Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1139/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 14 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

Xét đề nghị của Sở Tài chính - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 135/TTrLS-TC-NN ngày 31/3/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ ngày 01/01/2011.

Điều 2. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các nội dung về chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông để tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định chính thức đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định (Quyết định quy phạm pháp luật).

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- VPCP, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT (b/c);
- TT TU, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Sở KH&ĐT, Sở Tư pháp;
- CPVP;
- Lưu VT,TH,KTN,,KTTH.
(D:\VuNguyen\VP UBND\Quyet dinh - UBND\2011\HCSN\QD quy dinh tam thoi che do quan ly, su dung kp khuyen nong (TT 135).doc)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT . CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1139 /QĐ-UBND ngày 14 /4/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng, nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động khuyến nông và nguyên tắc sử dụng

Áp dụng theo quy định tại Điều 1, 2, 3 và 4 Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quy định cụ thể một số nội dung sau:

- Người sản xuất trên địa bàn tỉnh gồm:

+ Nông dân: sản xuất nhỏ, sản xuất hàng hoá, thuộc diện hộ nghèo (Nông dân thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn nghèo tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 về ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015).

+ Chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã, công nhân nông, lâm trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Quy mô: Một mô hình có từ 2 đến 5 điểm trình diễn, một điểm trình diễn thực hiện tối đa 2 lần đối với mô hình có chu kỳ sản xuất 6 tháng trở xuống và 1 lần đối với mô hình có chu kỳ sản xuất trên 6 tháng hoặc đối với mô hình sản xuất ứng dụng máy móc, thiết bị.

- Quy định này áp dụng đối với nguồn ngân sách địa phương giao hằng năm (ngân sách tỉnh, huyện, thành phố) và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định để thực hiện các mô hình, chương trình, dự án khuyến nông do tỉnh, huyện, thành phố quản lý; các chương trình, dự án khuyến nông sử dụng các nguồn vốn khác thì áp dụng theo quy định của chương trình, dự án đó.

Điều 2. Nội dung, đối tượng, mức chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn

1. Chi hỗ trợ người sản xuất khi tham gia bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo được hỗ trợ

1.1. Người nông dân sản xuất nhỏ, sản xuất hàng hoá, thuộc diện hộ nghèo, xã viên Tổ hợp tác/Hợp tác xã:

- 100% chi phí tài liệu học.

- Hỗ trợ tiền ăn: 20.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại cơ sở (chủ yếu tổ chức tập huấn cho nông dân tại xã, thôn).

Trường hợp tổ chức tại huyện, thành phố thì hỗ trợ theo nội dung, mức tại khoản 2.2 Điều này.

1.2. Người nông dân là chủ trang trại, công nhân nông, lâm trường

- 100% chi phí tài liệu học.

- Tiền ăn và tiền đi lại: Hỗ trợ 50% mức hỗ trợ tại khoản 2.2 Điều này.

1.3. Người sản xuất là công nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực khuyến nông được hỗ trợ 50% chi phí tài liệu học khi tham dự đào tạo.

2. Chi hỗ trợ người hoạt động khuyến nông khi tham gia bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo được hỗ trợ

2.1. Người hoạt động khuyến nông hưởng lương từ ngân sách nhà nước:

- 100% chi phí tài liệu học.

- Đối với chỗ ở: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí.

2.2. Người hoạt động khuyến nông, cán bộ xã, thôn không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia tập huấn hỗ trợ:

- 100% chi phí tài liệu học.

- Tiền ăn: Tổ chức tại cơ sở (xã, thôn) 20.000 đồng/ngày thực học/người; tổ chức tại huyện 40.000 đồng/ngày thực học/người và tổ chức tại thành phố 60.000 đồng/ngày thực học/người.

- Tiền đi lại theo giá cước phương tiện giao thông công cộng của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đối với người học xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Trường hợp, ở những nơi không có phương tiện giao thông công cộng thì thanh toán theo số km thực tế từ nơi cư trú đến nơi tham gia học tập và ngược lại, với mức 1.000 đồng/km (người/vòng/khóa học).

- Chỗ ở: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ. Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí.

3. Chi bồi dưỡng, thù lao giảng viên

- Bồi dưỡng giảng viên thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

- Giảng viên là nghệ nhân, chuyên viên chính (tiền công giảng dạy): 300.000 đồng/buổi.

- Thù lao cho giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao thác kỹ thuật (tiền công giảng dạy): 25.000 đồng/giờ.

4. Chi phí phục vụ lớp học

- Tiền điện, nước, vệ sinh theo thực tế.

- Thuê hội trường theo thực tế hóa đơn hợp pháp và hợp đồng.

- Tiền nước uống cho giảng viên, học viên chi thực tế theo hóa đơn hợp pháp, nhưng tối đa không quá 7.000 đồng/người/ngày;

- Chi phí khác theo quy định.

Điều 3. Chi thông tin tuyên truyền

Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện thông tin, tuyên truyền về hoạt động khuyến nông cho các tổ chức, cá nhân có dự án thông tin tuyên truyền được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến nông; phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ, kết quả mô hình trình diễn, điển hình tiên tiến. Nội dung cụ thể:

1. Phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu khuyến nông, Tạp chí Khuyến nông

Hằng năm, căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao và nhu cầu về công tác tuyên truyền, cơ quan khuyến nông xây dựng chương trình tuyên truyền về hoạt động khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu khuyến nông, Tạp chí khuyến nông trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Quy định này);

Công tác quản lý tài chính thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.

2. Diễn đàn khuyến nông: Chi thuê hội trường; tài liệu; tiền nước uống; báo cáo viên: hỗ trợ ăn, ở, đi lại cho đại biểu tham gia diễn đàn.

Mức hỗ trợ đại biểu tham gia diễn đàn theo quy định tại Khoản 2.2, Điều 2 Quy định này; Mức chi nước uống, báo cáo viên thực hiện theo quy định hiện hành về chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Hội nghị: Hội nghị tổng kết khuyến nông, hội nghị giao ban khuyến nông vùng. Mức chi theo quy định hiện hành về tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Chi hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp Việt Nam

- Cấp khu vực, cấp quốc gia: Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Cấp tỉnh: Hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng trên cơ sở giá đấu thầu, trường hợp không đủ điều kiện đấu thầu thì giá thuê được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chi thông tin tuyên truyền hội chợ, chi hoạt động của Ban tổ chức.

5. Chi hội thi về các hoạt động khuyến nông

- Cấp vùng, cấp quốc gia: Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Cấp tỉnh: Thông tin, tuyên truyền, thuê hội trường, trang thiết bị, văn phòng phẩm; chi ban giám khảo chấm thi; chi hội đồng tư vấn khoa học, soạn câu hỏi và đáp án; chi khai mạc, bế mạc; chi hóa chất, vật tư, dụng cụ phục vụ cuộc thi (nếu có); chi đạo diễn và biên tập chương trình thi; chi hỗ trợ đưa đón thí sinh dự thi và chi khác theo chế độ quy định hiện hành và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

6. Xây dựng và quản lý dữ liệu hệ thống thông tin khuyến nông: Chi thuê đường truyền, mua phần mềm đã được cơ quan có chức năng thẩm định; cập nhật số liệu, bảo trì, bảo mật và các khoản chi khác theo chế độ quy định hiện hành;

Điều 4. Xây dựng các mô hình trình diễn về khuyến nông

1. Nội dung

- Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với quy mô, điều kiện của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế;

- Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tiêu chuẩn mô hình ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với quy định của Luật Công nghệ cao;

- Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

2. Quy trình, thủ tục chung về xây dựng các mô hình trình diễn

- Định mức kỹ thuật (vật tư, thiết bị), định mức cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện mô hình theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Phương án tổ chức sản xuất mô hình phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (quy định tại Khoản 1, 2 Điều 8 Quy định này);

- Giá mua giống, vật tư theo giá thị trường hợp lý tại thời điểm triển khai, có hóa đơn hợp pháp; giá mua máy móc, thiết bị phải có thẩm định của tổ chức có chức năng thẩm định giá, đồng thời thực hiện việc mua máy móc, thiết bị đúng theo quy định hiện hành;

3. Mức ngân sách hỗ trợ xây dựng các mô hình

3.1. Mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học và công nghệ để phổ biến và nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất

(1) Hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp trình diễn:

- Ở địa bàn khó khăn (theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 03/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ), huyện nghèo (theo Quyết định số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ), ngân sách hỗ trợ: 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu (bao gồm: các loại phân bón, hóa chất, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản);

- Ở địa bàn trung du miền núi (vùng có hệ số phụ cấp khu vực, trừ vùng ở địa bàn khó khăn vừa nêu trên), bãi ngang được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 50% chi phí mua vật tư thiết yếu;

- Ở địa bàn còn lại được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu.

(2) Hỗ trợ chi phí mua công cụ, máy cơ khí, thiết bị để xây dựng mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến và ngành nghề nông thôn:

- Ở địa bàn khó khăn (theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 03/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ), huyện nghèo (theo Quyết định số 30a/2008/QĐ-TTg ngày 27/12/2008 của Chính phủ) được hỗ trợ 100% nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/mô hình;

- Ở địa bàn trung du miền núi (vùng có hệ số phụ cấp khu vực, trừ vùng ở địa bàn khó khăn vừa nêu trên), bãi ngang được hỗ trợ 75% nhưng tối đa không quá 85 triệu đồng/mô hình;

- Ở địa bàn còn lại được hỗ trợ 50% nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/mô hình.

(3) Mô hình khai thác và bảo quản sản phẩm trên biển:

- Xây dựng mô hình khai thác và bảo quản sản phẩm trên biển gần bờ (không bao gồm vỏ tàu, máy tàu), ngân sách hỗ trợ 50% chi phí trang thiết bị, nhưng không quá 85 triệu đồng/mô hình;

- Xây dựng mô hình khai thác và bảo quản sản phẩm trên biển xa bờ và tuyến đảo (không bao gồm vỏ tàu, máy tàu), ngân sách hỗ trợ tối đa 50% chi phí trang thiết bị, nhưng không quá 130 triệu đồng/mô hình.

(4) Mô hình ứng dụng công nghệ cao: Hỗ trợ tối đa 30% tổng chi phí thực hiện mô hình, nhưng không quá 130 triệu đồng/mô hình.

(5) Mô hình tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả và bền vững, hỗ trợ tối đa không quá 25 triệu đồng/mô hình.

Trường hợp, thực hiện mô hình khuyến nông theo chủ trương của cấp có thẩm quyền (Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh) mà kinh phí thực hiện mô hình vượt mức mô hình tương ứng quy định tại khoản 3.1 Điều này thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Phương án, dự toán chi tiết, Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trước khi thực hiện.

3.2. Chi thuê kỹ thuật: (không thuộc đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước) để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện mô hình trình diễn tính bằng mức lương tối thiểu/22ngày nhân (x) số ngày thực tế thuê.

3.3. Chi triển khai xây dựng mô hình trình diễn

Tập huấn cho người tham gia mô hình, tổng kết mô hình và chi khác (nếu có) chi theo thực tế đảm bảo chế độ, định mức quy định hiện hành và chứng từ hợp pháp nhưng tối đa không quá 12 triệu đồng/mô hình. Riêng mô hình công nghệ cao tối đa không quá 15 triệu đồng/mô hình.

Trong đó, mức chi hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia tập huấn 20.000 đồng/người/ngày.

Điều 5. Nội dung, quy trình, mức ngân sách hỗ trợ chi nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng

1. Nội dung: Thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, hội nghị đầu bờ.

2. Chi theo thực tế đảm bảo chế độ, định mức, nguyên tắc hiện hành và chứng từ hợp pháp nhưng tối đa không quá 15 triệu đồng/1 mô hình điển hình sản xuất tiên tiến. Trong đó, mức hỗ trợ cho người tham gia triển khai mô hình, giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quy định này.

Điều 6. Các nội dung khác liên quan đến hoạt động khuyến nông

1. Chi mua bản quyền tác giả, mua công nghệ mới gắn với chương trình, dự án khuyến nông: Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi thực hiện.

2. Biên soạn và in giáo trình, tài liệu mẫu để hướng dẫn, đào tạo, tư vấn khuyến nông, áp dụng theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

3. Chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước phục vụ hoạt động khuyến nông; thuê chuyên gia đánh giá hoạt động khuyến nông. Căn cứ mức độ cần thiết và khả năng kinh phí:

- Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì thực hiện mô hình, chương trình, dự án khuyến nông quyết định lựa chọn thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài; hình thức thuê (theo thời gian hoặc theo sản phẩm cho phù hợp).

- Mức chi theo hợp đồng thực tế thỏa thuận với chuyên gia bảo đảm phù hợp giữa yêu cầu của công việc và trình độ của chuyên gia.

4. Chi tham quan, học tập trong nước

- Nguyên tắc: Đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán kinh phí; khi thực hiện: Cấp tỉnh tổ chức phải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất (về tổ chức, thành phần...); cấp huyện, thành phố tổ chức phải được UBND huyện, thành phố cho phép;

- Mức chi: Theo quy định hiện hành.

5. Mua sắm trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho các hoạt động khuyến nông: Thực hiện theo quy định hiện hành và trong phạm vi dự toán ngân sách giao hằng năm.

6. Kinh phí chi quản lý mô hình khuyến nông

- Cơ quan quản lý kinh phí khuyến nông: Sử dụng nguồn kinh phí ngân sách giao thường xuyên trong định mức (tự chủ) và ngoài định mức (đặc thù) hằng năm để xây dựng các mô hình, chương trình, dự án; phê duyệt, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện mô hình, chương trình, dự án (thuê chuyên gia, lao động (nếu có); chi làm thêm giờ theo chế độ quy định; văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính, điện nước; chi công tác phí, xăng dầu, thuê xe đi kiểm tra (nếu có); chi thẩm định xét chọn, nghiệm thu mô hình khuyến nông, chi khác (nếu có).

- Đối với tổ chức thực hiện mô hình khuyến nông:

+ Đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện mô hình khuyến nông: Sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên (tự chủ) và không thường xuyên (đặc thù) hằng năm để chi công tác xây dựng các mô hình, chương trình, dự án; quản lý, kiểm tra, giám sát, chi khác (nếu có).

+ Đơn vị, tổ chức ngoài công lập, người hoạt động khuyến nông, người sản xuất thực hiện mô hình khuyến nông: Trong tổng mức kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng để chi công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chi khác (nếu có).

Điều 7. Điều kiện để thực hiện các mô hình khuyến nông

1. Người sản xuất được hỗ trợ thực hiện mô hình

- Có địa điểm, diện tích thực hiện mô hình phù hợp với nội dung, quy trình kỹ thuật của mô hình (có xác nhận của chính quyền địa phương).

- Cam kết đầu tư vốn cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của mô hình. Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo tiến độ và tương ứng với tỷ lệ đầu tư thực tế của người sản xuất thực hiện mô hình.

- Chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách nhà nước cho cùng một nội dung của mô hình.

2. Điều kiện đơn vị tham gia thực hiện mô hình

- Có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với lĩnh vực thuộc mô hình khuyến nông;

- Đủ tiêu chuẩn để thực hiện các mô hình khuyến nông theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 8. Tổ chức thực hiện hoạt động khuyến nông địa phương

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Căn cứ quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn:

+ Tiêu chuẩn, định mức cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn kỹ thuật cho từng mô hình cụ thể đảm bảo phù hợp với tính chất của từng mô hình địa phương.

+ Tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật (vật tư, thiết bị) của từng mô hình phù hợp với địa phương.

+ Tiêu chuẩn các đơn vị, tổ chức, cá nhân được tham gia thực hiện các mô hình khuyến nông.

- Hằng năm, căn cứ nhu cầu hoạt động khuyến nông và nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh giao phê duyệt nội dung, phương án, phương thức thực hiện hoạt động khuyến nông. Đấu thầu hoặc đặt hàng:

+ Công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu khuyến nông, Tạp chí Khuyến nông theo quy định.

+ Xây dựng các mô hình, chương trình khuyến nông.

- Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông theo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, quy định này và Thông tư tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với các đơn vị không trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được xét chọn hoặc trúng thầu thực hiện mô hình khuyến nông thuộc nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ dự toán kinh phí khuyến nông cho đơn vị dự toán trực thuộc Sở để ký hợp đồng thực hiện.

- Định kỳ 6 tháng, năm tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố

Hằng năm, thực hiện công tác tham mưu, quản lý tài chính đối với hoạt động khuyến nông thuộc phạm vi, trách nhiệm, gồm:

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp hoạt động khuyến nông đúng quy định.

- Trên cơ sở dự toán của Ngành, địa phương Sở Tài chính thực hiện thẩm định, tham mưu UBND tỉnh, Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, tham mưu UBND huyện, thành phố về giao dự toán ngân sách đảm bảo cho hoạt động khuyến nông địa phương và khả năng cân đối ngân sách.

- Căn cứ quy định này và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước thực hiện thẩm tra phương án phân bổ dự toán ngân sách giao và thẩm tra hoặc kiểm tra quyết toán ngân sách giao hoạt động khuyến nông đúng quy định.

* Đối với khoản hoạt động khuyến nông từ 01/01/2011 đến trước ngày Quyết định này có hiệu lực: Sở Tài chính, Phòng TC-KH hướng dẫn các địa phương, đơn vị quyết toán theo thực chi nhưng đảm bảo không vượt quá mức quy định tại Quyết định này.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: Căn cứ quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của Luật Công nghệ cao chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn mô hình ứng dụng công nghệ cao phù hợp với địa phương.

4. UBND các huyện, thành phố

- Căn cứ quy định này và văn bản hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc liên quan xây dựng mô hình, chương trình hoạt động khuyến nông của huyện, thành phố quản lý;

- Hằng năm, căn cứ nhu cầu hoạt động khuyến nông và nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách huyện, thành phố phê duyệt nội dung, phương án, dự toán kinh phí và phương thức thực hiện hoạt động khuyến nông. Đấu thầu hoặc đặt hàng.

+ Công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu khuyến nông.

+ Xây dựng các mô hình, chương trình khuyến nông.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc liên quan thực hiện việc lập, chấp hành, quyết toán và kiểm tra phê duyệt quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông theo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, quy định này và Thông tư tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Định kỳ 6 tháng, năm tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung).

5. Kho bạc Nhà nước tỉnh: Căn cứ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; quy định hiện hành về chế độ, định mức và quy định này thực hiện và hướng dẫn Kho bạc Nhà nước các huyện, thành phố thực hiện kiểm soát chi đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1139/QĐ-UBND năm 2011 về Quy định tạm thời chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 1139/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/04/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/04/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 12/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản