Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1016/QĐ-UBND

An Giang, ngày 03 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TỈNH AN GIANG NĂM 2017

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1332/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 82/TTr- SGDĐT ngày 29 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch xây dựng xã hội học tập tỉnh An Giang năm 2017 (Kế hoạch số 53/KH-SGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo).

Điều 2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 53/KH-SGDĐT đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. UBND tỉnh (để báo cáo);
- Văn phòng: TU, Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Sở: GDĐT, LĐTBXH, VHTTDL, TT&TT, NV, NN&PTNT, TC, KHĐT;
- UBMTTQVN tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Đoàn TNCSHCM tỉnh; Hội LHPN tỉnh; Hội KH tỉnh;
- Trường Đại học An Giang;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP.UBND tỉnh: LĐVP; các Phòng: VHXH, TH;
- Lưu: HC-TC.
(Kèm theo: Kế hoạch số 53/KH-SGDĐT)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

UBND TỈNH AN GIANG
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/KH-SGDĐT

An Giang, ngày 28 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP TỈNH AN GIANG NĂM 2017

Căn cứ Quyết định 1991/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc Thành lập Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang;

Căn cứ Quyết định số 1332/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2020”;

Căn cứ công văn số 162/BGDĐT-GDTX ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với Hội Khuyến học Việt Nam.

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập tỉnh An Giang năm 2017”, cụ thể như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Từ đó, tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập bằng các nội dung và hình thức thích hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

- Tăng cường sự quản lý của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và sự tham gia của toàn xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập Quốc tế.

- Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời.

- Tăng cường dạy nghề cho lao động nông thôn ở trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng, trường trung cấp nghề; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường, cộng đồng dân cư; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, người nghèo, phụ nữ, người bị thiệt thòi.

- Cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại.

B. MỤC TIÊU

I. Bốn mục tiêu cơ bản của xây dựng xã hội học tập

1. Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục

- 94% người trong độ tuổi từ 15 - 35, 92% người trong độ tuổi từ 36 - 60 biết chữ. Đặc biệt ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; phấn đấu tỷ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ.

- 84% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại.

- 100% huyện củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở mức độ 1; 55% đạt mức độ 2; 45% đạt mức độ 3 và 100% huyện củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

2. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ

- 90% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm;

- 28% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) và 11% có trình độ bậc 3 (B1);

- Hằng năm, tăng tỷ lệ số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa.

3. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn

- Đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên:

+ 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định;

+ 97% cán bộ công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định;

+ 100% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm.

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã:

+ 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc;

+ 92% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định;

+ 76% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm.

- Đối với lao động nông thôn, công nhân lao động:

Có 58% lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các cơ sở giáo dục, đào tạo dạy nghề ở địa phương, trong đó có khoảng 24% nông dân tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng (TTVH-HTCĐ)

Tăng tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu hàng năm nâng tỷ lệ công nhân lao động qua đào tạo nghề.

4. Hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn

Hằng năm, tăng dần tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống để xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Trong đó, phấn đấu 38% học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục.

II. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng XHHT

Tổ chức các hoạt động học tập suốt đời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ; tổ chức tốt Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời ở các địa phương.

Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, qua các hội nghị, hội thảo, mạng internet, qua các cuộc mít tinh, hội thi.... phong trào xây dựng XHHT thông qua xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; tổ chức tuyên dương, khen thưởng định kỳ và đột xuất những cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng XHHT;

- Xây dựng chuyên mục “xây dựng xã hội học tập” trên đài truyền hình, đài phát thanh; biên soạn và phát hành bản tin, các tài liệu tuyên truyền về xây dựng XHHT, làm cho mọi người ý thức được việc học sẽ mang lại cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn về vật chất và tinh thần.

2. Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục

a) Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng

Tiếp tục triển khai thực hiện nội dung đánh giá trung tâm HTCĐ theo các tiêu chí nhằm củng cố, phát triển bền vững; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm HTCĐ; phấn đấu số lượng trung tâm HTCĐ hoạt động có hiệu quả tăng dần hàng năm; củng cố mô hình hoạt động “Trung tâm Văn hóa-Học tập cộng đồng”.

Rà soát, đánh giá việc thực hiện hệ thống chính sách hiện có; điều chỉnh, bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng theo Thông tư số 96/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính theo hướng căn cứ vào hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để hoàn thiện mô hình trung tâm học tập cộng đồng phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Tổ chức biên soạn tài liệu học tập về các lĩnh vực của đời sống xã hội đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cán bộ quản lý, giáo viên tại các TTHTCĐ, TTVH-HTCĐ về nghiệp vụ xây dựng kế hoạch hoạt động, điều tra nhu cầu người học, phát triển các câu lạc bộ cộng đồng.

b) Trung tâm GDTX, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, Trường Trung cấp nghề; Trung tâm ngoại ngữ, tin học

- Nâng cao chất lượng, năng lực của trung tâm GDTX cấp tỉnh; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, trường Trung cấp nghề cấp huyện thực hiện việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

- Tiếp tục củng cố, nâng chất các cơ sở giáo dục thường xuyên; tăng cường các lớp bổ túc văn hóa cho công nhân, các lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh - sinh viên và người lao động; củng cố, phát triển các trung tâm ngoại ngữ - tin học nhằm đáp ứng nhu cầu người học; đa dạng hóa các hình thức đào tạo trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân.

c) Các cơ sở giáo dục

- Phát triển các loại học liệu phục vụ cho học tập suốt đời; tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tài liệu, giáo viên, báo cáo viên cho các trung tâm HTCĐ.

- Củng cố mạng lưới trường, trung tâm bồi dưỡng, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ của các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thành lập các cơ sở học tập, bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động.

3. Đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng

- Các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, thúc đẩy việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; có các hình thức động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia học tập suốt đời, chú trọng đến những nhóm đối tượng khó khăn, điều kiện làm việc ít được tiếp cận với cơ hội học tập; chủ động, tích cực triển khai việc phát triển văn hóa đọc trong các trường học, cơ quan, đơn vị.

- Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người học thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ theo địa bàn; công nhân, nông dân có điều kiện tham gia học tập để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

4. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng XHHT:

- Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các tổ chức và cá nhân, cơ chế tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp đối với học tập suốt đời, xây dựng XHHT.

- Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân đưa xây dựng XHHT là nội dung bắt buộc trong chương trình, kế hoạch hoạt động, thi đua hàng năm và từng giai đoạn.

- Củng cố, xây dựng bộ phận làm đầu mối quản lý về học tập suốt đời, xây dựng XHHT ở các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp.

- Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng “Quỹ học tập suốt đời” để hỗ trợ người lao động học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp, hoặc đào tạo lại cho những người chuyển đổi nghề nghiệp.

III. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí triển khai các hoạt động của các Đề án thành phần chủ yếu được lồng ghép qua kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí thực hiện các chương trình, dự án do các bộ, ngành đã và đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các sở, ngành chức năng căn cứ vào phân bổ kinh phí của bộ, ngành chủ quản và Thông tư liên tịch (Bộ GDĐT, Bộ Tài chính) hướng dẫn nội dung chi và mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện dự trù kinh phí cụ thể để thực hiện các đề án thành phần.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch đào tạo từ nay đến năm 2020 theo hướng mở rộng ngành, nghề đào tạo; bổ sung thêm các hình thức học tập: từ xa, trực tuyến, qua mạng,… trên cơ sở phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu học tập.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức cập nhật bộ cơ sở dữ liệu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; tham mưu UBND tỉnh về chủ trương và biện pháp mở rộng hình thức học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.

- Hướng dẫn, cung cấp tài liệu, sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy xóa mù chữ, phổ cập giáo dục để các trung tâm có thêm nguồn tài liệu phục vụ nhu cầu học tập của người dân.

- Phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền An Giang, Báo An Giang về việc phát, đăng tin, phóng sự, bài xây dựng xã hội học tập.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Hội khuyến học cấp tỉnh thực hiện việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT- BGDĐT của Bộ GDĐT một cách thiết thực, hiệu quả; đồng thời tích cực tham gia với Hội tổ chức đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã quản lý theo Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã lấy từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” hàng năm của tỉnh.

- Theo dõi việc xây dựng kế hoạch xã hội học tập của các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương

2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Phụ trách nhóm đối tượng lao động nông thôn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề; mở rộng các hình thức dạy nghề trong các doanh nghiệp, công ty, dạy nghề gắn với sản xuất và dạy nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 1593/QĐ-UBND ngày 18 tháng 9 năm 2014 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ thực hiện cơ chế đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động.

- Chủ trì sơ kết, đánh giá lại việc sáp nhập các trung tâm Giáo dục thường xuyên vào Trung tâm dạy nghề và trường Trung cấp nghề cấp huyện để giúp các đơn vị sau khi sáp nhập ổn định, hoạt động hiệu quả.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Đề án thí điểm số 511/ĐA-UBND ngày 09/11/2015 của UBND tỉnh về “Sáp nhập và thành lập TTVH-HTCĐ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020”; Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa-Học tập cộng đồng.

- Phối hợp với Sở GDĐT hướng dẫn các TTVH-HTCĐ đảm nhận chức năng giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở; đánh giá, xếp loại tiêu chí hoạt động “Trung tâm Văn hóa-Học tập cộng đồng”.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” ban hành theo Quyết định số 2282/QĐ-BVHTTDL ngày 24/6/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Truyền thông về xây dựng xã hội học tập” ban hành theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 13/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập thông qua các kênh thông tin và truyền thông từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.

5. Sở Nội vụ

- Phụ trách nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức học tập theo Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tăng cường, bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ làm nòng cốt cho phong trào xây dựng XHHT.

- Phối hợp với các cơ sở giáo dục lập kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, phấn đấu đạt được mục tiêu nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ đã đề ra trong kế hoạch.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách nhóm đối tượng lao động nông thôn.

- Phối hợp với Sở GDĐT và các cơ quan liên quan cung cấp các tài liệu, tờ rơi, học liệu phục vụ học tập suốt đời liên quan đến nông nghiệp và nông thôn cho các trung tâm HTCĐ.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính

- Bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các sở, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động của Kế hoạch; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch.

8. Trường Đại học An Giang, Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề

Tổ chức nghiên cứu về các hình thức học tập suốt đời, phát triển các loại học liệu phục vụ cho học tập suốt đời; mở mã ngành đào tạo về giáo dục cộng đồng, về học tập suốt đời; xây dựng chương trình và triển khai bồi dưỡng về phương pháp giáo dục người lớn cho giáo viên các cơ sở GDTX; tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tài liệu, giáo viên, báo cáo viên cho các TTHTCĐ, TTVH-HTCĐ.

9. Các sở, ngành, đơn vị khác

Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành mình được học tập suốt đời, tổ chức biên soạn các tài liệu học tập cho mọi tầng lớp nhân dân về các lĩnh vực theo chức năng và nhiệm vụ của từng sở, ngành; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

10. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách cho các hoạt động xây dựng XHHT của địa phương; phân bổ kinh phí hoạt động cho các TTHTCĐ, TTVH-HTCĐ theo đúng mục đích và nội dung của Thông tư 96/2008/TT-BTC .

- Chỉ đạo các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo của địa phương xây dựng chuyên mục tuyên truyền về xây dựng XHHT.

- Theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương; định kỳ cuối năm báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch gửi UBND tỉnh (qua Sở Giáo dục và Đào tạo).

- Theo dõi đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời việc mở và duy trì các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tại địa phương.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia học tập; đưa nội dung xây dựng XHHT vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

b) Liên đoàn Lao động tỉnh

- Phụ trách nhóm đối tượng lao động trong các doanh nghiệp

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, động viên, theo dõi việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ người lao động trong các doanh nghiệp.

- Chủ trì phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Công thương xây dựng kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp (ưu tiên khu công nghiệp).

c) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh

- Chủ trì các hoạt động tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập cho các đoàn viên, thanh niên.

- Phối hợp với Sở GDĐT xây dựng phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên tài năng; vận động gây quỹ hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập.

d) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

- Tiếp tục tuyên truyền các hoạt động về xây dựng xã hội học tập trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

- Phối hợp với Sở GDĐT tuyên truyền, vận động phụ nữ, trẻ em gái ở những vùng khó khăn chưa biết chữ ra học các lớp xóa mù chữ.

12. Hội Khuyến học tỉnh

- Phối hợp với chính quyền, ngành giáo dục và đào tạo, hội khuyến học các cấp vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân trong gia đình, dòng họ, tổ dân phố hưởng ứng đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Chủ trì tổ chức đánh giá, công nhận các danh hiệu này.

- Phối hợp với Sở GDĐT, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ, TTVH-HTCĐ; tổ chức đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.

- Chủ trì triển khai thực hiện Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư; xây dựng các mô hình học tập phù hợp để thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.

V. Quy định về kiểm tra, giám sát và chế độ báo cáo

- Thường trực Ban chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch của các sở, ngành, địa phương, các tổ chức như trách nhiệm đã phân công.

- Trên cơ sở Kế hoạch xây dựng xã hội học tập của tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai và bố trí kinh phí thực hiện.

- Các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo tổng kết năm về thường trực Ban chỉ đạo tỉnh trước ngày 10/12/2017 (qua Sở Giáo dục và Đào tạo, số 12, đường Lê Triệu Kiết, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Thường trực Ban chỉ đạo (Sở GDĐT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hội nghị sơ kết hằng năm./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Trường ĐHAG, CĐN, TCN;
- Ban Giám đốc;
- TTGDTX AG, TTGDNN-GDTX;
- Lưu: VT, GDTrH-GDTX.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC





Lý Thanh Tú

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1016/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch xây dựng xã hội học tập tỉnh An Giang năm 2017

  • Số hiệu: 1016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản