Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1252/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 25 tháng 6 năm 2013 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TẬP TRUNG TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020; Quyết định số 3338/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2009 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển Nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 494/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2011 của UBND tỉnh Sơn La về việc cho phép lập dự án quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 31 tháng 3 năm 2011 của UBND tỉnh Sơn La về việc điều chỉnh chủ đầu tư dự án quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 166/TTr-SNN ngày 17 tháng 6 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Quan điểm phát triển
- Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La. Tạo tiền đề cho phát triển vùng rau an toàn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
- Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hoá phù hợp với các tiểu vùng khí hậu, đất đai và tập quán canh tác, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (nhất là công nghệ sinh học) vào sản xuất.
- Phát triển sản xuất rau an toàn một cách bền vững, lấy hiệu quả kinh tế và sức khoẻ con người làm thước đo quan trọng trong sự phát triển.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu tổng quát
- Phát huy lợi thế về diện tích đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực của tỉnh Sơn La. Phấn đấu đến năm 2020 sản xuất rau trở thành một ngành phát triển theo hướng chuyên canh, mang lại thu nhập cao, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế nội bộ ngành. Tạo ra các vùng sản xuất tập trung rau an toàn, tiến tới sản xuất các loại sản phẩm rau an toàn cao cấp và rau trái vụ, phục vụ cho thị trường Sơn La, Hà Nội, các tỉnh lân cận và hướng tới xuất khẩu.
- Phát triển sản xuất rau an toàn theo hướng chuyên canh vùng tập trung, có năng suất chất lượng cao bằng công nghệ tiên tiến, trồng trong nhà lưới và trực tiếp ngoài trời.
- Tập trung phát triển, tăng nhanh diện tích sản xuất rau an toàn trước hết ở các vùng có đủ điều kiện về đất đai, nước tưới, môi trường cho sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất tập trung chuyên canh, có các điều kiện thuận lợi như: có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất rau các loại, cơ sở hạ tầng đầy đủ, thị trường tiêu thụ thuận lợi,…
b) Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2020, toàn tỉnh ổn định 6.700 ha rau các loại, sản lượng đạt trên 85 nghìn tấn vào năm 2015 và đạt trên 112 nghìn tấn vào năm 2020, sản xuất rau cơ bản theo hướng an toàn.
- Đến năm 2015, toàn tỉnh có 231,4 ha sản xuất rau an toàn vùng tập trung (diện tích gieo trồng đạt trên 732 ha) diện tích sản xuất rau an toàn vùng tập trung chiếm khoảng trên 13,3% trong tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh. Năng suất rau an toàn đạt trung bình trên 145 tạ/ha, đạt sản lượng khoảng trên 10,6 nghìn tấn (chiếm trên 12,4% tổng sản lượng rau toàn tỉnh).
- Đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 497,3 ha sản xuất rau an toàn vùng tập trung (diện tích gieo trồng đạt trên 1.668 ha) diện tích sản xuất rau an toàn vùng tập trung chiếm khoảng trên 24,9% trong tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh. Năng suất rau an toàn đạt trung bình trên 157tạ/ha, đạt sản lượng khoảng 26,83 nghìn tấn (chiếm trên 22,6% tổng sản lượng rau toàn tỉnh).
II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TẬP TRUNG ĐẾN NĂM 2020
1. Quy hoạch sản xuất rau an toàn và rau an toàn tập trung tỉnh Sơn La đến năm 2020
Đến năm 2020 toàn tỉnh có 497,3 ha trồng rau an toàn tập trung, diện tích gieo trồng đạt 1.678 ha, sản lượng rau an toàn tập trung đạt 26.830 tấn, cụ thể:
Biểu 1
Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tỉnh Sơn La
STT | Địa bàn | Đến năm 2015 | Đến năm 2020 | ||||||
Diện tích trồng RAT (Ha) | TĐ: Sản xuất RAT tập trung | Diện tích trồng RAT (Ha) | TĐ: Sản xuất RAT tập trung | ||||||
Diện tích sản xuất (Ha) | Diện tích gieo trồng (Ha) | Sản lượng (Tấn) | Diện tích sản xuất (Ha) | Diện tích gieo trồng (Ha) | Sản lượng (Tấn) | ||||
1 | Thành phố Sơn La | 705 | 42,1 | 135 | 2.024 | 880 | 68 | 245 | 3.958 |
2 | Huyện Mai Sơn | 627 | 57 | 182 | 1.899,2 | 911 | 99 | 356 | 3.856 |
3 | Huyện Yên Châu | 564 | 23 | 74 | 970 | 671 | 69 | 248 | 3.571 |
4 | Huyện Mộc Châu | 1.171 | 62 | 191 | 3.438 | 1.279 | 159 | 461 | 9.652 |
5 | Huyện Phù Yên | 655 | 47,3 | 151 | 2.237 | 1.023 | 102,3 | 368 | 5.793 |
6 | Các huyện khác | 1.828 |
|
|
| 1.936 |
|
|
|
| Tổng số | 5.550,0 | 231,4 | 732,0 | 10.568,2 | 6.700,0 | 497,3 | 1.678,0 | 26.830 |
2. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tỉnh Sơn La
Các vùng sản xuất rau an toàn phải đáp ứng về tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn phải tuân theo quy định tại Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định về quản lý, sản xuất rau, quả và chè an toàn.
Diện tích đất các tiểu vùng sản xuất rau an toàn tập trung đến năm 2020 như sau:
- Thành phố Sơn La: 8 tiểu vùng với tổng diện tích 68 ha, ở phường Chiềng Cơi (2 tiểu vùng), xã Chiềng Xôm (4 tiểu vùng), phường Chiềng An (1 tiểu vùng), Phường Chiềng Sinh (1 tiểu vùng).
- Huyện Mai Sơn: 10 tiểu vùng, với tổng diện tích 99 ha, tập trung ở thị trấn Hát Lót (3 tiểu vùng), xã Cò Nòi (3 tiểu vùng), xã Hát Lót (1 tiểu vùng), xã Mường Bon (3 tiểu vùng).
- Huyện Yên Châu: 7 vùng, với tổng diện tích 69 ha, tập trung ở xã Chiềng Pằn (1 tiểu vùng), xã Chiềng Đông (3 tiểu vùng), xã Chiềng Sàng (3 tiểu vùng).
- Huyện Mộc Châu: 15 tiểu vùng, với tổng diện tích 159 ha, tập trung ở xã Vân Hồ (2 tiểu vùng), xã Phiêng Luông (3 tiểu vùng), xã Mường Sang (3 tiểu vùng), xã Đông Sang (2 tiểu vùng), thị trấn Nông Trường (1 tiểu vùng), thị trấn Mộc Châu (1 tiểu vùng) xã Tân Lập (2 tiểu vùng) và xã Chiềng Hắc (1 tiểu vùng). - Huyện Phù Yên: 16 tiểu vùng, với tổng diện tích 102,3 ha, tập trung ở xã Gia Phù (3 tiểu vùng), xã Huy Bắc (2 tiểu vùng), xã Quang Huy (5 tiểu vùng), xã Tường Phù (2 tiểu vùng), xã Huy Thượng (1 tiểu vùng), xã Huy Tân (1 tiểu vùng), xã Huy Hạ (1 tiểu vùng), xã Mường Thải (1 tiểu vùng).
3. Quy hoạch một số loại rau an toàn chính
- Với quan điểm rau an toàn là hàng hoá đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Như vậy chủng loại rau an toàn trong giai đoạn trước mắt sẽ tập trung vào các loại rau truyền thống, đồng thời đưa nhanh vào sản xuất các giống mới có năng suất chất lượng cao, được thị trường chấp nhận và phù hợp với điều kiện của Sơn La. Bên cạnh đó từng bước đưa vào sản xuất các loại rau cao cấp đã được thử nghiệm thành công như ngô bao tử, dưa chuột bao tử, dưa chuột Nhật, ớt,... vào sản xuất.
- Chủng loại rau an toàn từng vụ, được bố trí tuỳ theo nhu cầu của thị trường. Trồng rau an toàn cần bố trí luân canh, trồng rau trong thời gian giáp vụ; chính vụ phải nhiều rau ngon và rau dự trữ cho giáp vụ.
- Trong các tháng thiếu rau là tháng 2 chuyển sang tháng 3; tháng 6 chuyển sang tháng 7 và tháng 10 sang tháng 11 áp dụng các biện pháp như luân canh, xen canh gối vụ để khắc phục.
- Trồng xen canh, gối vụ không ảnh hưởng và làm giảm thu hoạch đến cây trồng chính (đối với xen) và cây trồng sau (đối với gối).
- Thời vụ sản xuất rau an toàn: Định hướng tăng dần cơ cấu diện tích vụ Mùa, tuy nhiên các loại rau vụ Đông Xuân vẫn chiếm đại đa số trong tổng sản lượng RAT của tỉnh đến năm 2020.
- Dự kiến đến năm 2020, các loại rau có nguồn gốc ôn đới như: bắp cải, su hào, khoai tây, cà chua, rau cải chiếm khoảng trên 47% sản lượng rau an toàn tập trung toàn tỉnh.
III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
1. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất rau
- Lựa chọn vùng tập trung có diện tích lớn và có điều kiện thuận lợi để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khép kín và tác động các giải pháp đồng bộ nhằm hình thành các vùng sản xuất RAT tập trung trọng điểm.
- Các hạng mục đầu tư: xây dựng mới và nâng cấp hệ thống tưới - tiêu; nhà lưới; hệ thống điện cho sản xuất; Nhà sơ chế bảo quản, đóng gói phân loại, hệ thống thu gom phế liệu và xử lý môi trường,… (đối với các vùng trình diễn sẽ tăng cường đầu tư thêm một số tiến bộ kỹ thuật như: hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt; sản xuất giống trong khay,…).
2. Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất và kinh doanh rau an toàn
- Xây dựng mới hoặc nâng cấp đường giao thông nối từ trục giao thông chính tới vùng sản xuất: có mặt đường rộng tối thiểu 3,5 m là đường cấp phối trở lên; Làm mới đường trục chính của vùng sản xuất có mặt đường rộng tối thiểu 2,5m; đường nhánh có mặt đường rộng 1,5m.
- Hệ thống tưới: Tuỳ điều kiện từng vùng, nguồn nước và loại rau để lựa chọn xây dựng hệ thống tưới phù hợp.
- Hệ thống tiêu nước: Tuỳ điều kiện vùng đất và loại rau để xây dựng hệ thống tiêu nước phù hợp, bao gồm tiêu nước tự chảy hoặc bơm.
- Nhà sơ chế: Xây dựng nhà sơ chế phù hợp với quy mô sản xuất và chủng loại sản phẩm. Nhà sơ chế gồm: Khu vực tiếp nhận; khu vực sơ chế; khu vực bảo quản; khu cung cấp nước: Bể chứa, bể rửa; khu vệ sinh và khu chứa phế thải. Các trang thiết bị sơ chế phải đảm bảo vệ sinh, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định.
- Bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp: Xây dựng ít nhất 01 bể chứa/02 ha để thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tránh gây ô nhiễm môi trường. Bể chứa xây kiên cố có đáy, mái che.
- Hệ thống điện: Gồm hệ thống đường dây và trạm biến áp (công suất tối thiểu 110KVA/1 vùng); phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng; đáp ứng yêu cầu sản xuất, sơ chế.
- Nhà lưới, nhà kính: Tùy theo điều kiện của từng vùng, chủng loại rau, thời vụ gieo trồng để đầu tư nhà màn, nhà lưới, mái che kiên cố hoặc bán kiên cố có quy mô phù hợp.
- Xây dựng hệ thống tiêu thụ và quảng bá sản phẩm
- Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế an toàn; chứng nhận, công bố sản xuất rau an toàn phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP; chứng nhận, công bố chế biến rau an toàn phù hợp HACCP;
3. Dự án đầu tư, xây dựng trung tâm phân tích, kiểm định chất lượng rau quả Sơn La
Xây dựng trung tâm phân tích, kiểm định chất lượng, triển khai xây dựng trong giai đoạn 2012 - 2015 trực thuộc Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản nhằm tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ công tác quản lý sản xuất, kinh doanh RAT (Thành lập tổ kiểm tra và đầu tư trang thiết bị máy móc phân tích).
4. Dự án quản lý chất lượng sản phẩm rau an toàn
- Đào tạo, tập huấn, chỉ định và quản lý hoạt động của hệ thống người lấy mẫu, phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận rau an toàn.
- Khuyến khích các HTX, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn tự đánh giá và giám sát nội bộ. Hình thức này vừa giảm chi phí cho thuê tổ chức giám sát, đánh giá, vừa có tác dụng để cán bộ nhân viên của HTX, doanh nghiệp hiểu, và cùng phấn đấu giữ gìn uy tín, thương hiệu của HTX, công ty mình.
- Xây dựng các nhóm nông dân sản xuất rau an toàn tự quản và tự giám sát lẫn nhau. Hình thức này huy động cả cộng đồng trồng rau an toàn vào công tác giám sát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp cố tình vi phạm, để đảm bảo uy tín về chất lượng rau an toàn của nhóm hộ, của HTX.
5. Dự án quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ RAT
- Xây dựng thương hiệu, xây dựng trang Website về RAT của tỉnh.
- Dự án quảng cáo giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài TW và địa phương.
- Dự án tuyên truyền, vận động các tổ chức đoàn thể trong và ngoài tỉnh; các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như; các hội phụ lão, phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên…Công tác tuyên truyền vừa phổ biến quy trình sản xuất, vừa quảng bá sản phẩm để mọi người dân trong tỉnh tích cực tham gia vào sản xuất, giám sát và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
IV. KHÁI TOÁN VỐN ĐẦU TƯ VÀ HIỆU QUẢ CỦA DỰ ÁN
1. Tổng nhu cầu vốn đâu tư theo nguồn vốn, theo giai đoạn và các giải pháp huy động vốn
Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển sản xuất rau an toàn tỉnh Sơn La đến năm 2020 cần 700,416 tỷ đồng; Trong đó vốn từ đầu tư cơ sở hạ tầng nguồn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ các vùng RAT là 42,916 tỷ đồng,
Dự kiến phân kỳ vốn đầu tư như sau:
+ Giai đoạn 2013 - 2015: 285,012 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: 415,404 tỷ đồng.
Vốn ngân sách: hỗ trợ như sau
+ Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhà lưới, hệ thống điện cho sản xuất, hệ thống thu gom phế liệu và xử lý môi trường, dự kiến vốn ngân sách hỗ trợ từ 30-40%. Còn các mô hình điểm hỗ trợ 100%, cần lượng vốn là 42 tỷ đồng.
+Tập huấn đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cần 20 tỷ đồng.
+ Quản lý nhà nước và tuyên truyền xúc tiến thương mại: 19 tỷ đồng.
Tổng số vốn ngân sách là: 90,416 tỷ đồng, chiến 12,9% tổng số vốn.
Vốn từ chính người dân, doanh nghiệp, vốn tín dụng: Đây là nguồn vốn tự có của người dân và các doanh nghiệp tích lũy từ các hoạt động sản xuất hoặc từ các hoạt động kinh tế khác (kể cả doanh nghiệp trong và ngoài nước) dự kiến 610 tỷ đồng, chiếm 87,09,3% tổng số vốn.
Biểu 2
Tổng vốn đầu tư phát triển vùng sản xuất RAT tập trung đến năm 2020
Đơn vị: Triệu đồng
STT | Hạng mục | Tổng cộng | 2013 - 2015 | 2016 - 2020 |
A | Vốn ngân sách nhà nước | 90.416 | 35.012 | 55.404 |
I | Đầu tư hạ tầng cơ sở xây dựng vùng sản xuất RAT | 42.916 | 16.012 | 26.904 |
1 | Số vùng có quy mô lớn và vừa |
|
|
|
| - Số lượng (vùng) | 23 | 12 | 11 |
| - Quy mô (ha) | 272 | 167,05 | 104,50 |
| - Vốn đầu tư | 21.724 | 13.364 | 8.360 |
2 | Số vùng có quy mô nhỏ |
|
|
|
| - Số lượng (vùng) | 28 | 13 | 15 |
| - Quy mô (ha) | 123,15 | 58,85 | 64,30 |
| - Vốn đầu tư | 5.542 | 2.648 | 2.894 |
3 | Xây dựng mô hình triển khai (5 vùng) |
|
|
|
| - Quy mô (ha) | 62,60 |
| 62,60 |
| - Vốn đầu tư | 15.650 |
| 15.650 |
II | Tập huấn, đào tạo, chuyển giao TBKT | 20.000 | 9.000 | 11.000 |
1 | Xây dựng quy trình sản xuất RAT | 5.000 | 2.000 | 3.000 |
2 | Tập huấn, đào tạo, chuyển giao | 8.000 | 3.000 | 5.000 |
3 | Thử nghiệm chuyển giao ứng dụng TBKT vào sản xuất RAT | 7.000 | 4.000 | 3.000 |
III | Hỗ trợ việc tiêu thụ RAT | 8.500 | 3.000 | 5.500 |
1 | C/sở cung ứng, dịch vụ giống, vật tư | 2.500 | 1.000 | 1.500 |
2 | Mạng lưới tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm RAT: (150 điểm bán hàng) | 6.000 | 2.000 | 4.000 |
IV | Quản lý Nhà nước sản xuất, tiêu thụ RAT | 17.000 | 6.000 | 11.000 |
1 | Cấp giấy chứng nhận | 5.000 | 2.000 | 3.000 |
2 | Quản lý, hướng dẫn, giám sát RAT | 5.000 | 3.000 | 2.000 |
3 | Mua xe chuyên dùng và máy phân tích, kiểm tra, giám sát | 5.000 |
| 5.000 |
V | Tuyên truyền xúc tiến thương mại | 2.000 | 1.000 | 1.000 |
B | Vốn ngoài ngân sách (doanh nghiệp, HTX, hộ, vốn vay) | 610.000 | 250.000 | 360.000 |
1 | Đầu tư hạ tầng: điện, nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới …. | 300.000 | 100.000 | 250.000 |
2 | Đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến, nhà sơ chế, kho lạnh, nhà điều hành... | 150.000 | 100.000 | 50.000 |
3 | Đầu tư sản xuất, UDTBKHKT mới, về giống, kỹ thuật canh tác, tập huấn, đào tạo. | 100.000 | 65.000 | 35.000 |
4 | Mua xe vận chuyển chuyên dùng để tiêu thụ sản phẩm. | 50.000 | 30.000 | 20.000 |
5 | Xây dựng thương hiệu và mạng lưới tiêu thụ, quảng bá sản phẩm | 10.000 | 5.000 | 5.000 |
| Tổng vốn đầu tư (A+B) | 700.416 | 285.012 | 415.404 |
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm
Thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ RAT để nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất và người tiêu dùng, tạo cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
2. Giải pháp về tổ chức sản xuất
- Củng cố, hình thành các hình thức hợp tác trong sản xuất RAT.
- Hình thành các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.
- Tổ chức thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn.
3. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
- Đào tạo, bố trí đủ đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực và trình độ quản lý, kiểm soát chất lượng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, có cơ chế phù hợp để đảm bảo hoạt động giám sát có hiệu quả.
- Hỗ trợ (về đào tạo cán bộ), khuyến khích thành lập các tổ chức độc lập giám sát và cấp Giấy chứng nhận sản xuất, sơ chế rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP.
- Đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ kỹ thuật có đủ trình độ chuyên môn, năng lực quản lý chỉ đạo sản xuất - tiêu thụ RAT.
- Hàng năm với chương trình đào tạo nghề nông dân nông thôn, đào tạo cán bộ khuyến nông và kỹ thuật viên tại các vùng sản xuất rau an toàn.
4. Giải pháp về đất đai
- Cải tạo xây dựng cơ sở hạ tầng, kết hợp với vận động đổi điền, dồn thửa và tích tụ đất đai khắc phục tình trạng manh mún đất đai, để tăng quy mô ruộng đất, tăng hiệu quả của sản xuất rau an toàn.
- Vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa trong vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn, nhất là những gia đình có kinh nghiệm, có tiềm lực về lao động và vốn đầu tư.
5. Giải pháp về tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật
- Khảo nghiệm, tuyển chọn các giống mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, hợp thị hiếu của người tiêu dùng.
- Hướng dẫn, chỉ đạo nông dân trồng rau an toàn theo cơ cấu mùa vụ, luân canh, xen canh, bố trí cơ cấu chủng loại rau hợp lý nhằm cung cấp cho thị trường các loại sản phẩm rau an toàn phong phú về chủng loại ở mọi thời gian trong năm.
- Thử nghiệm và chuyển giao TBKT mới vào sản xuất RAT: Che phủ nilon, giống mới, phân bón mới, tưới nhỏ giọt, thuốc BVTV mới,…
6. Xây dựng mô hình điểm về sản xuất rau an toàn
Xây dựng các mô hình điểm sản xuất giống rau nhằm từng bước đáp ứng nhu sản xuất trên địa bàn tỉnh.
- Thành phố Sơn La: Dự kiến diện tích 2 ha tại phường Chiềng Cơi.
- Huyện Mai Sơn: Dự kiến 2 ha tại xã Cò Nòi.
- Huyện Yên Châu: Dự kiến 2 ha tại xã Chiềng Đông
- Huyện Mộc Châu: Dự kiến 2 ha tại xã Mường Sang.
- Huyện Phù Yên: Dự kiến 2 ha tại xã Quang Huy.
- Xây dựng khu nuôi cấy mô để chủ động nguồn giống đạt chất lượng cao, nhân nhanh các giống quý, đặc sản phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.
7. Giải pháp về kiểm soát sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm
- Quá trình sản xuất rau của nông dân chịu sự kiểm tra giám sát của cán bộ kỹ thuật phụ trách nhóm hộ; cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình; chính quyền địa phương (xã, HTX); Các cơ quan có chức năng khác của Trung ương, tỉnh ...
- Thường xuyên lấy mẫu sản phẩm trước khi thu hoạch một cách ngẫu nhiên nhằm kiểm tra chất lượng (dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng NO3-, vi sinh vật) để đảm bảo sản phẩm rau an toàn, đạt các chỉ tiêu chất lượng trong quy trình.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát các cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tổ chức kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh rau an toàn.
- Đào tạo, tập huấn, chỉ định và quản lý hoạt động của hệ thống người lấy mẫu, phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận rau an toàn.
- Khuyến khích các HTX, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn tự đánh giá và giám sát nội bộ để cùng phấn đấu giữ gìn uy tín, thương hiệu.
8. Giải pháp về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm
- Trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành, ban hành các văn bản hướng dẫn và quản lý sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ RAT.
- Đào tạo, bố trí đủ đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực và trình độ quản lý, kiểm soát chất lượng RAT từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Có cơ chế hỗ trợ phù hợp để đảm bảo hoạt động giám sát có hiệu quả.
- Tăng cường tổ chức thanh kiểm tra, giám sát sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh RAT để giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về sản xuất và tiêu thụ RAT, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Thực hiện chính sách xã hội hoá công tác kiểm tra giám sát quá trình sản xuất chế biến, vận chuyển kinh doanh rau an toàn.
- Thành lập các tổ chức độc lập giám sát và cấp Giấy chứng nhận sản xuất, sơ chế rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP.
9. Giải pháp về chính sách.
- Sớm cụ thể hóa các chính sách về phát triển một số sản phẩm nông sản an toàn trong đó có rau an toàn để áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Đề xuất bổ sung một số chính sách khuyến khích sản xuất rau an toàn.
10. Giải pháp quảng bá xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại
- Xây dựng thương hiệu, xây dựng trang Website về RAT của tỉnh.
- Quảng cáo giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài TW và địa phương.
- Thông tin quảng bá những cơ sở sản xuất và kinh doanh rau an toàn đảm bảo chất lượng đáng tin cậy, cảnh báo những cơ sở vi phạm để người tiêu dùng biết để lựa chọn.
- Biên soạn và in ấn các tờ rơi tuyên truyền về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Học tập kinh nghiệm của các tỉnh và các nước.
11. Giải pháp về vốn
- Huy động vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tham gia đầu tư sản xuất rau an toàn (các doanh nghiệp, Công ty, HTX, tổ hợp, nhóm hộ, cá nhân ...)
- Tạo điều kiện vay vốn sản xuất rau nhất là rau an toàn, rau hữu cơ với thời gian trung hạn, dài hạn với lãi suất thấp.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản
- Công bố công khai quy hoạch này đến các Sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.
- Xây dựng và chủ trì thực hiện một số dự án đầu tư vùng sản xuất RAT trọng điểm theo hướng kỹ thuật cao để làm điển hình cho các địa phương nhân rộng.
- Xây dựng một số mô hình sản xuất, kinh doanh rau an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ rau an toàn.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành trong sản xuất, kinh doanh rau an toàn trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì việc theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Đề xuất chính sách khuyến khích sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ rau an toàn.
- Hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh.
2. Các sở, ban, ngành của tỉnh
Sở Công thương: Đề xuất quy hoạch các chợ đầu mối nông sản thực phẩm và RAT; rà soát, bố trí các cửa hàng, quầy hàng, gian hàng RAT tại các khu dân cư, chợ, siêu thị. Phối hợp quản lý kinh doanh RAT.
Sở Y tế: Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị liên quan phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản trong việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau không bảo đảm chất lượng hoặc gây mất an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh bổ sung quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất cho các địa phương. Thẩm định thiết kế hệ thống xử lý môi trường ở các vùng sản xuất RAT tập trung, các chợ đầu mối,… Thẩm định sử dụng tài nguyên đất, nước ngầm phục vụ sản xuất RAT. Hướng dẫn thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn thủ tục đầu tư và thẩm định các dự án xây dựng vùng sản xuất RAT tập trung, các cơ sở sơ chế, chế biến, chợ đầu mối RAT... , trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Sở Tài chính: Căn cứ vào các chương trình, dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt để cân đối, bố trí kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ thực hiện hàng năm.
Sở Khoa học và Công nghệ: Tăng cường, khuyến khích nghiên cứu thực hiện các đề tài dự án và ứng dụng các công nghệ tiến tiến, như: giống, canh tác và công nghệ chế biến bảo quản … để áp dụng vào sản xuất rau an toàn.
Các tổ chức xã hội, đoàn thể: Phối hợp phổ biến, tuyên truyền các quy định của Nhà nước và tỉnh trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ RAT.
3. UBND các huyện, thành phố
Chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn. Lập dự án đầu tư xây dựng các vùng sản xuất RAT tập trung và tổ chức thực hiện.
Căn cứ nội dung của đề án, tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch và phân bổ ngân sách hỗ trợ sản xuất, sơ chế, tiêu thụ RAT trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn; Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển sản xuất, tiêu thụ RAT.
Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện quy chế giám sát cộng đồng đối với việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn của địa phương mình.
4. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rau trên địa bàn tỉnh
- Tuân thủ Luật An toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh rau.
- Tích cực tham gia xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn huyện, thành phố trong tỉnh; tham gia xây dựng mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh rau an toàn theo chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
- Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến VietGAP, GMP, HACCP…, trong sản xuất, chế biến, kinh doanh rau an toàn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 25/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 1935/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 3Quyết định số 1494/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- 4Quyết định 4152/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 5Quyết định 1742/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020
- 6Quyết định 2269/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành dự án: Quy hoạch phát triển sản xuất rau an toàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020
- 7Quyết định 1702/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Đề án tổ chức sản xuất rau an toàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 8Quyết định 2070/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020
- 9Quyết định 4654/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tổ chức sản xuất rau an toàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020
- 10Kế hoạch 304/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 1Quyết định 384/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Chỉ thị 25/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 5Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 6Quyết định 3338/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt quy hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2009 - 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành
- 7Luật an toàn thực phẩm 2010
- 8Quyết định 1935/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 9Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT về Quy định quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10Quyết định số 1494/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025
- 11Quyết định 4152/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 12Quyết định 1742/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau, củ, quả trên đất cát ven biển tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020
- 13Quyết định 2269/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành dự án: Quy hoạch phát triển sản xuất rau an toàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020
- 14Quyết định 1702/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Đề án tổ chức sản xuất rau an toàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 15Quyết định 2070/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020
- 16Quyết định 4654/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tổ chức sản xuất rau an toàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020
- 17Kế hoạch 304/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La
Quyết định 1252/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020
- Số hiệu: 1252/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 25/06/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
- Người ký: Cầm Ngọc Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/06/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra