Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 102/2004/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 21 tháng 6 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CHỦ RỪNG, KIỂM LÂM, BAN LÂM NGHIỆP CẤP XÃ KHÔNG KỊP THỜI KIỂM TRA, PHÁT HIỆN, NGĂN CHẶN HÀNH VI PHÁ RỪNG, PHÁT ĐỐT RỪNG LÀM RẪY TRÁI PHÉP XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12/8/1991;

- Căn cứ Bộ luật lao động ngày 23/6/1994 ;

- Căn cứ Pháp lệnh cán bộ công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003 .

- Xét đề nghị của Chi cục Kiểm lâm tại văn bản số 113/KL-PC ngày 06/4/2004.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy định xử lý trách nhiệm đối với Chủ rừng, Kiểm lâm, Ban lâm nghiệp cấp xã không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép xảy ra trên địa bàn.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây của UBND tỉnh Lâm Đồng về xử lý trách nhiệm chủ rừng để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép quy định tại điểm 3 Chỉ thị số 50/1998/CT-UB ngày 11/11/1998, trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban , ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, Thủ trưởng các đơn vị quản lý rừng, Hạt trưởng các hạt Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY ĐỊNH

XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CHỦ RỪNG, KIỂM LÂM, BAN LÂM NGHIỆP CẤP XÃ KHÔNG KỊP THỜI KIỂM TRA, PHÁT HIỆN, NGĂN CHẶN HÀNH VI PHÁ RỪNG, PHÁT ĐỐT RỪNG LÀM RẪY TRÁI PHÉP XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 102/2004/QĐ-UB ngày 21 tháng 6 năm 2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định xử lý trách nhiệm đối với Chủ rừng, Kiểm lâm, Ban lâm nghiệp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ban lâm nghiệp cấp xã) không kịp thời kiểm tra phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép xảy ra trên địa bàn .

2. Đối tượng áp dụng: Gồm những người có chức trách quản lý bảo vệ rừng:

a) Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng ban, Phó trưởng ban, Phân trường trưởng, Cụm trưởng cụm tiểu khu, Cán bộ phụ trách tiểu khu rừng thuộc các đơn vị quản lý rừng được Nhà nước giao rừng để quản lý bảo vệ, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học trong phạm vi toàn tỉnh;

b) Hạt trưởng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, kiểm lâm phụ trách địa bàn;

c) Trưởng, phó ban chuyên trách Ban lâm nghiệp cấp xã.

Điều 2: Đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng quy định này:

1. Tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng, thuê rừng, khoán rừng ngoài các đối tượng nêu tại khoản 2, điều 1 trên đây.

2. Quy định này chỉ áp dụng đối với những người nêu ở khoản 2 điều 1 trên đây trong trường hợp để rừng trên địa bàn quản lý bị phá, bị phát đốt làm rẫy trái phép nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Trường hợp những người nêu ở khoản 2, điều 1 trên đây, vi phạm các quy định về quản lý rừng ở mức xử lý hình sự thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để điều tra, xét xử theo qui định.

Điều 3: Nguyên tắc xử lý trách nhiệm:

1. Mỗi người chỉ bị áp dụng 1 hình thức xử lý trách nhiệm quy định tại điều 7 khi để xảy ra vi phạm phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy đến mức độ thiệt hại như quy định tại điều 6;

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và căn cứ vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định tại điều 4, 5 quy định này để quyết định hình thức xử lý thích hợp . Nếu có tình tiết tăng nặng thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật cao hơn 1 bậc; Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật thấp hơn 1 bậc .

3. Miễn trừ xử lý trách nhiệm những trường hợp sau đây:

a) Rừng bị phá, bị phát đốt làm rẫy trái phép khi người có trách nhiệm đang trong thời gian nghỉ việc được Thủ trưởng cơ quan đơn vị cho phép .

b) Đồng bào dân tộc tại chỗ, di dân tự do tổ chức phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy với số đông, người có trách nhiệm đã phát hiện kịp thời và vận động, ngăn chặn nhưng họ cố ý chống đối, dùng số đông để áp đảo và tiếp tục thực hiện hành vi phá rừng, phát đốt rừng .

c) Người có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản người vi phạm phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép và báo cáo với cấp trên trực tiếp để tổ chức ngăn chặn, xử lý vi phạm nhưng người lãnh đạo trực tiếp đã chậm trễ hoặc làm ngơ để mặc cho vi phạm tiếp diễn.

Điều 4: Tình tiết giảm nhẹ

1. Người có trách nhiệm phát hiện chậm vi phạm nhưng đã cố gắng thực hiện các biện pháp ngăn chặn, hạn chế hậu quả vi phạm.

2. Việc phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy do đồng bào dân tộc tại chỗ hoặc dân di cư tự do thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông, thông tin, phát hiện có nhiều khó khăn

3. Vi phạm có tổ chức thực hiện trong thời gian ngắn, người có trách nhiệm không thể kịp thời kiểm tra ngăn chặn .

Điều 5: Tình tiết tăng nặng

1. Người đã bị xử lý trách nhiệm tái phạm;

2. Diện tích rừng bị phá, phát đốt làm rẫy ở gần trụ sở làm việc, trên đường đi lại hàng ngày mà không kịp thời phát hiện ngăn chặn ;

3. Báo cáo sai sự thật, báo cáo giảm diện tích rừng bị phá, phát đốt làm rẫy trái phép dưới mức quy định nhằm tránh bị xử lý trách nhiệm .

4. Không chấp hành chỉ đạo của cấp trên trong việc thực hiện các biện pháp kiểm tra ngăn chặn phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy .

Chương III

QUY ĐỊNH MỨC ĐỘ THIỆT HẠI VỀ RỪNG, THẨM QUYỀN, THỦ TỤC, HÌNH THỨC XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM .

Điều 6: Quy định diện tích rừng bị phá, phát đốt làm rẫy trái phép ở địa bàn, tiểu khu được giao, phân công quản lý bảo vệ để xét xử lý trách nhiệm cụ thể như sau:

1. Đối với phân trường trưởng, cụm trưởng cụm tiểu khu, cán bộ phụ trách tiểu khu rừng:

a) Rừng sản xuất từ 0,5ha trở lên / 1 vụ vi phạm ;

b) Rừng phòng hộ từ 0,3ha trở lên/ 1 vụ vi phạm ;

c) Rừng đặc dụng từ 0,2 ha trở lên/ 1 vụ vi phạm;

2. Đối với trưởng, phó ban lâm nghiệp xã; kiểm lâm phụ trách địa bàn:

a) Rừng sản xuất từ 1,5 ha trở lên / 1 vụ vi phạm ;

b) Rừng phòng hộ từ 0,9 ha trở lên / 1 vụ vi phạm;

c) Rừng đặc dụng từ 0,6 ha trở lên / 1 vụ vi phạm;

3. Đối với Giám đốc, phó Giám đốc, trưởng ban, phó trưởng ban các đơn vị quản lý rừng; Hạt trưởng, phó hạt trưởng kiểm lâm:

Mức xử lý trách nhiệm căn cứ vào ý thức trách nhiệm, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý bảo vệ rừng trên lâm phận, địa bàn được giao quản lý bảo vệ; không căn cứ vào mức thiệt hại diện tích rừng quy định tại khoản 1, 2 quy định tại điều này. Cụ thể như sau:

1. Không xây dựng kế họach phòng chống phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy trên địa bàn được giao, phân công quản lý bảo vệ ;

2. Không phân công, kiểm tra cán bộ phụ trách tiểu khu rừng, kiểm lâm địa bàn thực hiện công tác phòng chống phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy;

3. Không kịp thời tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, ngăn chặn khi tiếp nhận báo cáo của ban lâm nghiệp xã, cán bộ phụ trách tiểu khu, kiểm lâm phụ trách địa bàn về tình hình phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy;

4. Bao che, không xử lý cán bộ thuộc thẩm quyền vi phạm quy định xử lý trách nhiệm. Để xảy ra những vi phạm bị xử lý trách nhiệm đối với cán bộ công chức, người lao động thuộc cơ quan đơn vị mình thường xuyên hoặc nghiêm trọng.

Điều 7:

Các đối tượng quy định tại khoản 2 điều 1 do thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy bị xét xử lý bằng các hình thức sau:

1. Đối với cán bộ công chức, công nhân viên chức:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Hạ ngạch, hạ cấp bậc kỹ thuật;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc;

2. Đối với lao động hợp đồng:

a) Khiển trách;

b) Chuyển đi làm việc khác;

c) Chấm dứt hợp đồng làm việc;

Việc áp dụng hình thức xử lý quy định tại khoản 1, 2 điều này đối với người vi phạm bị xử lý trách nhiệm, do Hội đồng kỷ luật của cơ quan, đơn vị đó hoặc hội đồng kỷ luật của cơ quan cấp trên trực tiếp xét và đề nghị người có thẩm quyền quyết định .

Điều 8: Thẩm quyền và thủ tục xét xử lý trách nhiệm

1. Đối với hạt trưởng, phó hạt trưởng, kiểm lâm phụ trách địa bàn; Giám đốc, phó Giám đốc, trưởng ban, phó ban, phân trường trưởng, cụm trưởng cụm tiểu khu, cán bộ phụ trách tiểu khu rừng thuộc các đơn vị quản lý rừng.

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức.

Riêng đối với Thủ trưởng các đơn vị quản lý rừng trực thuộc trung ương nếu vi phạm bị xử lý trách nhiệm theo quy định thì UBND tỉnh có văn bản đề nghị cơ quan quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và phân cấp .

2. Đối với người lao động hợp đồng thuộc các đơn vị quản lý rừng:

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 41-CP ngày 06/7/1995, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất .

3. Đối với trưởng ban, phó ban chuyên trách, phó ban kiêm nhiệm lâm nghiệp cấp xã:

Thực hiện theo điều 19 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về cán bộ công chức xã, phường, thị trấn;

4. Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng Quân đội, Công an nhân dân có chức trách trong quản lý, bảo vệ rừng:

Thủ tục xử lý trách nhiệm thực hiện theo quy định xử lý kỷ luật đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng Quân đội, Công an nhân dân do đơn vị chủ quản thực hiện theo quy định .

Điều 9: Khen thưởng, xử lý vi phạm .

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện quy định này được xét khen thưởng, trường hợp vi phạm bị xét xử lý nghiêm theo quy định .

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10: Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này. Hàng năm, trên cơ sở theo dõi diễn biến tài nguyên rừng rà soát, xem xét đề nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị, địa phương để xảy ra phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép với mức độ quy định mà không xét xử lý trách nhiệm các cá nhân thuộc địa phương, đơn vị mình quản lý ; Xử lý trách nhiệm cán bộ công chức vi phạm thuộc thẩm quyền; theo dõi tình hình và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc, các kiến nghị sửa đổi bổ sung quy định này từ các đơn vị cơ sở .

Điều 11: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo các Lâm trường, Ban Quản lý rừng giao trách nhiệm cụ thể cho Phân trường trưởng, cụm trưởng cụm tiểu khu, cán bộ phụ trách tiểu khu rừng, cán bộ được phân công về công tác tại các Ban lâm nghiệp cấp xã thực hiện tốt quy định này. Hàng năm trên cơ sở xét hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch xét khen thưởng phải xét việc thực hiện quy định này; Xét xử lý hoặc đề nghị xử lý trách nhiệm cán bộ công chức thuộc thẩm quyền .

Điều 12: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy định này tại các Ban Quản lý rừng, lâm trường thuộc lực lượng Quân đội, Công an quản lý. Kịp thời chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm tại các đơn vị để xảy ra phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy theo quy định; Xử lý trách nhiệm sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân thuộc thẩm quyền ;

Điều 13: Giám đốc, phó Giám đốc các đơn vị trực thuộc trung ương được giao rừng trên địa bàn tỉnh để sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra cán bộ, công nhân, viên chức trong đơn vị thực hiện nghiêm quy định này; xét xử lý hoặc đề nghị xử lý trách nhiệm người vi phạm thuộc đơn vị theo thẩm quyền .

Điều 14: UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy định này tại UBND các xã, phường, thị trấn, các Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng thuộc chức năng, thẩm quyền. Kịp thời chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm tại các đơn vị quản lý rừng, các xã, phường, thị trấn để xảy ra phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy theo quy định, đề nghị ngành chủ quản xử lý trách nhiệm cán bộ công chức thuộc ngành mình quản lý; Xử lý trách nhiệm cán bộ công chức vi phạm thuộc thẩm quyền ;

Điều 15: Điều khoản thi hành:

Các sở, ban ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; Thủ trưởng các đơn vị quản lý rừng; hạt trưởng các hạt Kiểm lâm; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ nội dung quy định này để tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương, đơn vị phản ảnh về Chi cục Kiểm lâm để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 102/2004/QĐ-UB về xử lý trách nhiệm đối với Chủ rừng, Kiểm lâm, Ban lâm nghiệp cấp xã không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 102/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/06/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Huỳnh Đức Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản