Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1340/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 05 tháng 6 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG SẢN HÀNG HÓA CHỦ LỰC THEO CHUỖI GIÁ TRỊ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM” GIAI ĐOẠN 2018-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/5/2015 của Quốc hội;

Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 1764/UBND-NNTN ngày 30/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chủ trương xây dựng Đề án sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tờ trình số 286/TTr-SNN ngày 25 tháng 5 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện quan tổ chức thực hiện Chương trình;

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố, các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ NN&PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Báo Hòa Bình;
- Đài PT&TH tỉnh;
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN (BD32b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dũng

 

ĐỀ ÁN

“PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG SẢN HÀNG HÓA CHỦ LỰC THEO CHUỖI GIÁ TRỊ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM” GIAI ĐOẠN 2018-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số : 1340/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)

Phần I

CĂN CỨ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư ngày 21/10/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Nghị Quyết số 43/2017/QH14 của Quốc Hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030;

Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020;

Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025;

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày 27/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc";

Quyết định số 4781/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Số tay hướng dẫn phát triển sản xuất trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Nghị quyết số 51/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện một số nội dung xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Tình hình chung về sản xuất nông nghiệp

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2010-2016 đạt 4,51%, trong đó: Trồng trọt đạt 3,93%/năm, chăn nuôi đạt 6,65%/năm và dịch vụ nông nghiệp đạt 3,97%/năm.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2010- 2016 đạt 6,81%/năm, trong đó khai thác thủy sản đạt 2,31%/năm; nuôi trồng thủy sản đạt 8,64% và dịch vụ thủy sản đạt 3,28%. Tốc độ phát triển sản xuất ngành nuôi trồng thủy sản đạt tăng trưởng khá cao, bước đầu đã phát huy được lợi thế, tiềm năng nuôi cá lồng vùng hồ sông Đà.

a) Sản xuất cây lương thực có hạt

Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt toàn tỉnh năm 2016 là 77,91 nghìn ha, trong đó: Lúa 39,91 nghìn ha, ngô là 38 nghìn ha. Tổng sản lượng đạt 377,89 nghìn tấn, trong đó lúa là 214,96 nghìn tấn, ngô là 162, 93 nghìn tấn. Sản lượng lương thực có hạt bình quân đầu người là 455kg, trong đó thóc là 259kg, chiếm 56,88% lương thực bình quân đầu người

b) Sản xuất cây rau, đậu, hoa cây cảnh các loại

Diện tích cây rau, đậu, cây cảnh các loại năm 2016 duy trì ở mức 12.000 ha. Trong đó nhóm rau các loại chiếm 89,98% tổng diện tích, nhóm đậu chiếm 9,7% và nhóm hoa, cây cảnh chiếm 0,45%. Diện tích rau các loại đạt 11.506 ha, sản lượng đạt 57.442 tấn, rau lấy lá chiếm 43,78 %, rau lấy quả chiếm 40,22%, rau lấy củ, rễ chiếm 10,22% tổng sản lượng rau

c) Sản xuất cây gia vị, dược liệu hàng năm

Diện tích sản xuất cây gia vị, dược liệu năm 2016 đạt 2.067 ha, trong đó diện tích trồng dược liệu nhiều tập trung một số huyện như: Lương Sơn là 601 ha, Kim Bôi là 325 ha, Kỳ Sơn là 217 ha và thành phố Hòa Bình là 536 ha

d) Sản xuất cây có múi

Trong thời gian qua cây có múi trở thành cây thế mạnh và lợi thế của tỉnh Hòa Bình, đã hình thành được những vùng sản xuất tập trung, mang tính vùng miền như: Cam Cao Phong, Bưởi Tân Lạc, Lương Sơn, đáng phát triển ra các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy...Trong đó cây Cam vẫn là cây chủ lực của tỉnh chiếm 42 % cơ cấu cây có múi, diện tích năm 2016 đạt 2.474 ha, sản lượng 14.236 tấn.

e) Chăn nuôi gia súc, gia cầm

- Quy mô đàn trâu của tỉnh giai đoạn 2010-2016 giảm nhẹ từ 113.408 con năm 2010 xuống còn 109.800 con (trung bình giảm -0,54%năm), sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tăng từ 2.295 tấn năm 2010 lên 2.380 tấn năm 2016.

- Quy mô đàn bò của tỉnh giai đoạn 2010-2016 giảm từ 72.851 con năm 2010 xuống còn 63.338 con năm 2016 (trung bình giảm từ -2,31%/năm), sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng từ 2.083 tấn năm 2010 lên 2.704 tấn năm 2016.

- Quy mô đàn lợn của tỉnh tăng mức trung bình qua các năm, tăng từ 45.098 nghìn con năm 2010 lên 47.871 nghìn con năm 2016 (trung bình tăng 1,0%năm), sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng từ 27,41 nghìn tấn năm 2010 lên 32,08 nghìn tấn năm 2016 (trung bình tăng 2,65%/năm)

- Quy mô đàn gia cầm của tỉnh tăng ở mức trung bình, tăng từ 3.882 nghìn con năm 2010 lên 4.920 nghìn con năm 2016 (trung bình tăng 3,08%/năm), sản lượng thịt gia cầm giết bán đã tăng từ 5.423 tấn năm 2010 lên 13.260 tấn năm 2016 (trung bình tăng 16 %/năm), sản lượng trứng gia cầm các loại tăng từ 23.431 nghìn quả năm 2010 lên 45.720 nghìn quả năm 2016 (trung bình tăng 11,79%/năm)

- Quy mô đàn Dê của tỉnh tăng mức trung bình, tăng từ 26.795 con năm 2010 lên 35.571 con năm 2016 (trung bình tăng 4,84%/năm), sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2016 đạt 205 tấn.

f) Nuôi trồng thủy sản

Trong thời gian qua nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã phát huy được thế mạnh và nâng cao được giá trị sản phẩm, từ 43,8 triệu đồng/ha năm 2010 lên 72,8 triệu đồng/ha năm 2016, đã hình thành được một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như: TP Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Cao Phong, Mai Châu, Lạc Sơn...đặc biệt nuôi cá lồng được đầu tư đúng mức và đồng bộ. Diện tích nuôi thủy sản tăng từ 2.162 ha năm 2010 lên 2.236 ha năm 2016, sản lượng tăng từ 4.541 tấn năm 2010 lên 6.229 tấn năm 2016, tổng số lồng cá tăng từ 2.317 lồng lên 3.850 lồng năm 2016. Cơ cấu sản lượng cá khai thác chiếm 24,84% và sản lượng nuôi chiếm 75,16% tổng sản lượng thủy sản (nuôi cá lồng chiếm 35,76%) sản lượng nuôi.

2. Thực trạng về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh

- Nhu cầu thực phẩm tiêu dùng hàng ngày trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là khá lớn, với dân số hiện nay trên 83 vạn dân, nhu cầu về tiêu dùng gạo trên 121 nghìn tấn/năm, nhu cầu về tiêu dùng rau trên 91 nghìn tấn/năm, nhu cầu về tiêu dùng quả các loại trên 61 nghìn tấn/năm, nhu cầu về tiêu dùng thịt các loại, cá, trứng trên 61 nghìn tấn/năm. Theo số liệu thống kê khả năng đáp ứng nhu cầu về thực phẩm như sau: sản phẩm gạo sản xuất hàng năm đạt 199 nghìn tấn/năm; rau, củ các loại đạt 157 nghìn tấn/năm; quả các loại đạt trên 90 nghìn tấn/năm, riêng sản lượng quả có múi chiếm gần 80 nghìn tấn/năm; sản phẩm thịt, cá, trứng có năng suất trên 50 nghìn tấn/năm. Nếu so với nhu cầu tiêu dùng trong nội tỉnh thì các sản phẩm gạo, rau và quả đều dư thừa và chỉ thiếu nhu cầu về thịt, cá và trứng cần nhập từ tỉnh ngoài.

- Qua thống kê các sản phẩm nông sản được chứng nhận an toàn và được kiểm soát (cá sông Đà, rau hữu cơ...) chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận do giá cả khá cao so với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; nguồn thực phẩm từ thịt tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ nguồn chăn nuôi hộ nhỏ lẻ và nhập về từ các tỉnh bạn. Mặt khác, do nhu cầu thực phẩm hàng ngày tăng cao trên địa bàn nên các tiểu thương đã nhập thực phẩm ở các tỉnh bạn như: Phú Thọ, Hà Nội, Hà Nam....về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng số thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, giá cả thì tương đối phù hợp với người tiêu dùng, còn về chất lượng thì tất cả sản phẩm đều không có tem nhãn nhận diện sản phẩm, do đó cũng rất khó kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

3. Kết quả xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm

- Qua việc triển khai một số chương trình nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm có lợi thế: Chương trình Tuần lễ cam Cao Phong - Hòa Bình; Lễ hội Cam Cao Phong... các hoạt động tiêu thụ đã góp phần tích cực trong việc kêu gọi được một số doanh nghiệp lớn tham gia: Hệ thống siêu thị BigC, hệ thống siêu thị Fivimart, hệ thống siêu thị Coopmart. Đã giới thiệu cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất của tỉnh tham gia các Hội chợ, phiên chợ tại Hà Nội: Phiên chợ nông sản, thực phẩm an toàn; Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt; Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Bắc Bộ...; hình thành được một số cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh: Cửa hàng thực phẩm sạch tại Thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc và Lạc Thủy, cửa hàng rau hữu cơ Lương Sơn tại thị trấn Lương Sơn; các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh (Cam, Bưởi, cá sông Đà, rau su su...) đã dần được người tiêu dùng biết đến và tiếp cận được với các thị trường ngoại tỉnh, góp phần vào việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản của người sản xuất, kinh doanh.

- Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn thiếu đồng nhất, quy mô và số lượng, sản phẩm hàng hóa còn ít, sản phẩm có tem nhãn để chứng nhận nguồn gốc mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, do vậy việc truy suất nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nông sản khó khăn; các liên kết hợp đồng tiêu thụ không có sự ràng buộc giữa người sản xuất và kinh doanh do vậy khó giữ được vùng nguyên liệu ổn định khi giá cả thị trường biến động; các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chưa được hưởng nhiều chính sách của nhà nước, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, với số lượng ít; các doanh nghiệp tiêu thụ chưa mạnh dạn tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm, và là hạt nhân chính trong việc tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

- Việc chứng nhận sản phẩm an toàn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế: Diện tích sản xuất rau được chứng nhận VietGAP, ATTP là 37 ha; diện tích quả là 500 ha; chăn nuôi là 02 trang trại (sản lượng 150 tấn/năm) và nuôi trồng thủy sản là 477 lồng cá..

4. Thực trạng vi phạm về an toàn thực phẩm và triển khai chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua

a) Thực trạng về Quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2017

- Đối với sản phẩm rau, quả tươi sống: Tiến hành lấy 411 mẫu rau, củ, quả để kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm định: 13 mẫu rau không đảm bảo an toàn thực phẩm (10 mẫu rau có chỉ tiêu Coliform vượt giới hạn cho phép, 01 mẫu tồn dư kim loại nặng chì quá giới hạn cho phép, 02 mẫu có hàm lượng cadimi vượt giới hạn tối đa cho phép), chiếm 3,16%, chưa phát hiện mẫu rau, củ, quả vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

- Đối với sản phẩm thịt và chế biến từ thịt: Tiến hành lấy 291 mẫu thịt (lợn,gà) để kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm, kết quả kiểm định: 24 mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm (02 mẫu có chứa kháng sinh cấm Chloramphenicol, 08 mẫu tồn dư kháng sinh Sulfadimidine vượt giới hạn cho phép, 14 mẫu vi phạm vi sinh), chiếm 8,2 %. Lấy 116 mẫu sản phẩm chế biến từ thịt (giò, chả, xúc xích) kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm, kết quả kiểm định: 32 mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm, chiếm 27,5% (20 mẫu chứa chất cấm hàn the, 12 mẫu chứa chất bảo quản nhóm Benzoat).

- Đối với sản phẩm thủy sản: Tiến hành lấy 100 mẫu cá tươi để kiểm định các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, kết quả: 08 mẫu chứa kháng sinh cấm Enrofloxacine, chiếm 8,0%.

- Về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính: Trong thời gian qua, đã thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được 3.793 lượt cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, bảo quản, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 77 vụ, với số tiền phạt là 119.650.000 đồng. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản vi phạm về an toàn thực phẩm qua các năm, cụ thể như sau: 9,18% năm 2011, 32,81% năm 2013, 24,44 % năm 2014, 19,6% năm 2015, 30,77% năm 2016, 18,8 % năm 2017.

b) Việc triển khai chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua

- Nhìn chung, việc triển khai thí điểm các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua, bước đầu đã mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao hơn so với trước khi tham gia chuỗi, đã tạo ra một số liên kết trong chuỗi từ khâu sản xuất, đến sơ chế, chế biến và kinh doanh, phân phối sản phẩm; các cơ sở tham gia chuỗi đều áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản dần được nâng cao, các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đã được tuân thủ.

- Bên cạnh nhũng kết quả đã đạt được thì việc triển khai các chuỗi liên kết sản xuất đã bộc lộ những mặt còn hạn chế trong quá trình thực hiện, đó là: Việc tổ chức sản xuất của các hộ tham gia với quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ; các nội dung đầu tư chưa được tập trung, trọng điểm; mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư cho quá trình sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản), chưa đầu tư cho các hạng mục về cơ sở hạ tầng (nhà sơ chế, khu giết mổ gia súc, gia cầm); các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết mới chỉ cung cấp ra thị trường các sản phẩm ở dạng thô, chưa qua sơ chế, do thiếu cơ sở hạ tầng và dụng cụ sơ chế, giết mổ; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn gặp khó khăn, do các cơ sở chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sử dụng tem truy xuất điện tử dán trên sản phẩm để cung cấp thông tin cho khách hàng; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn yếu, sản phẩm trong chuỗi chưa được nhiều tổ chức và cá nhân biết đến; lượng sản phẩm tiêu thụ ra thị trường còn thấp, do người dân và các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể chưa biết đến, cũng như chưa quan tâm đến sản phẩm trong chuỗi liên kết, do vậy không kích thích được cho việc duy trì cũng như mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm của các cơ sở tham gia chuỗi, từ đó dẫn đến việc liên kết giữa các hộ sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thiếu tính ổn định và bền vững, nguy cơ đứt chuỗi liên kết là rất cao.

5. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

a) Tồn tại, hạn chế

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm còn cao và diễn biến phức tạp; tỷ lệ mẫu nông lâm thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm có giảm nhưng khó bền vững, nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản vẫn còn cao; nguồn thực phẩm như thịt, cá, rau các loại nhập từ tỉnh ngoài còn chiếm tỷ lệ khá lớn và khó kiểm soát về chất lượng, khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi không đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Còn tồn tại tình trạng sử dụng và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt chưa đúng nguyên tắc; lạm dụng kháng sinh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến thực phẩm; việc giết mổ, gia súc, gia cầm và kinh doanh sản phẩm tươi sống chưa đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

- Các cơ sở kinh doanh thường bán sản phẩm dưới dạng tươi sống, nên chưa quan tâm đến việc xây dựng tem nhãn nhận diện và thương hiệu của sản phẩm. Việc phân biệt được sản phẩm an toàn và được kiểm soát theo chuỗi với sản phẩm không rõ nguồn gốc còn gặp khó khăn.

- Việc ký cam kết trong sản xuất thực phẩm an toàn; trồng trọt, chăn nuôi an toàn và không sử dụng chất cấm còn thấp.

- Việc xây dựng các chuỗi liên kết còn quá ít, mới dùng lại ở việc thí điểm, xây dựng mô hình với quy mô nhỏ và ít cơ sở tham gia vào chuỗi liên kết.

b) Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế

- Nguồn kinh phí từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện dành cho vùng sản xuất nông sản an toàn còn rất hạn chế.

- Sự hiểu biết các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ sở còn chưa kịp thời; ý thức của cơ sở trong việc tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn còn thấp, mục đích chạy theo lợi nhuận không nghĩ đến sức khỏe của cộng đồng và sự phát triển của xã hội.

- Các cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến và kinh doanh nông lâm thủy sản chủ yếu đăng ký hộ kinh doanh và quy mô sản xuất nhỏ lẻ do vậy điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được các quy định về an toàn thực phẩm.

- Việc chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản còn ít, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và điều kiện phát triển sản xuất tại địa phương.

- Nguyên nhân chính của những tồn tại đó là do hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hạn chế; chưa phát huy mạnh việc dồn điền đổi thửa, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó phân biệt sản phẩm đã kiểm soát và chưa được kiểm soát về an toàn thực phẩm; thiếu liên kết hoặc chưa liên kết mang tính bền vững giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và nơi tiêu thụ sản phẩm; thiếu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn; nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh còn khó khăn và nhất là việc tiêu thụ sản phẩm; thiếu sự tham gia giám sát của cộng đồng trong toàn bộ chuỗi sản xuất; chưa tuyên truyền và vận động mạnh mẽ về lợi ích của việc kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi và trách nhiệm của các bên có liên quan; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, đầu ra cho sản phẩm an toàn còn ít, từ đó tác động đến tâm lý và các quyết định của người sản xuất dẫn đến việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về sản xuất sản phẩm an toàn còn nhiều hạn chế.

Phần II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN VÀ HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh, đảm bảo an toàn thực phẩm từ “trang trại đến bàn ăn”. Xây dựng thương hiệu, kiểm soát chất lượng và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người cung ứng với thị trường tiêu thụ; nâng cao được giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2018-2020

- Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, số lượng 15 chuỗi, bao gồm:

+ Chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, số lượng: 02 chuỗi.

+ Chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), số lượng 02 chuỗi.

- Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, số lượng: 02 chuỗi

- Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), số lượng: 02 chuỗi

- Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quả áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), số lượng: 02 chuỗi

- Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nấm và cây dược liệu áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), số lượng: 02 chuỗi

- Chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), số lượng: 03 chuỗi

b) Giai đoạn 2021-2025

- Rà soát, đánh giá và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản có hiệu quả đã triển khai trong giai đoạn 2018-2020.

- Xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, số lượng: 17 chuỗi

c) Nội dung hỗ trợ

- Đào tạo, tập huấn và chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và tiêu chuẩn hữu cơ.

- Đầu tư cho sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản), bao gồm: Giống, phân bón, thức ăn, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật....;Đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bao gồm: Đường điện, nước, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm, hệ thống xử lý chất thải.

- Giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm.

- Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.

II. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2018-2020: Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm:

a) Khảo sát, đánh giá lựa chọn, thiết kế chuỗi

Tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực, khả năng sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường và một số yêu cầu chung:

- Có đầy đủ các thành phần tham gia chuỗi gồm: Doanh nghiệp, nông dân, Hợp tác xã.... Trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chính xây dựng và duy trì hoạt động của chuỗi, đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm; Hợp tác xã/tổ hợp tác đảm bảo khâu tổ chức sản xuất và cung ứng vật tư đầu vào; trách nhiệm của các thành phần tham gia chuỗi được quy định rõ ràng trong các khâu, được cụ thể hóa thông qua các hợp đồng hay bản cam kết cùng thực hiện.

- Địa điểm thực hiện chuỗi nằm trong vùng quy hoạch, đã được định hướng tái cơ cấu ngành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, có năng lực sản xuất và nguồn nhân lực ổn định.

- Thời gian thực hiện chuỗi phù hợp với chu kỳ sản xuất sản phẩm, đảm bảo thành công rồi mới tiếp tục mở rộng quy mô. Với cây hàng năm, chăn nuôi lợn, cá lồng và gia cầm chỉ thực hiện trong 2 năm; đối với cây ăn quả (Cam, Bưởi...) đã trồng từ 2 năm trở lên, chuỗi chỉ tập trung vào việc chăm sóc, chứng nhận quy trình sản xuất tiên tiến, kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, hỗ trợ khu sơ chế, đóng gói và xúc tiến thương mại cho sản phẩm.

- Các thành phần tham gia tự nguyện đăng ký tham gia vào chuỗi liên kết và cam kết cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

b) Tổ chức triển khai chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm

* Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cơ sở tham gia chuỗi

- Đào tạo, tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở tham gia chuỗi gồm: các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, VietGAHP..., quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sơ chế, chế biến sản phẩm như GMP, SSOP, HACCP, ISO....

- Công nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đánh giá chứng nhận phù hợp với các quy trình sản xuất và chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, VietGAHP..., quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và GMP, ISO, HACCP) cho các cơ sở tham gia chuỗi.

* Đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm tại cơ sở

- Đầu tư giống, phân bón, thức ăn, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật...

- Đầu tư điện nước, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm, hệ thống xử lý chất thải

* Giám sát an toàn thực phẩm trong chuỗi

- Kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản, hóa chất trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Kiểm tra, kiểm soát việc duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định; việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm tại cơ sở.

- Định kỳ hoặc đột xuất tiến hành lấy mẫu sản phẩm để kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông hoặc đang lưu thông trên thị trường.

* Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm

- Xây dựng các sản phẩm truyền thông như: Đĩa hình, tờ rơi, phóng sự, chuyên mục... giới thiệu về các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn từ chuỗi.

- Hình thành hệ thống các cửa hàng giới thiệu và cung ứng sản phẩm trong chuỗi có đầy đủ tem nhãn truy suất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

2. Định hướng đến năm 2025

Trên cơ sở kết quả đạt được ở giai đoạn 2018-2020, tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản; xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất mới gắn với tiêu thụ sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch:

- Tổ chức phổ biến các cơ chế, chính sách mới; một số kinh nghiệm triển khai chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020.

- Khảo sát, mở rộng quy mô và liên kết các cơ sở tiếp tục tham gia vào chuỗi; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý từ các huyện, thành phố và các xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, thực hành sản xuất tốt; cách thức tổ chức sản xuất, xây dựng các mối liên kết trong quản lý chuỗi.

- Hỗ trợ, đánh giá, công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch từ khâu sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, đầu tư khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Rà soát, đánh giá lại các văn bản quy định về cơ chế chính sách, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; quy định về chương trình xây dựng nông thôn mới; quy định về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quy định về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.

2. Giải pháp về tổ chức sản xuất

- Quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất di chuyển vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài, bền vững như "dồn điền đổi thửa".

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo cơ chế hình thành các tổ chức dịch vụ bao gồm: Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông thôn; các dịch vụ đầu vào của quá trình sản xuất và dịch vụ đầu ra về tiêu thụ sản phẩm.

- Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cơ sở; cơ chế giám sát cộng đồng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn bởi chính các nhà sản xuất kinh doanh, hội sản xuất ngành hàng tham gia chuỗi thực phẩm an toàn.

3. Giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật

- Đánh giá hiện trạng điều kiện đảm bảo an toàn toàn thực phẩm của cơ sở tham gia chuỗi, chỉ ra những lỗi cần sửa chữa, bổ sung theo đúng quy định.

- Tập huấn, hướng dẫn, giám sát các cơ sở khắc phục các lỗi còn tồn tại; kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ, cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

- Tổ chức đánh giá, phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất để đưa ra các biện pháp kiểm soát phù hợp, đảm bảo sản phẩm an toàn.

- Giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi; lấy mẫu nông lâm thủy sản phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

4. Giải pháp về đầu tư và hỗ trợ sản xuất

- Nhà nước có chính sách hỗ trợ vật tư phục vụ cho quá trình sản xuất, gồm: Giống, phân bón, thức ăn, thuốc thú y và bảo vệ thực vật....

- Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: Hệ thống điện, hệ thống đường giao thông, nhà xưởng, nhà kho, nước sạch, hệ thống xử lý nước thải, xây dựng đồng ruộng, thiết bị....

- Hỗ trợ cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm.

5. Giải pháp về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm

- Xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi ngành hàng; tạo dựng lòng tin vào hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong chuỗi, giới thiệu các sản phẩm trong chuỗi liên kết và cách nhận biết sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và sản phẩm không được kiểm soát.

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa hàng, tham gia các hội chợ, sàn giao dịch nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm từ chuỗi; hỗ trợ cước phí vận chuyển nông sản hàng hóa được tiêu thụ tại thị trường ngoại tỉnh.

- Xây dựng phóng sự phát trên đài phát thanh truyền hình trong và ngoài tỉnh; xây dựng các sản phẩm truyền thông như: Đĩa hình, tờ rơi, pano, áp phích giới thiệu về các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn từ chuỗi; thiết kế, in tem điện tử thông minh nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và cung cấp thông tin về cơ sở có sản phẩm đang lưu thông trên thị trường.

- Giới thiệu, vận động, thúc đẩy các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm từ chuỗi để sản phẩm có đầu ra ổn định.

6. Giải pháp về tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ

- Triển khai có kết quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để tăng cường liên kết doanh nghiệp - nông dân, nông dân - nông dân, doanh nghiệp - doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, nâng tỷ lệ diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.... Trên cơ sở liên kết sản xuất, giảm thiểu đầu mối trung gian, tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát ATTP theo chuỗi sản xuất sản phẩm.

- Hình thành các doanh nghiệp "đầu tàu" và doanh nghiệp vệ tinh, tập trung hỗ trợ đầu tư để đổi mới công nghệ và thiết bị cho các doanh nghiệp thật sự có năng lực và hiệu quả. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, SSOP, ISO... trong chế biến, nhằm kiểm soát tốt chất lượng và ATTP.

7. Giải pháp về tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm

- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và các xã để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ.

- Bố trí nguồn nhân lực cho các cơ quan chức năng kiểm tra ở tuyến tỉnh và tuyến huyện để có đủ nguồn lực thực hiện công tác thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm.

- Đầu tư trang thiết bị làm việc, thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường cho các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm.

- Hỗ trợ nâng cao năng lực và xây dựng nguồn lực của các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hiệp hội, Hội ngành nghề,..) để tham gia vào việc vận động các hội viên tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi, giám sát cộng đồng trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.

IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

- Đề án góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở, nhân dân thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định của Luật An toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu mới trong công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản;

- Góp phần bảo vệ sức khỏe, làm giảm các chi phí phát sinh do vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng về chi phí khám chữa bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra.

- Góp phần làm giảm chi phí ngân sách chi cho hoạt động thanh kiểm tra, kinh phí kiểm tra phân tích các chỉ tiêu mất an toàn như: ô nhiễm sinh học, ô nhiễm hóa học.

- Tạo ra các sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân; hình thành chuỗi sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn; tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo phục vụ cho các cơ sở chế biến thực phẩm; các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, khách sạn...

- Nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cho sản phẩm theo hướng sản xuất bền vững, giảm thiểu những chi phí phát sinh do các tác nhân từ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; góp phần vào việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình.

- Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp trong quá trình triển khai các chuỗi liên kết, gắn với tiêu thụ sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm:

- Tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng.

- Được hưởng những chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc áp dụng quy trình VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ.

- Sản phẩm được công nhận theo quy trình VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ được đánh giá cao, rất dễ dàng lưu thông trên thị trường.

- Làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với thực phẩm an toàn; bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ thực phẩm bẩn, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng.

- Chất lượng và giá cả của sản phẩm luôn ổn định.

- Tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của nhà sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm.

- Tạo lập một ngành nông nghiệp bền vững với việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội.

- Tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý.

- Góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người sản xuất, kinh doanh về sản xuất bền vững.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí thực hiện

a) Nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

b) Nguồn Chương trình, dự án hợp pháp khác từ ngân sách.

c. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết.

2. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2018-2025: 82.380.000.000 đồng

(Tám mươi hai tỷ, ba trăm tám mươi triệu đồng)

Trong đó:

- Nhà nước hỗ trợ: 39.420.000.000 đồng

- Đối ứng của Doanh nghiệp/HTX/Hộ dân: 42.960.000.000 đồng

(Có bảng khái toán kinh phí kèm theo)

3. Phân kỳ đầu tư:

+ Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2018-2020: 37.950.000.000 đồng

Trong đó:

- Nhà nước hỗ trợ: 18.160.000.000 đồng

- Đối ứng của Doanh nghiệp/HTX/Hộ dân: 19.790.000.000 đồng

+ Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025: 44.430.000.000 đồng

Trong đó:

- Nhà nước hỗ trợ: 21.260.000.000 đồng

- Đối ứng của Doanh nghiệp/HTX/Hộ dân: 23.170.000.000 đồng

(Chi tiết phụ biểu kèm theo)

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu ban hành quy định tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn.

- Chủ trì, hướng dẫn các huyện, thành phố, các đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương, báo cáo kinh tế kỹ thuật, bản thuyết minh... các chuỗi phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lựa chọn danh mục các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục dự án.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện dự án đã được phê duyệt.

- Phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các hoạt động về kỹ thuật, quy trình sản xuất, chuyển giao ứng dụng công nghệ; quản lý chất lượng các sản phẩm đầu vào và đầu ra sản phẩm.

- Tổng hợp nhu cầu vốn hàng năm theo tiến độ thực hiện các chuỗi phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất phân bổ vốn cho các dự án đã được duyệt.

- Tổng hợp báo cáo, theo dõi kết quả thực hiện; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án tại địa phương, đơn vị, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục và dự toán kinh phí triển khai thực hiện các dự án/mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

- Chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị thực hiện chuỗi trong việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán các nguồn kinh phí triển khai theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Rà soát các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn doanh nghiệp về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư và tổ chức thẩm tra hỗ trợ các dự án theo Nghị quyết số 116/2015/NQ-HĐND ngày 03/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ.

- Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đăng ký đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án liên quan đến phát triển sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025.

Hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục về sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu liên kết, chỉ dẫn địa lý..) cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổng hợp nhu cầu, đề xuất danh mục các dự án chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục dự án.

- Chỉ đạo, đôn đốc phòng chức năng theo dõi và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện dự án đã được phê duyệt; giám sát việc sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí được cấp cho việc triển khai các chuỗi, đảm bảo nguồn kinh phí được sử dụng đúng quy định, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí; đồng thời huy động các nguồn lực để cùng thực hiện; công khai minh bạch về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí; thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình đăng ký, lập, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá chuỗi.

- Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tiến độ, kết quả triển khai chuỗi; đề xuất việc mở rộng, xây dựng chuỗi mới ở giai đoạn tiếp theo. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc gửi báo cáo và đề xuất giải pháp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

6. Các tổ chức chính trị xã hội

Chủ động thực hiện, vận động, nâng cao nhận thức về chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa nông sản và thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác kết nối các doanh nghiệp, Hợp tác xã, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm để hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm, đảm bảo đầu ra được ổn định và nâng cao được giá trị sản phẩm.

7. Các tổ chức, doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ dân

Đăng ký xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản với các cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia chuỗi; cam kết và thực hiện đầy đủ các thủ tục và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn./.

 

BẢNG KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

“PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG SẢN HÀNG HÓA CHỦ LỰC THEO CHUỖI GIÁ TRỊ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM” GIAI ĐOẠN 2018-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(kèm theo Quyết định số: 1340/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)

Đơn vị tính: Việt Nam đồng

STT

Nội dung thực hiện

Đơn vị

Slượng

Kinh phí thc hiện/chuỗi

Tổng cộng

Phân nguồn kinh phí thực hiện

Ghi chú

Nhà nước htrợ

Đi ứng của DN/HTX/Hộ dân

 

I

Nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn

Chuỗi

10

 

32.400.000.000

15.500.000.000

16.900.000.000

 

a

Đào tạo, tập huấn và chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) tiêu chuẩn hữu cơ

 

 

 

900.000.000

900.000.000

0

 

-

Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tập huấn quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) và tiêu chuẩn hữu cơ

Lớp

10

20.000.000

200.000.000

200.000.000

 

 

-

Tư vấn, hướng dẫn và đánh giá, chứng nhận VietGAHP và tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

Chuỗi

10

70.000.000

700.000.000

700.000.000

 

 

b

Đầu tư cho chăn nuôi, giết m, sơ chế, đóng gói sn phẩm

 

 

 

27.500.000.000

12.500.000.000

15.000.000.000

 

-

Hỗ trợ giống, thức ăn và thuốc thú y

Chuỗi

10

1.000.000.000

10.000.000.000

4.000.000.000

6.000.000.000

 

-

Đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Chuỗi

10

1.200.000.000

12.000.000.000

6.000.000.000

6.000.000.000

 

-

Đầu tư trang thiết bị sơ chế, đóng gói sản phẩm

Chuỗi

10

500.000.000

5.000.000.000

2.000.000.000

3.000.000.000

 

c

Giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm

 

 

 

500.000.000

500.000.000

0

 

-

Lấy mẫu phân tích, Phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm

Chuỗi

10

50.000.000

500.000.000

500.000.000

 

 

d

Xúc tiến thương mại, qung bá sản phẩm

 

 

 

3.500.000.000

1.600.000.000

1.900.000.000

 

-

Xây dựng phóng sự, tin bài, clip quảng bá sản phẩm

Chuỗi

10

50.000.000

500.000.000

200.000.000

300.000.000

 

-

Hỗ trợ in tem điện tử truy xuất sản phẩm, bao bì đựng sản phẩm

Chuỗi

10

100.000.000

1.000.000.000

500.000.000

500.000.000

 

-

Hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm

Chuỗi

10

100.000.000

1.000.000.000

400.000.000

600.000.000

 

-

Hỗ trợ vận chuyển sản phẩm

Chuỗi

10

100.000.000

1.000.000.000

500.000.000

500.000.000

 

2

Nhóm sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nm và dược liu

Chuỗi

16

 

35.040.000.000

16.960.000.000

18.080.000.000

 

a

Đào tạo, tập huấn và chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và nông nghiệp hữu cơ

 

 

 

1.440.000.000

1.440.000.000

0

 

-

Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tập huấn quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và tiêu chuẩn hữu cơ

Lớp

16

20.000.000

320.000.000

320.000.000

 

 

-

Tư vấn, hướng dẫn và đánh giá, chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

Chuỗi

16

70.000.000

1.120.000.000

1.120.000.000

 

 

b

Đầu tư cho trồng trọt, sơ chế, đóng gói sn phm

 

 

 

27.200.000.000

12.160.000.000

15.040.000.000

 

-

Hỗ trợ giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật

Chuỗi

16

500.000.000

8.000.000.000

3.200.000.000

4.800.000.000

 

-

Đầu tư cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm

Chuỗi

16

800.000.000

12.800.000.000

6.400.000.000

6.400.000.000

 

-

Đầu tư trang thiết bị sơ chế, đóng gói sản phẩm

Chuỗi

16

400.000.000

6.400.000.000

2.560.000.000

3.840.000.000

 

c

Giám sát, kim tra an toàn thực phẩm

 

 

 

800.000.000

800.000.000

0

 

-

Lấy mẫu phân tích, Phân tích các chi tiêu về an toàn thực phẩm

Chuỗi

16

50.000.000

800.000.000

800.000.000

 

 

d

Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phm

 

 

 

5.600.000.000

2.560.000.000

3.040.000.000

 

-

Xây dựng phóng sự, tin bài, clip quảng bá sản phẩm

Chuỗi

16

50.000.000

800.000.000

320.000.000

480.000.000

 

-

Hỗ trợ in tem điện tử truy xuất sản phẩm, bao bì đựng sản phẩm

Chuỗi

16

100.000.000

1.600.000.000

800.000.000

800.000.000

 

-

Hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm

Chuỗi

16

100.000.000

1.600.000.000

640.000.000

960.000.000

 

-

Hỗ trợ vận chuyển sản phẩm

Chuỗi

16

100.000.000

1.600.000.000

800.000.000

800.000.000

 

3

Nhóm sn phm thủy sản

Chuỗi

6

 

14.940.000.000

6.960.000.000

7.980.000.000

 

a

Đào tạo, tập huấn và chng nhận thực hành nuôi trồng thủy sn (VietGAP)

 

 

 

540.000.000

540.000.000

0

 

-

Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tập huấn quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP)

Lớp

6

20.000.000

120.000.000

120.000.000

 

 

-

Tư vấn, hướng dẫn và đánh giá, chứng nhận VietGAP; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

Chuỗi

6

70.000.000

420.000.000

420.000.000

 

 

b

Đầu tư cho nuôi trồng thủy sn, sơ chế, đóng gói sản phẩm

 

 

 

12.00.000.000

5.160.000.000

6.840.000.000

 

-

Hỗ trợ giống, thức ăn và thuốc thú y

Chuỗi

6

1.000.000.000

6.000.000.000

2.400.000.000

3.600.000.000

 

-

Đầu tư cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm

Chuỗi

6

600.000.000

3.600.000.000

1.800.000.000

1.800.000.000

 

-

Đầu tư trang thiết bị sơ chế, đóng gói sản phẩm

Chuỗi

6

400.000.000

2.400.000.000

960.000.000

1.140.000.000

 

c

Giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm

 

 

 

300.000.000

300.000.000

0

 

-

Lấy mẫu phân tích, Phân tích các chi tiêu về an toàn thực phẩm

Chuỗi

6

50.000.000

300.000.000

300.000.000

 

 

d

Xúc tiến thương mại, qung sản phẩm

 

 

 

2.100.000.000

900.000.000

1.200.000.000

 

-

Xây dựng phóng sự, tin bài, clip quảng bá sản phẩm

Chuỗi

6

50.000.000

300.000.000

120.000.000

180.000.000

 

-

Hỗ trợ in tem điện tử truy xuất sản phẩm, bao bì đựng sản phẩm

Chuỗi

6

100.000.000

600.000.000

300.000.000

300.000.000

 

-

Hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm

Chuỗi

6

100.000.000

600.000.000

240.000.000

360.000.000

 

-

Hỗ trợ vận chuyển sản phẩm

Chuỗi

6

100.000.000

600.000.000

300.000.000

300.000.000

 

Tng cộng

 

 

 

82.380.000.000

39.420.000.000

42.960.000.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1340/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 1340/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/06/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản