Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2019/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 29 tháng 01 năm 2019 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI VỊNH HẠ LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ các luật: Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009; Luật Thủy sản năm 2003, Luật Thủy sản sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Luật Du lịch năm 2017; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Luật Cư trú năm 2014; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phí và lệ phí năm 2015, Luật Điện ảnh năm 2006, Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Điện ảnh năm 2009, Luật Báo chí năm 2016, Luật Quảng cáo năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên ở Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 142/2002/QĐ-TTg ngày 21/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020;
Theo đề nghị của Ban Quản lý vịnh Hạ Long tại Tờ trình số 748/TTr-BQLVHL ngày 08/10/2018 và Báo cáo thẩm định số 189/BC-STP ngày 17/9/2018 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2019, thay thế Quyết định số 4216/2016/QD-UBND ngày 15/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quang Ninh về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản vịnh Hạ Long.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI VỊNH HẠ LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2019/QĐ-UBND ngày 29/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định chi tiết các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới (TNTG) vịnh Hạ Long, cụ thể bao gồm: Hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi; khảo sát, nghiên cứu đầu tư, xây dựng; tham quan, du lịch; nuôi trồng, khai thác thủy sản; hoạt động giao thông đường thủy; vận chuyển, kinh doanh; tổ chức văn hóa, lễ hội, vui chơi giải trí; làm phim, quảng cáo; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; cư trú tạm thời và các hoạt động khác liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản TNTG vịnh Hạ Long; kinh phí thực hiện quản lý, bảo vệ, bảo tồn di sản vịnh Hạ Long; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, phối hợp trong quản lý để bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản TNTG vịnh Hạ Long.
2. Phạm vi điều chỉnh: Là toàn bộ khu vực vịnh Hạ Long, gồm vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long (trừ phạm vi của Vườn Quốc gia Bái Tử Long), là khu vực được công nhận là khu vực di tích danh lam thắng cảnh, được Nhà nước xếp hạng bảo vệ theo Quyết định số 313-VH/QĐ ngày 28/4/1962 và khu vực được tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
3. Đối tượng áp dụng: Là các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động liên quan đến vịnh Hạ Long đều phải tuân thủ các quy định pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới và Quy chế này.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vịnh Hạ Long: Là toàn bộ vùng biển, đảo gồm vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long (trừ phạm vi của Vườn quốc gia Bái Tử Long), thuộc phạm vi quản lý địa giới hành chính của UBND thành phố Hạ Long, UBND thành phố Cẩm Phả, UBND huyện Vân Đồn, được xác định trong tọa độ từ 106°56’ đến 107°37’ kinh độ Đông, từ 20°43’ đến 21°09’ vĩ độ Bắc, có diện tích 1.553 km2 và 1.969 hòn đảo.
2. Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan tự nhiên và địa chất địa mạo được tổ chức UNESCO ghi vào Danh mục di sản thế giới (gọi tắt là di sản vịnh Hạ Long).
3. Khu vực di sản thế giới vịnh Hạ Long (Khu vực bảo vệ I): Là vùng chứa đựng các yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, có diện tích 434km2, được xác định trong tọa độ: 106°59’24” đến 107°20’30” kinh độ Đông và 20°43’24” đến 20°56’12” vĩ độ Bắc.
4. Vùng đệm của khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Khu vực bảo vệ II): Là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực di sản thế giới, có tác dụng tạo thêm một lớp bảo vệ cho di sản thiên nhiên thế giới và là nơi tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới.
5. Giá trị nổi bật toàn cầu của vịnh Hạ Long: Là các giá trị về cảnh quan tự nhiên, địa chất địa mạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia và quốc tế về phương diện thẩm mỹ, khoa học, tự nhiên mà căn cứ vào đó tổ chức UNESCO công nhận là di sản TNTG.
6. Yếu tố gốc cấu thành di sản vịnh Hạ Long: Là toàn bộ vùng mặt nước, các đảo đá, hang động, vũng, vịnh, bãi cát, các hệ sinh thái dưới nước và trên các đảo có giá trị cảnh quan tự nhiên, khoa học, thẩm mỹ thể hiện đặc trưng của di sản TNTG vịnh Hạ Long.
7. Tính toàn vẹn của di sản vịnh Hạ Long: Là sự biểu hiện một cách đầy đủ các yếu tố gốc cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản TNTG vịnh Hạ Long.
8. Tính xác thực của di sản vịnh Hạ Long: Là sự biểu hiện một cách trung thực và đáng tin cậy của yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản vịnh Hạ Long, giúp nhận biết được đặc tính, ý nghĩa và lịch sử của di sản vịnh Hạ Long.
9. Hoạt động kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long gồm: Dịch vụ vận tải khách du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thể thao, vui chơi giải trí, mua sắm và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.
10. Hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên vịnh Hạ Long gồm: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, triển lãm văn hóa nghệ thuật; tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác.
11. Hoạt động làm phim trên vịnh Hạ Long bao gồm: Phim nhựa, phim truyền hình, phim video.
12. Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
Điều 3. Các hành vi không được thực hiện
Mọi hoạt động trên vịnh Hạ Long tuyệt đối không được vi phạm các điều cấm tại các văn bản pháp luật hiện hành: Luật Di sản văn hóa, Luật Thủy sản, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Du lịch, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Cư trú, Luật Phí và lệ phí và nghiêm cấm các hoạt động, hành vi trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, cụ thể như sau:
1. Không được xây dựng mộ chí, công trình tôn giáo, tín ngưỡng; viết, vẽ, son, khắc tại các đảo, núi, hang động và xây dựng các công trình khác trên khu vực di sản vịnh Hạ Long.
2. Cấm các hành vi, hoạt động gây hư hại, phá hủy các hang, động, bãi, đảo, rừng ngập mặn, rừng trên đảo đất và đảo núi đá, vùng nước khu vực di sản vịnh Hạ Long.
3. Xâm hại đến đa dạng sinh học khu vực di sản vịnh Hạ Long đặc biệt các hệ sinh thái: Rạn san hô, rạn đá ngầm, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, hệ sinh thái tự nhiên, động, thực vật; săn bắn, khai thác các loài động, thực vật trên các đảo, núi, hang động và quy định riêng của tỉnh.
4. Khai thác đá, cát, nhũ đá và các loại khoáng sản, tài nguyên khác.
5. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển trái quy định của pháp luật; hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển đảo.
6. Khai thác các loài thủy sản thuộc danh mục cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn; khai thác, nuôi nhốt các loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; khai thác thủy sản nhỏ hơn kích cỡ quy định; sơ chế, vận chuyển, nuôi nhốt, trồng cấy, chăn thả các loài động vật, thực vật, thủy sản trái phép trên khu vực di sản vịnh Hạ Long và các hành vi khác bị cấm theo quy định của pháp luật về thủy sản.
7. Sử dụng ngư cụ, nghề, phương pháp khai thác thủy sản bị cấm, sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện; sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.
8. Xả rác, đổ bùn đất, xả nước thải, khí thải, các chất thải nguy hại khác xuống vịnh Hạ Long và hành vi vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường; vi phạm quy định phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường; nhận chìm vật, chất ở vịnh Hạ Long mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật.
9. Tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch khi có giông, bão, thời tiết bất thường hoặc trong những điều kiện mà cơ quan có thẩm quyền thông báo không cho phép hoạt động; tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc tổ chức tại các khu vực chưa được công bố.
10. Vi phạm các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch sử dụng biển, kế hoạch sử dụng biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố.
11. Các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; các quy định về an toàn giao thông đường thủy, phòng chống cháy nổ; cư trú trái phép trên vịnh Hạ Long.
12. Các hành vi khai thác làm biến dạng các khu vực địa hình được quản lý theo Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ảnh hưởng đến đất quốc phòng và công trình quốc phòng trên vịnh Hạ Long; quay phim, chụp ảnh các khu vực quân sự phải được phép của cơ quan quân sự có thẩm quyền.
13. Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch các giá trị di sản vịnh Hạ Long.
14. Neo đậu tàu, thuyền, nhà bè và các phương tiện khác trái phép trong khu vực di sản thiên nhiên thế giới, vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
15. Các hành vi bốc xếp, vận chuyển, chuyển tải, sang tải các loại hàng hóa rời gây ô nhiễm môi trường đã cấm vận chuyển bằng đường thủy lưu hành trên vịnh Hạ Long.
16. Sử dụng phương tiện đeo bám tàu du lịch để ăn xin, “cò mồi”, đeo bám tàu du lịch mua bán hải sản và các mặt hàng khác; phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất chính từ khách du lịch; tranh giành khách, nài ép khách mua hàng hóa, dịch vụ.
17. Các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển vịnh Hạ Long quy định tại Điều 24 và các hoạt động trong khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo quy định tại Điều 41 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
18. Sử dụng phao xốp hoặc các loại vật liệu gây ô nhiễm môi trường để làm bệ nổi, hộp, túi để đựng, chứa...
19. Các hoạt động, hành vi khác xâm hại di sản vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật.
Mục 1. BẢO VỆ, TU BỔ, PHỤC HỒI DI SẢN THIÊN NHIÊN VỊNH HẠ LONG
Điều 4. Bảo vệ khu vực di sản thiên nhiên thế giới
1. Nguyên tắc
Quản lý, bảo vệ tính toàn vẹn, tính xác thực, tính bền vững, các giá trị nổi bật toàn cầu và các yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản vịnh Hạ Long.
2. Bảo vệ khu vực di sản thế giới
Khu vực di sản thế giới được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long phải được bảo tồn toàn diện, tổng thể, nguyên trạng các yếu tố gốc cấu thành di sản, không làm thay đổi cảnh quan, địa chất, địa mạo, môi trường, hệ sinh thái và hạn chế tới mức thấp nhất tác động của con người đối với di sản. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long phải đảm bảo có quy mô phù hợp, không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di sản, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di sản vịnh Hạ Long.
Điều 5. Bảo vệ vùng đệm của khu vực di sản thế giới
Vùng đệm của khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Việc xây dựng các công trình phục vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản tại vùng đệm phải có quy mô, kiến trúc phù hợp, được cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt, góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ của di sản vịnh Hạ Long.
Các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội thuộc vùng đệm đều phải đảm bảo bảo vệ di sản vịnh Hạ Long, an ninh - quốc phòng, phải có biện pháp bảo vệ các giá trị văn hóa, địa chất, địa mạo, cảnh quan môi trường, hệ sinh thái vịnh Hạ Long.
Điều 6. Bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản vịnh Hạ Long
1. Thực hiện các giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản vịnh Hạ Long, đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di sản vịnh Hạ Long.
2. Lập quy hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
3. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, báo cáo nghiên cứu khả thi bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích di sản vịnh Hạ Long thực hiện theo quy định hiện hành về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
4. Định kỳ hàng năm Ban Quản lý vịnh Hạ Long đánh giá việc thực hiện quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản vịnh Hạ Long, xem xét điều chỉnh (nếu cần thiết) nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế công tác quản lý, bảo vệ di sản vịnh Hạ Long và các quy định của pháp luật.
Mục 2. QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRÊN VỊNH HẠ LONG
Điều 7. Quy định chung về hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long
1. Tuân thủ quy định của pháp luật, quy định quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực, Quy chế này và các quy định khác có liên quan.
2. Phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long, các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu chức năng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới phải có quy hoạch, dự án, chương trình hoặc phương án hoạt động, đầu tư, quản lý được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành (có ý kiến của Ban Quản lý vịnh Hạ Long trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt).
4. Giữ gìn cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, địa chất, địa mạo, giá trị văn hóa, lịch sử.
5. Đầu tư trang thiết bị phòng chống thiên tai, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường; tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải, dầu thải, các chất thải nguy hại; thực hiện các biện pháp chống suy thoái, ô nhiễm môi trường, ứng phó với sự cố môi trường và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra; có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được phê duyệt trong đó có các giải pháp cụ thể phòng, chống sự cố tràn dầu.
6. Khi có sự cố xảy ra, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phải thông báo ngay với các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết kịp thời và tham gia cứu hộ, cứu nạn.
7. Tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và thanh toán các khoản tiền dịch vụ (nếu có) theo quy định.
Điều 8. Quy định hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long
Các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long phải chấp hành đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ tại Luật Du lịch, các quy định pháp luật khác có liên quan và các nội dung sau:
1. Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch
a) Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật Du lịch, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và các quy định khác có liên quan trong suốt quá trình kinh doanh.
b) Tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đúng điểm du lịch, khu du lịch đã được cơ quan nhà nước công nhận và cấp phép hoạt động.
c) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch quy định tại Điều 9 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật Du lịch, các quy định khác có liên quan của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Hạ Long; phổ biến, hướng dẫn cho khách du lịch thực hiện các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn khi sử dụng các dịch vụ du lịch của đơn vị.
d) Xây dựng đội ngũ nhân viên có ý thức cao trong bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật và các quy định trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của vịnh Hạ Long; đồng thời mỗi cán bộ, nhân viên của Ban quản lý vịnh Hạ Long là tuyên truyền viên cho du khách du lịch có ý thức bảo vệ, giữ gìn vịnh Hạ Long, tuân thủ quy định pháp luật, Quy chế này và nội quy tại các điểm tham quan.
đ) Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cứu nạn, cứu hộ trên phương tiện hoặc tại khu vực tổ chức kinh doanh của đơn vị.
e) Niêm yết công khai theo quy định tên, giá bán các loại hàng hóa, dịch vụ (giá hàng hóa, giá cước vận chuyển khách, giá phòng/buồng nghỉ của tàu du lịch, giá dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc...); không bán hàng giả, hàng cấm, hàng không đảm bảo chất lượng, số lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đúng với giá niêm yết và giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
g) Thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 5 Điều 7 của Quy chế này và Thông tư số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 của Liên Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường.
h) Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng du lịch; tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch thuộc phạm vi, thẩm quyền xử lý.
i) Các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long phải ký hợp đồng hoạt động với Ban Quản lý vịnh Hạ Long; thanh toán các khoản chi phí theo thỏa thuận tại hợp đồng và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các cơ quan, đơn vị chức năng. Ban Quản lý vịnh Hạ Long hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về thủ tục, hồ sơ ký hợp đồng.
2. Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch và kinh doanh lưu trú trên vịnh Hạ Long: Thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung sau:
a) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn kỷ thuật, phòng chống cháy nổ để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, bảo vệ môi trường và tiện nghi phục vụ khách du lịch theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long và các quy định pháp luật khác có liên quan.
b) Tàu vận chuyển khách du lịch phải được trang bị hệ thống camera giám sát tại hai bên mạn, lối đi hành lang chính và trong buồng máy; hệ thống thông tin liên lạc (VHF), hệ thống định vị (GPS), thiết bị cảm biến nhiệt hoặc thiết bị báo khói trong buồng máy và các thiết bị khác để đảm bảo an toàn theo quy định; các thiết bị phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục, đúng công năng theo quy định hiện hành.
c) Tuân thủ các quy định về xả thải các chất thải và nước lẫn dầu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa QCVN 17:2011/BGTVT, Điều 14 Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ Giao thông Vận tải; có hợp đồng với chủ cảng, bến để vận chuyển chất thải đến nơi xử lý theo quy định.
d) Thực hiện quảng cáo đúng loại, hạng tàu đã được cơ quan chức năng cấp; thực hiện đúng quy định về quảng cáo sản phẩm và chất lượng dịch vụ trên tàu du lịch.
đ) Vận chuyển khách du lịch theo đúng hợp đồng đã ký với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, khách du lịch và hành trình tuyến, điểm tham quan ghi trong Giấy phép rời cảng, bến.
3. Đối với khách du lịch:
a) Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, môi trường, tài nguyên du lịch và tôn trọng phong tục tập quán của địa phương.
b) Thực hiện nội quy, quy chế của khu du lịch, điểm du lịch, tàu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch; chấp hành sự hướng dẫn của hướng dẫn viên và lực lượng chức năng tham gia quản lý vịnh Hạ Long.
c) Không mua hàng hóa, thủy sản của các phương tiện đeo bám tàu du lịch.
4. Đối với hướng dẫn viên du lịch:
a) Tuân thủ điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch, quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch quy định tại khoản 3 Điều 58 và Điều 65 Luật Du lịch số 09/2017/QH14.
b) Tuân thủ, hướng dẫn khách tham quan tuân thủ Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản TNTG vịnh Hạ Long, nội quy của điểm tham quan, điểm lưu trú, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long; các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch khi tham quan vịnh Hạ Long; thông báo kịp thời cho khách về trường hợp khẩn cấp, các nguy cơ có thể xảy ra đối với khách du lịch.
c) Thuyết minh và phát nội dung đĩa CD thuyết minh về di sản vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long theo đúng Bộ nội dung thuyết minh vịnh Hạ Long, thành phố Hạ Long; thuyết minh về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam theo đúng nội dung thuyết minh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, công bố.
d) Hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình tham quan du lịch vịnh Hạ Long, không cấu kết với thuyền trưởng tàu du lịch tự ý thay đổi hoặc cắt xén, thay đổi chương trình tham quan vịnh Hạ Long khi chưa được sự đồng ý của khách du lịch.
đ) Không cấu kết với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hoặc bất kỳ các tổ chức, cá nhân nào để “cò mồi”, “chăn dắt”, lừa đảo ép khách mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ (ăn uống, đồ lưu niệm, hải sản...) nếu khách không có nhu cầu.
e) Quản lý khách theo hợp đồng, không bỏ rơi, để khách bị lạc trong suốt hành trình tham quan vịnh Hạ Long.
Điều 9. Quy định về hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản
1. Hoạt động nuôi trồng thủy sản
a) Tuân thủ nghiêm điều kiện nuôi trồng thủy sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
b) Chỉ được phép nuôi trồng thủy sản tại các khu vực có quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản.
c) Sử dụng đúng vị trí, diện tích mặt nước ghi trong hồ sơ sử dụng mặt nước được giao hoặc được thuê để nuôi trồng thủy sản; sử dụng đúng mục đích mặt nước được giao hoặc được thuê để nuôi trồng thủy sản.
d) Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Các bè hoặc lồng nuôi trồng thủy sản phải được đăng ký theo quy định; sử dụng vật liệu bền vững, thân thiện môi trường làm lồng, bè nuôi trồng thủy sản, không sử dụng phao xốp hoặc các vật liệu gây ô nhiễm môi trường để làm bệ nổi phục vụ nuôi trồng thủy sản, hộp, túi để đựng, chứa...
đ) Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản quy định tại Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; chất thải, nước thải phát sinh trong quá trình nuôi trồng thủy sản phải được thu gom, xử lý đúng quy định, đề án, dự án nuôi trồng thủy sản phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.
e) Trả lại khu vực biển, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khi có quyết định thu hồi theo quy định của pháp luật.
2. Hoạt động khai thác thủy sản
a) Không tổ chức khai thác thủy sản trong khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, tại các điểm tổ chức hoạt động tham quan cho khách du lịch, hang động, bãi tắm, luồng đường thủy, tuyến tham quan đã được công bố, khu vực có hệ sinh thái được bảo tồn nghiêm ngặt, khu vực được bảo tồn thủy sản nghiêm ngặt, trừ các nghề: Nghề câu, lặn giải trí và nghề khai thác sử dụng ngư cụ truyền thống phục vụ du lịch trải nghiệm; không khai thác thủy sản trong mùa sinh sản, các khu vực được quy hoạch đánh bắt thủy sản theo mùa vụ.
b) Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản ngoài các khu vực quy định tại điểm a của Điều này phải tuân thủ các quy định sau: Đối với tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đều phải có Giấy phép khai thác thủy sản được cơ quan có thẩm quyền cấp; đối với tàu có chiều dài dưới 6m phải có biển số; chỉ được hoạt động các nghề khai thác thủy sản được phép hoạt động theo quy định của pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Điều 10. Quy định về hoạt động giao thông đường thủy
1. Các tổ chức, cá nhân có phương tiện giao thông đường thủy phải tuân thủ các quy định hiện hành về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm, phòng cháy, chữa cháy và hoạt động đúng luồng đường thủy theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
2. Neo đậu, đón trả khách, xếp dỡ hàng hóa đúng cảng, bến, khu vực chuyển tải đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc cấp phép hoạt động (trừ trường hợp khẩn cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân).
3. Có trang thiết bị để thu gom, chứa đựng chất thải (nước thải, rác thải) đạt tiêu chuẩn trên phương tiện trước khi đem về bờ xử lý theo quy định.
4. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm trên vinh Hạ Long phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; chịu trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường do đơn vị gây ra.
5. Tàu du lịch vận chuyển khách trên vịnh Hạ Long thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 8, các khoản 1,2,3,4 Điều này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
6. Các tàu du lịch, dịch vụ, tàu cá... hoạt động thường xuyên trên vịnh Hạ Long phải có thiết bị theo dõi hành trình theo lộ trình triển khai Đề án xây dựng thành phổ thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2020.
Điều 11. Quy định về hoạt động kinh doanh, vận tải xăng, dầu
Ngoài tuân thủ các điều kiện kinh doanh, vận tải xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh xăng dầu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương, các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận tải xăng dầu phải thực hiện các quy định sau:
1. Không lập trạm trung chuyển xăng, dầu trong khu vực di sản vịnh Hạ Long.
2. Thực hiện kinh doanh xăng dầu theo đúng quy hoạch được duyệt; vị trí đặt, neo đậu cửa hàng xăng dầu trên mặt nước phải đúng quy định và phù hợp với quy hoạch của cấp thẩm quyền, tuân thủ đúng các luồng, tuyến đã được ghi trong giấy phép hoạt động, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường; đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế cửa hàng xăng dầu trên mặt nước.
3. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên vịnh Hạ Long phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh; lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, phương án phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão và phương án bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 12. Quy định về các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác trên vịnh Hạ Long chỉ được thực hiện tại những địa điểm phù hợp với quy hoạch được duyệt, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
2. Tuân thủ quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh, thương mại hiện hành, quy định về quản lý các hoạt động kinh tế-xã hội trên vịnh Hạ Long, Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản vịnh Hạ Long và có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn giao thông.
Điều 13. Quy định về hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
Ngoài tuân thủ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội còn thực hiện những nội dung sau:
1. Có văn bản thông báo và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý cho phép tổ chức, đồng thời phải gửi thông báo cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long.
2. Tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng phải chịu trách nhiệm về nội dung, thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, thiên tai, không gây trở ngại đến các hoạt động khác trên vịnh Hạ Long, không được phá vỡ cảnh quan, xâm hại đến các giá trị của di sản vịnh Hạ Long.
3. Thực hiện các quy định bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 của Liên Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường.
Điều 14. Quy định hoạt động làm phim, quảng cáo trên vịnh Hạ Long
1. Hoạt động sản xuất phim, quảng cáo trên vịnh Hạ Long phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành về sản xuất phim, quảng cáo.
2. Các tổ chức, cá nhân khi sản xuất phim, quay phim quảng cáo trên vịnh Hạ Long phải có văn bản đề nghị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận, các Bộ, ngành liên quan cấp phép, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho phép mới được triển khai thực hiện và thông báo cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long để theo dõi, kiểm tra, giám sát.
3. Các sản phẩm từ hoạt động làm phim, quảng cáo phải phản ánh chân thực cảnh quan thiên nhiên vịnh Hạ Long, góp phần tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, giá trị vịnh Hạ Long.
4. Hoạt động làm phim, quảng cáo tuyệt đối không được ảnh hưởng đến các yếu tố gốc cấu thành di sản, cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự, văn hóa - xã hội, thuần phong mỹ tục và các hoạt động kinh tế- xã hội trên vịnh Hạ Long: Du lịch, Giao thông đường thủy, thủy sản và các hoạt động khác trên vịnh Hạ Long.
5. Trong thời gian làm phim phải có phương án bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn, cứu hộ cứu nạn tại khu vực hoạt động.
Điều 15. Quy định về các hoạt động đầu tư, xây dựng trên vịnh Hạ Long
1. Hoạt động đầu tư trên vịnh Hạ Long để phục vụ công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo phục hồi, phát huy, khai thác giá trị di sản TNTG vịnh Hạ Long và phát triển kinh tế - xã hội.
2. Hoạt động đầu tư trên vịnh Hạ Long sử dụng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn ngoài ngân sách đều phải tuân thủ theo đúng các quy định của Luật đầu tư công và các quy định hướng dẫn kèm theo. Đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh, phát huy giá trị di sản TNTG vịnh Hạ Long sử dụng nguồn vốn của các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) phải tuân thủ theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định khác có liên quan.
3. Phải có ý kiến của Ban Quản lý vịnh Hạ Long từ giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư, lập quy hoạch, dự án đầu tư và thiết kế bản vẽ thi công.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, phương án và trong quá trình khai thác, sử dụng, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải đầu tư, xây dựng dự án theo đúng quy mô, tính chất, tiến độ thực hiện dự án và quy hoạch được duyệt; tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của dự án, các văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương có liên quan đến dự án; chịu sự quản lý, kiểm tra giám sát của Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Trong mọi trường hợp, khi nhà nước có thay đổi về quy hoạch theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhà đầu tư phải có trách nhiệm tuân thủ và hợp tác giải quyết theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định pháp luật liên quan về đầu tư, xây dựng trên vịnh Hạ Long thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả hình thức thu hồi quyết định chủ trương đầu tư và giấy phép đầu tư. Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tự chịu trách nhiệm chi trả các khoản chi phí đầu tư trong quá trình nghiên cứu và thực hiện dự án.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo chung toàn diện hoạt động kiểm tra, hoạt động đầu tư xây dựng trên vịnh Hạ Long, Ủy ban nhân dân các địa phương: Thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng trên vịnh Hạ Long.
8. Việc lập quy hoạch, dự án đầu tư các dự án trên vịnh Hạ Long phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với định hướng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 142/2002/QĐ-TTg ngày 21/10/2003 và Quy hoạch chi tiết Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 (đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1139/QĐ-UBND ngày 27/4/2015) và các Quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) đảm bảo theo các quy định hiện hành về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Mục 3. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
Điều 16. Hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế
1. Quy định hoạt động nghiên cứu trên vịnh Hạ Long gồm:
a) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long.
b) Đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong quản lý, quản trị, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
c) Tuyên truyền, quảng bá, trưng bày, giới thiệu về di sản; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu trữ tài liệu khoa học di sản, giáo dục cộng đồng bảo vệ Di sản vịnh Hạ Long.
d) Bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long.
đ) Các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trên nguyên tắc tự nguyện và các bên đều có lợi nhưng cùng mục đích chung là bảo tồn, phát huy giá trị của di sản vịnh Hạ Long và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
3. Xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đăng ký chương trình, thời gian hoạt động với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và chịu sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.
4. Thông báo kết quả nghiên cứu khoa học cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản. Thực hiện công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Mục 4. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CƯ TRÚ TRÊN VỊNH HẠ LONG
Điều 17. Quy định chung về cư trú trên vịnh Hạ long
1. Không đăng ký thường trú tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, không được cư trú bất hợp pháp trên vịnh Hạ Long.
2. Công dân làm việc thường xuyên trên vịnh phải đăng ký tạm trú với cơ quan công an có thẩm quyền và chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các địa phương có liên quan.
Điều 18. Đối tượng được đăng ký tạm trú trên vịnh Hạ Long
1. Đối tượng được đăng ký tạm trú là những người đang làm việc và có hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp, chủ dự án được phép triển khai trên vịnh Hạ Long hoặc tiến hành các hoạt động khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Thủ tục đăng ký tạm trú trên vịnh Hạ Long theo quy định hiện hành của pháp luật về cư trú.
2. Đối với khách du lịch nghỉ qua đêm trên vịnh Hạ Long (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài): Thực hiện việc thông báo lưu trú, khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; chỉ được phép lưu trú, tạm trú đúng trên tàu du lịch được phép lưu trú trên vịnh Hạ Long đã đăng ký và đúng điểm được phép neo đậu.
3. Đối với những người trên tàu, thuyền, phương tiện giao thông thủy trong nước, nước ngoài được phép hoạt động trên vịnh Hạ Long phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về cư trú.
Điều 19. Nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy di sản vịnh Hạ Long
1. Nguồn kinh phí
a) Ngân sách nhà nước.
b) Nguồn thu từ phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long.
c) Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ trên vịnh Hạ Long.
d) Nguồn tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
đ) Nguồn từ Quỹ quản lý di sản (nếu có).
e) Nguồn tài chính hợp pháp khác.
2. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp tài chính, vật chất và tham gia các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đảm bảo theo quy định của pháp luật.
3. Việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí, tiếp nhận cơ sở vật chất cho hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy di sản vịnh Hạ Long bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả và đúng quy định.
Điều 20. Quản lý phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long và giá các dịch vụ trên vịnh Hạ Long
1. Phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long
a) Mức phí do Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan chịu trách nhiệm xây dựng và đề xuất trên nguyên tắc phải phù hợp với chất lượng loại hình dịch vụ, thời điểm hợp lý khi điều chỉnh. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
b) Phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long do Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức thu và quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
2. Giá các loại dịch vụ trên vịnh Hạ Long
a) Đối với các dịch vụ do Ban Quản lý vịnh Hạ Long đầu tư để phục vụ khách du lịch thì Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì xây dựng phương án thu giá dịch vụ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức thu giá dịch vụ theo quy định.
b) Đối với các dịch vụ do các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ trên vịnh đầu tư sẽ thực hiện theo các quy định pháp luật và phải được cấp có thẩm quyền cho phép, phê duyệt thì các tổ chức, cá nhân mới được tổ chức thu giá dịch vụ theo quy định.
3. Việc thu, nộp và quản lý phí danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long và giá các dịch vụ trên vịnh Hạ Long thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và các quy định hiện hành.
4. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý tổ chức các hoạt động dịch vụ; việc xây dựng thu giá dịch vụ phải đảm bảo niêm yết công khai khi tổ chức thực hiện.
Mục 1. NGUYÊN TẮC, HÌNH THỨC PHỐI HỢP
1. Công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các ngành, địa phương liên quan, bảo đảm chủ động, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả, tránh hình thức, chồng chéo và đúng quy định của pháp luật.
2. Mỗi ngành, địa phương trong quá trình phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên vịnh Hạ Long, nếu phát hiện vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành hoặc địa phương khác thì kịp thời thông báo cho ngành và địa phương đó biết để phối hợp giải quyết.
3. Đối với vụ việc vi phạm mà thẩm quyền xử lý có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ đảm bảo thời gian xử lý nhanh nhất theo quy định pháp luật. Sau khi có kết quả xử lý, ngành hoặc địa phương chủ trì xử lý vụ việc vi phạm có trách nhiệm thông báo cho các ngành và địa phương liên quan kết quả xử lý.
4. Đối với vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền, ngành và địa phương chủ trì xử lý có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
1. Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu bằng văn bản.
2. Xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp.
3. Tham gia các chương trình làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất.
4. Họp bàn, sơ, tổng kết.
5. Trao đổi trực tiếp hoặc bằng các phương tiện thông tin liên lạc như điện thoại, email...
Mục 2. TRÁCH NHIỆM CÁC SỞ, NGÀNH, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG
Điều 23. Ban Quản lý vịnh Hạ Long
1. Chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long.
2. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, quy chế, quy định để quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long theo đúng quy định pháp luật.
3. Tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo vệ di sản, chấp hành tốt Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long và các quy định pháp luật liên quan; tổ chức tuyên truyền, quảng bá về di sản vịnh Hạ Long ở trong và ngoài nước; xây dựng, phát hành các khuyến cáo phát cho khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long.
4. Đề xuất lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch, dự án, chương trình, kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ bảo tồn, tôn tạo di sản vịnh Hạ Long thuộc thẩm quyền theo quy định.
5. Xây dựng phương án quản lý việc khai thác dịch vụ du lịch; tổ chức ký hợp đồng hoạt động với các tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long.
6. Tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn của di sản vịnh Hạ Long; kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội, đề xuất các biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm hại đến các giá trị di sản vịnh Hạ Long.
7. Xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan di sản vịnh Hạ Long; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải khu vực di sản vịnh Hạ Long về bờ xử lý; theo dõi, kịp thời phát hiện, cảnh báo hiện tượng suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi trường và tác nhân gây nguy hại tới các giá trị vịnh Hạ Long; phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi và khắc phục những tác động xấu đến môi trường và giá trị vịnh Hạ Long.
8. Xây dựng đề án điều chỉnh thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long theo từng giai đoạn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng phương án thu giá các dịch vụ do Ban đầu tư; tổ chức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, giá các dịch vụ và các khoản thu hợp pháp khác (nếu có); tiếp nhận các nguồn tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định.
9. Tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá đầy đủ các giá trị vịnh Hạ Long; nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ tài liệu, lập hồ sơ khoa học về di sản phục vụ công tác quản lý, bảo tồn vịnh Hạ Long; ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo tồn di sản vịnh Hạ Long.
10. Tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, giữ mối quan hệ với tổ chức UNESCO để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản TNTG vịnh Hạ Long.
11. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương:
a) Xây dựng các cơ chế chính sách quản lý vịnh Hạ Long và quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long; phối hợp xử lý các vi phạm trên vịnh Hạ Long.
b) Thẩm định các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên vịnh Hạ Long.
c) Xây dựng, thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp xử lý các sự cố xảy ra trên vịnh Hạ Long.
d) Xây dựng quy định quản lý đối với các điểm dịch vụ, loại hình dịch vụ; tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long.
đ) Tham mưu, đề xuất giao, thu hồi đất, khu vực biển trên vịnh Hạ Long cho các hộ dân, chủ dự án theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước toàn diện đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, trên vịnh Hạ Long thuộc phạm vi địa bàn quản lý hành chính của địa phương.
2. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ và vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long theo quy định tại Quyết định số 110/2017/QĐ-UBND ngày 10/01/2017 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long ban hành kèm theo Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 và Quyết định số 1069/2016/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh; quản lý, kiểm soát số lượng và chất lượng đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long theo quy định phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh; kiểm tra, đánh giá chất lượng tàu du lịch hàng năm.
3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê, thu hồi đất, khu vực biển trên vịnh Hạ Long cho các hộ dân, chủ dự án theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các tranh chấp, thực hiện thanh tra về quản lý, sử dụng đất, mặt nước trên vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện các giải pháp tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vịnh Hạ Long theo phạm vi được phân cấp quản lý, đặc biệt là khu vực cấm khai thác trên vịnh Hạ Long.
5. Tổ chức thu gom, xử lý chất thải trên bờ và ven bờ vịnh Hạ Long; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, không để phát tán xuống vịnh Hạ Long; tăng cường quản lý đối với hoạt động của các trạm xử lý nước thải, đảm bảo đúng công suất, thiết kế; kiểm soát chặt chẽ và nghiên cứu giải pháp thu gom rác thải, nước thải sinh hoạt đối với tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đảm bảo hiệu quả.
6. Tham mưu, đề xuất các dự án đầu tư để tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phục hồi giá trị di sản TNTG vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật.
7. Tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và bảo vệ các giá trị của vịnh Hạ Long; tuyên truyền, giáo dục đội ngũ thuyền viên, người làm việc trên tàu chấp hành các quy định của nhà nước về giao thông đường thủy nội địa và các quy định về hoạt động phục vụ vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
8. Thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên vịnh Hạ Long theo thẩm quyền; phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long thực hiện các chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành.
9. Xây dựng và vận hành có hiệu quả các dự án thành phố thông minh có liên quan đến hoạt động trên vịnh Hạ Long.
1. Xây dựng định hướng, quy hoạch phát triển loại hình kinh doanh dịch vụ, sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long phù hợp với Quy hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long.
2. Hướng dẫn việc lập hồ sơ công nhận khu du lịch, điểm du lịch; thẩm định và trình cấp có thẩm quyền công nhận khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú đạt chuẩn theo quy định.
3. Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có vịnh Hạ Long; quản lý hoạt động của hướng dẫn viên du lịch, hoạt động lữ hành; phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long thực hiện Quy chế quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
4. Thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch và xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân có hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh du lịch, các hành vi vi phạm của đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và cơ sở lưu trú trên vịnh Hạ Long.
5. Phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan trong việc thẩm định, giám sát việc triển khai các dự án phát triển du lịch trên vịnh Hạ Long; tổ chức tuyên truyền, quảng bá về du lịch vịnh Hạ Long.
Điều 26. Sở Văn hóa và Thể thao
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
2. Hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục và tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện tại khu di sản thế giới vịnh Hạ Long và vùng đệm của khu di sản thế giới vịnh Hạ Long theo phân cấp quản lý di tích.
3. Phối hợp hướng dẫn thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn vịnh Hạ Long.
4. Phối hợp tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền các tài liệu, hiện vật liên quan đến vịnh Hạ Long.
5. Thẩm định, cấp giấy phép tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên vịnh Hạ Long theo thẩm quyền.
6. Tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm về chuyên ngành trên vịnh Hạ Long.
Điều 27. Sở Giao thông Vận tải
1. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động giao thông đường thủy nội địa, tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật
2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, kỹ thuật đối với tàu du lịch, cảng, bến, khu vực neo đậu, luồng tuyến thủy nội địa và các công trình khác có liên quan; cấp phép hoạt động, công bố cảng bến, điểm neo đậu, luồng, tuyến giao thông đường thủy trên vịnh Hạ Long.
3. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo quy định.
4. Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan quản lý hoạt động phương tiện vận chuyển khách tham quan và người điều khiển, người phục vụ trên các phương tiện vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long; tuyên truyền, giáo dục các chủ phương tiện, thuyền viên, người phục vụ chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy, bảo vệ môi trường khi hoạt động trên vịnh Hạ Long.
5. Chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện quản lý cấp phép rời cảng, bến và dừng cấp giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa đối với các tàu du lịch vi phạm khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long trong công tác phòng chống thiên tai, cháy nổ và tìm kiếm cứu nạn trên vịnh Hạ Long, kịp thời thông báo việc dừng cấp lệnh và cấp lệnh trở lại đối với tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.
Điều 28. Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh ven bờ và trên vịnh Hạ Long, các loại phương tiện vận tải hoạt động trên vịnh chấp hành quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó sự cố tràn dầu; đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.
2. Quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường, xả nước thải vào nguồn nước; giao và thu hồi đất, giao và thu hồi khu vực biển.
3. Tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền được giao về môi trường, đa dạng sinh học đặc biệt với hoạt động kinh doanh, chuyển tải xăng dầu, đổ thải trái phép trên vịnh.
4. Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các phương tiện thủy xả dầu thừa, nước la canh, rác thải xuống vịnh; xử lý vi phạm các quy định về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học theo thẩm quyền.
5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Điều 29. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
1. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện thống nhất chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các địa phương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Xây dựng và hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện quy hoạch, đề án nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long.
3. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long;
4. Phối hợp với UBND các địa phương rà soát thống kê tàu cá, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác phù hợp với nguồn lợi và ngư trường của tỉnh.
5. Hướng dẫn và phối hợp với UBND các địa phương triển khai các mô hình thay thế vật liệu phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu khác bền vững, thân thiện với môi trường.
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cấp phép cho các hoạt động về lĩnh vực thương mại theo quy định.
2. Tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường trên vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tuyên truyền, giáo dục các quy định pháp luật về lĩnh vực thương mại.
4. Kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên vịnh gồm: Giấy phép kinh doanh, niêm yết giá hàng hóa và dịch vụ, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại...
1. Chủ trì thẩm định đề án thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long.
2. Hướng dẫn công tác xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long.
Chủ trì quản lý nhà nước về quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng trên và ven bờ vịnh Hạ Long
Điều 33. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Hướng dẫn, giám sát thực hiện việc triển khai quy chế phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính huy động các nguồn lực, cân đối, bố trí phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước để triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản TNTG vịnh Hạ Long.
3. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư trên vịnh Hạ Long theo thẩm quyền.
Điều 34. Sở Thông tin và Truyền Thông
Chủ trì, hướng dẫn các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về các nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; kịp thời tuyên truyền những chủ trương, định hướng của tỉnh Quảng Ninh trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới; tuyên truyền về bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực Di sản.
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên vịnh Hạ Long; chỉ đạo công an các địa phương và các đơn vị nghiệp vụ tổ chức hướng dẫn kiểm tra, thanh tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên vịnh Hạ Long trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống cháy, nổ tại các cơ sở dịch vụ trên vịnh Hạ Long; phối hợp xử lý nghiêm minh các hoạt động vi phạm pháp luật trên vịnh Hạ Long.
2. Hướng dẫn thủ tục lưu trú; quản lý hoạt động nhập cảnh của khách du lịch nước ngoài lưu trú trên vịnh Hạ Long.
3. Đảm bảo an ninh, an toàn cho các đoàn khách cao cấp đến tham quan vịnh Hạ Long và tham dự các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, lễ hội lớn được tổ chức trên vịnh Hạ Long.
4. Phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng trong phòng chống thiên tai, sự cố, cứu nạn cứu hộ trên vịnh Hạ Long.
Điều 36. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng trên địa bàn vịnh Hạ Long.
2. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 26/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Đội liên ngành thường trực cứu hộ cứu nạn trên vịnh Hạ Long; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quy định an toàn đường thủy nội địa, công tác phòng cháy, chữa cháy của người và phương tiện khi hoạt động trên vịnh Hạ Long; chỉ đạo lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên phối hợp với bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an và các lực lượng khác giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tìm kiếm cứu nạn trên vịnh Hạ Long.
Điều 37. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
1. Quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vịnh Hạ Long.
2. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các lực lượng khác có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm, phòng chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm, cứu nạn trên vịnh Hạ Long.
1. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trên vịnh Hạ Long thực hiện các quy định pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế.
2. Thực hiện chức năng quản lý thuế, phí, lệ phí trên vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các cơ quan có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, phí, lệ phí trên vịnh Hạ Long và xử lý theo đúng thẩm quyền.
Điều 39. Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh
- Chủ động thông tin, tuyên truyền những chủ trương, định hướng của tỉnh Quảng Ninh trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, đảm bảo chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp.
- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình tăng thời lượng tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ thông dụng như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung... về giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; về bảo vệ cảnh quan môi trường khu vực Di sản.
Điều 40. UBND thành phố Cẩm Phả và UBND huyện Vân Đồn, UBND huyện Hoành Bồ, UBND thị xã Quảng Yên
1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước toàn diện đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, cư trú trên vịnh Hạ Long thuộc phạm vi địa bàn quản lý hành chính của địa phương.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất giao, thu hồi đất, mặt nước trên vịnh Hạ Long theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các tranh chấp và thực hiện thanh tra về quản lý, sử dụng đất, mặt nước trên vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật.
3. Tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ các giá trị của vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
4. Thực hiện các giải pháp tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vịnh Hạ Long theo phạm vi được phân cấp quản lý, đặc biệt là khu vực cấm khai thác trên vịnh Hạ Long.
5. Tổ chức, đảm bảo việc thu gom triệt để, phân loại và xử lý chất thải trên bờ và ven bờ vịnh Hạ Long thuộc phạm vi quản lý của địa phương; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trên địa bàn, không để phát tán xuống vịnh Hạ Long; tăng cường quản lý đối với hoạt động của các trạm xử lý nước thải, đảm bảo đúng công suất, thiết kế.
6. Phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các ngành, đơn vị liên quan xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tuyến tham quan, điểm du lịch trên vịnh Hạ Long.
7. Tham mưu, đề xuất các dự án đầu tư để tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phục hồi giá trị di sản TNTG vịnh Hạ Long theo quy định của pháp luật.
8. Phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ khoa học các giá trị vịnh Hạ Long; phục dựng một số hoạt động văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư dân trên vịnh; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư, nhất là dân cư ven bờ và ngư dân tham gia bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị tự nhiên và nhân văn của vịnh Hạ Long; thẩm định và xây dựng các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội; phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và các quy định khác có liên quan trên vịnh Hạ Long; xây dựng, triển khai Quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng, điểm nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long. Quy hoạch, xây dựng các điểm neo đậu tránh, trú bão và quản lý chặt chẽ hoạt động của nhà bè dịch vụ du lịch, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long.
9. Tham gia các chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành do Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì.
Điều 41. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh
1. Tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang tham gia các phong trào bảo vệ cảnh quan, môi trường vịnh Hạ Long, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ các giá trị của vịnh Hạ Long
2. Tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp tài chính, vật chất, kết quả nghiên cứu và tham gia các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Điều 42. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương khác
1. Các ngành và địa phương khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long trong công tác giáo dục cộng đồng, quảng bá các giá trị vịnh Hạ Long, đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm xâm hại giá trị di sản, ngăn ngừa nguồn ô nhiễm, rác thải, liên kết các hoạt động du lịch của địa phương với hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long.
2. Phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long các ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án thu phí, quản lý, sử dụng phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long theo quy định.
Điều 43. Điều khoản chuyển tiếp
Các hoạt động khai thác và phát huy giá trị vịnh Hạ Long (kể cả các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên vịnh) đã và đang thực hiện nếu chưa phù hợp với các quy định tại Quy chế này thì các tổ chức, cá nhân (chủ các dự án) phải tiến hành xem xét, điều chỉnh lại và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cho phù hợp.
Điều 44. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan
Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hoành Bồ, Quảng Yên xây dựng chương trình, kế hoạch theo ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện Quy chế này phù hợp với tình hình thực tế của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Điều 45. Trách nhiệm của Ban Quản lý vịnh Hạ Long
Giao Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan triển khai thực hiện Quy chế này; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình thực hiện quy chế.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những điều chưa phù hợp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ban Quản lý vịnh Hạ Long để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý./.
- 1Quyết định 4216/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản Vịnh Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 2Quyết định 1515/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”
- 3Quyết định 28/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 4Quyết định 3015/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 5Chỉ thị 07/CT- UBND năm 2020 về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối với khu vực vịnh Cửa Lục do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 6Quyết định 45/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 1Luật Điện ảnh 2006
- 2Luật Cư trú 2006
- 3Luật di sản văn hóa 2001
- 4Quyết định 142/2002/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật Thủy sản 2003
- 6Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 7Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 8Luật đa dạng sinh học 2008
- 9Luật Điện ảnh sửa đổi 2009
- 10Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 11Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
- 12Luật Quảng cáo 2012
- 13Luật biển Việt Nam 2012
- 14Thông tư 43/2012/TT-BGTVT quy định yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng, khách sạn nổi do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 15Luật đất đai 2013
- 16Luật đấu thầu 2013
- 17Thông tư liên tịch 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 18Luật bảo vệ môi trường 2014
- 19Luật Đầu tư công 2014
- 20Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 21Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
- 22Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
- 23Luật Đầu tư 2014
- 24Luật Báo chí 2016
- 25Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015
- 26Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 27Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 28Quyết định 1139/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 29Nghị định 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam
- 30Luật phí và lệ phí 2015
- 31Quyết định 4666/QĐ-BVHTTDL năm 2015 về Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 32Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
- 33Luật Du lịch 2017
- 34Luật Thủy sản 2017
- 35Quyết định 110/2017/QĐ-UBND sửa đổi quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long kèm theo Quyết định 4088/2015/QĐ-UBND và 1069/2016/QĐ-UBND do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 36Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch
- 37Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương
- 38Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL về hướng dẫn Luật Du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 39Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội
- 40Quyết định 1515/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018-2020”
- 41Quyết định 28/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 42Quyết định 3015/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 43Chỉ thị 07/CT- UBND năm 2020 về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối với khu vực vịnh Cửa Lục do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 44Quyết định 45/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng do tỉnh Quảng Bình ban hành
Quyết định 06/2019/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- Số hiệu: 06/2019/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/01/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Đức Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/02/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra