Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1224/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 09 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ THAY THẾ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TỈNH PHÚ YÊN.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;

Căn cứ Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

Căn cứ Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và Hướng dẫn tổ chức thực hiện;

Xét đề nghị của Sở Y tế (tại Tờ trình số: 75/TTr-SYT ngày 05/6/2015),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án triển khai thực hiện Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Phú Yên”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Quang Nhất

 

ĐỀ ÁN

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số:1224/QĐ-UBND ngày 09/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)

Phần 1

SỰ CẦN THIẾT TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH METHADONE

I. TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

1. Tình hình thế giới

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone[1] đã được triển khai tại rất nhiều nước trên thế giới như: Úc, Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Hồng Kông... Hiện nay, trên thế giới có hơn 70 nước triển khai Chương trình Methadone với khoảng 580.000 bệnh nhân tại Châu Âu và hơn 200.000 bệnh nhân tại Châu Á.

Hiện có 33,3 triệu người có HIV trên toàn thế giới, 10% ca nhiễm HIV có liên quan đến tiêm chích ma túy (TCMT), được xác định ở 148 quốc gia với hơn 15,9 triệu người, trong đó Châu Á có 4,85 triệu người; tiêm chích ma túy đang là phương thức lây truyền HIV chủ yếu hiện nay tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chất ma túy (NCMT) trên toàn cầu là 10%, tại một số nước Châu Âu và Châu Á tỷ lệ này là trên 70%.

2. Tình hình tại Việt Nam

Ở nước ta, tình hình sử dụng các chất dạng thuốc phiện (CDTP) đang có chiều hướng gia tăng và xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Người sử dụng các chất dạng thuốc phiện đa số có trình độ văn hóa thấp, là đối tượng có tiền án, tiền sự, người không có nghề nghiệp và không có thu nhập ổn định. Theo báo cáo của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2010, số người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý là 133.468 người, trong đó chủ yếu là sử dụng heroin (chiếm trên 80%). Hệ thống Trung tâm 06 không thực sự thành công trong việc giúp người sử dụng ma túy cai nghiện hoàn toàn, hầu hết đều tái nghiện sau khi trở về cộng đồng.

Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích cao trên thế giới. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chất ma túy chung có xu hướng giảm trong những năm từ 2005 đến nay, nhưng vẫn ở mức cao. Theo số liệu giám sát hành vi năm 2009, tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm NCMT tại các tỉnh/thành trọng điểm là 30,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này thay đổi tuỳ theo từng tỉnh, tại Hải Phòng là 48%, Quảng Ninh là 55,67%, TP Hồ Chí Minh là 46,13%, An Giang là 15,72% và Vĩnh Long là 12,67%.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được chính thức triển khai thí điểm tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh từ năm 2008. Căn cứ trên những kết quả đã đạt được của Đề án thí điểm, Chính phủ đã cho phép nhiều tỉnh/thành phố trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS tiến hành triển khai chương trình Methadone tại địa phương. Đến 01/2014 chương trình Methadone tại Việt Nam đã mở rộng ra 38 tỉnh/thành phố với 117 cơ sở điều trị. Tổng số bệnh nhân đang được điều trị là hơn 20.928 và dự tính số bệnh nhân có thể tăng lên đạt mức 80.000 vào năm 2015.

Một số kết quả đáng ghi nhận sau khi triển khai thí điểm tại Việt Nam có thể kể đến cụ thể như sau:

- Chương trình Methadone được triển khai đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị;

- Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống);

- Chương trình còn giúp giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị;

- Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán và cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng từ 90% trước điều trị xuống 1,4% sau 12 tháng điều trị.

II. NHU CẦU TRIỂN KHAI ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TẠI TỈNH PHÚ YÊN

1. Đặc điểm

Phú Yên là một tỉnh nằm ở khu vực Nam Trung bộ, phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp tỉnh Khánh Hoà, phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp Đắk Lắk và Gia Lai. Toàn tỉnh có diện tích 5.060Km2, dân số 896.950 người. Có 3 vùng sinh thái là đồng bằng, trung du và miền núi, với 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện, có Quốc lộ 1A và Quốc lộ 25 đi qua, nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, cửa ngõ đi vào các khu vực kinh tế Tây Nguyên.

Trong những năm gần đây, các hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh phát triển, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều khu công nghiệp, nhà máy thuỷ điện, nhiều công trình có vốn đầu tư lớn của TW, nước ngoài và của tỉnh đang triển khai. Tình hình tội phạm ma tuý, mại dâm phát triển và tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng diễn biến phức tạp hơn trên địa bàn tỉnh.

2. Nhu cầu triển khai Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Phú Yên

Điều trị Methadone là cách điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cùng với các giải pháp tâm lý, xã hội làm cho người nghiện giảm dần và ngừng sử dụng các chất dạng thuốc phiện mà không gây nhiễm độc tâm thần, không gây tăng liều và các tác động khác. Việc triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh sẽ góp phần giảm số người sử dụng ma túy, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS và một số bệnh liên quan trong nhóm người nghiện ma túy, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

3. Tình hình mắc HIV/AIDS và sử dụng ma túy trên địa bàn tỉnh

3.1. Tình hình mắc HIV/AIDS

Tại tỉnh Phú Yên, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993 và tính đến hết tháng 4 năm 2015, toàn tỉnh đã phát hiện 617 trường hợp nhiễm HIV (người trong tỉnh là 226 người), trong đó 255 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS (người trong tỉnh là 174 người) và 170 trường hợp tử vong do AIDS (người trong tỉnh là 135 người). 9/9 huyện, thị, thành phố có người nhiễm HIV/AIDS.

Tình hình mắc HIV/AIDS/tử vong (TV) phân theo địa bàn tỉnh tính đến ngày 30/4/2015 (Phụ lục 1a)

Trong tổng số người nhiễm HIV tại tỉnh Phú Yên có 26,57% lây qua đường máu (do tiêm chích ma túy), 42,31% lây truyền qua đường tình dục. Các đối tượng này tập trung vào nhóm tuổi từ 15 - 49 tuổi và ngày càng có xu hướng trẻ hóa (người nhiễm HIV mới phát hiện ở độ tuổi 25 - 49 tuổi ngày càng tăng (năm 2009: 78,28%, năm 2014: 86,36% (tăng 8,08%)).

Tỷ lệ phân bố người nhiễm HIV theo nhóm tuổi qua các năm (Phụ lục 1b)

3. 2. Tình hình sử dụng ma túy:

Đến tháng 10/2014, toàn tỉnh có 148 đối tượng nghiện ma túy được quản lý, trong đó: Thành phố Tuy Hòa 68, Đông Hòa 26, Sông Hinh 24, Tây Hòa 16, Phú Hòa 5, Đồng Xuân 5, Sơn Hòa 2, Tuy An 1, thị xã Sông Cầu 1.

Số người sử dụng ma túy tập trung chủ yếu tại thành phố Tuy Hòa, huyện Đông Hòa và huyện Sông Hinh. Tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp; số người sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng, so với năm 2013 tăng 37 người.

Độ tuổi sử dụng đa phần là thanh thiếu niên tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi, không nghề nghiệp, thường xuyên quan hệ với các đối tượng hoạt động tội phạm về trật tự xã hội như trộm cắp, cướp giật tài sản, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cờ bạc. Địa điểm sử dụng thường là nhà nghỉ, khách sạn hoặc các điểm vắng người, xa khu dân cư. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy rất tinh vi.

Các dạng ma túy đối tượng nghiện sử dụng tại tỉnh là Heroin: 74 người, Cần sa 57 người, Ma túy đá: 17 người.

Phần 2

CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các CDTP và từ nhóm người nghiện các CDTP ra cộng đồng, giảm các hành vi tội phạm liên quan đến ma túy, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng ma tuý quá liều, tăng hiệu quả của Điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Dự kiến điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho khoảng 60 người nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone trong năm 2015.

- Giảm tối đa tỷ lệ số người sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn.

- Khống chế không để tỷ lệ nhiễm HIV gia tăng trong số người đang tham gia điều trị.

II. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA, ĐỊA ĐIỂM, LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI

1. Đối tượng tham gia: Đối tượng tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cần đáp ứng đủ các quy định của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ:

- Là người nghiện chất dạng thuốc phiện.

- Có nơi cư trú rõ ràng.

- Tự nguyện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và cam kết tuân thủ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện chưa đủ 16 tuổi, chỉ được điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó.

- Không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

2. Địa điểm triển khai: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Yên.

3. Lộ trình triển khai

Năm 2015: Triển khai các nội dung chủ yếu sau:

- Thành lập Ban chỉ đạo.

- Đào tạo cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị Methadone.

- Thành lập Ban xét chọn và nhóm hỗ trợ kỹ thuật.

- Tổ chức Hội nghị triển khai.

- Chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

- Thẩm định và cấp phép hoạt động cho cơ sở điều trị.

- Tổ chức xét chọn người bệnh.

- Tuyên truyền vận động.

- Triển khai hoạt động cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

- Kiểm tra, theo dõi, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

- Xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ năm 2016.

III. NGUYÊN TẮC TRIỂN KHAI

1. Việc tổ chức triển khai các hoạt động của kế hoạch đảm bảo phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của tỉnh Phú Yên; đồng thời, phải có sự đồng thuận trong các cấp lãnh đạo, quản lý và cộng đồng dân cư.

2. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chỉ được thực hiện trên cơ sở người bệnh tự nguyện tham gia và có cam kết tuân thủ điều trị. Trong cùng một thời điểm, người bệnh chỉ được phép đăng ký điều trị bằng thuốc Methadone tại một cơ sở.

3. Cơ sở điều trị Methadone đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định Bộ Y tế.

4. Điều trị và quản lý thuốc Methadone được thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

5. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone phải được lồng ghép với hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và các hoạt động tâm lý, xã hội.

6. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Y tế, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong việc triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

7. Nghiêm cấm các hành vi ngăn cản hoặc lợi dụng các hoạt động của chương trình để tiếp tay cho hoạt động mua bán và sử dụng ma túy.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Thành lập Cơ sở điều trị Methadone

Thành lập theo quy định tại “Hướng dẫn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hướng dẫn tổ chức thực hiện”, do Bộ Y tế ban hành, đảm bảo khoa học và thuận tiện cho việc tiếp nhận và điều trị người bệnh (bố trí 1 chiều), đủ rộng, thoáng, vệ sinh, an ninh để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn; có tổng diện tích tối thiểu 100m2 để bố trí các phòng như sau:

1.1. Cơ sở vật chất

- Có nơi tiếp đón, phòng hành chính, phòng cấp phát và bảo quản thuốc, phòng tư vấn, phòng khám bệnh và phòng xét nghiệm. Các phòng trong cơ sở điều trị thay thế phải có diện tích từ 10m2 trở lên;

- Bảo đảm các điều kiện về quản lý chất thải y tế, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;

- Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

- Các phòng của cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone phải được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa và làm vệ sinh, có cửa ra vào, cửa sổ chắc chắn và có khóa.

- Phòng xét nghiệm phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Tường của khu vực xét nghiệm, bàn xét nghiệm phải bằng phẳng, không thấm nước, chịu được nhiệt và các loại hóa chất ăn mòn;

+ Có bồn rửa tay, vòi rửa mắt khẩn cấp, hộp sơ cứu.

1.2. Trang thiết bị

- Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với quy mô hoạt động điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện;

- Có thiết bị để khử trùng dụng cụ và bệnh phẩm;

- Có các thiết bị giám sát việc thực hiện điều trị;

- Phòng cấp phát và bảo quản thuốc Methadone: có ẩm kế, nhiệt kế đo nhiệt độ phòng, điều hòa nhiệt độ, 02 tủ có khóa (két số) trong đó 01 tủ đựng thuốc cấp phát hàng ngày và 01 tủ bảo quản thuốc, dụng cụ cấp phát thuốc Methadone, tủ hoặc giá đựng hồ sơ, sổ sách, phiếu theo dõi điều trị.

- Phòng khám bệnh: Nhiệt kế, ống nghe, tủ thuốc cấp cứu (trong đó có thuốc giải độc), máy đo huyết áp, bộ trang thiết bị cấp cứu, cáng cứu thương hoặc xe đẩy, giường khám bệnh và cân đo sức khỏe - chiều cao.

- Thiết bị để quản lý, theo dõi người bệnh: Hệ thống máy tính, máy đọc mã vạch, máy ảnh để chụp ảnh người bệnh, camera theo dõi …

- Trang thiết bị hành chính: Tủ bảo quản hồ sơ bệnh án, bàn ghế cho nhân viên và cho người bệnh...

- Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế để thực hiện việc cấp phát, bảo quản thuốc thay thế; có các dụng cụ chứa rác thải phù hợp với từng loại rác thải; có các thiết bị giám sát việc thực hiện điều trị…

- Phòng xét nghiệm: Bộ dụng cụ xét nghiệm nước tiểu và lấy máu, tủ lạnh bảo quản sinh phẩm, bệnh phẩm.

- Nơi lấy nước tiểu của người bệnh: Bộ bàn cầu (với đường cấp nước có van đặt ở bên ngoài nơi lấy nước tiểu), vách ngăn dán kính màu một chiều từ bên ngoài để nhân viên cơ sở điều trị quan sát được quá trình tự lấy mẫu nước tiểu của người bệnh.

- Các trang thiết bị khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng phòng.

1.3. Nhân sự

Số lượng: Tối thiểu là 11 người làm việc tại một cơ sở điều trị Methadone, gồm:

- 02 bác sĩ làm việc toàn thời gian chịu trách nhiệm khám và điều trị cho bệnh nhân. Trong đó có 01 bác sỹ được chỉ định làm Trưởng cơ sở điều trị để chịu trách nhiệm quản lý chung các hoạt động hàng ngày của cơ sở điều trị Methadone;

- 01 dược sĩ trung cấp tham gia quản lý, lưu giữ thuốc Methadone, cấp phát và giám sát người bệnh uống thuốc;

- 01 tư vấn viên đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng và có kinh nghiệm làm việc, tư vấn.

- 02 Y sĩ chịu trách nhiệm hỗ trợ bác sỹ khám và điều trị cho bệnh nhân và quản lý số liệu

- 01 cử nhân xét nghiệm đại học lấy mẫu xét nghiệm, làm xét nghiệm nước tiểu.

- 01 cán bộ y tế trung cấp hỗ trợ dược sỹ trong việc cấp phát và giám sát người bệnh uống thuốc khi cần thiết;

- 02 bảo vệ;

- 01 nhân viên vệ sinh.

Tất cả các cán bộ y tế công tác tại cơ sở điều trị Methadone phải được tập huấn và phải có giấy chứng nhận do cơ sở đào tạo do Bộ Y tế chỉ định cấp.

Cán bộ viên chức làm việc tại cơ sở điều trị Methadone được hưởng chế độ ưu đãi theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS được lồng ghép và hệ thống Tư vấn, xét nghiệm và điều trị ARV sẵn có tại Trung tâm.

1.4. Thời gian làm việc

- Làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, chủ Nhật và ngày lễ, ngày tết. Thời gian làm việc trong ngày: 8 giờ/ngày. Giờ mở cửa và đóng cửa do cơ sở điều trị Methadone quy định.

- Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức làm việc theo ca và bố trí trực ngoài giờ hành chính. Mỗi ca làm việc gồm có 6 người: Bác sĩ điều trị, tư vấn viên, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên hành chính và bảo vệ.

2. Nhu cầu thuốc cho cơ sở Methadone

Số lượng bệnh nhân điều trị trong tháng: 60 bệnh nhân.

Số lượng thuốc cho một bệnh nhân trên ngày: 10ml.

* Dự trù thuốc như sau:

Năm 2015, số bệnh nhân: 60 người; số thuốc sử dụng 10ml/ngày (365 ngày trong năm); số tiền 1.000 đồng/ml. Tổng cộng: 219.000.000 đồng.

II. CHỈ ĐẠO, THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh

1.1. Thành phần Ban chỉ đạo

- Phó Chủ tịch UBND Tỉnh: Trưởng ban;

- Lãnh đạo Sở Y tế: Phó Trưởng ban thường trực;

- Lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh: Phó Trưởng ban;

- Các thành viên: Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Phú Yên, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe - Sở Y tế.

1.2. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo

- Chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện kế hoạch.

- Điều phối các hoạt động thông tin, tuyên truyền về kế hoạch; quản lý đối tượng tham gia điều trị; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn và tại cơ sở điều trị Methadone.

- Chỉ đạo việc quản lý và triển khai điều trị tại cơ sở điều trị Methadone.

- Định kỳ giao ban rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.

2. Thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật

2.1. Thành phần

- Lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS: Trưởng nhóm;

- Đại diện Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế: Thành viên;

- Đại diện Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế: Thành viên;

- Đại diện Trạm Chuyên khoa Tâm thần tỉnh: Thành viên;

- Đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe- Sở Y tế: Thành viên;

- Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Thành viên;

- Đại diện Công an tỉnh: Thành viên.

2.2. Nhiệm vụ

Giúp Ban Chỉ đạo tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động của Kế hoạch. Cụ thể như sau:

- Xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm.

- Phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức đào tạo cho cán bộ làm việc tại Cơ sở điều trị Methadone.

- Xây dựng quy trình theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá. Tham gia kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động của kế hoạch và của Cơ sở điều trị Methadone.

- Hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở điều trị Methadone theo quy định của Bộ Y tế.

- Tổ chức thông tin và truyền thông về các hoạt động của kế hoạch.

3. Thành lập Ban xét chọn người bệnh

Sở Y tế Quyết định thành lập Ban xét chọn người bệnh cấp tỉnh:

3.1. Thành phần

- Lãnh đạo Sở Y tế: Trưởng ban;

- Lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS: Phó Trưởng ban trực;

- Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Thành viên;

- Đại diện Công an tỉnh: Thành viên;

- Đại diện Trạm Chuyên khoa Tâm thần tỉnh: Thành viên;

- Đại diện Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe- Sở Y tế: Thành viên;

- Trưởng Cơ sở điều trị Methadone: Thành viên trực;

- Tư vấn viên Cơ sở điều trị Methadone: Thành viên.

3.2. Nhiệm vụ

- Xét chọn người bệnh (hồ sơ) đủ tiêu chuẩn được tham gia điều trị tại Cơ sở điều trị Methadone theo đúng các quy định của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo tỉnh.

- Gửi danh sách người bệnh được xét chọn tham gia điều trị Methadone đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.

- Xem xét và đề xuất khi người bệnh có đơn xin đổi cơ sở điều trị Methadone.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan để quản lý người bệnh tham gia vào chương trình, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn thuốc Methadone.

4. Chế độ báo cáo

- Hồ sơ bệnh án, sổ theo dõi và các biểu mẫu thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Chế độ báo cáo: thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu theo đúng quy định của Bộ Y tế.

5. Kiểm tra, giám sát hoạt động

- Tổ chức giao ban hàng tuần tại cơ sở điều trị.

- Hàng tháng họp giữa cơ sở điều trị, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật với Lãnh đạo các cấp để báo cáo tiến độ thực hiện và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai.

- Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất cơ sở điều trị để tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình theo các mục tiêu và tiến độ đề ra.

III. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

- Kinh phí Trung ương (thông qua cung cấp bằng thuốc Methadone);

- Kinh phí địa phương: 1.325.804.000đ (Một tỷ, ba trăm hai mươi lăm triệu, tám trăm linh bốn ngàn đồng) - (Phụ lục số 2 đính kèm);

- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. CÁC YẾU TỐ RỦI RO

1. Những trường hợp có thể xảy ra

* Đối với người bệnh:

- Quá liều: Có thể xảy ra trong 1-2 tuần đầu điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.

- Ngộ độc thuốc: có thể xảy ra nếu người bệnh nghiện rượu hoặc đồng thời sử dụng các loại chất dạng thuốc phiện khác khi đang tham gia điều trị bằng Methadone.

- Nguy cơ tử vong: Người bệnh có thể tử vong do quá liều (có thể gặp trong giai đoạn đầu, hiếm gặp trong giai đoạn điều trị duy trì) và các nguyên nhân khác như nhiễm HIV giai đoạn cuối, tai nạn…

- Tiếp tục có hành vi tội phạm: Người bệnh có thể vẫn tiếp tục có hành vi tội phạm trong thời gian đầu điều trị, song nguy cơ này sẽ giảm đi đáng kể trong quá trình điều trị.

* Đối với chương trình:

- Quản lý thuốc Methadone: Việc quản lý thuốc không chặt chẽ có thể dẫn đến một số rủi ro như thiếu hoặc thừa thuốc, thất thoát, rò rỉ thuốc, sử dụng thuốc sai mục đích, thuốc quá hạn, cấp phát thuốc không đúng đối tượng.

- Tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị: Liên quan đến nhiều yếu tố, thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh.

2. Giải pháp xử lý

- Trường hợp quá liều: Do người đang điều trị Methadone có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng đồng thời rượu và các chất gây nghiện khác, cơ sở điều trị vẫn tiếp tục điều trị thì nguy cơ quá liều sẽ giảm đi.

- Trường hợp người đang tham gia điều trị Methadone có xét nghiệm dương tính với các CDTP từ 2 lần trở lên (trừ thuốc Methadone) sau khi đã đạt liều duy trì từ 12 tháng trở lên thì bị chấm dứt điều trị Methadone và thông báo cho chính quyền địa phương của nơi người đó cư trú.

- Trường hợp ngộ độc thuốc: Do người bệnh vẫn tiếp tục sử dụng CDTP khác trong thời gian đầu điều trị Methadone. Trường hợp này cần đánh giá cân nhắc việc tăng liều cho người bệnh trong mức an toàn cho phép và áp dụng các biện pháp tư vấn hỗ trợ.

- Đối với việc quản lý thuốc Methadone: Thuốc sử dụng cho điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và theo quy định về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và các quy định của pháp luật có liên quan.

Phần 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Sở Y tế là cơ quan thường trực, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án và các nội dung khác liên quan.

- Chỉ đạo việc tổ chức hoạt động của cơ sở điều trị Methadone theo đúng quy định chuyên môn của Bộ Y tế.

- Cân đối biên chế trong tổng số biên chế hành chính và các loại sự nghiệp được UBND tỉnh giao (hoặc áp dụng hình thức kiêm nhiệm) để tiến hành bố trí nhân sự phù hợp cho các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo đúng quy định.

- Phối hợp với các đơn vị liên qua kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về điều trị cho người bệnh tại cơ sở điều trị Methadone.

- Thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật, thành lập cơ sở điều trị Methadone.

- Tham mưu thành lập Ban chỉ đạo tỉnh.

- Chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS:

+ Tham mưu cho Sở Y tế tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể về triển khai điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại địa phương. Là đơn vị đầu mối để triển khai các hoạt động theo đúng kế hoạch.

+ Hướng dẫn cơ sở điều trị Methadone tổ chức điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo hướng dẫn chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

+ Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn và đánh giá hiệu quả của chương trình.

+ Làm đầu mối tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động của chương trình.

- Chỉ đạo Trạm Chuyên khoa Tâm thần tỉnh:

+ Hỗ trợ kỹ thuật và tham gia xét chọn người bệnh (hồ sơ) đủ tiêu chuẩn được tham gia điều trị tại Cơ sở điều trị Methadone theo đúng các quy định của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo tỉnh.

+ Phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong việc khám bệnh, chẩn đoán nghiện các chất dạng thuốc phiện.

- Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe và các nội dung liên quan đến hoạt động của Đề án.

2. Công an tỉnh

- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai các hoạt động của chương trình.

- Có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khi triển khai chương trình.

- Chỉ đạo Công an thành phố Tuy Hòa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế trong việc hỗ trợ lực lượng để bảo vệ cơ sở triển khai chương trình và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong quá trình cơ sở triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai hiệu quả chương trình tại cơ sở điều trị Methadone; tham gia công tác quản lý người bệnh tại cộng đồng; hỗ trợ đào tạo dạy nghề và tạo công ăn việc làm phù hợp để giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng; trong công tác thông tin giáo dục truyền thông về việc triển khai điều trị bằng thuốc Methadone.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế, các ngành, đơn vị liên quan, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, có kế hoạch bố trí kinh phí phù hợp để thực hiện các nội dung của đề án theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước hiện hành.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên

Phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai chương trình tại địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nơi triển khai chương trình.

6. Đề nghị Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, đoàn thể tỉnh

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các ngành, đơn vị liên quan và địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc triển khai Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Giám sát quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý, hỗ trợ người bệnh trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của chương trình.

7. Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy mại dâm các huyện, thị xã, thành phố

Trên cơ sở Đề án của tỉnh, yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các huyện, TX, TP giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai tốt các nội dung của chương trình tại địa phương.

- Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; tư vấn, vận động, giới thiệu người nghiện tham gia điều trị; quản lý, giáo dục và hỗ trợ người nghiện tham gia chương trình.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các xã phường tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ; tổ chức rà soát phân loại đối tượng nghiện CDTP để tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý, giám sát, hỗ trợ người bệnh tham gia chương trình; chú trọng việc đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn cơ sở điều trị Methadone.

 

Phụ lục 1a

Tình hình mắc HIV/AIDS/tử vong (TV) phân theo địa bàn tỉnh tính đến ngày 30/4/2015

Địa phương

HIV

AIDS

TV

TP Tuy Hòa

62

48

34

Phú Hòa

30

22

21

Sơn Hòa

9

6

6

Sông Hinh

33

25

23

Tây Hòa

33

23

18

Đông Hòa

27

24

15

Đồng Xuân

6

6

4

Tuy An

13

10

5

Sông Cầu

19

10

9

Tổng cộng

226

174

135

 

Phụ lục 1b:

Tỷ lệ phân bố người nhiễm HIV theo nhóm tuổi qua các năm

 

Phụ lục số 2

THUYẾT MINH DỰ TOÁN BỔ SUNG KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH
 ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CDTP BẰNG THUỐC METHADONE NĂM 2015

Đơn vị tính: 1.000đồng

Mục

Tiểu mục

NỘI DUNG

SỐ TIỀN

 

 

TỔNG KINH PHÍ

1.325.804

I

 

Kinh phí sửa chữa cơ sở Điều trị

300.000

II

 

Kinh phí mua trang thiết bị, máy móc, vật dụng, vật tư tiêu hao

340.000

 

1

Khu vực đón tiếp:

19.000

 

 

Bộ bàn ghế ngồi (bảo vệ): 1 bộ x 4.500.000 đ

4.500

 

 

Bộ bàn làm việc: 1 bộ x 5.500.000 đ

5.500

 

 

Ghế đợi: 10 cái x 500.000 đ

5.000

 

 

Giường gấp (bảo vệ ca đêm): 2 cái x 2.000.000 đ

4.000

 

2

Phòng đăng ký bệnh nhân:

40.700

 

 

Bộ bàn ghế làm việc (hành chính): 1 bộ x 5.500.000 đ

5.500

 

 

Tủ đựng hồ sơ lưu: 1 cái x 9.000.000 đ

9.000

 

 

Giá để tài liệu truyền thông: 1 cái x 5.000.000 đ

5.000

 

 

Đồng hồ: 1 cái x 500.000 đ

500

 

 

Hệ thống Camera theo dõi toàn khu vực (6 Camera): 1 hệ thống x 17.000.000 đ

18.000

 

 

Một số trang thiết bị khác (nếu cần)

2.700

 

3

Phòng tư vấn:

19.500

 

 

Bộ bàn, ghế làm việc: 1 bộ x 5.500.000 đ

5.500

 

 

Giá để tài liệu tư vấn, truyền thông: 1 cái x 5.000.000 đ

5.000

 

 

Tủ để hồ sơ: 1 cái x 9.000.000 đ

9.000

 

4

Phòng khám:

39.100

 

 

Bộ bàn ghế làm việc: 1 bộ x 5.500.000 đ

5.500

 

 

Tủ lưu hồ sơ bệnh án có khóa: 1 cái x 9.000.000 đ

9.000

 

 

Tủ đựng thuốc và trang thiết bị cấp cứu:

11.000

 

 

Bộ trang thiết bị cấp cứu ban đầu: 1 bộ x 10.000.000 đ

10.000

 

 

Quạt điện: 1 cái x 600.000 đ

600

 

 

Các vật dụng khác

3.000

 

5

Phòng cấp phát thuốc:

73.600

 

 

Bộ bàn ghế làm việc: 1 bộ x 5.500.000 đ

5.500

 

 

Tủ lưu hồ sơ có khoá: 1 cái x 9.000.000 đ

9.000

 

 

Bơm thuốc Methadone: 2 cái x 5.000.000 đ

10.000

 

 

Cốc uống thuốc: 6.000 cái x 500 đ

3.000

 

 

Bình nước 25 lít (01 bình/ngày): 286 bình x 35.000 đ

10.000

 

 

Máy Điều hoà:

18.000

 

 

Quạt điện: 1 cái x 600.000 đ

600

 

 

Két nhỏ có khóa, dung tích tối thiểu 02 lít: 1 cái x 6.000.000 đ

12.000

 

 

Bộ giá để cốc chén, ly: 1 bộ x 3.500.000 đ

3.500

 

 

Các vật dụng khác (xà phòng, khăn lau…)

2.000

 

6

Phòng lưu trữ và bảo quản thuốc:

20.000

 

 

Két sắt 2 khoá, dung tích tối thiểu 30 lít: 1 cái x 15.000.000 đ

15.000

 

 

Hệ thống báo động tự động: 1 hệ thống x 5.000.000 đ

5.000

 

7

Phòng xét nghiệm:

9.600

 

 

Tủ đựng hồ sơ lưu: 1 cái x 9.000.000 đ

9.000

 

 

Quạt điện: 1 cái x 600.000 đ

600

 

8

Phòng lấy nước tiểu:

9.500

 

 

Bệt vệ sinh: 1 cái x 5.500.000 đ

5.500

 

 

Bồn rửa: 1 cái x 2.000.000 đ

2.000

 

 

Vòi nước: 1 cái x 2.000.000 đ

2.000

 

9

Phòng vệ sinh chung:

10.500

 

 

Bệt vệ sinh: 1 cái x 5.500.000 đ

5.500

 

 

Bồn nước rửa tay: 1 cái x 2.000.000 đ

2.000

 

 

Vòi nước: 1 cái x 2.000.000 đ

2.000

 

 

Các vật dụng khác (xà phòng, khăn lau…)

1.000

 

10

Phòng họp:

98.500

 

 

Bàn họp (loại bàn oval đủ 25 chỗ ngồi): 1 cái x 26.000.000 đ

26.000

 

 

Ghế ngồi: 30 cái x 1.500.000 đ

45.000

 

 

Bộ ấm, cốc chén uống nước cho khoảng 20 người: 1 bộ x 3.000.000 đ

3.000

 

 

Đồng hồ: 1 cái x 500.000 đ

500

 

 

Bộ thu tín hiệu từ các Camera theo dõi (kết nối với máy tính): 1 bộ x 14.000.000 đ

14.000

 

 

Các vật dụng, văn phòng phẩm và trang thiết bị, vật tư tiêu hao khác

10.000

III

 

Chi phí xét nghiệm máu và nước tiểu trong 1 năm (bao gồm chi phí xét nghiệm và mua sinh phẩm, hóa chất ...)

52.680

 

 

Công thức máu: 60.000đ/lần/người x 60 người x 4 lần

14.400

 

 

Xét nghiệm chức năng gan ( SGOT,SGPT) 50.000đ/lần/người x 60 người x 4 lần

12.000

 

 

Xét nghiệm chức năng thận ( ure, creatinin) 52.000đ/lần/người x 60 người x 4 lần

12.480

 

 

HBsAg (Test nhanh) 51.000đ/người x 60 người

3.060

 

 

AntiHCV (Test nhanh) 51.000đ/người x 60 người

3.060

 

 

AntiHIV ( ELISA) 77.000đ/người x 60 người

4.620

 

 

AntiHIV ( Test nhanh) 51.000đ/người x 60 người

3.060

 

 

Test nhanh tìm chất dạng thuốc phiện 50.000đ/người x 60 người x 5 lần

15.000

 

 

Xét nghiệm chẩn đoán thai (Beta HCG) 20000đ x 10 người

200

 

 

Bơm kim tiêm lấy máu cái 240 cái

2.000

 

 

Ống nghiệm lấy máu ( 4 ống/người/năm): 240 cái

2.000

 

 

Cốc lấy nước tiểu ( 5 cốc/người/năm) : 240 cái

3.000

 

 

Hóa chất, vật dụng khác

10.000

IV

 

Kinh phí vận hành cơ sở điều trị (trả lương cán bộ hợp đồng bảo vệ, nhân viên vệ sinh, tiền lương làm thêm giờ vào các ngày thứ Bảy, chủ Nhật, ngày Lễ, ngày Tết) và các hoạt động duy trì cơ sở.

502.124

 

 

Chi hợp đồng bảo vệ: 3.000.000 đ/người/tháng x 2 người x 12 tháng

72.000

 

 

Chi lương cho bác sĩ, dược sĩ, cán bộ tư vấn, y sĩ x 12 tháng

275.000

 

 

Chi hợp đồng nhân viên vệ sinh: 1.500.000 đ/người/tháng x 1 người x 12 tháng

18.000

 

 

Chi tiền trực thứ 7, chủ nhật: 104 ngày x 6 người/ngày x 42.250 đồng

26.364

 

 

(65.000 đồng/người/phiên x 1,3 lần : 2 = 42.250 đồng)

 

 

 

Chi tiền trực ngày Lễ, Tết: 10 ngày x 6 người/ngày x 58.500 đồng

3.510

 

 

(65.000 đồng/người/phiên x 1,8 lần : 2 = 58.500 đồng)

 

 

 

Thanh toán tiền điện thắp sáng 3.000.000đ/tháng x 12 tháng

36.000

 

 

Thanh toán tiền nước sinh hoạt 300.000đ/tháng x 12 tháng

3.600

 

 

Văn phòng phẩm, mực máy photo, mực máy in

8.000

 

 

Vật tư văn phòng khác

5.000

 

 

In ấn tài liệu chuyên môn: Sổ sách, Bệnh án, Phiếu thuốc

50.000

 

 

Phí thẩm định cấp phép hoạt động

4.300

 

 

Lệ phí cấp phép hoạt động

350

V

 

Kinh phí mua thuốc Methadone( kinh phí Trung ương)

0

VI

 

Chi phí hội nghị, tập huấn, tuyên truyền, vận động, giao ban, sơ kết, tổng kết

87.000

 

1

Hội nghị triển khai kế hoạch với các thành phần liên quan: 70 người

7.000

 

 

Tài liệu: 20.000đ/tập x 70 tập

1.400

 

 

Nước uống: 30.000đ/người/ngày x 70 người x 1 ngày

2.100

 

 

Thuê hội trường: 3.500.000đ/ngày x 1 ngày

3.500

 

2

Hội nghị sơ kết, tổng kết:

14.000

 

 

Tài liệu: 20.000đ/tập x 70 tập x 2 hội nghị

2.800

 

 

Nước uống: 30.000đ/người/ngày x 70 người x 2 ngày

4.200

 

 

Thuê hội trường: 3.500.000đ/ngày x 2 ngày

7.000

 

3

Tổ chức tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

20.000

 

4

In tờ gấp truyền thông về Methadone

25.000

 

5

Tổ chức tuyên truyền tại các huyện,TP

21.000

VII

 

Kinh phí đào tạo cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị Methadone

44.000

 

1

Đào tạo nhân lực tại Đại học Y tế công cộng Hà Nội

96.800

 

 

Công tác phí: 150.000đ/ngày/người x 10 ngày x 8 người

12.000

 

 

Tiền ở: 800.000đ/ngày x 10 ngày x 8 người

64.000

 

 

Tiền tàu xe: 2.600.000đ (cả đi và về) x 8 người

20.800

 

 

 



[1] Methadone được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1939 và được sử dụng là một loại thuốc giảm đau, năm 1941 được sử dụng để điều trị nghiện. Methadone được FDA Hoa Kỳ công nhận vào năm 1947, được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào danh mục thuốc thiết yếu để điều trị nghiện vào năm 2005.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1224/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 1224/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Trần Quang Nhất
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản