Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1430/QĐ-UBND | Cà Mau, ngày 29 tháng 9 năm 2015 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
Căn cứ Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 16/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ năm 2015 đến 2018”;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau tại Tờ trình số 118/TTr-CAT-PV11 ngày 15/7/2015; Báo cáo số 440/BC-CAT-PV11 ngày 21/8/2015; ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1971/STC-NS ngày 23/9/2015; ý kiến của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1659/SKHĐT-TH ngày 24/9/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Điều 2. Giao Giám đốc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau tổ chức triển khai thực hiện Đề án nêu trên; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG CƠ SỞ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1430/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC PCCC
1. Về địa lý
Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 5.294,87 km2, dân số 1.227.329 người, mật độ dân số chung của tỉnh 232 người/km2; có 08 huyện, 01 thành phố, 101 xã, phường, thị trấn (10 phường, 09 thị trấn, 82 xã. Trong đó, có 23 xã, thị trấn ven biển trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự) và 949 ấp, khóm.
2. Địa bàn tập trung đông dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao: Có 21 địa bàn, gồm: thành phố Cà Mau, 09 thị trấn và 11 xã.
3. Địa bàn trọng điểm về cháy, nổ
Thành phố Cà Mau: Có 08 địa bàn trọng điểm, gồm 07 phường và 01 xã; các huyện có 12 địa bàn trọng điểm, gồm 08 thị trấn và 04 xã.
4. Khu Công nghiệp, khu kinh tế: Có 04 khu công nghiệp và 01 khu kinh tế, cụ thể:
- Khu công nghiệp Khánh An: Có tổng diện tích 360 ha. Trong đó, có 01 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, đó là:
+ Trạm phân phối khí Cà Mau (thuộc Công ty khí Cà Mau);
+ Nhà máy Điện Cà Mau I (Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau);
+ Nhà máy Điện Cà Mau II (Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau);
+ Nhà máy Đạm Cà Mau (Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau);
- Khu Công nghiệp Hòa Trung: Có 11 công ty chế biến thủy sản xuất nhập khẩu đã đi vào hoạt động;
- Khu Công nghiệp Năm Căn, Sông Đốc và Khu kinh tế Năm Căn.
Những năm qua, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt; sự phối hợp tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, hoạt động phòng cháy, chữa cháy từng bước đi vào nề nếp; nhiều vụ cháy được phát hiện và dập tắt kịp thời, qua đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại, hạn chế đó là: ý thức, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận dân cư chưa cao; việc quản lý và quy hoạch phòng cháy, chữa cháy chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng cháy, nổ xảy ra ngày càng gia tăng. Trong 14 năm qua (2001 - 2014), trên địa bàn tỉnh xảy ra 480 vụ cháy, nổ (có 219 vụ cháy rừng tràm), làm chết 14 người, bị thương 56 người, thiệt hại 613 căn nhà và ki ốt chợ, 196 phòng nghỉ trọ, 13 xe ô tô, 15 xe mô tô, 150 bình gas, 50.000 lít xăng dầu, 04 ca nô cao tốc,.... cùng nhiều tài sản khác, trị giá thiệt hại khoảng 235 tỷ đồng. So với 10 năm trước, số vụ cháy tăng gấp 10 lần (480/47 vụ) và thiệt hại tăng trên 120 tỷ đồng (235/115 tỷ đồng). Ngoài ra, còn có hàng trăm vụ cháy khác được dập tắt ngay khi mới phát sinh nên chưa gây thiệt hại.
Nguyên nhân các vụ cháy nêu trên là: Do sự cố chập điện 36,96%; cháy do sơ suất trong sử dụng lửa sinh hoạt, thờ cúng 38,18%; cháy do đốt phá hoại và sơ xuất bất cẩn 11,51%; cháy do trẻ em nghịch lửa 4,24%; cháy do các nguyên nhân khác như: sét đánh, bom đạn chiến tranh sót lại gây nổ 9,11%.
Địa bàn cháy: Thành thị chiếm 49,69%; nông thôn chiếm 44,84%; trên sông, trên biển chiếm 5,45%.
Khu vực cháy: Cháy các cơ sở doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chiếm 6,66%; cháy chợ chiếm 1,81%; cháy khu vực kinh tế tư nhân, nhà dân chiếm 91,51%.
Trong 14 năm qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau trung bình cứ 08 ngày xảy ra 01 vụ cháy, nổ; thiệt hại ở mỗi vụ cháy có chiều hướng tăng lên; số vụ cháy xảy ra ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa có chiều hướng phức tạp.
THỰC TRẠNG CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TỈNH CÀ MAU
I. ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT
1. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh Cà Mau;
2. Lực lượng Phòng cháy và chữa cháy dân phòng;
3. Lực lượng Phòng cháy và chữa cháy cơ sở;
4. Lực lượng Phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
II. THỰC TRẠNG LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TỈNH CÀ MAU
1. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy dân phòng
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 101 đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng, với 1.320 đội viên, được thành lập và duy trì hoạt động, chủ yếu tập trung ở phường, xã thuộc thành phố Cà Mau, các thị trấn và trung tâm các xã thuộc huyện. Trong đó, có 30 đội hoạt động khá, 53 đội loại trung bình và 18 đội hoạt động yếu.
- Hàng năm, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với Công an huyện, thành phố Cà Mau và chính quyền địa phương tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng nắm vững nội dung Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản hướng dẫn thi hành, tập trung vào nguyên nhân, điều kiện gây cháy, nổ và biện pháp phòng cháy, chữa cháy ở các khu dân cư; về thao tác sử dụng và cách bảo quản máy bơm chữa cháy và các loại bình chữa cháy... Qua huấn luyện lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng cơ bản nắm được yêu cầu nhiệm vụ về công tác phòng cháy, chữa cháy.
- Thời gian qua, lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng ở nhiều địa phương được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy như: máy bơm chữa cháy và phương tiện chữa cháy ban đầu, duy trì hoạt động tốt, đã phát hiện và chữa cháy khoảng 70% số vụ cháy xảy ra không để cháy lan, cháy lớn, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Đối với số xã vùng sâu, vùng xa do điều kiện kinh phí, dân cư thưa, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nên việc bố trí lực lượng, phương tiện còn gặp khó khăn, chưa thực hiện được.
2. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở
- Tỉnh Cà Mau có 1.019 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở được thành lập, với 10.920 đội viên. Trong đó, có 407 đội hoạt động khá, 411 đội hoạt động trung bình và 201 đội yếu.
- Theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, về tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ của Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở là phù hợp và đáp ứng với tình hình thực tế hiện nay. Nhiều cơ sở đã đầu tư kinh phí trang bị một số dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy cần thiết như: hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy vách tường và các loại bình chữa cháy ...
- Hàng năm, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, nắm vững nội dung Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là nguyên nhân, điều kiện gây cháy và biện pháp phòng cháy, chữa cháy, thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy, cách bảo quản máy bơm chữa cháy...
- Nhìn chung, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở hoạt động có hiệu quả; thường xuyên củng cố lực lượng, huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chữa cháy. Thời gian qua, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở đã trực tiếp dập tắt hàng trăm vụ cháy mới xảy ra và phối hợp thực tập phương án chữa cháy cơ sở theo tình huống giả định, góp phần hạn chế cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Tuy nhiên, còn một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, còn xem nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy, có tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác, xem công tác phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của ngành chức năng; việc xây dựng, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ chưa kịp thời; phương tiện chữa cháy trang bị sau nhiều năm đã cũ, xuống cấp, chưa được sửa chữa, bổ sung nên hoạt động kém.
3. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành
- Số cơ sở thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, gồm 05 cơ sở. Hiện nay, đã thành lập và duy trì hoạt động 05/05 đội, gồm 605 đội viên tham gia cụ thể như sau:
+ Đội chữa cháy Nhà máy Điện Cà Mau I, II, có 30 lực lượng, 02 xe chữa cháy;
+ Đội chữa cháy Công ty khí Cà Mau, có 15 lực lượng, 01 xe chữa cháy;
+ Đội chữa cháy Nhà máy Đạm Cà Mau, có 30 lực lượng, 02 xe chữa cháy;
+ Đội chữa cháy Sân bay Cà Mau, có 10 lực lượng, 01 xe chữa cháy;
+ Lực lượng PCCC rừng tràm có 520 lực lượng, 87 tổ máy bơm.
- Tổng số phương tiện được trang bị gồm 06 xe chữa cháy chuyên dùng và 87 máy bơm chữa cháy các loại có công suất từ 45 - 82CV. Hàng năm, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành của 05 đơn vị nêu trên được Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, tham gia hội thao phòng cháy, chữa cháy, phối hợp lập và thực tập phương án chữa cháy theo quy định, đảm bảo công tác thường trực và chữa cháy tại chỗ, sẵn sàng chi viện chữa cháy khi được điều động của cấp có thẩm quyền.
4. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy
4.1. Ban Chỉ huy phòng gồm: 04 đồng chí (01 Trưởng phòng, 03 Phó Trưởng phòng).
4.2. Các đội nghiệp vụ trực thuộc gồm: 05 đội
- Đội tham mưu tổng hợp (Đội 1) 04 người.
- Đội hướng dẫn và kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (Đội 2) 10 người.
- Đội hậu cần quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Đội 3) 06 người.
- Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đường bộ (Đội 4) 42 người;
- Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đường sông (Đội 5) 16 người.
Tổng quân số Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là 78 cán bộ, chiến sỹ. Trong đó, sỹ quan, hạ sỹ quan: 52 người, hợp đồng lao động 03 người và 23 công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.
- Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Đại học, cao đẳng có 22 người, chiếm 26,50%; trung cấp, sơ cấp có 53 người, chiếm 69,35%; chưa qua đào tạo có 03 người, chiếm 3,1%.
- Về độ tuổi: Dưới 30 tuổi có 49 người, chiếm 62,8%; dưới 40 tuổi có 13 người, chiếm 16,7%; dưới 50 tuổi có 09 người, chiếm 11,5%; trên 50 tuổi có 07 người, chiếm 9,0%.
- Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, gồm: Trưởng phòng: 01 người; Phó trưởng phòng: 03 người; Đội trưởng: 05 người; Phó đội trưởng: 06 người.
- Cán bộ được huy hoạch, gồm: Trưởng phòng: 02 người; Phó trưởng phòng: 03 người; Đội trưởng: 06 người; Phó đội trưởng: 09 người.
5. Về cơ sở vật chất và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy
5.1. Về cơ sở vật chất
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh Cà Mau, có trụ sở tọa lạc trên đường Ngô Quyền, Khóm 5, Phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau với tổng diện tích 6.000 m2, diện tích xây dựng 2.530, m2; có 01 khối nhà làm việc (02 tầng).
- Tầng 2 vừa là nơi làm việc và hội trường, phòng họp chỉ huy.
- Tầng 1 là nhà để xe chữa cháy, nơi làm việc 02 đội nghiệp vụ và 02 kho để phương tiện phục vụ chữa cháy.
Phía trước, có phòng trực thông tin báo cháy và trực bảo vệ; phía sau nhà làm việc là nhà ăn tập thể, nhà công vụ của cán bộ, chiến sĩ trực; có 01 tháp tập cao 20m và sân tập luyện nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ có diện tích 3.000m2 và công trình phụ như: sân phục vụ thể dục, thể thao, giải trí, cầu rửa xe và nơi bảo quản, bảo dưỡng trang bị, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
5.2. Về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy
- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh có 13 xe chữa cháy (trong đó, có 08 xe chữa cháy, 02 xe thang, 01 xe cứu nạn, cứu hộ và 01 xe tải chở phương tiện), 03 canô chữa cháy, 07 máy bơm chữa cháy các loại và một số trang thiết bị phục vụ cứu nạn cứu hộ, so với thực tế là chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chủng loại, nhất là hiện nay lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp chưa được trang bị phương tiện xe cứu nạn, cứu hộ.
- Hệ thống thông tin liên lạc máy bộ đàm: Có 01 trạm thông tin trung tâm, 01 máy bộ đàm lắp trên xe 50W, 05 máy bộ đàm lắp trên xe 25W, 20 máy bộ đàm cá nhân dùng cho chỉ huy chữa cháy, các thiết bị trên được Cục C66 Bộ Công an cấp năm 2009.
- Đơn vị có trung tâm quản lý thông tin báo cháy, thời gian tới sẽ tổ chức thực hiện việc kết nối với cơ sở để đưa vào hoạt động.
6. Công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy
- Căn cứ vào kế hoạch huấn luyện của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an, hàng năm Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức huấn luyện kết hợp giữa lý thuyết và thực hành ngoài sân bãi đối với cán bộ, chiến sĩ với thời gian huấn luyện đều đạt và vượt so với quy định của Bộ Công an. Việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy được áp dụng cho các đồng chí ban chỉ huy đội, tiểu đội trưởng và chiến sĩ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Các điều kiện phục vụ cho công tác huấn luyện tại chỗ của đơn vị hiện nay được đầu tư xây dựng cơ bản như: sân bãi, tháp tập luyện đều đáp ứng yêu cầu. Dụng cụ luyện tập cho cán bộ, chiến sĩ như: cầu, tường, hộp tiêu điểm, thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị phục vụ tập luyện theo tiêu chí đơn vị chính quy, hiện đại.
- Công tác huấn luyện ngày càng đi vào nề nếp, có chất lượng, việc huấn luyện sát với thực tế của địa phương; cán bộ, chiến sĩ đều nắm vững nội dung huấn luyện.
- Xác định công tác huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Vì vậy, trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ huấn luyện, song đã sắp xếp, bố trí phù hợp với điều kiện thực tế, do đó chất lượng công tác huấn luyện cơ bản được nâng lên, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao.
7. Về giao thông và nguồn nước phục vụ xe chữa cháy
- Từ trung tâm thành phố Cà Mau giao thông được nối liền đến trung tâm của 08/08 huyện trong tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến trung tâm huyện Ngọc Hiển hiện tại bằng đường ô tô còn gặp nhiều khó khăn.
- Thời gian qua, khi có cháy xảy ra trên địa bàn thành phố Cà Mau, chưa xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông gây cản trở xe chữa cháy làm nhiệm vụ. Vận tốc trung bình của xe chữa cháy đến đám cháy khoảng 35km đến 50km/giờ trong nội thành và đạt khoảng 40km đến 80 km/giờ ở ngoại thành. Ý thức của người tham gia giao thông trong việc nhường đường cho xe chữa cháy được thực hiện tương đối tốt. Do hầu hết các tuyến đường trong thành phố được nâng cấp, nên khả năng lưu thông của xe chữa cháy cơ bản thuận lợi; tuy nhiên, đối với các tuyến đường đi các huyện và các hẻm trong nội ô thành phố còn hẹp, các cầu cống có tải trọng nhỏ. Mặt khác, do mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, nên phần nào cũng làm cản trở tốc độ của xe khi tham gia chữa cháy.
- Về nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy: hiện nay, tại trung tâm thành phố Cà Mau được đầu tư lắp đặt 01 hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị với 64 trụ nước trên một số trục đường chính của thành phố Cà Mau, đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động đúng theo quy định của pháp luật; các bến lấy nước cho xe chữa cháy chưa được xây dựng. Đối với các chợ và khu dân cư tập trung ven thành phố Cà Mau và các huyện chưa được đầu tư trụ nước chữa cháy (riêng thị trấn Năm Căn và thị trấn Sông Đốc được công nhận đô thị loại 4 và được lập quy hoạch tổng thể trong quy hoạch có thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị theo quy định), nhìn chung về nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy hiện nay đã có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu khi có cháy lớn xảy ra.
8. Về đầu tư và mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy
- Qua 14 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chi ngân sách hơn 15 tỷ đồng để mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác chữa cháy như: 01 xe thang cứu nạn và chữa cháy, 02 xe chữa cháy chuyên dụng, 01 xe tải chở phương tiện cứu nạn, cứu hộ và 02 canô chữa cháy, 30 máy bơm các loại và các phương tiện, thiết bị phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Bằng nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ và của địa phương, Công an các huyện, thành phố Cà Mau và Công an các xã, phường, thị trấn đã mua các loại máy bơm chữa cháy chuyên dùng có công suất 45CV - 52CV phục vụ công tác chữa cháy tại chỗ đã phát huy được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì số lượng máy bơm chữa cháy vẫn chưa đáp ứng, còn thiếu, cần phải tiếp tục đầu tư. Riêng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tràm U Minh Hạ, từ năm 2002 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đầu tư kinh phí mua 70 máy bơm và 80.000m vòi chữa cháy; ngoài ra Dự án Jica của Nhật Bản tài trợ cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh mua 17 máy bơm và 25.000m vòi chữa cháy phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tràm U Minh Hạ.
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và đạt được kết quả quan trọng, các hoạt động phòng cháy, chữa cháy từng bước phát triển và đi vào nề nếp; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy ngày càng phát triển rộng khắp; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy được tăng cường, nhiều vụ cháy đã được lực lượng phòng cháy, chữa cháy kịp thời, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Bên cạnh đó, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn một số hạn chế, bất cập như: lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ít về quân số và trình độ năng lực hạn chế; phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng, phòng cháy, chữa cháy cơ sở ở một số nơi chưa cao; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy chưa thật sự đi vào chiều sâu,...
Dự báo trong những năm tới, cùng với quá trình đổi mới, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Cà Mau. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển; tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu dân cư, chợ, siêu thị,...
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc xây dựng Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” là yêu cầu cấp thiết, nhằm tổ chức, bố trí mạng lưới phòng cháy, chữa cháy hợp lý, phù hợp với “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 163/2008/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2008; xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế các vụ cháy, nổ và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra; bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013.
- Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
- Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
- Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 16/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ năm 2015 đến 2018”.
- Quyết định số 163/2008/QĐ-TTg ngày 11/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020”. Quy hoạch không gian 1/2000 thành phố Cà Mau, thị xã Năm Căn, thị xã Sông đốc; Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tỉnh Cà Mau từ năm 2011 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
III. DỰ BÁO VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ TÌNH HÌNH CHÁY, NỔ VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRONG NHỮNG NĂM TỚI
1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
- Với mục tiêu xây dựng thành phố Cà Mau đến năm 2020 trở thành đô thị loại I và cơ bản thành thành phố công nghiệp trước năm 2030, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Tỉnh Cà Mau là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.
- Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai phát triển 04 khu công nghiệp và 01 khu kinh tế công nghệ cao, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy khí hóa lỏng, các kho xăng, dầu và dầu mỏ khí hóa lỏng,... đồng thời tập trung phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, chợ, siêu thị, nhà cao tầng, các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung và hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ theo định hướng phát triển kinh tế lâu dài và bền vững.
2. Dự báo tình hình cháy, nổ
- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế và tiểu thủ công nghiệp, sân bay, bến cảng, các khu đô thị mới, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, dịch vụ, chợ, siêu thị sẽ làm gia tăng việc sử dụng nguyên vật liệu, hàng hóa và chất dễ cháy. Nhiều nhà máy được đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, làm tăng mức độ sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt trong sản xuất, kinh doanh,... là những yếu tố, điều kiện dẫn đến nguy cơ cháy, nổ.
- Tỉnh Cà Mau có nhiều khu tập trung đông dân cư, cơ sở kinh doanh ven sông, trên sông và phát triển một số cảng sông, cảng biển để xuất nhập hàng hóa,... Ngoài ra, còn có các bến tàu vận chuyển hành khách thủy nội địa. Trên mặt nước thường xuyên lưu thông một số lượng lớn tàu vận chuyển hàng hóa, hành khách nên nguy cơ cháy xảy ra trên mặt nước là khá cao. Nếu các trường hợp xảy ra cháy lớn trên sông, nhất là các chất cháy như: xăng, dầu sẽ gặp nhiều khó khăn khi tổ chức cứu chữa, lực lượng chữa cháy chưa đủ các phương tiện chữa cháy, cứu hộ để khoanh vùng chất cháy và tiến hành chữa cháy hiệu quả.
- Việc vận chuyển, xuất, nhập hàng hóa dễ dẫn đến nguy cơ cháy lớn như trường hợp sự cố tràn dầu khi đang nhập, cháy tàu vận chuyển xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, cháy tàu chở hàng có trọng tải lớn, cháy tàu vận chuyển hành khách, tàu đánh bắt thủy hải sản hoặc cháy lớn tại các khu cảng...
- Tình hình cháy rừng trong những năm tới rất khó lường do biến đổi khí hậu toàn cầu, sự nóng lên của trái đất và do sự tác động của người dân sống khu vực ven rừng.
- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế, phương tiện dụng cụ chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết đã cũ và xuống cấp không đáp ứng khả năng cứu chữa những vụ cháy lớn, phức tạp.
Từ dự báo nêu trên cho thấy, trong thời gian tới tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh sẽ diễn biến phức tạp, vì vậy đòi hỏi phải có quy hoạch và đầu tư phát triển đồng bộ về mọi mặt, cả về lực lượng, phương tiện, hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị và bến lấy nước cho xe chữa cháy theo hướng ổn định lâu dài, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH
1. Đối tượng quy hoạch
- Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh Cà Mau.
- Lực lượng Phòng cháy và chữa cháy dân phòng.
- Lực lượng Phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
- Lực lượng Phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
2. Quan điểm quy hoạch
- Quy hoạch hệ thống tổ chức, bố trí mạng lưới hợp lý, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Quy hoạch chung của các huyện, thành phố Cà Mau về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Nâng cao năng lực chuyên môn của từng lực lượng; đồng thời xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiềm chế về số vụ cháy, nổ và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
- Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, toàn diện, lâu dài có tính kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
V. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của tỉnh và huyện, thành phố Cà Mau, nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của tỉnh nhà.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giai đoạn 1 (từ năm 2015 - 2017): Cơ bản hoàn thành việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh; thành lập mới 02 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực và 01 Đội cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ tỉnh đến huyện; ưu tiên đầu tư cho huyện thuộc địa bàn trọng điểm về kinh tế - xã hội.
2.2. Giai đoạn 2 (từ năm 2018 - 2020): Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm ở giai đoạn 1; tiếp tục đầu tư xây dựng các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, thành phố Cà Mau và các huyện thuộc địa bàn trọng điểm về kinh tế - xã hội, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và củng cố xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng, cơ sở theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
2.3. Giai đoạn 3 (từ năm 2021 - 2030): Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển mạng lưới lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở; phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành hoạt động có hiệu quả theo đúng quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
VI. CƠ QUAN CHỦ TRÌ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN: Công an tỉnh Cà Mau.
VII. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Giai đoạn 1 (từ năm 2015 - 2017)
1.1. Thành lập mới 03 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
- Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Năm Căn;
- Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Sông Đốc;
- Đội cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
1.2. Củng cố hoàn thiện tổ chức biên chế bổ sung quân số cho Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo mô hình sau:
1.2.1. Cơ cấu tổ chức:
- Ban lãnh đạo phòng: 05 người (01 Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng 3 - 4);
- Các đội nghiệp vụ gồm: 08 đội.
+ Đội Tham mưu tổng hợp gồm: 06 người (chỉ huy đội 02 người và 04 cán bộ, chiến sĩ);
+ Đội Kiểm tra và hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy gồm: 10 - 12 người (chỉ huy đội 03 người và 07 - 9 cán bộ, chiến sĩ);
+ Đội Hậu cần và quản lý phương tiện gồm: 07 người (chỉ huy đội 02 người và 05 cán bộ, chiến sĩ);
+ Đội Cứu nạn và cứu hộ gồm: 12-15 người (chỉ huy đội 02 người, cán bộ tiểu đội 02 người, lái xe 02 người, công dân phục vụ có thời hạn 06 người);
+ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trung tâm gồm: 37 - 42 người (chỉ huy đội 03 người, cán bộ tiểu đội 07 người, lái xe 07 người, công dân phục vụ có thời hạn 20 người);
+ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đường sông gồm: 16-18 người (chỉ huy đội 03 người, cán bộ tiểu đội 03 người, lái tàu 04 người, công dân phục vụ có thời hạn 08 người);
+ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Năm Căn gồm: 16-18 người (chỉ huy đội 02 người, cán bộ tiểu đội 03 người, cán bộ tham mưu 01 người, lái xe 03 người, lái ca nô 02 người, công dân phục vụ có thời hạn 06 người, cấp dưỡng 01 người);
+ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Sông Đốc gồm: 16-18 người (chỉ huy đội 02 người, cán bộ tiểu đội 03 người, cán bộ tham mưu 01 người, lái xe 03 người, lái ca nô 02 người, công dân phục vụ có thời hạn 06 người, cấp dưỡng 01 người);
Tổng quân số là 125 - 135 người (trong đó sỹ quan, hạ sỹ quan 79 - 89 người, hợp đồng 06 người, công dân phục vụ có thời hạn 46 người). Quân số hiện có của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (78 người). Như vậy cần bổ sung thêm 53 người (trong đó sỹ quan, hạ sỹ quan 24 người, hợp đồng 03 người, công dân phục vụ có thời hạn 26 người).
- Năm 2015 bổ sung quân số là 13 người;
- Năm 2016 bổ sung quân số là 20 người;
- Năm 2017 bổ sung quân số là 20 người.
1.2.2. Chức năng, nhiệm vụ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
- Nắm chắc tình hình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến trật tự ATXH, tình hình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tham mưu dự thảo chương trình, kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đề xuất Giám đốc Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện.
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo quy định; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng và các đối tượng khác trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu dân cư và các đối tượng khác có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn và tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với các cấp, các ngành, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội, đoàn thể quần chúng, các cơ quan khác thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy, hộ gia đình và công dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chính sách pháp Luật Phòng cháy và chữa cháy.
- Thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra thi công, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với các dự án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án thiết kế và thẩm định, chứng nhận điều kiện an toàn phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy theo phân cấp; giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; quản lý về phòng cháy, chữa cháy đối với các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Nghiên cứu, kiến nghị việc kết hợp các yêu cầu của chiến lược, quy hoạch về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy với các chiến lược, quy hoạch về xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
- Huấn luyện, bồi dưỡng, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng chữa cháy chuyên ngành; tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, công tác cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy; thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng ngày và các nhiệm vụ khác khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các huyện làm tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức quản lý và thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn cấp huyện theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
- Tổ chức thực hiện một số hoạt động điều tra theo Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và xử lý các vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy theo quy định; tham gia xây dựng và thực tập phương án giữ gìn an ninh, trật tự; phê duyệt các phương án chữa cháy thuộc thẩm quyền.
- Trực tiếp hoặc tham gia chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong khu vực cháy; tham gia giải quyết các vụ, việc gây rối an ninh, trật tự theo quy định; huy động lực lượng, phương tiện chi viện chữa cháy khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.
- Tham mưu xây dựng dự án, kế hoạch, kinh phí đầu tư trang bị phương tiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy của tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; triển khai công tác đầu tư trang bị và quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các đơn vị trực thuộc. Theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình trong việc mua sắm, trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; tổ chức hệ thống thông tin quản lý, chỉ huy, điều hành hoạt động phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc chức năng của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, do Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
1.3. Trang bị phương tiện cho Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Năm Căn, Sông Đốc và Đội cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Căn cứ tiêu chuẩn ngành TCN 20-21 của Bộ Công an về thiết kế công trình doanh trại Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong lực lượng Công an nhân dân, đối với Đội chữa cháy khu vực thuộc đô thị loại IV thì:
1.3.1. Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Năm Căn:
- Xe chữa cháy: | 03 chiếc; |
- Xe chỉ huy chữa cháy: | 01 chiếc; |
- Ca nô chữa cháy: | 01 chiếc; |
- Máy bơm chữa cháy: | 02 chiếc; |
Ngoài ra ,cần phải trang bị các thiết bị chữa cháy và bảo hộ cá nhân cho cán bộ, chiến sỹ, các trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ trong quá trình cứu chữa các vụ cháy và cứu nạn, cứu hộ.
1.3.2. Phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Sông Đốc:
- Xe chữa cháy: | 03 chiếc; |
- Xe chỉ huy chữa cháy: | 01 chiếc; |
- Ca nô chữa cháy: | 01 chiếc; |
- Máy bơm chữa cháy: | 02 chiếc; |
Ngoài ra, cần phải trang bị các thiết bị chữa cháy và bảo hộ cá nhân cho cán bộ, chiến sỹ, các trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ trong quá trình cứu chữa các vụ cháy và cứu nạn, cứu hộ.
1.3.3. Trang bị phương tiện cho Đội Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
- Xe cứu nạn, cứu hộ: | 01 chiếc; |
- Xe cần cẩu: | 01 chiếc; |
- Xe ủi: | 01 chiếc; |
- Xe chỉ huy cứu nạn, cứu hộ: | 01 chiếc; |
- Xe chở phương tiện cứu nạn, cứu hộ: | 01 chiếc; |
- Ca nô chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: | 01 chiếc; |
1.3.4. Xây dựng doanh trại của 02 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
- Xây dựng mới doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Năm Căn.
- Xây dựng mới doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Sông Đốc.
Căn cứ tiêu chuẩn ngành TCN 20-21 của Bộ Công an về thiết kế công trình doanh trại Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong lực lượng Công an nhân dân, đối với Đội Cảnh sát chữa cháy khu vực thuộc đô thị loại IV thì: Yêu cầu mỗi Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xây dựng mới phải có diện tích từ 5.000 - 6.000m2. Bố trí địa điểm, vị trí xây dựng đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam quy hoạch xây dựng: QCXDVN 01: 2008/BXD.
- Về quy mô xây dựng doanh trại: Xây dựng 3 tầng, diện tích xây dựng khoảng 5.000m2, các hạng mục cần xây dựng gồm: Khối nhà làm việc chỉ huy và thường trực chữa cháy, hội trường, nhà công vụ, bếp ăn tập thể, kho bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện chữa cháy, nhà để xe chữa cháy; kho phương tiện chữa cháy và phòng bảo quản mặt nạ phòng độc; nhà trực bảo vệ cơ quan, bể trữ nước chữa cháy, cầu rửa xe chữa cháy và xe chuyên dụng; tuyến tập luyện, tháp tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nhà xe 02 bánh, sân bãi phục vụ cho xe chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoạt động, hàng rào bảo vệ doanh trại...
- Về nguồn vốn đầu tư xây dựng mới doanh trại 02 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Năm Căn, Sông Đốc từ ngân sách Trung ương và địa phương cụ thể như sau: Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng: 83.820.000.000 đồng (Tám mươi ba tỷ, tám trăm hai mươi triệu đồng). Trong đó:
+ Trung ương: 64 tỷ đồng (Sáu mươi bốn tỷ đồng).
+ Địa phương: 19,820 tỷ đồng (Mười chín tỷ, tám trăm hai mươi triệu đồng).
* Đầu tư xây dựng mới doanh trại 02 Đội Cảnh sát Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: 42,120 tỷ đồng. Được phân chia như sau:
- Địa phương: Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí địa điểm, mặt bằng xây dựng doanh trại các đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo diện tích theo mô hình chung của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên toàn quốc, theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Sau khi đầu tư xây dựng xong, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ cho làm việc, dự kiến số tiền là: 2,120 tỷ đồng (có phụ lục I, II kèm theo).
- Trung ương (Bộ Công an): Đầu tư kinh phí khoảng 40 tỷ đồng xây dựng doanh trại 02 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Năm Căn, Sông Đốc. Thời gian thực hiện năm 2015-2017 (có phụ lục I, II kèm theo).
* Đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: 41,7 tỷ đồng. Trung ương 24 tỷ đồng; địa phương 17,7 tỷ đồng (theo phụ lục III, IV).
1.4. Giải pháp quy hoạch (giai đoạn 1)
1.4.1. Về nguồn nhân lực:
- Tăng chỉ tiêu chiến sỹ, lựa chọn số công dân phục vụ có thời hạn có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an nhân dân để đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ưu tiên xét chuyển chuyên nghiệp với số lượng nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu và tăng lượng cán bộ trẻ.
- Tuyển chọn những người ngoài ngành Công an có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp vào làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Tiếp nhận học viên tốt nghiệp Trường Đại học phòng cháy, chữa cháy và các Trường Đại học Công an nhân dân.
- Đưa cán bộ đào tạo đại học và đào tạo lại theo chương trình đào tạo của Trường Đại học phòng cháy, chữa cháy và các Trường Đại học Công an nhân dân, để nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy.
1.4.2. Về nguồn vốn:
Nguồn vốn đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do ngân sách Nhà nước đảm bảo (ngân sách Trung ương và địa phương).
Tổng cộng: 83,820 tỷ đồng (Tám mươi ba tỷ, tám trăm hai mươi triệu đồng). Trong đó:
+ Trung ương: 64 tỷ đồng (Sáu mươi bốn tỷ đồng).
+ Địa phương 19,820 tỷ đồng (có phụ lục I, II, III, IV kèm theo).
Riêng nguồn vốn của Trung ương khi đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; Công an tỉnh lập dự án chi tiết xây dựng 02 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Năm Căn, Sông Đốc trình Bộ Công an phê duyệt theo Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
2. Giai đoạn 2 (từ năm 2018 - 2020)
- Xây dựng Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (phát triển từ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trung tâm).
- Cải tạo nâng cấp doanh trại trụ sở làm việc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an tỉnh.
- Xây dựng một số Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thành phố Cà Mau và các huyện thuộc địa bàn trọng điểm về kinh tế - xã hội. Bố trí địa điểm, vị trí xây dựng đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam quy hoạch xây dựng: QCXDVN 01 : 2008/BXD và quy định của Bộ Công an.
- Bổ sung quân số cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
- Trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 16/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ năm 2015 đến năm 2018”.
Trên cơ sở tổng kết giai đoạn 1 năm 2015 - 2017 và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Công an tỉnh báo cáo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an xem xét quyết định từng nội dung cụ thể.
3. Giai đoạn 3 (từ năm 2021 - 2030)
Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển mạng lưới Đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng, cơ sở và phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành hoạt động có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
1. Công an tỉnh chịu trách nhiệm: Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đảm bảo về tiến độ, hiệu quả các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tập trung vào các nội dung sau:
- Trước mắt tập trung thực hiện các nội dung quy hoạch của giai đoạn 1.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các dự án sau:
+ Dự án đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh từ năm 2015 - 2018 theo Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 16/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Dự án đầu tư xây dựng doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Năm Căn.
+ Dự án đầu tư xây dựng doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Sông Đốc.
+ Dự án thành lập Đội cứu nạn, cứu hộ.
+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị để phục vụ có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.
2. Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án Quy hoạch lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình quản lý. Khi xây dựng trụ sở các cơ quan, đơn vị hoặc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải quy hoạch đầu tư hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị và bến lấy nước cho xe chữa cháy đảm bảo đáp ứng nhu cầu và các điều kiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Riêng thành phố Cà Mau tiếp tục đầu tư hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị giai đoạn II (từ năm 2015 - 2017), các đường nội ô thành phố Cà Mau được gắn trụ nước chữa cháy; đồng thời xây dựng các bến lấy nước phục vụ tiếp nước cho xe chữa cháy. Đối với thị xã Năm Căn, Sông Đốc và một số thị trấn trọng điểm đến năm 2017 được đầu tư lắp đặt xong trụ nước chữa cháy đô thị.
3. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm:
- Bố trí địa điểm để xây dựng doanh trại cho các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực; đầu tư kinh phí và xây dựng lực lượng dân phòng theo quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013; Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo thành lập các đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành làm việc theo chế độ chuyên trách tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, những cơ sở kinh tế trọng điểm của huyện, thành phố Cà Mau. Phấn đấu đến năm 2016 đạt tỷ lệ 70%, đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% cơ sở kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu kinh tế có Đội phòng cháy, chữa cháy làm việc theo chế độ chuyên trách.
- Chỉ đạo việc thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng. Phấn đấu đến năm 2016 đạt tỷ lệ 80% và đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; đến năm 2016 đạt tỷ lệ 70% và đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% đơn vị xã, phường, thị trấn có Đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng.
4. Hàng năm, căn cứ Đề án được duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí trong kế hoạch vốn trung hạn để ngân sách chủ động trong việc giao dự toán thực hiện.
Giao Sở Tài chính tổng hợp, cân đối bố trí nguồn kinh phí trình cấp thẩm quyền phê duyệt để phân bổ cho Công an tỉnh thực hiện Đề án đúng tiến độ./.
DANH MỤC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐỘI CẢNH SÁT PCCC VÀ CNCH NĂM CĂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1430/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
STT | Hạng mục | Số lượng | Năm 2015-2017 | Nguồn vốn | |
TW | Tỉnh | ||||
1 | Doanh trại đội chữa cháy khu vực | 01 | X | 20 tỷ |
|
2 | Hệ thống TTLL (01 hệ thống và 15 máy) | 01 bộ | X |
| 200 triệu |
3 | Bộ ghế làm việc (01 bàn 01 ghế) | 05 bộ | X |
| 100 triệu |
4 | Bộ bàn làm việc chỉ huy đội | 05 bộ | X |
| 200 triệu |
5 | Bàn ghế Hội trường (01 bàn 04 ghế) | 15 bộ | X |
| 200 triệu |
6 | Bàn phòng họp BCH | 01 bộ | X |
| 100 triệu |
7 | Tủ hồ sơ | 06 cái | X |
| 60 triệu |
8 | Thiết bị văn phòng | 05 bộ | X |
| 100 triệu |
9 | Dụng cụ bếp ăn tập thể | 01 bộ | X |
| 100 triệu |
Tổng cộng |
|
| 20 tỷ | 1,06 tỷ |
Ghi chú: Tổng số dự kiến 21,06 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đầu tư là 1,06 tỷ đồng (năm 2017 là 1,06 tỷ đồng).
DANH MỤC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐỘI CẢNH SÁT PCCC VÀ CNCH SÔNG ĐỐC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1430/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
STT | Hạng mục | Số lượng | Năm 2015-2017 | Nguồn vốn | |
TW | Tỉnh | ||||
1 | Doanh trại đội chữa cháy khu vực | 01 | X | 20 tỷ |
|
2 | Hệ thống TTLL (01 hệ thống và 15 máy) | 01 bộ | X |
| 200 triệu |
3 | Bộ ghế làm việc (01 bàn 01 ghế) | 05 bộ | X |
| 100 triệu |
4 | Bộ bàn làm việc chỉ huy đội | 05 bộ | X |
| 200 triệu |
5 | Bàn ghế Hội trường (01 bàn 04 ghế) | 15 bộ | X |
| 200 triệu |
6 | Bàn phòng họp BCH | 01 bộ | X |
| 100 triệu |
7 | Tủ hồ sơ | 06 cái | X |
| 60 triệu |
8 | Thiết bị văn phòng | 05 bộ | X |
| 100 triệu |
9 | Dụng cụ bếp ăn tập thể | 01 bộ | X |
| 100 triệu |
Tổng cộng | 20 tỷ | 1,06 tỷ |
Ghi chú: Tổng số dự kiến 21,06 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 20 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đầu tư là 1,06 tỷ đồng (năm 2017 là 1,06 tỷ đồng).
DANH MỤC ĐẦU TƯ TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN CHỮA CHÁY GIAI ĐOẠN I NĂM 2015 – 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1430/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
STT | Loại phương tiện | Số lượng (chiếc) | Đơn giá | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Nguồn vốn | |
TW | Tỉnh | |||||||
1 | Xe chữa cháy | 05 | 04 tỷ (chiếc) |
| 04 tỷ | 04 tỷ | 12 tỷ | 8 tỷ |
2 | Xe chỉ huy chữa cháy | 02 | 01 tỷ (chiếc) |
| 01 tỷ | 01 tỷ |
| 2 tỷ |
3 | Xe chở phương tiện chữa cháy | 01 | 500 triệu (chiếc) |
|
| 0,5 tỷ |
| 0,5 tỷ |
4 | Ca nô chữa cháy | 02 | 01 tỷ (chiếc) |
| 01 tỷ | 01 tỷ |
| 2 tỷ |
5 | Máy bơm chữa cháy | 04 | 300 triệu (máy) | 600 triệu | 300 triệu | 300 triệu |
| 1,2 tỷ |
| Tổng cộng |
| 25,7 tỷ |
|
|
| 12 tỷ | 13,7 tỷ |
Ghi chú: Tổng số dự kiến 25,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 12 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đầu tư là 13,7 tỷ đồng (Năm 2015: 600 triệu đồng; năm 2016: 6,3 tỷ đồng; năm 2017: 6,8 tỷ đồng).
DANH MỤC ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN CỨU NẠN, CỨU HỘ GIAI ĐOẠN I NĂM 2015 – 2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1430/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
STT | Loại phương tiện | Số lượng (chiếc) | Đơn giá | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Nguồn vốn | |
TW | Tỉnh | |||||||
1 | Xe cứu nạn, cứu hộ | 01 | 12 tỷ |
| 01 |
| 12 tỷ |
|
2 | Xe chỉ huy cứu nạn, cứu hộ | 01 | 01 tỷ |
|
| 01 tỷ |
| 01 tỷ |
3 | Xe ủi | 01 | 01 tỷ |
| 01 tỷ |
|
| 01 tỷ |
4 | Ca nô cứu nạn, cứu hộ | 01 | 02 tỷ |
|
| 02 tỷ |
| 02 tỷ |
| Tổng cộng |
| 16 tỷ |
|
|
| 12 tỷ | 4 tỷ |
Ghi chú: Tổng số dự kiến 16 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 12 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đầu tư 4 tỷ đồng (Năm 2016: 02 tỷ đồng; năm 2017: 02 tỷ đồng).
- 1Quyết định 75/2003/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở của các lực lượng: Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông thuộc Công an Thành phố Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 1640/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 3Kế hoạch 4934/KH-UBND năm 2013 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy do tỉnh Bến Tre ban hành
- 4Kế hoạch 790/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quyết định 1110/QĐ-TTg và 44/QĐ-TTg do tỉnh Hà Nam ban hành
- 5Kế hoạch 4274/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quyết định 1110/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, 44/2012/QĐ-TTg Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 6Quyết định 3506/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Nghệ An
- 7Nghị quyết 33/2016/NQ-HĐND Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 8Quyết định 333/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Quyết định 75/2003/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở của các lực lượng: Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông thuộc Công an Thành phố Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Luật phòng cháy và chữa cháy 2001
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004
- 5Quyết định 163/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Chỉ thị 1634/CT-TTg năm 2010 về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 1110/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng và chữa cháy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 1640/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 10Kế hoạch 4934/KH-UBND năm 2013 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy do tỉnh Bến Tre ban hành
- 11Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013
- 12Quyết định 993/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Dự án Đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ năm 2015 đến 2018 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- 14Kế hoạch 790/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quyết định 1110/QĐ-TTg và 44/QĐ-TTg do tỉnh Hà Nam ban hành
- 15Kế hoạch 4274/KH-UBND năm 2013 thực hiện Quyết định 1110/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, 44/2012/QĐ-TTg Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 16Quyết định 3506/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Nghệ An
- 17Nghị quyết 33/2016/NQ-HĐND Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 18Quyết định 333/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 1430/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu: 1430/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/09/2015
- Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
- Người ký: Dương Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra