Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UBND TỈNH LÂM ĐỒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/1998/CT-UB | Lâm Đồng, ngày 11 tháng 11 năm 1998 |
CHỈ THỊ
TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 287/TTG NGÀY 02/5/1997 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.
Sau hơn một năm tích cực thực hiện Chỉ thị 287/TTg ngày 02/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ V/v tổ chức kiểm tra truy quét những cá nhân và tổ chức phá hại rừng, các địa phương, các ngành, đơn vị chức năng đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu lực của Nhà nước, hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng cao hơn trước với sự tham gia chỉ đạo chặt chẽ của UBND các cấp, sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng và sự tham gia hưởng ứng của nhân dân đã tạo sức mạnh tổng hợp để phát hiện, ngăn chặn, trấn áp các hành vi, các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng. Nhân dân đã nhận thức và thực hiện tốt hơn công việc bảo vệ rừng. Nhiều trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán lâm sản trái phép đã được xóa bỏ, nhiều trường hợp lấn chiếm rừng, đất rừng đã được giải tỏa, thu hồi để trồng lại rừng. Nạn lấn chiếm đất rừng không còn phổ biến, ồ ạt như trước. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản đã từng bước chuyển đổi sử dụng chất đốt khác thay thế than, củi có nguồn gốc từ rừng. Đặc biệt, bọn lâm tặc không còn hoạt động ngang nhiên, phổ biến như trước, phần lớn đã được phát hiện, xử lý.
Tuy đạt được một số kết quả đáng khích lệ nêu trên nhưng việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 287/TTg cũng bộc lộ một số tồn tại như sau:
- Công tác kiểm tra, truy quét chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực phá rừng, khai thác, mua bán lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái phép, chưa đi sâu vào các lĩnh vực săn bắt, mua bán động vật rừng, tiêu thụ, sử dụng lâm sản trái phép và còn thiếu các biện pháp phòng ngừa vi phạm.
- Nhiều trường hợp khai thác rừng, phá rừng trái phép chậm được phát hiện nên gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
- Việc phối hợp truy quét ở các vùng giáp ranh giữa các địa phương còn thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ nên bọn lâm tặc vẫn lợi dụng sơ hở để hoạt động ở những khu vực này.
- Việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực lấn chiếm, mua bán sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép còn chậm và lúng túng nên tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm, mua bán, sang nhượng trái phép đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.
Để khắc phục các tồn tại nêu trên, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 287/TTg của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện Chỉ thị 01/TU của Tỉnh ủy và Chỉ thị 22/CT-UB của UBND tỉnh; UBND tỉnh chỉ thị:
1/ Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 287/TTg ngày 02/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức lực lượng truy quét những tổ chức, cá nhân phá họai rừng, bọn lâm tặc, ngăn chặn có hiệu quả nạn lấn chiếm, mua bán, sang nhượng trái phép đất lâm nghiệp, nạn phá rừng làm rẫy, khai thác, mua bán lâm sản trái phép. Phải kịp thời phát hiện các đối tượng, hành vi xâm hại tài nguyên rừng để xử lý nghiêm minh.
2/ Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm sau đây:
- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, công chức, viên chức về trách nhiệm của mọi người đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể; phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ thị 286/TTg, 287/TTg ngày 02/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 01/CT-UB ngày 8/6/1996 của Tỉnh ủy, Chỉ thị 22/CT-UB ngày 8/7/1996 của UBND tỉnh và những văn bản khác của Nhà nước có liên quan. Đặc biệt tổ chức cho cán bộ xã, phường, thôn bản học tập quán triệt các văn bản nêu trên để làm lực lượng gương mẫu trong cộng đồng dân cư.
- Tiếp tục thống kê, phân lọai các đối tượng làm nghề rừng trái phép để giáo dục, vận động giúp đỡ tạo điều kiện cho họ chuyển nghề. Vận động nhân dân sống, sản xuất trong và ven rừng cam kết không vi phạm Luật pháp về rừng, phát động phong trào thi đua "Ba không" trong nhân dân, công chức, viên chức "không lấn chiếm đất đai hoặc mua bán, sang nhượng đất đai do lấn chiếm trái phép mà có; không mua bán, sử dụng lâm sản có nguồn gốc trái phép; không mua bán, ăn thịt thú rừng".
Tổ chức cho các nhà hàng, tiệm ăn cam kết không mua bán thịt thú rừng hoặc các món ăn chế biến từ thịt thú rừng. Đối với cơ sở sản xuất hàng mộc gia dụng, chế biến lâm sản phải cam kết không mua bán, sử dụng lâm sản có nguồn gốc trái phép. Bản cam kết phải niêm yết công khai ở địa điểm dễ thấy tại nhà hàng, tiệm ăn, xưởng sản xuất, cửa hàng bán sản phẩm đồ gỗ.
Quy định mức vi phạm phải phát hiện sớm để làm cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm như sau:
- Đối với hành vi khai thác lâm sản trái phép, thiệt hại xảy ra trong một vụ vi phạm khi phát hiện đối với gỗ thông thường không quá 7,0m3 ở rừng sản xuất, 5,0 m3 ở rừng phòng hộ, 4,0m3 ở rừng đặc dụng; gỗ qúy hiếm không quá 1,0m3 ở cả 3 lọai rừng; lâm sản khác có giá trị không quá 2.000.000đ ở cả 3 lọai rừng.
Đối với hành vi phá rừng trái phép, thiệt hại xảy ra trong một vụ vi phạm có diện tích không quá 0,3 ha ở rừng sản xuất, 0,1 ha ở rừng phòng hộ và 0,05 ha ở rừng đặc dụng.
- Đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, diện tích bị lấn chiếm trong 1 vụ vi phạm không quá 1 ha ở rừng sản xuất, 0,5 ha ở rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
- Đối với các vụ cháy rừng đều phải được phát hiện và tổ chức lực lượng cứu chữa.
Các lâm trường, Ban quản lý rừng, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý đất lâm nghiệp, giao khoán bảo vệ rừng mà không có biện pháp ngăn chặn, không phát hiện sớm vi phạm để gây thiệt hại tài nguyên rừng vượt quá mức độ quy định trên thì bị xử lý bằng một hoặc nhiều hình thức sau:
- Đối với tổ chức, cá nhân được giao khoán bảo vệ rừng: Khấu trừ tiền công nhận khoán, thu hồi toàn bộ diện tích đã giao khoán, buộc bồi thường về gỗ, lâm sản bị thiệt hại, buộc trồng lại rừng hoặc bồi thường chi phí trồng rừng trên diện tích rừng bị chặt phá, phát đốt.
4/ Giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
- UBND các huyện, Thị xã Bảo lộc, thành phố Đàlạt tiếp tục xác định các trọng điểm phá hại rừng, củng cố Ban chỉ đạo, Đội kiểm tra 287 đảm bảo họat động có hiệu quả; phối hợp tốt giữa các lực lượng Công an, quân đội, kiểm lâm. Chỉ đạo cho chính quyền cấp xã phối hợp với các đơn vị quản lý rừng, kiểm lâm, lực lượng 287 tổ chức truy quét, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các vùng giáp ranh; Tiếp tục lập danh sách, phân lọai đối tượng làm nghề rừng để có biện pháp quản lý, theo dõi, giáo dục, tổ chức cho cán bộ xã, phường, thị trấn, thôn bản học tập các văn bản, quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, vận động nhân dân viết cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
- Công an tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí đủ lực lượng , tham gia đội kiểm tra 287 ở các địa phương. Công an tỉnh tổ chức điều tra tìm ra bọn đầu nậu, các đường dây khai thác, mua bán lâm sản trái phép, mua bán động vật rừng, phối hợp với Chi cục kiểm lâm xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
- Hệ thống kiểm lâm là lực lượng nòng cốt, giúp UBND tỉnh và các huyện, thị xã Bảo lộc, thành phố Đàlạt tổ chức và duy trì đội kiểm tra 287 các cấp họat động tích cực; thiết lập đường dây điện thoại nóng chống phá rừng để tiếp nhận tin báo trong nhân dân tố giác các đối tượng phá rừng và tổ chức trực 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận thông tin; triển khai kiểm tra truy quét có hiệu quả, tổ chức kiểm tra tại các công trình xây dựng cơ bản để ngăn chặn, xử lý việc sử dụng gỗ có nguồn gốc trái phép; phối hợp cùng Chi cục Quản lý thị trường để kiểm tra, xử lý các nhà hàng, tiệm ăn có bán thịt động vật rừng tổ chức cho các đối tượng này cam kết không mua bán thịt động vật rừng. Phối hợp với UBND các huyện, Thị xã Bảo lộc, thành phố Đàlạt, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát các cơ sở chế biến lâm sản, sản xuất đồ mộc gia dụng để yêu cầu cam kết không sử dụng lâm sản trái phép và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm. Phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các địa phương tổ chức phong trào thi đua "ba không" trong nhân dân, công chức-viên chức.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc theo dõi việc kiểm tra, truy quét và phát hiện vi phạm ở các lâm trường, Ban quản lý rừng trong tỉnh; xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh, các huyện xử lý trách nhiệm, kỷ luật các trường hợp không phát hiện sớm vi phạm. Rà soát các cơ sở chế biến lâm sản, sản xuất đồ mộc gia dụng đã cấp giấy phép, nếu trường hợp nào vi phạm, thường xuyên sử dụng lâm sản có nguồn gốc trái phép để sản xuất thì thu hồi hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép đã cấp.
- Sở Địa chính chỉ đạo cơ quan địa chính các cấp xử lý hoặc tham mưu cho UBND cùng cấp tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp đã phát hiện.
- Sở Tài chính - Vật giá, Cục Quản lý vốn và Tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan có chức năng quản lý đầu tư xây dựng cơ bản khi kiểm tra quyết toán các công trình xây dựng, nếu công trình có sử dụng gỗ thì chỉ chấp nhận cho thanh toán khi bên thực hiện công trình xuất trình các chứng từ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp; Kiên quyết không thanh toán đối với những trường hợp sử dụng gỗ có nguồn gốc trái phép.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các địa phương, ngành, đơn vị chức năng nghiêm túc triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.
| UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |
- 1Chỉ thị 07/CT-UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép rừng; vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước; phòng cháy, chữa cháy rừng và chống người thi hành công vụ do Tỉnh Bình Định ban hành
- 2Chỉ thị 15/CT-CTUBND năm 2011 về tăng cường các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, phòng cháy, chữa chảy rừng và chống người thi hành công vụ do tỉnh Bình Định ban hành
- 3Quyết định 360/QĐ-UBND năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành hết hiệu lực thi hành
- 4Chỉ thị 04/2008/CT-UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 5Chỉ thị 07/2006/CT-UBND tăng cường các biện pháp ngăn chặn phá rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 6Chỉ thị 17/2006/CT- UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 7Chỉ thị 06/2006/CT-UBND về tăng cường biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 1Quyết định 360/QĐ-UBND năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành hết hiệu lực thi hành
- 2Chỉ thị 07/2006/CT-UBND tăng cường các biện pháp ngăn chặn phá rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3Quyết định 102/2004/QĐ-UB về xử lý trách nhiệm đối với Chủ rừng, Kiểm lâm, Ban lâm nghiệp cấp xã không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, phát đốt rừng làm rẫy trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 1Luật Bảo vệ và phát triển rừng 1991
- 2Chỉ thị 286-TTg năm 1997 về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 3Chỉ thị 287/TTg năm 1997 về tổ chức kiểm tra truy quét những cá nhân vụ tổ chức phá hoại rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chỉ thị 07/CT-UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép rừng; vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước; phòng cháy, chữa cháy rừng và chống người thi hành công vụ do Tỉnh Bình Định ban hành
- 5Chỉ thị 15/CT-CTUBND năm 2011 về tăng cường các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác trái phép rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, phòng cháy, chữa chảy rừng và chống người thi hành công vụ do tỉnh Bình Định ban hành
- 6Chỉ thị 04/2008/CT-UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 7Chỉ thị 17/2006/CT- UBND về tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng, khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 8Chỉ thị 06/2006/CT-UBND về tăng cường biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Chỉ thị 50/1998/CT-UB về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 287/TTg tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- Số hiệu: 50/1998/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/11/1998
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Đặng Đức Lợi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/11/1998
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra