BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 109/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2009 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, SỬ DỤNG HẠ TẦNG TRUYỀN THÔNG THỐNG NHẤT NGÀNH TÀI CHÍNH
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 1034/Q-BTC ngày 27/2/2006 về việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh dự án Cơ sở hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính (thay thế Quyết định số 990/QĐ-BTC ngày 29/6/1999 về việc phê duyệt dự án Cơ sở hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2650/QĐ-BTC ngày 19/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy định tạm thời về quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính.
Điều 3. Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Thủ trưởng các đơn vị: Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng Cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Học viện Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, SỬ DỤNG HẠ TẦNG TRUYỀN THÔNG THỐNG NHẤT NGÀNH TÀI CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 109/QĐ-BTC ngày 15 tháng 01 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu, đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Mục tiêu: Quy chế này quy định thống nhất hoạt động quản lý, vận hành và sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính, đảm bảo đường truyền kết nối các đơn vị hoạt động thông suốt, chất lượng, và phục vụ hiệu quả các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Tài chính.
2. Đối tượng áp dụng: tất cả các đơn vị kết nối vào hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; các đơn vị chủ trì xây dựng, triển khai, vận hành các ứng dụng, dịch vụ trên hạ tầng truyền thông, bao gồm:
- Đơn vị chủ trì quản lý, hỗ trợ công nghệ thông tin tại Bộ Tài chính: Cục Tin học và Thống kê tài chính.
- Các tổ chức thuộc Bộ: Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Học viện Tài chính.
- Các tổ chức, đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ có trụ sở nằm ngoài cơ quan Bộ Tài chính, có kết nối, trao đổi thông tin với Bộ Tài chính.
- Các Sở Tài chính, Phòng Kế hoạch - Tài chính quận, huyện, thị xã và các tổ chức, đơn vị không thuộc Bộ Tài chính có kết nối, trao đổi thông tin với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
3. Phạm vi áp dụng: hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính.
Điều 2. Giải thích từ ngữ sử dụng trong quy chế
1. “Hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính” (gọi tắt là HTTT) bao gồm các thiết bị truyền thông, các thiết bị, hệ thống phụ trợ và kênh truyền dữ liệu kết nối các đơn vị trong ngành Tài chính từ cấp Trung ương tới địa phương, tạo thành mạng diện rộng của ngành Tài chính.
2. “Mạng trục” là hệ thống trung gian chuyển tiếp kết nối mạng từ đơn vị này tới đơn vị khác trong HTTT. Mạng trục gồm các thành phần sau:
a) “Trung tâm miền” (gọi tắt là TTM) là hệ thống chuyển tiếp kết nối mạng mức khu vực, giữa cấp tỉnh và Trung ương.
b) “Trung tâm tỉnh” (gọi tắt là TTT) là hệ thống chuyển tiếp kết nối mạng cho địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chuyển tiếp kết nối mạng giữa tỉnh, thành phố với TTM.
c) “Đường trục chính” là kết nối mạng giữa các TTM.
d) “Đường liên tỉnh” là kết nối mạng giữa một TTT và TTM tương ứng, theo mô hình kết nối quy định tại Điều 4, mục 1.a của Quy chế này.
3. “Đơn vị kết nối” là đơn vị, tổ chức trong và ngoài ngành Tài chính kết nối vào HTTT để truyền, nhận dữ liệu, gồm các loại sau:
a) “Đơn vị cấp Trung ương”: Cơ quan Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Học viện Tài chính.
b) “Đơn vị cấp tỉnh”: Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là KBNN tỉnh), Cục thuế, Cục Hải quan, Dự trữ Nhà nước khu vực, Sở - Trung tâm giao dịch chứng khoán, Sở Tài chính.
c) “Đơn vị cấp huyện”: Kho bạc Nhà nước huyện, chi Cục thuế, chi Cục hải quan, các điểm làm thủ tục Hải quan và các đơn vị tương đương của hệ thống Hải quan, các kho và tổng kho Dự trữ Nhà nước, Phòng Kế hoạch - Tài chính kế hoạch, các đơn vị khác thuộc Bộ, ngành Tài chính có hệ thống mạng máy tính nội bộ hoặc trụ sở độc lập với các đơn vị trên.
d) “Đơn vị ngoài ngành Tài chính”: đơn vị ngoài ngành Tài chính kết nối vào HTTT để trao đổi thông tin với các đơn vị trong ngành Tài chính.
4. “Mạng riêng ảo” là phần thuộc hạ tầng truyền thông, được thiết lập bởi công nghệ MPLS/VPN, để tạo thành mạng kết nối dành riêng cho các đơn vị trong cùng một phân hệ.
5. “Vùng mạng máy chủ dùng chung” là vùng mạng thuộc mạng cục bộ (LAN) của một đơn vị, trong đó chứa các máy chủ ứng dụng hoặc cơ sở dữ liệu để cung cấp dịch vụ cho các đơn vị thuộc phân hệ khác hoặc cho toàn ngành Tài chính hoặc cho các đơn vị ngoài ngành Tài chính.
6. “Mức độ sẵn sàng” là tỉ lệ phần trăm thời gian hệ thống thực sự cung cấp khả năng sử dụng đường truyền cho các dịch vụ công nghệ thông tin trong một năm (24 giờ/ngày, tất cả các ngày trong năm). “Mức độ sẵn sàng tính trong giờ hành chính” là tỉ lệ phần trăm thời gian hệ thống thực sự cung cấp khả năng sử dụng đường truyền cho các dịch vụ công nghệ thông tin trong giờ hành chính trong một năm. “Mức độ sẵn sàng cam kết” là mức độ sẵn sàng tối thiểu hệ thống phải đảm bảo đáp ứng. Mức độ sẵn sàng không bị tính trừ trong trường hợp hệ thống bị ngừng hoạt động một số bộ phận (thiết bị, kênh truyền,...) nhưng vẫn cung cấp khả năng truyền nhận cho ứng dụng.
8. Phân biệt các hoạt động liên quan đến HTTT:
a) “Quản lý HTTT” là hoạt động xây dựng, triển khai, giám sát thực hiện các tiêu chuẩn liên quan tới HTTT bao gồm cả khía cạnh vận hành và sử dụng, nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu của HTTT; công tác lập hế hoạch, tổ chức triển khai, duy trì, phát triển, mở rộng HTTT.
b) “Vận hành HTTT” là các hoạt động trực tiếp trên các hệ thống, thiết bị, đường truyền của HTTT và các công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo HTTT hoạt động thông suốt, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng quy định. Vận hành HTTT gồm 2 cấp độ: Hoạt động mang tính kỹ thuật chuyên sâu của bộ phận công nghệ thông tin (quản trị HTTT) và các vận hành đơn giản của các cán bộ không chuyên về công nghệ thông tin trên các thiết bị đường truyền tại đơn vị kết nối vào HTTT.
c) “Sử dụng HTTT” là hoạt động triển khai, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông và các dịch vụ khác trên đường truyền HTTT, nhằm khai thác lợi ích của HTTT
9. Trang tin “Vận hành HTTT” là một chuyên mục của Trang điện tử Bộ Tài chính (http://www.btc), phục vụ công tác quản lý, vận hành HTTT.
Điều 3. Nguyên tắc chung đối với hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng HTTT
1. Hoạt động quản lý, vận hành, sử dụng HTTT phải đảm bảo duy trì, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng của HTTT quy định tại Chương II, Mục I của quy chế này.
2. Các đơn vị tổ chức bộ phận quản trị HTTT phù hợp với cách thức tổ chức công việc và năng lực nhân sự công nghệ thông tin của từng đơn vị, theo phân cấp trách nhiệm quy định tại Điều 9, 10, 11, 12 của Quy chế này. Địa chỉ liên hệ của các bộ phận quản trị HTTT phải được cung cấp đầy đủ, công khai tại trang tin “Vận hành HTTT”.
3. Khi gặp vấn đề về HTTT, các đơn vị liên hệ xử lý theo phạm vi trách nhiệm quy định tại Điều 9, 10, 11, 12 theo cách thức như sau:
- Đối với các vấn đề trực tiếp thuộc trách nhiệm của bộ phận quản trị HTTT, liên hệ bằng điện thoại hoặc thư điện tử tới địa chỉ liên hệ của bộ phận quản trị HTTT.
- Đối với các vấn đề không trực tiếp thuộc trách nhiệm của bộ phận quản trị HTTT, liên hệ xử lý bằng cách thức theo quy định chung của Nhà nước và Bộ Tài chính (giấy giới thiệu, công văn, hội nghị,...).
- Thực hiện quy trình phối hợp triển khai kênh truyền mới hoặc thay đổi kênh truyền kết nối vào TTM, TTT theo Phụ lục 1 của Quy chế này.
Chương II.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC I. TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT, CHẤT LƯỢNG CỦA HTTT
Điều 4. Quy định về tổ chức mạng HTTT
a) Mạng trục gồm 02 TTM và 63 TTT.
- Trung tâm miền gồm: TTM Bắc đặt tại cơ quan Bộ Tài chính tại thành phố Hà Nội. TTM Nam đặt tại đại diện cơ quan Bộ Tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Trung tâm tỉnh gồm: 61 TTT đặt tại KBNN tỉnh, TTT thành phố Hà Nội đặt tại TTM Bắc, TTT thành phố HCM đặt tại TTM Nam. TTT phía Bắc (32 tỉnh phía Bắc cho đến Đà Nẵng) kết nối vào TTM Bắc, TTT phía Nam (31 tỉnh phía Nam từ Quảng Nam trở vào) kết nối vào TTM Nam.
b) Đơn vị cấp Trung ương kết nối vào TTM.
c) Đơn vị cấp tỉnh kết nối vào TTT thuộc cùng địa bàn tỉnh, thành phố.
d) Đơn vị cấp huyện kết nối vào TTT tại tỉnh, thành phố tương ứng, kết nối hoặc không kết nối trực tiếp tới đơn vị cấp tỉnh theo ngành dọc mà đơn vị đó trực thuộc.
đ) Trung tâm dự phòng thảm họa kết nối vào các đơn vị cấp Trung ương (tại Hà Nội) để phục vụ sao lưu dữ liệu trực tuyến, hỗ trợ khôi phục hệ thống ứng dụng, dữ liệu của các đơn vị trong trường hợp xảy ra thảm họa.
e) Đơn vị ngoài ngành kết nối với Bộ Tài chính thông qua các TTM và các TTT.
2. Công nghệ mạng, mô hình kết nối logic:
a) Sử dụng công nghệ MPLS/VPN trên thiết bị định tuyến tại các TTM và các TTT.
b) Mạng riêng ảo gồm:
- Mạng riêng ảo phân hệ Kho bạc Nhà nước
- Mạng riêng ảo phân hệ Thuế
- Mạng riêng ảo phân hệ Hải quan
- Mạng riêng ảo phân hệ Dự trữ Nhà nước
- Mạng riêng ảo phân hệ Chứng khoán
- Mạng riêng ảo phân hệ Học viện Tài chính
- Mạng riêng ảo phân hệ Tài chính: kết nối cơ quan Bộ Tài chính, các đơn vị còn lại của Bộ Tài chính, các Sở Tài chính và Phòng Kế hoạch - Tài chính quận, huyện, thị xã.
c) Vùng mạng máy chủ dùng chung toàn ngành Tài chính đặt tại Cơ quan Bộ Tài chính (Hà Nội), phục vụ trao đổi dữ liệu, truy cập ứng dụng từ tất cả các đơn vị trong ngành Tài chính. Vùng mạng máy chủ dùng chung của một phân hệ đặt tại đơn vị cấp Trung ương của phân hệ tương ứng. Địa chỉ vùng mạng máy chủ dùng chung quy định tại Phụ lục 2. Trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị không cùng phân hệ phải thực hiện thông qua các vùng máy chủ dùng chung hoặc thông qua máy chủ đặt tại TTT.
Điều 5. Quy định về ứng dụng trên HTTT
1. HTTT đảm bảo phục vụ các giao thức truyền số liệu theo danh sách quy định tại Phụ lục 3. Đối với giao thức ngoài danh sách, Cục Tin học và Thống kê tài chính và đơn vị có yêu cầu triển khai, sử dụng ứng dụng cùng xem xét, đánh giá trước khi chấp nhận cho phép sử dụng trên HTTT.
2. Nguyên tắc đảm bảo băng thông trên các đường trục chính và các đường liên tỉnh:
a) Trong điều kiện bình thường, HTTT phải cung cấp đủ băng thông cho tất cả các ứng dụng được chấp nhận sử dụng trên HTTT, được đăng ký bởi đơn vị (mẫu đăng ký tại mục 1, Phụ lục 5) và có giao thức truyền số liệu theo quy định tại khoản 1, Điều 5 của Quy chế này.
b) Trường hợp có nhu cầu thiết lập hoặc thay đổi QoS cho ứng dụng, đơn vị chỉ rõ các thông số theo mẫu tương ứng tại Phụ lục 5 trong đăng ký hoặc yêu cầu gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính. Căn cứ đăng ký, yêu cầu của các đơn vị và quy tắc ưu tiên thiết lập QoS cho ứng dụng tại Phụ lục 4, Cục Tin học và Thống kê tài chính thực hiện thiết lập QoS cho ứng dụng trên hệ thống và thông báo các QoS đã thiết lập trên trang tin vận hành HTTT.
Điều 6. Quy định về mức độ sẵn sàng, chất lượng kênh truyền của hệ thống HTTT
1. TTM, TTT, hệ thống kết nối HTTT tại các đơn vị cấp Trung ương phải được duy trì hoạt động 24 giờ/ngày, tất cả các ngày trong năm.
2. Mức độ sẵn sàng của HTTT:
a) TTM, đường trục chính:
- Mức độ sẵn sàng cam kết: 99,45%, tương ứng với thời gian ngừng cung cấp dịch vụ tổng cộng không quá 48 giờ trong một năm.
- Mức độ sẵn sàng cam kết trong giờ hành chính: 99,8%, tương ứng với thời gian ngừng cung cấp dịch vụ trong giờ hành chính không quá 04 giờ trong một năm.
b) TTT, đường liên tỉnh: Mức độ sẵn sàng cam kết trong giờ hành chính: 99,6%, tương ứng với thời gian ngừng cung cấp dịch vụ trong giờ hành chính không quá 08 giờ trong một năm.
c) Mức độ sẵn sàng cam kết trong giờ hành chính kết nối HTTT của đơn vị cấp Trung ương, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán: 99,6%, tương ứng với thời gian ngừng cung cấp dịch vụ tính trong giờ hành chính không quá 08 giờ trong một năm.
d) Mức độ sẵn sàng cam kết trong giờ hành chính kết nối HTTT của đơn vị cấp tỉnh, huyện (ngoại trừ các đơn vị đã quy định mức độ sẵn sàng tại khoản d): 97,6%, tương ứng với thời gian ngừng cung cấp dịch vụ trong giờ hành chính không quá 48 giờ trong một năm.
3. Chất lượng kênh truyền: các kênh truyền khi kiểm tra phải đạt tối thiểu như sau:
a) Kênh MPLS/VPN 128Kbps: băng thông đạt 80% băng thông cam kết, độ trễ gói tin ≤ 250ms và số gói tin bị mất ≤ 0.3% đối với gói tin có kích thước 1472Kb.
b) Kênh MPLS/VPN tốc độ từ 256Kbps trở lên: băng thông đạt 90% băng thông cam kết, độ trễ gói tin ≤ 250ms và số gói tin bị mất ≤ 0.3% đối với gói tin có kích thước 1520Kb.
c) Kênh VSAT-IP: độ trễ gói tin ≤ 780ms và số gói tin bị mất ≤ 0.3% đối với gói tin có kích thước 1472Kb.
4. Việc kiểm tra chất lượng kênh truyền phải được thực hiện tối thiểu 1 tháng 1 lần cho 10% số kênh do mỗi đơn vị chịu trách nhiệm quản lý; và phải tổ chức thực hiện đối với bất cứ kênh truyền nào ngay sau khi nhận được phản ánh kênh truyền này không đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng.
Điều 7. Quy định về an toàn, bảo mật đối với HTTT
1. Tất cả các đơn vị kết nối vào HTTT:
a) Đảm bảo an toàn cho hệ thống, thiết bị HTTT đặt tại đơn vị về nguồn điện, nhiệt độ môi trường, chống sét, tuân thủ các quy trình vận hành hệ thống, thiết bị theo hướng dẫn của đơn vị triển khai, lắp đặt hoặc các quy định khác do Bộ Tài chính ban hành.
b) Bảo vệ mạng nội bộ của đơn vị tại điểm kết nối HTTT và điểm kết nối Internet bằng tường lửa hoặc các hệ thống tương tự.
c) Thiết lập hệ thống phòng diệt virus và cập nhật thường xuyên các bản vá lỗi cho máy tính nối mạng của đơn vị, đảm bảo không phát tán, lan truyền virus vào HTTT.
d) Mã hoá dữ liệu, thông tin bí mật trước khi gửi dữ liệu đó trên đường truyền HTTT.
2. Các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, vận hành TTM, TTT, các đơn vị cấp Trung ương:
a) Trang bị lưu điện, máy nổ, điều hoà, chống sét, thiết bị phòng cháy chữa cháy đảm bảo điều kiện hoạt động của hệ thống HTTT tại đơn vị.
b) Thiết lập hệ thống tường lửa bảo vệ vùng mạng máy chủ dùng chung tại đơn vị.
3. Các đơn vị cấp tỉnh, huyện phải trang bị lưu điện, điều hòa, lắp đặt chống sét cho thiết bị truyền thông.
4. Cán bộ quản trị HTTT:
a) Phải tuân thủ các nguyên tắc chung của nhà nước và của Bộ Tài chính về an toàn bảo mật thông tin; không được phép cung cấp thiết kế, cấu hình hệ thống, dữ liệu truyền trên HTTT ra bên ngoài khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.
b) Phải sử dụng các giao thức bảo mật cho hoạt động quản trị từ xa.
Điều 8. Quy định về trình độ chuyên môn của cán bộ quản trị HTTT
Cán bộ được giao nhiệm vụ quản trị HTTT phải được đào tạo hoặc có trình độ về quản trị mạng ở cấp độ như sau:
1. Cán bộ quản trị HTTT tại TTM, các đơn vị cấp Trung ương: tương đương chứng chỉ CCNP (Cisco Certified Network Professional) trở lên.
2. Cán bộ quản trị HTTT tại TTT, các đơn vị cấp tỉnh, Sở Tài chính: tương đương chứng chỉ CCNA (Cisco Certified Network Accosiate) trở lên.
MỤC II. QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, SỬ DỤNG HTTT
Điều 9. Trách nhiệm của Cục Tin học và Thống kê tài chính
1. Quản lý chung toàn bộ hoạt động vận hành HTTT:
a) Hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác vận hành, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, an toàn bảo mật của HTTT (chương II, mục I của Quy chế này).
b) Tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo Bộ về công tác vận hành và khai thác sử dụng HTTT; mức độ đáp ứng, nhu cầu phát triển, mở rộng của HTTT.
c) Thống nhất cách thức xử lý và trình Bộ giải quyết các vướng mắc giữa bên cung cấp dịch vụ đường truyền và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đối với các trường hợp ngoài phạm vi hợp đồng đã ký giữa các bên.
d) Tổ chức và phối hợp tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản trị HTTT.
đ) Quản trị trang tin vận hành HTTT.
a) Quản trị TTM Bắc:
- Quản lý cấu hình hệ thống mạng trục: cấu hình lại hệ thống khi có yêu cầu thay đổi (thay đổi về thiết kế, kết nối, mức dịch vụ); sao lưu, bảo vệ thông tin cấu hình sẵn sàng phục vụ khôi phục hệ thống khi có sự cố.
- Quản lý băng thông mạng trục: thiết lập QoS cho ứng dụng; giám sát sử dụng băng thông; phân tích, dự báo khả năng đáp ứng nhu cầu của các đơn vị về băng thông mạng trục.
- Giám sát hoạt động của hệ thống và xử lý sự cố tại TTM Bắc và TTT thành phố Hà Nội, đường trục chính, các đường liên tỉnh và nội hạt vào TTM Bắc và TTT thành phố Hà Nội.
- Giám sát, báo cáo mức độ sẵn sàng; phối hợp với quản trị TTM Nam, quản trị TTT thực hiện và báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng kênh truyền của mạng trục, các kết nối vào TTM và TTT theo các chỉ tiêu quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
- Hỗ trợ các đơn vị phía Bắc xử lý sự cố HTTT.
- Liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ kênh truyền, thiết bị, quản trị TTT và các bên liên quan để xử lý sự cố gây gián đoạn hoạt động của hệ thống.
- Ghi nhật ký toàn bộ vấn đề phát sinh, thay đổi, sự cố và hoạt động xử lý trong quá trình vận hành hệ thống tại trang tin vận hành HTTT.
b) Quản trị TTM Nam:
- Giám sát hoạt động của hệ thống và xử lý sự cố tại TTM Nam và TTT thành phố Hồ Chí Minh, các đường liên tỉnh và nội hạt vào TTM Nam và TTT thành phố Hồ Chí Minh.
- Hỗ trợ các đơn vị phía Nam xử lý sự cố HTTT.
- Liên lạc với nhà cung cấp dịch vụ kênh truyền, thiết bị và các bên liên quan để xử lý sự cố gây gián đoạn hoạt động của hệ thống.
- Ghi nhật ký toàn bộ vấn đề phát sinh, thay đổi, sự cố và hoạt động xử lý trong quá trình vận hành hệ thống tại trang tin vận hành HTTT.
Điều 10. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước
1. Quản lý, duy trì, đảm bảo điều kiện hoạt động của thiết bị, đường truyền HTTT tại TTT.
2. Tổ chức bộ phận quản trị HTTT tại TTT (quản trị TTT) tại KBNN tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Giám sát hoạt động của thiết bị, đường truyền HTTT tại TTT.
- Thông báo tới quản trị TTM Bắc (đối với TTT thuộc 32 tỉnh phía Bắc) hoặc TTM Nam (đối với TTT thuộc 31 tỉnh phía Nam) và phối hợp với quản trị TTM, các đơn vị liên quan xử lý sự cố thiết bị, kênh truyền tại TTT.
- Quản trị hệ thống quay số tại TTT: cấp phát tài khoản truy cập mạng cho các đơn vị sử dụng kết nối quay số; đảm bảo hoạt động của hệ thống.
- Phối hợp thực hiện đấu nối kênh truyền mới vào TTT.
- Phối hợp thực hiện kiểm tra chất lượng kênh truyền kết nối vào TTT.
Điều 11. Trách nhiệm của các đơn vị có hệ thống dọc thuộc Bộ
1. Đơn vị cấp Trung ương (cấp Tổng cục) có các trách nhiệm sau:
a) Triển khai, duy trì các chính sách về HTTT do Bộ Tài chính ban hành
b) Tổ chức bộ phận quản trị HTTT thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Vận hành hệ thống kết nối vào HTTT đặt tại đơn vị, các đường truyền mà đơn vị được giao triển khai.
- Phối hợp với nhà cung cấp đường truyền và Cục Tin học và Thống kê tài chính khắc phục, xử lý lỗi kết nối HTTT trong các đơn vị thuộc phân hệ của mình
- Giám sát và báo cáo mức độ sẵn sàng; thực hiện và báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng kênh truyền của kết nối HTTT các đơn vị cấp tỉnh, huyện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị theo các chỉ tiêu quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
c) Thông báo các thay đổi về nhân sự quản trị HTTT tại các đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh và địa chỉ liên lạc kèm theo cho Cục Tin học và Thống kê tài chính và các đơn vị liên quan thuộc cùng phân hệ.
d) Thông báo kế hoạch di chuyển trụ sở, thay đổi đường truyền, lắp đặt đường truyền mới (nếu có) cho Cục Tin học và Thống kê tài chính và cho đơn vị liên quan thuộc cùng phân hệ để phối hợp thực hiện.
đ) Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm để đánh giá mức độ đáp ứng của HTTT (đánh giá chung, các vấn đề phát sinh, kiến nghị) và các báo cáo HTTT khác khi có yêu cầu, gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính tổng hợp, báo cáo Bộ.
e) Đăng ký ứng dụng sử dụng HTTT gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính theo mẫu tại mục 1, Phụ lục 5, trước khi triển khai ứng dụng mới.
g) Kiến nghị kịp thời các vấn đề của HTTT gây ảnh hưởng tới hoạt động của các ứng dụng của đơn vị, gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính để phối hợp xử lý hoặc trình Bộ xử lý.
h) Phối hợp với Cục Tin học và Thống kê tài chính hoặc chủ động đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản trị HTTT.
2. Các đơn vị thành viên có trách nhiệm:
a) Quản lý, bảo vệ thiết bị HTTT đặt tại đơn vị.
b) Thực hiện các quy định, hướng dẫn về HTTT do Bộ Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài chính, và đơn vị cấp trên ban hành.
c) Thông báo kế hoạch di chuyển trụ sở, thay đổi đường truyền, lắp đặt đường truyền mới (nếu có) cho Cục Tin học và Thống kê tài chính và đơn vị cấp trên thuộc cùng phần hệ để phối hợp thực hiện.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài chính và Phòng Kế hoạch - Tài chính quận, huyện, thị xã
1. Sở Tài chính:
a) Triển khai hoặc hướng dẫn triển khai cho các Phòng Kế hoạch - Tài chính các biện pháp về an toàn, bảo mật quy định tại Điều 7, các quy định do Bộ Tài chính ban hành hoặc hướng dẫn của Cục Tin học và Thống kê tài chính liên quan tới HTTT.
b) Quản lý và bảo vệ thiết bị HTTT do Bộ Tài chính đầu tư lắp đặt tại đơn vị.
c) Tổ chức bộ phận hoặc phân công cán bộ vận hành thiết bị HTTT đặt tại đơn vị theo hướng dẫn của Cục Tin học và Thống kê tài chính.
d) Hướng dẫn, hỗ trợ các Phòng Kế hoạch - Tài chính quận, huyện, thị xã vận hành thiết bị HTTT đặt tại đơn vị trong quá trình sử dụng HTTT
2. Phòng Kế hoạch - Tài chính:
a) Bảo vệ thiết bị, đường truyền HTTT tại đơn vị.
b) Thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Sở Tài chính liên quan đến HTTT.
Điều 13. Trách nhiệm của các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ có trụ sở nằm ngoài trụ sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị, tổ chức không thuộc Bộ Tài chính có tham gia sử dụng HTTT:
1. Đảm bảo quy định về an toàn, bảo mật quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
2. Thực hiện quy trình kết nối vào HTTT theo hướng dẫn của Cục Tin học và Thống kê tài chính.
Điều 14. Quy định về trang tin vận hành HTTT
1. Trang tin vận hành HTTT phải cung cấp khả năng truy cập, cập nhật thông tin cho cán bộ quản trị HTTT tại TTM, TTT, các đơn vị cấp Trung ương và cấp tỉnh. Các nội dung thông tin trên trang tin này phải được phân quyền phù hợp với trách nhiệm của từng đơn vị tham gia quản lý, vận hành và khai thác, sử dụng HTTT.
2. Trang tin vận hành HTTT phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
a) Địa chỉ liên hệ của quản trị HTTT các TTM, TTT, các đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh, các đối tác cung cấp thiết bị, dịch vụ đường truyền.
b) Kết quả kiểm tra HTTT đầu giờ hàng ngày. Toàn bộ các sự cố HTTT từ khi phát sinh, tiến trình và kết quả xử lý. Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng, báo cáo kiểm tra chất lượng kênh truyền theo mẫu tại Phụ lục 6.
c) Kế hoạch di chuyển trụ sở, đường truyền. Báo cáo, các thông tin khác về HTTT.
d) Mục đăng ký ứng dụng, dịch vụ mới; mục gửi yêu cầu thiết lập đảm bảo băng thông cho ứng dụng, dịch vụ.
đ) Danh sách các ứng dụng đang hoạt động trên HTTT, thiết lập đảm bảo băng thông tối thiểu tương ứng.
e) Ý kiến đánh giá, góp ý của các đơn vị đối với HTTT.
g) Các quy trình, thủ tục, mẫu biểu quản lý, vận hành HTTT.
Chương III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Cục Tin học và Thống kê tài chính có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tài chính triển khai thực hiện quy chế này.
b) Hướng dẫn các đơn vị cách sử dụng trang tin vận hành HTTT.
c) Theo dõi, định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo Bộ tình hình khai thác, sử dụng HTTT.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, phổ biến Quy chế này tới đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
b) Lập danh sách ứng dụng, dịch vụ của đơn vị đang sử dụng HTTT hoặc có kế hoạch triển khai sử dụng HTTT theo mẫu tại Phụ lục 6 gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính.
c) Lập danh sách cán bộ quản trị HTTT tại các đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh và địa chỉ liên lạc kèm theo gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính.
Điều 16. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu phát sinh các vấn đề vướng mắc cần phản ánh về Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung khi cần thiết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
DANH SÁCH TRUNG TÂM TỈNH CỦA HTTT THỐNG NHẤT NGÀNH TÀI CHÍNH
(Kèm theo Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính )
MIỀN BẮC |
| MIỀN NAM | ||||
TT | TTT | ĐỊA ĐIỂM |
| TT | TTT | ĐỊA ĐIỂM |
1 | Hà Nội | Bộ Tài chính |
| 1 | TP. Hồ Chí Minh | Văn phòng đại diện Bộ Tài chính tại TP HCM |
2 | Hải Phòng | KBNN Hải Phòng |
| 2 | Long An | KBNN Long An |
3 | Đà Nẵng | KBNN Đà Nẵng |
| 3 | Tiền Giang | KBNN Tiền Giang |
4 | Nam Định | KBNN Nam Định |
| 4 | Bến Tre | KBNN Bến Tre |
5 | Hà Nam | KBNN Hà Nam |
| 5 | Đồng tháp | KBNN Đồng tháp |
6 | Hải Dương | KBNN Hải Dương |
| 6 | Vĩnh Long | KBNN Vĩnh Long |
7 | Hưng Yên | KBNN Hưng Yên |
| 7 | An Giang | KBNN An Giang |
8 | Thái Bình | KBNN Thái Bình |
| 8 | Kiên Giang | KBNN Kiên Giang |
9 | Bắc Ninh | KBNN Bắc Ninh |
| 9 | Cần Thơ | KBNN Cần Thơ |
10 | Bắc Giang | KBNN Bắc Giang |
| 10 | Bạc Liêu | KBNN Bạc Liêu |
11 | Vĩnh Phúc | KBNN Vĩnh Phúc |
| 11 | Cà Mau | KBNN Cà Mau |
12 | Phú Thọ | KBNN Phú Thọ |
| 12 | Trà Vinh | KBNN Trà Vinh |
13 | Ninh Bình | KBNN Ninh Bình |
| 13 | Sóc Trăng | KBNN Sóc Trăng |
14 | Thanh Hóa | KBNN Thanh Hóa |
| 14 | Bình Thuận | KBNN Bình Thuận |
15 | Nghệ An | KBNN Nghệ An |
| 15 | Bà Rịa - Vũng Tàu | KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu |
16 | Hà Tĩnh | KBNN Hà Tĩnh |
| 16 | Đồng Nai | KBNN Đồng Nai |
17 | Quảng Bình | KBNN Quảng Bình |
| 17 | Bình Dương | KBNN Bình Dương |
18 | Quảng Trị | KBNN Quảng Trị |
| 18 | Bình Phước | KBNN Bình Phước |
19 | TT - Huế | KBNN TT - Huế |
| 19 | Tây Ninh | KBNN Tây Ninh |
20 | Thái Nguyên | KBNN Thái Nguyên |
| 20 | Quảng Nam | KBNN Quảng Nam |
21 | Bắc Cạn | KBNN Bắc Cạn |
| 21 | Bình Định | KBNN Bình Định |
22 | Cao Bằng | KBNN Cao Bằng |
| 22 | Khánh Hoà | KBNN Khánh Hoà |
23 | Lạng Sơn | KBNN Lạng Sơn |
| 23 | Quảng Ngãi | KBNN Quảng Ngãi |
24 | Tuyên Quang | KBNN Tuyên Quang |
| 24 | Phú Yên | KBNN Phú Yên |
25 | Hà Giang | KBNN Hà Giang |
| 25 | Ninh Thuận | KBNN Ninh Thuận |
26 | Yên Bái | KBNN Yên Bái |
| 26 | Lâm Đồng | KBNN Lâm Đồng |
27 | Lào Cai | KBNN Lào Cai |
| 27 | Gia Lai | KBNN Gia Lai |
28 | Hoà Bình | KBNN Hoà Bình |
| 28 | Đắk Lắk | KBNN Đắk Lắk |
29 | Sơn la | KBNN Sơn la |
| 29 | Kon Tum | KBNN Kon Tum |
30 | Điện Biên | KBNN Điện Biên |
| 30 | Hậu Giang | KBNN Hậu Giang |
31 | Quảng Ninh | KBNN Quảng Ninh |
| 31 | Đắk Nông | KBNN Đắk Nông |
32 | Lai Châu | KBNN Lai Châu |
|
|
|
|
KBNN: viết tắt của “Kho bạc Nhà nước”
ĐỊA CHỈ VÙNG MẠNG MÁY CHỦ DÙNG CHUNG
(Kèm theo Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính )
1. Vùng mạng dùng chung toàn ngành: 10.192.254.0/24
2. Vùng mạng dùng chung Kho bạc Nhà nước: 10.96.2.0/24
3. Vùng mạng dùng chung Tổng cục Thuế: 10.64.9.0/24
4. Vùng mạng dùng chung Tổng cục Hải quan: 10.224.176.0/24
5. Vùng mạng dùng chung Tổng cục Dự trữ Nhà nước: 10.160.10.0/24
6. Vùng mạng dùng chung Ủy ban chứng khoán: 10.176.2.0/24
CÁC GIAO THỨC TRUYỀN SỐ LIỆU ĐƯỢC ĐẢM BẢO PHỤC VỤ TRÊN HTTT
(Kèm theo Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính )
TT | Phân nhóm giao thức | Giao thức truyền số liệu | Giao thức bảo mật |
1 | Đồng bộ thông tin Domain, Active Directory | Kerberos DNS service Ldap Ntp Netbios service Epmap |
|
2 | Cập nhật patch, hotfix, anti-virus | Tùy thuộc từng sản phẩm cụ thể |
|
3 | Đồng bộ Cơ sở dữ liệu | Oracle Database link SQL DBCA |
|
4 | Truyền dữ liệu theo cơ chế hàng đợi | Message Queue |
|
5 | Truyền tệp | FTP | FTPS, SCP (SSH) |
6 | Truy cập ứng dụng dạng Web, trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử | http | https |
7 | Truy cập, gửi thư điện tử | POP3, IMAP4, SMTP, Exchange | SMTPs PGP, S/MIME |
8 | Truyền tín hiệu thoại trên mạng IP | SIP H323 |
|
9 | Giao ban, hội nghị truyền hình | SIP H323 |
|
10 | Quản trị thiết bị HTTT từ xa | Telnet Snmp Tacacs+/Radius | SSH |
11 | Quản trị, hỗ trợ ứng dụng từ xa | Remote desktop (RPC) Remote admin |
|
12 | Dịch vụ khác | Icmp |
|
13 | Mã hóa truy cập trên kênh truyền | IPSec |
|
CÁC MỨC ƯU TIÊN ĐẢM BẢO QoS CHO ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ TRÊN MẠNG TRỤC
(Kèm theo Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính )
Mức ưu tiên | Tính chất | Ghi chú |
Mức 1 | Ứng dụng quan trọng, thiết yếu đối với hoạt động nghiệp vụ của ngành, trong trường hợp bị ngừng sẽ làm gián đoạn công việc của nhiều đơn vị | - Ứng dụng tác nghiệp xử lý tập trung hoàn toàn tại Trung ương (TABMIS,...). |
Mức 2 | Ứng dụng yêu cầu xử lý thời gian thực | - Truyền tín hiệu thoại - Truyền tín hiệu hội nghị truyền hình |
Mức 3 | Ứng dụng quan trọng liên quan đến đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống | Quản trị thiết bị HTTT từ xa |
CÁC MẪU ĐĂNG KÝ, YÊU CẦU
(Kèm theo Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính )
1. Mẫu đăng ký ứng dụng sử dụng HTTT
Áp dụng:
- Đăng ký ban đầu khi bắt đầu triển khai thực hiện quy chế này.
- Đăng ký khi có kế hoạch triển khai ứng dụng mới trên HTTT.
Mẫu:
Đơn vị: .............................................
Ngày: ...............................................
ĐĂNG KÝ ỨNG DỤNG SỬ DỤNG HTTT
TT | Tên ứng dụng, dịch vụ (mã ứng dụng) | Giao thức/cổng dịch vụ tương ứng | Phạm vi sử dụng | Mức ưu tiên | Thông số phục vụ QoS | Ghi chú | ||
Địa chỉ đích | Địa chỉ nguồn | Yêu cầu băng thông tối thiểu trên đường liên tỉnh | ||||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Xác nhận của đơn vị |
Ghi chú:
(2) Tên ứng dụng sử dụng HTTT kèm mã hoặc tên viết tắt ứng dụng.
(3) Giao thức, cổng dịch vụ sử dụng trong ứng dụng.
(4) Ghi cấp sử dụng: Trung ương - Tỉnh - Huyện, hoặc danh sách các điểm sử dụng trong trường hợp ứng dụng chỉ sử dụng tại một số đơn vị.
(5), (6), (7), (8): khai báo trong trường hợp có nhu cầu thiết lập tham số chất lượng dịch vụ (QoS - đảm bảo băng thông tối thiểu) cho ứng dụng. Trong đó:
(5) Chỉ định mức ưu tiên (từ 1-3), dựa theo quy tắc tại Phụ lục 4 và nhu cầu thực tế của đơn vị.
(6) Địa chỉ IP máy chủ ứng dụng, dịch vụ.
(7) Địa chỉ IP vùng mạng hoặc tên địa bàn truy cập ứng dụng, dịch vụ.
(8) Băng thông tối thiểu (Kbps hoặc Mbps) phải được đảm bảo cho ứng dụng khi truyền trên đường liên tỉnh. Nêu rõ tên địa bàn và băng thông tối thiểu tương ứng, trong trường hợp có yêu cầu khác nhau đối với các địa bàn khác nhau.
(9) Các lưu ý khác nếu có.
2. Mẫu yêu cầu thiết lập, điều chỉnh tham số chất lượng dịch vụ
Áp dụng: Khi có nhu cầu thiết lập mới hoặc điều chỉnh mức băng thông tối thiểu phải đảm bảo cho ứng dụng.
Mẫu:
Đơn vị: .............................................
Ngày: ...............................................
YÊU CẦU THIẾT LẬP, CHỈNH THAM SỐ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ HTTT (QoS) CHO ỨNG DỤNG, DỊCH VỤ
Kính gửi: Cục Tin học và Thống kê tài chính
Đề nghị thiết lập/ chỉnh tham số chất lượng dịch vụ HTTT cho các ứng dụng sau:
Tên ứng dụng, dịch vụ (mã ứng dụng) | Giao thức/cổng dịch vụ tương ứng | Mức ưu tiên | Địa chỉ đích | Địa chỉ nguồn | Yêu cầu băng thông tối thiểu trên đường liên tỉnh | Thời gian đảm bảo băng thông (từ ngày - đến ngày) | Ghi chú |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Xác nhận của đơn vị |
Ghi chú:
(1) Mỗi ứng dụng, dịch vụ được ghi trên một hàng, mã hoặc tên viết tắt của ứng dụng kèm theo.
(2) Tên các giao thức (protocol) và các cổng dịch vụ (port) tương ứng với ứng dụng, dịch vụ
(3) Chỉ định mức ưu tiên (từ 1-3) cho ứng dụng, dựa theo quy tắc tại Phụ lục 4 và nhu cầu thực tế của đơn vị.
(4) Địa chỉ IP máy chủ ứng dụng, dịch vụ.
(5) Địa chỉ IP vùng mạng hoặc tên địa bàn truy cập ứng dụng, dịch vụ.
(6) Băng thông tối thiểu (Kbps hoặc Mbps) phải được đảm bảo cho ứng dụng khi truyền trên mỗi đường liên tỉnh. Nêu rõ tên địa bàn và băng thông tối thiểu tương ứng, trong trường hợp có yêu cầu khác nhau đối với các địa bàn khác nhau.
(7) Chỉ ra khoảng thời gian cần đặt QoS cho các ứng dụng, dịch vụ có lưu lượng sử dụng cao, cần đảm bảo băng thông trong một khoảng thời gian nhất định, và hoạt động bình thường trong thời gian còn lại.
(8) Các lưu ý khác nếu có.
MẪU BÁO CÁO QUẢN TRỊ HTTT
(Kèm theo Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính )
1. Báo cáo mức độ sẵn sàng của HTTT
Đơn vị thực hiện báo cáo: ..................
TT | Tên hệ thống, kênh truyền | Kỳ báo cáo | Mức độ sẵn sàng toàn thời (24/7)(%) | Mức độ sẵn sàng trong giờ hành chính (%) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Kỳ báo cáo: 6 tháng, 1 năm của năm ....
2. Báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng kênh truyền
Đơn vị thực hiện kiểm tra: .....................
TT | Tên kênh truyền | Thời gian thực hiện kiếm tra | Kết quả kiểm tra | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(Kèm theo hình ảnh màn hình máy tính hiển thị kết quả kiểm tra)
QUY TRÌNH PHỐI HỢP TRIỂN KHAI KÊNH TRUYỀN MỚI, THAY ĐỔI KÊNH TRUYỀN
(Kèm theo Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính )
- Đơn vị có nhu cầu triển khai kênh truyền mới hoặc thay đổi kênh truyền, kết nối tới TTM hoặc TTT, gửi công văn tới Cục Tin học và Thống kê tài chính thông báo địa điểm, băng thông, thời gian triển khai kênh truyền, địa chỉ liên hệ phối hợp xử lý. Công văn này phải gửi trước thời điểm triển khai ít nhất 01 tháng.
- Trường hợp kênh truyền kết nối vào TTT, công văn trên phải được gửi đồng thời cho Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố tương ứng.
- Bộ phận quản trị HTTT tại TTM thực hiện cấu hình hệ thống (định tuyến) và hướng dẫn bộ phận quản trị TTT cách thức đấu nối (nếu cần), đồng thời xác nhận kết quả cho đơn vị theo địa chỉ nêu trong công văn thông báo nêu trên và ghi nhận kết quả trên Trang tin Vận hành HTTT.
- 1Quyết định 139/2001/QĐ-BTC về Quy chế thu và sử dụng phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng khu chế xuất Tân Thuận do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 43/2008/QĐ-BTC về Quy chế thu và sử dụng phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 2650/QĐ-BTC năm 2004 Quy định tạm thời quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 1850/QĐ-BTC năm 2021 về Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Quyết định 2650/QĐ-BTC năm 2004 Quy định tạm thời quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 2619/QĐ-BTC năm 2015 sửa đổi Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính kèm theo Quyết định 109/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 1850/QĐ-BTC năm 2021 về Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 1Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
- 2Quyết định 139/2001/QĐ-BTC về Quy chế thu và sử dụng phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng khu chế xuất Tân Thuận do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3Quyết định 43/2008/QĐ-BTC về Quy chế thu và sử dụng phí duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Nghị định 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
Quyết định 109/QĐ-BTC năm 2009 về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 109/QĐ-BTC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/01/2009
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký:
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/01/2009
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực