Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1166/QĐ-TCT | Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2005 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH THANH TRA, KIỂM TRA DOANH NGHIỆP
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Luật thanh tra đã được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004;
Căn cứ các Luật thuế, Pháp luật thuế hiện hành;
Căn cứ Quyết định số 218/2003/QĐ-TTg ngày 28/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 197/2003/QĐ-TTg ngày 23/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế cơ sở sản xuất, kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế;
Căn cứ Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 6/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 161/2005/QĐ-TTg ngày 30/6/2005 về việc mở rộng thí điểm cơ sở sản xuất kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu sản xuất trong nước; thuế tài nguyên; thuế nhà, đất; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và thuế môn bài;
Căn cứ Quyết định số 3483/QĐ-BTC ngày 7/10/2005 của Bộ Tài chính về việc mở rộng thí điểm cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh;
Căn cứ Quyết định số 189/2003/QĐ-BTC ngày 14/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức cán bộ và Trưởng ban Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Thuế để thực hiện kế hoạch chiến lược cải cách và hiện đại hệ thống thuế đến năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006 thay thế Quy trình nghiệp vụ kiểm tra, thanh tra báo cáo quyết toán thuế tại cơ sở kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 1439TCT/QĐ/TTr ngày 29 tháng 10 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Quy trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế ban hành kèm theo Quyết định số 1322TCT/QĐ-HTQT ngày 30 tháng 8 năm 2004 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Điều 3: Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng các Ban và đơn vị tương đương thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT.TỔNG CỤC TRƯỞNG |
THANH TRA, KIỂM TRA DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1166 /QĐ-TCT ngày31 tháng 10 năm 2005 của Tổng cục Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế )
Tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế của ngành thuế, nâng cao năng lực của cơ quan thuế trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận, trốn thuế.
Tôn trọng và phát huy tính tự giác chấp hành và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện đúng quy định của Nhà nước về kê khai, nộp thuế.
Thực hiện cải cách và hiện đại hoá công tác thanh tra, kiểm tra thuế, góp phần tăng cường công tác quản lý cán bộ trong nội bộ ngành thuế.
II/ PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA QUY TRÌNH.
Quy trình thanh tra, kiểm tra được áp dụng cho cơ quan thuế các cấp (Tổng cục Thuế, Cục thuế, Chi cục Thuế) khi thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (gọi chung là doanh nghiệp (DN), bao gồm:
- Doanh nghiệp Nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp Nhà nước;
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Công ty ở nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội -nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Một số thuật ngữ tại quy trình này được hiểu như sau:
1- Thanh tra toàn diện: là loại hình thanh tra tổng hợp, toàn diện tình hình tuân thủ pháp luật thuế của DN mà DN đó có nghĩa vụ thực hiện và ngành thuế có trách nhiệm quản lý.
2- Thanh tra, kiểm tra hạn chế: là thanh tra, kiểm tra trong phạm vi hẹp gồm:
- Thanh tra, kiểm tra một sắc thuế; một hoặc một số kỳ tính thuế;
- Thanh tra, kiểm tra một hoặc một số bộ hồ sơ hoàn thuế;
- Thanh tra, kiểm tra một hoặc một số yếu tố liên quan đến một hoặc một số kỳ tính thuế: thanh tra, kiểm tra doanh thu tính thuế, giá vốn hàng bán, khấu hao, tiền lương, tài sản ròng...
3- Thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế: là thanh tra, kiểm tra các DN chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu (kể cả giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước), sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản và quyết toán thuế nhà thầu theo quy định tại các văn bản Pháp luật thuế.
4- Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Cơ quan Tổng cục Thuế gồm các Ban, bộ phận thanh tra, kiểm tra được Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế gồm: Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Cục thuế và Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục Thuế;
Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Cục thuế gồm: Các phòng, tổ làm chức năng thanh tra, kiểm tra DN thuộc cơ quan Cục thuế.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục Thuế gồm: Các Tổ làm chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục Thuế.
I/ LẬP KẾ HOẠCH THANH TRA, KIỂM TRA NĂM.
1. Thu thập thông tin về DN.
1.1. Tại Tổng cục Thuế.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Tổng cục Thuế thu thập thông tin về DN gồm: thông tin về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh và tuân thủ pháp luật thuế (tình hình nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, các thông tin về thay đổi chính sách có liên quan đến thuế và đến DN...). Các thông tin này phải được tập hợp từ các nguồn: cơ sở dữ liệu về DN của ngành thuế, cơ sở dữ liệu thông tin chung của cơ quan Thuế với cơ quan Hải quan và Kho bạc Nhà nước và các thông tin từ các bên có liên quan (các Bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề kinh doanh...).
1.2. Tại Cục thuế địa phương.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế tập hợp cơ sở dữ liệu về DN từ các nguồn thông tin: báo cáo tài chính doanh nghiệp, tình hình chấp hành pháp luật thuế nắm được qua công tác quản lý (tình hình số liệu kê khai, nộp tờ khai, nộp thuế, các vi phạm pháp luật về thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, tố cáo...), thông tin của các ngành, các đơn vị tại địa phương có liên quan đến công tác quản lý thuế như kết quả thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng khác và kết quả kiểm toán (nội bộ, độc lập, Nhà nước).
2. Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
2.1. Tại Tổng cục Thuế.
Trên cơ sở số liệu thông tin đã được tập hợp về DN, Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Tổng cục Thuế thực hiện phân tích một cách tổng quan để có nhận định, đánh giá rủi ro về số thu, về tính tuân thủ pháp luật thuế của các DN; xác định nhóm DN thuộc các ngành, lĩnh vực cần tập trung thanh tra, kiểm tra và các loại hình thanh tra, kiểm tra và nguồn nhân lực thanh tra, kiểm tra (số lượng, khả năng, năng lực cán bộ) của từng Cục thuế để dự kiến kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm cho toàn ngành Thuế theo mẫu số 01TTr- DN.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Tổng cục Thuế trình Tổng cục ban hành văn bản hướng dẫn lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra kèm theo dự kiến kế hoạch thanh tra, kiểm tra, gửi các Cục thuế trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.
2.2. Tại Cục thuế địa phương.
2.2.1 Dự tính nguồn nhân lực thanh tra, kiểm tra DN năm:
Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế các địa phương khi tính lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm phải căn cứ số lượng cán bộ, khả năng, năng lực của cán bộ và các nhiệm vụ khác để tính tổng số ngày công làm việc tối đa cả năm cho công tác thanh tra, kiểm tra DN (tính từ thời gian dự kiến triển khai công tác thanh tra, kiểm tra DN đến cuối năm có tính trừ ngày nghỉ theo chế độ).
Trên cơ sở tính số ngày công bình quân cho mỗi loại cuộc thanh tra, kiểm tra, số ngày công làm việc kế hoạch năm nêu trên có tính trừ số ngày công dự tính vào các công việc khác (theo chức năng, nhiệm vụ mà Bộ phận thanh tra, kiểm tra được giao) để dự tính số lượng DN mà Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế có thể thực hiện thanh tra, kiểm tra hàng năm.
2.2.2 Lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra:
Căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Thuế và cơ sở dữ liệu về DN đã tập hợp, Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Cục thuế địa phương tiến hành phân tích đánh giá rủi ro về số thu và mức độ tuân thủ pháp luật thuế của các DN, kết hợp với các thông tin nắm được qua công tác quản lý thuế trên địa bàn và nguồn nhân lực cân đối cho công tác thanh tra, kiểm tra DN thực hiện lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm.
Đối với Chi cục Thuế vì lý do chưa tập hợp đủ dữ liệu, chưa có điều kiện ứng dụng tin học để phân tích rủi ro thì lập kế hoạch thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Phân loại DN
Bộ phận thanh tra, kiểm tra Chi cục Thuế phân tích thông tin kê khai thuế về doanh số, số thuế nộp, đối chiếu với các tài liệu liên quan như bản kê hoá đơn, báo cáo tài chính doanh nghiệp, kết quả phân loại doanh nghiệp hoàn thuế ... đồng thời tra cứu so sánh với doanh thu, thuế kê khai cùng kỳ năm trước để phát hiện, phân tích lập danh sách các DN có dấu hiệu bất thường, cố tình khai man, trốn thuế (số thuế kê khai quá thấp so quy mô kinh doanh và bình quân cùng ngành nghề; DN không có đầu tư xây dựng mới, không có doanh thu kinh doanh xuất khẩu nhưng thuế GTGT âm liên tục nhiều tháng; kê khai tồn kho hàng mua vào lớn không phù hợp với thực tế kho hàng và tình hình luân chuyển thị trường hàng cùng loại ...).
Bước 2: Căn cứ danh sách các DN nghi vấn có dấu hiệu vi phạm nêu trên kết hợp với tình hình nắm được qua công tác quản lý và dự tính nguồn nhân lực dành cho công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục Thuế lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN năm báo cáo lãnh đạo Chi cục Thuế xét trình Cục thuế (kèm theo thuyết minh) trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.
Để đảm bảo tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, khi lập kế hoạnh thanh tra, kiểm tra năm phải tính trừ các DN thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và thanh tra, kiểm tra của các Bộ, Ngành. Riêng đối với các doanh nghiệp địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Cục Hải quan địa phương.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Cục thuế có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thuộc cơ quan Cục thuế và các Chi cục Thuế địa phương theo mẫu số 02TTr-DN; trình lãnh đạo Cục thuế và gửi về Tổng cục Thuế trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, kèm theo biểu tổng hợp kết quả phân tích và đánh giá rủi ro các DN và báo cáo thuyết minh nêu rõ cơ sở, căn cứ xây dựng kế hoạch.
Nội dung báo cáo thuyết minh
Nội dung báo cáo thuyết minh phải nêu rõ lý do mà Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Cục thuế lựa chọn các DN đó để đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Đối với các trường hợp dự kiến thanh tra, kiểm tra khác (phần II của mẫu số 02 TTr-DN): thanh tra, kiểm tra bất thường; thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế; thanh tra, kiểm tra trước hoàn thuế và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ... thì cần nêu rõ số lượng các trường hợp, kiểm tra này đã thực hiện của năm trước hoặc kế hoạch cổ phần hoá DN của địa phương để dự tính kế hoạch năm nay.
Trong trường hợp Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế lựa chọn đối tượng phải thanh tra, kiểm tra khác với hướng dẫn của Tổng cục Thuế thì ngoài việc thuyết minh phải gửi kèm theo hồ sơ, tài liệu chứng minh cho phần thuyết minh đó.
3. Duyệt giao kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Tổng cục Thuế xem xét việc báo cáo lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm của các Cục thuế và phê duyệt giao kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm cho Cục thuế các địa phương trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
4. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra quí, tháng.
Cơ sở lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra từng quí, tháng trong năm căn cứ vào kế hoạch năm được giao.
- Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục Thuế dự tính lập kế hoạch quí, tháng trình lãnh đạo Chi cục phê duyệt đồng thời báo cáo về Cục thuế.
- Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Cục thuế dự tính và lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra từng quí, tháng của cơ quan Cục thuế và tổng hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra của toàn Cục thuế trình lãnh đạo Cục thuế phê duyệt.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra quí Cục thuế báo cáo về Tổng cục Thuế trước ngày 15 tháng đầu quí.
Căn cứ kế hoạch tháng được duyệt, Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm, đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện tập hợp, phân tích thông tin chuyên sâu và tiến hành thanh tra, kiểm tra DN.
5. Điều chỉnh kế hoạch năm.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm được duyệt là cơ sở để Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế thuế triển khai thực hiện. Trường hợp trong quá trình thực hiện nếu có các nguyên nhân chủ quan, khách quan phải điều chỉnh lại kế hoạch năm thì Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Cục thuế thực hiện đánh giá, nêu rõ lý do báo cáo Cục thuế, trình Tổng cục Thuế xem xét điều chỉnh. Thời điểm điều chỉnh kế hoạch thực hiện trước ngày 30 tháng 9 năm kế hoạch được duyệt.
Danh sách các DN thuộc năm kế hoạch được duyệt khi điều chỉnh loại trừ khỏi kế hoạch nếu vì lý do khách quan do thiếu nhân lực thì phải đưa các DN này vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm kế tiếp.
II/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÂN TÍCH SÂU CÁC DN TRONG KẾ HOẠCH THANH TRA, KIỂM TRA.
1. Công việc chuẩn bị thanh tra, kiểm tra.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế tổ chức các nhóm để tập hợp, phân tích các thông tin chuyên sâu về các DN đã dự kiến thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tháng (đối với hình thức thanh tra, kiểm tra toàn diện có thể tổ chức theo từng nhóm ngành riêng biệt, đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên môn hoá trong công tác thanh tra, kiểm tra). Mỗi nhóm gồm một nhóm trưởng và một số thành viên (các nhóm này có thể đồng thời là biên chế các đoàn thanh tra, kiểm tra từng doanh nghiệp), thực hiện các bước công việc này gồm các nội dung sau:
1.1 Tập hợp, phân tích thông tin chuyên sâu về DN.
Mức độ, phạm vi tài liệu và nội dung thông tin cần phân tích mà mỗi nhóm phân tích phải thực hiện tuỳ theo yêu cầu đặt ra cho mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra (nội dung tập hợp, phân tích thông tin đối với từng loại hình thanh tra, kiểm tra theo mẫu 03TTr-DN đính kèm Quy trình).
Trường hợp thanh tra, kiểm tra để giải quyết đơn thư khiếu tố thì nghiên cứu kỹ đơn, thư, hồ sơ kèm theo đơn thư khiếu tố hoặc liên hệ với người trực tiếp khiếu tố yêu cầu trình bày rõ sự việc để từ đó xác định rõ nội dung cần thanh tra, kiểm tra.
1.2 Kiểm tra tại cơ quan thuế.
Đây là bước tiếp xúc trực tiếp với DN mà nhóm phân tích phải thực hiện trong quá trình tập hợp và phân tích rủi ro các thông tin chuyên sâu, nhằm kiểm tra tính xác thực đối với các hồ sơ, thông tin, các nghi vấn về DN, đề xuất kiến nghị và giải pháp xử lý đối với những nội dung đã được làm rõ (yêu cầu DN thực hiện điều chỉnh theo quy định của các Luật thuế ). Khi thực hiện kiểm tra tại cơ quan thuế, nhóm phân tích phải thực hiện đầy đủ các công việc theo trình tự sau:
- Xác định nội dung kiểm tra tại cơ quan thuế: căn cứ kết quả phân tích thông tin về đối tượng thanh tra, kiểm tra, nhóm phân tích xác định cụ thể những nội dung nghi ngờ cần DN cung cấp thêm thông tin hoặc những nội dung nghi ngờ cần tiếp xúc với DN để làm rõ (thông tin chung về DN, tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức hạch toán, liên doanh liên kết, đối tác kinh doanh, hợp đồng mua bán hàng, tăng giảm tài sản, biên bản xác nhận công nợ nội bộ, công nợ người bán, người mua...).
- Dự thảo giấy mời ghi rõ thời gian, địa điểm tiếp xúc với DN (theo mẫu số 04 TTr-DN đính kèm Quy trình), kèm theo nội dung kiểm tra tại cơ quan thuế nêu trên trình Lãnh đạo Cục thuế phê duyệt. Giấy mời được lập thành 03 bản, lưu: Bộ phận thanh tra, kiểm tra, hành chính và gửi DN được kiểm tra mỗi đơn vị 01 bản.
- Lập biên bản ghi nhận các nội dung kiểm tra tại cơ quan thuế (theo mẫu số 05 TTr-DN đính kèm Quy trình): ghi nhận những nghi ngờ đã làm rõ và đề xuất kiến nghị giải pháp xử lý; những nội dung chưa được làm rõ, cần thực hiện thanh tra, kiểm tra tại DN. Biên bản được lập thành 04 bản, lưu: Bộ phận thanh tra, kiểm tra, bộ phận xử lý tờ khai, hành chính và DN được kiểm tra mỗi đơn vị 01 bản.
Trong một số trường hợp cụ thể mà xét thấy không cần thiết phải gặp trực tiếp với DN (nội dung đơn giản) thì nhóm phân tích nêu rõ lý do tại tờ trình và chỉ cần lập Phiếu yêu cầu DN cung cấp thông tin gửi DN theo mẫu số 06TTr- DN đính kèm Quy trình, ghi rõ nội dung thông tin cần cung cấp, thời hạn cung cấp thông tin trình Lãnh đạo Cục thuế (Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục Thuế trình lãnh đạo Chi cục Thuế).
1.3 Xác định nội dung, phạm vi và hình thức thanh tra, kiểm tra tại cơ sở của DN:
Căn cứ kết quả sau khi phân tích và kiểm tra tại cơ quan thuế, Trưởng nhóm phân tích lập Phiếu đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN (theo mẫu số 07 TTr- DN đính kèm Quy trình), kèm theo toàn bộ hồ sơ trong quá trình tập hợp, phân tích thông tin và biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra tại cơ quan thuế (hoặc báo cáo giải trình của doanh nghiệp theo Phiếu cung cấp thông tin mẫu số 06 TTr-DN của cơ quan thuế nêu trên), trình lãnh đạo Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế xét duyệt, trong phiếu trình ghi rõ đề nghị:
+ Hình thức quyết định (thanh tra hoặc kiểm tra);
+ Xác định quy mô, phạm vi của cuộc thanh tra, kiểm tra;
+ Xác định thời gian của cuộc thanh tra, kiểm tra;
+ Định hướng các nội dung chính mà đoàn (đội) thanh tra, kiểm tra cần đi sâu làm rõ.
2. Thành lập đoàn (đội) thanh tra, kiểm tra.
Căn cứ vào Phiếu đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra của nhóm phân tích, Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế dự kiến thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra. Đối với thanh tra toàn diện, các đoàn thanh tra, kiểm tra có thể tổ chức theo các ngành để từng bước đào tạo các nhóm cán bộ thanh tra, kiểm tra chuyên sâu ngành.
Riêng đối với các trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc giải quyết đơn thư khiếu tố thì tuỳ theo tính chất, nội dung từng vụ việc, các đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục thuế hoặc Chi cục trưởng Chi cục Thuế.
III/ THANH TRA, KIỂM TRA TẠI CƠ SỞ CỦA DN THEO QUYẾT ĐỊNH.
1. Ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra.
1.1. Dự thảo và ký ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra:
Bộ phận thanh tra, kiểm tra cơ quan Cục thuế (hoặc Bộ phận thanh tra kiểm tra thuộc Chi cục Thuế) dự thảo quyết định thanh tra (hoặc kiểm tra) trình lãnh đạo Cục thuế (hoặc Chi cục Thuế) ký ban hành. Quyết định thanh tra, kiểm tra phải ghi rõ: căn cứ pháp lý để thanh tra, kiểm tra; nội dung, yêu cầu, phạm vi thanh tra, kiểm tra; thời hạn thanh tra, kiểm tra; thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra, quyền và trách nhiệm của người thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; quyền và nghĩa vụ của DN được thanh tra, kiểm tra (theo mẫu số 08 TTr-DN đính kèm quy trình).
Trường hợp DN được thanh tra, kiểm tra là Tổng công ty, công ty có các đơn vị thành viên thì nội dung quyết định thanh tra, kiểm tra phải ghi cụ thể danh sách đơn vị thành viên thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra kèm theo quyết định.
Trong từng trường hợp khi trình ký quyết định thanh tra, kiểm tra ngoài dự thảo quyết định thanh tra, kiểm tra phải kèm theo hồ sơ sau:
- Đối với DN thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch: biểu phân tích đối tượng thanh tra, kiểm tra và mẫu số 03TTr-DN và kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm được duyệt.
- Đối với thanh tra, kiểm tra chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu (kể cả giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước), sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản: văn bản đề nghị thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế của đơn vị hoặc đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với thanh tra, kiểm tra bất thường: chứng cứ vi phạm pháp luật về thuế.
- Đối với thanh tra, kiểm tra đơn thư khiếu nại tố cáo: đơn thư khiếu tố, tài liệu thu thập từ công tác quản lý và thông tin thu thập từ người đứng khiếu tố (nếu có).
Quyết định thanh tra, kiểm tra lập thành 03 bản lưu tại Bộ phận thanh tra, kiểm tra, hành chính và DN được thanh tra, kiểm tra mỗi đơn vị 01 bản.
Quyết định thanh tra, kiểm tra phải thông báo cho DN trước khi công bố quyết định ít nhất là 07 ngày đối với quyết định thanh tra, 03 ngày đối với quyết định kiểm tra (trừ các trường hợp thanh tra, kiểm tra bất thường).
Trong mọi trường hợp khi quyết định thanh tra, kiểm tra đã được ký ban hành (đã thông báo hoặc chưa thông báo cho DN), nếu vì lý do khách quan hay chủ quan mà không tiến hành thanh tra, kiểm tra thì trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra (ghi trong quyết định thanh tra, kiểm tra) phải dự thảo quyết định thu hồi quyết định thanh tra, kiểm tra và nêu rõ lý do báo cáo phụ trách Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế xem xét trình Cục trưởng, Chi cục trưởng thu hồi quyết định đã ban hành. Quyết định lập thành 03 bản lưu tại Bộ phận thanh tra, kiểm tra, hành chính và DN được thanh tra, kiểm tra mỗi đơn vị 01 bản.
Trường hợp khi quyết định thanh tra, kiểm tra đã ký ban hành nhưng phải hoãn lại (do lý do từ phía cơ quan thuế hoặc DN) thì Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra phải nêu rõ lý do hoãn và dự tính thời gian sẽ tiến hành báo cáo phụ trách Bộ phận thanh tra, kiểm tra và Lãnh đạo Cục thuế hoặc Chi cục Thuế.
1.2. Công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.
Kể từ ngày hết thời hạn sau khi thông báo Quyết định thanh tra, kiểm tra cho DN được thanh tra, kiểm tra, đoàn thanh tra, kiểm tra phải tiếp xúc với giám đốc (hoặc người được uỷ quyền hợp pháp) và kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán (sau đây gọi chung là đại diện của DN). Khi tiếp xúc với đại diện của DN, Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện:
- Công bố nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra: giới thiệu thành viên của đoàn thanh tra, kiểm tra; giải thích cụ thể về mục đích, yêu cầu và nội dung thanh tra, kiểm tra để đại diện của DN hiểu rõ và có trách nhiệm thực hiện quyết định thanh tra, kiểm tra.
Trường hợp phạm vi thanh tra, kiểm tra bao gồm cả các đơn vị thành viên, chi nhánh, đơn vị trực thuộc DN được thanh tra, kiểm tra thì Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra phải thông báo cụ thể danh sách, thời gian, nội dung thanh tra, kiểm tra, quyền và nhiệm vụ của các bên để đại diện DN có căn cứ chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện.
- Trao đổi để thống nhất với đại diện của DN về kế hoạch làm việc, bố trí thời gian làm việc, các tài liệu mà DN có trách nhiệm cung cấp cho đoàn thanh tra, kiểm tra; cán bộ, bộ phận của DN chuẩn bị tài liệu làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra.
- Ngoài ra để có cơ sở bổ sung về tình hình của DN và đối chiếu xác định đối với các nguồn thông tin đã tập hợp, phân tích khi lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra đề nghị đại diện của DN báo cáo khái quát tình hình của DN về một số nội dung: ngành nghề kinh doanh; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hình thức hạch toán của các đơn vị trực thuộc thành viên, chi nhánh, đơn vị trực thuộc; phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh; chuẩn mực kế toán và niên độ kế toán áp dụng; số cán bộ, công nhân viên và tiền lương, thu nhập bình quân; các đối tác liên doanh, liên kết (nếu có)...
Đối với các trường hợp DN có hành vi không chấp hành Quyết định thanh tra, kiểm tra thì đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về thanh tra, kiểm tra về thuế theo Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
1.3. Lập nhật ký thanh tra, kiểm tra.
Nhật ký thanh tra, kiểm tra được lập riêng cho từng cuộc thanh tra, kiểm tra. Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm lập nhật ký thanh tra, kiểm tra để ghi nhận toàn bộ diễn biến của từng cuộc thanh tra, kiểm tra từ khi thực hiện thủ tục thanh tra, kiểm tra đến khi kết thúc (theo mẫu 09TTr-DN kèm theo Quy trình này).
Trưởng đoàn và từng đoàn viên đoàn thanh tra, kiểm tra phải ký nhận và chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với các nội dung đã ghi trong nhật ký thanh tra, kiểm tra; thực hiện lưu nhật ký cùng hồ sơ thanh tra, kiểm tra.
2. Thực hiện thanh tra, kiểm tra bằng việc xem xét số liệu và xác lập hồ sơ chứng lý.
2.1. Kiểm tra, đối chiếu số liệu tổng hợp.
Việc kiểm tra, đối chiếu số liệu tổng hợp được thực hiện tuỳ theo phạm vi, quy mô, nội dung cuộc thanh tra, kiểm tra theo quyết định thanh tra, kiểm tra ban hành có gắn với yêu cầu của từng cuộc thanh tra, kiểm tra đó. Các nội dung kiểm tra đối chiếu số liệu tổng hợp gồm:
· Kiểm tra hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế, mã số thuế, tình hình đăng ký sử dụng hoá đơn...
· Kiểm tra đối chiếu tài liệu, hồ sơ gửi cơ quan thuế với thực tế xuất trình của DN: báo cáo quyết toán tài chính quí, năm; tờ khai thuế Giá trị gia tăng, bản xác định số thuế Thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo quí, tờ khai thuế Thu nhập doanh nghiệp tự quyết toán năm và các tờ khai quyết toán thuế khác liên quan đến nội dung ghi tại quyết định thanh tra, kiểm tra.
· Kiểm tra việc mở sổ sách và tính hợp pháp: sổ cái, các sổ theo dõi chi tiết theo các chuẩn mực kế toán nhà nước quy định, đối chiếu số liệu tổng hợp giữa sổ chi tiết với bảng cân đối số phát sinh và bảng tổng kết tài sản.
· Ngoài ra, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể cần kiểm tra xem xét các tài liệu, hồ sơ liên quan khác: số thuế đầu kỳ trước chuyển sang, xác nhận của cơ quan thuế, cơ quan kho bạc nhà nước về số nộp ngân sách trong kỳ, các tài liệu liên quan đến hoàn thuế, miễn giảm thuế ...
2.2. Kiểm tra chi tiết, lập hồ sơ chứng lý.
· Căn cứ nhiệm vụ được phân công, từng thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện kiểm tra sổ sách, chứng từ và các hồ sơ liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra theo đúng nội dung đã ghi tại quyết định thanh tra, kiểm tra.
· Khi yêu cầu cung cấp tài liệu thì phải lập danh sách ghi rõ tên các loại tài liệu và thời hạn cung cấp; khi nhận tài liệu phải kiểm tra lại tình trạng thực tế của các tài liệu đó (Bản sao hay bản gốc? Có sửa chữa, can ghép gì không?). Nếu có nghi vấn thì thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra phải ghi vào sổ tay riêng mà không được đánh dấu hoặc ghi ký hiệu gì vào tài liệu đó; phải bảo quản chu đáo, cẩn thận tài liệu; khi nhận và hoàn trả tài liệu phải có biên bản giao nhận hoặc hoàn trả.
· Kiểm tra chi tiết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh: đối chiếu số liệu hạch toán, số liệu tính, kê khai, thu nộp thuế và hạch toán thực tế của doanh nghiệp với các chuẩn mực nhà nước quy định (quy định luật, pháp lệnh thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; các cơ chế tài chính và chuẩn mực kế toán Nhà nước ban hành...).
· Thực hiện lập hồ sơ chứng lý thanh tra, kiểm tra, hồ sơ chứng lý được coi là tài liệu gốc để lập biên bản thanh tra, kiểm tra, gồm: Các biên bản ghi nhận kết quả đối chiếu; các bản sao chụp các tài liệu có liên quan kể cả các bức ảnh, đoạn băng ghi lại những việc làm sai của DN (phân tán kho quỹ, cất giấu chứng từ, tài liệu...); biên bản kiểm kê kho quỹ và ghi nhận kết quả làm việc của thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra với các đối tượng có liên quan của DN; các tài liệu, báo cáo của DN lập theo yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc các bảng kê tài liệu, số liệu mà đoàn thanh tra, kiểm tra cùng lập với đơn vị được thanh tra, kiểm tra.
· Trường hợp cần thiết phải giám định tài liệu, cần lập biên bản thu giữ tài liệu ghi rõ tình trạng của tài liệu đó (kể cả hiện vật nếu có) để yêu cầu cơ quan có trách nhiệm giám định. Đoàn thanh tra, kiểm tra phải thực hiện đúng quy định về giám định: Lập yêu cầu giám định; công bố kết quả giám định; hoàn trả lại tài liệu hoặc tiếp tục tạm giữ để xử lý.
· Trong trường hợp thay đổi nội dung đã ghi trong Quyết định thanh tra, kiểm tra hoặc trong quá trình thực hiện Quyết định kiểm tra thấy vụ việc cần phải tiến hành thanh tra thì trưởng đoàn phải lập báo cáo nêu rõ lý do, kèm theo Quyết định thanh tra, kiểm tra đã ban hành trình Cục thuế (hoặc Chi cục thuế): Trường hợp được chấp nhận thì thực hiện thủ tục ban hành và lưu trữ như hướng dẫn tại điểm 1 mục này; trường hợp không được chấp nhận thay đổi thì đoàn thanh tra kiểm tra phải thực hiện đúng các nội dung đã ghi tại Quyết định thanh tra, kiểm tra đã ký.
· Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, kiểm phải kiến nghị Lãnh đạo Cục thuế, Chi cục Thuế chuyển hồ sơ doanh nghiệp hoặc thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
2.3. Lập biên bản thanh tra, kiểm tra.
- Nội dung biên bản thanh tra, kiểm tra:
Đoàn thanh tra, kiểm tra phải lập kết luận thanh tra (đối với trường hợp thanh tra) hoặc lập Biên bản kiểm tra (đối với trường hợp kiểm tra) khi kết thúc cuộc thanh tra hoặc kiểm tra. Kết luận thanh tra hoặc Biên bản kiểm tra (sau đây gọi chung là Biên bản thanh tra, kiểm tra) phải đảm bảo yêu cầu ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, phản ánh đầy đủ kết quả của cuộc thanh tra, kiểm tra (theo mẫu số 10TTr-DN đính kèm theo quy trình), gồm 4 phần chủ yếu sau:
Phần 1: Nêu tóm tắt về căn cứ pháp lý để đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra, thời gian bắt đầu và kết thúc thanh tra, kiểm tra; các thông tin định danh về DN được thanh tra, kiểm tra.
Trường hợp đoàn thanh tra, kiểm tra có sử dụng tài liệu thanh tra, kiểm tra của các đoàn thanh tra, kiểm tra khác hoặc báo cáo của cơ quan liên quan để kết luận hoặc làm chứng lý thì phải ghi cụ thể trong Báo cáo thanh tra, kiểm tra.
Phần 2: Mô tả thực trạng diễn biến của sự việc theo nội dung đã thanh tra, kiểm tra; nêu rõ các căn cứ của vụ việc mà đoàn đã kiểm tra, xác minh; phản ánh đầy đủ tình tiết của sự việc về hiện tượng cũng như bản chất theo các chứng lý đã kiểm tra, xác minh; nêu cụ thể số liệu kết quả của đoàn thanh tra, kiểm tra với số liệu kê khai, báo cáo của DN; giải thích lý do, nguyên nhân (kèm theo các hồ sơ chứng lý đã kiểm tra, xác minh, các biểu phụ lục đính kèm biên bản thanh tra, kiểm tra).
Phần 3: Trình bày những kết luận rút ra từ sự phân tích, tổng hợp các số liệu, các chứng cứ đã xác minh. Các kết luận này được viết theo trình tự nội dung các sự việc đã nêu ở phần 2. Trong từng nội dung kết luận phải khẳng định đúng sai theo các văn bản pháp quy nào? Mức độ, phạm vi của từng vụ việc đúng sai đó.
Phần 4: Kiến nghị của đoàn thanh tra, kiểm tra về giải pháp xử lý.
- Trình tự lập biên bản:
+ Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra kèm theo đầy đủ hồ sơ chứng lý đã lập với DN trong quá trình thanh tra, kiểm tra làm căn cứ lập Biên bản thanh tra, kiểm tra.
+ Tổ chức xem xét, thảo luận thống nhất trong đoàn thanh tra, kiểm tra về các nội dung, kết quả thanh tra, kiểm tra.
+ Tiến hành lập dự thảo Biên bản thanh tra, kiểm tra và lấy ý kiến tham gia của các thành viên trong đoàn thanh tra, kiểm tra để hoàn chỉnh biên bản trước khi tổ chức họp thông báo kết quả thanh tra kiểm tra với đại diện của DN được thanh tra kiểm tra.
+ Đối với các trường hợp chế độ, chính sách chưa quy định rõ thì trưởng đoàn phải lập tờ trình phụ trách Bộ phận thanh tra, kiểm tra cơ quan Cục thuế hoặc Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục thuế báo cáo lãnh đạo Cục thuế, Chi cục thuế để được xem xét xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật.
+ Đoàn thanh tra, kiểm tra tổ chức gặp và công bố dự thảo Biên bản thanh tra, kiểm tra đến đại diện của DN.
+ Đoàn thanh tra, kiểm tra tiếp nhận ý kiến của DN (nếu có), nghiên cứu phân tích xem xét lại các kết luận và kiến nghị của đoàn và trả lời ý kiến của DN được thanh tra, kiểm tra... sau đó hoàn chỉnh văn bản chính thức: chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày công bố dự thảo kết luận thanh tra, Đoàn thanh tra phải có văn bản kết luận thanh tra chính thức; chậm nhất là 3 ngày, kể từ ngày công bố dự thảo Biên bản kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải có Biên bản kiểm tra chính thức.
Riêng đối với các trường hợp chậm lập biên bản thanh tra, kiểm tra do chờ ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về giải đáp các vướng mắc hoặc vì lý do khách quan khác thì trưởng đoàn phải lập tờ trình nêu rõ lý do chưa lập biên bản thanh tra, kiểm tra chính thức báo cáo lãnh đạo Cục thuế hoặc Chi cục Thuế.
Số lượng Biên bản thanh tra, kiểm tra phải lập cho mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra tuỳ theo tính chất, nội dung từng cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng ít nhất phải được lập thành là 03 bản. Biên bản thanh tra, kiểm tra phải ghi rõ số trang và các phụ lục đính kèm (nếu có); trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra và đại diện của DN ký vào từng trang của Biên bản thanh tra, kiểm tra và phụ lục kèm theo hoặc đóng dấu giáp lai của DN (hoặc trình người có thẩm quyền ra kết luận thanh tra nếu có).
3. Xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra.
- Chậm nhất 2 ngày kể từ ngày công bố Biên bản thanh tra, kiểm tra chính thức với DN, trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra dự thảo quyết định xử lý kèm theo biên bản thanh tra, kiểm tra trình phụ trách Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Cục thuế để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý kết quả sau thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định. Quyết định xử lý phải đảm bảo ban hành chậm nhất trong thời gian 10 kể từ sau ngày công bố biên bản thanh tra, kiểm tra chính thức.
Quyết định xử lý được lập thành bản 05 bản: 01 bản lưu Bộ phận thanh tra, kiểm tra để tổng hợp vào hồ sơ thanh tra, kiểm tra; 01 bản chuyển bộ phận tin học và xử lý dữ liệu về thuế để xử lý số liệu; 01 bản chuyển bộ phận Quản lý thu nợ thuế để đôn đốc thu nợ thuế; 01 bản chuyển cho đơn vị được thanh tra, kiểm tra; 01 bản lưu Phòng Hành chính.
4. Báo cáo đánh giá kết quả cuộc thanh tra, kiểm tra.
Chậm nhất 10 ngày sau khi kết thúc thanh tra, kiểm tra, Đoàn thanh tra, kiểm tra phải lập báo cáo kết quả cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện theo mẫu số 11TTr-DN lưu tại Bộ phận thanh tra, kiểm tra (hồ sơ thanh tra, kiểm tra DN). Riêng đối với DN lớn (theo hướng dẫn tiêu thức phân loại của Tổng cục Thuế), hàng tháng Bộ phận thanh tra, kiểm tra cơ quan Cục thuế tập hợp, photo gửi Tổng cục Thuế mỗi đơn vị 01 bản trước ngày 10 của tháng sau đó (đối với DN thực hiện cơ chế TKTN thuế gửi Tổ thanh tra thuộc Ban Hợp tác Quốc tế; đối với DN chưa thực hiện cơ chế TKTN thuế gửi Ban Thanh tra).
5. Lưu trữ hồ sơ.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế tổng hợp toàn bộ hồ sơ liên quan đến mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra: Biên bản, quyết định xử lý, bảng phân tích trước khi thanh tra, kiểm tra, nhật ký... mỗi đơn vị 02 bộ: lưu Bộ phận thanh tra, kiểm tra 01 bộ, Bộ phận xử lý dữ liệu tờ khai kế toán thuế 01 bộ lưu vào hồ sơ của doanh nghiệp.
6. Theo dõi việc thực hiện Quyết định xử lý.
Hàng tháng, Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Cục thuế, bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Chi cục Thuế có trách nhiệm:
- Phối hợp với các bộ phận thu nợ, bộ phận xử lý tờ khai, bộ phận quản lý hoá đơn ấn chỉ và các bộ phận khác có liên quan: theo dõi, đôn đốc thu ngay vào ngân sách các khoản phải truy thu, truy hoàn, tiền phạt; Giải quyết các trường hợp có đơn thư khiếu nại hoặc thực hiện phúc tra theo đúng chế độ quy định.
- Liên hệ với cơ quan điều tra nắm tình hình kết quả điều tra đối với các trường hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đã chuyển hồ sơ hoặc thông báo cho cơ quan điều tra.
IV/ BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ KẾT QUẢ THANH TRA, KIỂM TRA.
1. Lập báo cáo.
Định kỳ hàng tháng, quí, năm, Bộ phận thanh tra, kiểm tra Cục thuế phải lập báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra; kết quả thanh tra, kiểm tra gửi cấp trên trực tiếp như sau:
- Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp tháng theo mẫu số 12TTr-DN đính kèm quy trình này: Chi cục Thuế lập và gửi về Cục thuế trước ngày 05 của tháng tiếp sau; Cục thuế tổng hợp, lập và gửi về Tổng cục Thuế trước ngày 10 của tháng tiếp sau.
- Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra quí theo mẫu số 13TTr-DN đính kèm quy trình này: Chi cục Thuế lập và gửi về Cục thuế trước ngày 05 của tháng đầu quí sau; Cục thuế tổng hợp, lập và gửi về Tổng cục Thuế trước ngày 15 của tháng đầu quí sau.
2. Tổng hợp báo cáo.
Bộ phận thanh tra, kiểm tra thuộc Tổng cục Thuế tổng hợp báo cáo tình hình kết quả thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp trước ngày 25 tháng sau và gửi báo cáo cho Lãnh đạo Tổng cục Thuế.
1. Thanh tra, kiểm tra thuộc cơ quan Tổng cục Thuế (thanh tra, kiểm tra- Bộ phận thí điểm cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế Ban Hợp tác quốc tế; Ban thanh tra) chịu trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện và tổ chức thực hiện theo chức trách nhiệm vụ quy định tại Quy trình này.
2. Lãnh đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức, bố trí phân công cán bộ thực hiện công việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng quy định của quy trình này; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy trình của các đơn vị và thực hiện các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo quy định về chế độ chấp hành kỷ luật lao động, quy chế công tác đối với đơn vị.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, Cục Thuế các tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời về Tổng cục Thuế để giải quyết./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 1322/2004/QĐ-TCT-HTQT ban hành Quy trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 2Quyết định 2180/QĐ-TCT năm 2012 về giao cho Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2013 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 1Quyết định 1322/2004/QĐ-TCT-HTQT ban hành Quy trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 2Quyết định 460/QĐ-TCT năm 2009 về quy trình thanh tra thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 3Quyết định 528/QĐ-TCT năm 2008 quy trình kiểm tra thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 1Quyết định 161/2005/QĐ-TTg về việc mở rộng thí điểm cơ sở sản xuất kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệtở khâu sản xuất trong nước; thuế tài nguyên; thuế nhà, đất; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và thuế môn bài do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn số 2031/TCT-TTr của Tổng Cục thuế về việc hướng dẫn thực hiện Quy trình 1166/QĐ-TCT đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
- 3Quyết định 197/2003/QĐ-TTg thí điểm thực hiện cơ chế cơ sở sản xuất, kinh doanh tự khai, tự nộp thuế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 218/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 189/2003/QĐ-BTC về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục thuế trực thuộc Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6Luật Thanh tra 2004
- 7Quyết định 201/2004/QĐ-TTg phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 2180/QĐ-TCT năm 2012 về giao cho Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2013 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
Quyết định 1166/QĐ-TCT năm 2005 về quy trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 1166/QĐ-TCT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/10/2005
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Phạm Duy Khương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/2006
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra