- 1Quyết định 07/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 116/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 132/2001/QĐ-TTg về cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 162/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6Quyết định 184/2004/QĐ-TTg về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 206/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1502/2007/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 26 tháng 9 năm 2007 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 07/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở làng nghề ở nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 184/2004/QĐ-TTg ngày 22/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 630/2003/QĐ-UBND ngày 27/11/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2003 - 2010 và định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái tại Tờ trình số 65/TTr-SGTVT ngày 06/7/2007 về việc phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng giao thông nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển hạ tầng giao thông nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010.
Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện đề án về Uỷ ban nhân dân tỉnh theo định kỳ 6 tháng, 1 năm.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN - MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Kèm theo Quyết định số 1502/2007/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực vượt bậc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, công tác phát triển giao thông nông thôn miền núi (GTNT – MN) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt được nhiều thành tích to lớn. Hệ thống đường giao thông nông thôn miền núi đã từng bước được đầu tư mở mới, cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao khó khăn đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người và tăng cường an ninh – quốc phòng của địa phương. Phong trào làm đường GTNT - MN đã phát triển rộng khắp với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” từ đó đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng nhiều nguồn vốn: Vốn Ngân sách Nhà nước, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay phát triển chính thức ODA và vốn từ các tổ chức nước ngoài viện trợ không hoàn lại, các huyện, thị xã, thành phố đã huy động các nguồn lực của địa phương tập trung đầu tư hệ thống giao thông nông thôn. Đến nay 180/180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thông được nền đường ô tô đến trung tâm, một số xã đã kiên cố hoá được mặt đường và công trình thoát nước đảm bảo giao thông trong bốn mùa.
Tuy nhiên công tác phát triển hạ tầng GTNT-MN trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại khó khăn cần khắc phục, đó là:
1) Quy hoạch phát triển GTNT-MN của các huyện, thị xã, thành phố còn thiếu, đã làm khó khăn cho các địa phương trong công tác xây dựng đề án, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng GTNT-MN hàng năm, công tác phân kỳ đầu tư còn hạn chế, trên một tuyến đường khi được đầu tư không thống nhất về quy mô cấp hạng kỹ thuật và tải trọng còn hiện tượng làm đi làm lại gây lãng phí đầu tư.
2) Đường giao thông nông thôn đến trung tâm các xã chủ yếu mới được khai thông nền đường, mặt đường mới được kiên cố hoá được 15%, còn thiếu các công trình thoát nước, đặc biệt là các công trình vượt sông suối lớn nên hiệu quả khai thác còn hạn chế, chỉ đi được trong mùa khô và thường bị ắch tắc giao thông trong mùa mưa, lũ. Mạng lưới giao thông chưa hoàn chỉnh còn thiếu các tuyến đường ngang nối các thôn, bản, khu đông dân cư đến trung tâm xã.
3) Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng GTNT-MN là rất lớn trong khi đó tỉnh Yên Bái là một tỉnh nghèo điểm xuất phát kinh tế còn thấp, phân bố dân cư giữa các vùng, miền không đều, tập quán sinh hoạt khác nhau, địa hình miền núi chia cắt phức tạp, các Doanh nghiệp và các Nhà đầu tư trên địa bàn ít, đây là khó khăn chủ yếu trong việc huy động các nguồn lực ngoài Ngân sách Nhà nước để đầu tư cho phát triển hạ tầng GTNT-MN.
4) Nhà nước chưa có cơ chế chính sách thống nhất trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn miền núi do vậy làm cho các địa phương còn lúng túng, khó khăn trong tổ chức thực hiện.
5) Việc lồng ghép các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn chưa hiệu quả, việc đầu tư còn dàn trải, không tập trung. Các công trình được đầu tư nhỏ lẻ, phân tán do nhiều đơn vị làm chủ đầu tư, các Ban quản lý Dự án ở các địa phương, năng lực quản lý và điều hành Dự án còn hạn chế dẫn đến tiến độ và chất lượng một số công trình giao thông nông thôn chưa đạt yêu cầu.
6) Phong trào phát triển hạ tầng GTNT-MN ở một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục, việc huy động các nguồn lực của các địa phương cho đầu tư phát triển và duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông nông thôn còn hạn chế, một số địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào vốn đầu tư của Nhà nước.
- Căn cứ Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 07/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính thực hiện chương trình Phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở làng nghề ở nông thôn;
- Căn cứ Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
- Căn cứ Quyết định số 184/2004/QĐ-TTg ngày 22/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006-2010;
- Căn cứ Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg ngày 01/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020;
- Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010;
- Căn cứ Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 – 2020;
- Căn cứ Quyết định số 630/2003/QĐ-UBND ngày 27/11/2003 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2003 – 2010 và định hướng đến năm 2020;
- Căn cứ Quyết định số 329/2005/QĐ-UBND ngày 26/9/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt những nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế -xã hội các huyện, thị khu vực miền tây tỉnh Yên Bái giai đoạn 2005-2010;
- Căn cứ Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Yên Bái lần thứ XVI;
III . HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG GTNT-MN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI:
Yên Bái là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa là cửa ngõ của vùng Tây Bắc có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển giao thông vận tải. Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái đa dạng phong phú với bốn loại hình vận tải đó là: Đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không nối liền Đông Bắc và Tây Bắc, nối các tỉnh đồng bằng Bắc bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc. Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mạng lưới giao thông vận tải nói chung và mạng lưới GTNT-MN nói riêng trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, mở mới, cải tạo, nâng cấp đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường an ninh - quốc phòng của địa phương và khu vực.
1. Về đường bộ:
a) Mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài: 5.506,3km với mật độ bình quân: 1.25 km/ km2. Trong đó: đường huyện: 735,9 km, đường xã: 2.296,8 km, đường thôn bản: 2473,5 km.
b) Mạng lưới GTNT-MN trên địa bàn tỉnh phân bổ tương đối hợp lý, phù hợp với địa hình nhưng còn chưa hoàn chỉnh về mật độ, cấp hạng kỹ thuật. Cấp hạng kỹ thuật đường huyện, đường xã chủ yếu là đường ô tô cấp A cấp B với 1.935,8 km chiếm 63,8%, đường chưa được vào cấp là 1.096,9 km chiếm 36,2%. Đường dân sinh, đường thôn bản cho người, ngựa và xe thồ đi lại rộng từ 0,5m – 2,5m với 2.473,5 km.
c) Các tuyến đường đến trung tâm các xã cơ bản mới khai thông được nền đường mới kiên cố được 454,3 km chiếm 15% với mặt đường bê tông xi măng 120,8 km chiếm tỷ lệ 3,98%; mặt đường nhựa 105,7 km chiếm 3,48%; mặt đường đá dăm 59,2 km chiếm 1,95%; mặt đường cấp phối 168,6 km chiếm 5,56% còn lại là mặt đường đất 2.567,8 km chiếm 85%. Do đó chỉ đi lại được trong mùa khô và ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ.
d) Chất lượng khai thác mạng lưới đường huyện, đường xã còn rất khó khăn với loại đường tốt 214,8 km chiếm 7,08%; loại đường trung bình 264,9 km chiếm 8,73%, còn lại là loại đường xấu và rất xấu 2.552,5 km chiếm 84,19%.
e) Công trình thoát nước còn thiếu đặc biệt là cầu qua sông, suối lớn, không đồng bộ về tải trọng và khổ cầu, nhiều cầu tải trọng thấp ≤ 5T, nhiều cầu khổ hẹp từ 3,5m – 4m.
Nhiều công trình cầu, cống và nhiều tuyến đường sau nhiều năm đưa vào khai thác do nguồn vốn quản lý, bảo trì còn khó khăn do đó đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phương tiện tham gia giao thông, phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hoá trên địa bàn.
f) Hệ thống đường giao thông mới được đầu tư đến trung tâm xã còn thiếu các tuyến đường nối tới các thôn, bản, khu đông dân cư.
g) Công tác quản lý, bảo trì các công trình giao thông nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn do khối lượng lớn, địa hình hiểm trở, địa chất thuỷ văn phức tạp, việc huy động nguồn lực cho công tác quản lý, bảo trì còn nhiều hạn chế.
(Có chi tiết biểu số 05 kèm theo)
2. Đường thuỷ:
Đường thuỷ nội địa tỉnh Yên Bái phong phú và đa dạng phân bố ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đường thuỷ Yên Bái có nhiều thế mạnh để đầu tư khai thác gắn kết đường sắt, đường bộ tạo mạng lưới giao thông vận tải liên hoàn trong nội bộ tỉnh, liên tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh- quốc phòng. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua chưa được đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác, các bến khách hình thành dọc hai bên sông Hồng và hồ Thác Bà chủ yếu là các bến tạm, tự phát chưa được đầu tư kiên cố do vậy luôn bị biến động theo mùa.Tổng số bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh: 50 bến trong đó: Trên sông Hồng: 38 bến (có 01 bến phà Trái Hút); hồ Thác Bà: 12 bến.
IV. KẾT QUẢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN - MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2001-2005.
1. Kết quả đầu tư:
Trong năm qua cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các nguồn lực: vốn Ngân sách Nhà nước, vốn các chương trình kinh tế của Chính phủ, vốn vay nước ngoài ...v.v, các địa phương đã phát động phong trào toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn với khẩu hiệu“Đường ta làm cho dân ta đi”, “Ta làm, ta sửa, ta đi” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với nhiều hình thức huy động nguồn lực phong phú và đa dạng: Huy động sự đóng góp của nhân dân và cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn bằng ngày công lao động, bằng tiền, bằng vật liệu. Huy động tổng các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn bằng việc mở các công trường tập trung; huy động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn lồng ghép từ các chương trình kinh tế, vốn vay nước ngoài cho các Dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Đến nay 100% các xã đã thông nền đường ô tô đến trung tâm xã, một số tuyến đã kiên cố hoá được mặt đường và công trình thoát nước đảm bảo giao thông thông suốt trong bốn mùa.
- Đã mở mới được 376,8 km đường ô tô, cải tạo được 82,4 km đường ô tô; kiên cố hoá được 370 km đường ô tô trong đó: Mặt đường bê tông xi măng 85 km, đá dăm láng nhựa 94 km, đá dăm nước 46 km, cấp phối 145 km; cầu bê tông 38 cái, cầu thép 3 cái, cầu treo 31 cái, ngầm tràn 22 cái, cống các loại 412 cái. Đường thôn bản mở mới 291,6 km.
- Với tổng vốn đầu tư cho phát triển GTNT-MN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001 - 2005 là: 470.630 triệu đồng.
Trong đó:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 103.697 triệu đồng, chiếm 22,03%
+ Ngân sách địa phương + vốn vay: 158.567 triệu đồng, chiếm 33,69 %
+ Vốn đầu tư nước ngoài: 60.008 triệu đồng, chiếm 2,75 %
+ Ngân sách huyện, thị, thành phố: 18.924 triệu đồng, chiếm 4,02 %
+ Huy động nhân dân đóng góp 129.434 triệu đồng, chiếm 27,5 %.
Nguồn vốn Ngân sách huyện, thị xã, thành phố và huy động sức đóng góp của nhân dân và các tổ chức chiếm 31,5% so với tổng nguồn vốn đầu tư.
2. Bài học từ kết quả đạt được:
Một là: Trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác phát triển hạ tầng GTNT-MN trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân có các Nghị quyết về các Dự án đầu tư phát triển GTNT-MN trọng điểm. Trong quá trình thực hiện, cấp uỷ Đảng Chính quyền địa phương đã có những chủ trương, Nghị quyết về các đề án, kế hoạch cụ thể hàng năm để tổ chức thực hiện công tác phát triển hạ tầng GTNT phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Hai là: Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng GTNT-MN để người dân tự nguyện tham gia phong trào xây dựng đường GTNT-MN. Cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác tuyên truyền trong đó nòng cốt là: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh để người dân hiểu và tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng đường GTNT.
Ba là: Có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực, có hình thức tổ chức thực hiện hiệu quả phù hợp với từng địa phương. Phân cấp quản lý các nguồn vốn đầu tư cho các địa phương được hưởng lợi từ Dự án, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý, giám sát quá trình đầu tư xây dựng trên địa bàn với phương châm “dân biết, dân làm dân kiểm tra” phát huy hiệu quả đầu tư.
Bốn là: Muốn đầu tư phát triển GTNT-MN có hiệu quả trước hết các địa phương phải quan tâm đến công tác xây dựng Quy hoạch phát triển GTNT-MN trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hàng năm các địa phương phải căn cứ vào Quy hoạch được duyệt và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các Chương trình kinh tế, các Dự án được đầu tư trên địa bàn, vốn huy động đóng góp của các doanh nghiệp, nhân dân để đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn.
Năm là: Hàng năm làm tốt công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng kết phong trào đầu tư phát triển GTNT-MN trên địa bàn toàn tỉnh và có các hình thức khen thưởng kịp thời để động viên phong trào toàn dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn.
V. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GTNT-MN GIAI ĐOẠN 2006-2010:
1. Quan điểm:
a) Quán triệt và vận dụng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI. Và sự chỉ đạo của các Bộ, Ngành Trung ương trong công tác phát triển hạ tầng GTNT-MN giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
b) Phát triển GTNT-MN phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh của các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư phát triển GTNT-MN đi trước một bước tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn miền núi, góp phần xoá, đói giảm nghèo các xã vùng sâu, vùng xa và tăng cường an ninh - quốc phòng của địa phương và khu vực.
c) Coi trọng công tác quản lý bảo trì và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng GTNT-MN hiện có đồng thời tiếp tục đầu tư các tuyến đường GTNT quan trọng; đầu tư có trọng tâm trọng điểm ưu tiên hỗ trợ vốn cho phát triển GTNT-MN ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng cao đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ địa cách mạng từng bước xoá đói, giảm nghèo và giảm sự chênh lệch giữa các vùng và giữa nông thôn với thành thị. Tập trung vốn đầu tư công trình thoát nước, kiên cố hoá mái ta luy và mặt đường đến trung tâm xã và các thôn bản đông dân cư.
d) Phát huy tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, kết hợp giữa giao thông đường bộ và giao thông đường thuỷ, giao thông với thuỷ lợi, thuỷ điện và giao thông phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp khai thác khoáng sản và phát triển công nghiệp địa phương. Phát triển giao thông nông thôn phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia với đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn bản, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn, vùng nguyên liệu với các khu công nghiệp chế biến, giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ, kết hợp giữa kinh tế với an ninh - quốc phòng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương.
e) Phát huy nội lực, có cơ chế chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GTNT-MN với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhân dân làm là chính. Việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn phải phù hợp với Quy hoạch kết hợp lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức Quốc tế, tránh tình trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả phải làm đi, làm lại gây lãng phí.
f) Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, vật liệu mới, công nghệ tiên tiến kết hợp với sử dụng vật liệu tại chỗ nhằm giảm chi phí xây dựng cho các công trình giao thông nông thôn.
g) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển hạ tầng GTNT-MN, tiếp tục phân cấp cho các địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách, Luật Giao thông đường bộ và các quy định hiện hành.
2. Mục tiêu:
Hoàn thành Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ Yên Bái lần thứ XVI về Phát triển hạ tầng GTNT-MN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010: “Phấn đấu 70% mặt đường nông thôn được cứng hoá (nhựa, bê tông) ”.
3. Nhiệm vụ:
3.1. Về đường bộ:
+ Đường huyện, đường xã cải tạo, nâng cấp, kiên cố hoá mặt đường đến năm 2010 là 1.860 km. Trong đó khối lượng thực hiện năm 2006 là 191,4 km, khối lượng thực hiện giai đoạn 2007-2010 là 1.668 km với đường huyện là 388 km, đường xã là 1.280 km.
+ Đường thôn bản mở mới 360 km:
3.2. Đường thuỷ:
Đến năm 2010 phấn đấu đầu tư kiên cố hoá 37 bến đò trên sông Hồng và 12 bến trên Hồ Thác Bà nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách trên các tuyến đường thuỷ nội địa đáp ứng sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của các xã dọc sông Hồng và khu vực quanh Hồ Thác Bà.
3.3. Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2006 – 2010:
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng GTNT-MN đến năm 2010 là: 1.550.355 triệu đồng. Trong đó bố trí vốn thực hiện năm 2006: 141.655 triệu đồng, nhu cầu vốn cho giai đoạn 2007 – 2010 là 1.408.690 triệu đồng
Trong đó:
3.3.1. Nhu cầu vốn đầu tư đường bộ: 1.397.710 triệu đồng
a) Vốn mở mới, cải tạo, nâng cấp: 1.372.360 triệu đồng
Trong đó:
- Đường huyện: 475.789 triệu đồng
- Đường xã: 888.823 triệu đồng
- Đường thôn, bản: 7.748 triệu đồng
b) Vốn duy tu bảo dưỡng đường huyện, xã: 25.350 triệu đồng
c) Cơ cấu vốn đầu tư:
- Ngân sách TW hỗ trợ: 410.000 triệu đồng chiếm 29,3 %
- Vốn hỗ trợ của nước ngoài: 310.000 triệu đồng chiếm 22,2 %
- Ngân sách tỉnh : 296.748 triệu đồng chiếm 21,2 %
- Ngân sách huyện, thị xã, TP: 124.000 triệu đồng chiếm 8,9 %
- Huy động ND, các tổ chức: 256.962 triệu đồng chiếm 18,4 %
3.3.2. Đường thuỷ: 10.980 triệu đồng
+ Cơ cấu vốn đầu tư:
- Ngân sách tỉnh: 3.300 triệu đồng chiếm 30%
- Ngân sách huyện, thị xã, TP: 1.000 triệu đồng chiếm 10 %
- Huy động ND, các tổ chức: 6.680 triệu đồng chiếm 60%
(Có chi tiết phụ lục biểu số 01, 02, 03, 04 kèm theo)
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng GTNT-MN:
Công tác huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển giao thông nông thôn miền núi phải được thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp. Hàng năm các Đảng bộ và Hội đồng nhân dân các cấp phải có các Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển giao thông nông thôn - miền núi. Trong quá trình tổ chức thực hiện các cấp Chính quyền phải xây dựng các cơ chế, chính sách và hình thức huy động linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển giao thông nông thôn.
Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu được tầm quan trọng của công tác đầu tư phát triển hạ tầng GTNT-MN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường an ninh – quốc phòng nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế xoá đói, giảm nghèo để người dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng.
2. Các giải pháp về cơ chế, chính sách:
2.1. Về vốn đầu tư:
a) Cơ cấu vốn đầu tư:
- Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển GTNT-MN trên địa bàn tỉnh là rất lớn trong khi đó nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI và Nghị quyết Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương cần tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị trong công tác phát triển GTNT-MN và phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng của địa phương.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” một mặt tranh thủ nguồn lực trong dân, mặt khác nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc phát triển hạ tầng GTNT-MN ở địa phương.
- Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức Quốc tế, vốn hỗ trợ Ngân sách địa phương, vốn đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội để đầu tư phát triển GTNT-MN.
Đầu tư phát triển GTNT với phương châm “đường ta làm ta đi” “ta làm ta sửa ta đi” nhân dân làm là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vốn và thực hiện theo cơ chế huy động vốn như sau:
1) Đối với các xã thuộc thành phố Yên Bái:
- Đường đến trung tâm xã và đường nối từ trung tâm xã đến các thôn trong xã: Nhà nước chỉ hỗ trợ vốn tối đa 40% tổng mức đầu tư. Kinh phí còn lại do địa phương tự huy động sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội trên địa bàn.
- Đường thôn, xóm do địa phương tự huy động sức đóng của nhân dân để đầu tư xây dựng.
2) Đối với các xã vùng thấp, các xã thuộc thị xã Nghĩa Lộ:
- Đường đến trung tâm xã và đường nối từ trung tâm xã đến các thôn trong xã: Nhà nước chỉ hỗ trợ vốn tối đa 50% tổng mức đầu tư. Kinh phí còn lại do địa phương huy động sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội trên địa bàn.
- Đường thôn, bản địa phương tự huy động sức đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng.
3) Đối với các xã vùng cao: (Trừ các xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135)
- Đường đến trung tâm xã và đường nối từ trung tâm xã đến các thôn trong xã: Nhà nước hỗ trợ tối đa 60% tổng mức đầu tư. Kinh phí còn lại do địa phương huy động sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội trên địa bàn để đầu tư.
Đường thôn, bản nhân dân làm là chính Nhà nước hỗ trợ vật liệu, thuốc nổ để phá đá nền đường và xây dựng công trình thoát nước với mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/km.
4) Đối với các xã vùng cao đặc biệt khó khăn:
- Đường đến trung tâm xã và đường nối từ trung tâm xã đến các thôn trong xã ngoài các Dự án được Nhà nước đầu tư bằng 100% vốn từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ: Chương trình 135, vốn trái phiếu Chính phủ; Tỉnh tiếp tục hỗ trợ từ nguồn Ngân sách của tỉnh với mức hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư. Kinh phí còn lại do địa phương và huy động đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội trên địa bàn.
- Đường đến thôn, bản, Nhà nước hỗ trợ tiền vật liệu, thuốc nổ để đào đá nền đường và xây dựng công trình thoát nước với mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/km.
b) Ưu tiên vốn đầu tư:
Căn cứ vào quy hoạch chi tiết phát triển GTNT-MN của các địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương xây dựng Đề án đầu tư cho từng giai đoạn và kế hoạch hàng năm. Trong công tác xây dựng đề án, kế hoạch phát triển GTNT-MN cần làm tốt công tác phân kỳ vốn đầu tư trên nguyên tắc:
1) Ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư để kiên cố hoá đường đến trung tâm xã trước mắt tập trung kiên cố hoá mặt đường và công trình thoát nước, sau đó mới cứng hoá mặt đường và công trình thoát nước từ trung tâm xã đến thôn, bản.
2) Lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư với phương châm làm đến đâu được đến đó tránh hiện tượng làm đi, làm lại gây lãng phí. Các tuyến đầu tư phải thống nhất quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
2.2. Các hình thức huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng GTNT-MN:
a) Nguồn vốn Ngân sách:
Các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển GTNT-MN trên địa bàn giai đoạn 2006-2020. Hàng năm các huyện, thị xã, thành phố cân đối bố trí một phần Ngân sách làm công tác chuẩn bị đầu tư các Dự án phù hợp với quy hoạch phát triển GTNT-MN và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương làm cơ sở để báo cáo các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn phát triển GTNT-MN bằng các chương trình phát triển của Trung ương, vốn vay ODA và vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức Quốc tế.
Hàng năm tỉnh bố trí một phần vốn Ngân sách và vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện chương trình kiên cố hoá đường giao thông nông thôn.
Các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu tăng thu Ngân sách theo kế hoạch được giao và tổ chức xây dựng các khu dân cư mới, khu đô thị mới tổ chức đấu giá tạo kinh phí đầu tư xây dựng và bảo trì các công trình GTNT-MN trên địa bàn các địa phương.
b) Huy động sức dân đóng góp của cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và của nhân dân bằng ngày công lao động, bằng tiền, bằng vật liệu tại địa phương:
Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế xã hội và điều kiện thực tế tại địa phương Đảng bộ, chính quyền các địa phương có Nghị quyết về việc huy động sức đóng góp của nhân dân bằng ngày công lao động, bằng tiền, vật liệu tại chỗ để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn tại địa phương.
Động viên nhân dân các địa phương nơi có tuyến đường đi qua tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trước năm có kế hoạch thực hiện Dự án.
Hàng năm các địa phương phải có Nghị quyết về việc huy động sức đóng góp của cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn đóng góp từ 1-5 ngày lương cho phát triển GTNT-MN trên địa bàn.
c) Thành lập các công trường xây dựng tập trung để huy động tổng các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GTNT-MN:
Đối với các tuyến đường giao thông nông thôn có khối lượng lớn, địa hình thi công phức tạp cần phải huy động tổng các nguồn lực xã hội để tổ chức thực hiện, Tỉnh thành lập các công trường tập trung để thực hiện. Các lực lượng tham gia là; các Doanh nghiệp xây lắp trên địa bàn, lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện và nhân dân các địa phương nơi có tuyến đường đi qua.
d) Huy động sức đóng góp của các Doanh nghiệp xây dựng cơ bản trên địa bàn:
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các Doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương hàng năm tỉnh huy động các Doanh nghiệp có năng lực thi công, có kinh nghiệm tổ chức xây dựng các công trình giao thông có phương án tổ chức thi công hợp lý, tiết kiệm giảm giá thành xây dựng từ 30-40% so với giá dự toán được duyệt.
e) Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông trong các Dự án đầu tư của các nhà đầu tư trên địa bàn
Đối với các Dự án đầu tư của các Doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông để thực hiện Dự án và phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của địa phương đã được phê duyệt. Tuỳ theo từng Dự án cụ thể tỉnh có thể xem xét bố trí một phần vốn cho các huyện, thị xã, thành phố cùng nhà đầu tư xây dựng các tuyến đường.
2.3. Trình tự quản lý đầu tư xây dựng:
a) Các Dự án sử dụng 100% vốn Ngân sách địa phương và vốn các Chương trình mục tiêu của Chính phủ: Thực hiện theo Quy định của Pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và các cơ chế chính sách đặc thù của từng Chương trình mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b) Các Dự án sử dụng vốn vay ODA, nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại của các tổ chức Quốc tế: Thực hiện theo Quy định của Nhà nước Việt Nam về quản lý đầu tư xây dựng và các quy định đã được ký kết trong Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ về xây dựng và quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA.
c) Các Dự án vốn Ngân sách địa phương hỗ trợ và huy động sự đóng góp của nhân dân và các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Thực hiện theo các quy định của Pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình.
2.4. Phân cấp quản lý nguồn vốn:
a) Đối với vốn vay ODA, vốn hỗ trợ không hoàn lại của các tổ chức Quốc tế thì việc phân cấp quản lý vốn theo quy định của Pháp luật Việt Nam và quy định trong hiệp định đã ký giữa Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ.
b) Đối với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ việc phân cấp quản lý theo Quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng và các Quy định riêng của từng Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
c) Đối với vốn Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư cho phát triển GTNT-MN tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư (riêng vốn đường thôn bản giao cho Uỷ ban nhân dân xã làm chủ đầu tư).
d) Đối với vốn Ngân sách các huyện, thị xã, thành phố đầu tư cho phát triển GTNT-MN trên địa bàn thì đối với các Dự án là đường huyện, đường xã thì Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư. Đối với các Dự án là đường thôn, bản thì giao cho Uỷ ban nhân dân xã làm chủ đầu tư.
e) Đối với Dự án phát triển GTNT-MN do các xã huy động 100% vốn của địa phương để đầu tư xây dựng thì do các xã làm chủ đầu tư.
2.5. Đào tạo nguồn nhân lực:
Cán bộ làm giao thông nông thôn của huyện, xã phải có nghiệp vụ về giao thông, hiện nay lực lượng cán bộ có nghiệp vụ về giao thông ở các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt là ở xã còn rất thiếu và yếu do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển giao thông nông thôn. Để đáp ứng được lực lượng cán bộ làm công tác phát triển giao thông nông thôn, mỗi năm ngoài việc các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong công tác bồi dưỡng đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm giao thông tại cơ sở. Hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh có kế hoạch giao cho ngành giao thông vận tải tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý và xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, kinh phí tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ tỉnh bố trí vào kinh phí sự nghiệp giao thông địa phương hàng năm cho ngành Giao thông vận tải.
3. Giải pháp kỹ thuật:
Để công tác phát triển GTNT-MN đầu tư có hiệu quả tránh chồng chéo, phải làm đi, làm lại. Các tuyến trước khi lập Dự án đầu tư phải thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ theo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu khai thác để chọn kết cấu mặt đường cho hợp lý. Tận dụng triệt để vật liệu hiện có tại địa phương để giảm giá thành xây dựng và huy động được sức đóng góp của nhân dân. Nghiên cứu áp dụng các kết cấu mặt đường quá độ vào xây dựng đường GTNT-MN như mặt đường gia cố vôi, đất gia cố với xi măng, cát gia cố xi măng, đá dăm vữa xi măng, vữa vôi ...v.v
- Với đường huyện: Thiết kế theo tiêu chuẩn từ cấp B- GTNT đến cấp V miền núi, tải trọng thiết kế H30- XB80.
- Với đường xã: Thiết kế đường cấp A, B theo tiêu chuẩn đường GTNT-210-92. Công trình thoát nước H13- X60.
- Với đường thôn, bản: Thiết kế tối thiểu có Bn=1,5-2,5 m đủ chiều rộng cho người và phương tiện thô sơ đi lại an toàn, công trình thoát nước thiết kế tạm.
4. Giải pháp môi trường:
Việc phát triển các tuyến đường giao thông nông thôn sẽ có ảnh hưởng tới môi trường. Việc lập Dự án đầu tư cần phải được xem xét kỹ để giảm thiểu tác động tới môi trường tự nhiên, để hạn chế ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường do quá trình thi công gây ra. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn có các tác động có hại đến môi trường sinh thái do việc xây dựng mới và cải tạo các tuyến đường bộ, cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Khi lựa chọn phương án đầu tư các tuyến đường phải phù hợp với Quy hoạch về xây dựng giao thông, thuỷ lợi tránh qua các khu vực rừng nguyên sinh, khu đông dân cư và những vị trí núi cao, vực sâu và đáp ứng các yêu cầu về cảnh quan môi trường của địa phương.
5. Giải pháp về quản lý, khai thác:
Đối với các tuyến đường huyện phòng Hạ tầng kinh tế tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc quản lý, bảo trì các tuyến đường được phân cấp quản lý.
Đối với các tuyến đường xã, liên xã do nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo trì của Nhà nước còn hạn chế, để các công trình sau khi đưa vào khai thác Uỷ ban nhân dân các xã phải có kế hoạch tổ chức triển khai công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa bằng các nguồn lực của xã và huy động nhân dân tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, vật liệu hoặc huy động các tổ chức đoàn thể tham gia lao động nhằm duy trì tuổi thọ của công trình.
Đối với các đường thôn, bản do các thôn, bản phải chịu trách nhiệm tổ chức quản lý và sửa chữa.
Căn cứ vào chất lượng khai thác của từng tuyến đường Uỷ ban nhân dân xã tổ chức cắm biển hạn chế tải trọng để đảm bảo an toàn cho công trình.
Tổ chức cắm hệ thống mốc lộ giới hành lang bảo vệ công trình giao thông đối với tất cả các tuyến đường huyện, đường xã, liên xã. Việc cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông phải đúng theo quy định tại Quyết định số 917/2007/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành Quy định về công tác quản lý, bảo trì mạng lưới đường đô thị và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái và phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông nông thôn trong tương lai để hạn chế việc nhân dân xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ.
1. Sở Giao thông vận tải:
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển GTNT-MN hàng năm và giai đoạn đến năm 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, các địa phương và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2003 – 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển giao thông cho hàng năm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở tổ chức thực hiện.
- Xây dựng chương trình tập huấn nghiệp vụ hàng năm cho đội ngũ cán bộ làm công tác giao thông nông thôn của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
- Chỉ đạo các phòng Hạ tầng kinh tế, phòng Quản lý đô thị các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành lập Quy hoạch phát triển GTNT- MN giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phát triển hạ tầng GTNT- MN trên địa bàn tỉnh về Quy hoạch, kế hoạch tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, quản lý chất lượng, hiệu quả các Dự án đầu tư xây dựng các công trình GTNT. Tăng cường công tác Nhà nước về công tác duy tu, bảo dưỡng và quản lý hành lang các công trình giao thông đã được đầu tư đưa vào khai thác.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng GTNT- MN trên địa bàn tỉnh.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch vốn cho phát triển hạ tầng GTNT- MN trình tỉnh phê duyệt đảm bảo đủ kinh phí hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án.
3. Sở Tài chính:
- Có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư thực hiện việc quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Sở Xây dựng:
- Có trách nhiệm hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư thực hiện các Dự án đầu tư phát triển hạ tầng GTNT-MN với các hình thức huy động vốn trong đề án đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước.
5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tổ chức hoàn thành công tác lập và phê duyệt Đề án phát triển GTNT-MN trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2006 – 2020 trong quý III năm 2007.
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hàng năm xây dựng Đề án, kế hoạch phát triển hạ tầng GTNT- MN trên địa bàn trình Đảng bộ và Hội đồng nhân dân cùng cấp ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển hạ tầng GTNT- MN.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác phát triển GTNT- MN để tạo sự nhận thức đầy đủ trong các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội, đoàn thể, trong nhân dân để từ đó mọi người thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia đóng góp công sức tiền của cho công tác GTNT.
- Hàng năm bố trí nguồn Ngân sách địa phương để tổ chức lập Dự án và báo cáo kinh tế - kỹ thuật các công trình đầu tư GTNT- MN trên địa bàn. Công tác chuẩn bị đầu tư phải hoàn thành trước 30 tháng 10 năm trước để làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch năm sau.
- Giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cụ thể cho từng xã, cân đối Ngân sách, khai thác mọi nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cho GTNT- MN.
- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành của tỉnh và các địa phương để lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng GTNT- MN.
- Hàng năm tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác phát triển GTNT-MN ở địa phương đánh giá những ưu điểm, tồn tại, bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 90/2009/QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển hạ tầng giao thông thiết yếu cho thị xã Cửa Lò giai đoạn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 2Quyết định 606/QĐ-UBND.CN năm 2012 về Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 3Quyết định 3188/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề cương và dự toán chi phí lập: “Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015" do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 4Quyết định 2003/QĐ-UBND năm 2011 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành từ 01/01/1998 đến hết ngày 31/12/2010 hết hiệu lực thi hành
- 1Quyết định 07/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 116/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Giao thông đường bộ 2001
- 4Quyết định 132/2001/QĐ-TTg về cơ chế tài chính thực hiện chương trình phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 162/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 7Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 8Quyết định 184/2004/QĐ-TTg về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2006-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 206/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 11Quyết định 90/2009/QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển hạ tầng giao thông thiết yếu cho thị xã Cửa Lò giai đoạn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 12Quyết định 606/QĐ-UBND.CN năm 2012 về Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 13Quyết định 3188/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề cương và dự toán chi phí lập: “Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015" do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 14Quyết định 917/2007/QĐ-UBND về Quy định công tác quản lý, bảo trì mạng lưới đường đô thị và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Quyết định 1502/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển hạ tầng giao thông nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010
- Số hiệu: 1502/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/09/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Hoàng Xuân Lộc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/10/2007
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực