Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1193/QĐ-TCTK

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐIỀU TRA DOANH NGHIỆP NĂM 2020

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định số 65/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1793/QĐ-BKHĐT ngày 12 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ủy quyền cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký quyết định tiến hành điều tra thống kê được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 748/QĐ-TCTK ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Kế hoạch điều tra thống kê năm 2020 của Tổng cục Thống kê;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tổ chức Điều tra doanh nghiệp năm 2020, bao gồm các doanh nghiệp và các hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) thuộc các loại hình kinh tế trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Điều 2. Giám đốc các doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã/Iiên hiệp hợp tác xã có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, chính xác và kịp thời số liệu theo phiếu điều tra.

Điều 3. Thành lập Tổ Thường trực chỉ đạo Điều tra doanh nghiệp các cấp như sau:

1. Ở Trung ương: Thành lập Tổ Thường trực chỉ đạo Điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương, gồm Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp làm Tổ trưởng, Vụ trưởng các Vụ: Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Thống kê Xây dựng và vốn đầu tư, Thống kê Xã hội và Môi trường, Hệ thống Tài khoản quốc gia, Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin, Pháp chế và Thanh tra Thống kê và Giám đốc Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I làm thành viên. Tổ Thường trực chỉ đạo Điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xây dựng phương án, chỉ đạo thực hiện cuộc điều tra.

2. Ở địa phương: Giao Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tổ Thường trực chỉ đạo Điều tra doanh nghiệp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Cục trưởng chỉ đạo điều tra doanh nghiệp ở địa phương. Tổ Thường trực chỉ đạo Điều tra doanh nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm 01 lãnh đạo Cục Thống kê làm Tổ trưởng; Trưởng phòng Phòng Thống kê Công nghiệp và Trưởng phòng Phòng Thống kê Thương mại làm Phó Tổ trưởng; đại diện lãnh đạo các phòng thống kê khác và thống kê viên các phòng nghiệp vụ có liên quan làm thành viên. Tổ Thường trực chỉ đạo Điều tra doanh nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện điều tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và hướng dẫn của Tổ Thường trực chỉ đạo Điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 5. Tổ trưởng Tổ Thường trực chỉ đạo Điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị có tên trong Điều 3, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (để báo cáo);
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để phối hợp chỉ đạo);
- Lãnh đạo Tổng cục Thống kê;
- Lưu: VT, Vụ TKCN.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Quang Vinh

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA DOANH NGHIỆP NĂM 2020
(Ban hành theo Quyết định số 1193/QĐ-TCTK ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐIỀU TRA

1. Mục đích điều tra

Cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020 nhằm thực hiện các mục đích chính sau:

- Thu thập các thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp);

- Tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong báo cáo chính thức hàng năm của ngành Thống kê;

- Tổng hợp và biên soạn ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp năm 2021”;

- Đánh giá tình hình về ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp;

- Cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp hàng năm, lập dàn mẫu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hàng năm; điều tra thường xuyên và các yêu cầu thống kê khác.

2. Yêu cầu điều tra

Cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020 phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Công tác tổ chức, thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu giữ thông tin phải được thực hiện theo đúng quy định của Phương án điều tra;

- Bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót các thông tin quy định trong Phương án điều tra;

- Bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định của Luật Thống kê.

II. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ PHẠM VI ĐIỀU TRA

1. Đối tượng Điều tra

Đối tượng điều tra của cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020 bao gồm:

- Các doanh nghiệp được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã/quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là hợp tác xã) hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các Luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán... hoạt động sản xuất kinh doanh trước thời điểm 01/01/2020 hiện đang hoạt động[1];

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp.

2. Đơn vị điều tra

Đơn vị điều tra là doanh nghiệp, bao gồm:

(1) Doanh nghiệp không có cơ sở trực thuộc đóng tại địa điểm khác (doanh nghiệp đơn) là doanh nghiệp chỉ có một địa điểm cố định duy nhất để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh;

(2) Doanh nghiệp có cơ sở trực thuộc đóng tại địa điểm khác là doanh nghiệp có trụ sở chính và ít nhất một cơ sở trực thuộc đóng ở nơi khác, cụ thể: Trụ sở chính của doanh nghiệp là nơi điều hành chung hoạt động của toàn doanh nghiệp. Trụ sở chính chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có ít nhất 01 cơ sở trực thuộc đóng ở địa điểm khác; Cơ sở trực thuộc là cơ sở sản xuất kinh doanh nằm ngoài trụ sở chính của doanh nghiệp.

(3) Đối với tập đoàn, tổng công ty:

- Đối với 62 tập đoàn, tổng công ty có hoạt động hạch toán toàn ngành thuộc các lĩnh vực: bưu chính, viễn thông, điện lực, bảo hiểm, hàng không, đường sắt, ngân hàng có nhiều đơn vị chi nhánh đóng trên phạm vi cả nước, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức điều tra khối văn phòng và các đơn vị hạch toán phụ thuộc đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ tiến hành thu thập thông tin đối với các doanh nghiệp hạch toán độc lập, không thuộc hoạt động hạch toán toàn ngành, trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty này có địa điểm đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Danh sách các tập đoàn, tổng công ty được đề cập tại phụ lục 1);

- Đối với các tập đoàn, tổng công ty còn lại (không bao gồm 62 tập đoàn, tổng công ty nêu trên): các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều tra, đơn vị điều tra là: (1) Văn phòng tập đoàn, tổng công ty (báo cáo phần hoạt động của Văn phòng tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị hạch toán phụ thuộc vào Văn phòng tập đoàn, tổng công ty); (2) các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty hạch toán kinh tế độc lập đóng trên địa bàn;

- Đối với các tập đoàn, tổng công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con: Đơn vị điều tra là công ty mẹ và các công ty thành viên là công ty con hạch toán kinh tế độc lập.

3. Phạm vi điều tra

Cuộc điều tra bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp thuộc đối tượng điều tra có địa điểm đóng trên phạm vi toàn quốc, hoạt động trong tất cả các ngành quy định trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018) (trừ ngành O- Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; bảo đảm xã hội bắt buộc; và ngành T- Hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình do đối tượng điều tra không phát sinh trong các ngành này).

III. THỜI ĐIỂM, THỜI KỲ SỐ LIỆU, THỜI GIAN THU THẬP SỐ LỆU

1. Thời điểm, thời kỳ số liệu

- Các thông tin về lao động, giá trị hàng tồn kho: thu thập thông tin tại hai thời điểm 01/01/2019 và 31/12/2019.

- Các thông tin thu thập theo thời kỳ (kết quả sản xuất kinh doanh, sản phẩm,...): là số liệu chính thức của cả năm 2019.

2. Thời gian thu thập số liệu

Thời gian triển khai thu thập số liệu: từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/5/2020.

IV. NỘI DUNG ĐIỀU TRA, PHIẾU ĐIỀU TRA

1. Nội dung Điều tra

- Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra, bao gồm: Tên doanh nghiệp; Địa chỉ, điện thoại, fax, email; Loại hình doanh nghiệp; Ngành hoạt động SXKD.

- Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động, bao gồm: Lao động; thu nhập của người lao động.

- Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, bao gồm: Kết quả sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho; vốn đầu tư; năng lực mới tăng.

- Thông tin về các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, bao gồm: Tên cơ sở; ngành hoạt động SXKD; sản lượng/sản phẩm; lao động; doanh thu.

- Ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, bao gồm: những loại công nghệ đã được ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh; mức độ tiếp cận CMCN 4.0 của doanh nghiệp; doanh nghiệp đánh giá mức độ tác động của CMCN và kỹ năng của người lao động trong thời đại số.

2. Phiếu điều tra

Cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020 sử dụng 18 loại phiếu điều tra, cụ thể gồm:

(1) Phiếu số 1A/ĐTDN-DN: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp, HTX - Áp dụng chung cho các DN nhà nước, DN ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã được chọn vào mẫu điều tra;

(2) Phiếu số 1A.2/ĐTDN-CN: Kết quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động công nghiệp;

(3) Phiếu số 1A.2m/ĐTDN-DVGC: Phiếu thu thập thông tin về dịch vụ gia công hàng hóa với nước ngoài - Áp dụng cho các DN có thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp hàng hóa trực tiếp với nước ngoài;

(4) Phiếu số 1A.3/ĐTDN-XD: Kết quả hoạt động xây dựng - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động xây dựng;

(5) Phiếu số 1A.4/ĐTDN-TN: Kết quả hoạt động thương mại - Áp dụng cho DN đơn/cơ sở có hoạt động bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác;

(6) Phiếu số 1A.5.1/ĐTDN-VT: Kết quả hoạt động vận tải, bưu chính, chuyển phát - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động vận tải, bưu chính, chuyển phát;

(7) Phiếu số 1A.5.2/ĐTDN-KB: Kết quả hoạt động kho bãi, bốc xếp, hỗ trợ vận tải - Áp dng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động kho bãi, bốc xếp, hỗ trợ vận tải;

(8) Phiếu số 1A.5.3/ĐTDN-LGT: Kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có các hoạt động dịch vụ logistics gồm: hoạt động lập kế hoạch, tổ chức và hỗ trợ vận tải, kho bãi và phân phối hàng hóa;

(9) Phiếu số 1A.6.1/ĐTDN-LTAU: Kết quả hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú;

(10) Phiếu số 1A.6.2/ĐTDN-DL: Kết quả hoạt động dịch vụ du lịch lữ hành - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động dịch vụ du lịch lữ hành và các hoạt động htrợ du lịch;

(11) Phiếu số 1A.7/ĐTDN-TC: Kết quả hoạt động dịch vụ tài chính và một số chỉ tiêu về tín dụng, huy động vốn, lãi suất - Áp dụng cho các cơ sở thuộc các tổ chức tín dụng: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;

(12) Phiếu số 1A.8/ĐTDN-BH: Kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm và môi giới bảo hiểm - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động kinh doanh bảo hiểm và môi giới bảo hiểm;

(13) Phiếu số 1A.9.1/ĐTDN-BĐS: Kết quả hoạt động dịch vụ kinh doanh bất động sản - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động kinh doanh, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất;

(14) Phiếu số 1A.9.2/ĐTDN-TT: Kết quả hoạt động thông tin và truyền thông - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động thông tin và truyền thông;

(15) Phiếu số 1A.9.3/ĐTDN-DVK: Kết quả hoạt động dịch vụ khác - Áp dụng cho các DN đơn/cơ sở có hoạt động thuộc ngành dịch vụ được liệt kê trong phiếu;

(16) Phiếu số 1A.10/ĐTDN-VĐT: Vốn đầu tư thực hiện - Áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư thực hiện trong năm 2019;

(17) Phiếu số 1B/ĐTDN-DS: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp, HTX - Áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không thuộc mẫu điều tra phiếu 1A/ĐTDN-DN;

(18) Phiếu số 2/ĐTDN-CMCN: Phiếu thu thập thông tin về ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp - Áp dụng cho các doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra.

V. CÁC PHÂN LOẠI, DANH MỤC SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRA

Cuộc Điều tra doanh nghiệp năm 2020 sử dụng các bảng danh mục sau:

(1) Bảng phân ngành kinh tế: Áp dụng Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018 ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ (VSIC 2018);

(2) Danh mục các đơn vị hành chính: Áp dụng Bảng danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam 2007, ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và những thay đổi cập nhật đến thời điểm 31/12/2019;

(3) Danh mục các nước và vùng lãnh thổ: Áp dụng Bảng danh mục các nước và vùng lãnh thổ do Tổng cục Thống kê quy định;

(4) Danh mục sản phẩm công nghiệp: Phát triển trên cơ sở Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ;

(5) Danh mục công trình, hạng mục công trình xây dựng và năng lực mới tăng: áp dụng Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành theo Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

VI. LOẠI ĐIỀU TRA VÀ PHƯƠNG PHÁP THU THẬP THÔNG TIN

1. Loại Điều tra

Cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020 được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu.

1.1. Lập danh sách đơn vị điều tra

Danh sách các đơn vị điều tra được lập dựa trên các nguồn sau:

- Danh sách các doanh nghiệp/cơ sở đã thu được phiếu trong cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2019 (có tại Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - viết gọn là Cục Thống kê cấp tỉnh);

- Danh sách doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2019 (do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thuế cấp, Tổng cục Thống kê tổng hợp gửi Cục Thống kê cấp tỉnh);

- Danh sách doanh nghiệp thuộc đối tượng và phạm vi điều tra có được từ các nguồn thông tin khác.

Lập danh sách các đơn vị điều tra sẽ do Tổng cục Thống kê thực hiện và gửi về Cục Thống kê cấp tỉnh.

1.2. Chọn đơn vị điều tra

a) Các doanh nghiệp sau đây được điều tra toàn bộ theo phiếu số 1A/ĐTDN-DN

- Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ;

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

- Doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 100 lao động trở lên (riêng doanh nghiệp hoạt động ngành thương mại có từ 50 lao động trở lên);

- Các doanh nghiệp có hoạt động SXKD chính trong các ngành: Lưu trú; vận tải (hàng không, đường biển và đường sắt);

- Doanh nghiệp có từ 2 cơ sở trực thuộc trở lên, trong đó có ít nhất 1 cơ sở đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với trụ sở chính của doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện phiếu số 2/ĐTDN-CMCN; Tổng cục Thống kê lập danh sách mẫu và gửi Cục Thống kê cấp tỉnh triển khai thực hiện.

- 6 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Điện Biên và Lai Châu: điều tra toàn bộ các doanh nghiệp theo phiếu 1A/ĐTDN-DN.

b) Điều tra chọn mẫu doanh nghiệp thực hiện phiếu số 1A/ĐTDN-DN

Áp dụng đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước dưới 100 lao động

(1) Lập dàn chọn mẫu

Dàn chọn mẫu điều tra phiếu số 1A/ĐTDN-DN được lập dựa trên danh sách các doanh nghiệp ngoài nhà nước có dưới 100 lao động (riêng doanh nghiệp hoạt động ngành thương mại có dưới 50 lao động) có đến thời điểm 31/12/2019 của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dàn mẫu doanh nghiệp từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập theo quy mô lao động (dưới 10 lao động, từ 10-49 và từ 50-99 lao động) và theo các ngành kinh tế cấp 4; trong mỗi ngành kinh tế thuộc dàn mẫu, các doanh nghiệp được sắp xếp theo thứ tự giảm dần của chỉ tiêu lao động có tại thời điểm 31/12/2019.

(2) Chọn mẫu điều tra

Mẫu chọn theo nguyên tắc đại diện cho từng ngành kinh tế cấp 4 (VSIC 2018) trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống.

- Đối với nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 50-99 lao động: Chọn 50% số doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các ngành;

- Đối với nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 10-49 lao động:

+ Chọn 20% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp, xây dựng, bảo hiểm, trung gian tài chính, riêng các địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương chọn 15%;

+ Chọn 15% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại và dịch vụ (trừ ngành bảo hiểm, trung gian tài chính), riêng các địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương chọn 10%;

- Đối với nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước dưới 10 lao động: Chọn 10% số doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các ngành, riêng các địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương chọn 7%;

Riêng các doanh nghiệp mẫu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được chọn như sau:

- Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 50 đến 99 lao động: Chọn mẫu điều tra 50%.

- Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 10 đến 49 lao động: Chọn mẫu điều tra 10%.

- Các doanh nghiệp ngoài nhà nước dưới 10 lao động: Chọn mẫu điều tra 5%.

Danh sách mẫu các doanh nghiệp điều tra theo phiếu 1A/ĐTDN-DN do Tổng cục Thống kê chọn và gửi các Cục Thống kê cấp tỉnh để điều tra.

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước không thuộc đối tượng điều tra phiếu số 1A/ĐTDN-DN sẽ thu thập thông tin theo phiếu số 1B/ĐTDN-DS.

c) Mẫu điều tra phiếu số 2/ĐTDN-CMCN

Mẫu chọn theo nguyên tắc đại diện cho từng ngành kinh tế cấp 2 (VSIC 2018) trên phạm vi cả nước theo phương pháp ngẫu nhiên có phân tầng. Số lượng mẫu được phân bổ cho các ngành kinh tế cấp 2 theo tỷ lệ căn bậc 2 quy mô số doanh nghiệp từng ngành so với tổng thể.

d) Chọn mẫu thay thế trong trường hợp mất mẫu

- Đối với những doanh nghiệp thực hiện phiếu số 1A/ĐTDN-DN: Nếu doanh nghiệp không phát sinh doanh thu/chi phí sản xuất kinh doanh và thuế VAT thì không thực hiện phiếu số 1A/ĐTDN-DN và chuyển sang thực hiện phiếu số 1B/ĐTDN-DS;

- Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước (dưới 100 lao động) được chọn vào mẫu điều tra phiếu số 1A/ĐTDN-DN: Nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, không phát sinh doanh thu/chi phí sản xuất kinh doanh và thuế VAT hoặc thay đổi ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính thì Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp tỉnh chủ động chọn mẫu thay thế theo nguyên tắc: Chọn doanh nghiệp cùng loại hình doanh nghiệp, cùng ngành kinh tế cấp 4 và quy mô doanh thu hoặc lao động bằng hoặc tương đương với doanh nghiệp được thay thế và báo cáo Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp Trung ương (qua Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê). Trong trường hợp doanh nghiệp thay mẫu phiếu 1A/ĐTDN-DN mà thuộc đối tượng điều tra phiếu số 2/ĐTDN-CMCN thì phải tiến hành thay thế mẫu điều tra phiếu số 2/ĐTDN-CMCN.

1.3. Rà soát danh sách doanh nghiệp

Dựa theo danh sách do Tổng cục Thống kê gửi, Cục Thống kê cấp tỉnh tiến hành rà soát doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2019 và doanh nghiệp được chọn mẫu thực hiện phiếu 1A/ĐTDN-DN tại địa bàn tỉnh, thành phố. Tiến hành xác minh các thông tin chủ yếu có liên quan gồm: Tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, loại hình doanh nghiệp, ngành kinh doanh chính, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp,... để làm cơ sở xác định đối tượng điều tra cho cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2020 và để phục vụ cho quy trình thực hiện phiếu điều tra web-form (phiếu điều tra trực tuyến).

2. Phương pháp thu thập thông tin

Đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện phiếu 1A/ĐTDN-DN:

Doanh nghiệp tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp: Doanh nghiệp được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập và tự cung cấp thông tin vào phiếu web-form (phiếu điều tra trực tuyến) trên Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp thực hiện phiếu 1B/ĐTDN-DS:

Áp dụng các hình thức thu thập thông tin sau:

- Doanh nghiệp tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp: Doanh nghiệp được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập và tự cung cấp thông tin vào phiếu web-form (phiếu điều tra trực tuyến) trên Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp.

- Điều tra viên tiến hành thu thập thông tin bằng các hình thức khác: e-mail, điện thoại,...

VII. QUY TRÌNH XỬ LÝ THÔNG TIN VÀ TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐIỀU TRA

1. Xử lý thông tin phiếu điều tra

- Thông tin trên phiếu điều tra  sẽ được lưu trữ trên máy chủ của Tổng cục Thống kê. Dữ liệu điều tra sẽ được kiểm tra, làm sạch, xử lý, tổng hợp và phổ biến Thông tin theo quy định của Phương án điều tra.

- Xử lý dữ liệu quản lý Điều tra doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử: Tổng cục Thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý và xử lý, phổ biến thông tin tập trung trên trang Thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp. Trong đó, tiến hành xử lý và tổng hợp báo cáo tiến độ định kỳ về kết quả điều tra doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc và các địa phương.

2. Tổng hợp kết quả điều tra

Kết quả điều tra được tổng hợp theo hệ thống biểu đầu ra chung cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp và các chuyên ngành, bao gồm các chỉ tiêu tổng hợp thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện của khu vực doanh nghiệp,...

VIII. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA

1. Chuẩn bị Điều tra: Thời gian thực hiện từ tháng 07/2019 đến tháng 02/2020, gồm các công việc:

a) Ban hành phương án điều tra;

b) Lập danh sách các đơn vị điều tra;

c) Chọn mẫu điều tra;

d) Rà soát danh sách các đơn vị điều tra tại địa bàn;

e) In tài liệu hướng dẫn Điều tra doanh nghiệp năm 2020;

f) Xây dựng hệ thống biểu tổng hợp đầu ra; Xây dựng Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp; Xây dựng phiếu điều tra trực tuyến trên Trang Thông tin điện tử của điều tra doanh nghiệp; Xây dựng chương trình kiểm tra, tổng hợp kết quả điều tra cho các tỉnh, thành phố và toàn quốc;

g) Tổ chức hội nghị tập huấn phương án điều tra cấp Trung ương cho các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Triển khai điều tra: Thời gian thực hiện từ ngày 15/02/2020 đến ngày 30/5/2020, gồm các công việc:

a) Cục Thống kê cấp tỉnh tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên theo tiêu chuẩn quy định, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên về nội dung, cách thức điền phiếu điều tra và phương pháp thu thập thông tin trên cơ sở phương án điều tra do Tổng cục Thống kê quy định;

b) Triển khai thu thập thông tin tại các đơn vị điều tra: Từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/5/2020.

Đối với những doanh nghiệp thực hiện hình thức tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê cấp tỉnh sẽ chỉ đạo tiến hành các công việc sau:

- Lập tài khoản và mật khẩu đăng nhập cho từng doanh nghiệp;

- Triển khai cung cấp tài khoản và mật khẩu đăng nhập đến từng doanh nghiệp;

- Hướng dẫn doanh nghiệp truy cập và sử dụng phiếu trực tuyến (web-form) trên Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp;

- Kiểm soát tiến độ, đôn đốc và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện phiếu điều tra trực tuyến.

Đối với những doanh nghiệp thực hiện phiếu 1B/ĐTDN-DS áp dụng hình thức thu thập thông tin qua điện thoại, email,..: Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành lập tài khoản và mật khẩu đăng nhập cho các cán bộ có liên quan tới Điều tra doanh nghiệp tại các Cục Thống kê cấp tỉnh và các Chi cục Thống kê cấp quận/huyện.

3. Nhập tin, xử lý và nghiệm thu số liệu: Thời gian thực hiện từ ngày 01/6/2020 đến ngày 31/7/2020, gồm các công việc:

a) Cục Thống kê cấp tỉnh triển khai chỉnh lý, đánh mã, kiểm tra, làm sạch, xử lý số liệu và nghiệm thu cấp huyện; gửi báo cáo giải trình về Tổng cục Thống kê: Trước ngày 30/6/2020;

Đối với những doanh nghiệp thực hiện phiếu 1B/ĐTDN-DS áp dụng hình thức thu thập thông tin gián tiếp qua điện thoại, email,..: Cục Thống kê cấp tỉnh triển khai nhập tin trực tiếp trên Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp.

b) Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương triển khai kiểm tra, xử lý số liệu và nghiệm thu kết quả của các Cục Thống kê cấp tỉnh trên hệ thống hoặc trực tiếp tại Cục Thống kê: Trước ngày 01/8/2020.

4. Xử lý, chuyển đổi dữ liệu khai thác thông tin từ Tổng cục Thuế: Tổng cục Thống kê thực hiện từ tháng 01/2020 đến 31/7/2020, gồm các công việc:

a) Nghiên cứu cấu trúc, nội dung các trường dữ liệu trong dữ liệu của Tổng cục Thuế (TCT).

b) Xây dựng các bảng danh mục, ánh xạ chỉ tiêu để chuyển đổi dữ liệu từ TCT sang cơ sở dữ liệu (CSDL) Tổng cục Thống kê.

c) Xây dựng metadata, cập nhật phần mềm chuyển đổi dữ liệu từ TCT vào CSDL Tổng cục Thống kê.

d) Tổng cục Thống kê phối hợp với TCT tiến hành xác minh, nhập tin và xử lý những doanh nghiệp không có trong CSDL của TCT.

e) Kiểm tra, xác minh số liệu thực tế từ nguồn CSDL của TCT và kết quả điều tra doanh nghiệp.

f) Tích hợp dữ liệu từ CSDL thuế vào kết quả điều tra doanh nghiệp.

5. Tổng hợp, phân tích và phổ biến kết quả điều tra

a) Tổng hợp và phân tích kết quả điều tra của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Từ ngày 01/8/2020 đến ngày 10/10/2020.

b) Công bố bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương: ngày 13/10/2020.

c) Biên soạn và công bố sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2021: Quý I/2021.

IX. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Cấp Trung ương: Thành lập Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc điều tra, cụ thể:

(1) Vụ Thống kê Công nghiệp: Chủ trì, phụ trách chung, phối hợp với các thành viên trong Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp Trung ương xây dựng phương án điều tra, tài liệu hướng dẫn điều tra doanh nghiệp, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát thực hiện toàn bộ cuộc điều tra theo quy định của phương án. Khai thác, xử lý và chuyển đổi dữ liệu hành chính khai thác từ Tổng cục Thuế vào kết quả điều tra doanh nghiệp hàng năm. Đồng thời phối hợp với TCT tiến hành xác minh, nhập tin và xử lý những doanh nghiệp không có trong CSDL của TCT.

(2) Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai điều tra thu thập thông tin, phân bổ kết quả sản xuất cho các địa phương đối với các phiếu điều tra thuộc 62 tập đoàn, tổng công ty hạch toán toàn ngành được quy định trong phụ lục 1.

(3) Vụ Kế hoạch tài chính: Hướng dẫn và phân bổ kinh phí điều tra doanh nghiệp cho các Cục Thống kê cấp tỉnh và các đơn vị liên quan.

(4) Vụ Pháp chế và Thanh tra Thống kê chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra các hoạt động của cuộc Điều tra này do Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương và Cục Thống kê cấp tỉnh trực thuộc Trung ương thực hiện. Tổng cục Thống kê thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và thanh tra do Vụ Pháp chế và Thanh tra Thống kê chủ trì có sự tham gia của Vụ Kế hoạch tài chính, thành viên Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương.

(5) Các đơn vị trong Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương: Phối hợp với Vụ Thống kê Công nghiệp triển khai cuộc điều tra, gồm các công việc: Xây dựng biểu tổng hợp kết quả điều tra, thuật toán kiểm tra logic doanh nghiệp và cơ sở theo chuyên ngành phụ trách, tham gia các đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương, nghiệm thu kết quả điều tra.

(6) Trung tâm Tin học thống kê khu vực I: Xây dựng Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp; Xây dựng phiếu web-form (phiếu điều tra trực tuyến) trên Trang thông tin điện tử; Xây dựng chương trình nhập tin đối với phiếu 1B/ĐTDN-DS; Xây dựng chương trình kiểm tra logic, tổng hợp toàn bộ kết quả điều tra doanh nghiệp chung và các chuyên ngành theo yêu cầu của Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương; Xây dựng chương, trình xử lý, cập nhật dữ liệu khai thác từ CSDL thuế vào kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2020.

2. Cấp địa phương: Thành lập Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp tỉnh giúp Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện điều tra doanh nghiệp trên địa bàn theo đúng quy định của Phương án điều tra và hướng dẫn của Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp Trung ương.

Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trong triển khai thực hiện cuộc điều tra theo phương án quy định, đảm bảo chất lượng thông tin thu thập, quản lý và sử dụng kinh phí điều tra đúng chế độ, hiệu quả.

Để đảm bảo cuộc điều tra doanh nghiệp hàng năm đạt hiệu quả cao, Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh cần phân công hợp lý các phòng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp tỉnh và chịu trách nhiệm chính trong triển khai điều tra thu thập thông tin và quản lý số liệu của các doanh nghiệp/cơ sở thuộc phạm vi chuyên ngành phụ trách.

X. KINH PHÍ TRA

Tổng cục Thống kê cấp kinh phí bảo đảm yêu cầu khối lượng công việc của phương án tra. Kinh phí điều tra được phân bổ hai lần theo kế hoạch phân bổ kinh phí điều tra năm 2020 của Tổng cục Thống kê. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí điều tra được thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính và hướng dẫn thực hiện quyết toán kinh phí điều tra năm 2020 của Tổng cục Thống kê.

Tổ trưởng Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương, Cục trưởng Cục Thống kê cấp tỉnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Tổng cục Thống kê có trách nhiệm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được cấp để thực hiện tốt cuộc điều tra theo phương án quy định./.

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY, DOANH NGHIỆP CÓ HOẠT ĐỘNG HẠCH TOÁN TOÀN HỆ THỐNG

1. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;

2. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam;

3. Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone);

4. Công ty cổ phần FPT;

5. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel);

6. Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel;

7. Tổng công ty Viễn thông Mobiphone;

8. Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

9. Tập đoàn Bảo Việt;

10. Tổng công ty cổ phần Bảo Minh;

11. Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam;

12. Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam;

13. Công ty Bảo hiểm nhân thọ Manulife;

14. Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex;

15. Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (PTI);

16. Công ty TNHH bảo hiểm Dai - Ichi life;

17. Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam);

18. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

19. Tổng công ty Hàng không Việt Nam;

20. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam;

21. Công ty cổ phần Hàng không Vietjet;

22. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam;

23. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam;

24. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam;

25. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;

26. Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu;

27. Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín;

28. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam;

29. Ngân hàng TMCP Á Châu;

30. Ngân hàng TMCP Đông Á;

31. Ngân hàng TMCP Quân đội;

32. Ngân hàng TMCP Sài gòn;

33. Ngân hàng TMCP Sài gòn - Hà Nội;

34. Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố HCM;

35. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng;

36. Ngân hàng TNHH một thành viên Dầu khí toàn cầu;

37. Ngân hàng TNHH một thành viên Đại Dương;

38. Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng;

39. Ngân hàng TMCP An Bình;

40. Ngân hàng TMCP Bảo Việt;

41. Ngân hàng TMCP Bản Việt;

42. Ngân hàng TMCP Bắc Á;

43. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt;

44. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam;

45. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á;

46. Ngân hàng TMCP Hàng Hải;

47. Ngân hàng TMCP Kiên Long;

48. Ngân hàng TMCP Nam Á;

49. Ngân hàng TMCP Phương Đông;

50. Ngân hàng TMCP Quốc Tế;

51. Ngân hàng TMCP Quốc dân;

52. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín;

53. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương;

54. Ngân hàng TMCP Tiên Phong;

55. Ngân hàng TMCP Việt Á;

56. Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex;

57. Ngân hàng Chính sách xã hội;

58. Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

59. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam;

60. Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông;

61. Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam;

62. Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội.



[1] Bao gồm: Các doanh nghiệp đang hoạt động là những doanh nghiệp trong năm 2019 có hoạt động sản xuất kinh doanh, có phát sinh doanh thu/ chi phí SXKD và thuế VAT.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1193/QĐ-TCTK năm 2019 về tổ chức điều tra doanh nghiệp năm 2020 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành

  • Số hiệu: 1193/QĐ-TCTK
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/07/2019
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
  • Người ký: Phạm Quang Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản