Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 147/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 18 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Quyết định số 103/2017/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 16/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp;

Căn cứ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành Tư pháp được thông qua tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 (ngày 11/01/2018);

Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 02/TTr-STP ngày 15 tháng 01 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình công tác của ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu VT, TP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Khắc Đính

 

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2018

CỦA NGÀNH TƯ PHÁP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh)

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Quyết định số 3039/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình công tác của ngành Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trong đó chú trọng các vấn đề liên quan mật thiết đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp địa phương; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trực tiếp gắn liền với người dân, doanh nghiệp như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, trợ giúp pháp lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng các dịch vụ công do ngành Tư pháp địa phương quản lý.

2. Tăng cường sự phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương trong triển khai, thực hiện chương trình, nhiệm vụ công tác tư pháp; thực hiện tốt vai trò cơ quan tham mưu giúp UBND các cấp chỉ đạo, điều hành theo pháp luật các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2018

1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; pháp chế

Triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 04/12/2017 về xây dựng văn bản QPPL; Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 28/11/2017 về kiểm tra văn bản QPPL; Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 28/11/2017 về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 28/11/2017 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 04/12/2017 về công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh năm 2018. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định dự thảo văn bản QPPL, chú trọng vào tính hợp pháp, thống nhất, tính khả thi của văn bản.

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kịp thời xử lý văn bản QPPL theo thẩm quyền, tập trung xử lý triệt để các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ thứ hai (2014-2018) theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp thông qua: bản tin, tình huống giải đáp pháp luật, cơ sở dữ liệu pháp luật,... để thu hút sự tham gia, phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

2. Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và hòa giải ở cơ sở

Tiếp tục triển khai thi hành có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, các Đề án, Kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được ban hành và Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2017-2021” sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua năm 2017 và năm 2018; triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật gắn với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh, chú trọng nội dung chính sách pháp luật; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; vấn đề khởi nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường; chú trọng phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù; triển khai các hoạt động hưởng ứng gắn với tổng kết 05 năm mô hình Ngày Pháp luật Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong phổ biến giáo dục pháp luật; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường xã hội hóa các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật.

Tiếp tục triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư gắn với áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng và việc Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên gắn với bồi dưỡng nâng cao năng lực, phát huy đầy đủ vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân nhằm thực hiện hiệu quả tiêu chí “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sau khi được ban hành.

Tiếp tục cải tiến về nội dung, hình thức các tin, bài đăng trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; bám sát các sự kiện chính trị - pháp lý của tỉnh, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp.

3. Công tác hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch. Trong đó, chú trọng tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch; trên cơ sở kế hoạch của Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Luật hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” tại địa bàn tỉnh trong giai đoạn gia hạn.

Trên cơ sở kế hoạch của Bộ Tư pháp, tổ chức sơ kết việc triển khai thi hành Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ; tổng hợp những vấn đề vướng mắc trong thực tế để đề xuất hoàn thiện pháp luật về chứng thực. Tăng cường quản lý nhà nước công tác chứng thực, kịp thời phát hiện những thiếu sót và những khó khăn, vướng mắc để uốn nắn, giải quyết.

Triển khai hiệu quả Chỉ thị về tăng cường công tác nuôi con nuôi trong tình hình mới sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đẩy mạnh việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu LLTP tại địa bàn tỉnh, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ cấp Phiếu LLTP phục vụ yêu cầu của người dân.

Triển khai có hiệu quả Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm; phát huy vai trò tham mưu quản lý nhà nước về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tổ chức triển khai thi hành hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017; tập trung theo dõi các vụ việc bồi thường đã được thụ lý theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009.

4. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 28/11/2017 về theo dõi thi hành pháp luật, Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 04/12/2017 thực hiện công tác quản lý về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tại địa bàn tỉnh năm 2018.

Tập trung tổ chức thực hiện Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/7/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL, tập trung vào các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và lĩnh vực được xác định trọng tâm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc "Đề án một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật" sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý

Tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Kế hoạch nâng cao năng lực đội ngũ đấu giá viên; các Đề án: Phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020, Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020; Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại. Triển khai có hiệu quả Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư, Nghị định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa bàn tỉnh về hoạt động bổ trợ tư pháp thông qua hoạt động kiểm tra, nắm tình hình; xây dựng và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra. Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo Đoàn luật sư chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ, tiến tới Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 3. Khảo sát, xây dựng Đề án thành lập chi bộ Đảng của Đoàn Luật sư.

Tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, trong đó: tập trung thực hiện vụ việc TGPL; nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL; nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025.

6. Công tác xây dựng ngành; đào tạo, bồi dưỡng; ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, ISO, thi đua khen thưởng

Kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp công chức pháp chế các Sở, ngành, địa phương theo yêu cầu tăng cường chất lượng, nâng cao năng suất lao động, tinh giản biên chế hành chính, hướng đến mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Các Sở, ngành, địa phương căn cứ tình hình cụ thể để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế, bảo đảm đủ về số lượng, có trình độ, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công việc.

Tổ chức triển khai hiệu quả Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV sau khi được phê duyệt, nhất là việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp địa phương.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính kiểm soát thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin theo kế hoạch. Hoạt động chỉ đạo, điều hành các mặt công tác tư pháp, tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, gắn với đề cao, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Lãnh đạo Sở, của Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả và đánh giá chính xác kết quả công việc của từng tập thể, từng cá nhân tạo chuyển biến ngay từ cơ sở.

Tổ chức có hiệu quả, thiết thực phong trào thi đua với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đổi mới lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thi hành pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao năm 2018”; thực hiện tổng kết công tác tư pháp, công tác thi đua khen thưởng năm 2018 đảm bảo thời gian theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Khu vực thi đua Khối các cơ quan tư pháp các tỉnh Duyên hải Miền Trung - Tây Nguyên.

7. Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Tổ chức, thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo Quyết định số 159/QĐ-STP ngày 12/12/2017 của Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2018, đảm bảo tiến độ, thời gian; thực hiện công tác tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, công dân theo quy định của pháp luật,

Ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo chỉ đạo hướng dẫn của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp,

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở các nội dung của Chương trình công tác tư pháp năm 2018 được phê duyệt kèm theo Quyết định này Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện Chương trình; định kỳ báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để theo dõi, chỉ đạo.

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm triển khai, thực hiện; định kỳ tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chương trình công tác này, tổng hợp, báo cáo và kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp về các giải pháp công tác tư pháp để đảm bảo chương trình được thực hiện hiệu quả và đồng bộ theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Tư pháp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 147/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2018 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 147/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/01/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Đinh Khắc Đính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản