HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/2007/NQ-HĐND | Tam Kỳ, ngày 25 tháng 4 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỦY SẢN QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2007-2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 906/TTr-UBND ngày 11/4/2007 của UBND tỉnh kèm theo Đề án phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2007 - 2010; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1. HĐND tỉnh cơ bản thống nhất Đề án tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2007-2010 do UBND tỉnh trình tại Tờ trình số 906/TTr-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2007 và nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:
I. Đánh giá tổng quát tình hình phát triển kinh tế thủy sản:
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25/2001/NQ-HĐND ngày 28/6/2001 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2002 -2006, ngành thủy sản Quảng Nam đã đạt được những kết quả sau:
- Tốc độ sản xuất và các chỉ tiêu kế hoạch phát triển của ngành qua các năm đều tăng trưởng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 28,07% (Nghị quyết 25 đề ra 28-30%); giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 29,27%/năm (Nghị quyết 25 đề ra 24-25%); giá trị của ngành thủy sản đạt trên 12% trong GDP của tỉnh theo giá hiện hành (Nghị quyết 25 đề ra 10%).
- Cơ sở vật chất, hạ tầng nghề cá bước đầu được tăng cường; các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thủy sản của Trung ương, của tỉnh đã được ban hành kịp thời nên nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã mạnh dạn đầu tư các dự án phát triển ngành, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, đã thành lập nhiều tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ cho nhau trong sản xuất và khi gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển. Đời sống của bà con ngư dân từng bước được cải thiện; bộ mặt nông thôn ven biển có khởi sắc đáng kể.
Tuy nhiên, kinh tế thủy sản vẫn còn những tồn tại hạn chế:
- Phần lớn tàu thuyền có công suất nhỏ (loại có công suất từ 50CV trở xuống chiếm 93%) nên gặp khó khăn trong việc phát triển các nghề khai thác xa bờ. Khả năng đầu tư của ngư dân thấp, lực lượng lao động chưa qua đào tạo nhiều, hệ thống trang thiết bị thông tin liên lạc và an toàn cho tàu cá chưa được đầu tư đúng mức. Công tác phối hợp trong việc quản lý tàu cá khai thác trên biển còn nhiều bất cập.
- Nuôi trồng thủy sản chưa khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của tỉnh; công tác quy hoạch, định hướng phát triển cho ngư dân, công tác chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, quản lý dịch vụ cung ứng giống chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất; chưa có sản phẩm hàng hóa lớn để phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Tính rủi ro trong nuôi trồng thủy sản còn lớn. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nghề cá tuy có phát triển đáng kể nhưng còn nhiều bất cập.
- Quy mô của các nhà máy chế biến còn nhỏ. Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng chưa nhiều; công tác xúc tiến thương mại tiếp cận thị trường còn yếu, tỷ lệ xuất uỷ thác còn cao (chiếm trên 50%).
II. Phương hướng, mục tiêu phát triển:
1. Phương hướng:
- Đầu tư phát triển ngành thủy sản phải dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển tổng hợp kinh tế biển, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch của các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp - phát triển nông thôn…. Gắn việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, tạo ra nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái; tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo.
- Phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở bền vững, tạo ra sản phẩm sạch. Tập trung cao nhất cho đầu tư phát triển nuôi cá nước ngọt với những đối tượng nuôi chủ lực theo hướng hiệu quả, tạo sản phẩm hàng hóa lớn, có tính đột phá nhằm cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
- Giảm dần tàu thuyền thủ công, tàu thuyền gắn máy công suất thấp (dưới 20CV); đồng thời, khuyến khích đầu tư phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ có công suất 90CV trở lên, trang bị hiện đại, đảm bảo bám biển dài ngày, an toàn cho người và phương tiện. Coi trọng việc thành lập và hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển nhằm nâng cao sức mạnh của cộng đồng ngư dân, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất.
- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất thủy sản. Nhanh chóng tiếp cận các công nghệ mới về sinh sản nhân tạo, nuôi thương phẩm các giống, loài có giá trị kinh tế cao; các công nghệ tiên tiến trong khai thác, xử lý môi trường, dự báo, chẩn đoán, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế Quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính sách, khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển mạnh kinh tế thủy sản.
2. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung:
Đưa ngành thủy sản Quảng Nam có bước phát triển nhanh và thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tạo sự chuyển biến mạnh từ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất lớn, có tổ chức dựa vào cộng đồng; nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản.
Đến năm 2010, yêu cầu tốc độ phát triển của 03 lĩnh vực sản xuất chính của ngành phải đạt là: Nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng bình quân 65%/năm (trong đó sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt tăng bình quân trên 70%/năm); tăng tỷ lệ nguyên liệu khai thác dùng cho chế biến xuất khẩu lên 35%; giá trị kim ngạch chế biến xuất khẩu tăng bình quân từ 20 - 25%/năm.
b) Mục tiêu cụ thể:
Phấn đấu đến năm 2010 đạt được những chỉ tiêu chính sau:
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt: 65 triệu USD;
- Sản lượng khai thác thủy sản đạt: 48.000 tấn;
- Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt: 62.000 tấn;
III. Giải pháp chủ yếu:
1. Giải pháp về phát triển nuôi trồng thủy sản:
- Rà soát, bổ sung và triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát) theo hướng nuôi công nghiệp tập trung, gắn quy hoạch vùng nuôi với phát triển các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, nhà máy chế biến xuất khẩu và đảm bảo môi trường.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cao đề án nuôi cá tra xuất khẩu. Trên cơ sở tập trung nguồn vốn ngân sách từ các chương trình để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển đồng bộ nuôi - chế biến cá tra xuất khẩu.
- Rà soát, bổ sung hoàn thiện để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 16/01/2006 của UBND tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
2. Giải pháp về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Có cơ chế khuyến khích cho vay vốn để đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền có công suất trên 60CV và mua sắm các trang thiết bị cần thiết khác; hỗ trợ, đầu tư kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, trang thiết bị thông tin liên lạc, an toàn tàu cá cho các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển.
- Tiếp tục chuyển dần từ khai thác ven bờ sang nghề khai thác xa bờ, gắn với giảm chi phí, tăng hiệu quả khai thác, nâng cao giá trị hàng hóa, sử dụng hợp lý nguồn lợi, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá…
- Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin trong dự báo ngư trường, nguồn lợi cho người sản xuất trên biển.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối kết hợp với các tỉnh, thành lân cận trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an ninh vùng biển nhằm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, có cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương, ngư dân trong việc cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, từng bước hiện đại hóa lĩnh vực này, đáp ứng được yêu cầu vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an toàn trong sản xuất trên biển.
- Tổ chức điều tra, khoanh vùng quản lý các khu vực bảo tồn đối với các loài thủy hải sản quí hiếm, các rạn san hô, rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh; tiến tới xây dựng tổ chức quản lý, bảo tồn biển và hệ sinh thái ngập nước trên địa bàn tỉnh.
3. Giải pháp về phát triển chế biến thủy sản:
- Tập trung xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm, gắn với việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm chủ lực.
- Nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho đội ngũ cán bộ làm công tác thương mại ở các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
- Áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến cùng với việc hình thành hệ thống cảng cá, chợ cá để giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch nhằm từng bước quản lý tốt thị trường nguyên liệu.
- Có kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu đa dạng, với cơ cấu thích hợp phục vụ chế biến tái xuất đáp ứng yêu cầu cơ cấu sản phẩm của thị trường, khắc phục tình trạng cung cấp nguyên liệu theo mùa, vụ sản xuất trong nước.
- Tiếp tục nâng cấp phương tiện sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến năm 2010, có 100% doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thực hiện tốt việc kiểm soát và phát hiện dư lượng kháng sinh, hóa chất trong nguyên liệu, áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đa dạng hóa sản phẩm và năng lực chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng.
4. Giải pháp về vốn và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất theo hướng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó: Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ đoàn kết khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm tập trung các nguồn vốn, tạo khối lượng hàng hóa, dịch vụ lớn, tăng sức cạnh tranh. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thu hút vốn, công nghệ cao và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, cùng với ngân sách địa phương để tập trung đầu tư dứt điểm một số công trình chuyển tiếp và tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nghề cá; quản lý, khai thác có hiệu quả những dự án đã đầu tư.
- Xây dựng các dự án cơ hội nhằm huy động, kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các tổ chức Quốc tế (WB, ADB…) để đầu tư vào phát triển nghề cá.
- Tăng nguồn vốn sự nghiệp hàng năm cho ngành thủy sản để phát triển các hoạt động khuyến ngư nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sản xuất và đời sống. Có cơ chế hỗ trợ vay vốn hợp lý và đa dạng nguồn tín dụng cho ngư dân.
5. Về khoa học - công nghệ, khuyến ngư và đào tạo:
- Tạo bước đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất giống chất lượng cao, sạch bệnh. Ưu tiên tiếp nhận công nghệ sản xuất các loài giống thủy sản có giá trị cao, tăng đối tượng phục vụ cho xuất khẩu. Nghiên cứu và hướng dẫn để ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến thủy sản.
- Thông qua công tác khuyến ngư để đa dạng hóa các hình thức chuyển tải thông tin và phổ biến kiến thức về công nghệ nuôi, khai thác, bảo quản chế biến thủy sản.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ kỹ thuật, công nhân lành nghề phù hợp với trình độ, tập quán của lao động nghề cá, có khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thủy sản của tỉnh và thị trường xuất khẩu lao động.
- Tiếp tục đào tạo và đào tạo lại để bổ sung, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý-kỹ thuật, đảm bảo đủ năng lực, trình độ quản lý, chỉ đạo điều hành trong quá trình phát triển ngành thủy sản. Nâng cao khả năng áp dụng tin học trong chỉ đạo, quản lý, điều hành ngành thủy sản.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đã đề ra trong Nghị quyết này; định kỳ hằng năm báo cáo HĐND tỉnh về tiến độ, kết quả thực hiện.
Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa VII, Kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 25 tháng 4 năm 2007./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 1682/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế dịch vụ trong nông nghiệp, thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2010-2015 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành
- 2Quyết định 34/2007/QĐ-UBND về Chương trình Phát triển kinh tế Thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2010
- 3Nghị quyết 08/2007/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 2006-2010 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 4Nghị quyết 25/2015/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030
- 1Quyết định 10/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Quyết định 1682/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế dịch vụ trong nông nghiệp, thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2010-2015 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành
- 5Quyết định 34/2007/QĐ-UBND về Chương trình Phát triển kinh tế Thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2010
- 6Nghị quyết 08/2007/NQ-HĐND thông qua Chương trình phát triển ngành Thủy sản giai đoạn 2006-2010 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 7Nghị quyết 25/2015/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030
Nghị quyết 82/2007/NQ-HĐND tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản Quảng Nam giai đoạn 2007-2010
- Số hiệu: 82/2007/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 25/04/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Nguyễn Văn Sỹ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/05/2007
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định