Định hướng phát triển không gian

Không gian đô thị phát triển theo hướng: Bắc và Nam; trong đó, khu vực trung tâm đô thị bố trí tại km 41 là nơi tập trung các cơ quan hành chính của huyện, thị trấn.

Quỹ đất dự trữ phát triển đô thị bố trí ở phía Bắc, Nam.

II. PHÁT TRIỂN CÁC ĐÔ THỊ MỚI

1. Thị trấn Bồ Bản: Là đô thị vùng ven biển chuyên ngành dịch vụ - thương mại.

Động lực phát triển đô thị

Dịch vụ - thương mại, khai thác và chế biến nông sản.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

4.000 người

Đất xây dựng đô thị

100 ha

Định hướng phát triển không gian

Không gian đô thị phát triển dọc 02 bên Tỉnh lộ 580, hướng mở rộng thị trấn về hướng Bắc ra đến sát bờ sông.

2. Thị trấn Tà Rụt: Là đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch - chế biến tiểu thủ công nghiệp nằm trên đường Hồ Chí Minh, gắn với cửa khẩu Quốc tế La Lay.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác dịch vụ - du lịch trên tuyến kinh tế đường Hồ Chí Minh, cửa khẩu La Lay.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

4.000 người

Đất xây dựng đô thị

100 ha

Định hướng phát triển không gian

Phát triển dọc đường Hồ Chí Minh chủ yếu về phía Đông.

3. Thị trấn Hướng Phùng: Là đô thị vùng kinh tế tổng hợp, trực thuộc huyện Hướng Hóa.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác dịch vụ - thương mại trên trục kinh tế đường Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế tại cửa khẩu Bản Cheng; khai thác và chế biến nông lâm sản, cung cấp cơ sở dịch vụ cho tuyến du lịch tham quan vùng núi phía Tây Bắc tỉnh và khu bảo tồn tự nhiên Bắc Hướng Hóa.

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

5.000 người

Đất xây dựng đô thị

125 ha

Định hướng phát triển không gian

Không gian đô thị phát triển dọc trục kinh tế đường Hồ Chí Minh, chủ yếu về phía Bắc.

4. Thị trấn Mỹ Thủy: Là đô thị chuyên ngành thương mại - dịch vụ, khu kinh tế.

Động lực phát triển đô thị

Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

4.000 người

Đất xây dựng đô thị

100 ha

Định hướng phát triển không gian

Phát triển trên cơ sở một phần quỹ đất của xã Hải An và xã Hải Khê

5. Thị trấn A Túc: Là đô thị vùng biên giới.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác kinh tế vùng biên giới và Tỉnh lộ 586, cửa khẩu xã Thanh; chế biến lâm sản, nông sản…

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

4.000 người

Đất xây dựng đô thị

100 ha

Định hướng phát triển không gian

Hướng phát triển không gian: phát triển đô thị về hai phía Tỉnh lộ 586.

6. Thị trấn Mỹ Chánh: Là đô thị phát triển kinh tế phía Nam huyện Hải Lăng.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác hành lang kinh tế Quốc lộ 1A

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

6.000 người

Đất xây dựng đô thị

150 ha

Định hướng phát triển không gian

Hướng phát triển không gian: phát triển đô thị trên cơ sở diện tích của 03 thôn: Mỹ Chánh, Hội Kỳ và Tân Hiệp

7. Thị trấn La Vang: Là đô thị phát triển kinh tế du lịch tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo.

Động lực phát triển đô thị

Khai thác du lịch tôn giáo tín ngưỡng nhà thờ La Vang

Loại đô thị

Đô thị loại V

Quy mô dân số

4.000 người

Đất xây dựng đô thị

100 ha

Định hướng phát triển không gian

Hướng phát triển không gian: phát triển đô thị trên cở sở một phần diện tích của thôn Phú Hưng, xã Hải Phú