Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 127/2002/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ “VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG THANH TRA XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VÀ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH QUẢN LÝ TTXD XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN.”

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 1 tháng 4 năm 1990;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Nghị định số 48/CP ngày 05 tháng 5 năm 1997 về xử phạt hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình hạ tầng đô thị và Nghị định số 04/CP ngày 10 tháng 01 năm 1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai;
Căn cứ Quyết định số 100/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập Thanh tra chuyên ngành xây dựng Thành phố Hà Nội và Quyết định số 125/2002/QĐ-UB của UBND Thành phố về việc thí điểm thành lập Thanh tr chuyên ngành xây dựng ở xã,  phường, thị trấn;
Theo đề nghị của Trưởng ban tổ chức Chính quyền TP và Giám đốc Sở Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng Thành phố, Thanh tra xây dựng quận, huyện, và cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng ở xã, thị trấn tại Thành phố Hà Nội.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quyết định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố; Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố; Giám đốc Sở xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CHỦ TỊCH





Nguyễn Quốc Triệu

 

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CUẢ THANH TRA XÂY DỰNG THÀNH PHỐ, THANH TRA XÂY DỰNG QUẬN, HUYỆN VÀ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 126/2002/QĐ-UB ngày 20/9/2002 của ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Thanh tra xây dựng Thành phố, Thanh tra xây dựng quận, huyện và cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn được thành lập theo Quyết định số 125/2002/QĐ-UB ngày 20/9/2002 của UBND Thành phố.

Thanh tra xây dựng Thành phố trực thuộc Sở xây dựng, chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Giám đốc Sở Xây dựng, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của thanh tra Thành phố và Thanh tra Bộ Xây dựng. Thanh tra xây dựng Thành phố có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của Nhà nước.

Thanh tra xây dựng quận, huyện trực thuộc UBND các quận, huyện, chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp và toàn diện của UBND các quận, huyện, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra xây dựng Thành phố. Thanh tra xây dựng quận, huyện có tài khoản và con dấu riêng theo quy định của Nhà nước.

Cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng (TTXD) ở xã, phường, thị trấn chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, sự chỉ đạo chuyên môn về nghiệp vụ của Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thành phố.

Điều 2: Quy chế này điều chỉnh quá trình hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và mối quan hệ công tác của Thanh tra Xây dựng Thành phố; Thanh tra Xây dựng quận, huyện và cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn.

Chương 2:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM. NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ MỐI QUAN HỆ, CÔNG TÁC

Điều 3: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra Xây dựng Thành phố; Thanh tra xây dựng quận, huyện và cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn.

1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra xây dựng Thành phố:

1.1- Chức năng:

Thanh tra xây dựng Thành phố thực hiện hai chức năng:

- Chức năng Thanh tra Nhà nước theo điều 19 của Pháp lệnh Thanh tra do Hội đồng Nhà nước công bố ngày 01/4/1990 và điều 5 - Nghị định số 244/HĐBT ngày 30/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

- Chức năng thanh tra chuyên ngành về xây dựng, gồm: kiểm tra, thanh tra, phúc tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng, xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo thẩm quyền do pháp luật quy định; phối hợp xử lý các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, quản lý nhà và công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố.

1.2- Nhiệm vụ:

1.2.1- Nhiệm vụ thanh tra nhà nước về xây dựng: Thực hiện theo điều 5 - Nghị định số 244/HĐBT ngày 30 tháng 6 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

1.2.2- Nhiệm vụ thanh tra xây dựng Thành phố:

- Hướng dẫn các tổ chức và nhân dân thực hiện đúng các quy định hiện hành của nhà nước về Quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố.

- Kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố, bao gồm: xây dựng công trình mới, cải tạo, sửa chữa vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý xây dựng; vi phạm: chỉ giới đường đỏ đã cắm mốc; chỉ giới xây dựng, không gian kiến trúc; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện; khu vực bảo vệ các công trình quốc phòng, an ninh, khu di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng và các khu vực khác mà Nhà nước quy định không được xây dựng; Phối hợp với các tổ chức Thanh tra khác để xử lý các hành vi vi phạm có liên quan trong quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị.

- Chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời theo dõi, kiểm tra hoạt động của lực lượng Thanh tra xây dựng các quận, huyện. Phối hợp với các quận, huyện và các Sở, Ngành có liên quan trong hoạt động quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

- Phúc tra các vụ vi phạm trật tự xây dựng đã được xử lý nhưng còn khiếu kiện, hoặc theo yêu cầu của công tác quản lý.

- Tổng hợp tình hình trật tự xây trên địa bàn Thành phố, giúp Giám đốc Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất với UBND Thành phố các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

1.3- Quyền hạn:

- Chánh Tthanh tra xây dựng Thành phố được quyền xử lý các vi phạm hành chính về TTXD theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

- Thanh tra viên Thanh tra xây dựng đang thi hành công vụ được xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

1.4- Trách nhiệm:

Chánh Thanh tra xây dựng Thành phố chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Xây dựng về các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của thanh tra xây dựng quận huyện:

2.1- Chức năng:

Thanh tra xây dựng quận, huyện thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra, phúc tra, xử lý theo thẩm quyền và đề xuất để UBND quận, huyện xử lý các vi phạm vượt quá thẩm quyền trong lĩnh vực trật tự xây dựng theo quy định của Chính phủ và UBND Thành phố.

2.2- Nhiệm vụ:

- Hướng dẫn, vận động các Tổ chức và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước và Thành phố về quản lý trật tự xây dựng. Phối hợp UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức thanh tra khác thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý các hành vi vi phạm có liên quan trong quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị.

- Kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép xây dựng của chủ đầu tư, nếu phát hiện việc cấp giấy phép xây dựng không đúng thẩm quyền hoặc sai quy định, cần kịp thời thông báo cho cơ quan cấp phép xây dựng giải quyết; trường hợp chủ đầu tư không có giấy phép xây dựng, hoặc xây dựng sai với giấy phép xây dựng, phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn lập biên bản xác định lỗi vi phạm, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đối với bộ phận chuyên môn của xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng. Phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban chuyên môn của quận, huyện có liên quan trong hoạt động quản lý và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.

- Tổ chức thực hiện các vụ cưỡng chế dỡ bỏ các công trình vi phạm và công trình phải di chuyển để giải phóng mặt bằng theo sự chỉ đạo của UBND quận, huyện.

- Tổ chức phúc tra các trường hợp do xã, phường, thị trấn xử lý nhưng còn khiếu kiện.

- Tổng hợp tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện, giúp Chủ tịch UBND quận, huyện tham mưu, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

- Tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra xây dựng Quận, Huyện.

2.3- Quyền hạn:

- Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện được xử lý các vi phạm hành chính về TTXD như thẩm quyền của Trường công an cấp Huyện theo quy định tại khoản 4- Điều 31 Pháp lệnh xử lý vi pham hành chính.

- Thanh tra viên Thanh tra xây dựng quận, huyện, đang thi hành công vụ được xử phạt theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2.4- Trách nhiệm:

- Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Quận, huyện về công tác quản lý TTXD trên điạ bàn.

- Thanh tra viên và cán bộ thuộc Thanh tra XD chịu trách nhiệm trước Chánh thanh tra quận, huyện về công tác quản lý TTXD trên địa bàn và phạm vi công việc được phân công.

3- Nhiệm vụ và trách nhiệm của cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn:

3.1- Nhiệm vụ:

- Hướng dẫn, vận động các tổ chức và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước và thành phố về quản lý trật tự xây dựng.

- Kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép xây dựng của chủ đầu tư các công trình xây nhà, tường rào, công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, điện...), nếu phát hiện việc cấp giấy phép không đúng thẩm quyền hoặc sai quy định, cần kịp thời thông báo cho cơ quan cấp phép xây dựng giai quyết; trường hợp chủ đầu tư không có giấy phép xây dựng, hoặc xây dựng sai với giấy phép xây dựng, phải lập biên bản và báo cáo ngay với UBND xã, phường, thị trấn, Thanh tra xây dựng quận, huyện để xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

- Tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện việc cưỡng chế dỡ bỏ công trình vi phạm và công trình phải di chuyển để giải phóng mặt bằng theo sự chỉ đạo của UBND quận, huyện.

- Tổng hợp tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, giúp Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

3.2- Trách nhiệm:

Chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện trong việc quản lý, giữ gìn trật tự xây dựng trên địa bàn.

Điều 4: Nguyên tắc hoạt động

1- Thanh tra xây dựng và lực lượng quản lý TTXD xã, phường, thị trấn hoạt động theo sự chỉ đạo trực tuyến và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được quy định trong các điều 1,2,3 của quy chế này. Thanh tra xây dựng Thành phố, Thanh tra xây dựng quận, huyện là cơ quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động quản lý TTXD xã, phường, thị trấn; đồng thời có trách nhiệm xử lý kịp thời những công trình xây dựng có sai phạm.

2- Thanh tra viên, cán bộ, công chức của Thanh tra xây dựng Thành phố và Thanh tra xây dựng quận, huyện, hoặc xã, phường, thị trấn.

3- Cán bộ chuyên trách quản lý TTXD ở xã, phường, thị trấn là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc nắm địa bàn, phát hiện, kiểm tra, báo cáo với Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn các công trình xây dựng trên địa bàn.

UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan có trách nhiệm quản lý và tổ chức xử lý kịp thời những trường hợp có sai phạm về TTXD.

4- Thanh tra xây dựng (trực tiếp là Thanh tra viên, cán bộ phụ trách địa bàn) có trách nhiệm nắm tình hình, hướng dẫn chuyên môn, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý TTXD ở các xã, phường, thị trấn, xây dựng phương án và tổ chức xử lý kịp thời các công trình có sai phạm khi các cấp xã, phường, thị trấn không hoàn thành trách nhiệm được giao.

Điều 5: Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, lực lượng thanh tra xây dựng và cán bộ chuyên trách quản lý TTXD xã, phường, thị trấn có quyền hạn và trách nhiệm sau:

1- Quyền hạn:

a- Yêu cầu đối tượng bị thanh tra, kiểm tra cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của hành vi xây dựng có liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

b- Lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng để xử lý hoặc trình  cấp có thẩm quyền xử lý.

c- Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng sang cơ quan điều tra hình sự để xử lý về hình sự nếu thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

2- Trách nhiệm:

a- Xuất trình thẻ Thanh tra viên hoặc thẻ công vụ (nếu là chuyên viên của  Thanh tra xây dựng hoặc cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn).

b- Thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra do pháp luật quy định.

c- Không gây phiền hà, sách nhiễu, hoặc cản trở đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.

d- Báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên trực tiếp về hoạt động của mình.

e- Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định hành chính của mình.

g- Xử lý kịp thời, công minh, đúng pháp luật, theo đúng thẩm quyền mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn được phân công.

Điều 6: Tiêu chuẩn cán bộ, công chức thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng và cán bộ chuyên trách quản lý TTXD ở xã, phường, thị trấn:

1- Tiêu chuẩn của Chánh Thanh tra, Phó Chánh thanh tra xây dựng Thành phố:

- Là thanh tra viên, công tác trong ngành từ 05 năm trở lên.

- Trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên và đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước

- Có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của Thanh tra xây dựng, thường xuyên giữ vững các mối quan hệ phục vụ cho công tác, có uy tín với quần chúng.

- Không bị kỷ luật từ khiển trách trở lên trong khoảng thời gian 02 năm trước khi bổ nhiệm.

2- Tiêu chuẩn của Chánh Thanh tra, phó chánh thanh tra xây dựng quận, huyện

- Là Thanh tra viên, đã có thời gian công tác trên 03 năm tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

- Có năng lực lãnh đạo và tổ chức hoàn thành nhiệm vụ được giao, có uy tín với quần chúng.

- Không bị kỷ luật từ khiển trách trở lên trong khoảng thời gian 02 năm trước khi bổ nhiệm.

3- Tiêu chuẩn thanh tra và cán bộ, nhân viên.

a- Tiêu chuân đối với Thanh tra viên:

- Có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh, khách quan.

- Là công chức Nhà nước, tốt nghiêp đại học một trong các ngành: xây dựng, kiến trúc, địa chính, pháp lý, hành chính Nhà nước, đã có thời gian công tác ít nhất 2 năm tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước; được học qua lớp đào tạo, bồi dưỡng Thanh tra xây dựng, có khả năng giao tiếp, truyền đạt, giải thích kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên môn thuộc các lĩnh vực Thanh tra xây dựng.

b- Tiêu chuẩn đối với chuyên viên: Là công chức Nhà nước, tốt nghiệp đại học xây dựng, kiến trúc, địa chính, pháp lý, hành chính Nhà nước và một số chuyên ngành khác phù hợp với công việc, cơ cấu cán bộ của cơ quan; được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước; được học qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng Thanh tra xây dựng.

c- Tiêu chuẩn đối với cán sự: Là công chức nhà nước, tốt nghiệp trung cấp xây dựng, hành chính Nhà nước và một số chuyên ngành khác (trung cấp tài chính, kế toán, văn thư lưu trữ) phù hợp với công việc của cơ quan.

d- Tiêu chuẩn nhân viên hợp đồng: Lực lượng nhân viên được tuyển dụng để làm một số loại công việc tại Thanh tra xây dựng quận, huyện thực hiện theo chế độ hợp đồng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ; Quyết định số 42/2001/QĐ-UB ngày 19/6/2001 của UBND Thành phố Hà Nội về “việc ban hành quy định tạm thời thực hiện chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước”; ngoài việc phải có bằng cấp hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc; đối với lực lượng kỹ thuật chuyên ngành phải am hiểu kỹ thuật và được đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật an toàn lao động.

Điều 7: Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh.

1- Chánh Thanh tra xây dựng Thành phố do Chủ tịch UBND Thành phố, bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở xây dựng; Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó Thanh tra xây dựng theo đề nghị của Chánh Thanh tra xây dựng Thành phố.

2- Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện do UBND Thành phố bổ nhiệm miễn nhiệm theo đề nghị của UBND quận, huyên; Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm.

3- Thanh tra viên chuyên ngành xây dựng do Chủ tịch UBND Thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của UBND quận, huyện, Giám đốc Sở Xây dựng.

4- Cán bộ quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn do UBND Quận, huyện bổ nhiệm, sau khi có ý kiến thoả thuận của Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố.

Điều 8: Quy trình xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng

1- Kiểm tra, phát hiện vi pham, lập biên bản:

a- Cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện kịp thời các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Cùng Tổ công tác lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư dừng xây dựng, có phiếu đề xuất xử lý về công trình vi phạm kèm theo biên bản, báo cáo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và Thanh tra xây dựng quận, huyện chậm nhất 24 giờ sau khi lập biên bản.

b- Cán bộ Thanh tra xây dựng quận, huyện được phân công theo dõi địa bàn, có trách nhiệm phát hiện, đôn đốc và hỗ trợ Tổ công tác của xã, phường, thị trấn lập biên bản để xử lý các trường hợp vi phạm TTXD. Trực tiếp lập biên bản để xử lý các trường hợp Tổ công tác chuyen trách buông lỏng quản lý, sau 24 giờ kể từ nhi đã nhận được thông báo vẫn chưa lập biên bản xử lý.

2- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

a- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn: Sau khi nhận được báo cáo của cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng, đối với công trình xây dựng trái phép chậm nhất 24 giờ phải giải quyết xử lý vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư khôi phục lại hiện trạng ban đầu; nếu chủ đầu tư không tự chấp hành, sau 5 ngày phải tổ chức cưỡng chế dỡ bỏ.

- Các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, xây dựng có những vi phạm khác: Trong thời hạn tối đa là 10 ngày kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính, phải ra quyết định xử phạt; nếu có nhiều tình tiết phức tạp, thời gian trên có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

b- Thanh tra xây dựng quận, huyện: Sau khi nhận được báo cáo của cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng cần đôn đốc, giám sát quá trình xử lý vi phạm của UBND xã, phường, thị trấn (nơi có công trình vi phạm trật tư xây dựng). Nếu quá thời gian quy định xử lý mà Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chưa thực hiện việc xử lý thì Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện có trách nhiệm ra quyết định xử lý theo thẩm quyền và báo cáo UBND quận, huyện xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn do không hoàn thành trách nhiệm.

c- Chủ tịch UBND quận, huyện: Sau khi nhận được báo cáo kèm theo hồ sơ có đề xuất xử lý vi phạm của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hoặc của Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện giải quyết như sau:

+ Trả lại hồ sơ, làm rõ trách nhiệm đùn đẩy, né tránh việc xử lý vi phạm của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn hoặc Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện nếu hành vi vi phạm chưa quá thẩm quyền của xã, phường, thị trấn hoặc Thanh tra xây dựng quận, huyện.

+ Ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết định xử phạt nếu hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền.

+ Lập hồ sơ kèm theo đề xuất xử lý trình UBND Thành phố xử phạt vi phạm hành chính, nếu việc xử phạt vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, huyện. Hồ sơ trình UBND Thành phố gửi thông qua Thanh tra xây dựng Thành phố.

d- Thanh tra xây dựng Thành phố:

+ Tiếp nhận và thụ lý hồ sơ vượt quá thẩm quyền xử phạt cua Chủ tịch UBND quận, huyện để trình UBND Thành phố xử phạt theo thẩm quyền.

+ Trực tiếp kiểm tra, xử lý và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo yêu cầu của UBND Thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng và thẩm quyền được giao.

Điều 9: Quy định về chế độ làm việc.

1- Chánh Thanh tra xây dựng Thành phố, Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện căn cứ quy định của Nhà nước có trách nhiệm phân công - bố trí cán bộ thường trực và có thời gian làm việc phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi cán bộ phụ trách địa bàn nghỉ ốm, nghỉ phép, phải bố trí cán bộ thay thế.

2- Khi thi hành công vụ, cán bộ công chức, thanh tra viên, nhân viên thanh tra xây dựng phải mặc trang phục, đeo phù hiệu, biển hiệu, xuất trình thẻ Thanh tra viên theo đúng quy định, thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền và địa bàn được phân công.

3- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền. Trong khi thi hành công vụ phải tuyệt đối chấp hành lệnh của cấp trên và đảm bảo quy trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định; thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên với cấp trên.

4- Cán bộ công chức, thanh tra viên, nhân viên công tác trong lực lượng thanh tra xây dựng trong khi thi hành công vụ phải tuân thủ các quy định của Nhà nước và của Thành phố. Chánh Thanh tra xây dựng Thành phố, Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy định, quy chế để quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan đảm bảo tính dân chủ, công khai và phù hợp với các quy định của Nhà nước và Thành phố.

Điều 10: Quy định về quản lý tài chính

- Kinh phí hoạt động cho công tác quản lý TTXD trên địa bàn Thành phố do ngân sách Thành phố cấp.

- Các khoản thu phạt để lại 100% cho cơ sở.

- Chánh Thanh tra xây dựng Thành phố, Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện là chủ tài khoản của cơ quan, chịu trách nhiệm thực hiện các khoản thu, khoản chi theo đúng dự toán được duyệt; thanh quyết toán theo đúng quy định của Luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước và Thành phố.

Điều 11: Công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện theo Luật khiếu nại, tố cáo đã được Quốc hội thông qua ngày 02/12/1998; các văn bản của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo.

Điều 12: Chế độ trực cơ quan và giải quyết các công việc đột xuất:

Tại trụ sở Thanh tra xây dựng Thành phố và thanh tra xây dựng quận, huyện phải bố trí cán bộ trực thường xuyên các ngày làm việc trong tuần; tại trụ sở Thanh tra xây dựng quận, huyện tuỳ tình hình cụ thể phải bố trí cán bộ trực trong những ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết để tiếp nhận thông tin, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo đến cấp có thẩm quyền giải quyết.

Điều 13: Chế độ họp và báo cáo

1 Chế độ họp

- Uỷ ban nhân dân Thành phố tổ chức họp giao ban định kỳ hàng quý về công tác quản lý TTXD với Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan. Hàng năm tổ chức họp kiểm điểm, sơ tổng kết công tác quản lý TTXD của Thành phố.

- Thanh tra xây dựng Thành phố tổ chức họp giao ban định kỳ hàng tháng với Thanh tra xây dựng quận, huyện và đại diện các cơ quan có liên quan.

- Uỷ ban nhân dân các quận, huyện bố trí họp định kỳ hàng tháng với UBND các xã, phường, thị trấn và các Phòng, Ban có liên quan về công tác quản lý TTXD.

2- Chế độ báo cáo:

- UBND xã, phường, thị trấn thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tháng, quý, năm hoặc đột xuất bằng văn bản về công tác quản lý TTXD cho UBND quận, huyện.

- Thanh tra xây dựng quận, huyện thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, quý, năm (hoặc đột xuất) bằng văn bản về công tác quản lý TTXD cho Thanh tra xây dựng Thành phố và UBND quận, huyện.

- UBND quận, huyện thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, năm bằng văn bản về công tác quản lý TTXD cho UBND Thành phố và đồng gửi Sở Xây dựng.

- Thanh tra xây dựng Thành phố chuẩn bị báo cáo tháng, quý năm để Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND Thành phố.

Điều 14: Mối quan hệ công tác

1- Thanh tra xây dựng Thành phố:

a- Đối với Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Thành phố:

- Chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra Bộ xây dựng và Thanh tra Thành phố.

- Có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất những nội dung hoạt động chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của ngành dọc cấp trên.

b- Đối với Sở Xây dựng:

- Chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Giám đốc sở Xây dựng.

- Có trách nhiệm tổng hợp tình hình TTXD trên địa bàn Thành phố, tham mưu, đề xuất với Giám đốc Sở về các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Xây dựng trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch; tuyên truyền, vân động các tổ chức và nhân dân thực hiện các chủ trương quyết định của Thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng.

c- Đối với Thanh tra xây dựng quận, huyện và UBND quận, huyện:

- Chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; kiểm tra hoạt động của Thanh tra xây dựng quận, huyện và cán bộ quản lý TTXD xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp với UBND quận, huyện trong hoạt động quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

d- Đối với Công an thành phố và các lực lượng Thanh tra chuyên ngành khác:

Chủ động phối kết hợp với Công an Thành phố và các lực lượng Thanh tra chuyên ngành khác trong việc xây dựng quy chế, quy trình thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo, phiền hà cho các chủ đầu tư xây dựng.

2- Thanh tra xây dựng quận, huyện:

a- Đối với UBND quận, huyện và các phòng chuyên môn trực thuộc quận, huyện:

- Chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của UBND quận, huyện.

- Có trách nhiêm tổng hợp, báo cáo tình hình TTXD trên địa bàn, tham mưu, đề xuất với UBND quận, huyện về các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý.

- Phối hợp các phòng chuyên môn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các tổ chức và nhân dân thực hiện các chủ trương, quyết định của Thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng.

b- Đối với Thanh tra xây dựng Thành phố:

- Chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, kiến nghị các biện pháp nhằm nâng cao hiệu qủa quản lý.

- Phối hợp quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

c- Đối với UBND xã, phường, thị trấn và cán bộ quản lý trật tự  xây dựng:

- Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý trật tự xây dựng cho cán bộ quản lý trật tự xây dựng của xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động các tổ chức và nhân dân thực hiện các chủ trương quyết định của Thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng. Phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn trong hoạt động quản lý và xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

- Đôn đốc, giám sát quá trình xử lý các vi phạm trật tự xây dựng của UBND xã, phường, thị trấn.

d- Đối với Công an Quận, Huyện và các lực lượng Thanh tra chuyên ngành khác được bố trí trên địa bàn:

Xây dựng kế hoạch, lịch công tác phối kết hợp trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng. Thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban với Công an Quận, Huyện và các lực lượng Thanh tra chuyên ngành khác trên địa bàn để rút kinh nghiệm trong việc phối kết hợp, tránh chồng chéo gây khó khăn cho chủ đầu tư xây dựng.

3- Cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị ở xã, phường, thị trấn:

a- Đối với UBND xã, phường, thị trấn và các bộ phận công tác khác:

- Chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của UBND xã, phường, thị trấn.

- Có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình trật tự XD trên địa bàn, kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cao hiệu quả quản lý.

- Phối hợp với cơ quan tuyên truyền, đoàn thể nhân dân tuyên truyền, vận động tổ chức và nhân dân thực hiện chủ trương và các quy định của Thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng.

b- Đối với Thanh tra xây dựng quận, huyện:

- Chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ

- Có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình trật tự XD trên địa bàn, kiến nghị các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

- Phối hợp quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

c- Đối với Công an khu vực và cán bộ Thanh tra chuyên ngành khác cùng được phân công phụ trách địa bàn:

Chủ động phối kết hợp với công an khu vực và cán bộ Thanh tra chuyên ngành khác, kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn.

Chương 3:

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 15: Cán bộ, công chức thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng và cán bộ quản lý TTXD có thành tích trong việc thực hiện công vụ thì được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước hiện hành.

Điều 16: Việc xử lý kỷ luật cán bộ, thanh tra vien, nhân viên nhằm mục đích giáo dục góp phần phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm minh với những hành vi vi phạm quy định của Nhà nước, của UBND Thành phố và quy chế làm việc của cơ quan.

1- Cán bộ công chức, Thanh tra viên, nhân viên là công chức Nhà nước thuộc lực lượng Thanh tra Xây dựng khi vi phạm kỷ luật tuỳ theo mức độ sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch lương, cách chức, buộc thôi việc theo quy định tại Nghị định 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức.

2- Cán bộ, Thanh tra viên thuộc Thanh tra xây dựng quận, huyện và cán bộ chuyên trách quản lý trật tự xây dựng xã, phường, thị trấn, do thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng quy trình làm việc (không nắm địa bàn và phát hiện kịp thời các trường hợp xây dựng có sai phạm), được quy định tại điều 5, điều 6 chương II đến lần thứ hai, phải chịu hình thức kỷ luật thấp nhất là cảnh cáo, nếu tái phạm lần thứ ba phải chịu hình thức kỷ luật cách chức (đối với người có chức vụ) hoặc buộc thôi việc.

3- Đối với những người làm việc theo chế độ hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế tại Thanh tra xây dựng khi vi phạm kỷ luật được xử lý theo Bộ luật lao động và Nghị định số 41/CP ngày 6/7/1995 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất; tuỳ theo mức độ phạm lỗi bị xử lý theo một trong các hình thức sau: Khiển trách, chuyển sang làm việc khác, sa thải theo quy định của Bộ luật lao động.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17: Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Thành phố; Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và các Tổ chức có liên quan thi hành Quy chế này. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện báo cáo bằng văn bản về UBND Thành phố (qua Ban Tổ chức chính quyền Thành phố) để xem xét bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 127/2002/QĐ-UB về Quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng Thành phố và cán bộ chuyên trách quản lý TTXD xã, phường, thị trấn do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 127/2002/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/09/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản