Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2020/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 16 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN Ở VÙNG VEN BỜ VÀ VÙNG NỘI ĐỊA TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 430/TTr-SNN ngày 05 tháng 3 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội địa tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2020 và thay thế Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa tỉnh Quảng Bình.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra VB - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo Quảng Bình, Đài PT-TH tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, KT (02). LCT (45)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN Ở VÙNG VEN BỜ VÀ VÙNG NỘI ĐỊA TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội địa tỉnh Quảng Bình.

2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, hoạt động khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội địa tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vùng ven bờ tỉnh Quảng Bình là vùng biển được giới hạn bởi các đoạn thẳng như sau:

a) Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh là đoạn thẳng nối hai điểm có tọa độ gồm: Vĩ độ 17°57’39”N - kinh độ 106°30’33”E và vĩ độ 17°59’17”N - kinh độ 106°36’58”E;

b) Phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị là đoạn thẳng nối hai điểm có tọa độ gồm: Vĩ độ 17°09’53”N - kinh độ 106°59’26”E và vĩ độ 17°19’20”N - kinh độ 107°12’00”E;

c) Ranh giới phía ngoài là đoạn thẳng nối hai điểm có tọa độ gồm: Vĩ độ 17059’17”N - kinh độ 106036’58”E và vĩ độ 17019’20”N - kinh độ 107012’00”E.

d) Các đoạn thẳng phân chia ranh giới vùng ven bờ giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị được quy định tại điểm a, b Khoản này chỉ có giá trị về việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản, không có giá trị pháp lý về phân chia địa giới hành chính.

2. Vùng khai thác thủy sản chung ven bờ là vùng biển ven bờ tiếp giáp giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị được giới hạn bởi đoạn thẳng được nối liền bởi các điểm. Cụ thể:

a) Giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Hà Tĩnh gồm 04 điểm có tọa độ như sau:

Điểm thứ nhất: Vĩ độ: 17°58’22”N; kinh độ: 106°29’26”E;

Điểm thứ hai: Vĩ độ: 18°00’10”N; kinh độ: 106°36’19”E;

Điểm thứ ba: Vĩ độ: 17°58’24”N; kinh độ: 106°37’39”E;

Điểm thứ tư: Vĩ độ: 17°56’34”N; kinh độ: 106°30’40”E.

b) Giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị gồm 04 điểm có tọa độ như sau:

Điểm thứ nhất: Vĩ độ: 17°11’48”N; kinh độ: 106°56’53”E;

Điểm thứ hai: Vĩ độ: 17°21’37”N; kinh độ: 107°09’58”E;

Điểm thứ ba: Vĩ độ: 17°16’59”N; kinh độ: 107°14’05”E;

Điểm thứ tư: Vĩ độ: 17°08’04”N; kinh độ: 107°02’05”E.

3. Vùng nội địa tỉnh Quảng Bình là các vùng nước nằm trong đất liền tỉnh Quảng Bình, gồm sông, suối, đầm, phá, hồ chứa và vùng nước nội đồng, trừ vùng nước đã giao quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Quản lý hoạt động khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội địa nhằm tổ chức khai thác có hiệu quả đi đôi với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; tuân theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định khác của pháp luật.

2. Phân chia vùng ven bờ, vùng nội địa và phân cấp quản lý nhằm gắn trách nhiệm với quyền lợi của chính quyền địa phương và cộng đồng ngư dân trên địa bàn trong việc tổ chức khai thác nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả và bền vững.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN Ở VÙNG VEN BỜ VÀ VÙNG NỘI ĐỊA TỈNH QUẢNG BÌNH

Điều 4. Quy định đối với tàu cá và tổ chức, cá nhân tham gia khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội địa

1. Đối với tàu cá

a) Tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản được phép hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

b) Tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản được phép hoạt động theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

2. Đối với tổ chức, cá nhân

a) Các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội địa có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 52 Luật Thủy sản;

b) Không vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản được quy định tại Điều 7 Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 5. Phân chia ranh giới và phân cấp quản lý

1. Phân chia ranh giới vùng ven bờ và vùng nội địa

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện có bờ biển tiếp giáp tổ chức hiệp thương phân chia ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ của từng địa phương. Đường phân chia ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ giữa hai huyện chỉ có giá trị về việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản, không có giá trị pháp lý về phân chia địa giới hành chính;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh thống nhất quy định chung việc quản lý khai thác thủy sản tại các vùng nước nội địa tiếp giáp giữa hai hoặc nhiều huyện, thị xã, thành phố.

2. Phân cấp quản lý

a) Vùng ven bờ và vùng nội địa thuộc địa bàn cấp huyện nào thì do Ủy ban nhân dân cấp huyện đó quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét theo quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật Thủy sản;

c) Chi cục Thủy sản thực hiện việc cấp các loại giấy tờ liên quan đến tàu cá theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá cho các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quản lý hoạt động khai thác thủy sản ở vùng ven bờ và vùng nội địa; chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức tiếp nhận, quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên do Ủy ban nhân cấp huyện bàn giao.

2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp khai thác vùng ven bờ; thẩm định các dự án quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ, dự án khu bảo tồn cấp tỉnh thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh. Định kỳ tổng hợp báo cáo công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức quản lý hoạt động khai thác thủy sản trong vùng nước được giao. Cụ thể:

a) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho Nhân dân biết, thực hiện;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chính sách, dự án nhằm khai thác nguồn lợi có hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình địa phương và các quy định của pháp luật;

c) Xây dựng mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thiết lập khu bảo tồn, vùng cấm khai thác và cấm khai thác có thời hạn theo quy định của pháp luật;

đ) Chủ trì tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản theo quy định của pháp luật.

2. Rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý theo quy định tại Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa tỉnh Quảng Bình và bàn giao cho Chi cục Thủy sản để quản lý theo quy định.

3. Định kỳ hàng quý, năm báo cáo công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị liên quan

Trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho ngư dân khai thác thủy sản trên vùng ven bờ và vùng nội địa; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản; phối hợp với các ngành, các cấp tìm kiếm cứu nạn người và tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiến hành hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp trên vùng biển ven bờ; phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi và quản lý các tàu cá hoạt động ở vùng ven bờ và vùng nội địa.

Điều 9. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật./.