Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
TỔNG CỤC THỐNG KÊ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 575/QĐ-TCTK

Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU TRA THỐNG KÊ ĐỊNH KỲ CÁC DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CÁ THỂ CÓ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI, KHO BÃI

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quyết định số 65/2013/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 3 Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình điều tra thống kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 1793/QĐ-BKHĐT ngày 12 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ủy quyền cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký quyết định tiến hành điều tra thống kê được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tổ chức điều tra thống kê hàng tháng các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể có hoạt động vận tải, kho bãi theo phương án ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giám đốc doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể quy định ở Điều 1 được chọn vào mẫu điều tra có trách nhiệm cung cấp trung thực và đầy đủ thông tin theo phiếu điều tra.

Điều 3. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra ở cấp tỉnh, thành phố theo đúng phương án quy định. Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp báo cáo kết quả của cả nước.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 612/QĐ-TCTK ngày 12 tháng 9 năm 2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc điều tra thống kê định kỳ các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể có hoạt động vận tải kho bãi.

Điều 5. Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ Thông tin, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Tổng cục Thống kê, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan của Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 5;
- Lãnh đạo Tổng cục;
- Lưu: VT, TMDV.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Bích Lâm

 

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA THỐNG KÊ ĐỊNH KỲ CÁC DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CÁ THỂ CÓ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI, KHO BÃI
(Ban hành theo Quyết định số 575/QĐ-TCTK ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU ĐIỀU TRA

1. Mục đích

Cuộc điều tra thống kê định kỳ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể có hoạt động vận tải, kho bãi nhằm hai mục đích chính sau:

- Đáp ứng yêu cầu đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển ngành vận tải, kho bãi và quản lý nhà nước về hoạt động vận tải;

- Đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ biên soạn hệ thống chỉ tiêu Thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu Thống kê cấp tỉnh.

2. Yêu cầu

- Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung quy định trong phương án điều tra này;

- Phải đảm bảo tính so sánh với các kỳ điều tra trước, đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế và nhu cầu của người sử dụng thông tin.

II. ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ VÀ PHẠM VI ĐIỀU TRA

1. Đối tượng điều tra

Hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi; phương tiện, điều kiện và bối cảnh phục vụ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể

2. Đơn vị điều tra

Các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, được thành lập, chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật Hợp tác xã; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm sản xuất kinh doanh cố định, có hoạt động vận tải, kho bãi.

Mỗi doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:

a) Doanh nghiệp ngoài nhà nước, hạch toán kinh tế độc lập bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty hợp danh; Công ty TNHH tư nhân; Công ty cổ phần có vốn nhà nước dưới hoặc bằng 50%; Công ty cổ phần không có vốn nhà nước;

b) Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm: Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước; Công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn nhà nước trên 50%; Công ty nhà nước; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

3. Phạm vi điều tra

Cuộc điều tra được tiến hành điều tra chọn mẫu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có hoạt động vận tải, kho bãi thuộc những ngành sau trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam:

a) Đối với Doanh nghiệp ngoài nhà nước và Hợp tác xã

Phạm vi điều tra gồm 13 nhóm ngành có mã số như sau:

Vận tải hành khách bằng đường sắt và đường bộ: Vận tải hành khách đường sắt (mã 49110); Vận tải hành khách bằng xe buýt (mã 492); Vận tải hành khách bằng taxi (mã 49312); Vận tải hành khách bằng xe khách nội tỉnh, liên tỉnh (mã 49321);

Vận tải hàng hóa bằng đường bộ: Vận tải hàng hóa đường sắt (mã 4912); Vận tải hàng hóa bằng đường bộ (mã 4933);

Vận tải hành khách bằng đường thủy: Vận tải hành khách ven biển và viễn dương (mã 5011); Vận tải hành khách đường thủy nội địa (mã 5021);

Vận tải hàng hóa bằng đường thủy: Vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương (mã 5012); Vận tải hàng hóa đường thủy nội địa (mã 5022);

Vận tải hàng không: Vận tải hàng không (mã 51);

Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải: Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho Vận tải (mã 52);

Bưu chính và chuyển phát: Bưu chính và chuyển phát (mã 53).

b) Đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể

Phạm vi điều tra gồm 18 nhóm ngành cấp 4 và 5 có mã số phân ngành như sau:

STT

Mã ngành

Tên ngành

1

49313

Vận tải hành khách bằng mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

2

49319

Vận tải hành khách đường bộ loại khác trong nội thành, ngoại thành

3

49321

Vận tải hành khách bằng xe khách nội tỉnh, liên tỉnh

4

49329

Vận tải hành khách đường bộ khác chưa được phân vào đâu

5

49331

Vận tải hàng hóa bằng ô tô chuyên dụng

6

49332

Vận tải hàng hóa bằng ô tô loại khác (trừ ô tô chuyên dụng)

7

49333

Vận tải hàng hóa bằng xe có động cơ loại khác

8

49334

Vận tải hàng hóa bằng xe thô sơ

9

49339

Vận tải hàng hóa bằng phương tiện đường bộ khác

10

5011

Vận tải hành khách ven biển và viễn dương

11

5012

Vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương

12

5021

Vận tải hành khách đường thủy nội địa

13

5022

Vận tải hàng hóa đường thủy nội địa

14

52109

Kho bãi và lưu giữ hàng hóa trong kho khác

15

5225

Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ

16

52242

Bốc xếp hàng hóa đường bộ

17

52244

Bốc xếp hàng hóa cảng sông

18

52299

Dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải chưa được phân vào đâu

III. THỜI GIAN ĐIỀU TRA VÀ THỜI KỲ THU THẬP SỐ LIỆU

1. Thời gian điều tra: Thực hiện thu thập thông tin tại đơn vị điều tra từ ngày 8 đến ngày 12 hàng tháng. Riêng đối với hai Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh do số lượng mẫu lớn, được tiến hành điều tra trước 5 ngày.

2. Thời kỳ thu thập số liệu: Thu thập số liệu thực hiện tháng trước, dự tính tháng báo cáo.

IV. NỘI DUNG VÀ PHIẾU ĐIỀU TRA

1. Nội dung điều tra

Điều tra này thu thập các nhóm thông tin sau:

a) Thông tin chung về đơn vị điều tra: Tên doanh nghiệp/hợp tác xã, cơ sở SXKD cá thể; Địa chỉ, điện thoại, Fax; Mã số thuế của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở SXKD cá thể; Tên ngành vận tải;

b) Kết quả hoạt động kinh doanh:

- Doanh thu thuần vận tải hàng hóa, hành khách, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải;

- Khối lượng vận chuyển hành khách;

- Khối lượng luân chuyển hành khách;

- Khối lượng vận chuyển hàng hóa;

- Khối lượng luân chuyển hàng hóa;

- Đơn giá bình quân 1 km vận chuyển theo hợp đồng trong tháng;

- Số phương tiện đang hoạt động;

- Tổng trọng tải của phương tiện hoạt động trong tháng;

- Doanh thu Bưu chính chuyển phát.

c) Thông tin về tình hình ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở.

2. Phiếu thu thập thông tin

Cuộc điều tra áp dụng hai loại phiếu thu thập thông tin:

- Phiếu 01/DNVT: Thu thập thông tin kết quả hoạt động vận tải, kho bãi của doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Phiếu 02/CTVT: Thu thập thông tin kết quả hoạt động vận tải, kho bãi của cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể.

V. PHÂN LOẠI, DANH MỤC SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRA

Cuộc điều tra áp dụng hai loại bảng danh mục:

- Hệ thống ngành kinh tế Việt nam ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ;

- Bảng danh mục các đơn vị hành chính ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và được cập nhật đến thời điểm điều tra.

VI. LOẠI ĐIỀU TRA, PHƯƠNG PHÁP THU THẬP THÔNG TIN

1. Loại điều tra

Điều tra thống kê định kỳ của doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể có hoạt động vận tải, kho bãi hàng tháng được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu.

a) Các doanh nghiệp sau đây điều tra toàn bộ

- Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI;

- Doanh nghiệp vận tải đường sắt (Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa không thuộc Tổng công ty đường sắt);

- Doanh nghiệp vận tải hàng không (Các doanh nghiệp không thuộc Tổng công ty hàng không Việt Nam);

- Doanh nghiệp có hoạt động bưu chính chuyển phát.

b) Chọn mẫu điều tra

Đối với mỗi loại hình hoạt động Vận tải, kho bãi (doanh nghiệp hoặc cơ sở SXKD cá thể) có phương pháp chọn mẫu khác nhau.

Đối với đơn vị điều tra là doanh nghiệp, hợp tác xã, Tổng cục Thống kê chọn lần đầu và giữ ổn định nhiều năm. Các năm tiếp theo Cục Thống kê tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (viết gọi là CTK cấp tỉnh) tiến hành rà soát lại mẫu căn cứ vào kết quả cập nhật về điều tra doanh nghiệp. Trong trường hợp mất mẫu Cục Thống kê cấp tỉnh báo cáo Tổng cục Thống kê để thay thế mẫu.

Đối với đơn vị điều tra là cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, Cục Thống kê cấp tỉnh chủ động chọn mẫu theo chương trình phần mềm chung do Tổng cục Thống kê xây dựng. Mẫu đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể cũng được giữ ổn định và cập nhật dựa vào kết quả điều tra toàn bộ về cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể (kết quả Tổng điều tra kinh tế 5 năm/1 lần và Kết quả điều tra toàn bộ số lượng cơ sở SXKD cá thể thực hiện giữa hai kỳ Tổng điều tra kinh tế).

Chọn mẫu điều tra được thực hiện cụ thể như sau:

(1) Chọn mẫu điều tra đối với doanh nghiệp, hợp tác xã: sử dụng phương pháp chọn mẫu phân tổ

- Phương pháp chọn mẫu.

Căn cứ vào danh sách các doanh nghiệp có từ kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, điều tra Doanh nghiệp hàng năm có phát sinh doanh thu thuộc ngành vận tải, kho bãi tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp theo độ dốc doanh thu từ cao xuống thấp với các nhóm ngành thuộc phạm vi điều tra nêu trong mục (3) - phạm vi điều tra. Các bước chọn mẫu cụ thể như sau:

Bước 1: Lập danh sách các doanh nghiệp có hoạt động vận tải, kho bãi (không phân biệt là hoạt động chính hay phụ) theo 9 nhóm ngành mẫu điều tra:

Vận tải hành khách bằng đường bộ

Danh sách các doanh nghiệp xếp theo ngành vận tải

Doanh thu năm

492. Vận tải bằng xe buýt

- Doanh nghiệp a

- Doanh nghiệp b

………………………

…………….

…………….

49312. Vận tải hành khách bằng taxi

- Doanh nghiệp c

………………….

……………

49321. Vận tải hành khách bằng xe khách nội tỉnh, liên tỉnh.

- Doanh nghiệp d

………………….

…………….

Tương tự như vậy, lập bảng danh sách cho các loại hoạt động khác thuộc các ngành Vận tải hàng hóa, đường thủy nội địa, hoạt động kho bãi thuộc các nhóm còn lại trong mục (3) phần a - Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước và hợp tác xã.

Bước 2: Sắp xếp các doanh nghiệp, hợp tác xã theo độ dốc doanh thu từ cao xuống thấp theo nhóm ngành đại diện

Bước 3: Tính tổng doanh thu của nhóm và tính tỷ trọng doanh thu của từng doanh nghiệp, hợp tác xã so với tổng doanh thu của ngành đó.

Bước 4: Cộng dồn tỷ trọng doanh thu từ trên xuống dưới trong mỗi nhóm.

Bước 5: Xác định cỡ mẫu: Cỡ mẫu điều tra phụ thuộc vào điểm cắt để chọn mẫu. Tùy theo số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã ở mỗi ngành nhiều hay ít và sự đồng đều hay chênh lệch về doanh thu của các doanh nghiệp, hợp tác xã mà số lượng đơn vị mẫu ở mỗi địa phương sẽ khác nhau. Tuy nhiên doanh thu cộng dồn của mỗi ngành được chọn tính từ điểm cắt phải đảm bảo tỷ trọng ít nhất là 65% (tùy theo từng ngành).

Bước 6: Lấy mẫu: Số doanh nghiệp, hợp tác xã được chọn vào mẫu là những đơn vị lớn trong từng nhóm ngành và giá trị tổng doanh thu của các đơn vị mẫu phải đạt ít nhất 65% so với tổng doanh thu chung của từng ngành (xem ví dụ chọn mẫu ở phụ lục 1).

Chú ý:

Một doanh nghiệp, hợp tác xã có thể làm đại diện mẫu cho nhiều nhóm ngành khác nhau.

- Phương pháp thay thế và bổ sung trong các trường hợp mất mẫu:

Đến thời kỳ điều tra, đơn vị được chọn làm mẫu điều tra không còn hoạt động thì phải bổ sung để thay thế cho đơn vị mẫu bị mất. Nguyên tắc bổ sung như sau:

- Chọn đơn vị có cùng ngành hoạt động được lấy lần lượt từ đơn vị đầu tiên ở dưới điểm cắt;

- Tính lại tỷ trọng doanh thu của từng doanh nghiệp, hợp tác xã so với tổng doanh thu của ngành đó (theo bước 3 mục (1) phần VI).

(2) Chọn mẫu điều tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể: sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên rải đều

Phương pháp chọn mẫu.

Phương pháp chọn mẫu đối với khu vực cá thể là chọn ngẫu nhiên rải đều, áp dụng đối với 18 nhóm ngành cấp 4 và 5 theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Các bước chọn mẫu cụ thể như sau:

Bước 1: Căn cứ vào danh sách cơ sở SXKD cá thể theo kết quả điều tra toàn bộ số lượng, phân loại cơ sở theo 18 nhóm ngành nêu trong mục (3.b) phần II và tiến hành lập danh sách theo mẫu bảng sau:

Danh sách cơ sở kinh doanh cá thể theo ngành:

STT

Tên cơ sở kinh doanh

Địa chỉ

Doanh thu năm 2017

1

Cơ sở số 1

 

 

2

Cơ sở số 2

 

 

3

Cơ sở số 3

 

 

4

………….

 

 

Bước 2: Sắp xếp các cơ sở theo độ dốc doanh thu từ cao xuống thấp đồng thời theo nhóm ngành đại diện.

Bước 3: Xác định cỡ mẫu và thực hiện chọn mẫu

Cỡ mẫu: Để đảm bảo cho việc suy rộng và cân đối nguồn kinh phí phù hợp; kinh nghiệm từ nhiều cuộc điều tra cho thấy cỡ mẫu điều tra được qui định đối với mỗi ngành thường có từ 20 đến 30 cơ sở. Vì vậy mẫu được chọn như sau: (Ký hiệu J là nhóm ngành cấp 4 và 5 của ngành Vận tải kho bãi)

Số lượng cơ sở cá thể ngành J

Số lượng cơ sở mẫu

Từ 1 đến 10 cơ sở:

Chọn toàn bộ số cơ sở

Từ 11 đến 100 cơ sở:

Chọn 10 cơ sở cộng thêm 10% số cơ sở

Từ 101 đến 1000 cơ sở:

Chọn 20 cơ sở cộng thêm 1% số cơ sở

Trên 1000 cơ sở:

Chọn 30 cơ sở

Bước 4: Tính khoảng cách K và chọn đơn vị mẫu Công thức tính hệ số K cho mỗi ngành như sau:

K =

Tổng số cơ sở ngành J

 

Số lượng cơ sở mẫu cần chọn

 

Trong mỗi một ngành cần xác định tổng số cơ sở kinh doanh, số lượng mẫu cần điều tra đối với mỗi ngành. Khoảng cách K được tính bằng cách lấy tổng số cơ sở chia cho số lượng cơ sở mẫu được chọn.

Bước 5: Chọn cơ sở mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên rải đều

- Cơ sở mẫu đầu tiên của nhóm ngành J là cơ sở có doanh thu bình quân bằng hoặc xấp xỉ bằng doanh thu bình quân của tổ đầu tiên trong nhóm (tổ đầu tiên được xác định từ cơ sở đầu tiên trong danh sách đến cơ sở có số thứ tự bằng (=) khoảng cách tổ (k);

- Cơ sở mẫu tiếp theo là các cơ sở có số thứ tự trong dàn mẫu bằng (=) số thứ tự của cơ sở mẫu trước đó cộng (+) khoảng cách tổ (k) theo nhóm.

Ví dụ đối với ngành kinh doanh vận tải hành khách đường bộ của tỉnh A có 410 cơ sở thì số lượng cơ sở mẫu là 24 (≈20+1%*410).

Khoảng cách K được tính cho ngành này là 410 /24 ≈ 17

Nghĩa là cứ 17 cơ sở sẽ có 1 cơ sở được chọn.

Nếu cơ sở đầu tiên có số thứ tự là 8 thì cơ sở tiếp theo sẽ có số thứ tự lần lượt là 25(=8+1*17); 42(=8+2*17), 59 (=8+3*17) ...

Quy trình chọn mẫu này được thực hiện lần lượt cho từng ngành trong 18 ngành cần điều tra mẫu đã được nêu ở mục (3.b) (xem ví dụ chọn mẫu ở phụ lục 2).

Chú ý: Mẫu chọn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể do địa phương chọn theo chương trình phần mềm chung cả nước.

Phương pháp thay thế và bổ sung trong các trường hợp mất mẫu:

Mẫu điều tra được sử dụng ổn định trong vòng 2 đến 3 năm, do dàn mẫu tổng thể của cơ sở cá thể 2 năm mới được lập mới dựa vào Tổng điều tra kinh tế và điều tra giữa kỳ. Tuy nhiên về số lượng cơ sở cần cập nhật biến động hàng năm.

Cách xử lý với các đơn vị mẫu bị mất: Trong thực tế, một số đơn vị mẫu có thể không tồn tại do các nguyên nhân: Ngừng hoạt động; Chuyển địa điểm đi xã/phường khác; Chuyển đổi ngành hoạt động.

Đối với các trường hợp này cần chọn đơn vị mẫu thay thế theo các tiêu chuẩn: cùng nhóm qui mô theo doanh thu/sản lượng; cùng ngành hoạt động;

2. Phương pháp thu thập thông tin

a) Phương pháp thu thập thông tin với các doanh nghiệp

Áp dụng một trong hai phương pháp: Điều tra trực tiếp hoặc điều tra gián tiếp

Điều tra trực tiếp: Điều tra viên trực tiếp phỏng vấn đối tượng điều tra, để thu thập số liệu, giải thích nội dung phiếu, trên cơ sở đó điều tra viên ghi trực tiếp vào phiếu. Phương pháp này được áp dụng chủ yếu đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, không có khả năng tự ghi vào phiếu điều tra.

Điều tra gián tiếp: Tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ thống kê, kế toán hoặc điều tra viên đến trực tiếp cơ sở để hướng dẫn cách ghi phiếu và quy định cụ thể về nơi gửi, hình thức và thời gian gửi, để các doanh nghiệp tự ghi phiếu và gửi cho cơ quan thống kê.

Đối với doanh nghiệp, căn cứ đối chiếu là báo cáo tài chính năm, báo cáo doanh thu hàng tháng mà doanh nghiệp báo cáo cho cơ quan Thuế.

Khi doanh nghiệp có theo dõi, thống kê chỉ tiêu vận chuyển, luân chuyển, điều tra viên sẽ thu thập trực tiếp từ doanh nghiệp. Nếu không sẵn có số liệu, cần tính toán hoặc hướng dẫn doanh nghiệp cách tính để ghi vào phiếu (Cách tính theo mục 4 phần giải thích cách ghi phiếu 01/DNVT; 02/CTVT).

b) Phương pháp thu thập thông tin với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể

Điều tra viên phỏng vấn trực tiếp chủ cơ sở hoặc người nắm rõ về hoạt động của cơ sở để thu thập doanh thu trong tháng. Chỉ tiêu khối lượng hành khách vận chuyển căn cứ vào công suất vận tải của phương tiện, số chuyến vận chuyển trong tháng để tính toán. Chỉ tiêu khối lượng hành khách luân chuyển có thể dựa vào doanh thu vận chuyển hành khách trong tháng và giá cước vận tải bình quân hành khách/km để tính toán theo công thức:

Khối lượng hành khách luân chuyển =

Doanh thu vận chuyển hành khách

Giá cước vận chuyển hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển: căn cứ sát thực nhất là số vé bán ra hoặc theo hợp đồng vận chuyển. Nếu không có số liệu đó, có thể tính toán dựa trên năng lực vận tải của các phương tiện, cùng với số chuyến lượt vận chuyển đã hoàn thành.

Đối với cơ sở hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa các chỉ tiêu được phỏng vấn cũng là doanh thu, dựa vào tải trọng của xe và cự ly vận chuyển bình quân để tính khối lượng luân chuyển và vận chuyển. Đồng thời cũng có thể dựa trên giá cước vận chuyển bình quân tấn/km để tính các chỉ tiêu này.

VII. PHƯƠNG PHÁP TỔNG HỢP VÀ SUY RỘNG

1. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước

Kết quả suy rộng doanh thu, vận chuyển, luân chuyển được thể hiện theo biểu 04/VT-SRDN. Phương pháp tổng hợp và suy rộng kết quả đối với loại hình doanh nghiệp được áp dụng theo phương pháp tỷ trọng (ký hiệu tỷ trọng là H). Tỷ trọng của mẫu trong tổng thể chung (H) được tính cho các ngành như sau:

 

Đường bộ

Đường ven biển và viễn dương

Đường thủy nội địa

Kho bãi, DV hỗ trợ VT khác

Hành khách

Hàng hóa

Hành khách

Hàng hóa

Hành khách

Hàng hóa

Vận chuyển

H1

H3

H5

H7

H9

H11

 

Luân chuyển

H2

H4

H6

H8

H10

H12

 

Doanh thu

H13

H14

H15

H16

H17

H18

H19

Trong đó:

- H1: Tỷ trọng đối với vận chuyển hành khách đường bộ;

- H2: Tỷ trọng đối với luân chuyển hành khách đường bộ;

- H3: Tỷ trọng đối với vận chuyển hàng hóa đường bộ;

- H4: Tỷ trọng đối với luân chuyển hàng hóa đường bộ;

- H5: Tỷ trọng đối với vận chuyển HK đường ven biển và viễn dương;

- H6: Tỷ trọng đối với luân chuyển HK đường ven biển và viễn dương;

- H7: Tỷ trọng đối với vận chuyển HH đường ven biển và viễn dương;

- H8: Tỷ trọng đối với luân chuyển HH đường ven biển và viễn dương;

- H9: Tỷ trọng đối với vận chuyển hành khách đường thủy nội địa;

- H10: Tỷ trọng đối với luân chuyển hành khách đường thủy nội địa;

- H11: Tỷ trọng đối với vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa;

- H12: Tỷ trọng đối với luân chuyển hàng hóa đường thủy nội địa;

- H13: Tỷ trọng đối với doanh thu vận tải hành khách đường bộ;

- H14: Tỷ trọng đối với doanh thu vận tải hàng hóa đường bộ;

- H15: Tỷ trọng đối với doanh thu vận tải HK đường ven biển và viễn dương;

- H16: Tỷ trọng đối với doanh thu vận tải HH đường ven biển và viễn dương;

- H17: Tỷ trọng đối với doanh thu vận tải HK đường thủy nội địa;

- H18: Tỷ trọng đối với doanh thu vận tải hàng hóa đường thủy nội địa;

- H19: Tỷ trọng đối với doanh thu ngành hoạt động dịch vụ kho bãi.

Các Tỷ trọng H (từ H1 đến H19) được tính dựa trên dàn mẫu được chọn từ kết quả điều tra doanh nghiệp và được dùng cho các tháng trong cả năm. Hệ số H cũng được cập nhật lại hàng năm dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp.

- Công thức tính hệ số Tỷ trọng H đối với các ngành như sau:

Tỷ trọng H1 (%) =

Khối lượng vận chuyển HK đường bộ mẫu kỳ gốc

x 100

Khối lượng VC HK đường bộ tổng thể chung kỳ gốc

Lưu ý: Số liệu tổng thể chung kỳ gốc bao gồm cả số liệu của các chi nhánh của các doanh nghiệp ở tỉnh khác đóng trên địa bàn.

Tương tự như trên sẽ tiếp tục tính cho các tỷ trọng từng ngành từ H2 đến H19

- Công thức suy rộng theo phương pháp Tỷ trọng như sau:

Tổng khối lượng vận chuyển kỳ báo cáo của tổng thể chung

=

Tổng khối lượng vận chuyển của tổng thể mẫu kỳ báo cáo

x 100

Tỷ trọng (%) khối lượng vận chuyển tổng thể mẫu kỳ gốc

Tương tự doanh thu cũng được tính theo công thức sau:

Doanh thu kỳ báo cáo của tổng thể chung

=

Doanh thu của tổng thể mẫu kỳ b/c

x 100

Tỷ trọng (%) DT tổng thể mẫu kỳ gốc

Ví dụ: Suy rộng chỉ tiêu khối lượng vận chuyển hành khách đường bộ tháng 7 năm 2017 đối với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước của tỉnh A. Giả sử có dữ liệu mẫu sau: Đối với ngành vận chuyển hành khách bằng đường bộ của tỉnh A có 15 đơn vị mẫu được điều tra trên tổng số 60 đơn vị tổng thể chung. Giả sử hệ số H1 được tính cho ngành này sẽ là tổng khối lượng vận chuyển hành khách của 15 đơn vị mẫu kỳ gốc chia cho tổng khối lượng vận chuyển hành khách của tổng số 60 đơn vị tổng thể chung nhận giá trị là 72% (H1 = 72%). Kết quả điều tra mẫu của 15 đơn vị mẫu ở kỳ báo cáo là 50.000 hành khách thì kết quả suy rộng toàn tỉnh A tháng báo cáo sẽ là:

50.000 HK

x 100

= 69.444 HK

72

2. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể

Kết quả điều tra hàng tháng thu được đối với loại cơ sở này là kết quả điều tra mẫu rải đều nên cách suy rộng tiến hành theo bình quân cơ sở.

Áp dụng cùng một phương pháp suy rộng cho các chỉ tiêu doanh thu, chỉ tiêu vận chuyển, chỉ tiêu luân chuyển. Suy rộng chỉ tiêu doanh thu bao gồm các bước:

a) Tổng hợp mẫu điều tra:

Kết quả điều tra mẫu được trình bày ở các biểu dưới đây:

- Biểu 05/VT- SRCT: Suy rộng KQ điều tra doanh thu, vận chuyển, luân chuyển cho các đơn vị cá thể.

b) Tính hệ số suy rộng trong từng ngành theo công thức sau:

: Doanh thu/ sản lượng bình quân của ngành j (tổng hợp từ số bình quân cộng giản đơn từ kết quả mẫu điều tra)

xij: Doanh thu/ sản lượng của cơ sở mẫu thứ i, ngành J

nj: Số lượng cơ sở ngành J (tổng thể mẫu)

c) Suy rộng:

Căn cứ vào số cơ sở đã được suy rộng cho từng nhóm, trong từng ngành và hệ số suy rộng của từng nhóm của từng ngành (biểu 04/VT-SRCT) để suy rộng doanh thu, sản lượng từng ngành. Chẳng hạn, suy rộng doanh thu ngành J theo công thức sau:

Trong đó:

: Doanh thu/ sản lượng bình quân của ngành j (tổng hợp từ số bình quân cộng giản đơn từ kết quả mẫu điều tra)

Nj: Số lượng cơ sở ngành J (tổng thể chung)

Quy trình chọn mẫu, tổng hợp và suy rộng kết quả điều tra đề cập ở trên sẽ được thực hiện bằng chương trình máy tính thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

VIII. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

1. Công tác chuẩn bị: Tổng cục Thống kê thực hiện từ tháng 3 đến tháng 8/2018:

- Ban hành Quyết định và phương án điều tra, thiết kế phiếu thu thập thông tin và biểu tổng hợp;

- Xây dựng chương trình phần mềm (nhập tin trực tuyến, tổng hợp kết quả);

- Chuẩn bị tài liệu và hướng dẫn thực hiện phương án.

2. Triển khai điều tra: Cục Thống kê cấp tỉnh thực hiện điều tra, gồm các công việc:

- Xây dựng kế hoạch điều tra chi tiết trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Rà soát mẫu đối với các doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê chọn và gửi về, đồng thời lập dàn mẫu, chọn mẫu điều tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể;

- In phiếu điều tra, các tài liệu có liên quan và tập huấn nghiệp vụ điều tra cho các đối tượng có liên quan;

- Thu thập số liệu theo phương án, bắt đầu từ tháng 01/2019;

+ Hàng tháng, thu thập số liệu tại đơn vị điều tra từ ngày 8 đến ngày 12;

+ Xử lý, tổng hợp, suy rộng tại các Cục Thống kê cấp tỉnh từ ngày 13 đến ngày 15.

3. Báo cáo kết quả điều tra

- Quá trình xử lý, tổng hợp và suy rộng kết quả điều tra được thực hiện bằng chương trình máy tính thống nhất toàn quốc;

- Cục Thống kê cấp tỉnh gửi báo cáo chung về Tổng cục Thống kê chậm nhất là ngày 17 hàng tháng theo Kế hoạch công tác hàng năm của Tổng cục bao gồm cả biểu tổng hợp và dữ liệu gốc.

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Ở cấp Trung ương: Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ là đơn vị thường trực chỉ đạo điều tra; phối hợp với đơn vị công nghệ thông tin xây dựng, phổ biến và hướng dẫn chương trình phần mềm nhập tin, xử lý kết quả điều tra; trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát điều tra ở các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; tổng hợp và phân tích kết quả điều tra.

- Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Cực trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm triển khai, thu thập, kiểm tra, đánh mã, nhập tin, tổng hợp số liệu và gửi về Tổng cục Thống kê.

X. KINH PHÍ ĐIỀU TRA

Kinh phí cuộc điều tra thống kê định kỳ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể có hoạt động vận tải, kho bãi do ngân sách nhà nước đảm bảo cho các hoạt động của phương án này. Việc quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia và hướng dẫn thực hiện quyết toán kinh phí điều tra hàng năm của Tổng cục Thống kê.

Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức điều tra căn cứ vào nội dung của phương án điều tra, kinh phí đã được phân bổ và chế độ tài chính hiện hành để tổ chức thực hiện tốt cuộc điều tra này./.