Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 06/2007/QĐ-UBND

Vị Thanh, ngày 20 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 06/2006/QĐ-UBND NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 2006 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính Phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24 tháng 6 năm 2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
Căn cứ Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về việc cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc ban hành quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể như sau:

I. Tại khoản 1, Điều 3 của Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong phạm vi gia đình có quy mô không vượt quá:

a) 0,02 m3/giây đối với khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp;

b) Công suất lắp máy 50 KW đối với khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện không có chuyển đổi dòng chảy;

c) 100 m3/ngày đêm đối với khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích khác;

d) 20 m3/ ngày đêm đối với khai thác, sử dụng nước dưới đất;

e) 10 m3/ ngày đêm đối với xả nước thải;

2. Khai thác, sử dụng nước mặt trong phạm vi đất được giao, được thuê quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004, áp dụng trong trường hợp khai thác, sử dụng nước từ các ao, hồ tự nhiên được hình thành từ mưa trong phạm vi đất được giao, được thuê hoặc được quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Những trường hợp do thời tiết thay đổi bất thường gây khô hạn hoặc mưa bão gây ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp đã được UBND các cấp có chủ trương chống hạn, chống úng hoặc hộ dân tự chống hạn, chống úng trong thời gian nhất định cho sản xuất nông nghiệp và việc khai thác sử dụng nước mặt có lưu lượng thiết kế trong mức quy định cấp phép thì không phải lập thủ tục cấp phép.”

II. Tại điểm a, b, c khoản 2, Điều 4 của Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Căn cứ điều kiện tự nhiên về nước mặt, khả năng nguồn nước dưới đất đã được điều tra đánh giá trữ lượng, chất lượng nước, được quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng; hiện trạng quy mô khai thác từng khu vực và yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh xem xét cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép đối với các trường hợp sau:

a) Khai thác, sử dụng nước mặt đối với các công trình dự án cấp nước được phê duyệt có lưu lượng thiết kế từ 0,02 m3/giây đến dưới 2m3/giây nhưng không quá 50.000 m3/ngày đêm.

b) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng thiết kế từ 0,02 m3/giây đến dưới 2 m3/giây.

c) Khai thác sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm.”

III. Sửa đổi Điều 16 của Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND như sau:

“Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc giấy đăng ký hoạt động kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có nội dung hoạt động liên quan đến ngành, nghề khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất.

2. Người đứng đầu tổ chức hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ.

Có trình độ chuyên môn bằng trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, địa chất thuỷ văn, khoan và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề, công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên và có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề.

Đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 10 công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất.

b) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa:

Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp Đại học trở lên thuộc các ngành địa chất; địa chất thuỷ văn, khoan và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất; địa chất thuỷ văn, khoan và có ít nhất 05(năm) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề.

Đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất năm (05) công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 200m3/ ngày đêm trở lên.

c) Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải là người của tổ chức, cá nhân hành nghề hoặc có hợp đồng lao động với tổ chức, cá nhân hành nghề theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp hợp đồng lao động là loại xác định thời hạn thì tại thời điểm nộp hồ sơ, thời hạn hiệu lực của hợp đồng lao động phải còn ít nhất là mười hai (12) tháng.

d) Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp, đáp ứng yêu cầu đối với quy mô hành nghề và an toàn lao động theo quy định hiện hành.”

IV. Sửa đổi Điều 17 của Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND như sau:

“1. Quyền của chủ giấy phép :

- Hoạt động hành nghề trên phạm vi địa bàn tỉnh Hậu Giang;

- Tham gia đấu thầu các công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất theo quy định của pháp luật;

- Được nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp quy định trong giấy phép;

 - Đề nghị UBND tỉnh cấp phép gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép, cấp lại giấy phép;

 - Khiếu nại, khởi kiện các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của chủ giấy phép:

- Hành nghề khoan nước dưới đất theo đúng nội dung được ghi trong giấy phép và các quy định có liên quan của pháp luật về tài nguyên nước;

- Tuân thủ quy trình kỹ thuật khoan và các quy định về bảo vệ nước dưới đất; trường hợp gây sụt lún đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống những người trong khu vực thăm dò thì phải xử lý, khắc phục kịp thời; đồng thời, báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hậu Giang;

- Thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô công trình khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất và thời gian dự kiến thi công cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã tại nơi đặt công trình chậm nhất là 07 ngày làm việc trước khi thi công;

- Nộp phí thẩm định hồ sơ và lệ phí giấy phép;

- Bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo quy định;

- Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ liệu, thông tin về công trình thăm dò, khai thác nước dưới đất mà mình đã thi công khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

- Thông báo bằng văn bản cho UBND tỉnh đối với trường hợp có sự thay đổi về địa chỉ thường trú, người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, nội dung đăng ký hoạt động kinh doanh hoặc nhiệm vụ được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền so với hồ sơ đề nghị cấp phép, thời gian thông báo chậm nhất là 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày có sự thay đổi;

- Trả lại giấy phép cho UBND tỉnh trong trường hợp không sử dụng. Chủ giấy phép đã trả lại giấy phép chỉ được xem xét cấp giấy phép mới (nếu có nhu cầu) sau một (01) năm, kể từ ngày trả lại giấy phép;

- Định kỳ 03 tháng báo cáo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi cư trú về kết quả khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất thực hiện trong năm (theo mẫu số 03 kèm theo quy định này).”

V. Sửa đổi Điều 18 của Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND như sau:

“1. Căn cứ vào quy mô hành nghề khoan nước dưới đất vừa và nhỏ thuộc thẩm quyền mà UBND tỉnh Hậu Giang xem xét cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có thời hạn là 5 (năm) năm và được gia hạn nhiều lần mỗi lần gia hạn là 3 (ba) năm.

2. Gia hạn giấy phép

Căn cứ vào điều kiện để được cấp giấy phép được quy định tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 và 2 Điều 16 (sửa đổi, bổ sung) nêu trong quyết định này và các điều kiện sau:

+ Trong quá trình hành nghề, tổ chức, cá nhân được cấp phép thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 17 (sửa đổi, bổ sung) nêu trong quyết định này; không vi phạm nội dung quy định của giấy phép và các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

+ Tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép, giấy phép đã được cấp còn hiệu lực ít nhất 30 (ba mươi) ngày;

Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn nộp sau thời điểm mà giấy phép còn hiệu lực ít hơn 30 (ba mươi) ngày thì không được chấp nhận, chủ giấy phép phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới và chỉ được xem xét cấp giấy phép sau 03 (ba) tháng kể từ ngày nộp hồ sơ;

Trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ mà giấy phép cũ đã hết hiệu lực thì chủ giấy phép phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới và chỉ được xem xét sau 01 (một) năm kể từ ngày nộp hồ sơ.

Thời điểm nộp hồ sơ được tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện nơi gửi, hoặc ngày tiếp nhận hồ sơ nếu hồ sơ nộp trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

3. Điều chỉnh nội dung giấy phép:

UBND tỉnh xem xét cấp giấy phép trong trường hợp thay đổi quy mô hành nghề.

4. UBND tỉnh cấp phép:

a) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ có khả năng khoan và lắp đặt các giếng khoan thăm dò, khai thác có đường kính ống chống hoặc ống vách dưới 110 milimét và thuộc công trình có lưu lượng dưới 200m3/ngày đêm;

b) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa có khả năng khoan và lắp đặt các giếng khoan thăm dò, khai thác có đường kính ống chống hoặc ống vách dưới 250 milimét và thuộc công trình có lưu lượng thiết kế từ 200 m3/ ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ ngày đêm.”

VI. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 của Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND như sau:

“1. Tổ chức cá nhân xin cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất nộp 02 (hai) bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

a) Thủ tục:

- Đơn đề nghị cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất (theo mẫu quy định);

- Bản sao có công chứng quyết định thành lập tổ chức hoặc giấy đăng ký hoạt động kinh doanh;

- Bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, và hợp đồng lao động (trong trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép hợp đồng lao động với người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật);

- Bản khai kinh nghiệm chuyên môn trong hoạt động khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật (theo mẫu số 01c kèm theo quy định này);

- Bản khai năng lực chuyên môn, kỹ thuật của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép (theo mẫu số 01b kèm theo quy định này);

b) Trình tự cấp phép :

- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ đề nghị cấp phép chưa đầy đủ, không hợp lệ thì có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

- Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và có tờ trình trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định cấp phép; trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện để cấp phép, phải trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rỏ lý do không cấp phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

2. Trình tự thủ tục gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép phải nộp 02 (hai) bộ hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tục

- Đơn đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép (theo Mẫu số 02a kèm theo quy định này);

- Bản sao giấy phép đã được cấp;

- Bảng tổng hợp các công trình khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất do tổ chức, cá nhân thực hiện trong thời gian sử dụng giấy phép đã được cấp (theo mẫu số 03 kèm theo quy định này).

Trường hợp có sự thay đổi người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật hoặc năng lực chuyên môn thì hồ sơ phải có thêm :

+ Bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật;

+ Hợp đồng lao động giữa tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép với người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật;

+ Bản khai kinh nghiệm chuyên môn;

+ Bản khai năng lực chuyên môn.

b) Đối với trường hợp điều chỉnh nội dung giấy phép thì ngoài các thủ tục quy định nêu trên điểm a khoản này, hồ sơ đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép cò bao gồm bảng khai năng lực chuyên môn kỹ thuật ( theo Mẫu 01b kèm theo quy định này)

c) Trình tự tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh ra quyết định cấp phép:

- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, xem xét hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

- Trong thời hạn 10 (mười) ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và có tờ trình trình UBND tỉnh xem xét ra quyết định cấp phép.”

Điều 2. Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất đã được UBND tỉnh Hậu Giang cấp trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành vẫn còn thời hạn thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi hết hạn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng cơ quan, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thị xã, UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng CP;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục kiểm tra văn bản-BTP;
- Như Điều 4;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- VP. TU;
- UBMTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- Báo HG;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Phòng VBTT- STP;
- Lưu: VT, NCTH. HĐ
D:\2007\QD\STNMT\
QD sua doi QD 06 quan tai nguyen nuoc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thành Lập

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 06/2007/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 06/2006/QĐ-UBND quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành

  • Số hiệu: 06/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/04/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trần Thành Lập
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/04/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản