Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1496/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT AN TOÀN KHU (ATK) CHỢ ĐỒN, TỈNH BẮC KẠN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với những nội dung sau:

I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Phạm vi, quy mô và ranh giới lập quy hoạch

a) Quy mô quy hoạch: Tổng diện tích lập quy hoạch là 135 ha, thuộc địa bàn các xã: Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và các khu vực cảnh quan, di tích phụ cận có liên quan; trong đó:

- Khu vực bảo vệ của di tích, có diện tích là 49,39 ha.

- Khu vực mở rộng bảo vệ cảnh quan, nhằm hoàn chỉnh tổng thể không gian cảnh quan lịch sử về hình ảnh khu căn cứ cách mạng, vùng đất An toàn khu xưa, phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, có diện tích là 85,61 ha; gồm: Diện tích khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, làng bản của đồng bào dân tộc là những bộ phận gắn liền với căn cứ cách mạng trước đây cần bảo tồn; diện tích giao thông, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ; các khu chức năng phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

b) Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch

- Tại xã Lương Bằng:

+ Di tích Nà Pậu (thôn Bản Thít): Là nơi ở và làm việc của Bác Hồ giai đoạn 1950 - 1951; có diện tích 25,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp đất rừng sản xuất và đất ở hiện trạng ven đường tỉnh lộ 254; phía Nam giáp xã Nghĩa Tá; phía Đông giáp suối Bản Vèn; phía Tây giáp đất rừng sản xuất và suối Bản Vèn.

+ Di tích lịch sử Đồi Khau Mạ (thôn Bản Vèn): Là nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ giai đoạn 1950 - 1951; có diện tích 2,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp bưu điện và trạm y tế thôn; phía Nam giáp đất ở và đất rừng sản xuất của thôn Bản Vèn; phía Đông giáp khu dân cư thôn Bản Vèn; phía Tây giáp khu dân cư và khu đất nông nghiệp thôn Bản Vèn.

- Tại xã Nghĩa Tá:

+ Di tích Khuổi Linh (thôn Nà Đeng): Là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng giai đoạn 1950 - 1951; có diện tích 10,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp; phía Nam giáp đất rừng tự nhiên; phía Đông giáp đất rừng tự nhiên, khu dân cư hiện có và đường tỉnh lộ 254; phía Tây giáp đất nông nghiệp.

+ Cụm di tích Pù Cọ (thôn Bản Bẳng) gồm các điểm di tích: Di tích Đồi Pù Cọ, di tích Lán đồng chí Võ Nguyên Giáp, di tích Nhà ông Triệu Phú Dương và di tích Lsao Lsô Đỗ (Khe Nứa); có diện tích 25,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp đường xã và đất nông nghiệp; phía Nam và phía Đông giáp rừng sản xuất; phía Tây giáp rừng sản xuất và cánh đồng Khuổi Dạ.

+ Di tích Khuổi Khít (thôn Nà Cà): Là nơi tổ chức triển lãm biểu dương lực lượng đồng minh thời kỳ trước năm 1945; có diện tích 6,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp rừng sản xuất; phía Nam giáp rừng sản xuất và đường liên thôn; phía Đông Giáp đường liên thôn; phía Tây giáp suối Nặm Làm và hồ Nghĩa Tá.

+ Di tích Khuổi Đăm (thôn Nà Khằn): Là nơi ở và làm việc của Báo Sự thật giai đoạn 1948 - 1953; có diện tích 10,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp khu đất rừng sản xuất thôn Nà Khằn; phía Nam, phía Đông và phía Tây giáp rừng sản xuất và đất nông nghiệp.

+ Di tích Khuổi Đó (thôn Nà Tông): Là nơi ở và làm việc của Cơ quan cơ khí Thăng Long giai đoạn 1948 - 1950; có diện tích 5,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp rừng sản xuất khu vực trồng cây lâu năm của thôn Kéo Tôm; phía Nam giáp suối Nà Phắng và núi Nà Phắng; phía Đông giáp đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất; phía Tây giáp suối Khuổi Đó và rừng sản xuất.

+ Di tích Nà Chang (thôn Nà Chang): Là nơi đặt khu Giao tế (Nhà khách Chính phủ) trong giai đoạn 1948 - 1953; có diện tích 2,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc và phía Đông giáp khu dân cư và đất nông nghiệp của thôn Nà Chang; phía Nam giáp khu dân cư của thôn Nà Chang và đường liên xã; phía Tây giáp đường tỉnh lộ 254 và đất rừng sản xuất.

+ Cụm di tích trên địa bàn thôn Nà Kiến, gồm các điểm di tích: Di tích Nà Pay (nơi Bác Hồ dừng chân nghỉ trên đường từ Pác Bó, Cao Bằng đến Tân Trào, Tuyên Quang trong các ngày 17, 18 và 19 tháng 5 năm 1945) và Di tích Nà Kiến (nơi tổ chức Lễ Bế giảng Khóa 2 và Khóa 3 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vào ngày 28 tháng 10 năm 1947); có diện tích 10,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp đường trục thôn, khu đất trồng lúa của thôn Nà Kiến; phía Nam và phía Đông giáp khu rừng sản xuất của thôn Nà Kiến; phía Tây giáp khu đất nông nghiệp và đất ở hiện trạng.

- Tại xã Bình Trung:

+ Cụm di tích Bản Ca (thôn Bản Ca), gồm các điểm di tích: Nơi ở và làm việc của Bác Hồ vào tháng 12 năm 1947; dấu vết nền lán nơi ở của Bác Hồ; di tích Tảng đá có khắc chữ, nơi Bác Hồ thường tắm giặt và Đền thờ gắn với lễ hội của dân tộc Dao; có diện tích 10,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp rừng sản xuất và đường liên xã, phía Nam giáp với khu dân cư hiện có và đất đồi rừng sản xuất, phía Đông giáp rừng sản xuất, phía Tây giáp đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất.

+ Cụm di tích Đồi Bản Tảng, gồm các điểm di tích: Đồi Bản Tảng, là nơi ở và làm việc của đồng chí Hoàng Văn Thái giai đoạn 1947 - 1954 (thôn Nà Quân); Nhà ông Ma Văn Chương, là nơi ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh giai đoạn 1948 - 1952 và Nhà ông Trần Văn Lý, là nơi ở và làm việc của cơ quan Bộ Quốc phòng giai đoạn 1950 - 1953 (thôn Nà Phầy); có diện tích 5,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp đất rừng sản xuất; phía Nam giáp thôn Bản Điếng; phía Đông giáp khu đất nông nghiệp, đất ở hiện trạng và đất rừng sản xuất; phía Tây giáp khu đất ở hiện trạng và đất nông nghiệp.

+ Di tích Khuổi Dân (thôn Vằng Quân): Là nơi đặt cơ sở sản xuất của Nhà máy giấy Minh Khai trong giai đoạn 1948 - 1952; có diện tích 3,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp với suối Khuổi Cha, đất nông nghiệp và khu rừng sản xuất; phía Nam, phía Đông và phía Tây giáp đất rừng sản xuất.

+ Cụm di tích trên địa bàn thôn Nà Quân, gồm: Di tích Khuổi Tói (nơi ở và làm việc của Bác Hồ năm 1948); Di tích Nà Săm (nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn 1948 - 1953) và Di tích Nà Quân (nơi đặt Hội trường Trung ương Đảng giai đoạn 1948 - 1952); có diện tích 15,0 ha

Ranh giới được xác định: Phía Bắc, phía Nam và phía Đông giáp khu đất nông nghiệp và rừng sản xuất; phía Tây giáp rừng tự nhiên và khu đất trồng cây lâu năm.

+ Di tích Nền lán Chuyên gia (thôn Nà Quân): Là nơi ở và làm việc của chuyên gia giai đoạn 1947 - 1954; có diện tích 1,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp đường trục thôn và khu đất rừng; phía Nam giáp trục đường liên thôn, khu đất nông nghiệp và trồng cây lâu năm; phía Đông giáp khu đất rừng; phía Tây giáp khu đất nông nghiệp.

+ Di tích Khuổi Chang (thôn Bản Pèo): Là nơi ở và làm việc của Bác Hồ từ ngày 12 tháng 5 năm 1949 đến ngày 01 tháng 6 năm 1949; có diện tích 2,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc và phía Nam giáp khu đất rừng tự nhiên; phía Đông giáp khu đất rừng tự nhiên và suối Khuổi Chang; phía Tây giáp đất rừng tự nhiên và sông Phó Đáy.

+ Di tích Khuổi Áng (thôn Khuổi Áng): Là nơi ở và làm việc của cơ quan Báo Cứu quốc năm 1949; có diện tích là 2,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc giáp khu đất nông nghiệp thôn Khuổi Áng; phía Nam giáp với đường trục thôn và khu đất nông nghiệp; phía Đông và phía Tây giáp khu đất nông nghiệp.

+ Di tích lịch sử Nà Đon (thôn Đon Liên): Là nơi ở và làm việc của Cơ quan hậu cần Bộ Quốc phòng giai đoạn 1948 - 1951; có diện tích 2,0 ha.

Ranh giới được xác định: Phía Bắc và phía Nam giáp khu đất nông nghiệp thôn Đon Liên; phía Đông giáp khu dân cư hiện có và tỉnh lộ 254; phía Tây giáp với khu dân cư hiện có, đất rừng sản xuất và tỉnh lộ 254.

2. Mục tiêu quy hoạch

a) Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc thông qua các di tích, điểm di tích hiện còn của Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn; góp phần hình thành điểm thăm quan về nguồn, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng và tinh thần yêu nước của Nhân dân ta cho các thế hệ mai sau; điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc sắc, danh lam thắng cảnh hấp dẫn; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích cách mạng của tỉnh Bắc Kạn, vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn và toàn vùng chiến khu Việt Bắc xưa.

b) Làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan và phát triển hệ sinh thái mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng căn cứ cách mạng Chợ Đồn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.

c) Xác định và điều chỉnh ranh giới, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích; chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực dân cư và khu vực bảo vệ môi trường; quy hoạch, tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

d) Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích và các khu vực phụ cận gắn với phát triển du lịch bền vững, phù hợp với quy hoạch được duyệt và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân vùng căn cứ cách mạng.

đ) Làm cơ sở pháp lý để quản lý và bảo vệ di tích; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; xây dựng quy định quản lý, bảo vệ và kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan của di tích và các khu vực liền kề di tích theo quy hoạch được duyệt và quy hoạch khác có liên quan trong khu vực.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quy hoạch phân vùng chức năng

a) Phân vùng chức năng: Tại mỗi di tích thành phần phân thành 02 vùng chức năng chính là: Vùng bảo vệ di tích và Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch. Trong đó:

- Vùng bảo vệ di tích là diện tích Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của các điểm di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn;

- Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch là phần diện tích mở rộng, bổ sung để hoàn chỉnh không gian và tái hiện lại hình ảnh của vùng An toàn khu năm xưa.

b) Vùng bảo vệ di tích có tổng diện tích là 49,39 ha, trong đó: Khu vực bảo vệ I có tổng diện tích là 13,90 ha và Khu vực bảo vệ II có tổng diện tích là 35,49 ha. Cụ thể:

- Tại xã Lương Bằng:

+ Di tích Nà Pậu (thôn Bản Thít), diện tích 9,21 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 2,51 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 6,70 ha.

+ Di tích đồi Khau Mạ (thôn Bản Vèn), diện tích 1,11 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,25 ha, Khu vực bảo vệ II có diện tích là 0,86 ha.

- Tại xã Nghĩa Tá:

+ Di tích Khuổi Linh (thôn Nà Đeng), diện tích 8,19 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 2,70 ha, Khu vực bảo vệ II có diện tích là 5,49 ha.

+ Cụm di tích Pù Cọ (thôn Bản Bẳng), diện tích 10,99 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 1,76 ha (gồm các điểm: Di tích Đồi Pù Cọ, Di tích Lán đồng chí Võ Nguyên Giáp và Di tích nhà ông Triệu Phú Dương có tổng diện tích là 1,58 ha và Di tích Lsao Lsô Đỗ có diện tích là 0,18 ha), Khu vực bảo vệ II có diện tích là 9,23 ha (gồm các điểm: Di tích Đồi Pù Cọ, Di tích Lán đồng chí Võ Nguyên Giáp và Di tích nhà ông Triệu Phú Dương có tổng diện tích là 7,32 ha và Di tích Lsao Lsô Đỗ có diện tích là 1,91 ha).

+ Di tích Khuổi Khít (thôn Nà Ca), diện tích 0,90 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,31 ha, Khu vực bảo vệ II có diện tích là 0,59 ha.

+ Di tích Khuổi Đăm (thôn Nà Khằn), diện tích 1,82 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,61 ha, Khu vực bảo vệ II có diện tích là 1,21 ha.

+ Di tích Khuổi Đó (thôn Nà Tông), diện tích 2,87 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 1,19 ha, Khu vực bảo vệ II có diện tích là 1,68 ha.

+ Di tích Nà Chang (thôn Nà Chang), diện tích 0,24 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,20 ha, Khu vực bảo vệ II có diện tích là 0,04 ha.

+ Các di tích trên địa bàn thôn Nà Kiến, diện tích 3,23 ha; trong đó Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,89 ha (trong đó: Di tích Nà Pay có diện tích là 0,28 ha và Di tích Nà Kiến có diện tích là 0,61 ha) và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 2,34 ha (trong đó: Di tích Nà Pay có diện tích là 0,55 ha và Di tích Nà Kiến có diện tích là 1,79 ha).

- Tại xã Bình Trung:

+ Cụm di tích Bản Ca (thôn Bản Ca), diện tích 1,27 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,29 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 0,98 ha.

+ Cụm di tích đồi Bản Tảng (thôn Nà Quân và Nà Phầy), diện tích 0,90 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,37 ha (trong đó: Di tích Đồi Bản Tảng có diện tích là 0,18 ha; các di tích Nhà ông Ma Văn Chương và Nhà ông Trần Văn Lý có tổng diện tích là 0,19 ha) và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 0,53 ha (trong đó: Di tích Đồi Bản Tảng có diện tích là 0,34 ha; các di tích Nhà ông Ma Văn Chương và Nhà ông Trần Văn Lý có tổng diện tích 0,19 ha).

+ Di tích Khuổi Dân (thôn Vằng Quân), diện tích 0,81 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,28 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 0,53 ha.

+ Cụm di tích trên địa bàn thôn Nà Quân, diện tích 3,96 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I là 1,71 ha (trong đó: Di tích Khuổi Tói có diện tích là 0,84 ha; Di tích Nà Săm có diện tích là 0,17 ha và Di tích Nà Quân có diện tích là 0,70 ha) và Khu vực bảo vệ II là 2,25 ha (trong đó: Di tích Khuổi Tói và Nà Săm có diện tích là 1,79 ha và Di tích Nà Quân có diện tích là 0,46 ha).

+ Di tích Nền lán chuyên gia (thôn Nà Quân), diện tích 0,31 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,12 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 0,19 ha.

+ Di tích Khuổi Chang (thôn Bản Pèo), diện tích 2,0 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,35 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 1,65 ha.

+ Di tích Khuổi Áng (thôn Khuổi Áng), diện tích 0,31 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,19 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 0,12 ha.

+ Di tích lịch sử Nà Đon (thôn Đon Liên), diện tích 1,28 ha; trong đó: Khu vực bảo vệ I có diện tích là 0,18 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích là 1,10 ha.

c) Vùng bảo vệ cảnh quan, phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch, có diện tích là 85,61 ha. Bao gồm: Khu vực phát huy giá trị di tích (trung tâm văn hóa lễ hội, khu quản lý đón tiếp, dịch vụ du lịch...); khu du lịch sinh thái, hạ tầng kỹ thuật, rừng bao quanh di tích, mặt nước, làng xóm... Cụ thể:

- Tại xã Lương Bằng: Di tích Nà Pậu (thôn Bản Thít) có diện tích 15,79 ha và Di tích đồi Khau Mạ (thôn Bản Vèn) có diện tích 0,89 ha.

- Tại xã Nghĩa Tá:

+ Di tích Khuổi Linh (thôn Nà Đeng) có diện tích 1,81 ha;

+ Cụm di tích Pù Cọ (thôn Bản Bẳng) có diện tích 14,01 ha;

+ Di tích Khuổi Khít (thôn Nà Ca) có diện tích 5,10 ha;

+ Di tích Khuổi Đăm (thôn Nà Khằn) có diện tích 8,18 ha;

+ Di tích Khuổi Đó (thôn Nà Tông) có diện tích 2,13 ha;

+ Di tích Nà Chang (thôn Nà Chang) có diện tích 1,76 ha;

+ Các di tích trên địa bàn thôn Nà Kiến có diện tích 6,77 ha.

- Tại xã Bình Trung:

+ Cụm di tích Bản Ca (thôn Bản Ca) có diện tích 8,73 ha;

+ Cụm di tích đồi Bản Tảng (thôn Nà Quân và Nà Phầy) có diện tích 4,10 ha;

+ Di tích Khuổi Dân (thôn Vằng Quân), diện tích 2,19 ha;

+ Cụm di tích trên địa bàn thôn Nà Quân có diện tích 11,04 ha;

+ Di tích Nền lán chuyên gia (thôn Nà Quân) có diện tích 0,69 ha;

+ Di tích Khuổi Áng (thôn Khuổi Áng) có diện tích 1,69 ha;

+ Di tích lịch sử Nà Đon (thôn Đon Liên) có diện tích 0,72 ha.

2. Quy hoạch tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan di tích

a) Về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan tổng thể: Quy hoạch tổ chức không gian của các khu vực di tích Nà Pậu, Pù Cọ, Bản Ca và Nà Quân thành các điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của toàn khu vực; trong đó:

- Khu vực Nà Pậu: Tập trung các công trình kiến trúc lớn đáp ứng vai trò là Trung tâm du lịch ATK Chợ Đồn với các công trình được xây dựng mới (nhà trưng bày, khu quản lý và điều hành...) có chức năng đón tiếp, tổ chức sự kiện và một số không gian cây xanh, vui chơi giải trí gắn với bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương;

- Các khu vực Pù Cọ, Bản Ca và Nà Quân: Thực hiện tu bổ và phục hồi các điểm di tích, tôn tạo cảnh quan sinh thái; xây dựng một số công trình công cộng mới (tượng đài, biểu tượng, khu dịch vụ, bãi đỗ xe, sân tổ chức sự kiện...) đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách tham quan;

- Các khu vực khác: Thực hiện bảo vệ, giữ gìn cảnh quan và môi trường bao quanh di tích; xây dựng một số hạng mục công trình nhỏ để phát huy giá trị di tích như: biểu tượng, nhà bia lưu niệm, sân tập trung, bãi đỗ xe nhỏ, một số quán nghỉ, điểm nghỉ chân.

b) Về hình thức kiến trúc và vật liệu:

- Các công trình di tích được tu bổ, phục hồi dựa trên căn cứ khoa học và tư liệu lịch sử; mang phong cách kiến trúc tương đồng về tính chất và thời kỳ, phù hợp truyền thống địa phương.

- Các công trình biểu tượng, tượng đài cần có tính mỹ thuật cao, phù hợp với giá trị di tích; hài hòa với cảnh quan chung.

- Các công trình kiến trúc xây mới cần khai thác bản sắc kiến trúc truyền thống của địa phương: chủ yếu là hình thức nhà sàn, kết cấu gỗ hoặc giả kết cấu gỗ, mái dốc lợp cọ, gianh (các vật liệu tự nhiên) hoặc lợp ngói âm dương.

c) Về quy hoạch sử dụng đất trong khu vực di tích:

- Các loại đất trồng cây hằng năm có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất khác cùng loại theo kế hoạch sử dụng đất trồng cây của địa phương. Đất rừng sản xuất khuyến khích phát triển thành rừng tự nhiên hoặc chuyển đổi mục đích thành loại đất rừng có tính chất bảo vệ cao hơn. Khuyến khích tăng diện tích che phủ của rừng tự nhiên trong phạm vi các điểm di tích.

3. Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo kiến trúc cảnh quan vùng bảo vệ di tích

a) Định hướng quy hoạch:

- Bảo quản và tu bổ các công trình kiến trúc hiện còn gắn với yếu tố gốc của di tích. Phục hồi các công trình, di tích trên cơ sở khoa học và tư liệu lịch sử. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.

+ Tại Khu vực bảo vệ I, chú trọng bảo quản, tu bổ các công trình hiện còn, di dời các công trình không phải yếu tố gốc của di tích; trường hợp sử dụng để phát huy giá trị cần nghiên cứu, chỉnh trang bảo đảm phù hợp về không gian, phong cách kiến trúc của các công trình di tích gốc; phục hồi, phục dựng các công trình kiến trúc trên cơ sở khoa học, với hình thức kiến trúc tương đồng với từng thời kỳ lịch sử của di tích; tôn tạo, trồng bổ sung cây xanh cảnh quan.

+ Tại Khu vực bảo vệ II, được phép xây dựng một số công trình mới phục vụ phát huy giá trị di tích, bảo đảm phù hợp về quy mô và không gian kiến trúc cảnh quan.

- Đối với di tích là các công trình tại địa điểm gốc, thực hiện tu bổ, tôn tạo công trình và cảnh quan di tích. Đối với các điểm di tích chỉ còn dấu vết nền móng, thực hiện việc phục hồi công trình và tôn tạo cảnh quan theo các tài liệu lưu trữ lịch sử và ảnh tư liệu. Đối với các di tích không còn dấu tích, thực hiện phục dựng các công trình liên quan đến nơi ở và hoạt động của các đồng chí lãnh đạo, nhân vật quan trọng khi có đủ cơ sở khoa học; xây dựng biểu tượng kỷ niệm tại các di tích liên quan đến sự kiện quan trọng; các di tích còn lại chỉ xây dựng nhà bia lưu niệm hoặc đặt bia, biển di tích.

- Các khu vực hạn chế xây dựng: là các khu vực cảnh quan thiên nhiên bao quanh di tích và khu vực bảo vệ di tích. Tại các khu vực này chủ yếu giữ gìn cảnh quan thiên nhiên núi đồi, rừng, suối, cánh đồng và chỉ xây dựng một số công trình nhỏ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

b) Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích:

- Tại xã Lương Bằng:

+ Di tích Nà Pậu (thôn Bản Thít): Bảo tồn cấu trúc cảnh quan, rừng di tích; tu bổ Lán Bác Hồ, Lán cảnh vệ, Hầm trú ẩn, Cây đa và đoạn suối nơi Bác tắm giặt và câu cá; đặt bia giới thiệu vị trí Bếp ăn; điều chỉnh vị trí lầu thắp hương; cải tạo nhà trưng bày; xây dựng mới nhà đón tiếp, sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung, khu công trình phụ;.

+ Di tích lịch sử Đồi Khau Mạ (thôn Bản Vèn): Xây dựng lại nhà bia lưu niệm; phục dựng Nhà ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng, Nhà phục vụ, Nhà hội họp; phục hồi Hầm trú ẩn; tôn tạo sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung; phục hồi rừng tự nhiên trên đồi Khau Mạ.

- Tại xã Nghĩa Tá:

+ Di tích Khuổi Linh (thôn Nà Đeng): Bảo quản, tu bổ Lán họp, Lán phục vụ, hầm trú ẩn; điều chỉnh vị trí Lầu thắp hương; tu bổ Tượng đài; bảo vệ rừng xung quanh di tích; tôn tạo sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung. Đặt bia kỷ niệm tại: di tích Nhà ở của gia đình đồng chí Trường Chinh, các vị trí: nhà bếp, hầm trú ẩn và nơi tắm giặt tại khu vực khoanh vùng mở rộng; tôn tạo sân vườn, đường dạo, cây xanh và cảnh quan chung; xây dựng mới một số công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, điểm nghỉ chân.

+ Cụm di tích Pù Cọ (thôn Bản Bẳng): Xây dựng mới biểu tượng kỷ niệm tại đồi Pù Cọ, nhà bia lưu niệm di tích Lsao Lsô Đỗ; phục dựng Lán ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp; tôn tạo Nhà ông Triệu Phú Dương, sân vườn, đường dạo và không gian cảnh quan chung; bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan xung quanh di tích.

+ Di tích Khuổi Khít (thôn Nà Cà): Xây dựng mới biểu tượng kỷ niệm hoặc nhà bia lưu niệm, sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung; bảo vệ, phục hồi rừng cảnh quan quanh di tích.

+ Di tích Khuổi Đăm (thôn Nà Khằn): Tu bổ bia kỷ niệm; xây dựng mới biểu tượng kỷ niệm hoặc nhà bia lưu niệm và các mô hình trưng bày, sân vườn, bãi đỗ xe, đường dạo và cảnh quan chung.

+ Di tích Khuổi Đó (thôn Nà Tông): Phục dựng Nhà làm việc, Xưởng sản xuất; xây dựng mới biểu tượng kỷ niệm hoặc nhà bia lưu niệm và các mô hình trưng bày, bãi đỗ xe, sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung; phục hồi rừng tự nhiên quanh di tích.

+ Di tích Nà Chang (thôn Nà Chang): Xây dựng mới nhà bia lưu niệm; tôn tạo và xây mới sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung.

+ Các di tích trên địa bàn thôn Nà Kiến (thôn Nà Kiến): Tôn tạo sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung; xây dựng mới nhà bia lưu niệm tại di tích Nà Pay; cải tạo nhà ở dân cư hiện có thành nhà trưng bày tại di tích Nà Pay; xây dựng mới biểu tượng hoặc nhà bia lưu niệm sự kiện tại di tích Nà Kiến, bổ sung các chòi nghỉ chân, sân vườn, đường dạo và cây xanh cảnh quan.

- Tại xã Bình Trung:

+ Cụm di tích Bản Ca (thôn Bản Ca): Phục dựng Lán ở và làm việc của Bác Hồ tại điểm di tích nền lán, Tảng đá có khắc chữ (nơi Bác Hồ thường tắm giặt); tôn tạo Khu biểu tượng kỷ niệm Nơi ở và làm việc của Bác Hồ tháng 12 năm 1947; xây dựng mới sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung; bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan xung quanh di tích.

+ Cụm di tích Đồi Bản Tảng (thôn Nà Quân và thôn Nà Phầy): Tôn tạo Nhà ông Ma Văn Chương, sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung; xây dựng mới nhà bia lưu niệm tại điểm di tích Nhà ông Trần Văn Lý, nhà bia lưu niệm tại đồi Bản Tảng; bổ sung sân vườn, đường dạo và cây xanh cảnh quan chung; bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan xung quanh di tích.

+ Di tích Khuổi Dân (thôn Vằng Quân): Xây dựng mới nhà bia lưu niệm hoặc biểu tượng kỷ niệm, sân vườn, bãi đỗ xe, đường dạo; bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan xung quanh di tích.

+ Cụm di tích trên địa bàn thôn Nà Quân: Phục dựng Lán Bác Hồ; phục dựng Lán ở, Lán làm việc và Lán cảnh vệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; phục hồi Nhà họp tám mái, Lán cảnh vệ, các hầm trú ẩn tại di tích Nà Quân; tôn tạo nhà sàn dân cư hiện có tại di tích Khuổi Tói, sân vườn, đường dạo và cảnh quan chung; bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan xung quanh di tích.

+ Di tích Nền lán Chuyên gia (thôn Nà Quân): Xây dựng mới bia di tích; bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan.

+ Di tích Khuổi Chang (thôn Bản Pèo): Phục dựng Nhà Bác Hồ ở; xây dựng mới nhà bia lưu niệm, sân vườn, đường dạo và hạ tầng cảnh quan chung; bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan.

+ Di tích Khuổi Áng (thôn Khuổi Áng): Tôn tạo nhà dân hiện trạng thành nhà trưng bày; xây dựng mới nhà bia lưu niệm, phỏng dựng một số công trình và không gian kiến trúc cảnh quan liên quan đến di tích.

+ Di tích lịch sử Nà Đon (thôn Đon Liên): Xây dựng mới nhà bia lưu niệm, sân vườn, đường dạo và hạ tầng cảnh quan chung; cải tạo Nhà văn hóa thôn hiện có; bảo vệ và phục hồi rừng cảnh quan xung quanh di tích.

c) Quy hoạch phát triển không gian vùng bảo vệ cảnh quan, khu vực phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch

- Trung tâm du lịch của Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn được đặt tại khu vực Di tích Nà Pậu (thôn Bản Thít): Là đầu mối đón tiếp khách du lịch, trưng bày giới thiệu về di tích, tổ chức các sự kiện văn hóa, quản lý và điều hành các hoạt động du lịch. Tại đây cũng tập trung các công trình lớn phục vụ các hoạt động chung.

+ Thiết lập trục cảnh quan kết hợp giao thông đi bộ theo hướng Đông - Tây từ đường tránh vào cổng Di tích Nà Pậu. Suối hiện trạng được khai thác trở thành không gian cảnh quan, mặt nước cây xanh sinh thái;

+ Bố trí, xây dựng sân tổ chức sự kiện, các sân khấu lớn, nhà trưng bày An toàn khu Chợ Đồn, Ban quản lý di tích, khu tiếp đón và điều hành du lịch, các khu không gian cây xanh, vui chơi giải trí, các công trình dịch vụ phục vụ khách du lịch;

+ Tôn tạo cảnh quan chung của khu vực dân cư hiện trạng, kết hợp phát triển dịch vụ du lịch và du lịch cộng đồng;

+ Nghiên cứu, điều chỉnh hướng tuyến Quốc lộ 3C đoạn đi qua khu vực di tích về phía Đông, tránh giao cắt qua các không gian nội bộ của khu trung tâm du lịch. Chỉnh trang, điều chỉnh một số tuyến đường dân sinh tránh ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động sản xuất chung tới khu di tích;

+ Hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới bảo đảm hài hoà với không gian cảnh quan bản địa và không gian các di tích; các công trình xây dựng thấp tầng; khuyết khích sử dụng vật liệu bản địa và hình thức kiến trúc mang bản sắc văn hóa địa phương.

- Tại các điểm di tích thành phần khác:

+ Bố cục không gian tự do, đường nét quy hoạch tự nhiên; hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới bảo đảm hài hoà với không gian cảnh quan bản địa và không gian các di tích; các công trình xây dựng thấp tầng; khuyết khích sử dụng hình thức kiến trúc mang bản sắc văn hóa địa phương. Giữ gìn, tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan, không gian cây xanh, mặt nước;

+ Xây dựng một số công trình dịch vụ, bán hàng lưu niệm; không gian tái hiện và ca ngợi công lao, thành tựu của các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo và các chiến sỹ đã từng sống và làm việc tại địa điểm có di tích; tổ chức lại giao thông đường vào và hệ thống hạ tầng kỹ thuật kèm theo;

+ Các khu vực dân cư hiện trạng: Tổ chức lại hoặc bố trí tại các vị trí phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt. Chỉnh trang cảnh quan chung; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường; quản lý hoạt động xây dựng và kiến trúc trong khu vực. Khuyến khích xây dựng các cơ sở dịch vụ, lưu trú du lịch theo hình thức lưu trú tại nhà dân.

4. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại các di tích

a) Kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại các xã trong khu di tích, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị.

b) Tăng cường tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cho người dân, kết hợp với lồng ghép vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại nhà trưng bày trong di tích. Đồng thời có giải pháp bảo quản tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể.

c) Tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào tại địa phương, như: lễ hội truyền thống; tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc; tổ chức giới thiệu, trải nghiệm, bán các sản phẩm truyền thống do đồng bào tại địa phương sản xuất.

5. Định hướng phát triển du lịch

a) Tổ chức không gian du lịch: Quy hoạch một trung tâm và hai khu vệ tinh du lịch, cụ thể:

- Hình thành Trung tâm du lịch (tại Khu vực Nà Pậu): Là nơi đón tiếp, điều hành, tổ chức các dịch vụ du lịch thiết yếu, tổ chức lưu niệm, trưng bày, trải nghiệm văn hóa truyền thống của vùng đất ATK, khu lễ hội và sự kiện, khu lưu trú du lịch kiểu homestay.

- Phân khu du lịch về nguồn (tại Khu vực Pù Cọ): Nơi tìm hiểu về lịch sử quân đội, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với vùng đồng bào dân tộc tại địa phương (dân tộc Tày, Dao).

- Phân khu du lịch văn hóa, sinh thái (tại Khu vực Bản Ca và Nà Quân): Là không gian trải nghiệm, tìm hiểu về thời kỳ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo trong vùng đồng bào các dân tộc Tày, Dao; không gian trải nghiệm đời sống, sinh hoạt, lao động của đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

- Khuyến khích phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc.

b) Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng:

- Tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của khu vực, gồm: Nghiên cứu, tham quan di tích văn hóa - lịch sử, di chỉ khảo cổ; du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa bản địa và các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Phát triển sản phẩm du lịch do người dân địa phương tổ chức, quản lý theo hướng mỗi bản, mỗi điểm di tích một sản phẩm du lịch đặc trưng.

- Nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm du lịch. Cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các sản phẩm du lịch mới. Tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, sinh hoạt văn nghệ dân gian và các hoạt động mang tính định kỳ khác tại di tích nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao trải nghiệm cho du khách.

- Tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn: Mở rộng các chương trình giới thiệu, quảng bá khu di tích trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, phim, ảnh, sách báo, tạp chí, các phương tiện thông tin truyền thông khác ở trong và ngoài nước.

c) Xây dựng tuyến, điểm du lịch: Lấy cụm du lịch Trung tâm Di tích Nà Pậu là hạt nhân trong phát triển du lịch, hình thành các tuyến du lịch sau:

- Tuyến du lịch nội khu: Kết nối Trung tâm di tích Nà Pậu (xã Lương Bằng) với các điểm di tích trong nội bộ khu di tích: Cụm du lịch về nguồn Đồi Pù Cọ; cụm du lịch lịch sử và du lịch cộng đồng Bản Ca - Nà Quân.

- Tuyến du lịch nội tỉnh: Kết nối Di tích ATK Chợ Đồn với Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn); với Hồ Ba Bể (huyện Ba Bể).

- Tuyến du lịch ngoại tỉnh;

+ Tuyến du lịch kết nối liên vùng ATK: Định Hóa (Thái Nguyên) - Tân Trào (Tuyên Quang) - Chợ Đồn (Bắc Kạn);

+ Tuyến du lịch kết nối Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn với các tuyến du lịch quốc gia, quốc tế qua khu vực này, kết nối tới các điểm du lịch quan trọng của khu vực và cả nước, như: Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Vườn quốc gia Na Hang (Tuyên Quang), Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hang Pắc Bó, Thác Bản Giốc (Cao Bằng)...

d) Xây dựng cơ sở vật chất du lịch, phát triển nguồn nhân lực:

- Phát triển đa dạng hệ thống cơ sở lưu trú: Nhà nghỉ kiểu nhà sàn dân tộc, nhà nghỉ trong rừng; khuyến khích phát loại hình cơ sở lưu trú tại các hộ gia đình trong khu vực; các hình thức du lịch cộng đồng tại các bản làng người Dao (tại Bản Ca), khu dân cư quanh khu vực di tích Nà Pậu...

- Xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực Di tích Nà Pậu (xã Lương Bằng); di tích Bản Ca (xã Bình Trung), cụm di tích Pù Cọ (xã Nghĩa Tá); cơ sở văn hóa, thể dục thể thao (sân lễ hội, các nhà trưng bày ATK Chợ Đồn), không gian các di tích.

- Đào tạo nguồn nhân lực du lịch bảo đảm trình độ kiến thức về văn hóa, lịch sử để hướng dẫn khách tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm.

- Khuyến khích người dân trong vùng tham gia các hoạt động du lịch, phát triển du lịch cộng đồng; hình thành các nhóm, tổ chức cung cấp các dịch vụ và hàng hóa du lịch, các đội văn nghệ, trình diễn sinh hoạt văn hóa dân gian.

đ) Bảo vệ tài nguyên du lịch: Bảo vệ di tích theo pháp luật về di sản văn hóa. Bảo vệ tài nguyên tự nhiên, cảnh quan di tích thông qua quản lý quy hoạch, hoạt động xây dựng của người dân; quản lý các dự án lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo đảm không làm thay đổi lớn hoặc mất đi vẻ đẹp thiên nhiên quanh di tích.

6. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật

a) Giao thông:

- Hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, lấy tuyến đường Quốc lộ 3C đi qua khu vực làm trục giao thông chính, hình thành mạng lưới đường theo kiểu xương cá kết nối từ Quốc lộ 3C đến các điểm di tích thành phần và kết nối tổng thể di tích ATK Chợ Đồn với các điểm di tích, điểm du lịch khác phù hợp và kết hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

- Hình thành hệ thống giao thông tại từng khu vực quy hoạch trên cơ sở nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang các tuyến đường hiện có, chỉ xây dựng một số tuyến đường mới phục vụ hoạt động chung của toàn khu.

- Mật độ xây dựng hệ thống giao thông đường nội bộ trong khu vực ở mức tối thiểu. Các tuyến đường ưu tiên phục vụ việc vận chuyển khách bằng xe điện và công tác cứu hỏa, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng.

- Xây dựng mới, chỉnh trang một số tuyến đường giao thông hiện có trở thành đường dạo, đường đi bộ kết nối các khu chức năng.

b) Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật: San nền, đào đắp cục bộ phục vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích, hạn chế làm biến dạng địa hình chung. Khu vực san lấp có diện tích lớn là nơi xây dựng điểm, bãi đỗ xe tập trung, sân và đường trục cảnh quan, phù hợp với kiến trúc cảnh quan, bảo đảm tiêu, thoát nước. Tận dụng địa hình và hệ thống suối tự nhiên trong khu vực để thoát nước mưa.

c) Cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường:

- Cấp nước sạch: Sử dụng nguồn cấp nước theo quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch nông thôn mới của khu vực đã được phê duyệt; bảo đảm cấp nước liên tục, cấp đủ nước cho các hoạt động của di tích và công tác chữa cháy.

- Hệ thống thoát nước thải: được bố trí riêng hoặc chung với hệ thống thoát nước mưa tùy theo điều kiện thực tế từng khu vực, theo nguyên tắc tự chảy, bảo đảm thoát nước triệt để từng ô đất và phù hợp với quy hoạch thoát nước của khu vực. Nước thải được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung.

- Chất thải rắn: Bảo đảm tỷ lệ thu gom chất thải rắn theo quy định. Chất thải rắn nguy hại phải được thu gom, vận chuyển và xử lý riêng, phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

d) Cấp điện và thông tin liên lạc:

- Hệ thống cấp điện bảo đảm công suất, phụ tải điện và yêu cầu sử dụng: Hạ ngầm các tuyến cấp điện trong khu vực bảo vệ di tích. Bố trí đèn chiếu sáng thông thường, đèn chiếu sáng nghệ thuật phù hợp với không gian, quy mô và tính chất của các công trình.

- Hệ thống thông tin liên lạc: Bảo đảm thông tin liên lạc trong toàn khu hoạt động ổn định và đấu nối được với tuyến cáp quốc gia. Thiết lập mạng lưới internet kết hợp giữa lưới truyền dẫn và các điểm phát wifi.

7. Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư

a) Các nhóm dự án thành phần:

- Nhóm dự án số 1: Nghiên cứu, sưu tầm bổ sung tài liệu, tư liệu, hiện vật và kiểm kê, lập hồ sơ khoa học (bổ sung) về di tích; bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể gắn với di tích; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (số hóa) về khu di tích.

- Nhóm dự án số 2: Tổ chức khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc bảo vệ đất di tích; xây dựng biển, bảng giới thiệu, chỉ dẫn di tích; giải tỏa vi phạm và đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn.

- Nhóm dự án số 3: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; phục chế bổ sung hiện vật trong di tích; xây dựng các công trình phục vụ phát huy giá trị di tích.

- Nhóm dự án số 4: Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

- Nhóm dự án số 5: Nâng cao năng lực quản lý di tích gắn với phát triển du lịch.

b) Phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên: Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2024 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể:

- Giai đoạn 2024 - 2025: Triển khai các nhóm dự án số 1, số 2 và số 3.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Triển khai nhóm dự án số 4 và số 5.

- Giai đoạn 2031 - 2035: Tiếp tục thực hiện và cơ bản hoàn thành các dự án thành phần đã triển khai.

- Giai đoạn 2036 - 2050: Hoàn thành các dự án thành phần còn lại.

Kinh phí thực hiện dự án được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng dự án. Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm có thể được điều chỉnh, bổ sung căn cứ vào yêu cầu thực tế về bảo tồn, phát triển, khả năng huy động, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch bố trí vốn ngân sách của trung ương và địa phương.

c) Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: Vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó:

- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hàng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư công, ngân sách nhà nước.

- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện, xã).

- Vốn sự nghiệp dành cho công tác nghiệp vụ như tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy hoạch; sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật; bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, không gian sinh sống của cộng đồng...

- Các nguồn vốn hợp pháp: Thu từ các hoạt động du lịch tại các điểm di tích; huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, của Nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

8. Giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về cơ chế, chính sách:

- Tăng cường đầu tư cho bảo tồn di tích, ưu tiên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, khuyến khích huy động nguồn vốn khác. Có chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di tích ATK Chợ Đồn; tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng ở khu vực di tích.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di tích; hỗ trợ kinh phí, vật chất phù hợp cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích của cộng đồng.

- Đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở dịch vụ du lịch; phát triển du lịch cộng đồng gắn với di tích góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh du lịch hoạt động.

b) Giải pháp về quản lý:

- Quản lý hoạt động xây dựng, sử dụng công trình theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Hoàn thiện và nâng cao năng lực của đơn vị được giao quản lý di tích. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di tích.

- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trên địa bàn trong công tác tự quản, bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh, môi trường, xây dựng cảnh quan khu di tích xanh, sạch, đẹp.

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng trong ranh giới các khu vực bảo vệ di tích, việc lập, thẩm định, phê duyệt cũng như việc triển khai thực hiện dự án phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Các dự án ngoài ranh giới bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan, trên cơ sở bảo đảm không ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị, bảo vệ cảnh quan của di tích.

c) Giải pháp huy động nguồn lực:

- Lập danh mục các dự án đầu tư thành phần, phân loại và xác định giai đoạn thực hiện, nguồn vốn đầu tư, làm cơ sở huy động vốn từ doanh nghiệp, xã hội hóa, vốn vay. Lồng ghép các mục tiêu đầu tư phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế miền núi để tăng hiệu quả đầu tư bảo tồn di tích.

- Đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, hỗ trợ và bố trí vốn hàng năm để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích gốc và các hạng mục công trình có ý nghĩa quan trọng. Xây dựng phương án huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện tu bổ, phục hồi các di tích theo quy hoạch được duyệt.

d) Giải pháp phối hợp liên ngành:

- Tăng cường liên kết giữa các ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách, bảo đảm triển khai hiệu quả quy hoạch; tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích với các vấn đề an ninh, quốc phòng.

- Hợp tác, xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến du lịch, chương trình phát triển du lịch chung cho khu vực di tích và toàn huyện Chợ Đồn; các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, hấp dẫn. Hợp tác, liên kết tổ chức các lễ hội, sự kiện, các ngày kỷ niệm các ngành có liên quan đến khu di tích.

đ) Giải pháp tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng:

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư về vai trò và ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, bản sắc văn hóa, lễ hội và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc gắn với phát triển du lịch.

- Có chiến lược truyền thông, trưng bày, giới thiệu về di tích và tư liệu liên quan đến di tích; cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, tôn tạo di tích.

- Kết nối cộng đồng dân cư trong khu vực di tích và vùng lân cận với các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch. Tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia vào công tác lập kế hoạch quản lý và bảo tồn di tích; tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng; tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

- Khuyến khích sáng tạo các hoạt động văn hóa, trình diễn văn nghệ dân gian, sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với di tích.

- Xây dựng quy định, định hướng quy mô, mẫu kiến trúc cho các công trình nhà ở của người dân kế cận khu di tích để tạo nên tổng thể không gian cảnh quan phù hợp, góp phần tôn vinh giá trị di tích.

e) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích:

- Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại khu di tích có trình độ kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống, kiến trúc nghệ thuật; tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa.

- Hợp tác với cơ sở giáo dục về bảo tồn di sản, hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản; xây dựng chương trình đào tạo về kinh doanh dịch vụ cho doanh nghiệp.

- Thực hiện các chương trình giáo dục tuyên truyền về tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững như một nguồn tài nguyên tái tạo, làm phong phú các loại hình du lịch cho khu vực di tích.

g) Giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ:

- Ứng dụng một số vật liệu mới trong các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Sử dụng công nghệ tiên tiến, kết hợp bố trí hệ thống âm thanh, ánh sáng phù hợp trong trưng bày và giới thiệu di tích.

- Thiết lập hệ thống camera giám sát tại các khu vực bảo vệ và phát huy giá trị di tích, các điểm di tích thành phần. Thực hiện “số hóa” di tích để tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ việc lưu trữ, nghiên cứu, quản lý và cung cấp thông tin trên môi trường mạng. Quản lý hiện trạng công trình di tích và các hoạt động tại di tích trên nền tảng kỹ thuật số và hệ thống mạng internet với các đường dẫn tham chiếu cập nhật thường xuyên tới các cơ quan chuyên môn liên quan.

- Ứng dụng các giải pháp tuyên truyền trên môi trường mạng nhằm truyền tải giá trị di tích, thu hút sự quan tâm của khách du lịch và thu hút nguồn lực đầu tư di tích.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn:

a) Công bố công khai Quy hoạch; tiến hành cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích; di dời các hộ dân trong khu vực di tích theo hồ sơ quy hoạch được duyệt và phù hợp với kế hoạch sử dụng đất và thực tiễn của địa phương.

b) Cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Bắc Kạn phù hợp với từng thời kỳ.

c) Xây dựng lộ trình thu hồi đất để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ di tích và thực hiện các dự án đầu tư thành phần căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của địa phương.

d) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần và thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư, xây dựng theo Quy hoạch và Điều lệ quản lý quy hoạch được duyệt.

đ) Chỉ đạo các đơn vị chức năng và chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, bổ sung cứ liệu khoa học cho việc lập, tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với khả năng cân đối và nguồn kinh phí đầu tư, trên cơ sở quy hoạch được duyệt.

e) Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện Quy hoạch theo đúng kế hoạch.

g) Thực hiện đầu tư xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ quy định của Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định này và các quy hoạch có liên quan được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan và hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan.

3. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia thuộc nội dung quy hoạch được duyệt. Giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung, đúng kế hoạch được phê duyệt.

4. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện quy hoạch phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan; kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.

5. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, phù hợp với thời kỳ quy hoạch

6. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát và tạo điều kiện hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn;
- Cục DSVH, Cục DLQG Việt Nam (Bộ VHTTDL);
- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
Trợ lý PTTg Trần Hồng Hà, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, PL, CN, NN, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX(3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1496/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1496/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/11/2023
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản