Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2009/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 21 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NƯỚC LỢ THEO HƯỚNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TẠI QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 08/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình NTTS đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 126/2005/QĐ-TTg ngày 01/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và hải đảo;

Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 2855/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Căn cứ Nghị quyết 82/2007/NQ-HĐND ngày 25/4/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản Quảng Nam giai đoạn 2007-2010;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp &PTNT tại tờ tình số: 109/TTr-NN&PTNT ngày 24 tháng 3 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Quản lý nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng dựa vào cộng đồng tại Quảng Nam đến năm 2015”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp &PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NƯỚC LỢ THEO HƯỚNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TẠI QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2009/QĐ-UBND ngày 21 / 4 /2009 của UBND tỉnh Quảng Nam)

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nuôi thủy sản nước lợ tại Quảng Nam tập trung ở 6 huyện, thành phố ven biển, dọc theo các sông chính: Trường Giang, Thu Bồn và Tam Kỳ. Diện tích nuôi thủy sản nước lợ năm 2005 trên toàn tỉnh khoảng 2.500 ha, trong đó nuôi tôm sú chiếm trên 95% diện tích, còn lại là nuôi các đối tượng khác. Đến năm 2007, diện tích nuôi thủy sản nước lợ còn 2.400 ha và đến năm 2008, diện tích giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000 ha. Một trong những nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi thủy sản nước lợ là do môi trường nuôi tôm sú bị thoái hoá, xuống cấp nên một số nông hộ không đầu tư nuôi tiếp; mặt khác, một số ao nuôi bị ảnh hưởng do qui hoạch của các ngành kinh tế khác nên đã làm giảm diện tích nuôi thủy sản nước lợ.

Tuy nhiên, từ năm 2007, 2008; những hộ có điều kiện về kinh tế đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, từ 200 ha nuôi năm 2006, đến năm 2008 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 880 ha, tổng sản lượng NTTS nước lợ đạt 8.500 tấn, đạt 243% kế hoạch năm và doanh thu khoảng 397 tỷ đồng.

Tổng số hộ tham gia vào nuôi tôm nước lợ hiện có khoảng 6.700 hộ với diện tích ao nuôi trung bình từ 3.000 - 4.000 m2/hộ. Những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho cư dân ven sông, ven biển và có rất nhiều hộ giàu lên từ nghề nuôi thủy sản nước lợ, bộ mặt nông thôn ven biển ngày càng có sự thay đổi rõ rệt.

Song, quá trình phát triển nuôi tôm phần nhiều có tính tự phát, vấn đề lấy và xả nước trong thời gian nuôi phần nhiều là mạnh ai nấy làm, việc tranh chấp giữa các nông hộ trong quá trình sản xuất còn xảy ra. Khi ao có tôm nuôi bị dịch bệnh, những nông hộ thường tự ý thải nước ra môi trường bên ngoài mà chưa được xử lý, ...do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất dễ xảy ra đối với tôm nuôi.

Một thực tế hiện nay là những người nuôi tôm của tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều thách thức, đó là:

- Giá trị con tôm sú ngày càng giảm;

- Giá sản phẩm đầu vào tăng cao;

- Chất lượng nguồn nước trong các ao nuôi ngày càng khó kiểm soát;

- Bệnh đối với tôm nuôi thường xuyên xuất hiện;

- Thị trường tiêu thụ yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Những thách thức trên ảnh hưởng rất lớn đến những người nuôi qui mô nhỏ vì họ thường hạn chế về kỹ thuật nuôi và các nguồn lực (tiền, đất đai, thông tin, cơ sở hạ tầng ao nuôi chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật…), đặc biệt là giá bán sản phẩm thường thấp hơn đối những người nuôi với quy mô lớn. Do vậy, để giải quyết các khó khăn này đối với người nuôi tôm thì họ phải làm việc, tổ chức sản xuất theo quản lý dựa vào cộng đồng để nâng cao sức mạnh trong việc mua và bán sản phẩm, quản lý môi trường ao nuôi, vùng nuôi tốt hơn, giảm rủi ro và đảm bảo an toàn sản phẩm. Do vậy, xây dựng đề án nuôi thủy sản nước lợ theo hướng quản lý dựa vào cộng đồng là vô cùng cần thiết, phù hợp với yêu cầu đổi mới và hội nhập.

PHẦN I:

CƠ SỞ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý:

- Nghị quyết 09/2000/NQ-CP ngày 15/06/2000 của Chính phủ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 08/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình NTTS đến năm 2010.

- Quyết định số 112/2004/QĐ-TTg ngày 23/06/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển giống thuỷ sản.

- Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

- Quyết định số 126/2005/QĐ-TTg ngày 01/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và hải đảo.

- Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

- Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26/04/2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư.

- Quyết định số 2855/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

- Nghị quyết số 82/2007/NQ-HĐND ngày 25/04/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản Quảng Nam giai đoạn (2007-2010).

- Chương trình công tác và Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 của UBND tỉnh.

2. Tiềm năng, lợi thế

Quảng Nam có 125 km đường bờ biển, tập trung ở 6 huyện, thành phố ven biển. Vùng đồng bằng ven biển có địa hình tương đối bằng phẳng, dải ven biển tương đối thoải, có các sông chính chảy qua như: sông Trường Giang, Tam Kỳ, Thu Bồn và đổ về 2 cửa (cửa Đại và cửa An Hòa) tạo thành vùng nước mặn, lợ rộng lớn.

Tổng diện tích có khả năng phát triển nuôi thủy sản nước lợ trên toàn tỉnh khoảng 6.000 ha, chưa kể hàng trăm ha vùng đất cát ven biển có thể phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng... Hiện nay, diện tích nuôi nước lợ khoảng 2.000 ha, với đối tượng nuôi chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra còn nuôi xen vụ với cua xanh, cá để đa dạng hóa đối tượng nuôi và hạn chế dịch bệnh khi nuôi tôm liên tục môi trường bị suy thoái.

Với lợi thế về chiều dài bờ biển, nguồn nước ít chịu ảnh hưởng bởi hàm lượng phù sa từ đất liền chảy ra nên nước biển trong sạch, độ mặn cao và ổn định. Trong năm 2008-2009, từ chương trình giống NTTS, Bộ Nông nghiệp &PTNT đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung tại Quảng Nam; đây là điều kiện thuận lợi để nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển.

3. Hiện trạng nuôi trồng thủy sản nước lợ

3.1. Kết quả NTTS nước lợ trong ao đất

Đối tượng nuôi thủy sản nước lợ gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh, rô phi, cá chẽm trong đó nuôi tôm sú chiếm diện tích lớn. Năm 2003, diện tích nuôi nước lợ là 2.326 ha, sản lượng thu hoạch 1.800 tấn; năm 2006, tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ trên toàn tỉnh là 2.593 ha, với sản lượng thu hoạch là 3.550 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 2.337 ha (chiếm trên 90% tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ), sản lượng 3.405,7 tấn (chiếm khoảng 96% sản lượng).

Năm 2008, do hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm thẻ chân trắng và việc nuôi tôm sú ngày còn gặp nhiều khó khăn do giá thành thấp, chất lượng giống không đảm bảo, bệnh tôm nuôi thường xuyên xảy ra, người nuôi bị thua lỗ nhiều năm liền, nên nhiều nông hộ đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng từ diện tích ao nuôi tôm sú; diện tích nuôi tôm thẻ năm 2007 là 200 ha với sản lượng trên 1.000 tấn; riêng năm 2008, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 880 ha với sản lượng đạt được 7.500 tấn (chiếm trên 88% tổng sản lượng thủy sản nước lợ), tổng sản lượng năm nuôi tôm nước lợ năm 2008 đạt 8.500 tấn.

3.2. Nuôi thủy sản nước lợ trên cát:

Nuôi tôm trên cát được thực hiện từ năm 2001 với con tôm sú, qui mô khoảng 2 ha nhưng hiệu quả kinh tế không cao; đến năm 2004, các ao nuôi này được chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đã thể hiện hiệu quả rõ rệt. Năm 2004, diện tích nuôi trên cát chỉ có 5 ha, đến đầu năm 2007 diện tích này đã tăng lên 15 ha với năng suất bình quân đạt từ 12-15 tấn/ha/vụ (mỗi năm nuôi từ 2-3 vụ). Nuôi tôm trên cát (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng) đã đem lại hiệu quả cao, thời gian nuôi ngắn (trung bình 3 tháng/vụ), tôm nuôi ít bệnh (nếu chọn đàn giống có chất lượng); trung bình mỗi ha nuôi cho lãi ròng từ 120-150 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên việc nuôi đối tượng này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư phải lớn. Mặc khác, nếu phát triển một cách tự phát, manh mún, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đầu tư đồng bộ... sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và các hệ lụy khác sẽ xảy ra nếu như không có các giải pháp hữu hiệu.

3.3. Tình hình sản xuất và cung ứng giống thủy sản nước lợ

Diễn biến sản xuất giống tôm sú giai đoạn 2001 - 2008

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2001

Năm 2002

Năm 2003

Năm 2004

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Số trại giống

Trại

260

260

264

264

264

213

213

105

Số tôm giống P.15

Tr.con

520

720

825

850

1000

950

1150

400

Về lĩnh vực sản xuất tôm sú giống, từ năm 2001 đến năm 2005 số trại tôm giống không tăng, sản lượng tôm giống ở mức ổn định. Năm 2006, một số trại tôm sú giống không hoạt động. Đến năm 2008, do chủ trương của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp& PTNT) cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh ven biển Miền Trung nên các nông hộ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, cho nên nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng tăng cao trong khi đó nhu cầu giống tôm sú giảm sút, các chủ cơ sở sản xuất tôm sú giống khó tiêu thụ sản phẩm, giá con giống thấp; trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao, các trại hoạt động không có hiệu quả nên sản xuất cầm chừng. Năm 2008, chỉ có 50% số trại hoạt động.

Trước nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng đang tăng cao, trong khi đó tỉnh chưa có cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, một số cơ sở thực hiện việc lưu giữ tôm giống sau đó bán cho các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh, một số nông hộ tự mua tôm giống từ các tỉnh khác chuyển về, vì thế việc kiểm tra và quản lý chất lượng con giống rất khó. Mặc khác, ý thức của người nuôi trong việc kiểm tra xét nghiệm con giống trước khi nuôi còn rất thấp, hầu hết các nông hộ nuôi qui mô nhỏ không kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả nuôi, do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả trong nuôi tôm.

3.4. Về tình hình dịch bệnh:

Ngay từ những năm tách tỉnh, khi mà lịch thời vụ chưa được áp dụng, hiện trạng tôm nuôi bị dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho các hộ nuôi tôm, mặc dù môi trường nguồn nước tương đối trong sạch, nghề nuôi tôm mới vừa phát triển, diện tích nuôi ít.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, Sở Thủy sản (nay là Sở Nông nghiệp và PTNT) đã phối hợp với trường Đại học thủy sản Nha trang (nay là ĐH Nha trang) nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh ban hành lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2003 và những năm đến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; trong đó nêu rõ: Từ năm 2003, mùa vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh chỉ thực hiện 2 vụ nuôi/năm (một vụ chính và một vụ phụ). Thời gian nuôi bắt đầu từ 15/3 và kết thúc thu hoạch xong trước 30/10 dương lịch trong năm. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nuôi tôm trên cát ven biển, những khu nuôi tôm công nghiệp có đủ các điều kiện (nguồn nước cấp và nước thải độc lập), đầu tư đầy đủ máy móc thiết bị cần thiết, trình độ thâm canh cao,... có thể bố trí mùa vụ nuôi tôm quanh năm.

Nhờ đó, từ sau những năm 2003, dịch bệnh và thiệt hại trên tôm nuôi giảm. Tuy vậy, hàng năm vẫn còn nhiều nông hộ thả tôm nuôi trước lịch thời vụ quy định đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, phòng ngừa dịch bệnh chung.

Tình hình bệnh tôm nuôi trong các năm từ (2003 - 2008):

Các giá trị

ĐVT

Năm 2003

Năm 2004

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Diện tích tôm thả nuôi

ha

2326

2386

2500

2337

2561

1998

Diện tích tôm nuôi bị bệnh

ha

1500

150

70

120

15

117

Tổng sản lượng thu hoạch

tấn

1700

3011

3250

3405

3742

8500

Giá trị thiệt hại

tỷ đồng

20

6

2

3

150

1,1

Để giảm một cách thấp nhất dịch bệnh trên trên tôm nuôi, hàng năm, nhất là từ năm 2003 trở về sau, ngành thủy sản đã có thông báo về quy định mùa vụ thả tôm sú giống, tập huấn kỹ thuật nuôi an toàn, tuyên truyền và xử phạt các trường hợp vi phạm thả tôm giống nuôi sớm hơn quy định, các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, khi tôm nuôi bị dịch bệnh, ngành thủy sản kết hợp cùng với chính quyền địa phương tiến hành khoanh vùng nuôi, xử lý hóa chất cho các ao nuôi có tôm bị dịch bệnh trước khi thải nước ra môi trường. Sự kết hợp của nhiều biện pháp và sự hiểu biết, chấp hành lịch thời vụ thả tôm nuôi đã góp phần làm giảm diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, nhất là ở các năm sau. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý các hộ nuôi tôm trước lịch thời vụ vẫn chưa được thực hiện vì chưa có văn bản pháp lý quy định việc này, chủ yếu là công tác tuyên truyền và lý giải về cơ sở khoa học để người nuôi triển khai. Bằng chứng là trong năm 2008, khi mà không khí lạnh kéo dài đến tháng 3 âm lịch thì việc thực hiện đúng lịch thời vụ là yếu tố để đem lại sự thành công của vụ nuôi. Để làm tốt vấn đề này đòi hỏi phải nâng cao nhận thức cộng đồng triển khai phương thức tổ chức sản xuất theo hướng dựa vào cộng đồng.

4. Tình hình thành lập và hình thành các tổ nuôi tôm nước lợ theo hướng quản lý cộng đồng tại Quảng Nam:

Để hạn chế tình trạng tôm nuôi bị bệnh (mà hầu hết là các trường hợp thả tôm giống sớm hơn lịch thời vụ) và tăng giá bán sản phẩm tôm nuôi sau khi thu hoạch, bảo vệ môi trường... Sở Thủy sản (nay là Sở Nông nghiệp &PTNT) đã cùng với chính quyền địa phương vận động và tuyên truyền người dân sản xuất NTTS phải dựa vào cộng đồng nhằm giúp đỡ nhau trong sản xuất, phòng chống dịch bệnh,... nhất là tại các vùng nuôi thủy sản tập trung. Việc thành lập các tổ nuôi tôm nước lợ theo hướng quản lý cộng đồng cũng nhằm mục đích xây dựng thương hiệu vùng nuôi sinh thái, vùng nuôi sạch để góp phần cùng nhau tạo sức mạnh trong việc tiêu thụ sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Phương pháp quản lý trên cơ sở cộng đồng là hướng dẫn cộng đồng dân cư cùng nhau giải quyết vấn đề môi trường, tổ chức nuôi dưới sự phối hợp của các chuyên gia và người dân địa phương, phát triển kế hoạch nuôi và quản lý theo hướng bền vững. Đồng thời là cầu nối giữa nhân dân địa phương và các nhà Khoa học, nhà quản lý trong việc tiếp cận thông tin khoa học, kiến thức về kỹ thuật nuôi. Trên cơ sở các vùng cùng có các điều kiện sinh thái tương đồng nhau thì hướng dẫn người dân thành lập tổ cộng đồng trong NTTS (đã được sự đồng thuận cao của các hộ nông ngư dân trong vùng).

Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 29 tổ cộng đồng trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ với 884 hộ tham gia. Các tổ này đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi cụ thể như: tổ cộng đồng vùng Hóc Rộ - Cẩm Thanh (Hội An), Bản Long - Tam Tiến (Núi Thành), các tổ ở Duy Vinh, Duy Thành (huyện Duy Xuyên),...

Qua thành lập các tổ cộng đồng, người dân phối hợp với nhau trong việc kiểm tra, xét nghiệm con giống, cải tạo ao, hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất... Ngoài ra, các hộ tham gia trong tổ cộng đồng có tính giác ngộ rất cao, khi có trường hợp tôm nuôi bị bệnh, chủ hộ đóng cống, giam nước và báo cho các hộ có nuôi tôm chung quanh để phòng ngừa đồng thời báo cho cơ quan chức năng để xử lý.

Nhìn chung, việc hình thành các tổ cộng đồng đã phát huy được hiệu quả như: Người dân cùng nhau đi mua tôm để kiểm tra chất lượng con giống, chọn được đàn tôm có chất lượng tốt, cùng nhau cải tạo ao nuôi, giúp đỡ nhau trong sản xuất, liên kết nhau trong việc mua nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm, xử lý và phòng ngừa dịch bệnh...

Qua thực tế triển khai, các tổ cộng đồng khi hoạt động còn gặp rất nhiều khó khăn như: việc cải tạo ao nuôi đồng loạt sẽ thiếu nhân công cải tạo ao nuôi trong vùng (do người dân tự mượn công lẫn nhau trong sản xuất), chưa tự nguyện góp vốn để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và nhất là khi có trường hợp tôm bị bệnh chết trên diện rộng, thì không có khả năng mua hóa chất xử lý nên vấn đề lây lan còn xảy ra. Do vậy, cần phải sắp xếp lại cách thức hoạt động của các tổ cộng đồng hiện có để cũng cố phát triển, làm cơ sở nhân rộng hơn.

5. Một số vấn đề tồn tại trong NTTS nước lợ hiện nay:

Thực tế cho thấy tỉnh ta có tiềm năng lớn về nguồn lực tự nhiên cũng như kinh tế xã hội trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tỷ trọng sản lượng cũng như giá trị hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra vì những khó khăn, tồn tại sau:

- Hầu hết công trình các ao nuôi không có ao chứa lắng, các hộ nuôi ít xử lý nước trước khi nuôi nên mầm bệnh dễ dàng xuất hiện. Các vùng nuôi có chung một hệ thống cấp, thoát nước, mọi nguồn nước thải của việc nuôi đều đổ ra lại nơi cấp nước. Do vậy, việc tái sử dụng nước kém chất lượng là tất yếu, dễ lây lan dịch bệnh.

- Vấn đề thoái hóa đất ở các ao nuôi tôm sú; hầu hết rơi vào các ao nuôi có độ sâu mực nước thấp, ao nuôi bị thẩm lậu không thể giữ được nước, cơ sở hạ tầng vùng nuôi sơ sài, bờ ao nuôi không đảm bảo,...

- Vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản nước lợ ngày càng báo động, nhưng hệ thống quan trắc, cảnh báo còn nhiều hạn chế (thiếu thiết bị, con người…); công tác thông tin, dự báo, ngăn ngừa và xử lý tôm nuôi bị dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, chưa kịp thời, khi ao nuôi bị dịch bệnh thì việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí, công tác xét nghiệm còn chậm trễ.

- Công tác qui hoạch của các ngành và qui hoạch của địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân. Hiện tại, đất dọc ven biển, một số ao nuôi thủy sản nước lợ đang canh tác ở một số nơi được chính quyền địa phương công bố là qui hoạch cho du lịch, khu kinh tế mở, khu đô thị mới...Mặc dù việc công bố qui hoạch đã thực hiện từ các năm trước nhưng đến bây giờ thì vẫn chưa thực hiện, mặt trái của vấn đề này là: Người dân không dám đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để tổ chức nuôi mà chỉ cải tạo ao sơ sài, không nạo vét bờ và đáy ao nuôi, tu bổ công trình nhưng vẫn cứ nuôi tôm cho dù ao nuôi không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, chỉ trông chờ vào sự may mắn trong sản xuất. Kết quả là nuôi tôm bị dịch bệnh, thua lỗ. Tình trạng này bắt gặp ở xã Cẩm Châu, Đồng Muối - Cẩm Thanh, Phường Cửa Đại và các địa phương thuộc vùng kinh tế mở Chu Lai như Tam Hòa, Tam Hiệp, Thị trấn Núi Thành... thuộc huyện Núi Thành. Các vùng nuôi tôm mà địa phương công bố qui hoạch thì việc nuôi tôm hầu như không có hiệu quả, tôm nuôi bị dịch bệnh, chậm phát triển. Đối với các địa phương khác có vùng nuôi tôm ổn định, không bị ảnh hưởng bởi qui hoạch các ngành khác, người dân quan tâm đầu tư vào ao nuôi thì tôm nuôi phát triển rất nhanh, nhiều hộ có lãi như: xã Tam Tiến - Núi Thành, Tam Phú - Tam Kỳ, huyện Điện Bàn và các xã thuộc huyện Thăng Bình...

- Vấn đề con giống có số lượng, chất lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là con giống chủ lực (tôm thẻ chân trắng, tôm sú chất lượng cao). Đa phần các trại sản xuất giống thuỷ sản phân tán, cơ sở hạ tầng còn thô sơ, sự tự giác và ý thức của người dân còn kém; thiết bị, con người làm công tác kiểm dịch còn thiếu cho nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát chất lượng con giống đưa vào nuôi. Người dân chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi, rất chủ quan trong việc chọn tôm giống, chủ yếu là chọn tôm theo cảm quan, chưa có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc xét nghiệm tôm giống.

- Vấn đề nắm bắt thông tin từ vùng nuôi đến nhà quản lý còn rất chậm, một phần chưa có hệ thống chân rết trong quản lý thủy sản ở cấp cơ sở, nhất là trong trường hợp tôm nuôi bị dịch bệnh để xử lý kịp thời, do vậy khi dịch bệnh lây lan thì mới phát hiện và xử lý.

- Vấn đề thông tin về thị trường, tình hình xuất khẩu, vấn đề định hướng đối tượng nuôi có giá trị xuất khẩu còn chưa kịp thời. Con tôm sú là đối tượng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong các năm qua thì đầu năm 2008 đang gặp bế tắc về đầu ra. Ở Quảng Nam, người nông dân nuôi tôm sú chủ yếu là bán chợ với số lượng rất hạn chế và giá thấp, mặc dù trong quá trình nuôi không xảy ra dịch bệnh nhưng vụ 1 năm 2008, người nuôi may lắm là huề vốn hoặc có lãi nhưng không cao, còn đại đa số là thua lỗ do không có đầu ra. Một số nông hộ nuôi đối tượng mới (cá chẽm, cá măng, cá dìa,…) với qui mô nhỏ lẻ thì cũng khó có khả năng tạo sản lượng lớn để cho các cơ sở thu mua chế biến xuất khẩu. Do vậy, cần phải tập hợp nông hộ trong vùng nuôi cùng một đối tượng thì mới có khả năng tạo sản lượng lớn cho chế biến xuất khẩu.

- Người NTTS chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ nhà nước về hỗ trợ cho động vật nuôi thủy sản khi ao nuôi bị dịch bệnh, bị thất thoát do thiên tai (bão, lũ...) nên cũng là trở ngại trong việc tập hợp người dân tổ chức sản xuất cộng đồng.

Như vậy, sự khó khăn trong việc định hướng đối tượng nuôi, nguồn vốn đầu tư, công trình ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa đảm bảo, ảnh hưởng của qui hoạch, thiếu trang thiết bị cho nuôi tôm, hình thức nuôi nhỏ, đầu tư thấp...làm cho môi trường ô nhiễm, bệnh tôm còn xảy ra nhiều, hiệu quả kinh tế nuôi tôm còn thấp... Để giải quyết vấn đề trên thì cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc qui hoạch lại hệ thống nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cần thiết cho nuôi tôm và nhất là các nông hộ phải trang bị về kỹ thuật nuôi tôm, cách quản lý môi trường tổng hợp và đặc biệt là cách thức tổ chức sản xuất trong cộng động.

Vì vậy, tổ chức lại các nhóm hộ theo hướng tự quản là chủ trương đúng đắn để nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân, đồng thời là giải pháp hữu hiệu để tạo ra sức mạnh phối hợp giúp đỡ nhau trong tổ chức sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, bền vững về môi trường là vấn đề rất cần thiết.

PHẦN II

MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU, NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NUÔI THỦY SẢN NƯỚC LỢ THEO HƯỚNG QUẢN LÝ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CỦA ĐỀ ÁN:

1. Mục tiêu tổng quát:

Phát triển nuôi thủy sản nước lợ theo hướng bền vững, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề nuôi thủy sản nước lợ.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Thực hiện hoàn thành việc sắp xếp các hộ sản xuất theo tổ cộng đồng, đến năm

2010 xây dựng khoảng 111 tổ, đến năm 2015 xây dựng được 176 tổ với khoảng 5.250 hộ tham gia (chiếm khoảng 79% số hộ nuôi hiện nay), cụ thể:

TT

Địa phương

DT mặt nước nuôi đến năm 2008

Số hộ tham gia NTTS nước lợ (hộ)

Đã thành lập đến năm 2008

Giai đoạn 2009-2010

Giai đoạn 2011-2015

Số tổ

Số hộ

Số tổ

Số hộ

Số tổ

Số hộ

1

Núi Thành

1.575

4319

13

672

19

1777

6

1030

2

Tam Kỳ

197

836

0

0

38

410

39

420

3

Thăng Bình

245

716

0

0

15

200

15

200

4

Duy Xuyên

94

250

9

95

5

100

0

0

5

Hội An

233

505

7

117

4

100

5

120

6

Điện Bàn

10

15

 

 

1

15

 

 

Tổng

2.354

6.641

29

884

82

2.602

65

1.770

- Đến năm 2010 xây dựng khoảng 10 mô hình nuôi thủy sản theo hướng bền vững dựa vào cộng đồng và từng bước xây dựng thương hiệu, công bố vùng nuôi an toàn để góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Đến năm 2015, hoàn thiện 15 mô hình và hoàn chỉnh việc xây dựng thương hiệu, công bố vùng nuôi an toàn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chí quy định. Các mô hình nuôi thủy sản bền vững được triển khai ở các tổ cộng đồng đã được thành lập để hướng dẫn kỹ thuật và cách thức tổ chức nuôi trồng thủy sản theo tổ, qui trình thực hiện công bố vùng nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, vùng nuôi an toàn.

- Tập huấn kỹ thuật gắn với trình diễn đầu bờ ở các mô hình để nông ngư dân các vùng học tập kinh nghiệm lẫn nhau, mỗi tổ một lớp tập huấn kỹ thuật.

- Xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin từ các tổ trưởng cộng đồng đến người sản xuất và nhà quản lý.

- Hỗ trợ một số thiết bị đo môi trường chủ yếu cho các tổ cộng đồng, đồng thời hỗ trợ cho các tổ trong việc kiểm tra xét nghiệm mẫu và cử cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình.

II. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

Phương pháp quản lý dựa vào cộng đồng là hướng dẫn cộng đồng dân cư cùng nhau giải quyết vấn đề môi trường, tổ chức nuôi dưới sự phối hợp của các chuyên gia với người dân địa phương, phát triển kế hoạch nuôi và quản lý theo hướng bền vững. Đồng thời là cầu nối giữa nhân dân địa phương và các nhà Khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin khoa học, kiến thức về kỹ thuật nuôi và đầu ra của sản phẩm.

1. Nội dung chính của đề án gồm

1.1. Phối hợp với chính quyền địa phương để nắm bắt hiện trạng ao hồ, điều kiện thổ nhưỡng, phân vùng và phân nhóm, định hướng đối tượng nuôi để hình thành nên các tổ sản xuất.

1.2. Thành lập các tổ cộng đồng trong vùng nuôi, xây dựng các qui ước, hương ước và các cam kết ràng buộc khi các thành viên tham gia vào các tổ cộng đồng.

1.3. Thực hiện hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ xét nghiệm mẫu tôm giống và hỗ trợ một số thiết bị đo môi trường chủ yếu để các tổ quản lý và sử dụng.

1.4. Hướng dẫn xây dựng thương hiệu và đăng ký sản phẩm về vùng nuôi an toàn, vùng nuôi sạch.

1.5. Tập huấn kỹ thuật cho các tổ cộng đồng

1.6. Xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin từ các tổ cộng đồng đến chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để nắm bắt thông tin và hỗ trợ kỹ thuật đến người nuôi, xây dựng mạng lưới khuyến ngư viên tình nguyện đến các tổ cộng đồng.

* Về nguyên tắc thành lập các tổ cộng đồng:

Tổ cộng đồng được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện. Các tổ trưởng là những mạng lưới chân rết trong việc tiếp nhận các thông tin và phổ biến đến các thành viên trong tổ. Các thành viên tham gia góp quỹ để hỗ trợ sản xuất, chia sẻ rũi ro…

* Cơ sở thành lập 1 tổ cộng đồng: Trên cơ sở số liệu điều tra, hiện trạng vùng nuôi, những vùng có cùng điều kiện sinh thái, cùng hệ thống cấp thoát nước tương đối tương đồng về các yếu tố thủy lý, thủy hóa thì nhóm thành một tổ trên cơ sở cùng nhau nuôi một đối tượng chính.

Các tổ cộng đồng được thành lập có sự xác nhận của chính quyền địa phương (UBND xã, phường) và luôn được kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện để đảm bảo thực thi qui ước nội bộ của tổ cộng đồng và các quy định pháp luật liên quan.

2. Các hoạt động đi kèm

2.1. Xây dựng các mô hình quản lý mẫu, hỗ trợ kỹ thuật:

- Trên cơ sở các tổ cộng đồng được thành lập, cơ quan chuyên ngành sẽ cử cán bộ kỹ thuật theo dõi và chỉ đạo kỹ thuật, xây dựng các mô hình khi các tổ cộng đồng triển khai sản xuất.

- Tiến hành đánh giá năng lực kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất để sắp xếp nhu cầu đào tạo nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển.

- Đào tạo kỹ năng quản lý và tổ chức sản xuất của các tổ trưởng cộng đồng, xây dựng đội ngũ khuyến ngư viên tự nguyện.

- Tác động kỹ thuật trong việc tổ chức sản xuất theo hướng cộng đồng để đánh giá hiệu quả và tính bền vững.

2.2. Xây dựng mô hình quản lý thực hành nuôi trồng thủy sản tốt hơn, nuôi có trách nhiệm để từng bước xây dựng và quảng bá thương hiệu.

2.3. Tổng kết, nhân rộng mô hình: Đánh giá hiệu quả của các tổ cộng đồng, rút ra những ưu, khuyết điểm để khắc phục và thực hiện có hiệu quả hơn ở lần sau.

III. PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC, TIẾP CẬN VÀ TRIỂN KHAI:

1. Phương thức tổ chức:

* Đặc trưng của mô hình quản lý trên cơ sở cộng đồng:

- Cơ chế quản lý trong tổ chức cộng đồng là tự quản lý tài nguyên mặt nước và vùng NTTS có chỉ đạo tổ chức sản xuất của Nhà nước và sự tham gia quản lý của người dân địa phương.

- Công cụ để quản lý: Văn bản pháp luật của Nhà nước, các quy định của cộng đồng (các hương ước).

* Đối tượng nghiên cứu: Lấy nông dân làm đối tượng nghiên cứu trên cơ sở quản lý nuôi trồng, nguồn lợi thủy sản và quản lý xã hội.

2. Phương pháp tiếp cận và triển khai:

2.1. Phương pháp thu thập thông tin:

Qua trao đổi với cán bộ tại địa phương, phỏng vấn trực tiếp người nuôi, đi thực tế hiện trường kết hợp với sử dụng các số liệu lưu trữ để thu thập: Diện tích, cơ sở hạ tầng vùng nuôi, hiện trạng cấp thoát nước, hiện trạng sản xuất của vùng, sơ lược môi trường, các đối tượng nuôi chủ yếu, mùa vụ,… để định hướng đối tượng nuôi trong vùng, qui mô thành lập các tổ, chọn tổ xây dựng mô hình nuôi sạch bệnh và từng bước xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm an toàn, vùng nuôi an toàn và quảng bá sản phẩm.

2.2. Phương pháp tổ chức và phát triển cộng đồng:

- Xây dựng quy chế tổ chức nuôi trồng thủy sản theo hướng cộng đồng, xây dựng các hương ước, cụ thể như:

+ Tổ chức thông tin tuyên truyền nêu rõ sự cần thiết phải gia nhập vào tổ cộng đồng để người dân tự nguyện gia nhập.

+ Hướng dẫn, xúc tiến thành lập các tổ cộng đồng trong vùng theo từng điều kiện sinh thái.

- Xây dựng các mô hình nuôi theo hướng bền vững, tạo đa dạng sinh học cao: nuôi tôm, nhuyễn thể, trồng rong biển, nuôi cá,…

- Hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng để tổ chức nuôi có hiệu quả như: hỗ trợ nghiên cứu thị trường đầu vào và thị trường đầu ra để có kế hoạch phát triển nuôi, xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin.

- Hỗ trợ các thiết bị đo môi trường chủ yếu, hỗ trợ chi phí xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi và xét nghiệm mẫu tôm giống định kỳ trong chu kỳ nuôi.

- Xây dựng các mô hình nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, vùng nuôi an toàn, từng bước đăng ký và quảng bá thương hiệu làm cơ sở nhân rộng mô hình.

2.3. Thông tin và đào tạo:

- Xây dựng các biểu mẫu về các tổ cộng đồng để thực hiện công tác báo cáo định kỳ về tình hình sản xuất theo tuần, tháng, vụ nuôi.

- Xây dựng các bộ tài liệu phân phát đến các hộ nuôi phù hợp với từng tổ để nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất.

- Phổ biến các kết quả nghiên cứu cho ngư dân. Nâng cao nhận thức về phát triển tổ chức nuôi theo tổ gắn với bảo vệ môi trường. Tập huấn các phương pháp nuôi an toàn không ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản.

- Tổ chức tham quan các mô hình, các tổ chức cộng đồng hoạt động có hiệu quả để học tập kinh nghiệm.

- Theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật cho các mô hình.

- Đào tạo các nghề nuôi mới theo nhóm nghề nhằm cải thiện các hoạt động sinh kế.

2.4. Xây dựng các mối liên kết lâu dài:

- Mối liên kết giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp với các tổ cộng đồng: là nơi truyền bá thông tin khoa học, giá cả sản phẩm và quản lý đến các nông ngư dân nhanh nhất.

- Mối liên kết giữa các tổ cộng đồng trong thôn, xã, phường nhằm phối hợp trong tổ chức sản xuất, thông tin về thị trường.

- Mối liên kết giữa các cộng đồng lân cận.

IV. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

Để thực hiện đề án theo các yêu cầu như trên thì cần nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước phân theo từng giai đoạn như sau:

ĐVT: triệu đồng

TT

Nội dung

Diễn giải

Đến năm 2010

Đến năm 2015

Tổng

Số lượng

Thành tiền

Số lượng

Thành tiền

1

Hỗ trợ các thiết bị đo môi trường cho các tổ (gồm máy đo pH nước, đất, dụng cụ đo độ mặn)

Mỗi tổ sẽ hỗ trợ 1 bộ thiết bị đo môi trường chủ yếu khoảng 5 triệu đồng/bộ/tổ.

111

555

65

325

880

2

Hỗ trợ xét nghiệm mẫu tôm giống đầu vụ và xét nghiệm mẫu TS và MT trong quá trình nuôi nuôi

Mỗi tổ sẽ hỗ trợ để xét nghiệm 10 mẫu kiểm tra tôm giống đầu vụ và 15 mẫu kiểm tra trong quá trình nuôi, tương ứng 25 mẫu/tổ x 200.000 VND/mẫu = 5 triệu đồng/tổ

111 tổ

555

65

325

880

3

Tập huấn kỹ thuật cho các tổ

2 triệu đồng/tổ

111 tổ

222

65

130

352

4

Hỗ trợ chi phí đi lại cho cán bộ theo dõi mô hình

Trung bình 500.000 đồng/tổ.

111

55,5

65

32,5

88

5

Xây dựng mô hình Nuôi thủy sản nước lợ theo hướng cộng đồng và từng bước xây dựng thương hiệu vùng nuôi an toàn, có chứng nhận cơ sở NTTS theo hướng bền vững (BMP, GAP, CoC)

Trung bình 1 mô hình 20 triệu, bao gồm hỗ trợ tài liệu, hồ sơ ghi chép, đăng ký và xây dựng thương hiệu, thủ tục cấp giấy chứng nhận

10 Mô hình

200

5

100

300

6

Kinh phí đào tạo phương pháp thực hiện và kỹ năng quản lý cho cán bộ địa phương và các tổ trưởng

Tổng cộng 10 khóa, mỗi khóa khoản 5 triệu

6

30

4

20

50

7

Kinh phí quản lý, văn phòng phẩm

10 triệu đồng/năm

 

30

 

20

50

8

Hội thảo tổng kết mô hình

2 hội thảo/kỳ x 10 triệu đồng/HT

2

20

2

20

40

Tổng cộng

 

 

1.667,5

 

972,5

2.640

Như vậy, để thực hiện đề án thì đến năm 2010 nhu cầu kinh phí là 1.667,5 triệu đồng; đến năm 2015 nhu cầu kinh phí là 972,5 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2015 là 2.640 triệu đồng. Nguồn kinh phí được bố trí từ kinh phí từ các chương trình của trung ương và ngân sách tỉnh.

V. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN:

1. Hiệu quả về môi trường:

Nhân dân có sự đồng thuận trong tổ chức sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học để quản lý môi trường ao nuôi và khơi thông hệ thống kênh mương, thực hiện các công nghệ nuôi sạch, an toàn về môi trường và dịch bệnh góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm sạch có giá trị cao, góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh xảy ra trên động vật thủy sản nuôi.

2. Hiệu quả về kinh tế:

Tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu, góp phần tạo động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao giá trị và năng suất trên một đơn vị diện tích, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

3. Hiệu quả về xã hội:

- Tạo ra sự đồng thuận cao trong cộng đồng, các mâu thuẫn trong vùng do quá trình nuôi sẽ được giải quyết, góp phần ổn định chính trị và xây dựng nông thôn mới.

- Góp phần phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn thông qua việc đầu tư, qui hoạch lại, cải tạo lại các hệ thống kênh mương.

- Người dân không còn tình trạng bỏ trống ao đìa, khơi dậy bản sắc văn hóa làng nghề NTTS thắm đượm tình đoàn kết.

- Từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng.

VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Giải pháp về tổ chức cộng đồng nuôi thủy sản nước lợ:

- Trên cơ sở các tổ cộng đồng hiện có, thực hiện chỉ đạo sản xuất có hiệu quả, cho người dân tham quan học tập để làm cơ sở tuyên truyền và nhân rộng.

- Thành lập các tổ cộng đồng trên cơ sở tự nguyện với nguyên tắc phát triển bền vững.

- Sử dụng tiết kiệm tài nguyên, các tổ cộng đồng tiến hành tổ chức nuôi theo hướng có hiệu quả kinh tế nhưng không làm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, gắn với thị trường tiêu thụ.

2. Về công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch:

- Hiện nay trên lĩnh vực nuôi tôm nước lợ UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt qui hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ các huyện, thị phố ven biển, tuy nhiên vấn đề thực thi là rất khó vì đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Do vậy, cần thực hiện qui hoạch thí điểm một hoặc vài vùng nuôi. Ví dụ, chọn những vùng có ao nuôi lộn xộn, không có hệ thống cấp thoát nước với qui mô từ 10 -20 ha để thực hiện qui hoạch và thiết kế lại vùng nuôi. Cần vận động tuyên truyền người dân góp đất để xây dựng kênh mương cấp, thoát nước. Trong thiết kế, xây dựng mới ao nuôi phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng hình thức nuôi.

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất NTTS cho nhân dân; xác định rõ khu vực nào không giao, khu vực nào giao tạm thời và khu vực nào giao đất lâu dài để người dân yên tâm đầu tư, nâng cấp công trình và thu hồi dần vốn đầu tư. Đồng thời là cơ sở để xây dựng các tổ cộng đồng, xây dựng các vùng nuôi an toàn và quảng bá thương hiệu, cần thiết kết hợp giữa NTTS với du lịch sinh thái.

- Về qui hoạch hệ thống thủy lợi: Trong NTTS, để đảm bảo vấn đề an toàn môi trường và dịch bệnh thì hệ thống cấp và thoát nước phải riêng biệt, nước được cấp vào kênh cấp lúc triều cường và thải ra kênh thoát lúc triều kém, cần thiết phải có ao xử lý môi trường ở cuối kênh cấp trước khi thải ra sông. Kênh cấp công trình phải cao hơn đấy ao và kênh thoát phải thấp hơn đáy ao. Do vậy cần phải đo đạc cẩn thận trước khi thiết kế công trình.

- Về hệ thống thủy lợi nước ngọt đối với vùng nuôi tôm nước lợ: Những vùng nuôi có độ mặn cao (trên 20%o), tập trung, cần có hệ thống thủy lợi nước ngọt để giúp vật nuôi phát triển nhanh, hạn chế dịch bệnh. Do vậy, đối với những vùng nuôi tập trung cần tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, giao thông, thủy lợi nước ngọt, hệ thống kênh cấp và thoát nước, ao xử lý nước thải.

- Vấn đề giao thông đường thủy nội địa: Những ao hồ lấn chiếm và cản trở hành lang an toàn giao thông đường thủy thì cần giải tỏa để tạo sự thông thoáng cho lòng sông và tạo hành lang thoát lũ, đồng thời là cơ sở để sự lưu thông nước giữa biển và nội địa được nhanh chóng theo thủy triều.

3. Giải pháp về đối tượng nuôi, khoa học công nghệ:

Song song với các giải pháp về qui hoạch và công trình ao nuôi, đòi hỏi cần phải có đồng bộ nhiều giải pháp khác như:

3.1. Về đối tượng nuôi: Tập trung nuôi những đối tượng có giá trị xuất khẩu, chủ động được nguồn giống (nhất là phải sinh sản nhân tạo tại chỗ). Công tác dự báo về thị trường và đối tượng nuôi cần phải được cập nhật thường xuyên để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến con giống, công tác kiểm tra chất lượng và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống để cho ra con giống có chất lượng tốt, giá cả thấp, đủ số lượng, phù hợp với mùa vụ nuôi.

3.2. Về công tác dự báo môi trường, chuyển giao KHKT:

- Công tác giám sát và cảnh báo môi trường vùng ven sông, ven biển phải kịp thời và chính xác. Chọn những vùng cửa sông, những vùng nuôi tập trung để thực hiện việc đặt các trạm quan trắc hoặc thực hiện việc thu mẫu và đánh giá chất lượng nước kết hợp với chế độ thủy triều. Tăng cường giám sát trong mùa vụ chính, nhất là trong những tháng nhạy cảm hay xảy ra dịch bệnh. Công tác dự báo môi trường cần cập nhật thường xuyên đến người nuôi tôm thông qua cơ chế linh hoạt, tránh thủ tục giấy tờ rườm rà; cần thiết thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các bản tin tại địa phương.

- Triển khai các mô hình nuôi thủy sản nước lợ theo hướng quản lý cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xúc tiến xây dựng các mô hình nuôi bền vững như: quản lý thực hành NTTS tốt hơn (BMP), GAP, CoC tiến tới việc xây dựng các vùng nuôi an toàn, bền vững, xây dựng thương hiệu.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cũng như hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời giúp nông ngư dân trong việc tính toán để giảm chi phí đầu vào của sản xuất và thường xuyên thông báo tình hình thị trường đến các hộ ngư dân trong mùa vụ sản xuất, từ đó họ có kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

- Xây dựng các mô hình nuôi thủy sản kết hợp hoặc nuôi xen để đa dạng sản phẩm và giảm sự tác động của các đối tượng nuôi đến môi trường như mô hình nuôi tôm - cá, tôm - nhuyển thể, tôm - rong biển,.... Khuyến khích các hộ nuôi 1 vụ tôm, một vụ cá để cải thiện môi trường.

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật và quản lý cho các tổ trưởng cộng đồng và các hộ nông ngư dân để nâng cao năng lực về quản lý và tổ chức sản xuất.

- Nghiên cứu và hoàn thiện các công nghệ mới về xử lý môi trường, chẩn đoán và phòng trừ dịch bệnh, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, các hình thức nuôi mới trên cơ sở hiệu quả và bền vững. Tuyên truyền các hộ không sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất bị cấm trong nuôi trồng thủy sản.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết các mô hình, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

- Cũng cố và tăng cường, nâng cao chất lượng các hoạt động khuyến ngư. Thông qua các mạng lưới khuyến ngư viên tự nguyện và các tổ trưởng cộng đồng để truyền đạt, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

4. Về chính sách và nguồn vốn đầu tư:

Đối với những hộ đạt tiêu chí kinh tế trang trại, thì áp dụng theo cơ chế phát triển kinh tế trang trại để hỗ trợ sản xuất theo cơ chế mà UBND tỉnh đã ban hành.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Khuyến khích các tổ cộng đồng góp vốn thành lập quỹ để hỗ trợ sản xuất.

Vận dụng sự giúp đỡ của các chương trình, dự án trong và ngoài nước; hoặc dưới các hình thức viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật các phương pháp nuôi có hiệu quả của các tổ chức tại các tổ cộng đồng.

Tranh thủ nguồn vốn Ngân sách của Trung ương, của tỉnh để thực hiện đề án hỗ trợ thành lập các tổ cộng đồng, đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình...

Ban hành cơ chế phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ cho các tổ cộng đồng trong trường hợp ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ.

5. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm:

Sản phẩm từ nuôi thủy sản nước lợ có thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu là rất lớn. Khuyến khích các chủ doanh nghiệp, các chủ nậu vựa ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho tổ cộng đồng.

Xúc tiến xây dựng các vùng nuôi sạch, xây dựng vùng nuôi an toàn theo các tiêu chuẩn đăng ký, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng các yêu cầu, rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu nước ngoài.

VII. TỔ CHỨC QUẢN LÝ - THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp &PTNT Quảng Nam: là cơ quan thường trực, trực tiếp phân công các đơn vị trực thuộc và phối hợp với các huyện, thành phố nghề cá ven biển trong việc triển khai thành lập và chỉ đạo sản xuất trong quá trình hình thành, phát triển các tổ cộng đồng trong từng vùng nuôi; có trách nhiệm lập phương án xây dựng cơ sở hạ tầng, hạn mục nhằm bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Trước mắt phối hợp với các địa phương trọng điểm thành lập các tổ cộng đồng thí điểm đối với nghề nuôi thủy sản nước lợ.

Tiến hành xây dựng kế hoạch, phương án và biện pháp triển khai thực hiện một cách cụ thể cho từng năm. Phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp &PTNT các huyện, thành phố, ủy ban nhân dân các xã, phường có nghề nuôi thủy sản nước lợ xây dựng đội ngũ khuyến ngư viên tự nguyện tại các tổ cộng đồng, đồng thời theo dõi hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình thí điểm trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Sở tài nguyên và Môi trường:

Cùng với các địa phương xúc tiến nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản cho nhân dân.

Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường trong sản xuất thủy sản.

3. Sở Tài chính:

Ưu tiên tăng nguồn vốn ngân sách tập trung cho phát triển nuôi trồng thủy sản; các hoạt động của công tác khuyến ngư, nhất là hỗ trợ nguồn kinh phí cho những người làm công tác Khuyến ngư viên, cộng tác viên ở các xã, phường nghề cá.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tổng hợp các nguồn vốn các dự án phát triển thủy sản, đồng thời tìm nguồn vốn và ưu tiên phân bổ vốn đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển NTTS và giống thủy sản.

5. UBND các huyện, thành nghề cá:

- Chỉ đạo các phòng ban chức năng, các tổ chức Hội, đoàn thể, UBND các xã, phường có nuôi trồng thủy sản nước lợ tuyên truyền, giáo dục để các chủ hộ hiểu rõ tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của việc tổ chức sản xuất theo tổ cộng đồng.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường tổ chức hướng dẫn, quyết định thành lập và tổ chức quản lý các tổ cộng đồng nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn xã, phường; hướng dẫn xây dựng và phê duyệt qui ước, tổ chức chỉ đạo việc cam kết ràng buộc giữa các chủ hộ, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND huyện, thị xã để tổng hợp báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp &PTNT.

VIII. KẾT LUẬN

Đề án Chiến lược quản lý nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng quản lý dựa vào cộng đồng tại Quảng Nam giai đoạn (2008-2015) đã căn cứ vào hiện trạng phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn tỉnh; tiềm năng các nguồn lực hiện có của tỉnh, tình hình thị trường và xu thế phát triển của ngành trong cả nước, của thế giới và khu vực để đưa ra những phương hướng, mục tiêu, giải pháp chủ yếu nhằm đưa lĩnh vực NTTS nước lợ phát triển theo hướng một cách bền vững, đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường, thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và tăng hiệu quả sản xuất cho người nuôi thủy sản nước lợ; góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam trong những năm đến.

Với nguyên tắc phát triển bền vững, bên cạnh dựa vào tiềm năng nội lực hiện có, rất cần sự tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đồng thời huy động được mọi nguồn lực của tỉnh để thực hiện thành công đề án quan trọng này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2009/QĐ-UBND về đề án quản lý nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng dựa vào cộng đồng tại Quảng Nam đến năm 2015

  • Số hiệu: 08/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/04/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/05/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản