Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3401/QĐ-UBND.VX

Nghệ An, ngày 22 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐIỀU CHỈNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ THAY THẾ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TẠI NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật phòng chống ma túy ngày 09/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 03/8/2008;

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006 và Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/7/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật;

Căn cứ Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Xét Tờ trình số 1464/TTr-SYT.NVY, ngày 07/7/2014 của Sở Y tế về việc ban hành Kế hoạch điều chỉnh triển khai thực hiện Chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch điều chỉnh triển khai thực hiện Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3900/QĐ-UBND.VX ngày 22/9/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Nghệ An.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để báo cáo);
- PVP.VX, NC UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Các Sở: Tài chính, KH&ĐT; TT&TT; Nội vụ; LĐTB&XH;
- Công an tỉnh;
- CV: VX;NC;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Thị Lệ Thanh

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU CHỈNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ THAY THẾ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3401/QĐ-UBND.VX ngày 22 tháng 7 năm 2014 của UBND tỉnh Nghệ An)

I.SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Sự cần thiết điều chỉnh kế hoạch:

a) Thực trạng sử dụng ma túy:

Nghệ An là tỉnh có dân số trên 3 triệu người, với 21 đơn vị hành chính (gồm 17 huyện, 3 thị xã và 1 thành phố - sau đây gọi là huyện), với 480 xã/phường/thị trấn (sau đây gọi là xã). Là tỉnh trọng điểm, phức tạp về ma túy, tính đến 31/12/2013, toàn tỉnh có 6.768 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, 21/21 huyện và 363/480 xã có người nghiện ma túy (Phụ lục 1). Số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng, nhất là địa bàn thành phố, thị xã, thị tứ như: Thành phố Vinh, Diễn Châu, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương.

b) Tình hình dịch HIV/AIDS:

Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1996; Tính đến 31/05/2014, toàn tỉnh có 9.517 người nhiễm HIV được phát hiện, trong đó người Nghệ An là 7.434 người; với gần 85% số người nhiễm HIV có tiền sử tiêm chích ma túy; trong số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện có 84,6% là nam giới, nữ giới chiếm 14,4%; độ tuổi 20 - 39 tuổi chiếm trên 88%.

c) Tình hình triển khai Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone tỉnh Nghệ An (gọi tắt là Chương trình Methadone):

- Tính đến tháng 5 năm 2014, toàn tỉnh đã triển khai 03 Cơ sở điều trị Methadone (CSĐT), trong đó CSĐT tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đi hoạt động từ tháng 9/2012, 02 CSĐT tại huyện Quế Phong và Quỳ Châu bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân điều trị từ tháng 6/2014.

- Nhân lực làm việc tại các CSĐT chủ yếu là kiêm nhiệm, cán bộ chuyên trách hiện chỉ có 03 nhân viên hợp đồng làm việc tại CSĐT Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS được dự án VAAC-US-CDC hỗ trợ. Việc bố trí cán bộ chuyên trách tại các CSĐT gặp nhiều khó khăn.

- CSĐT Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS có nhiệm vụ thu nhận bệnh nhân có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Vinh. Tuy nhiên, do nhu cầu điều trị của người bệnh, nên hiện tại CSĐT phải tiếp nhận bệnh nhân của nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến ngày 30/06/2014, có 11/21 huyện, thị xã, thành phố có bệnh nhân tham gia điều trị tại cơ sở, với tổng số Hồ sơ đăng ký là 437; số bệnh nhân được xét duyệt đưa vào điều trị là 393 số bệnh nhân đang điều trị 271 (Phụ lục 2).

- Mô hình triển khai các cơ sở điều trị khá đa dạng như: CSĐT Vinh được đặt và chịu sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Nghệ An; CSĐT Quế Phong được lồng ghép với cơ sở “Ba trong Một”, đặt và chịu sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Y tế Quế Phong và CSĐT Quỳ Châu lồng ghép với Phòng khám ngoại trú, đặt và chịu sự quản lý trực tiếp của Bệnh viện đa khoa Quỳ Châu.

- Kết quả triển khai chương trình Methadone tại tỉnh Nghệ An sau gần 2 năm triển khai cho thấy:

+ Về tâm lý và sức khỏe bệnh nhân: 100% bệnh nhân điều trị bằng Methadone ổn định sức khỏe, ổn định tâm lý, có thể làm việc, sinh hoạt bình thường.

+ Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại Cơ sở điều trị và cộng đồng được đảm bảo.

+ Tình hình sử dụng ma túy: Trên 80% số bệnh nhân không còn sử dụng Heroin sau 6 tháng điều trị. Lần đầu tiên, năm 2013 số người nghiện mới trên địa bàn thành phố Vinh giảm 114 trường hợp.

- Về kinh tế: Chương trình đã giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình bệnh nhân, nhiều người đã tìm được việc làm. Giảm chi phí của Nhà nước để khắc phục các hậu quả khác của ma túy.

- Về giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác: 100% bệnh nhân điều trị ổn định ở liều duy trì đã khống chế được tình trạng tiêm chích.

d) Sự cần thiết điều chỉnh Kế hoạch;

- Tình hình sử dụng ma túy dạng thuốc phiện chưa được khống chế, có xu hướng gia tăng.

- Tình hình dịch HIV/AIDS có liên quan đến sử dụng ma túy tại Nghệ An đang diễn biến phức tạp, 86% người nhiễm HIV/AIDS có tiền sử tiêm chích ma túy;

- Nguồn tài trợ bị cắt giảm, nhu cầu điều trị Methadone của người bệnh ngày càng cao.

- Căn cứ Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Căn cứ tình hình quản lý người nghiện tính đến năm 2013, tỉnh Nghệ An có ít nhất 8 huyện phải triển khai CSĐT (Phụ lục 1); Căn cứ Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và năm 2015, đến năm 2015 tỉnh Nghệ An có 3,400 bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (Phụ lục 3).

2. Cơ sở pháp lý

- Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

- Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống ma túy;

- Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS.

- Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”.

- Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Thông tư số 12/2012/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và năm 2015.

- Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

- Quyết định số 4915/QĐ-UBND.VX ngày 24/10/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 của tỉnh Nghệ An;

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Mở rộng và duy trì bền vững chương trình Methadone, đến năm 2020 có 3.400 người bệnh nghiện ma túy dạng thuốc phiện tại 100% huyện, thị xã, thành phố được tham gia Chương trình Methadone, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng, cải thiện sức khỏe, chất lượng cuộc sống và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Năm 2014: Triển khai 04 cơ sở điều trị, điều trị cho 640 bệnh nhân. Cụ thể:

- Đến tháng 12/2014, cơ sở điều trị tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS có 400 bệnh nhân được điều trị;

- Đưa vào hoạt động 03 cơ sở điều trị mới tại huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Trung tâm Giáo dục Lao động và Xã hội I;

- Khảo sát, triển khai 03 cơ sở điều trị tại các huyện Tương Dương, Thanh Chương, và Diễn Châu.

2.2. Năm 2015: Triển khai 12 cơ sở điều trị, 06 điểm cấp phát thuốc (ĐPT), điều trị cho 3.400 bệnh nhân. Cụ thể:

- Duy trì hoạt động 04 cơ sở điều trị đã triển khai;

- Thu nhận bệnh nhân vào điều trị tại 03 cơ sở điều trị mới tại Tương Dương, Diễn Châu và Thanh Chương;

- Khảo sát, triển khai mới 05 cơ sở điều trị tại Đô Lương, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Con Cuông và thị xã Thái Hoà; Các điểm cấp phát thuốc (ĐPT) tại Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, thành phố Vinh và một số địa phương có từ 50 người nghiện ma túy dạng thuốc phiện trở lên.

2.3. Giai đoạn 2016 - 2020:

Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 2012-2015 đề xuất mô hình hoạt động phù hợp; đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 có trên 40% số người bệnh nghiện ma túy dạng thuốc phiện có hồ sơ kiểm soát tại 100% huyện, thị xã thành phố được tham gia Chương trình Methadone.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Định hướng triển khai thực hiện Kế hoạch:

- Triển khai CSĐT tại tất cả các huyện có số người nghiện có hồ sơ kiểm soát từ 250 người trở lên và ĐPT tại các xã có từ 50 người nghiện trở lên.

- Thực hiện lồng ghép hợp lý CSĐT, ĐPT với các cơ sở y tế.

- Rà soát, bố trí sắp xếp cán bộ, đảm bảo vận hành tốt các CSĐT, ĐPT; hạn chế tối đa việc bổ sung biên chế.

- Đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, người bệnh tham gia Chương trình Methadone theo quy định của Nhà nước.

- Mở rộng và duy trì bền vững Chương trình, đến năm 2020 có 3.400 người bệnh nghiện ma túy dạng thuốc phiện tại 100% huyện, thị xã, thành phố được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.

2. Các hoạt động cụ thể:

2.1. Thiết lập cơ sở điều trị và điểm cấp phát thuốc Methadone:

1.1. Tổ chức bộ máy, biên chế:

CSĐT có cơ cấu tổ chức bộ máy của một khoa, phòng trực thuộc cơ sở y tế công lập.

- Đối với CSĐT tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: Hình thành Khoa điều trị Methadone, có 8 cán bộ chuyên trách, trong đó điều chỉnh 05 cán bộ từ các khoa phòng, hợp đồng 03 nhân viên chuyên trách bằng nguồn kinh phí của tỉnh.

- Đối với CSĐT tại các đơn vị khác: Hình thành cơ sở dịch vụ lồng ghép “Hai trong Một, hoặc Ba trong Một”, có biên chế tối thiểu từ 8 người trở lên tùy thuộc mô hình dịch vụ. Trong giai đoạn đầu triển khai, nhân lực tại các CSĐT do đơn vị điều chỉnh, bố trí sắp xếp để triển khai hoạt động. Hàng năm, căn cứ tình hình nhân lực và quy mô điều trị, đơn vị xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm để bảo đảm duy trì vận hành CSĐT.

1.2. Cơ sở vật chất:

Phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ và Điều 3 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế. Cụ thể:

- Đối với các CSĐT chưa triển khai: Thực hiện khảo sát, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất.

- Đối với các CSĐT đã triển khai: Căn cứ tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng hoặc cải tạo.

1.3. Trang thiết bị: Phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế.

1.4. Thẩm định, cấp phép hoạt động:

Thực hiện theo quy định tại Điều 14,Điều 15, Điều 16 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư số 12/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2.2. Truyền thông, vận động chính sách:

- Tổ chức hội nghị vận động các cấp chính quyền tuyến tỉnh và huyện:

Bao gồm đại diện các tổ chức chính trị, chính quyền, ban ngành, đoàn thể xã hội;

- Tuyên truyền hoạt động điều trị Methadone bằng nhiều hình thức và trên các hệ thống thông tin đại chúng.

2.3. Tiếp nhận bệnh nhân điều trị:

Thực hiện theo quy định tại Mục II Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 18 Thông tư số 12/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2.4. Xét chọn và điều trị bệnh nhân:

Theo quy định tại Mục I Nghị định số 96/2012/NĐ-CP đúng Hướng dẫn điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone do Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30/8/2010.

2.5. Theo dõi và đánh giá hoạt động:

2.5.1. Theo dõi các hoạt động:

- Hồ sơ bệnh án, sổ theo dõi và các biểu mẫu thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Chế độ báo cáo: Thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu theo đúng quy định của Bộ Y tế

2.5.2. Đánh giá hoạt động: Tổ chức giao ban, sơ kết, tổng kết để đánh giá hoạt động theo quy định. Bao gồm:

- Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị.

- Tình hình điều trị: Liều điều trị, thời gian dò liều, bỏ liều, duy trì liều.

- Theo dõi điều trị: Tác dụng phụ của thuốc, tỷ lệ quá liều, tái sử dụng ma túy dạng thuốc phiện.

- Tỷ lệ lây nhiễm HIV, Viêm gan B, Viêm gan C.

- Hành vi nguy cơ nhiễm HIV của người bệnh tham gia chương trình.

- Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm.

- Hành vi tội phạm hình sự của các đối tượng tham gia chương trình.

- Mối quan hệ của bệnh nhân với gia đình.

3. Mô hình thực hiện

3.1. Nguyên tắc thực hiện:

- Điều trị Methadone chỉ được thực hiện tại Cơ sở điều trị đã được cấp giấy phép hoạt động.

- Hoạt động điều trị, quản lý thuốc Methadone phải tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

- Điều trị Methadone phải được lồng ghép với hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS; chương trình phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và các hoạt động tâm lý, xã hội.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Y tế, Tài chính, Nội vụ Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp.

- Không áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị Methadone, trừ các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.

- Cơ sở điều trị phải hoạt động liên tục tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày nghỉ và ngày lễ, ngày tết.

3.2. Địa điểm:

- Đối với các CSĐT: Triển khai tại tất cả các huyện có từ 250 người nghiện có hồ sơ kiểm soát trở lên; Huyện có ít hơn 250 người nghiện có hồ sơ kiểm soát, căn cứ tình hình thực tế, địa phương xây dựng kế hoạch, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Vị trí CSĐT có thể đặt tại các bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế hoặc các cơ sở Y tế đáp ứng các điều kiện theo quy định.

- Đối với các ĐPT: Triển khai tại tất cả các xã, khu vực có từ 50 người nghiện có hồ sơ kiểm soát trở lên. Vị trí đặt tại Trạm Y tế xã hoặc các Cơ sở Y tế đáp ứng các điều kiện theo quy định.

3.3 Mô hình CSĐT, ĐPT:

- Hoạt động của CSĐT, ĐPT có thể độc lập hoặc lồng ghép các dịch vụ y tế theo mô hình “Ba trong Một, hoặc Hai trong Một”.

- Từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động tại các CSĐT theo quy định. Trước mắt, ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoạt động của các CSĐT và ĐPT.

- Quy mô: Đối với CSĐT không quá 250 bệnh nhân; đối với ĐPT không quá 100 bệnh nhân.

- Mỗi CSĐT có thể trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật cho một số ĐPT trong khu vực được giao phụ trách.

3.4. Thời gian làm việc:

- Làm việc tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, ngày tết. Thời gian làm việc 8 giờ/ngày (theo giờ hành chính).

- Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức làm việc theo ca và bố trí trực ngoài giờ hành chính. Mỗi ca làm việc gồm có: Bác sĩ điều trị, tư vấn viên, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên hành chính và bảo vệ.

3.5. Chế độ chính sách đối với những người tham gia điều trị và người công tác tại CSĐT và ĐPT:

Thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

4.Lộ trình thực hiện

TT

Nội dung hoạt động

Thời gian

Năm 2014

1

Tổ chức hội nghị vận động chính sách, đồng thuận triển khai Kế hoạch (lồng ghép trong sơ kết thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình Methadone 6 tháng đầu năm 2014)

Tháng 7/2014

4

Cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tại CSĐT Tương Dương và Thanh Chương.

Quý III - IV/2014

5

Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các CSĐT

Quý III - IV/2014

6

Khảo sát, xây dựng kế hoạch, triển khai CSĐT mới tại Diễn Châu, Quỳ Hợp và các ĐPT năm 2015

Tháng 11-12/2014

Năm 2015

11

Phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị thuốc Methadone cho 02 CSĐT Thanh Chương và Tương Dương

Tháng 01/2015

12

Triển khai xét chọn bệnh nhân, xét nghiệm và điều trị CSĐT Thanh Chương, Tương Dương

Quý I/2015

13

Cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tại CSĐT Diễn Châu, Quỳ Hợp

Quý II/2015

 

Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch giai đoạn năm 2016 - 2020.

Tháng 12/2015

Giai đoạn 2016-2020

17

Duy trì và nâng cao chất lượng các CSĐT đã triển khai, tăng số bệnh nhân được điều trị; khảo sát, xây dựng kế hoạch triển khai các CSĐT, ĐPT tại các huyện theo lộ trình (Chi tiết phụ lục 3).

Hàng năm

5. Kinh phí thực hiện kế hoạch:

5.1. Giai đoạn 2014- 2015:

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách Trung ương, Chương trình Mục tiêu quốc gia, các dự án, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

- Bảng dự kiến kinh phí thực hiện Kế hoạch đến năm 2015: (Phụ lục 4)

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Dự kiến kinh phí

Năm 2014

Năm 2015

1

Kinh phí sửa chữa CSĐT

1.000

1.600

2

Kinh phí mua sắm trang thiết bị

430

1.008

3

Kinh phí vận hành CSĐT (Chi phí duy trì hoạt động thường xuyên tại CSĐT, ĐPT)

0

3.303

4

Kinh phí mua thuốc Methadone

Theo nhu cầu thực tế

5

Kinh phí đào tạo

100

160

 

Cộng

1.530

5.641

 

Tổng cộng

7.171

5.2. Giai đoạn 2016-2020:

Căn cứ tình hình nghiện của từng địa phương để triển khai mới hoặc duy trì các CSĐT, ĐPT. Dự kiến kinh phí triển khai cho mỗi CSĐT, ĐPT trong 01 năm cụ thể như sau:

- Kinh phí triển khai thực hiện cho năm đầu tiên là: (Phụ lục 5)

+ Đối với CSĐT: 2,646 triệu đồng/CSĐT/năm.

+ Đối với điểm cấp phát thuốc: 733 triệu đồng/ĐPT/năm.

- Kinh phí triển khai thực hiện cho các năm tiếp theo = (Kinh phí cho năm đầu tiên - Chi phí ban đầu). Cụ thể là:

+ Đối với CSĐT: 1,881 triệu đồng/CSĐT/năm.

+ Đối với điểm cấp phát thuốc: 531 triệu đồng/ĐPT/năm.

IV. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI

1. Nhóm giải pháp về quản lý:

- Tăng cường năng lực tổ chức, thực hiện Kế hoạch cho cơ quan đầu mối các tuyến từ tỉnh đến huyện, xã.

- Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch. Tập trung vào các nội dung cơ bản: Vận động, giới thiệu, hỗ trợ người nghiện chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị bảng Methadone; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ người tham gia điều trị tái hòa nhập cộng đồng.

- Tổ chức đánh giá, mở rộng các mô hình có chi phí hiệu quả cao.

- Kịp thời khen thưởng, xử lý sai phạm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch.

2. Nhóm giải pháp về chuyên môn:

- Tổ chức điều trị tại các CSĐT, ĐPT hoặc các cơ sở y tế được cấp phép hoạt động.

- Mở rộng phạm vi cung cấp, bảo đảm tính liên tục và dễ tiếp cận dịch vụ điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone.

- Xây dựng, củng cố hệ thống phân phối thuốc theo đúng quy định hiện hành; Nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị Methadone trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần cho bệnh nhân và gia đình họ để người nghiện ma túy dạng thuốc phiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

- Xây dựng, củng cố hệ thống giám sát, theo dõi và đánh giá Chương trình Methadone; bảo đảm hệ thống theo dõi, đánh giá thống nhất, chất lượng.

3. Nhóm giải pháp về nguồn lực:

a) Về nhân lực:

- Rà soát, bố trí sắp xếp cán bộ, bảo đảm vận hành tốt các CSĐT, ĐPT; hạn chế việc tuyển dụng bổ sung biên chế.

- Đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, người bệnh tham gia Chương trình Methadone theo quy định của nhà nước.

b) Cơ sở vật chất, trang thiết bị:

- Khảo sát, đánh giá, lựa chọn địa điểm đặt CSĐT, ĐPT.

- Thực hiện lồng ghép hợp lý CSĐT, ĐPT với các cơ sở y tế nhằm tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có; hạn chế tối đa việc sửa chữa, mua sắm...

- Xây dựng Kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

c) Về tài chính:

- Thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia và chi thường xuyên tại các cơ sở y tế để triển khai các hoạt động; Đồng thời đẩy mạnh các biện pháp huy động nguồn lực từ các các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch

- Thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, chi phí nhân sự, chi phí duy trì hoạt động thường xuyên...đúng chế độ, định mức quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Thành lập Ban chỉ đạo ngành Y tế để giúp Ban chỉ đạo Chương trình tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Cấp giấy phép hoạt động đối với CSĐT, ĐPT tại địa phương; đăng tải công khai các dữ liệu liên quan đến việc cấp, cấp lại, danh sách CSĐT, ĐPT đã được cấp, cấp lại, bị đình chỉ hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các quy định về tiếp nhận, bảo quản, cấp phát và sử dụng thuốc Methadone.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch về biên chế, vị trí việc làm tại các CSĐT và ĐPT trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Tổ chức kiểm tra, theo dõi hoạt động của cơ sở điều trị thuộc thẩm quyền quản lý; tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm liên quan đến việc triển khai hoạt động điều trị Methadone trên địa bàn quản lý theo quy định pháp luật.

* Chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh:

- Là đơn vị thường trực, làm đầu mối triển khai các hoạt động của Chương trình theo đúng Kế hoạch.

- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có liên quan trong công tác thông tin giáo dục truyền thông về việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát các hoạt động chuyên môn của Chương trình.

- Tham gia huy động, quản lý và điều phối các nguồn kinh phí cho Chương trình.

- Làm đầu mối tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động.

- Tổ chức họp định kỳ, sơ kết, tổng kết báo cáo các cơ quan chức năng.

- Tổng hợp kế hoạch về nguồn lực phục vụ cho hoạt động của các CSĐT trong toàn tỉnh báo cáo Sở Y tế trình UBND xem xét, phê duyệt.

- Trực tiếp tổ chức triển khai việc duy trì cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm theo quy định.

* Chỉ đạo Trung tâm Y tế, Bệnh viện đa khoa huyện:

- Quản lý trực tiếp, toàn diện hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn huyện.

- Làm đầu mối kết hợp với Phòng y tế và các ban ngành là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm huyện tham mưu cho UBND huyện kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương.

- Phối hợp với UBND các xã triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Lập kế hoạch hàng năm về nhân lực và kinh phí cho cơ sở điều trị Methadone tại địa phương gửi Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tổng hợp báo cáo Sở Y tế.

* Chỉ đạo Cơ sở điều trị:

- Chỉ thực hiện tiếp nhận bệnh nhân điều trị sau khi được cấp giấy phép hoạt động.

- Tổ chức điều trị nghiện CDTP theo hướng dẫn chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

- Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo tình hình điều trị và tuân thủ điều trị cho cấp có thẩm quyền theo quy định.

- Chịu sự kiểm tra, theo dõi của Sở Y tế và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

2. Công an tỉnh:

- Phối hợp chỉ đạo chặt chẽ với ngành Y tế và các Sở, ban, ngành, đoàn thể khác trong việc triển khai các hoạt động của cơ sở điều trị.

- Làm tốt công tác quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh; Phối hợp tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy dạng thuốc phiện tích cực tham gia Chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.

- Chỉ đạo Công an địa phương có cơ sở điều trị Methadone phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế và hỗ trợ lực lượng để bảo vệ cơ sở điều trị, bảo vệ kho thuốc, giữ gìn an ninh trật tự và quản lý người bệnh tham gia điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone.

3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Y tế và các ban ngành khác trong việc triển khai các hoạt động tại cơ sở điều trị Methadone như: Tham gia công tác quản lý người bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ đào tạo dạy nghề và tạo công ăn việc làm để giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan trong công tác thông tin giáo dục truyền thông về việc triển khai Chương trình Methadone.

- Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang tham gia điều trị nghiện CDTP bằng thuốc Methadone, trừ các trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.

4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh kinh phí thực hiện Kế hoạch. Đồng thời triển khai, hướng dẫn các đơn vị sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

5. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh về mức lương, phụ cấp, định biên và chế độ chính sách cho cán bộ, viên chức làm việc tại các Cơ sở điều trị Methadone theo quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Chương trình Methadone trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nơi triển khai cơ sở điều trị, điểm cấp phát thuốc.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh:

Chỉ đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên:

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan trong công tác thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận của xã hội về việc triển khai thực hiện Chương trình Methadone.

- Tham gia công tác quản lý, hỗ trợ người bệnh tham gia Chương trình và tái hòa nhập cộng đồng.

- Tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy dạng thuốc phiện tích cực tham gia điều trị bằng thuốc Methadone trong nhân dân, đặc biệt trong đoàn viên, thanh niên.

8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể khác:

Các ban, ngành, đoàn thể khác có liên quan phối hợp để triển khai tốt Kế hoạch theo sự phân công của Ban Chỉ đạo tỉnh.

9. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

Chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt các công việc sau đây:

a) Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vận động chính sách tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Đẩy mạnh công tác truyền thông để cộng đồng dân cư hiểu và tích cực tham gia ủng hộ hoạt động điều trị Methadone.

b) Chỉ đạo các ban, ngành liên quan thuộc địa phương phối hợp triển khai hoạt động điều trị trên địa bàn, đặc biệt chú trọng đến sự tham gia phối hợp của Công an huyện, xã trong việc đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn đặt CSĐT, ĐPT, chú ý bảo vệ kho thuốc Methadone.

c) Hỗ trợ công tác theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động điều trị.

d) Chỉ đạo các ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân xã tổ chức quản lý, giám sát, hỗ trợ người bệnh tham gia chương trình.

e) Chỉ đạo tổ chức đào tạo, dạy nghề, tìm việc làm và hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người bệnh.

f) Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan y tế địa phương triển khai các hoạt động phục vụ công tác điều trị và quản lý bệnh nhân.

Trên đây là Kế hoạch điều chỉnh triển khai thực hiện Chương Methadone tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 -2020. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) để tổng hợp, giải quyết./.

 

PHỤ LỤC 1

TÌNH HÌNH NHIỄM HIV/AIDS VÀ NGHIỆN MA TÚY NĂM 2013 - TỈNH NGHỆ AN

TT

Tên đơn vị

Tình hình nhiễm HIV/AIDS và nghiện ma túy

Tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý

HIV

AIDS

Số chết do AIDS

1

Thành phố Vinh

920

1.928

1.348

866

2

Quế Phong

503

1.073

324

152

3

Tương Dương

1.505

851

537

371

4

Quỳ Châu

245

497

233

130

5

Đô Lương

298

393

242

166

6

Diễn Châu

667

346

229

117

7

TX. Thái Hòa

177

312

189

91

8

Thanh Chương

168

262

159

94

9

Con Cuông

174

232

172

126

10

Quỳ Hợp

575

225

144

72

11

Nghĩa Đàn

66

177

109

51

12

Nghi Lộc

141

146

85

38

13

Yên Thành

142

145

93

39

14

Tân Kỳ

155

134

76

29

15

Nam Đàn

87

132

100

68

16

Hưng nguyên

137

129

99

56

17

Quỳnh Lưu *

97

124

77

32

18

Cửa Lò

148

79

47

35

19

Anh Sơn

145

46

28

14

20

Kỳ Sơn

357

63

32

24

21

Tổng

6. 768

7. 294

4. 323

2. 571

* Ghi chú: Số liệu huyện Quỳnh Lưu đã bao gồm của TX. Hoàng Mai

 

PHỤ LỤC 2

TÌNH HÌNH THU NHẬN BỆNH NHÂN TẠI CSĐT METHADONE TẠI TRUNG TÂM PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TỈNH (TÍNH ĐẾN 30/4/2014)

TT

Địa phương

Hồ sơ đăng ký

BN được Đ.Trị

BN ra khỏi Chương trình

BN đang Đ.Trị

1

Tp. Vinh

291

268

93

175

2

H. Diễn Châu

51

50

8

42

3

H. Nghi Lộc

15

15

6

9

4

H. Hưng Nguyên

9

8

2

6

5

TX. Cửa Lò

7

7

3

4

6

H. Nam Đàn

11

10

0

10

7

H. Thanh Chương

2

2

0

2

8

H. Yên Thành

1

1

0

1

9

H. Quỳnh Lưu

1

0

0

0

10

TX Thái Hòa

3

3

0

3

11

H. Đô Lương

2

2

1

1

12

Khác*

12

0

12

0

 

Tổng cộng

404

366

113

253

* Ghi chú: Khác là những bệnh nhân từ các CSĐT của địa phương khác chuyển đến điều trị tạm thời, sau đó chuyển bệnh nhân trở lại CSĐT ban đầu.

 

PHỤ LỤC 03

LỘ TRÌNH MỞ RỘNG CHƯƠNG TRÌNH METHADONE TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

TT

ĐỊA ĐIỂM

Dự kiến bệnh nhân

2013

2014

2015

Năm 2016 - 2020

T1-T6/2014

T7-T12/2014

T1-T6/2015

T7-T12/2015

 

Cơ sở điều trị

246

300

650

1400

2450

2450

1

Trung tâm PC HIV/AIDS

246

300

400

400

400

400

2

Trung tâm Y tế Quế Phong

 

 

100

150

250

250

3

Bệnh viện đa khoa Quỳ Châu

 

 

100

150

200

200

4

Bệnh viện đa khoa Tương Dương

 

 

 

150

300

300

5

TTYT Thanh Chương

 

 

 

50

200

200

6

Trung tâm Y tế Diễn Châu

 

 

 

150

300

300

7

Trung tâm GD Lao động Xã hội I

 

 

50

100

150

200

8

TTYT Qùy Hợp

 

 

 

150

200

200

9

TTYT H. Kỳ Sơn

 

 

 

50

200

200

10

TTYT Huyện Đô Lương

 

 

 

50

150

150

11

TTYT TX. Thái Hòa

 

 

 

 

50

50

12

Trung tâm Y tế huyện Con Cuông

 

 

 

 

50

50

 

Điểm cấp phát thuốc

0

0

0

0

950

950

1

TTYT TX. Cửa Lò

 

 

 

 

50

50

2

TTYT H. Hưng Nguyên

 

 

 

 

50

50

3

TTYT H. Nghi Lộc

 

 

 

 

50

50

4

TTYT H. Nam Đàn

 

 

 

 

50

50

5

H. Yên Thành

 

 

 

 

50

50

6

H. Tân Kỳ

 

 

 

 

50

50

7

H. Quỳnh Lưu

 

 

 

 

50

50

8

H. Nghĩa Đàn

 

 

 

 

50

50

9

TX. Hoàng Mai

 

 

 

 

50

50

10

H. Anh Sơn

 

 

 

 

50

50

11

TTYT Vinh

 

 

 

 

50

50

12

TYT xã Đồng Văn, H. Quế Phong

 

 

 

 

50

50

13

TYT xã Châu Thôn, H. Quế Phong

 

 

 

 

50

50

14

TYT xã Châu Bình, H. Quỳ Châu

 

 

 

 

50

50

15

TYT xã Châu Tiễn, H. Quỳ Châu

 

 

 

 

50

50

16

PKĐK Yên Hòa-Tương Dương

 

 

 

 

100

100

17

PK.ĐK Tam Quang-Tương Dương

 

 

 

 

100

100

 

Tổng cộng

246

300

650

1400

3,400

3.400

 

PHỤ LỤC 4

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỤC HIỆN KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2014-2015

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Năm 2014

Năm 2015

2014-2015

Nguồn kinh phí

Số CSĐT

ĐPT

Kinh phí

Số CSĐT

ĐPT

Kinh phí

Kinh phí

1

Kinh phí sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất (500 triệu/CSĐT; 150 triệu/ĐPT)

02

 

1,000

02

04

1,600

2,600

Địa phương

2

Mua sắm trang thiết bị (215 triệu/CSĐT; 37 triệu/ĐPT)

02

 

430

02

04

578

1,008

Địa phương

3

Chi phí vận hành (442 triệu/CSĐT; 52.45 triệu/ĐPT)

0

 

0

07

04

3,303

3,303

Địa phương

4

Kinh phí đào tạo

02

 

100

02

04

160

260

Địa phương

5

Thuốc

Cấp theo nhu cầu thực tế

Trung ương

6

Tổng số

 

 

1,530

 

 

5,641

7,171

 

 

PHỤ LỤC 5

CHI PHÍ NĂM ĐẦU TIÊN CHO VIỆC TRIỂN KHAI VÀ VẬN HÀNH CSĐT QUY MÔ 250 BỆNH NHÂN VÀ 01 ĐPT QUY MÔ 100 BỆNH NHÂN

TT

Nội dung

Chi phí cơ sở/năm

 

 

CSĐT

Điểm VT

I

Chi phí ban đầu

765,000,000

202,000,000

1

- Phí xây dựng, sửa chữa cơ sở

500,000,000

150,000,000

2

- Phí mua sắm trang thiết bị

215,000,000

37,000,000

3

- Đào tạo ban đầu

50,000,000

15,000,000

II

Chi phí vận hành

831,094,040

141,015,120

A

Chi phí cho nhân sự

489,119,040

107,265,120

1

- Lương và phụ cấp

479,945,040

98,565,120

2

- Chi phí làm việc các ngày lễ, tết(80h/năm x 30,000đ/h x 03người)

8,700,000

8,700,000

B

Chi phí duy trì hoạt động thường xuyên

230,975,000

33,750,000

1

- Phí xét nghiệm bắt buộc cho BN vào chương trình(XN viêm gan B, C, Lao, công thức máu): 246,000 đ/BN (Theo QĐ 72 UBND tỉnh Nghệ An) x 250 BN/CSĐT (Chưa tính đến các XN cho các điểm vệ tinh)

61,500,000

0

2

- Phí làm thẻ cho bệnh nhân: 50.000 đ/thẻ, ước tính 10% BN bị mất thẻ phải làm lại tại các điểm phát thuốc.

12,500,000

0

3

- Phí VPP, photo biểu mẫu: 1.200.000 đ/tháng x 12 tháng/CSĐT; 500.000đ/ĐPT

14,400,000

6,000,000

4

- Cốc cho bệnh nhân uống thuốc: 300đ/chiếc X 91,250 chiếc/CSĐT; 300đ x 36,500 chiếc/ĐPT

27,375,000

10,950,000

5

- Nước uống cho bệnh nhân và nhân viên: 20.000 đ/bình x (40 bình/tháng/CSC; 20 bình/Điểm VT) x 12 tháng

9,600,000

4,800,000

6

- Phí điện, nước, điện thoại, internet: (2.500 000 đ/tháng/CSĐT; 1.000 000 đ/tháng/ĐPT) x 12 tháng

30,000,000

12,000,000

7

- Test xét nghiệm Heroin niệu (18.000 đ/test): 1 test/BN/tháng x 12 tháng(250 BN/CSĐT; 100 BN/ĐPT )

75,600,000

0

C

Chi phí một số hoạt động hỗ trợ điều trị

84,000,000

0

1

- Phí tổ chức các buổi giáo dục nhóm cho bệnh nhân(1 tháng/lần), gồm nước uống, VPP...: 300,000 đ/lần x 12 tháng x 10 nhóm/CSĐT

36,000,000

0

2

- Phí tổ chức các buổi tư vấn cho gia đình bệnh nhân(1 quý/lần), gồm nước uống, VPP...: 450, 000 đ/lần x 4 lần/năm X 10 nhóm/CSĐT

18,000,000

0

3

- Phí hỗ trợ sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh(Nước uống, VPP): 200.000đ/tháng/nhóm x 10 nhóm/CSĐT x 12 tháng

24,000,000

 

4

Hỗ trợ mời hội chẩn: 250.000đ/chuyên gia/tháng x 2 người x 12 tháng

6,000,000

0

III

Thuốc

950,000,000

380.000.000

1

- Phí mua thuốc: 920lít/CSĐT 250 bệnh nhân/năm x 1.000.000 đ/lít

920,000,000

368,000.000

2

- Phí vận chuyển, phân phối thuốc cho các cơ sở 1 500 000/tháng x 12 tháng

30,000,000

12,000,000

IV

Chi phí khác

100,000,000

10,000,000

1

- Đào tạo bổ sung và nâng cao

30,000,000

 

2

- Phí duy tu, bảo dưỡng: 20,000,000 đ/CSĐT; 5,000,000 đ/ĐPT

20,000,000

10,000,000

3

- Chi phí tổ chức các hoạt động: Hỗ trợ kỹ thuật, Quản lý, giám sát: 3,000,000 đ/tháng x 12 tháng

36,000,000

0

4

- Tổ chức Hội nghị Đồng thuận: 10,000,000đ; sơ kết, tổng kết: 3,000,000 đ/lần x 02 lần/năm;

16,000,000

0

 

Tổng cộng

2,646,094,040

733,015,120

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3401/QĐ-UBND.VX năm 2014 về Kế hoạch điều chỉnh thực hiện Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020

  • Số hiệu: 3401/QĐ-UBND.VX
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Thị Lệ Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản