Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2016/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 14 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG CƠ SỞ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020;

Xét tờ trình số 4847/TTr-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung:

a) Xây dựng và phát triển lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn toàn tỉnh và từng địa phương nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm tính mạng và tài sản của Nhân dân, bảo vệ tài sản quốc gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

b) Tăng cường năng lực cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ để làm nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn 1 (từ năm 2017 đến năm 2020):

Cơ bản hoàn thành việc đề xuất xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và đầu tư phương tiện, cơ sở vật chất tối thiểu cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Quy hoạch quỹ đất, tạo nguồn kinh phí cho việc xây dựng các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khảo sát nắm vững thực trạng của lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tăng cường năng lực của lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ, từng bước xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

b) Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến năm 2030):

Đầu tư xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. Phát triển mạng lưới các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Đẩy mạnh xã hội hóa và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ rộng khắp, bền vững.

II. Nội dung quy hoạch

1. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến năm 2020:

a) Về tổ chức, bộ máy, biên chế của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Hoàn thiện mô hình tổ chức Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thị xã Quảng Trị vào năm 2017; thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện Vĩnh Linh và Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện Gio Linh vào năm 2018.

Thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Quảng Trị vào năm 2020.

Căn cứ vào quy định của Bộ Công an hàng năm bổ sung quân số phù hợp với mô hình tổ chức và trang bị phương tiện;

b) Về trang bị phương tiện của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Bổ sung 03 xe chữa cháy; 02 xe cứu nạn, cứu hộ; 05 xe chở nước chữa cháy; 08 máy bơm chữa cháy; 02 ca nô chữa cháy; 02 xuồng chữa cháy.

Xây dựng trung tâm thông tin liên lạc chỉ huy điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Bổ sung thiết bị thông tin liên lạc chỉ huy điều hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

c) Về doanh trại của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

Sửa chữa, nâng cấp doanh trại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; sửa chữa, nâng cấp doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Lao Bảo.

Cấp đất và tạo nguồn kinh phí xây dựng doanh trại các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thị xã Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh, huyện Gio Linh và huyện đảo Cồn Cỏ.

Cấp đất và tạo nguồn kinh phí xây dựng doanh trại Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị;

d) Đối với lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ:

Nâng cao một bước năng lực của lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ. Phấn đấu đến năm 2018 có 70% cơ sở thuộc diện quản lý có đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, 70% đơn vị hành chính cấp xã có đội dân phòng; đến năm 2020 có 100% cơ sở thuộc diện quản lý có đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, 100% đơn vị hành chính cấp xã có đội dân phòng.

2. Giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2030:

a) Từ năm 2021 đến năm 2025:

Thành lập và xây dựng doanh trại các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các huyện còn lại là: Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, ĐaKrông (đóng quân tại các thị trấn huyện lỵ).

Từng bước xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. b) Từ năm 2026 đến năm 2030:

Thành lập các trạm Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vệ tinh, đóng quân tại các thị trấn còn lại đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

III. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về tài chính:

a) Tập trung nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng doanh trại Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh và các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực. Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tối thiểu. Huy động kinh phí từ nguồn kinh phí của Bộ Công an về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chương trình, mục tiêu quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống tội phạm và ma túy, nguồn thu trích lại từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn hỗ trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân;

b) Nguồn vốn của Bộ Công an chiếm tỷ lệ chủ yếu khoảng (80% - 90%), đầu tư xây dựng doanh trại các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ yếu;

c) Nguồn vốn ngân sách tỉnh tỷ lệ đối ứng phù hợp (khoảng 10% - 20%), chủ yếu phục vụ giải phóng mặt bằng để xây dựng các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường năng lực cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ, mua sắm, trang bị một số phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết;

d) Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2) Giải pháp về phát triển quỹ đất:

a) Khảo sát thực địa, đề xuất quy hoạch quỹ đất xây dựng các doanh trại Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo tổ chức lãnh thổ đô thị một cách phù hợp;

b) Tại thành phố Đông Hà, quy hoạch quỹ đất tối thiểu 30.000 m2 để xây dựng doanh trại Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy là đơn vị tương đương cấp sở với quy mô phát triển đến 300 cán bộ chiến sỹ;

c) Tại thị xã Quảng Trị và các thị trấn huyện lỵ, các huyện còn lại quy hoạch quỹ đất tối thiểu 10.000 m2 để xây dựng các Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với quy mô phát triển đến 50 cán bộ chiến sỹ;

d) Tại huyện đảo Cồn Cỏ và các thị trấn khác không phải là thị trấn huyện lỵ, quy hoạch quỹ đất tối thiểu 5000 m2 để xây dựng các trạm Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vệ tinh, quy mô phát triển đến 25 cán bộ chiến sỹ.

3. Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực:

a) Đối với nguồn nhân lực hiện có cần bố trí hợp lý, phát huy năng lực, sở trường của từng cán bộ chiến sỹ, bố trí công việc đúng chuyên ngành đào tạo, kết hợp luân chuyển hợp lý đúng quy định để đạt mục tiêu cán bộ chiến sỹ giỏi một việc, biết nhiều việc;

b) Hàng năm tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo ở các trường Công an nhân dân về bổ sung cho đơn vị, đặc biệt là kỹ sư an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

c) Đề xuất tuyển dụng người đào tạo ngành ngoài Công an nhân dân tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin, cơ khí nhằm đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng.;

d) Thường xuyên cử cán bộ chiến sỹ tham gia các lớp huấn luyện nghiệp vụ, tập huấn chuyên đề phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và pháp luật nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

đ) Tạo điều kiện để cán bộ chiến sỹ đi học, nghiên cứu, tham quan thực địa nâng cao trình độ trong và ngoài nước.

e) Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức các hội thi, hội thao chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn;

g) Quan tâm xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại để làm tốt công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Có đủ khả năng cứu chữa các vụ cháy lớn, phức tạp, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn thường ngày và làm nòng cốt trong phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

h. Bổ sung biên chế cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định của Bộ Công an.

4. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ:

a) Trang bị phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, kết nối với cơ sở dữ liệu phòng cháy và chữa cháy của các cơ sở trọng điểm nguy hiểm cháy, nổ;

b) Ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước được các trung tâm nghiên cứu và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyển giao;

c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hồ sơ, tiếp nhận và chuyển văn bản, công tác xây dựng phương án, chỉ huy chữa cháy. Nghiên cứu sớm xây dựng và đưa Trung tâm chỉ huy, điều hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào hoạt động;

d) Hoàn thiện hệ thống cảnh báo, phát hiện cháy sớm, sử dụng đường truyền Internet (trước mắt nghiên cứu áp dụng đối với các cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy, nổ cao);

đ) Tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng khoa học vào thực tiễn công tác;

e) Khuyến khích những sáng kiến, cải tiến mang tính khoa học, có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, khắc phục kịp thời những bất cập trong quản lý phương tiện.

5. Giải pháp bảo vệ môi trường:

a) Kiểm soát, hạn chế, dần loại bỏ các chất chữa cháy nguy hại đến môi trường như CO2, Halon (CFC); tiến đến thay thế và sử dụng hoàn toàn chất chữa cháy thân thiện với môi trường;

b) Áp dụng công nghệ mới trong công tác chữa cháy, tiết kiệm chất chữa cháy; chữa cháy nhanh, hiệu quả, hạn chế khói khí độc phát sinh, ảnh hưởng đến môi trường và cán bộ chiến sỹ trực tiếp tham gia chữa cháy;

c) Giảm thiểu, chú trọng việc xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các doanh trại lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

d) Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan điều tra, tổ chức khám nghiệm nhanh chóng hiện trường các vụ cháy, nổ để khẩn trương giải phóng hiện trường, làm sạch môi trường do các vụ cháy, nổ gây ra;

đ) Qua công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy, nắm vững tình hình hoạt động của các cơ quan doanh nghiệp có sử dụng chất dễ cháy, nổ, độc hại có thể gây ảnh hưởng môi trường để phối hợp với cơ quan chức năng quản lý tốt theo đúng quy định pháp luật.

6. Giải pháp về nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ:

a) Khảo sát đánh giá chính xác thực trạng và năng lực của lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ, xây dựng lộ trình cụ thể từng bước nâng cao năng lực của lực lượng, trang bị phương tiện cần thiết, có chế độ chính sách thỏa đáng theo phương châm công tác phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ;

b) Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc quyết định thành lập, duy trì hoạt động và nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ;

c) Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chịu trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, huấn luyện nghiệp vụ, quản lý nghiệp vụ đối với lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ.

7. Giải pháp về nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Đẩy mạnh việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa Luật phòng cháy và chữa cháy tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Từng bước nâng cao ý thức, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cán bộ, công nhân, viên chức và Nhân dân mà trước hết là đối với người đứng đầu cơ quan;

c) Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo ra phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong tình hình mới;

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy, xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy.

IV. Kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020

Dự kiến kinh phí đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020 là: 218.200.000.000đ (Hai trăm mười tám tỷ, hai trăm triệu đồng), (có Phụ lục chi tiết kèm theo) trong đó:

Kinh phí của tỉnh Quảng Trị là: 29.850.000.000đ (Hai mươi chín tỷ, tám trăm năm mươi triệu đồng).

Kinh phí đề nghị Bộ Công an cấp là: 188.350.000.000đ (Một trăm tám mươi tám tỷ, ba trăm năm mươi triệu đồng).

Điều 2. Giao UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết;

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện Nghị quyết;

Nghị quyết này được HĐND tỉnh Quảng Trị, Khóa VII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2016 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

Đơn vị tính: đồng

Số TT

Tên dự án

Dự kiến vốn thực hiện

Nguồn ngân sách địa phương (UBND tỉnh Quảng Trị cấp)

Nguồn ngân sách trung ương (Bộ Công an cấp)

Tổng cộng

 

Nguồn vốn

29.850.000.000

188.350.000.000

218.200.000.000

1

Xây dựng doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thị xã Quảng Trị (năm 2017)

3.000.000.000

20.500.000.000

23.500.000.000

2

Xây dựng doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện Vĩnh Linh (năm 2018)

1.650.000.000

20.350.000.000

22.000.000.000

3

Xây dựng doanh trại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện Gio Linh (năm 2018)

1.650.000.000

20.350.000.000

22.000.000.000

4

Xây dựng doanh trại Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Quảng Trị (năm 2020)

14.550.000.000

87.950.000.000

102.500.000.000

5

Trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (2017 - 2020)

4.000.000.000

39.200.000.000

43.200.000.000

6

Tăng cường năng lực cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành (2017 - 2020)

5.000.000.000

0

5.000.000.000

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 33/2016/NQ-HĐND Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 33/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Văn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản