Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP GIAI ĐOẠN 2012 - 2020”

Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020"; Công văn số 822/BCĐQG - XHHT ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập và Công văn số 4163/BGDĐT - GDTX ngày 13 tháng 8 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn nội dung và mức chi thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012 - 2020", Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Về công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:

Mục tiêu đến năm 2015 và năm 2020.

- Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 97% (đối với huyện A Lưới và Nam Đông đạt 93%) vào năm 2015 và đạt 98% (đối với huyện A Lưới và Nam Đông đạt 94%) vào năm 2020.

- Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 đạt 98% (đối với huyện A Lưới và Nam Đông đạt 95%) vào năm 2015 và đạt 99% (đối với huyện A Lưới và Nam Đông đạt 96%) vào năm 2020.

- Tỷ lệ người mới biết chữ được tiếp tục học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (GDTTSKBC) để không mù chữ trở lại đạt 85% vào năm 2015 và đạt 90% vào năm 2020.

- Số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 đạt 85% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020.

- Phấn đấu toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2014.

2. Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ:

Mục tiêu đến năm 2015 và năm 2020.

- Số cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt 80% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020.

- Số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 20% vào năm 2015 và đạt 40% vào năm 2020.

- Số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 3 đạt 5% vào năm 2015 và đạt 20% vào năm 2020.

- Hằng năm, phấn đấu tăng tỷ lệ số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa.

3. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề.

Mục tiêu đến năm 2015 và năm 2020.

- Số cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% vào năm 2015.

- Số cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định đạt 95% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020.

- Thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm cho CBCC từ cấp tỉnh đến cấp huyện đạt 80% vào năm 2015 và đạt 90% vào năm 2020.

- Bảo đảm cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc đạt 100% vào năm 2015.

- Bảo đảm cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định đạt 90% vào năm 2015 và đạt 95% vào năm 2020.

- Thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm cho công chức cấp xã đạt 70% vào năm 2015 và đạt 85% vào năm 2020.

- Lao động nông thôn được tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học công nghệ tại các trung tâm học tập cộng đồng đạt 50% vào năm 2015 và đạt 70% vào năm 2020.

- Bảo đảm công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương đạt 80% vào năm 2015 và đạt 90% vào năm 2020.

- Bảo đảm số công nhân qua đào tạo nghề đạt 85% vào năm 2015 và đạt 95% vào năm 2020.

- Học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục đạt 30% vào năm 2015 và đạt 50% vào năm 2020.

II. NHIỆM VỤ

1. Nâng cao nhận thức cho mọi người dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập thông qua các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, qua các hội nghị, hội thảo, mạng internet; thông qua phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, phát động phong trào đơn vị học tập, cộng đồng học tập.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp có kế hoạch tổ chức tốt tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời ở địa phương; có sơ kết đánh giá, tuyên dương, khen thưởng các đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác xây dựng xã hội học tập.

2. Tổ chức, triển khai các hoạt động học tập suốt đời thông qua việc thực hiện các chương trình giáo dục từ xa, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức các lĩnh vực của đời sống xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.

3. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục:

a) Đối với trung tâm học tập cộng đồng: Triển khai thực hiện Quyết định số 09/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/3/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Qui chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn; Thông tư số 40/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn; Thông tư 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các Trung tâm học tập cộng đồng và công văn số 1690/UBND-TC ngày 29/4/2010 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí ngân sách nhà nước cho các Trung tâm học tập cộng đồng. Trên cơ sở đó củng cố, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Phấn đấu có ít nhất 50% (năm 2015), 65% (năm 2020) trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao, thư viện, bưu điện xã/phường/thị trấn.

b) Đối với Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX):

- Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDTX ban hành theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2007 và Quy định về tiêu chuẩn đánh giá Trung tâm GDTX ban hành theo Thông tư số 15/2012/TT-BGDĐT ngày 02/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mở rộng quy mô hợp lý, nâng cao chất lượng, và năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, các chương trình giáo dục bao gồm:

+ Chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ;

+ Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ;

+ Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm: chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng, công nghệ thông tin - truyền thông; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ; chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc, miền núi theo kế hoạch hằng năm của địa phương;

+ Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

- Thực hiện việc liên kết đào tạo với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên lấy bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Hình thức học tập tại trung tâm giáo dục thường xuyên bao gồm: vừa làm vừa học; học từ xa; tự học có hướng dẫn.

c) Đối với các cơ sở giáo dục chính quy làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên:

Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá trong các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng nhằm giáo dục cho học sinh, sinh viên tinh thần ham học, năng lực tự học, khả năng nghiên cứu để học tập suốt đời có hiệu quả. Các cơ sở giáo dục thuộc Đại học Huế tổ chức nghiên cứu về các hình thức học tập suốt đời; mở mã ngành về đào tạo giáo dục cộng đồng, về học tập suốt đời; xây dựng chương trình và triển khai bồi dưỡng về phương pháp giáo dục người lớn cho giáo viên các cơ sở giáo dục thường xuyên; tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

d) Đối với các cơ sở giáo dục khác:

Củng cố, phát triển các trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố Huế; Trường chính trị Nguyễn Chí Thanh; Học viện Hành chính cơ sở miền Trung nhằm đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế thành lập các cơ sở học tập, bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động.

4. Đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng internet để thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên, đáp ứng ngày càng cao khả năng cung ứng cơ hội học tập theo phương thức giáo dục từ xa cho các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại, phương tiện nghe - nhìn; tận dụng tối đa các phương tiện truyền thanh, truyền hình của Trung ương, địa phương để phục vụ cho việc dạy và học theo phương thức giáo dục từ xa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục.

5. Thực hiện lồng ghép với các kế hoạch, đề án, dự án, các chương trình mục tiêu đã và đang triển khai như: Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức đến năm 2015 (theo Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” (theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 12/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ);...

6. Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp (từ cấp huyện đến cấp xã).

7. Phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng xã hội học tập, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.

III. Kinh phí và cơ chế tài chính

1. Kinh phí:

Dự kiến tổng nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch: 25 tỷ đồng.

Bao gồm nguồn ngân sách Trung ương theo Đề án, ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

2. Cơ chế tài chính:

- Ngân sách cấp Trung ương đảm bảo 40% tổng kinh phí thực hiện kế hoạch để thực hiện các hoạt động của Đề án.

- Nguồn sự nghiệp của ngân sách nhà nước địa phương theo phân cấp hiện hành, đảm bảo 60% tổng kinh phí thực hiện kế hoạch để thực hiện các hoạt động của Đề án.

- Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện Đề án.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai các hoạt động thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp và trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tình hình thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề; mở rộng các hình thức dạy nghề trong các doanh nghiệp, công ty, dạy nghề gắn với sản xuất và dạy nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức và hoạt động của trung tâm cấp huyện làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và dạy nghề.

3. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi toàn tỉnh.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ;

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao xã, phường, thị trấn.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Truyền thông về xây dựng xã hội học tập.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính:

- Tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch.

- Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các hoạt động của Kế hoạch theo quy định; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch.

7. Các Sở, ngành khác có trách nhiệm cung ứng học tập suốt đời và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc ngành mình được học tập suốt đời, tham gia biên soạn các tài liệu học tập cho mọi tầng lớp nhân dân về các lĩnh vực theo chức năng và nhiệm vụ của từng Sở, Ngành. Phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT, các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập trên phạm vi toàn tỉnh.

8. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã để giúp Chủ tịch UBND huyện, xã chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch xây dựng xã hội học tập.

- Trên cơ sở Đề án của Chính phủ và Kế hoạch UBND tỉnh, chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập hằng năm và từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương đến năm 2020 và bố trí ngân sách cho các hoạt động xây dựng xã hội học tập.

- Chỉ đạo củng cố, phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

- Chỉ đạo các Đài phát thanh, truyền hình của địa phương xây dựng chuyên mục tuyên truyền về xây dựng xây dựng xã hội học tập.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

9. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, Liên đoàn Lao động, Hội LHPNVN tỉnh, tỉnh Đoàn TNCSHCM, Hội Khuyến học tỉnh, Hội nông dân tỉnh, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức xã hội tham gia tích cực vào các hoạt động thực hiện Kế hoạch xây dựng xã hội học tập trên phạm vi toàn tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- TTHĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban VHXH HĐND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Hội Khuyến học tỉnh;
- UBND TP Huế, thị xã và các huyện;
- VP: LĐ và CV: TH, TC, NC, VH, XH;
- Lưu: VT, GD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020" do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 132/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản