Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1420/2006/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 24 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

“VỀ VIỆC BAN HÀNH QUI CHẾ PHỐI HỢP TỔ CHỨC QUẢN LÝ VẬN TẢI QUỐC TẾ ĐƯỜNG BỘ TUYẾN QUẢNG NINH (VIỆT NAM) – QUẢNG TÂY (TRUNG QUỐC) QUA CẶP CỦA KHẨU MÓNG CÁI - ĐÔNG HƯNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ký ngày 22/11/1994;

- Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại tờ trình số 745/GTVT-TTr ngày 24/4/2006.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Qui chế phối hợp tổ chức quản lý vận tải quốc tế đường bộ tuyến Quảng Ninh (Việt Nam) – Quảng Tây (Trung Quốc) qua cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng”.

Điều 2: Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân Tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hạ Long; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thị xã Móng Cái, Thủ trưởng các ngành: Giao thông vận tải, Y tế, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hải quan tỉnh và các doanh nghiệp tham gia vận tải quốc tế có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- CT, P1, P2, P3.UBND tỉnh.
- Như điều 2.
- V0,V1, V2, V3, GTBĐ, TH1.
- Lưu: GTBĐ, VP/UB.
H20-QĐ18

T/ M UBND TỈNH QUẢNG NINH
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quang Hưng

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

TỔ CHỨC QUẢN LÝ VẬN TẢI QUỐC TẾ ĐƯỜNG BỘ TUYẾN QUẢNG NINH (VIỆT NAM) - QUẢNG TÂY (TRUNG QUỐC) QUA CẶP CỬA KHẨU MÓNG CÁI - ĐÔNG HƯNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số1420/2006/QĐ-UBND ngày 24/5/2006 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

1. Các ngành, địa phương và các doanh nghiệp có liên quan đến việc tổ chức quản lý, hoạt động vận tải quốc tế đường bộ tuyến Quảng Ninh (Việt Nam) – Quảng Tây (Trung Quốc) qua cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng đều phải hoạt động theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và những điều quy định tại quy chế này.

2. Các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu Móng Cái phối hợp thực hiện nhiệm vụ và chỉ thực hiện kiểm tra, kiểm soát một lần; thu phí, lệ phí đối với người, phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hoá xuất nhập khẩu theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Phương tiện vận tải đường bộ của hai bên, khi qua cửa khẩu vào lãnh thổ của nước bên kia, phải tuân thủ pháp luật và quy định về vận tải đường bộ của nước đó.

4. Tuyến vận tải - Bến xe ôtô khách quốc tế:

a. Tuyến vận tải khách (gồm cả khách du lịch):

- Tuyến Tiên Yên – Quảng Ninh (Việt Nam) đi Phòng Thành – Quảng Tây (Trung Quốc) và ngược lại

- Tuyến Hạ Long - Quảng Ninh (Việt Nam) đi Nam Ninh - Quảng Tây (Trung Quốc) và ngược lại

- Tuyến Hạ Long - Quảng Ninh (Việt Nam) đi Bắc Hải - Quảng Tây (Trung Quốc) và ngược lại.

- Tuyến Hạ Long - Quảng Ninh (Việt Nam) đi Quế Lâm - Quảng Tây (Trung Quốc) và ngược lại.

b. Bến xe ôtô đón, trả khách khách:

- Tại Quảng Ninh (Việt Nam):

+ Bến xe khách Tiên Yên – Huyện Tiên Yên

+ Bến xe khách quốc tế Hồng Gai - Thành phố Hạ Long.

- Tại Quảng Tây (Trung Quốc):

+ Bến xe khách Phòng Thành - thành phố Phòng Thành.

+ Bến xe khách Nam Ninh – thành phố Nam Ninh

+ Bến xe khách Bắc Hải - thành phố Bắc Hải.

+ Bến xe khách Quế Lâm – thành phố Quế Lâm

5. Phương tiện vận tải hành khách:

Phương tiện vận tải hành khách là ôtô có từ 4 chỗ ngồi trở lên (không kể ghế của lái xe) để chở hành khách.

6. Giấy phép vận chuyển – phù hiệu phân biệt phương tiện:

- Giấy phép vận chuyển quốc tế gọi tắt là “Giấy phép vận chuyển” do mỗi bên tự in ấn và đóng dấu của Bộ Giao thông vận tải nước mình mới tiến hành trao đổi.

- Phù hiệu phân biệt phương tiện vận chuyển quốc tế (gọi tắt là phù hiệu phân biệt):

+ Bên Việt Nam ký hiệu “VMT”, cơ quan đóng dấu và cấp phát là Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh.

+ Bên Trung Quốc ký hiệu “CMT”, cơ quan đóng dấu và cấp phát là Trạm quản lý vận tải giao thông cửa khẩu Đông Hưng.

Phù hiệu phân biệt phải được treo hoặc dán tại kính chắn gió bên phải phương tiện.

7. Thu phí.

Phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu phải nộp các loại phí cửa khẩu theo quy định của mỗi nước

II - QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ.

1. Sở Giao thông vận tải:

a. Về việc quản lý và cấp Giấy phép vận chuyển – Phù hiệu phân biệt:

- Sau khi trao đổi “Giấy phép vận chuyển”, cơ quan đóng dấu và cấp giấy phép vận chuyển phía Việt Nam là Sở giao thông vận tải, cơ quan đóng dấu và cấp giấy phép vận chuyển phía Trung Quốc là Phòng Quản lý vận tải ôtô xuất nhập cảnh Ty Giao thông Quảng Tây.

- Vận chuyển hành khách đối với phương tiện Việt Nam dựa theo Giấy phép vận chuyển loại A hoặc loại B, phù hiệu phân biệt “VMT” và lệnh xuất bến.Vận chuyển hành khách đối với phương tiện Trung Quốc dựa theo Giấy phép vận chuyển loại A hoặc loại B, phù hiệu phân biệt “CMT” và lộ đơn khách vận.

- Vận chuyển hàng hoá đối với phương tiện Việt Nam dựa theo Giấy phép vận chuyển loại C và phù hiệu phân biệt “VMT”. Vận chuyển hàng hoá đối với phương tiện Trung Quốc dựa theo Giấy phép vận chuyển loại C và phù hiệu phân biệt “CMT”.

- Khi phương tiện vận tải của hai bên qua cửa khẩu vào lãnh thổ của nước bên kia, phải phục tùng sự kiểm tra của trạm quản lý vận tải quá cảnh đường bộ đối với “Giấy phép vận chuyển”, “Phù hiệu phân biệt”, “Lệnh xuất bến”, “Lộ đơn khách vận”.

- Phương tiện của hai bên qua cửa khẩu (đã được kiểm tra) chỉ được đón, trả khách tại của bến xe nước bên kia đã được hai bên thống nhất; xe không được đón trả khách dọc đường, đi đúng tuyến đường, địa bàn quy định, việc chuyển tải hành khách theo nhu cầu xe của nước sở tại sẽ chịu trách nhiệm.

- Khi phương tiện vận tải phát sinh tai nạn giao thông tại nước nào thì xử lý theo pháp luật của nước đó. Sở Giao thông nơi xẩy ra tai nạn phải kịp thời thực thi công tác cứu hộ, hỗ trợ và thông báo ngay cho cơ quan quản lý, chủ phương tiện có xe bị tai nạn. Chi phí phát sinh do chủ phương tiện phải chịu toàn bộ.

b. Thủ tục kiểm tra - địa điểm kiểm tra và cấp giấy phép cho phương tiện:

- Đối với phương tiện Việt Nam:

Trước khi cấp Giấy phép vận chuyển, phù hiệu phân biệt “VMT”, Trạm Quản lý vận tải quá cảnh đường bộ Việt -Trung thuộc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh có trách nhiệm kiểm tra thủ tục vận tải đối với phương tiện:

+ Giấy chứng nhận đăng ký sở hữu phương tiện.

+ Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

+ Giấy phép lái xe.

+ Giấy chứng nhận đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

- Kiểm tra phương tiện Trung Quốc: Giấy phép vận chuyển, phù hiệu phân biệt “CMT” và lộ đơn khách vận (đối với xe khách).

- Địa điểm kiểm tra và cấp giấy phép cho phương tiện: Tại trụ sở của Trạm Quản lý vận tải quá cảnh đường bộ Việt –Trung.

c. Về việc thu phí:

- Phương tiện hoạt động khi thông qua các đoạn cầu đường có trạm thu phí phải nộp phí theo quy định của nước đó

- Các loại phí dịch vụ hoặc phí đỗ xe, phí ghế xe qua bến, phí bán vé (nếu bến bán vé) đối với phương tiện phải thực hiện theo quy định của mỗi nước

- Giá cước vận tải hàng hoá do chủ xe và chủ hàng thoả thuận, giá cước vận tải hành khách do các đơn vị vận tải có liên quan bàn bạc thống nhất sau đó báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt

d. Quy định về mẫu vé hành khách:

Mẫu vé được làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền mỗi nước và được in bằng hai thứ tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc.

2. Uỷ ban Nhân dân thị xã Móng Cái:

Chỉ đạo Ban quản lý cửa khẩu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đôn đốc, giám sát sự phối hợp hoạt động của các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu Móng Cái theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Uỷ ban Nhân dân thành phố Hạ Long:

Chỉ đạo các ngành, lực lượng trực thuộc đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường theo phân cấp quản lý và Bến xe khách quốc tế Hồng Gai.

4. Công an tỉnh:

Xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến vận tải; tại các bến xe; kiểm tra, xử lý các phương tiện có dấu hiệu vi phạm Luật giao thông đường bộ, các trường hợp vận chuyển người nước ngoài nhập cảnh trái phép, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm; đón, trả hành khách và hàng hoá sai quy định và các vi phạm pháp luật khác. Chủ trì giải quyết các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến phương tiện nước ngoài theo quy định của pháp luật và đảm bảo yêu cầu đối ngoại; tham gia cùng Sở Giao thông vận tải trong việc cứu hộ, cứu nạn đối với người và phương tiện khi có sự cố trên đường.

5. Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh làm thủ tục xuất, nhập cảnh:

a. Đối với hành khách:

- Danh sách hành khách đi trên phương tiện

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hợp lệ (có thị thực kèm theo, trừ những loại hộ chiếu đã được ký bãi miễn).

- Giấy thông hành xuất, nhập cảnh kèm theo giấy phép xuất nhập cảnh do Công an tỉnh cấp hoặc kèm theo thẻ du lịch do A18 (Bộ Công an) cấp.

- Đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh vào hộ chiếu, giấy tờ cho hành khách theo quy định.

b. Đối với lái xe và phụ xe:

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hợp lệ (có thị thực kèm theo, trừ những loại hộ chiếu đã được ký bãi miễn).

- Giấy phép lái xe (phù hợp với loại xe đang điều khiển)

- Trường hợp lái xe và phụ xe thường xuyên qua lại cửa khẩu (xe được cấp Giấy phép vận chuyển loại A định kỳ một năm), việc đóng dấu kiểm chứng vào hộ chiếu, giấy thông hành khi xuất, nhập cảnh thực hiện một tháng đóng dấu một lần vào ngày đầu của tháng trên cơ sở danh sách do các doanh nghiệp vận tải lập, được Sở Giao thông vận tải chấp thuận và cung cấp cho bộ đội Biên phòng.

c. Đối với phương tiện:

- Giấy phép vận chuyển, phù hiệu vận tải quốc tế Việt - Trung.

- Lệnh xuất bến (đối với xe Việt Nam), lộ đơn khách vận (đối với xe Trung Quốc)

- Giấy phép xuất nhập cảnh do Biên phòng cửa khẩu hai bên cấp cho phương tiện.

6. Lực lượng Hải quan:

- Thực hiện thủ tục hải quan đối với hành khách xuất nhập cảnh:

+ Xác nhận việc khai báo trên tờ khai xuất nhập cảnh đối với hành khách xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu. Làm thủ tục hải quan với hành lý, hàng hoá, ngoại tệ vượt quá tiêu chuẩn hoặc quy định phải khai báo.

+ Kiểm tra giám sát hành lý, hàng hoá của hành khách, lái phụ xe xuất nhập cảnh.

- Thực hiện thủ tục hải quan đối với phương tiện xuất nhập cảnh:

+ Đăng ký tờ khai hải quan cho phương tiện xuất nhập cảnh.

+ Kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh trong thời gian lưu tại khu vực cửa khẩu.

+ Kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh cho đến khi xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

7. Các lực lượng kiểm dịch:

- Thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh đối với hành khách:

+ Thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát y tế theo quy định

+ Kiểm tra và cấp sổ theo dõi sức khoẻ cho các đối tượng đi lại, học tập và công tác thường xuyên.

+ Thực hiện cấp các thủ tục kiểm dịch.

- Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh:

+ Thực hiện chức năng kiểm dịch hàng hoá nhập khẩu, phương tiện nhập cảnh theo đúng chức năng và quy định hiện hành.

+ Đối với hàng hoá xuất khẩu, phương tiện xuất cảnh tiến hành kiểm dịch khi có yêu cầu của khách hàng hoặc theo các điều ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

+ Tính phí kiểm dịch theo quy định.

8. Doanh nghiệp tham gia vận tải quốc tế Việt - Trung:

- Căn cứ Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định thư của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Trung Quốc thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa số 258/1998/TT-BGTVT ngày 18/8/1998 của Bộ Giao thông vận tải quy định:

Các doanh nghiệp vận tải tham gia vận tải quốc tế Việt - Trung phải là các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Công ty, Luật Hợp tác xã, Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam) có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép được tham gia vận tải quốc tế Việt - Trung.

- Doanh nghiệp vận tải tham gia vận tải quốc tế phải làm hồ sơ cấp phép vận tải ôtô quốc tế theo quy định và lập danh sách phương tiện: đăng ký xe, mác kiểu xe và trọng lượng thiết kế (tự trọng xe và sức chở) báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận, căn cứ chấp thuận, Sở Giao thông vận tải thông báo cho lực lượng có liên quan tại cửa khẩu.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Giao thông vận tải.

Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ và quy chế phối hợp này. Tổ chức quản lý vận tải chuyên ngành theo quy dịnh hiện hành.

2. Uỷ ban Nhân dân thị xã Móng Cái.

Chỉ đạo Ban quản lý cửa khẩu việc đôn đốc và giám sát sự phối hợp của các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và quy chế phối hợp.

3. Các ngành, địa phương có liên quan phối hợp với Sở giao thông vận tải triển khai thực hiện tuyến vận tải quốc tế Hạ Long - Quảng Ninh đi Nam Ninh, Bắc Hải, Quế Lâm - Quảng Tây (Trung Quốc) và ngược lại đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại nhanh chóng, thuận tiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề chưa hợp lý, các bên sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1420/2006/QĐ-UBND ban hành quy chế phối hợp tổ chức quản lý vận tải quốc tế đường bộ tuyến Quảng Ninh (Việt Nam)-Quảng Tây (Trung Quốc) qua cặp cửa khẩu Móng Cái- Đông Hưng do tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 1420/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/05/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Quang Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản