Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 258/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT, NHẬP KHẨU MẬU DỊCH

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Điều 6, Điều 12 Pháp lệnh hải quan ngày 20-2-1990.
Căn cứ Điều 3, Điều 4 Bản quy định thủ tục hải quan và lệ phí hải quan ban hành kèm theo Nghị định số 7171/HĐBT ngày 27-5-1991 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 7-3-1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục hải quan.
Xét đề nghị của đồng chí Cục trưởng Cục giám sát, quản lý về hải quan.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này quy trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu mậu dịch.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3: Các quy trình trước đây trái với quy trình này đều bãi bỏ.

Điều 4: Các ông Cục trưởng Cục giám sát, quản lý về hải quan, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục, Cục trưởng Cục hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

QUY TRÌNH

LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU MẬU DỊCH
(Ban hành kèm theo quyết định số 258/TCHQ-GSQL  ngày 16 tháng 12 năm 1994)

NGUYÊN TẮC:

1- Hàng hoá xuất nhập khẩu có thể được làm đầy đủ thủ tục hải quan theo quy trình này tại hải quan cửa khẩu hoặc hải quan tỉnh, thành phố. Trường hợp làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu, Cục trưởng hải quan tỉnh, thành phố phải có văn bản quy định rõ việc phân cấp đó.

2- Việc làm thủ tục hải quan phải đảm bảo:

- Chặt chẽ, đúng chính sách, pháp luât.

- Nhanh chóng, thuận tiện.

- Không phiền hà, tiêu cực.

3- Việc luân chuyển hồ sơ giữa các bộ phận là công việc nội bộ của hải quan, tuyệt đối không được giao chủ hàng làm. Việc giao nhận phải đảm bảo nhanh chóng, chặt chẽ, xác định rõ được trách nhiệm giữa các bộ phận, cá nhân đối với hồ sơ.

4- Các khâu tính thuế, làm giá tuyệt đối không được trực tiếp tiếp xúc với chủ hàng. Địa điểm làm việc của các bộ phận này phải được bố trí cách ly phù hợp với yêu cầu đó.

5- Bước thủ tục sau không được tự động sửa chữa kết quả làm thủ tục của bước trước. Nếu có phát hiện các vấn đề sai sót của khâu trước cần sửa thì phải trao đổi với bộ phận làm thủ tục ở khâu trước để thống nhất sửa chữa.

6- Các ý kiến khác nhau giữa hải quan và chủ hàng do Trưởng (phó) hải quan cửa khẩu, Trưởng (phó) phòng giám quản hoặc phòng kiểm tra, thu thuế xuất nhập khẩu giải quyết hoặc xin ý kiến cấp trên để giải quyết.

7- Ưu tiên làm thủ tục nhanh cho các loại hàng xuất nhập khẩu không có thuế hoặc thuế xuất bằng 0%. Những nơi có lưu lượng hàng lớn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội ...) cần bố trí những bộ phận riêng làm thủ tục cho các lô hàng này. Thời gian làm thủ tục cho các lô hàng này đảm bảo tối đa bằng 1/2 thời gian làm thủ tục cho các lô hàng có thuế.

Bước 1: Đăng ký tờ khai:

Bước này gồm các khâu: khai báo, tiếp nhận và đăng ký tờ khai. Bước này rất quan trọng vì nó là cơ sở để áp dụng chính sách và tiến hành các thủ tục kiểm tra, giám sát và thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của các bước tiếp theo. Vì vậy, cán bộ làm việc ở khâu này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Nắm chắc chính sách, pháp luật về xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, về chính sách mặt hàng, phân loại hàng hoá, về giá tính thuế, về thuế xuất nhập khẩu, về chính sách đối ngoại và các chính sách liên quan khác.

- Nắm chắc nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hải quan.

- Biết ít nhất một ngoại ngữ (Anh văn).

- Có phẩm chất, đạo đức tốt, thái độ vui vẻ, hoà nhã, lịch sự.

1- Khai báo.

1.1- Chủ hàng có trách nhiệm khai báo hàng hoá xuất nhập khẩu theo mẫu tờ khai do Tổng cục hải quan phát hành.

1.2- Phải khai đầy đủ các cột, mục in sẵn trong tờ khai hàng, phần dành cho chủ hàng. Đặc biệt phải khai chính xác và đầy đủ tên hàng, mã số, số lượng, đơn giá, trị giá của hàng hoá đó. Nếu khai thiếu, không chính xác, hải quan không được cho đăng ký tờ khai.

2- Tiếp nhận bộ chứng từ:

2.1- Tổ chức, cá nhân khi đến hải quan tỉnh, thành phố hoặc hải quan cửa khẩu làm thủ tục khai báo để xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá phải nộp và xuất trình cho hải quan các giấy tờ sau:

a) Giấy tờ phải nộp:

1- Tờ khai hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu: 2 tờ.

2- Giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu hoặc giấy phép chuyên ngành hoặc bản sao văn bản duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu của Bộ thương mại (đối với loại hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu quy định phải có các giấy tờ đó): 2 bản.

3- Bản kê chi tiết về hàng hoá: 2 tờ.

4- Lệnh giao hàng của người vận tải: 2 bản.

5- Hợp đồng mua bán ngoại thương (bản photocopy có chữ ký xác nhận và đóng dấu của người đứng đầu tổ chức xuất nhập khẩu): 1 bản.

6- Bản sao vận tải đơn (nếu là hàng nhập): 1 tờ.

7- Đối với hàng xuất khẩu hoặc nhập khẩu với nước có ký kết điều khoản ưu đãi trong quan hệ buôn bán với Việt Nam phải nộp thêm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá: 1 bản.

8- Trường hợp có thay đổi về chính sách, để được hưởng quy định tại chính sách cũ chủ hàng phải nộp các chứng từ liên quan theo quy định của chính sách và hướng dẫn của Tổng cục hải quan, Bộ Tài chính, Bộ thương mại 1 bản.

b) Giấy tờ phải xuất trình:

1- Văn bản cấp hạn ngạch xuất nhập khẩu hoặc duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu (bản chính) để đối chiếu với bản sao.

2- Vận tải đơn (bản Original) để đối chiếu với bản sao.

3- Giấy chứng nhận quy cách phẩm chất (nếu trong hợp đồng có quy định).

4- Giấy chứng nhận kiểm dịch nếu hàng nhập khẩu, xuất khẩu yêu cầu phải có kiểm dịch theo quy định.

5- Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp (loại 7 số), nếu là loại hàng được miễn giấy phép xuất nhập khẩu chuyến.

2.2- Kiểm tra bộ chứng từ:

- Kiểm tra việc khai báo của chủ hàng. Nếu chưa đúng, chưa đủ thì chưa cho đăng ký tờ khai, yêu cầu chủ hàng bổ sung, sửa chữa.

- Kiểm tra sự đồng bộ của bộ hồ sơ: số lượng chứng từ và sự thống nhất về nội dung giữa các chứng từ.

- Nếu có dấu hiệu giả mạo chứng từ, sửa chữa bất hợp pháp những nội dung quan trọng của chứng từ thì lập biên bản vi phạm hành chính để làm cơ sở cho xử lý sau này.

3- Đăng ký tờ khai:

- Thời điểm chấp nhận cho đăng ký tờ khai theo quy định tại văn bản 1292/TCHQ ngày 13-10-1994.

- Sau khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu các chứng từ với nhau, nếu đã đầy đủ, hợp pháp, hợp lý và tổ chức xuất nhập khẩu không có tên trong danh sách nợ thuế quá 90 ngày thì cho đăng ký khai hàng.

- Đóng dấu "đã tiếp nhận tờ khai" theo đúng thứ tự khai báo đã được chấp nhận. Ghi ngày và số đăng ký vào tất cả các tờ khai hàng. Mẫu số đăng ký tờ khai do Tổng cục hải quan phát hành.

Trên cơ sở những chứng từ quy định tại điểm a trên, lập thành một bộ hồ sơ hoàn chỉnh (8 chứng từ) và một bộ hồ sơ không hoàn chỉnh (gồm 4 chứng từ 1, 2, 3, 4) chuyển toàn bộ cho bộ phận kiểm hoá.

Bước II: Kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu

Căn cứ vào bộ hồ sơ đã được đăng ký để kiểm hoá. Nguyên tắc, quy trình về kiểm hoá thi hành theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 189/TCHQ-GSQL ngày 07-10-1994. Phải đảm bảo nguyên tắc hai cán bộ hải quan kiểm hoá một lô hàng, không được vận dụng một người kiểm hoá nhưng hai người ký xác nhận. Kiểm hoá phải xác định đầy đủ, chính xác nội dung hàng hoá, đặc biệt phải xác định chính xác mã hàng khai báo với hàng hoá thực tế, số lượng, trọng lượng từng mặt hàng. Sau khi ghi đầy đủ, chính xác kết quả kiểm hoá, chuyển toàn bộ hồ sơ cho bộ phận tính và thông báo thuế. Nếu lô hàng được làm thủ tục hải quan ở hải quan tỉnh, thành phố thì trước khi chuyển hồ sơ cho bộ phận tính thuế, lãnh đạo Phòng giám quản phải duyệt lại kết quả các bước nghiệp vụ số 1, 2. Trường hợp có vướng mắc về thủ tục hải quan, kết quả kiểm hoá, chính sách, chế độ xuất nhập khẩu thì Trưởng (Phó) Phòng giám quản cũng phải giải quyết trước khi chuyền hồ sơ cho bộ phận tính thuế.

Bước III: Tính và thông báo thuế

Căn cứ vào kết quả kiểm hoá để xác định áp giá và áp thuế suất chính xác để tính và thông báo thuế. Những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất giữa cán bộ kiểm hoá và cán bộ tính thuế, chỉ được bàn bạc thống nhất trong nội bộ hải quan. Cán bộ tính thuế tuyệt đối không được trực tiếp với chủ hàng.

Sau khi viết thông báo thuế, chuyển toàn bộ hồ sơ (kèm thông báo thuế) cho bộ phận kiểm tra, phúc tập kết thúc thủ tục hải quan để trả cho chủ hàng.

Bước IV: Kết thúc thủ tục hải quan

Việc kiểm tra, phúc tập kết thúc thủ tục hải quan do một bộ phận riêng thực hiện. Nếu ở cửa khẩu thì do Trưởng (phó) hải quan cửa khẩu phụ trách. Nếu ở hải quan tỉnh, thành phố thì do trưởng (phó) Phòng kiểm tra, thu thuế xuất nhập khẩu phụ trách.

Phải thực hiện các công việc sau đây:

- Tiếp nhận 2 bộ hồ sơ được chuyển tiếp từ khâu nghiệp vụ đầu tiên đến khâu nghiệp vụ số 3.

- Kiểm tra lại lần cuối việc thực hiện các bước nghiệp vụ số 1, 2, 3. Nếu không có sai sót thì yêu cầu chủ hàng ký thông báo thuế và trả cho chủ hàng bộ hồ sơ không hoàn chỉnh kèm thông báo thuế. Nếu phát hiện sai sót thì yêu cầu các bước nghiệp vụ liên quan khắc phục ngay sai sót đó.

- Giải quyết các vướng mắc của chủ hàng về thuế và giá tính thuế.

- Chuyển bộ hồ sơ hoàn chỉnh cho bộ phận phúc tập, lưu trữ.

Bước V: Phúc tập - lưu trữ hồ sơ

Bộ phận phúc tập lưu trữ (của cửa khẩu và Phòng kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu) kiểm tra lại một lần nữa toàn bộ hồ sơ, nếu phát hiện sai sót để yêu cầu các khâu liên quan khắc phục. Nếu không có sai sót thì đóng dấu "Đã phúc tập", ký và ghi rõ tên người phúc tập và đưa lưu trữ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 258/TCHQ-GSQL năm 1994 về Quy trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mậu dịch do Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan ban hành

  • Số hiệu: 258/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/12/1994
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/12/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản