Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1245/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 15 tháng 6 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 90/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và mức vốn đối ứng của ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 42/TTr-SXD ngày 02/6/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn triển khai thực hiện Đề án đạt kết quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn và thủ trưởng các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: XD, LĐ-TB và XH, KH và ĐT, TC;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BTV UBMTTQ VN tỉnh;
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH Quảng Nam;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, KGVX, KTN(Đ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số    /QĐ-UBND ngày    /6/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

I. MỞ ĐẦU

1. Khái quát những đặc điểm nổi bật của tỉnh và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm gần đây

Quảng Nam là một trong những tỉnh ở vùng duyên hải miền Trung, là nơi thường xuyên xảy ra thiên tai bão, lụt hằng năm nên đời sống của Nhân dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh thông qua các chương trình, đề án, dự án đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Tuy nhiên, do phần lớn các hộ nghèo trong tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trình độ sản xuất còn thấp, chưa có điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều vào sản xuất nên năng suất ch a cao, các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải thiện đời sống, nhà ở chưa được xây dựng kiên cố, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, do đó các hộ nghèo vẫn chưa có điều kiện thoát nghèo, thậm chí có nguy cơ tái nghèo cao.

2. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020

- Từ năm 2016-2020, tổng kinh phí huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo thường xuyên 12.370,703 tỷ đồng; trong đó: kinh phí được cấp thẩm quyền giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 1.737,582 tỷ đồng (ngân sách tỉnh đối ứng 158 tỷ đồng); kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung của quốc gia là 8.572,133 tỷ đồng (nguồn vốn tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 6.727,365 tỷ đồng); kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh ban hành 1.592,619 tỷ đồng (cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm 186,5 tỷ đồng); nguồn vốn huy động thực hiện khác trên 300 tỷ đồng.

- Kết quả thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 do HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017; sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND ngày 28/9/2018: trong 04 năm (2017-2020) UBND tỉnh đã bố trí 385 tỷ đồng cho 09 huyện miền núi để thực hiện Nghị quyết, trong đó có 6.917 hộ được hỗ trợ sắp xếp di dời chỗ ở; 67 hộ thực hiện di dời chỉnh trang tại chỗ do có chia sẻ đất ở cho hộ mới đến, kinh phí thực hiện 366 tỷ đồng.

3. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được thực hiện trên địa bàn 06 huyện miền núi thời gian qua

- Hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg: thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 3.354 hộ; kinh phí ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh 117.004 triệu đồng.

- Hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh: thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 859 hộ; kinh phí ngân sách tỉnh 31.100 triệu đồng.

- Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg: thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.336 hộ; kinh phí hỗ trợ thông qua vốn vay ngân hàng 33.205 triệu đồng.

- Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg: thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 47 hộ; kinh phí ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh 864 triệu đồng.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh

a) Về số lượng nhà:

- Theo Quyết định số 3672/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Quảng Nam năm 2022. Tổng hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là 18.709 hộ; trong đó:

Hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là 9.197 hộ (các huyện nghèo là 8.547 hộ). Trong đó: khu vực thành thị 435 hộ, khu vực nông thôn 8.762 hộ.

Hộ cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là 507 hộ (các huyện nghèo là 311 hộ). Trong đó: khu vực thành thị 50 hộ, khu vực nông thôn 457 hộ.

Hộ nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở là 8.577 hộ (các huyện nghèo là 8.036 hộ). Trong đó: khu vực thành thị 331 hộ, khu vực nông thôn 8.246 hộ.

Hộ cận nghèo thiếu hụt về diện tích nhà ở là 428 hộ (các huyện nghèo là 287 hộ). Trong đó: khu vực thành thị 14 hộ và khu vực nông thôn 414 hộ.

b) Về chất lượng nhà ở: thực trạng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở trên địa bàn tỉnh là chưa có nhà ở ổn định hoặc có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ nhưng không có khả năng tự cải thiện nhà ở; diện tích nhỏ hẹp, thời gian sử dụng ngắn, thường xuyên hư hỏng, thấm dột, không đảm bảo chất lượng sử dụng, có nhiều hộ nhà ở hư hỏng nặng, phải chống đỡ sử dụng tạm thời, nhưng chưa có điều kiện để xây dựng, sửa chữa lại.

2. Đánh giá tác động của các yếu tố khí hậu đối với nhà ở về đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc trên địa bàn tỉnh

Quảng Nam là tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung, có 125 km chiều dài bờ biển thuộc địa giới hành chính của 08 huyện, thị xã, thành phố. Địa hình trong tỉnh bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối nên thường gây lũ, lụt lớn.

Trong 10 năm gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xảy ra các loại hình thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, động đất,... càng về sau tần suất xảy ra thường xuyên hơn, phức tạp hơn về diễn biến và nghiêm trọng hơn về hậu quả. Từ năm 2010 đến nay, thiên tai đã gây chết 261 người, làm sập và làm hư hỏng trên 584.000 ngôi nhà, làm hư hỏng nhiều hồ, đập thủy lợi, cầu, cống giao thông,.... Tổng giá trị thiệt hại từ năm 2010 đến nay, ước tính gần 24.000 tỷ đồng, chưa tính đến thiệt hại mang tính ảnh hưởng lâu dài. Nhiều đoạn đường trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng, cắt đứt hoàn toàn, cô lập nhiều khu dân cư.

3. Nhận xét, đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã và đang thực hiện tại địa phương

Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm tích cực của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan cũng như của tỉnh trong việc hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo như: thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 30a, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và một số chương trình khác, Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 và Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Nhờ đó, một số lượng lớn các hộ nghèo đã được cải thiện về nhà ở cũng như đời sống, có điều kiện phát triển kinh tế ổn định.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số lượng lớn hộ nghèo, cận nghèo trước đây chưa được hỗ trợ theo các chính sách nêu trên, đang cần có nhu cầu hỗ trợ để cải thiện nhà ở cộng với việc phát sinh một số hộ nghèo mới cũng như tái nghèo dẫn đến ảnh hưởng lớn tới mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.

a) Về ưu điểm:

- Trung ương đã kịp thời ban hành hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; trên cơ sở đó, từng địa phương đã cụ thể hóa thành các chương trình nên đã thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, nhất là việc hỗ trợ cho các hộ nghèo về nhà ở đạt tỷ lệ cao.

- Các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng, cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện nhà ở hoặc cho các hộ nghèo vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở tạm bợ, dột nát cũng góp phần đáng kể trong thực hiện chương trình giảm nghèo các năm qua.

b) Về các hạn chế, tồn tại:

- Tỷ lệ giảm hộ nghèo trong thời gian qua đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo vẫn còn xảy ra, do định mức hỗ trợ từ ngân sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thấp, mang tính nhỏ lẻ, chưa đủ nguồn lực để thúc đẩy, giúp họ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Một số địa phương thuộc huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao; một bộ phận hộ nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo, để được hưởng thụ các chính sách của nhà nước.

- Thực trạng nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản vẫn ở mức cao và phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, có xu hướng tập trung rõ rệt ở vùng nông thôn, miền núi, nơi mà điều kiện tự nhiên rất khó khăn và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, kinh tế - xã hội không theo kịp so với các vùng miền khác trong tỉnh.

- Hộ nghèo ở một số địa phương giữ tập quán canh tác cũ, thiếu hiệu quả; các hộ gia đình sản xuất, chăn nuôi nhỏ, lẻ, manh mún; sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi chưa tìm được đầu ra; sản phẩm làm ra chưa có sự kết nối với thị trường, chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị.

- Thu nhập bình quân đầu người thấp, việc làm không ổn định, biến động giá cả, điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu không thuận lợi, thiên tai cộng với bệnh dịch xuất hiện thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất của nhân dân nên dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao.

- Đối với mức hỗ trợ về nhà ở, thời gian qua, mỗi hộ nghèo khó khăn về nhà ở được hỗ trợ thấp trong khi chi phí nhân công cao. Từ đó các hộ nghèo gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, không đảm bảo cho việc sử dụng lâu dài.

- Cơ chế chính sách và giải pháp giải quyết các vấn đề sinh kế ổn định, tạo thu nhập cho người nghèo từ hoạt động đa phát triển sản xuất, dạng hóa sinh kế và nhân rộng còn hạn chế; đa số người nghèo còn thiếu kiến thức, kỹ thuật, năng lực tổ chức sản xuất, chưa mạnh dạng vay vốn ưu đãi, thiếu kinh nghiệm làm ăn, nhất là người dân sinh sống ở các huyện nghèo; chính quyền địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc hỗ trợ kỹ thuật và năng lực quản lý sản xuất của người nghèo, tìm đầu ra cho sản phẩm.

- Công tác truyền thông, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo ở một số địa phương, ngành chưa sâu sát và kịp thời.

- Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ, đồng bộ nên ảnh hưởng đến công tác tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, dự án, tiểu dự án, mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.

4. Sự cần thiết của Đề án

Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Trong thời gian qua, mặc dù Trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc cải thiện nhà ở cho người nghèo, nhưng thực tế số lượng hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở trong tỉnh còn khá lớn, do tác động của thiên tai, dịch bệnh nên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân làm phát sinh thêm nhiều hộ nghèo mới và phần lớn các hộ nghèo thuộc đối tượng nêu trên đang gặp rất nhiều khó khăn về nhà ở, cần có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời.

Trên thực tế, còn rất nhiều hộ nghèo do điều kiện kinh tế khó khăn nên không có khả năng tự cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn khi bão, lũ, sạt lở núi xảy ra. Do đó, những hộ này đang ở trong những căn nhà tạm bợ hoặc chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng chưa đảm bảo an toàn. Đa số các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở nêu trên đang sinh sống và cư trú tại khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Để đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và giao UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng đề án Hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc huyện nghèo trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, việc nghiên cứu, tổ chức lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn là rất cần thiết.

5. Các căn cứ chính trị, pháp lý để lập Đề án

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.

- Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”.

- Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

- Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

- Quyết định số 90/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

- Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 31/3/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh.

- Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/5/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

- Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và mức vốn đối ứng của ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

III. ĐÁNH GIÁ PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC CỦA ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ THỰC HIỆN NHẰM HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO

1. Về phương thức huy động nguồn lực

Trong thời gian qua để thực hiện chính sách giảm nghèo và hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo không có điều kiện cải thiện nhà ở, tỉnh Quảng Nam đã tập trung huy động từ các nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong đó:

- Ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực; đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

- Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng.

- Lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các huyện nghèo.

2. Về quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo

Ban vận động Quỹ “vì người nghèo” thành lập theo các Quyết định của UBMT Tổ quốc Việt Nam ở từng cấp (tỉnh, huyện, xã) và quản lý nguồn quỹ được vận động theo quy chế quản lý, sử dụng do Trung ương hướng dẫn.

3. Về vận động, quản lý, phân bổ sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp được thực hiện theo Quy chế của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” từng cấp và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.

4. Về cách thức hỗ trợ: hỗ trợ trực tiếp cho người dân tự xây dựng nhà và do các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, sau đó bàn giao cho người dân. Nguồn Quỹ “Vì người nghèo” các cấp hỗ trợ trực tiếp cho người dân xây dựng nhà, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội theo dõi giám sát.

5. Đánh giá chung về việc thực hiện huy động và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thực hiện trong thời gian qua:

Nhìn chung, trong những năm qua triển khai thực hiện huy động các nguồn lực trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quán triệt tổ chức thực hiện và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ hưởng ứng.

Công tác vận động, quản lý, sử dụng các nguồn quỹ đúng mục đích, đúng đối tượng và đảm bảo đúng quy chế của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” từng cấp.

IV. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ

a) Mục tiêu:

Hỗ trợ nhà ở cho 8.179 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

b) Nguyên tắc hỗ trợ:

Hỗ trợ đến từng hộ gia đình; bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở; hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở (bao gồm xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở), được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có yêu cầu).

Phấn đấu đến cuối năm 2024, cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm trên địa bàn các huyện nghèo) theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 31/3/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2023-2025, ưu tiên thực hiện hỗ trợ cho các hộ có nhà tạm được thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.

2. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở

- Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2 và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên; khuyến khích hộ gia đình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở có diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 8 m2 trở lên.

- Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:

“Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ.

“Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc.

“Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ,...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.

3. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm.

- Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

4. Phạm vi áp dụng: Các xã, thị trấn thuộc các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn.

5. Xác định số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh

Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành) là 8.179 hộ; trong đó: Xây mới 5.936 hộ; sửa chữa: 2.243 hộ. Cụ thể:

a) Tổng số hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành) là 7.606 hộ; trong đó: Xây mới 5.650 hộ; sửa chữa 1.956 hộ.

 (Chi tiết theo Phụ lục I đính kèm)

b) Tổng số hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành) là 573 hộ; trong đó: Xây mới 286 hộ; sửa chữa: 287 hộ.

 (Chi tiết theo Phụ lục II đính kèm)

6. Phân loại đối tượng ưu tiên

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số: 7.909 hộ.

b) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng: 14 hộ.

c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội: 53 hộ.

d) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật): 15 hộ

e) Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 01 hộ.

g) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại: 187 hộ

7. Mức hỗ trợ nhà ở

Vốn hỗ trợ ngân sách Trung ương; Vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương  (bao gồm: vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và vốn hỗ trợ từ ngân sách huyện) theo Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam.

- Vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương: Nhà xây mới 40.000.000 đồng/hộ; nhà sửa chữa 20.000.000 đồng/hộ.

- Vốn sự nghiệp ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã): đối ứng tối thiểu bằng 15% mức vốn ngân sách trung ương hỗ trợ. Trong đó, ngân sách tỉnh đảm bảo đối ứng tối thiểu 10,5%; ngân sách cấp huyện, cấp xã đối ứng tối thiểu 4,5%.

Định mức hỗ trợ xây dựng mới: 46.000.000 đồng/nhà (hộ), gồm: Ngân sách Trung ương: 40.000.000 đồng; Ngân sách tỉnh (10,5%): 4.200.000 đồng; Ngân sách huyện, xã (4,5%): 1.800.000 đồng.

Định mức hỗ trợ sửa chữa: 23.000.000 đồng/nhà (hộ), gồm: Ngân sách Trung ương: 20.000.000 đồng; Ngân sách tỉnh (10,5%): 2.100.000 đồng (10,5%); Ngân sách huyện, xã (4,5%): 900.000 đồng.

- Vốn huy động từ nguồn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện theo Quy chế vận động, quản lý và sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh; Quy chế vận động, quản lý sử dụng Quỹ Cứu trợ của mỗi cấp (đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn bị thiệt hại do mưa lũ, hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do thiên tai) và theo đề nghị của nhà tài trợ. Vốn huy động khác (từ cộng đồng, dòng họ và chính bản thân hộ gia đình được hỗ trợ).

Xây mới: 14 triệu đồng/hộ.

Sửa chữa: 07 triệu đồng/hộ.

- Vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của trung ương (nếu có).

- Kinh phí dự kiến xây mới, sửa chữa 1 căn nhà:

Xây mới: 60 triệu đồng/hộ.

Sửa chữa: 30 triệu đồng/hộ.

8. Kinh phí thực hiện

a) Tổng số vốn cần để thực hiện Đề án là 423.450 triệu đồng. Trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 282.300 triệu đồng.

- Vốn ngân sách địa phương: 42.345 triệu đồng (bao gồm: Vốn ngân sách tỉnh là 29.641,5 triệu đồng; ngân sách huyện là 12.703,5 triệu đồng).

- Vốn huy động khác: huy động từ nguồn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và huy động khác (từ cộng đồng, dòng họ và chính bản thân hộ gia đình được hỗ trợ): 98.805 triệu đồng.

 (Chi tiết theo Phụ lục III đính kèm)

Trong đó:

- Tổng số vốn để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là 397.680 triệu đồng, bao gồm:

Vốn ngân sách Trung ương: 265.120 triệu đồng.

Vốn ngân sách địa phương: 39.768 triệu đồng (bao gồm: Vốn ngân sách tỉnh là 27.837,6 triệu đồng; ngân sách huyện là 11.930,4 triệu đồng).

Vốn huy động khác: huy động từ nguồn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và huy động khác (từ cộng đồng, dòng họ và chính bản thân hộ gia đình được hỗ trợ): 92.792 triệu đồng.

 (Chi tiết theo Phụ lục III.1 đính kèm)

- Tổng số vốn để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ cận nghèo là 25.770 triệu đồng, bao gồm:

Vốn ngân sách Trung ương: 17.180 triệu đồng.

Vốn ngân sách địa phương: 2.577 triệu đồng (bao gồm: Vốn ngân sách tỉnh là 1.830,9 triệu đồng; ngân sách huyện là 733,1 triệu đồng).

Vốn huy động khác: huy động từ nguồn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và huy động khác (từ cộng đồng, dòng họ và chính bản thân hộ gia đình được hỗ trợ): 6.013 triệu đồng.

 (Chi tiết theo Phụ lục III.2 đính kèm)

9. Cách thức thực hiện

a) Bình xét và phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở

* Tại thôn và tương đương (gọi tắt là thôn):

- Công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã phối hợp Trưởng thôn tổ chức họp để phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ- TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đến các hộ dân; lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

- Trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, tổ chức bình xét, đề xuất danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục I kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) gửi về Ủy ban nhân dân cấp xã để xem xét, rà soát.

Cuộc họp bao gồm Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đại diện của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn; mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

- Hộ được đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ phải được trên 50% số người tham dự cuộc họp đồng ý (theo hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín).

* Tại cấp xã:

- Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được đề xuất hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo qua đài truyền thanh xã (nếu có) trong thời gian 03 ngày.

- Hết thời hạn niêm yết công khai, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, thẩm định, tổng hợp và gửi cho Ủy ban nhân dân huyện danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

* Sau 03 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp và phê duyệt danh sách báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp phải điều chỉnh lại danh sách thì phải phê duyệt lại và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Xây dựng).

* Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức lập và phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn (theo mẫu tại Phụ lục VII kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); gửi Đề án cho Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Cấp vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ làm nhà ở

* Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

* Căn cứ danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở và mức hỗ trợ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; căn cứ biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và biên bản xác nhận hoàn thành xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đưa vào sử dụng theo quy định; Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thanh toán như sau:

- Đối với hộ gia đình thực hiện xây dựng mới nhà ở: hỗ trợ lần đầu 70% mức hỗ trợ xây mới nhà ở sau khi hoàn thành phần móng; 30% còn lại sau khi hộ gia đình hoàn thành công trình xây mới nhà ở.

- Đối với hộ gia đình thực hiện sửa chữa nhà ở: hỗ trợ lần đầu 70% mức hỗ trợ sửa chữa nhà ở sau khi hộ gia đình đã hoàn thành từ 30% khối lượng công việc; 30% còn lại giải ngân sau khi hộ gia đình hoàn thành công trình sửa chữa nhà ở.

c) Thực hiện xây dựng nhà ở

* Thiết kế mẫu nhà ở

- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương.

- Các địa phương tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế để người dân tham khảo, lựa chọn. Tôn trọng nguyện vọng của người dân, không bắt buộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu.

- Tùy theo điều kiện cụ thể, người dân có thể xây dựng theo kinh nghiệm, truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình, nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định.

* Tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở:

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị cung ứng vật liệu để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (nếu có nhu cầu), đề xuất lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục II của Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

- Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật) không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thống nhất phân công các đoàn thể, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này.

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ xây dựng nhà ở mới, hoàn thành từ 30% khối lượng công việc trở lên đối với những hộ sửa chữa nhà ở hiện có) hoặc hoàn thành toàn bộ công trình để tổ chức nghiệm thu làm cơ sở thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ.

- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong quá trình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo tiến độ và chất lượng; lập biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (theo mẫu tại Phụ lục III và Phụ lục IV của Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

10. Tiến độ thực hiện:

Đề án thực hiện từ 2023-2025 là 8.179 hộ, cụ thể như sau:

- Năm 2023: Dự kiến hỗ trợ khoảng 1.348 hộ; dự kiến kinh phí: 68.460 triệu đồng.

- Năm 2024: Dự kiến hỗ trợ khoảng 3.871 hộ; dự kiến kinh phí: 200.010 triệu đồng.

- Năm 2025: Dự kiến hỗ trợ khoảng 2.960 hộ; dự kiến kinh phí: 154.980 triệu đồng. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách.

11. Tiến độ huy động vốn hằng năm:

Tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn từ 2023-2025 là 423.450 triệu đồng (trong đó: Vốn ngân sách trung ương và địa phương hỗ trợ 324.645 triệu đồng, vốn huy động khác 98.805 triệu đồng), chia ra từng năm như sau:

a) Năm 2023: 68.460 triệu đồng (trong đó: Vốn ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ 52.486 triệu đồng, vốn huy động khác 15.974 triệu đồng).

b) Năm 2024: 200.010 triệu đồng (trong đó: Vốn ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ 153.341triệu đồng, vốn huy động khác 46.669 triệu đồng).

c) Năm 2025: 154.980 triệu đồng (trong đó: Vốn ngân sách Trung ương và địa phương hỗ trợ 118.818 triệu đồng, vốn huy động khác 36.162 triệu đồng).

(Chi tiết theo các Phụ lục IV, V, VI đính kèm)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; tổng hợp, theo dõi đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hằng tháng, hằng quý cho UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định; giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Chủ trì, tổ chức nghiên cứu thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà điển hình để người dân lựa chọn.

- Sau khi kết thúc chương trình, chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2179/QĐ-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công văn số 8194/UBND-KTN ngày 07/12/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 31/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Sở Tài chính:

Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của UBND tỉnh tại Quyết định số 2179/QĐ-UBND ngày 22/8/2022 và các văn bản chỉ đạo khác của UBND tỉnh; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách tỉnh để đảm bảo các hoạt động của chương trình.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp kế hoạch, cân đối và bố trí vốn có mục tiêu cho các địa phương trong kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình theo quy định. Tham mưu phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương và đối ứng ngân sách tỉnh để đảm bảo các hoạt động của chương trình.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh:

- Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo tại địa phương; thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình.

- Thực hiện các đề nghị của UBND tỉnh tại Công văn số 8194/UBND- KTN ngày 07/12/2022 về việc thực hiện công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 31/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

6. Trách nhiệm của UBND các huyện được triển khai thực hiện dự án:

- Tổng hợp, phê duyệt theo thẩm quyền danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa bàn theo quy định.

- Tổ chức thực hiện cấp phát, thanh toán, quyết toán phần kinh phí được cấp thẩm quyền phân bổ đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, nội dung hỗ trợ và đúng theo quy định hiện hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở thuộc diện đối tượng được hỗ trợ; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở đạt chất lượng theo quy định sau khi được hỗ trợ; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất cho cấp thẩm quyền.

- Tổ chức giới thiệu rộng rãi các mẫu nhà ở cho nhân dân địa phương nghiên cứu, tham khảo, lựa chọn.

- Tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn hỗ trợ thực hiện (từ các nguồn như: đóng góp của hộ gia đình; huy động từ cộng đồng, dòng họ; quỹ vì người nghèo; các nguồn đóng góp hỗ trợ tự nguyện khác). Căn cứ số vốn được UBND tỉnh phân bổ và số vốn huy động được từ các nguồn khác, UBND huyện phân bổ nguồn vốn cho các xã, thị trấn; đồng thời, thông báo danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng đã được phê duyệt cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện cho vay (nếu có).

- Định kỳ báo cáo hằng Quý (theo mẫu tại Phụ lục V của Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng) trước ngày 15 tháng cuối Quý và báo cáo năm (theo mẫu tại Phụ lục VI của Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng) trước ngày 10 tháng 12 hằng năm kết quả thực hiện; gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND và Bộ Xây dựng.

- Bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện Dự án 5 trên địa bàn không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND tỉnh.

- Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương rà soát đối tượng thụ hưởng của đề án đảm bảo đúng đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công văn số 8194/UBND-KTN ngày 07/12/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác xóa nhà tạm trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 31/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Rà soát, thẩm định, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trình UBND cấp huyện tổng hợp, phê duyệt theo quy định.

- Nghiệm thu, xác nhận khối lượng xây dựng hoàn thành theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng mới hoặc hoàn thành từ 30% khối lượng công việc xây dựng trở lên đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện sửa chữa nhà ở hiện có) và xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để làm cơ sở giải ngân vốn hỗ trợ theo quy định.

- Chỉ đạo, giám sát các hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng vốn hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đúng mục đích, đảm bảo nhà ở phải được xây dựng hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng; vận động các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,… giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng, các nhà cung ứng vật liệu và hộ gia đình; tận dụng, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi,… theo quy định của pháp luật để đảm bảo giảm giá thành xây dựng nhà ở.

- Định kỳ có báo cáo Quý (theo mẫu tại Phụ lục V của Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) trước ngày 10 tháng cuối Quý và báo cáo năm (theo mẫu tại Phụ lục VI của Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) trước ngày 05 tháng 12 hàng năm, gửi UBND huyện để tổng hợp báo UBND tỉnh và Sở Xây dựng.

- Thực hiện các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính: Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng mục đích, đảm bảo chất lượng nhà ở; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước: danh sách hỗ trợ nhà ở, mức hỗ trợ từng hộ gia đình trước và sau khi có quyết định hỗ trợ của cấp có thẩm quyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại các thôn, bản theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách đối với các cá nhân, dân cư.

VI. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Dự án 5 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là điều kiện để các hộ gia đình có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

2. Kiến nghị

Kính đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ đầy đủ và kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ để tỉnh Quảng Nam có cơ sở thực hiện chính sách kịp thời đúng tiến độ đề ra./.

 

PHỤ LỤC I

SỐ HỘ NGHÈO CẦN HỖ TRỢ XÂY DỰNG MỚI HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số    /QĐ-UBND ngày    /6/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

STT

Địa phương

Hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở (hộ)

Trong đó

Phân loại theo đối tượng ưu tiên

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Hộ nghèo là Dân tộc thiểu số (hộ)

Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng (hộ)

Hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (hộ)

Hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật)

Hộ nghèo thuộc vùng thường xảy ra thiên tai (hộ)

Các hộ nghèo còn lại (hộ)

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

1

2

3=4 5

4=(6 8 10 12 14 16)

5=(7 9 11 13 15 17)

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

1

Huyện Bắc Trà My

853

657

196

639

145

-

-

8

16

1

3

-

-

9

32

2

Nam Trà My

2.281

1.844

437

1.844

437

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

3

Đông Giang

425

287

138

262

128

 

-

2

1

2

3

-

-

21

6

4

Tây Giang

1.278

819

459

819

459

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

5

Phước Sơn

1.281

644

637

616

595

1

-

12

11

-

1

-

-

15

30

6

Nam Giang

1.488

1.399

89

1.367

88

10

1

2

-

-

-

-

-

20

-

 

Tổng cộng

7.606

5.650

1.956

5.547

1.852

11

1

24

28

3

7

-

-

65

68

 

PHỤ LỤC II

SỐ HỘ CẬN NGHÈO CẦN HỖ TRỢ XÂY DỰNG MỚI HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH|
(Kèm theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số  /QĐ-UBND ngày  /6/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

STT

Địa phương

Hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở (hộ)

Trong đó

Phân loại theo đối tượng ưu tiên

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Hộ cận nghèo là Dân tộc thiểu số (hộ)

Hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng (hộ)

Hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (hộ)

Hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật)

Hộ cận nghèo thuộc vùng thường xảy ra thiên tai (hộ)

Các cận hộ nghèo còn lại (hộ)

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

1

2

3=4 5

4=(6 8 10 12 14 16)

5=(7 9 11 1 3 15 17)

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

1

Huyện Bắc Trà My

103

42

61

40

51

-

-

-

-

-

5

-

-

2

5

2

Nam Trà My

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

3

Đông Giang

59

40

19

29

12

 

-

 

-

-

-

-

-

11

7

4

Tây Giang

18

10

8

10

8

-

-

-

-

-

-

-

-

 

-

5

Phước Sơn

365

167

198

154

182

-

2

1

-

-

-

1

-

11

14

6

Nam Giang

28

27

1

23

1

-

-

-

-

-

-

-

-

4

-

 

Tổng cộng

573

286

287

256

254

-

2

1

-

-

5

1

-

28

26

 

PHỤ LỤC III

BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DỰNG MỚI HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO CÁC HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số  /QĐ-UBND ngày  /6/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

STT

Địa phương

Hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở (hộ)

Trong đó

Mức hỗ trợ (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

NS Trung ương

NS tỉnh (10.5%)

NS huyện (4.5%)

Huy động khác

Tổng cộng (triệu đồng)

N.sách TW

N.sách tỉnh

N.sách huyện

Huy động khác

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

1

Huyện Bắc Trà My

956

699

257

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

49.650,0

27.960,0

5.140,0

2.935,8

539,7

1.258,2

231,3

9.786,0

1.799,0

2

Nam Trà My

2.281

1.844

437

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

123.750,0

73.760,0

8.740,0

7.744,8

917,7

3.319,2

393,3

25.816,0

3.059,0

3

Đông Giang

484

327

157

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

24.330,0

13.080,0

3.140,0

1.373,4

329,7

588,6

141,3

4.578,0

1.099,0

4

Tây Giang

1.296

829

467

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

63.750,0

33.160,0

9.340,0

3.481,8

980,7

1.492,2

420,3

11.606,0

3.269,0

5

Phước Sơn

1.646

811

835

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

73.710,0

32.440,0

16.700,0

3.406,2

1.753,5

1.459,8

751,5

11.354,0

5.845,0

6

Nam Giang

1.516

1.426

90

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

88.260,0

57.040,0

1.800,0

5.989,2

189,0

2.566,8

81,0

19.964,0

630,0

 

Tổng cộng

8.179

5.936

2.243

 

 

 

 

 

 

 

 

423.450,0

237.440,0

44.860,0

24.931,2

4.710,3

10.684,8

2.018,7

83.104,0

15.701,0

 

 

 

 

 

 

 

 

423.450,0

282.300,0

29.641,5

12.703,5

98.805,0

 

PHỤ LỤC III.1

BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DỰNG MỚI HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO CÁC HỘ NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số  /QĐ-UBND ngày  /6/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

STT

Địa phương

Hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở (hộ)

Trong đó

Mức hỗ trợ (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

N.sách TW

NS tỉnh (10.5%)

NS huyện (4.5%)

Huy động khác

Tổng cộng (triệu đồng)

N.sách TW

N.sách tỉnh

N.sách huyện

Huy động khác

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

1

Huyện Bắc Trà My

853

657

196

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

45.300,0

26.280,0

3.920,0

2.759,4

411,6

1.182,6

176,4

9.198,0

1.372,0

2

Nam Trà My

2.281

1.844

437

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

123.750,0

73.760,0

8.740,0

7.744,8

917,7

3.319,2

393,3

25.816,0

3.059,0

3

Đông Giang

425

287

138

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

21.360,0

11.480,0

2.760,0

1.205,4

289,8

516,6

124,2

4.018,0

966,0

4

Tây Giang

1.278

819

459

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

62.910,0

32.760,0

9.180,0

3.439,8

963,9

1.474,2

413,1

11.466,0

3.213,0

5

Phước Sơn

1.281

644

637

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

57.750,0

25.760,0

12.740,0

2.704,8

1.337,7

1.159,2

573,3

9.016,0

4.459,0

6

Nam Giang

1.488

1.399

89

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

86.610,0

55.960,0

1.780,0

5.875,8

186,9

2.518,2

80,1

19.586,0

623,0

 

Tổng cộng

7.606

5.650

1.956

 

 

 

 

 

 

 

 

397.680,0

226.000,0

39.120,0

23.730,0

4.107,6

10.170,0

1.760,4

79.100,0

13.692,0

 

 

 

 

 

 

 

 

397.680,0

265.120,0

27.837,6

11.930,4

92.792,0

 

PHỤ LỤC III.2

BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DỰNG MỚI HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO CÁC HỘ CẬN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số  /QĐ-UBND ngày  /6/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

STT

Địa phương

Hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở (hộ)

Trong đó

Mức hỗ trợ (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

N.sách TW

NS tỉnh (10.5%)

NS huyện (4.5%)

Huy động khác

Tổng cộng (triệu đồng)

N.sách TW

N.sách tỉnh

N.sách huyện

Huy động khác

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

1

Huyện Bắc Trà My

103

42

61

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

4.350,0

1.680,0

1.220,0

176,4

128,1

75,6

54,9

588,0

427,0

2

Nam Trà My

-

-

-

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

-

-

-

-

-

-

-

-

-

3

Đông Giang

59

40

19

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

2.970,0

1.600,0

380,0

168,0

39,9

72,0

17,1

560,0

133,0

4

Tây Giang

18

10

8

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

840,0

400,0

160,0

42,0

16,8

18,0

7,2

140,0

56,0

5

Phước Sơn

365

167

198

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

15.960,0

6.680,0

3.960,0

701,4

415,8

300,6

178,2

2.338,0

1.386,0

6

Nam Giang

28

27

1

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

1.650,0

1.080,0

20,0

113,4

2,1

48,6

0,9

378,0

7,0

 

Tổng cộng

573

286

287

 

 

 

 

 

 

 

 

25.770,0

11.440,0

5.740,0

1.201,2

602,7

514,8

258,3

4.004,0

2.009,0

 

 

 

 

 

 

 

 

25.770,0

17.180,0

1.803,9

773,1

6.013,0

 

PHỤ LỤC IV

BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DỰNG MỚI HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO CÁC HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG (NĂM 2023)
(Kèm theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số  /QĐ-UBND ngày  /6/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Stt

Địa phương

Hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở (hộ)

Trong đó

Mức hỗ trợ (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

NS Trung ương

NS tỉnh

NS huyện

Huy động khác

Tổng cộng (triệu đồng)

N.sách TW

N.sách tỉnh

N.sách huyện

Huy động khác

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sử chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

1

Huyện Bắc Trà My

164

129,0

35,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

8.790,0

5.160,0

700,0

541,8

73,5

232,2

31,5

1.806,0

245,0

2

Nam Trà My

400

290,0

110,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

20.700,0

11.600,0

2.200,0

1.218,0

231,0

522,0

99,0

4.060,0

770,0

3

Đông Giang

129

90,0

39,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

6.570,0

3.600,0

780,0

378,0

81,9

162,0

35,1

1.260,0

273,0

4

Tây Giang

144

76,0

68,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

6.600,0

3.040,0

1.360,0

319,2

142,8

136,8

61,2

1.064,0

476,0

5

Phước Sơn

273

124,0

149,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

11.910,0

4.960,0

2.980,0

520,8

312,9

223,2

134,1

1.736,0

1.043,0

6

Nam Giang

238

225,0

13,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

13.890,0

9.000,0

260,0

945,0

27,3

405,0

11,7

3.150,0

91,0

 

Tổng cộng

1.348

934

414

 

 

 

 

 

 

 

 

68.460,0

37.360,0

8.280,0

3.922,8

869,4

1.681,2

372,6

13.076,0

2.898,0

 

 

 

 

 

 

 

 

68.460,0

45.640,0

4.792,2

2.053,8

15.974,0

 

Ngân sách sự nghiệp TW đã phân bổ: 45,640 tỷ.

Năm 2023 thực hiện khoảng 15%

Dự kiến Ngân sách sự nghiệp TW cho tỉnh: 178,980 tỷ.

 

 

PHỤ LỤC V

BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DỰNG MỚI HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO CÁC HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG (NĂM 2024)
(Kèm theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số  /QĐ-UBND ngày  /6/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Stt

Địa phương

Hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng

Trong đó

Mức hỗ trợ (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

NS Trung ương

NS tỉnh (10.5%)

NS huyện (4.5%)

Huy động khác

Tổng cộng (triệu

N.sách TW

N.sách tỉnh

N.sách huyện

Huy động khác

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

1

Huyện Bắc Trà My

486

386,0

100,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

26.160,0

15.440,0

2.000,0

1.621,2

210,0

694,8

90,0

5.404,0

700,0

2

Nam Trà My

1.066

869,0

197,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

58.050,0

34.760,0

3.940,0

3.649,8

413,7

1.564,2

177,3

12.166,0

1.379,0

3

Đông Giang

355

237,0

118,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

17.760,0

9.480,0

2.360,0

995,4

247,8

426,6

106,2

3.318,0

826,0

4

Tây Giang

451

257,0

194,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

21.240,0

10.280,0

3.880,0

1.079,4

407,4

462,6

174,6

3.598,0

1.358,0

5

Phước Sơn

800

372,0

428,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

35.160,0

14.880,0

8.560,0

1.562,4

898,8

669,6

385,2

5.208,0

2.996,0

6

Nam Giang

713

675,0

38,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

41.640,0

27.000,0

760,0

2.835,0

79,8

1.215,0

34,2

9.450,0

266,0

 

Tổng cộng

3.871

2.796

1.075

 

 

 

 

 

 

 

 

200.010,0

111.840,0

21.500,0

11.743,2

2.257,5

5.032,8

967,5

39.144,0

7.525,0

 

 

 

 

 

 

 

 

200.010,0

133.340,0

14.000,7

6.000,3

46.669,0

 

Vốn sự nghiệp TW đã phân bổ: năm 2023

45.640

Năm 2023 thực hiện khoảng 15%

 

Dự kiến Ngân sách sự nghiệp TW năm 2024: 45%

133.340

Năm 2024 thực hiện khoảng 15%

-

Dự kiến Ngân sách sự nghiệp TW cho tỉnh:

178.980

 

PHỤ LỤC VI

BẢNG TỔNG HỢP KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DỰNG MỚI HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở CHO CÁC HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG (NĂM 2025)
(Kèm theo Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số  /QĐ-UBND ngày  /6/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Stt

Địa phương

Hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng

Trong đó

Mức hỗ trợ (triệu đồng)

Thành tiền (triệu đồng)

Xây mới (hộ)

Sửa chữa (hộ)

NS Trung ương

NS tỉnh (10.5%)

NS huyện (4.5%)

Huy động khác

Tổng cộng (triệu

N.sách TW

N.sách tỉnh

N.sách huyện

Huy động khác

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

Xây mới

Sửa chữa

1

Huyện Bắc Trà My

306

184,0

122,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

14.700,0

7.360,0

2.440,0

772,8

256,2

331,2

109,8

2.576,0

854,0

2

Nam Trà My

815

685,0

130,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

45.000,0

27.400,0

2.600,0

2.877,0

273,0

1.233,0

117,0

9.590,0

910,0

3

Đông Giang

-

-

-

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

-

-

-

-

-

-

-

-

-

4

Tây Giang

701

496,0

205,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

35.910,0

19.840,0

4.100,0

2.083,2

430,5

892,8

184,5

6.944,0

1.435,0

5

Phước Sơn

573

315,0

258,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

26.640,0

12.600,0

5.160,0

1.323,0

541,8

567,0

232,2

4.410,0

1.806,0

6

Nam Giang

565

526,0

39,0

40,0

20,0

4,2

2,1

1,8

0,9

14,0

7,0

32.730,0

21.040,0

780,0

2.209,2

81,9

946,8

35,1

7.364,0

273,0

 

Tổng cộng

2.960

2.206

754

 

 

 

 

 

 

 

 

154.980,0

88.240,0

15.080,0

9.265,2

1.583,4

3.970,8

678,6

30.884,0

5.278,0

 

 

 

 

 

 

 

 

154.980,0

103.320,0

10.848,6

4.649,4

36.162,0

 

2023

1.348

Vốn sự nghiệp TW đã phân bổ: năm 2023

45.640

 

2024

3.867

Năm 2023 thực hiện khoảng 15%

 

2025

3.495

Dự kiến Ngân sách sự nghiệp TW năm 2024: 45%

133.340

Tổng

8.710

Năm 2024 thực hiện khoảng 15%

 

 

 

Dự kiến Ngân sách sự nghiệp TW cho tỉnh:

 

178.980

 

 

Tổng NSTW dự kiến cho Đề án

 

298.660

 

 

Dự kiến NSTW năm 2025, bổ sung phần còn lại

 

119.680

 

 

Năm 2024 cho rà soát điều chỉnh Đề án

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1245/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 1245/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/06/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Hồ Quang Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/06/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản