Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2011/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 12 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ GIÁ CÁC LOẠI RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thẩm định giá;

Căn cứ Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26 tháng 5 năm 2008 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;

Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 99/2010/NQ-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc thông qua quy định giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 54/TTr-SNN ngày 05 tháng 5 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các chủ rừng và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương

 

QUY ĐỊNH

VỀ GIÁ CÁC LOẠI RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được xác định bằng khung giá quyền sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên (sau đây gọi chung là giá quyền sử dụng rừng); khung giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng (sau đây gọi là giá quyền sở hữu rừng trồng).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định về giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc xác định giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Phạm vi áp dụng

Giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo Quy định này là căn cứ để:

- Tính tiền sử dụng rừng khi Nhà nước giao rừng có thu tiền sử dụng rừng; tính giá trị quyền sử dụng rừng, giá trị quyền sở hữu rừng trồng khi Nhà nước giao rừng không thu tiền sử dụng rừng;

- Tính tiền thuê rừng khi Nhà nước cho thuê rừng không thông qua đấu giá quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng;

- Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng;

- Tính giá trị quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng để giao vốn cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; giá trị vốn góp bằng quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng của Nhà nước tại doanh nghiệp;

- Tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gây thiệt hại cho Nhà nước;

- Tính các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Theo Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ, các từ ngữ dưới đây được giải thích như sau:

1. Giá quyền sử dụng rừng: là giá trị mà chủ rừng có thể được hưởng từ rừng trong khoảng thời gian được giao, được thuê rừng tính bằng tiền trên một hécta (ha) rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo Quy chế quản lý và sử dụng rừng do Nhà nước ban hành.

2. Giá quyền sở hữu rừng trồng: là giá trị mà chủ rừng có thể được hưởng từ rừng trong khoảng thời gian được giao, được thuê rừng tính bằng tiền trên một hécta (ha) rừng sản xuất là rừng trồng theo Quy chế quản lý và sử dụng rừng do Nhà nước ban hành.

3. Giá rừng: là số tiền được tính trên một đơn vị diện tích rừng do Nhà nước quy định hoặc được hình thành trong quá trình giao dịch về quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.

Điều 5. Phân loại rừng để định giá

Căn cứ theo Thông tư số 34/2009/TT-BNN ngày 10 tháng 6 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng để chọn các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xác định giá, gồm:

1. Phân theo mục đích sử dụng:

a) Rừng phòng hộ: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu và bảo vệ môi trường;

b) Rừng đặc dụng: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường;

c) Rừng sản xuất: là rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường.

2. Phân theo nguồn gốc hình thành:

a) Rừng tự nhiên: là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên;

b) Rừng trồng: là rừng được hình thành do con người trồng.

3. Phân theo loài cây:

a) Rừng gỗ: là rừng bao gồm chủ yếu các loài cây thân gỗ.

b) Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa:

- Rừng hỗn giao gỗ - tre nứa: là rừng có cây gỗ chiếm > 50% độ tàn che;

- Rừng hỗn giao tre nứa - gỗ: là rừng có cây tre nứa chiếm > 50% độ tàn che.

4. Phân theo trữ lượng gỗ:

a) Rừng rất giàu: trữ lượng cây đứng trên 300 m3/ha;

b) Rừng giàu: trữ lượng cây đứng từ 201 - 300 m3/ha;

c) Rừng trung bình: trữ lượng cây đứng từ 101 - 200 m3/ha;

d) Rừng nghèo: trữ lượng cây đứng từ 10 - 100 m3/ha;

đ) Rừng chưa có trữ lượng: rừng gỗ đường kính bình quân < 8 cm, trữ lượng cây đứng dưới 10 m3/ha.

Điều 6. Các loại rừng được định giá

1. Đối với rừng tự nhiên:

Định giá toàn bộ các loại rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo tiêu chí phân loại rừng căn cứ theo trữ lượng, theo loài cây và và có xét đến tiêu chí phân loại rừng theo mục đích sử dụng (tầm quan trọng của rừng), cụ thể như sau:

- Đối tượng là rừng sản xuất: định giá trực tiếp theo 5 mức trữ lượng: rừng rất giàu, rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo (rừng nghèo khộp và rừng nghèo thường xanh), rừng chưa có trữ lượng;

- Đối tượng là rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ: định giá 5 mức trữ lượng như đối với rừng sản xuất nêu trên, nhưng có tính thêm hệ số điều chỉnh giá trị thể hiện tầm quan trọng của rừng đặc dụng và rừng phòng hộ so với rừng sản xuất;

- Đối với các loại rừng hỗn giao (tre - gỗ; gỗ - tre): định giá theo tiêu chí trữ lượng gỗ, kết hợp với hệ số điều chỉnh về lâm sản phụ khác.

2. Đối với rừng trồng:

Tiến hành định giá rừng trồng theo loài cây trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, mật độ cây trồng và cấp tuổi rừng trồng.

- Loài cây trồng phổ biến: Xoan chịu hạn, Xoan trồng hỗn giao với Keo, Keo lá tràm, Keo lai, Bạch đàn, Phi lao;

- Phân theo mật độ cây trồng: mật độ 833 cây/ha, 1.250 cây/ha, 1.333 cây/ha, 1.666 cây/ha tùy thuộc vào loài cây trồng;

- Phân theo cấp tuổi rừng trồng: rừng trồng giai đoạn 1 (năm trồng và 2 năm chăm sóc) và cấp tuổi II (rừng đã thành thục).

Chương II

KHUNG GIÁ RỪNG VÀ XÁC ĐỊNH GIÁ RỪNG

Điều 7. Phương pháp tính toán xác định giá rừng

Căn cứ vào điều kiện thực tế và cụ thể tại địa phương chưa có giá giao dịch thực tế về quyền sở hữu rừng trồng, quyền sử dụng rừng, do đó vận dụng theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26 tháng 5 năm 2008 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính để lựa chọn phương pháp định giá rừng trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Đối với rừng tự nhiên: áp dụng theo phương pháp thu nhập để tính toán.

Phương pháp thu nhập là phương pháp xác định giá trị sử dụng trực tiếp của một diện tích rừng cụ thể căn cứ vào thu nhập thuần tuý từ gỗ và củi thuộc diện tích rừng đó quy về thời điểm định giá với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm của loại tiền VNĐ tại Ngân hàng Thương mại trên địa bàn ở thời điểm định giá.

Đối với rừng tự nhiên là rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ có cùng trữ lượng gỗ như đối với rừng sản xuất, đưa ra các hệ số điều chỉnh giá trị thể hiện tầm quan trọng của nó so với rừng sản xuất.

- Đối với rừng trồng: áp dụng kết hợp giữa phương pháp thu nhập và phương pháp chi phí.

Phương pháp chi phí: là phương pháp xác định tổng chi phí hợp lý đã đầu tư tạo rừng, tính từ năm bắt đầu đầu tư tạo rừng đến năm cần định giá đã đầu tư tạo rừng và lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm của loại tiền VNĐ tại Ngân hàng thương mại trên địa bàn ở thời điểm định giá.

Phương pháp tính toán:

Giá quyền sở hữu rừng trồng là rừng sản xuất tính toán trong điều kiện cấp đất II, cấp thực bì nhóm 2, cự ly đi làm ở mức trung bình 3 - 4 km và sản lượng, giá bán lâm sản ở mức trung bình cho từng vùng.

- Khảo sát định mức đầu tư bình quân, mật độ trồng, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng để xây dựng đơn giá, chi phí đầu tư cho phù hợp;

- Khảo sát năng suất rừng trồng theo từng cấp tuổi theo vùng sinh thái của từng khu vực; mức độ khó khăn khi thực hiện khai thác tại từng địa phương, từng vùng…;

- Căn cứ vào tình hình thực tế sinh trưởng, phát triển; quy trình kỹ thuật và chu kỳ kinh doanh của từng loại cây trồng.

Đối với diện tích rừng trồng thuộc rừng phòng hộ, đặc dụng, khi thực hiện giao rừng, cho thuê rừng, xác định giá trị bồi thường rừng, thu hồi rừng, áp dụng phương pháp tính toán như trên kết hợp với hệ số điều chỉnh về tầm quan trọng của rừng để xây dựng cho phù hợp.

Điều 8. Quy định khung giá các loại rừng

1. Đối với rừng tự nhiên:

a) Rừng tự nhiên - đối tượng rừng sản xuất: quy định khung giá "Quyền sử dụng rừng sản xuất là rừng tự nhiên", theo loại rừng và trữ lượng lâm sản như sau:

(1) Rừng chưa có trữ lượng:

- Trữ lượng nhỏ hơn 10 m3/ha: giá 2 triệu - 5,8 triệu đồng/ha.

(2) Loại rừng nghèo - trữ lượng từ 10 - 100 m3/ha: chia ra: * Rừng nghèo khộp:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 6,2 triệu - 29,3 triệu đồng/ha;

- Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 30,8 triệu - 104,2 triệu đồng/ha. * Rừng nghèo thường xanh:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 6,4 triệu - 31,2 triệu đồng/ha;

- Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 32,6 triệu - 104,2 triệu đồng/ha.

(3) Loại rừng trung bình - trữ lượng từ 101 - 200 m3/ha: chia ra:

- Trữ lượng từ 101 - 150 m3/ha: giá 105,3 triệu - 154,8 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 151 - 200 m3/ha: giá 159,1 triệu - 273 triệu đồng/ha.

(4) Loại rừng giàu - trữ lượng từ 201- 300 m3/ha: chia ra:

- Trữ lượng từ 201 - 250m3/ha: giá 274,5 triệu - 339,5 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 251 - 300 m3/ha: giá 341 triệu - 407 triệu đồng/ha.

(5) Loại rừng rất giàu - trữ lượng trên 300 m3/ha: 410 triệu đồng/ha.

(6) Rừng hỗn giao tre - gỗ:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 6,2 triệu - 29 triệu đồng/ha;

- Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 29,8 triệu - 58 triệu đồng/ha.

(7) Rừng hỗn giao gỗ - tre:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 6,2 triệu - 43,4 triệu đồng/ha;

- Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 45,1 triệu - 86,3 triệu đồng/ha.

Mức giá thấp nhất nêu trong bảng khung giá trị lâm sản, áp dụng đối với diện tích rừng chưa có trữ lượng, hoặc diện tích rừng lồ ô - tre nứa nhỏ, tương đương với mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ: 02 triệu đồng/ha.

b) Rừng tự nhiên - đối tượng rừng phòng hộ: quy định khung giá "Quyền sử dụng rừng phòng hộ là rừng tự nhiên", theo loại rừng và trữ lượng lâm sản như sau:

(1) Rừng chưa có trữ lượng:

- Trữ lượng dưới 10 m3/ha: giá 2,667 triệu - 7,733 triệu đồng/ha.

(2) Loại rừng nghèo - trữ lượng từ 10 - 100 m3/ha: chia ra: * Rừng nghèo khộp:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 8,267 triệu - 39,067 triệu đồng/ha;

- Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 41,067 triệu - 138,933 triệu đồng/ha. * Rừng nghèo thường xanh:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 8,533 triệu - 41,600 triệu đồng/ha;

- Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 43,467 triệu - 138,933 triệu đồng/ha.

(3) Loại rừng trung bình - trữ lượng từ 101 - 200 m3/ha: chia ra:

- Trữ lượng từ 101 - 150 m3/ha: giá 140,4 triệu - 206,4 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 151 - 200 m3/ha: giá 212,133 triệu - 364,0 triệu đồng/ha.

(4) Loại rừng giàu - trữ lượng từ 201 - 300 m3/ha: chia ra:

- Trữ lượng từ 201 - 250 m3/ha: giá 366,0 triệu - 452,667 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 251 - 300 m3/ha: giá 454,667 triệu - 542,667 triệu đồng/ha.

(5) Loại rừng rất giàu - trữ lượng trên 300 m3/ha: 46,667 triệu đồng/ha.

(6) Rừng hỗn giao tre - gỗ:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 8,267 triệu - 38,667 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 39,733 triệu - 77,33 triệu đồng/ha.

(7) Rừng hỗn giao gỗ - tre:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 8,267 triệu - 57,867 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 60,13 triệu - 115,067 triệu đồng/ha.

c) Rừng tự nhiên - đối tượng rừng đặc dụng: quy định khung giá "Quyền sử dụng rừng đặc dụng là rừng tự nhiên", theo loại rừng và trữ lượng lâm sản như sau:

(1) Rừng chưa có trữ lượng:

- Trữ lượng nhỏ hơn 10 m3/ha: giá 3,333 triệu - 9,667 triệu đồng/ha.

(2) Loại rừng nghèo - trữ lượng từ 10 - 100 m3/ha: chia ra: * Rừng nghèo khộp:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 10,333 triệu - 48,833 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 51,333 triệu - 173,667 triệu đồng/ha. * Rừng nghèo thường xanh:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 10,667 triệu - 52,0 triệu đồng/ha;

- Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 54,333 triệu - 173,667 triệu đồng/ha.

(3) Loại rừng trung bình - trữ lượng từ 101 - 200 m3/ha: chia ra:

- Trữ lượng từ 101 - 150 m3/ha: giá 175,5 triệu - 258,0 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 151 - 200 m3/ha: giá 265,167 triệu - 455,0 triệu đồng/ha.

(4) Loại rừng giàu - trữ lượng từ 201 - 300 m3/ha: chia ra:

- Trữ lượng từ 201 - 250m3/ha: giá 457,5 triệu - 565,83 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 251 - 300 m3/ha: giá 568,33 triệu - 678,33 triệu đồng/ha.

(5) Loại rừng rất giàu - trữ lượng trên 300 m3/ha: 683,333 triệu đồng/ha.

(6) Rừng hỗn giao tre - gỗ:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 10,33 triệu - 48,33 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 49,66 triệu - 96,66 triệu đồng/ha.

(7) Rừng hỗn giao gỗ - tre:

- Trữ lượng từ 10 - 50 m3/ha: giá 10,333 triệu - 72,333 triệu đồng/ha; - Trữ lượng từ 51 - 100 m3/ha: giá 75,167 triệu - 143,83 triệu đồng/ha.

(Chi tiết tại Phụ lục 01 đính kèm)

Phương pháp tính toán và khung giá trị lâm sản của rừng trên đây là cơ sở để thực hiện tính toán xác định giá giao vốn rừng, thu hồi rừng, bồi thường rừng, giao và cho thuê quyền sử dụng rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên diện tích rừng cụ thể.

2. Đối với rừng trồng:

a) Rừng trồng - đối tượng rừng sản xuất: quy định khung giá "Quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng", phân theo loài cây, cấp tuổi và mật độ như sau:

(1) Keo là tràm:

- Mật độ 1333 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 9,7 triệu - 13,2 triệu - 16,9 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 28,2 triệu đồng/ha.

- Mật độ 1666 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 14 triệu - 18,8 triệu - 24,2 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 32,8 triệu đồng/ha.

(2) Keo lai:

- Mật độ 1333 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 9,9 triệu - 13,4 triệu - 17,1 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 28,4 triệu đồng/ ha.

- Mật độ 1666 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 11,6 triệu - 15,2 triệu - 19,3 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 31,7 triệu đồng/ha.

(3) Bạch đàn:

- Mật độ 1333 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 13,8 triệu - 18,4 triệu - 22,8 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 35,4 triệu đồng/ha.

- Mật độ 1666 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 17,1 triệu - 21,2 triệu - 25,2 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 39,1 triệu đồng/ha.

(4) Phi lao:

- Mật độ 1250 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (5 năm đầu): 12,7 triệu - 17,4 triệu - 21,9 triệu - 24,6 triệu - 26,9 triệu đồng/ha;

+ Cấp tuổi II (năm thứ 10): 51,6 triệu đồng/ha. - Mật độ 1666 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (5 năm đầu): 16,9 triệu - 21,5 triệu - 26,2 triệu - 28,9 triệu - 31,4 triệu đồng/ha;

+ Cấp tuổi II (năm thứ 10): 58,4 triệu đồng/ha.

(5) Xoan chịu hạn:

- Mật độ 625 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 5,5 triệu - 8,1 triệu - 10,6 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 20,7 triệu đồng/ha.

- Mật độ 833 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 7,4 triệu - 10,9 triệu - 14,1 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 27,7 triệu đồng/ha.

(6) Xoan trồng hỗn giao với Keo:

- Mật độ 1333 cây/ha:

+ Cấp tuổi I (3 năm đầu): 6,1 triệu - 9,5 triệu - 13,3 triệu đồng/ha; + Cấp tuổi II (năm thứ 6): 23,7 triệu đồng/ha.

(Chi tiết tại Phụ lục 02 đính kèm)

b) Rừng trồng - đối tượng rừng phòng hộ, đặc dụng:

Đối với diện tích rừng trồng thuộc rừng phòng hộ, đặc dụng, khi thực hiện giao rừng, cho thuê rừng, xác định giá trị bồi thường rừng, thu hồi rừng, áp dụng phương pháp tính toán nêu tại Quy định này để xây dựng cho phù hợp với tầm quan trọng của từng đối tượng rừng.

Điều 9. Xác định giá rừng cụ thể

Căn cứ vào khung giá các loại rừng tại Điều 7 Quy định này để xác định giá quyền sử dụng rừng, giá quyền sở hữu rừng trồng khi áp vào đối tượng rừng, trữ lượng, loài cây, cấp tuổi, mật độ rừng… của một khu rừng cụ thể, dùng phương pháp nội suy để tính toán giá rừng theo công thức sau:

Trong đó:

- Gt: giá quyền sử dụng rừng cần xác định;

- Ga: giá trị lâm sản cận dưới của khung giá và trữ lượng tương ứng với loại rừng cần xác định;

- Gb: Giá trị lâm sản cận trên của khung giá và trữ lượng tương ứng với loại rừng cần xác định;

- Ta: Trữ lượng gỗ cận dưới trong khung giá và trữ lượng tương ứng với loại rừng cần xác định;

- Tb: Trữ lượng gỗ cận trên trong khung giá và trữ lượng tương ứng với loại rừng cần xác định;

- Tt: Trữ lượng gỗ của diện tích rừng cần xác định.

1. Đối với rừng tự nhiên:

Ví dụ 1: Để xác định giá quyền sử dụng rừng của 1 ha rừng nghèo khộp, thuộc rừng tự nhiên, đối tượng rừng phòng hộ, sau khi đo đếm thực địa đã xác định khu rừng này có trữ lượng là 73 m3/ha.

Trước hết, chọn khung giá rừng nghèo khộp - rừng tự nhiên - đối tượng rừng phòng hộ; với trữ lượng 73 m3  thuộc khung trữ lượng từ 51 m3  - 100 m3  có khung giá tương ứng như sau:

Trữ lượng 51 - 100 m3: khung giá 41,067 triệu - 138,933 triệu đồng/ha. Cách tính nội suy theo công thức trên như sau:

Kết quả về giá quyền sử dụng rừng   có trữ lượng 73 m3/ha là: 85,01 triệu đồng/ha.

Có thể đưa vào bảng tính Excel dùng hàm FORECAST để tính nội suy:

 

A

B

C

D

 

Khung giá trị (tr.đ)

Khung trữ lượng (m3)

Trữ lượng xác định (m3)

Hàm số xác định giá trị nội suy

 

(known _y's

(known _x's)

( x )

= FORECAST (x . A1:A2 . B1:B2)

1

41,067

51

73

(giá trị x phải đánh số trực tiếp vào công thức)

2

138,933

100

 

= 85,01 triệu đồng/ha

2. Đối với rừng trồng:

Ví dụ 2: Để xác định giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, loài cây keo lai, cấp tuổi II (năm thứ 5), mật độ xác định được là 1666 cây/ha.

Trước hết, chọn khung giá của loài cây Keo lai và mật độ 1666 cây; cấp tuổi II (năm thứ 5) nằm giữa khung giá của rừng trồng năm thứ 3 và năm thứ 6, cụ thể: Rừng trồng 3 năm tuổi = 19,3 triệu đồng; rừng trồng 6 năm tuổi = 31,7 triệu đồng

Tính bằng phương pháp nội suy:

Điều 10. Xác định tiền bồi thường thiệt hại đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng thuộc sở hữu Nhà nước

Áp dụng theo mục III, Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26 tháng 5 năm 2008 của liên Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng: tiền bồi thường thiệt hại đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng là số tiền mà người có hành vi vi phạm gây thiệt hại về rừng phải bồi thường cho Nhà nước, bao gồm giá trị lâm sản và giá trị môi trường của rừng bị thiệt hại.

- Giá trị lâm sản là giá trị của toàn bộ gỗ (cây đứng), lâm sản ngoài gỗ trên diện tích rừng bị phá gây thiệt hại về rừng;

- Giá trị môi trường được tính bằng giá trị của rừng về lâm sản nhân với hệ số k từ 2 đến 5 (tuỳ theo từng loại rừng). Hệ số k được xác định như sau:

a) Đối với rừng đặc dụng hệ số k là 5;

b) Đối với rừng phòng hộ hệ số k là 4;

c) Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên hệ số k là 3;

d) Đối với rừng sản xuất là rừng trồng hệ số k là 2.

Điều 11. Điều chỉnh giá các loại rừng

Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh giá các loại rừng khi các yếu tố giá cả và các yếu tố khác thay đổi làm ảnh hưởng tăng hoặc giảm giá trị lâm sản, giá giao, cho thuê quyền sử dụng rừng, tiền bồi thường rừng và giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trên 20% liên tục trong thời gian 6 tháng trở lên thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để sửa đổi và điều chỉnh lại trong thời gian sớm nhất.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phối hợp với Sở Tài chính, hướng dẫn triển khai đến các đơn vị, địa phương Quy định giá các loại rừng này để áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức cá nhân về trình tự thủ tục thực hiện giao, cho thuê rừng, thu hồi rừng; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định về giá các loại rừng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

2. Sở Tài chính: hướng dẫn việc thu và quản lý sử dụng nguồn thu từ việc giao rừng, cho thuê rừng, bồi thường rừng, thu hồi rừng theo các quy định hiện hành; hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có quản lý rừng trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và một số nội dung có liên quan khác.

Theo dõi biến động giá chuyển nhượng, cho thuê trên thị trường hoặc giá giao dịch (giữa Nhà nước và chủ rừng) về quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng trên thị trường để phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

3. Các sở, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố: có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trong quá trình triển khai thực hiện.

4. Các Công ty Lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng và các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng, cho thuê rừng: thực hiện những nội dung có liên quan theo quy định.

Điều 13. Giao cho Hội đồng định giá cho thuê rừng, giao rừng, căn cứ vào Quy định giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận kèm theo Quyết định này, để thẩm định giá giao vốn rừng, thu hồi rừng và giao, cho thuê quyền sử dụng rừng của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để thực hiện./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2011/QĐ-UBND Quy định về giá rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 08/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/05/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tiến Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản