Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2015/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 16 tháng 4 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU 13 QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ, KHU KINH TẾ CỬA KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 07/2012/QĐ-UBND NGÀY 09 THÁNG 5 NĂM 2012 CỦA UBND TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về Khu Công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế và Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ Quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra;

Theo đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình tại Tờ trình số 292/KKT-TTra ngày 18 tháng 3 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ban hành kèm theo Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2012 của UBND tỉnh Quảng Bình như sau:

"Điều 13. Lĩnh vực thanh tra, kiểm tra

1. Nguyên tắc thanh, kiểm tra:

- Các cơ quan khi tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu (KCN, KKT) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phải theo đúng chức năng, thẩm quyền và trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, đảm bảo đúng quy định pháp luật, chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

- Việc thanh tra, kiểm tra chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải thống nhất chương trình, nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra với Ban Quản lý Khu kinh tế (Ban Quản lý) trước khi ban hành kế hoạch hoặc quyết định thanh tra, kiểm tra; việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất phải thông báo trước bằng văn bản cho Ban Quản lý biết, phối hợp.

2. Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra:

- Đối với cơ quan có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng tháng, quý, năm, trong đó có đối tượng thanh tra, kiểm tra là các doanh nghiệp trong KCN, KKT thì trước khi phê duyệt, gửi bản dự thảo về Ban Quản lý để lấy ý kiến. Ban Quản lý có trách nhiệm tham gia ý kiến về sự chồng chéo (phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian) giữa các cơ quan, đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra.

- Trường hợp các cơ quan điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra thì phải thông báo cho Ban Quản lý biết, để phối hợp thực hiện.

- Ban Quản lý có trách nhiệm tổng hợp các đoàn thanh tra, kiểm tra và thông báo cho các doanh nghiệp liên quan trong KCN, KKT để các doanh nghiệp có kế hoạch làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

- Trường hợp Ban Quản lý cần bố trí cán bộ tham gia cùng các đoàn thanh tra, kiểm tra thì có có văn bản đề nghị cơ quan chủ trì đoàn thanh tra, kiểm tra.

- Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ được triển khai khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng hoặc do thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền giao. Quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất phải được gửi cho Ban Quản lý biết, để phối hợp thực hiện.

- Các cơ quan khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trong KCN, KKT, sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra thì gửi cho Ban Quản lý biết, để phối hợp thực hiện.

3. Chế độ báo cáo: Ban Quản lý có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động thanh tra, kiểm tra và các hành vi vi phạm hành chính trong KCN, KKT với cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh và các bộ ngành, trung ương.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ký ngày ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các huyện, thị xã, thành phố;
- TT Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CVKTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 12/2015/QĐ-UBND Sửa đổi Điều 13 Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ban hành kèm theo Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2012 của UBND tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 12/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/04/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/04/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản