Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 134/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG CÔNG TÁC GIÁM SÁT, QUẢN LÝ VỀ HẢI QUAN ĐỐI VỚI CÁC CỬA HÀNG KINH DOANH MIỄN THUẾ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20 tháng 2 năm 1990.
Căn cứ Điều 6, Điều 13 Bản quy định cụ thể thủ tục hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định số 171/HĐBT ngày 27-5-1991 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Căn cứ Quyết định số 195/TTg ngày 8-4-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế cửa hàng kinh doanh miễn thuế.
Tiếp theo quy chế về giám sát, quản lý hải quan đối với hoạt động của các cửa hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 197/TCHQ-GSQL ngày 23 tháng 5 năm 1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục giám sát, quản lý về hải quan.

QUYẾT ĐỊNH:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Những quy định nêu trong quyết định này được áp dụng đối với các cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế (sau đây gọi là cửa hàng miễn thuế) tại một số thành phố và các cửa khẩu: cảng biển, sân bay quốc tế, đường bộ, đường sắt. Hàng hoá đưa vào, đưa ra khỏi cửa hàng hoặc kho hàng miễn thuế được quy định:

1- Hàng hoá trước khi đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế hoặc trước khi nhập vào các kho hàng miễn thuế, đã được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nào thì phải phù hợp với bộ hồ sơ của hải quan tại cửa khẩu đó. Trường hợp hàng hoá được vận chuyển từ các cửa hàng hoặc từ các kho hàng miễn thuế khác đến, hàng hoá thực tế phải phù hợp với phiếu xuất kho kèm chứng từ, hồ sơ liên quan có xác nhận, ký tên, đóng dấu của hải quan tại nới có cửa hàng hoặc kho hàng miễn thuế đó. Nội dung xác nhận phải ghi rõ là hải quan cửa khẩu nào làm thủ tục nhập khẩu, thuộc bộ hồ sơ có số tờ khai hải quan số, ngày, tháng, năm.

2- Hàng nhập về cửa khẩu, sau đó sẽ đưa vào cửa hàng miễn thuế cũng thuộc cửa khẩu nhập hàng, hải quan tại cửa khẩu này phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định tại Quyết định số 258/TCHQ-GSQL ngày 16 tháng 12 năm 1994 ban hành quy trình nghiệp vụ đối với hàng hoá mậu dịch xuất nhập khẩu.

3- Hàng hoá chỉ được đưa vào, đưa ra khỏi cửa hàng hoặc kho hàng miễn thuế sau khi hải quan đã làm đầy đủ thủ tục theo các quy định hiện hành.

Điều 2: Nhân viên bán hàng tại các quầy hàng của cửa hàng miễn thuế chỉ được bán trực tiếp cho các hành khách xuất cảnh hoặc nhập cảnh đúng với hình dán trong hộ chiếu. Không được phép bán hàng cho những người khác mua hộ hoặc mượn hộ chiếu để mua hàng.

Điểu 3: Hành khách nhập cảnh sau khi làm xong thủ tục hải quan đã ra khỏi khu vực quy định thì không được quay trở lại quầy để mua hàng, hành khách xuất cảnh sau khi mua hàng xong phải xuất hết số hàng đã mua.

Điều 4: Những mặt hàng đơn chiếc có trị giá vượt tiêu chuẩn quy định miễn thuế đều phải thu đủ các loại thuế về phần vượt trị giá trước khi đưa hàng vào cửa hàng hoặc trước khi nhập vào kho hàng miễn thuế. Những mặt hàng đơn chiếc đã thu đủ thuế phần vượt tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định, nay tháo rời để bán lẻ không được hoàn thuế. Trường hợp có nhu cầu tháo rời để bán lẻ nhưng chưa thu thuế, phải thu thuế nguyên chiếc về phần vượt tiêu chuẩn xong mới được tháo rời để bán lẻ.

Điều 5: Mọi hoạt động của cửa hàng hoặc kho hàng miễn thuế đều phải chịu sự giám sát, quản lý của hải quan cửa hàng miễn thuế theo quy định hiện hành.

II- THỦ TỤC HẢI QUAN

Điều 6: Bộ hồ sơ chủ các cửa hàng miễn thuế phải nộp và xuất trình cho hải quan cửa hàng miễn thuế để làm thủ tục trước khi đưa hàng vào cửa hàng hoặc nhập hàng vào kho hàng miễn thuế được quy định như sau:

1- Nếu cửa hàng tiếp nhận một lần gồm cả lô hàng theo hợp đồng thương mại, giấy phép, bản kê chi tiết... đã làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu khác: nộp và xuất trình đầy đủ giấy tờ như một lô hàng nhập khẩu mậu dịch (bản sao có xác nhận của hải quan cửa khẩu nơi nhập hàng).

2- Nếu cửa hàng chỉ tiếp nhận một phần của lô hàng thuộc một bộ hồ sơ hàng nhập khẩu đã làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu khác thì:

- Nộp 1 bản trích lô hàng do chủ hàng lập có xác nhận của hải quan nơi quản lý toàn bộ lô hàng.

- Nộp phiếu xuất kho do cửa hàng hoặc kho hàng miễn thuế nơi có hàng chuyển đi lập (phiếu này phải có xác nhận của hải quan cửa hàng miễn thuế nơi có hàng chuyển đi).

- Nộp 1 bản sao bản kê chi tiết của toàn bộ lô hàng có xác nhận của hải quan cửa hàng miễn thuế nơi có hàng chuyển đi.

3- Hàng nhập về cửa khẩu, sau đó sẽ đưa vào cửa hàng hoặc kho hàng miễn thuế cũng thuộc cửa khẩu nhập hàng, thì hải quan làm thủ tục nhập khẩu lô hàng này phải chuyển giao cho hải quan chuyên trách quản lý cửa hàng miễn thuế một bộ hồ sơ nhập khẩu đầy đủ theo quy định (bản sao có ký xác nhận của lãnh đạo cửa khẩu). Bộ hồ sơ gốc do hải quan làm thủ tục nhập khẩu lô hàng lưu theo quy định lưu hồ sơ hàng mậu dịch nhập khẩu.

4- Xuất trình các loại biên lai thuế do hải quan các nơi khác cấp sau khi thu đủ thuế (nếu có). Nộp bản sao biên lai thuế sau khi hải quan đã đối chiếu với bản gốc.

Điều 7: Kiểm tra, giám sát hàng hoá khi đưa vào cửa hàng hoặc nhập kho hàng miễn thuế:

1- Hàng hoá trước khi đưa vào các quầy hàng của cửa hàng để bán phải dán tem, phải có mã số theo quy định của Bộ tài chính và phải phù hợp với bộ hồ sơ mà hải quan đã kiểm tra, đối chiếu, xác nhận chi tiết về tên và loại hàng, số trọng lượng, chất lượng... Khi đưa hàng vào các quầy để bán hoặc nhập kho hàng miễn thuế phải có hải quan giám sát.

2- Hàng xuất kho để chuyển giao các quầy bán, chủ hàng phải lập phiếu xuất kho, phiếu nhập quầy và chịu sự giám sát, quản lý của hải quan cho đến khi hàng được đưa lên quầy sắp xếp theo từng loại chờ bán cho khách.

Điều 8: Hải quan cửa hàng miễn thuế và các nhân viên được giao nhiệm vụ bán hàng tại các quầy hàng miễn thuế hoặc làm việc tại các kho hàng miễn thuế phải quy định thời gian cùng có mặt để làm việc. Quá trình hoạt động hàng ngày của các quầy hàng và kho hàng miễn thuế kể từ khi bắt đầu hoạt động đến khi thôi hoạt động phải chịu sự giám sát, quản lý liên tục của hải quan. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, trưởng hải quan cửa khẩu hoặc trưởng hải quan cửa hàng miễn thuế thành phố quyết định việc kiểm kê quầy hàng hoặc cửa hàng đột xuất và tổ chức kiểm tra tại chỗ những người có liên quan làm việc trong quầy hàng, trong cửa hàng hoặc trong kho hàng miễn thuế trước khi ra khỏi khu vực quy định.

Điều 9: Các loại chứng từ, sổ sách kế toàn, tem dán, mã số... phải sử dụng đúng mẫu do Bộ Tài chính quy định. Khi bán hàng, hoá đơn phải ghi đầy đủ theo các cột mục, ghi chính xác số hộ chiếu, ký hiệu chuyến phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh và ngày tháng năm xuất, nhập cảnh của khách mua hàng, cuối ngày lập báo cáo kết quả cụ thể về việc bán hàng. Báo cáo phải ghi rõ số hộ chiếu và ngày tháng năm xuất, nhập cảnh của từng hành khách mua hàng và ký hiệu chuyến phương tiện vận tải xuất nhập cảnh. Trường hợp không ghi vào báo cáo số hộ chiếu, ngày tháng năm xuất, nhập cảnh và ký hiệu chuyến phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh của từng hành khách mua hàng thì phải nộp kèm theo báo cáo mỗi khách mua hàng một liên hoá đơn bán hàng. Báo cáo ngày phải nộp hải quan một bản.

Hàng tháng, quý, trưởng hải quan cửa khẩu và trưởng hải quan của hàng miễn thuế thành phố tổ chức kiểm kê kho, quầy, quyết toán sổ sách và lập báo cáo hàng nhập kho, nhập quầy, hàng đã bán, hàng tồn kho, tình hình vi phạm (nếu có) và gửi báo cáo về Cục hải quan tỉnh, thành phố.

Điều 10: 3 tháng một lần, cục hải quan tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra việc thanh khoản tờ khai, giấy phép Bộ Thương mại, kiểm tra đối chiếu sổ sách, phiếu xuất, nhập kho, nhập quầy, hoá đơn bán hàng, báo cáo tuần, kỳ. Sau khi kiểm tra, tổng hợp số liệu và tình hình ba tháng (quý) báo cáo tổng cục về hàng thực nhập kho, xuất kho, tồn kho, hàng đã bán, hàng chờ thanh lý, về đối tượng mua hàng, về thanh quyết toán thuế, các vụ việc vi phạm và kết quả xử lý.

Điều 11: Khi Bộ Tài chính có quyết định chính thức miễn thuế cho từng lô hàng, cửa hàng miễn thuế phải sao 2 bộ hồ sơ đầy đủ gửi Cục hải quan tỉnh, thành phố và hải quan cửa hàng miễn thuế. Hải quan cửa hàng miễn thuế kiểm tra, đối chiếu tờ khai, nếu phù hợp làm thủ tục thanh khoản và đóng dấu "hàng miễn thuế" vào tờ khai (kèm quyết định miễn thuế của Bộ Tài chính) để làm cơ sở cho công tác theo dõi, kiểm tra định kỳ, thanh tra, tra cứu về sau.

Điều 12: Hàng tồn đọng, không bán được, quá một năm phải tái xuất, hoặc nếu đưa vào nội địa tiêu thụ phải được phép của Bộ Thương mại và được hải quan cửa khẩu làm đầy đủ thủ tục nhập khẩu, thu đủ các loại thuế theo luật định.

Hàng đổ vỡ hoặc bị hư hỏng nghiêm trọng phải lập biên bản có xác nhận của hải quan theo từng lô. Những trường hợp ngoài thẩm quyền giải quyết thì tổng hợp báo cáo Tổng cục hải quan xin ý kiến chỉ đạo. Việc thanh lý, tiêu huỷ phải thành lập Hội đồng gồm: đại diện hải quan, đại diện cửa hàng, đại diện cơ quan tài chính. Sau khi hội đồng làm việc xong phải lập biên bản cụ thể để làm cơ sở thanh quyết toán sau này.

Điều 13: Trường hợp cửa hàng làm báo cáo và gửi báo cáo thống kê không đúng thời gian và nội dung quy định, hoặc số liệu và tình hình nêu trong báo cáo sai lệch với thực tế thì hải quan cửa khẩu hoặc hải quan cửa hàng miễn thuế thành phố phải báo cáo kịp thời cho Cục hải quan tỉnh, thành phố. Trong trường hợp này, nếu xét thấy cần thiết, Cục trưởng Cục hải quan tỉnh hoặc thành phố ra quyết định tạm thời đình chỉ việc làm thủ tục nhập khẩu đối với các lô hàng tiếp theo cho đến khi cửa hàng nộp báo cáo đầy đủ, đồng thời ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra (nếu xét thấy cần thiết) để kiểm tra đột xuất các hoạt động của cửa hàng miễn thuế.

Hàng hoá nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế nếu phát hiện bán sai đối tượng mua hàng (đối tượng mua hàng không có trong hồ sơ xuất cảnh hoặc nhập cảnh của các cơ quan chức năng quản lý, lưu giữ; hàng hoá nằm ngoài giấy phép Bộ Thương mại cấp kèm bộ hồ sơ hải quan đã hoàn thành thủ tục tại các cửa khẩu; nội dung hoá đơn bán hàng không ghi đúng quy định tại quyết định này...) hoặc các hình thức lợi dụng khác nhằm kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, vi phạm chính sách quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu của Nhà nước thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc đình chỉ hoạt động của cửa hàng và phải truy thu đủ thuế theo Luật định. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14: Việc giám sát, quản lý về hải quan đối với các hoạt động của cửa hàng kinh doanh miễn thuế phải được thống nhất quản lý bằng hệ thống máy vi tính. Cục hải quan các tỉnh, thành phố được phép thành lập cửa hàng miễn thuế chịu trách nhiệm lập chương trình quản lý các loại cửa hàng miễn thuế bằng hệ thống máy vi tính nối mạng và có biện pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện sau khi trình lãnh đạo Tổng cục duyệt.

Điều 15: Trong quá trình quản lý cửa hàng miễn thuế nếu phát hiện nhân viên của cửa hàng vi phạm quy định bán hàng theo quyết định này, thông đồng, móc nối với bên ngoài để đưa hàng vào nội địa tiêu thụ; nhân viên hải quan có hành vi vi phạm trực tiếp trong việc mua hàng tại cửa hàng miễn thuế hoặc có hành vi lợi dụng chức năng, quyền hạn để bao che, thông đồng với những phần tử tiêu cực đưa hàng vào nội địa tiêu thụ, bán hàng sai đối tượng quy định... đều phải được lập biên bản tại chỗ, nhanh chóng làm rõ tính chất, mức độ vi phạm để xử lý.

Điều 16: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Cục trưởng, Vụ trưởng các Cục, Vụ, lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục và Cục trưởng Cục hải quan các tỉnh, thành phố liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo thực hiện và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quyết định này.

 

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 134/TCHQ-GSQL năm 1996 trong công tác giám sát, quản lý về hải quan đối với các cửa hàng kinh doanh miễn thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 134/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/09/1996
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/09/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản