Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2006 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH YÊN BÁI THỜI KỲ 2006 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tại tờ trình số 240/TTr-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2006 và công văn số 2470/BKH-TĐ&GSĐT ngày 11 tháng 4 năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020 phải dựa trên những quan điểm sau:
- Đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Bắc và Vùng miền núi phía Bắc.
- Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tăng trưởng kinh tế phải gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển các lĩnh vực xã hội. Phát triển sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, tạo ra được các khâu đột phá để đưa nền kinh tế phát triển nhanh hơn, từng bước khắc phục nguy cơ tụt hậu so với cả nước.
- Được xem xét và tính toán trong bối cảnh đất nước đang chủ động và khẩn trương hội nhập kinh tế quốc tế.
- Gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài.
- Tận dụng tiềm năng, phát huy thế mạnh, lợi thế của Tỉnh…
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu phát triển chủ yếu:
a) Mục tiêu tổng quát:
Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất lượng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 Yên Bái cơ bản trở thành một Tỉnh công nghiệp và là một trong những trung tâm phát triển của Vùng miền núi phía Bắc. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu: nông, lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ. Từng bước nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Khai thác có hiệu quả quan hệ kinh tế đối ngoại. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thuận lợi, đảm bảo yêu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt 12%/năm; thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12,5%/năm; thời kỳ 2016 - 2020 đạt 13%/năm.
- Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ vào năm 2010 là: 27% - 38% - 35%; vào năm 2015 là: 20% - 44% - 36%; vào năm 2020 là: 17% - 46% - 37%.
- Thu nhập bình quân đầu người, năm 2010 là 9,2 triệu đồng; năm 2015 là 17,5 triệu đồng; năm 2020 là 34 triệu đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 25 triệu USD, năm 2015 tăng lên 35 triệu USD và năm 2020 tăng lên 50 triệu USD.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2010 còn 1,186%, đến năm 2015 giảm còn 1,086% và đến năm 2020 giảm còn 1%.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 4%, đến năm 2010 còn 15%.
- Đến năm 2007 hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, từng bước thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2010 xuống còn 22%, năm 2015 còn 19% và năm 2020 còn 16%.
3. Phát triển ngành và lĩnh vực:
a) Nông, lâm nghiệp:
- Phát triển nền nông, lâm nghiệp toàn diện, tiếp tục hình thành các vùng tập trung chuyên canh cây trồng, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
- Xây dựng và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, từng bước hình thành nông thôn mới hiện đại, văn minh.
- Chuyển 2/3 diện tích ruộng 1 vụ lên 2 vụ, 20% diện tích 2 vụ lên 3 vụ.
- Xây dựng mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có giá trị đạt từ 35 - 40 triệu đồng/ha thời kỳ 2006 - 2010 và 50 triệu đồng/ha thời kỳ 2011 - 2015. Phấn đấu bảo đảm an ninh lương thực, ổn định mức lương thực bình quân đầu người 300 kg/người/năm từ năm 2020 trở đi.
- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trở thành khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp để tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi.
- Phát huy lợi thế về phát triển lâm nghiệp, tiếp tục trồng rừng, nâng độ che phủ của rừng lên 58% năm 2010 và giữ ổn định trên 62% từ năm 2015.
- Tận dụng diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 7.500 tấn năm 2010 và trên 10.000 tấn năm 2015.
b) Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
- Tiếp tục tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu như: khai thác và chế biến khoáng sản (sản xuất gang thép, chế biến đá vôi trắng), xi măng, sản xuất điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản..
- Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu như: chè, giấy đế, gỗ gia dụng, sứ điện, sứ dân dụng, đá hạt, đá bột.
- Phát triển một số ngành công nghiệp mới: sản xuất sơn công nghiệp, ván sợi ép, giấy kraft, chế biến hoa quả.
- Phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp nông thôn, các làng nghề truyền thống và các ngành nghề mới: chế biến nông, lâm sản, cơ khí nhỏ, dệt len, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 2.900 tỷ đồng, năm 2015 đạt 6.500 tỷ đồng và năm 2020 đạt 14.000 tỷ đồng. Tỷ trọng công nghiệp chế biến đạt 76% vào năm 2010, tăng lên 77% vào năm 2015 và tăng lên 78% vào năm 2020.
- Phát triển các khu, cụm công nghiệp: Khu công nghiệp phía Nam và các cụm công nghiệp: Văn Chấn; Văn Yên; Lục Yên; cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Đầm Hồng; các cụm công nghiệp, làng nghề tại các huyện, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái và ở các xã, đáp ứng mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
c) Dịch vụ:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2010 đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, năm 2015 đạt khoảng 5.300 tỷ đồng và năm 2020 đạt khoảng 11.000 tỷ đồng.
- Đến năm 2015 phát triển Hồ Thác Bà thành khu du lịch sinh thái chuyên đề trong tuyến du lịch quốc gia Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai - Vân Nam. Dự kiến năm 2010 đón 350.000 lượt khách, năm 2015 đón 500.000 lượt khách và năm 2020 đón 800.000 lượt khách du lịch đến Yên Bái.
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 đạt trên 600 tỷ đồng, năm 2015 là 1.500 tỷ đồng, năm 2020 là 3.500 tỷ đồng.
- Nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính viễn thông, đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin. Đến năm 2010 có 70% doanh nghiệp quản lý và điều hành bằng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ dân số sử dụng Internet, cáp quang hoá tất cả các huyện và khu dân cư tập trung. Năm 2010 mật độ điện thoại bình quân đạt 10 máy/100 dân; 100% Ủy ban nhân dân xã và Đảng uỷ xã có máy điện thoại; 100% số xã có báo đọc trong ngày.
d) Quản lý và đổi mới doanh nghiệp:
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Đến năm 2010 các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ hoàn thành việc củng cố sắp xếp lại tổ chức sản xuất theo hướng chuyển đổi sở hữu, cổ phần hoá khi có đủ điều kiện, trừ một số doanh nghiệp quan trọng nhà nước cần nắm giữ. Phân định rõ quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện vai trò chủ sở hữu, xoá bỏ bao cấp của Nhà nước, phát huy quyền tự chủ và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Phát triển mới các loại hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
đ) Phát triển các lĩnh vực xã hội:
- Đến năm 2010 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,186%, đến năm 2015 giảm còn 1,086% và đến năm 2020 giảm còn 1%.
- Mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 16.000 - 17.000 lao động và đào tạo nghề cho khoảng 7.000 lao động. Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 lên 30%, năm 2015 lên 35% và năm 2020 lên 40%.
- Dự kiến đến năm 2010 có 7 bác sĩ/vạn dân, năm 2015 là 7,5 bác sĩ/vạn dân và năm 2020 là 8 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ xã, phường có bác sĩ năm 2010 đạt 80%, năm 2015 tăng lên 94% và đạt 100% vào năm 2020.
- Năm 2010 có 100% xã, phường có trường mầm non, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 97,5%, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường tiểu học đạt 97,5%, trung học cơ sở đạt 88% và trung học phổ thông đạt 45%.
- Đến năm 2010 tỷ lệ xã, phường có làng bản văn hóa đạt 100%; tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2010 đạt 85%, năm 2015 đạt 90% và năm 2020 đạt 95%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa năm 2010 là 94%, năm 2015 là 97% và năm 2020 là 100%. Tăng tỷ lệ dân số luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên lên 26% năm 2010, 30% năm 2015 và 35% năm 2020.
e) Khoa học, công nghệ và môi trường:
- Đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất. Đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của sản xuất và đời sống; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp nhập và sử dụng công nghệ gây ô nhiễm môi trường.
- Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2010 các cơ sở sản xuất mới xây dựng đều áp dụng các biện pháp xử lý nước thải, rác thải, khí thải để bảo vệ môi trường. Bệnh viện, khu công nghiệp, khu đô thị và nông thôn đều có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
g) Quốc phòng an ninh:
Phát triển kinh tế luôn gắn với củng cố quốc phòng, an ninh nhằm hoàn thiện thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông. Tiếp tục xây dựng tỉnh Yên Bái giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, trở thành khu vực phòng thủ vững chắc.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng:
a) Giao thông:
- Quốc lộ: đến năm 2010, nâng cấp toàn bộ các tuyến quốc lộ; khôi phục cải tạo quốc lộ 70; hoàn thành quốc lộ 32 giai đoạn 2 (Nghĩa Lộ - Vách Kim). Mở mới tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Từ năm 2011, tiếp tục nâng cấp các tuyến quốc lộ, một số đoạn quan trọng trên quốc lộ 37, quốc lộ 32 được đầu tư nâng cấp thành đường 4 làn xe.
- Tỉnh lộ: đến năm 2010, nâng cấp các tuyến hiện có, tỷ lệ nhựa hóa đạt 100%; mở mới một số tuyến, tổng số sẽ có 19 tuyến đường Tỉnh với tổng chiều dài 675 km. Nghiên cứu xây dựng cầu Trái Hút vượt sông Hồng và một số cầu vượt sông Hồng tại khu vực thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên. Từ năm 2011 trở đi, nâng cấp một số đường Tỉnh quan trọng và xây dựng một số tuyến mới ở những khu vực cần thiết.
- Đường đô thị: đến năm 2010 hoàn chỉnh các tuyến theo quy hoạch thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các đô thị khác. Đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống đường đô thị kết hợp với hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị.
- Giao thông nông thôn: đến năm 2010 tỷ lệ cứng hóa mặt đường đạt 95%; tỷ lệ đường đi lại được 4 mùa đạt 90%; cầu cống, công trình thoát nước đạt 50%. Từ năm 2011, nâng cấp các tuyến đường huyện, đường liên xã, kiên cố hóa toàn bộ hệ thống mặt đường, công trình thoát nước.
- Đường sắt: đến năm 2010 nâng cấp một số đoạn từ ga Văn Phú đến ga Phố Lu để bảo đảm an toàn chạy tàu; xây dựng đoạn đường sắt ga Văn Phú - cảng Hương Lý trong tuyến Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái; Nâng cấp, xây dựng mới các nhà ga trọng điểm đến năm 2020; hiện đại hoá hệ thống thông tin tín hiệu, xây dựng ga Yên Bái tại xã Tuy Lộc. Xây dựng đường sắt đồng bộ, hiện đại phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đường thủy nội địa: đến năm 2010 xây dựng bến cảng: hồ Thác Bà, Mậu A, Văn Phú. Đến năm 2011 nâng cấp toàn tuyến sông Hồng để các phương tiện thuỷ nội địa đi lại thuận tiện.
b) Hệ thống cung cấp điện:
- Hoàn thành các công trình: đường dây tải điện 110 KV và trạm biến áp 110/35/22 KV thị xã Nghĩa Lộ; đường dây 220 KV Việt Trì - Yên Bái và trạm biến áp 220/110/35 KV Yên Bái. Xây dựng mới các công trình: đường dây 110/35 KV Khánh Hòa - Lục Yên; đường dây 110 KV Tân Nguyên - Mậu A và trạm biến áp 110/35/22 KV Mậu A; đường dây 220 KV Yên Bái - Tuyên Quang; đường dây 220 KV Yên Bái - Lào Cai.
- Hoàn thành các công trình thủy điện Nậm Đông 3, 4 và Văn Chấn. Xây dựng mới các công trình thủy điện: hồ Bốn, Trạm Tấu, Ngòi Hút, Vực Tuần, Khao Mang. Khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng mới các công trình thủy điện Thác Cá, Nậm Kim, Pá Hu, Nậm Tăng, Ngòi Hút 2, 3. Đồng thời xây dựng hệ thống các công trình thủy điện nhỏ và thủy điện cực nhỏ.
- Từ năm 2010, 100% xã, phường có điện lưới quốc gia.
c) Hệ thống thông tin liên lạc:
Đến năm 2010, có 9/9 huyện, thị được nâng cao chất lượng phủ sóng điện thoại di động. Dung lượng tổng đài đạt trên 100.000 số, dung lượng sử dụng đạt 70 - 80%. Bình quân mỗi năm lắp đặt mới 8.000 - 10.000 máy điện thoại. Đến năm 2010 tổng số có 43 bưu cục.
d) Hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt:
- Thủy lợi: nâng cấp sửa chữa và xây dựng mới 485 công trình đầu mối. Giai đoạn 2006 - 2010 xây dựng 252 công trình, giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng 233 công trình. Đến năm 2015 có 977 công trình thủy lợi, đảm bảo tưới cho trên 90% diện tích ruộng 2 vụ.
- Nước sinh hoạt đô thị: giai đoạn 2006 - 2010: hoàn thiện nhà máy nước Yên Bình (Yên Bái), nhà máy nước Nghĩa Lộ; cải tạo nhà máy nước Cổ Phúc; mở rộng nhà máy nước Mậu A; xây dựng nhà máy nước các thị trấn: Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Giai đoạn 2011 - 2020: mở rộng các nhà máy nước ở cụm công nghiệp Văn Yên và Văn Chấn.
- Nước sinh hoạt nông thôn: phấn đấu đến năm 2015 có 85% và năm 2020 có 95% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh. Từ nay đến năm 2015 xây mới 119 công trình cấp nước tập trung. Trong đó giai đoạn 2006 - 2010 xây 30 công trình, giai đoạn 2011 - 2015 xây dựng 89 công trình.
đ) Cơ sở vật chất ngành giáo dục, đào tạo:
Dự kiến năm 2010 có tổng số 644 trường học, năm 2015 tăng lên 686 trường, năm 2020 tăng lên 721 trường. Số trường đạt chuẩn quốc gia năm 2020 gồm 35 trường mầm non, 79 trường tiểu học, 63 trường trung học cơ sở và 28 trường trung học phổ thông.
Giai đoạn 2006 - 2015 xây dựng 1 trường đại học tư thục; nâng cấp, sát nhập một số trường trung học thành trường cao đẳng: Kinh tế kỹ thuật, Văn hóa nghệ thuật, Y tế. Đến năm 2010 xây dựng thêm 5 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, dạy nghề và giữ ổn định số lượng 10 trung tâm đến năm 2020.
e) Cơ sở vật chất ngành y tế:
Từ năm 2006 - 2010 xây dựng thêm 3 cơ sở y tế (trong đó, có trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao), đến năm 2015 xây thêm 3 phòng khám đa khoa khu vực. Số giường bệnh/1 vạn dân năm 2010 đạt 37,56 giường, năm 2015 đạt 38,45 giường và năm 2020 đạt 39,1 giường. Số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2010 là 126, năm 2015 là 155 và năm 2020 là 180.
g) Cơ sở vật chất ngành văn hóa, thể thao:
Đến năm 2010, cấp Tỉnh có công trình thể thao đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia; cấp huyện có sân vận động, bể bơi và sân quần vợt; 70% xã, phường có khu trung tâm thể thao và các điểm vui chơi; 80% trường học có sân bãi luyện tập thể thao.
Từng bước đầu tư để có đầy đủ các thiết chế văn hóa. Đến năm 2010 các huyện, thị đều có nhà văn hóa đa năng, thư viện độc lập; năm 2020 các huyện, thị đều có nhà bảo tàng (hoặc nhà truyền thống), cửa hàng sách.
5. Phát triển không gian lãnh thổ:
a) Phát triển vùng kinh tế:
- Vùng kinh tế phía Đông gồm thành phố Yên Bái là hạt nhân phát triển của Vùng và các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên. Tập trung phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, chè, quế, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng nguyên liệu, rừng phòng hộ, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản, các ngành dịch vụ, du lịch.
- Vùng kinh tế phía Tây gồm thị xã Nghĩa Lộ là hạt nhân phát triển của Vùng và các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Tập trung phát triển cây lương thực, trồng rừng phòng hộ, chè Shan, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, khoáng sản, các ngành dịch vụ, du lịch.
b) Phát triển đô thị:
- Thành phố Yên Bái sẽ đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị loại II, với 5 khu chức năng: khu công nghiệp, khu thương mại, khu du lịch, khu hành chính, khu văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục.
- Đầu tư nâng cấp thị xã Nghĩa Lộ đạt tiêu chuẩn đô thị loại III.
- Thị trấn huyện lỵ Yên Bình sẽ đầu tư phát triển theo quy mô của một thị xã đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV gắn với khu công nghiệp phía Nam.
- Đầu tư nâng cấp thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) thành thị xã đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.
- Đầu tư phát triển một số thị trấn mới: Khánh Hòa (huyện Lục Yên) và Âu Lâu (huyện Trấn Yên).
- Xây dựng 40 trung tâm cụm xã tại các điểm tập trung dân cư gắn với việc phát triển các thị tứ.
6. Một số giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch:
a) Về đầu tư:
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2006 - 2010 là 13.000 tỷ đồng; giai đoạn 2011 - 2015 là 21.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 là 42.000 tỷ đồng.
- Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư.
- Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, xây dựng một số cơ chế, chính sách cụ thể thu hút đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu tinh giản quy trình về cấp giấy phép, phê duyệt dự án và các chính sách ưu đãi đầu tư.
- Tăng cường liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước cùng hợp tác phát triển.
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế thành lập nhiều loại hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Xoá bỏ bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển.
b) Về nguồn nhân lực:
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giải quyết vấn đề thiếu lao động có trình độ tay nghề cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và các hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động theo quy định. Có biện pháp giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp và tổ chức xuất khẩu lao động.
- Có chế độ, chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài và lao động có trình độ chuyên môn cao công tác lâu dài tại Yên Bái, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
c) Về khoa học, công nghệ và môi trường:
- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch, công nghệ sinh học.
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Trong cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm, cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho việc xử lý chất thải, rác thải của các công trình công cộng, các đô thị và các vùng nông thôn, đặc biệt là hệ thống xử lý rác thải của các bệnh viện, nhà máy xử lý rác thải của thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và hệ thống thoát nước, xử lý nước thải của các đô thị.
d) Về thị trường:
- Củng cố và tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và thị trường quốc tế, chú trọng phát triển thị trường vùng nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn nhằm đẩy mạnh giao lưu và trao đổi hàng hoá, đồng thời tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, thúc đẩy sản xuất phát triển.
- Phát triển đồng bộ các loại thị trường nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư. Từng bước hình thành các thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
đ) Tổ chức thực hiện:
Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được duyệt, các ngành, các cấp xây dựng các quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh. Công bố rộng rãi quy hoạch để các doanh nghiệp tự lựa chọn đầu tư kinh doanh. Quy định rõ trách nhiệm thực hiện quy hoạch và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Điều 2. Quy hoạch được phê duyệt là một tài liệu "khung" với những mục tiêu, định hướng và phương hướng phát triển lớn, các cơ chế, chính sách và các giải pháp tổ chức thực hiện; làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác), các dự án đầu tư trên địa bàn của Tỉnh theo quy định.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong báo cáo quy hoạch sau khi đã được phê duyệt; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định:
- Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển tổng thể và đồng bộ.
- Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái nghiên cứu lập các quy hoạch nói trên; nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu tư... để đảm bảo thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ và phướng hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong báo cáo quy hoạch. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của Tỉnh đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư nêu trong báo cáo quy hoạch.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 116/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)
I. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VỀ NÔNG, LÂM NGHIỆP:
1. Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (các huyện);
2. Chương trình 135 (các huyện);
3. Chương trình 134 (các huyện);
4. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường (các huyện);
5. Dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc theo phương pháp bán công nghiệp (các huyện);
6. Dự án phát triển nuôi trồng thủy sản (các huyện);
7. Dự án thâm canh, cải tạo cây chè (các huyện);
8. Dự án trồng và chế biến tinh dầu quế, bột quế (huyện Văn Yên);
9. Dự án đầu tư Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (huyện Văn Yên);
10. Dự án đầu tư Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải).
II. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VỀ CÔNG NGHIỆP:
11. Dự án nâng cấp, nâng công suất các nhà máy xi măng (huyện Yên Bình);
12. Dự án xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp (các huyện);
13. Dự án sản xuất sứ kỹ thuật (thành phố Yên Bái);
14. Dự án nâng công suất các nhà máy chế biến đá và bột đá (huyện Yên Bình);
15. Dự án chế biến chè sạch tinh chế công nghệ cao (huyện Yên Bình);
16. Dự án sản xuất giấy Kraft (huyện Yên Bình);
17. Dự án sản xuất sứ dân dụng (thành phố Yên Bái);
18. Dự án sản xuất đá Granít ốp lát (thành phố Yên Bái);
19. Dự án xây dựng nhà máy nghiền CaCO3 siêu mịn (huyện Yên Bình);
20. Dự án mở rộng, nâng cấp các nhà máy nước tại thành phố, thị xã, thị trấn (thành phố, thị xã, thị trấn);
21. Dự án nâng cấp các tuyến đường nội tỉnh (các huyện);
22. Dự án thuỷ điện nhỏ, cực nhỏ tại các huyện (các huyện);
23. Dự án cải tạo hệ thống điện các huyện (các huyện).
III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VỀ DỊCH VỤ:
24. Dự án xây dựng và kinh doanh khách sạn tại thành phố Yên Bái;
25. Dự án xây dựng và kinh doanh khách sạn tại thị xã Nghĩa Lộ;
26. Dự án xây dựng và phát triển Khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà (huyện Yên Bình);
27. Dự án xây dựng và phát triển Khu du lịch sinh thái Suối Giàng (huyện Văn Chấn);
28. Dự án nâng cấp hệ thống chợ, Trung tâm thương mại (các huyện);
29. Dự án xây dựng Khu thể thao, giải trí tại thành phố Yên Bái;
30. Dự án xây dựng hệ thống chung cư tại thành phố Yên Bái;
31. Dự án nâng cấp mạng viễn thông nội tỉnh (các huyện).
IV. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VỀ VĂN HOÁ - XÃ HỘI:
32. Dự án xây dựng Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao (thành phố Yên Bái);
33. Dự án xây dựng Truờng Đại học (thành phố Yên Bái);
34. Dự án đầu tư thiết bị sản xuất chương trình và mạng đài thu phát sóng chuyển tiếp các chương trình Truyền hình Trung ương (thành phố Yên Bái);
35. Chương trình đầu tư nâng cấp hệ thống trường học của Tỉnh đạt chuẩn quốc gia (các huyện, thị xã, thành phố);
36. Chương trình mục tiêu quốc gia văn hoá - xã hội (các huyện);
37. Dự án đầu tư xây dựng Trường công nhân kỹ thuật tỉnh (thành phố Yên Bái);
38. Dự án đầu tư xây dựng 3 trung tâm dạy nghề (Lục Yên, Văn Yên, Nghĩa Lộ);
39. Dự án xây dựng rạp chiếu bóng, nhà văn hoá đa năng, nhà truyền thống tại các huyện (các huyện);
40. Dự án làng văn hoá cổ, làng nghề truyền thống (các huyện);
41. Dự án đầu tư trang thiết bị y tế bệnh viện tỉnh, huyện (các huyện);
42. Dự án xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải hiện đại (thành phố, thị xã, thị trấn).
________________________________________
* Ghi chú: về vị trí, quy mô diện tích chiếm đất và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.
- 1Quyết định 87/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 105/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 194/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 195/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tây đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 230/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 251/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 262/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 269/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 271/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 282/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 712-TTg năm 1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc thời kỳ 1996 - 2010 do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 12Quyết định 747/1997/QĐ-TTg năm 1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ thời kỳ 1996-2010 do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 13Quyết định 10/1998/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 161/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 1462/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Quyết định 1154/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 87/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2006 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 105/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 194/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 195/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tây đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 230/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 251/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 262/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 269/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 271/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 282/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 712-TTg năm 1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc thời kỳ 1996 - 2010 do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 12Quyết định 747/1997/QĐ-TTg năm 1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ thời kỳ 1996-2010 do Thủ tướng chính phủ ban hành
- 13Quyết định 10/1998/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 15Quyết định 161/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Quyết định 1462/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 116/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 116/2006/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/05/2006
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 5 đến số 6
- Ngày hiệu lực: 20/06/2006
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra