Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2007/QĐ-UBND

Phủ Lý, ngày 14 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2006 -2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, lãnh thổ;

Xét đề nghị của Sở Bưu chính, Viễn thông (tại tờ trình số 311/TTr-BCVT ngày 25/10/2006), đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại tờ trình số 706/TTr-SKHĐT ngày 28/11/2006) và hồ sơ Quy hoạch ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hà Nam giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hà Nam giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung sau:

1. Quan điểm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

a) Ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước. ứng dụng Công nghệ thông tin phải gắn bó chặt chẽ với quá trình đổi mới lề lối, phương thức làm việc và sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

b) Trọng tâm của ứng dụng Công nghệ thông tin của tỉnh Hà Nam là tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà nước và kinh tế, góp phần đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và các cấp chính quyền.

c) Cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin là hạ tầng kinh tế, xã hội được ưu tiên phát triển.

d) Xây dựng công nghiệp Công nghệ thông tin như một ngành kinh tế quan trọng.

đ) Đẩy mạnh đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Việc phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin được xem là trọng tâm của quy hoạch.

e) Quá trình thiết kế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin phải hướng tới việc tích hợp và thống nhất các hệ thống thông tin trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng và Nhà nước.

g) Ứng dụng Công nghệ thông tin phải đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật thông tin dữ liệu trên mạng.

h) Xã hội hoá việc ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin.

2. Mục tiêu

a) Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh.

b) Xây dựng hoàn chỉnh về cơ bản cơ sở vật chất và kỹ thuật, kết cấu hạ tầng c) Công nghệ thông tin truyền thông và Internet của tỉnh.

d) Từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin trở thành một ngành kinh tế quan trọng.

đ) Phát triển và thu hút nguồn nhân lực đáp ứng cơ bản yêu cầu ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin của tỉnh.

e) Đến năm 2010, về cơ bản ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin của Hà Nam đạt mức trung bình của cả nước.

3. Quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đến năm 2010

a) Ứng dụng Công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước: xây dựng quy chế, quy trình tiêu chuẩn các nguồn thông tin tại các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện các ứng dụng, mở rộng mạng thông tin tới 60-70% Đảng uỷ xã, phường, thị trấn; hoàn thiện việc ứng dụng 3 PMDC, giải pháp chữ ký điện tử và phát triển xu hướng tích hợp ứng dụng; xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin quản lý và tác nghiệp chuyên ngành; xây dựng một số cơ sở dữ liệu (CSDL) pháp luật, địa lý hành chính…vv; xây dựng cổng điện tử giao tiếp với người dân.

b) Ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ: tổ chức kinh doanh điện tử, mua bán hàng trên mạng; xây dựng cổng điện tử hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp…; xây dựng các trang thông tin chuyên ngành về nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, du lịch. Qua đó, quảng bá và hỗ trợ kiến thức cho nhân dân. Mở rộng kết nối Internet cho các trường phổ thông; xây dựng mạng giáo dục đào tạo; xây dựng hệ thống dịch vụ y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ của người dân và kết nối thông tin giữa các bệnh viện; hình thành các kho dữ liệu thông tin về khám chữa bệnh; xây dựng Website của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm tạo chợ lao động trên mạng và phục vụ công tác xã hội.

c) Phát triển hạ tầng kỹ thuật Công nghệ thông tin: nâng cấp và xây dựng mới các mạng LAN của các Sở/ngành, huyện/thị, xã/phường và Trung tâm tích hợp dữ liệu tại UBND tỉnh; xây dựng mạng trục kết nối các cơ quan Đảng và Nhà nước; xây dựng Trung tâm giao dịch ICT Hà Nam; xây dựng mới mạng dịch vụ công cộng.

d) Phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin về phần cứng, phần mềm, dịch vụ và nội dung.

đ) Đào tạo Công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài Công nghệ thông tin; xây dựng Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin trong tỉnh; đào tạo thương mại điện tử.

e) Xây dựng và cụ thể hoá các chính sách tạo nguồn thông tin, khuyến khích ứng dụng Công nghệ thông tin, kêu gọi vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thị trường Công nghệ thông tin.

4. Định hướng ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2020

a) Ứng dụng Công nghệ thông tin:

- Thực hiện nền hành chính điện tử: hoàn thành việc xây dựng và đưa vào triển khai thực hiện hệ thống chính quyền điện tử ở cấp tỉnh, cấp huyện và tới cấp xã.

- Thực hiện công dân điện tử: 100% các xã, phường, thị trấn có điểm truy cập Internet băng thông rộng, 70% các gia đình có kết nối Internet tại nhà, 80% thanh niên toàn tỉnh sử dụng máy tính và các tiện ích của Internet.

- Thực hiện doanh nghiệp điện tử: ứng dụng mạnh mẽ công cụ quản lý xí nghiệp, sử dụng thường xuyên thông tin trên Internet và kinh doanh thông qua thư điện tử.

- Phát triển thương mại điện tử: tiến hành thường xuyên các giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng và giữa doanh nghiệp với Nhà nước.

- Thực hiện trường học điện tử: mỗi trường học có từ 2 đến 4 lớp học có trang bị máy tính, môn tin học sẽ trở thành môn chính khóa ngay từ cấp phổ thông cơ sở.

- Thực hiện bệnh viện điện tử: 100% các bệnh viện cấp tỉnh, 90% các bệnh viện tuyến huyện và các Trung tâm y tế xây dựng được mạng nội bộ và kết nối In ternet.

- Các dịch vụ Công nghệ thông tin khác: hình thành thêm một số sàn giao dịch trên mạng cho một số lĩnh vực như thị trường lao động, tìm kiếm việc làm, thị trường thiết bị và dịch vụ khoa học kỹ thuật.

b) Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin: 100% xã, phường, thị trấn có mạng LAN với đường truyền tốc độ cao. Trung tâm giao dịch công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh trở thành một trung tâm mạnh, đủ sức phục vụ nhu cầu cung cấp dịch vụ Internet, phát triển các ứng dụng, quản trị các hệ thống VPN. Triển khai thành công các dịch vụ cơ bản của chính phủ điện tử tại tỉnh.

c) Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin: từng bước đầu tư vào dây chuyền công nghiệp hiện đại; ưu tiên hướng xuất khẩu, đặc biệt cho công nghiệp phần cứng và xuất khẩu lao động, phát triển công nghiệp phần mềm theo hướng chú trọng phần mềm nội dung; khuyến khích đầu tư xây dựng và phát triển các tiềm lực về khoa học công nghệ.

d) Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin: đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo hướng hội nhập và đạt trình độ quốc tế.

5. Các biện pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch

a) Nhu cầu về kinh phí đầu tư:

- Tổng kinh phí đầu tư: 208.000 triệu đồng.

Trong đó:

+ Ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng và Nhà nước: 72.000 triệu đồng;

+ Ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất kinh doanh: 13.000 triệu đồng;

+ Ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội: 25.000 triệu đồng;

+ Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT: 20.000 triệu đồng;

+ Phát triển công nghiệp CNTT: 50.000 triệu đồng;

+ Phát triển nguồn nhân lực CNTT: 26.000 triệu đồng;

+ Ban hành chính sách về CNTT: 2.000 triệu đồng;

- Nguồn vốn:

+ Ngân sách trung ương: 65.000 triệu đồng;

+ Ngân sách tỉnh: 57.000 triệu đồng;

+ Nguồn từ hợp tác, liên doanh liên kết, vay tín dụng : 41.000 triệu đồng;

+ Nguồn kinh phí huy động từ các thành phần kinh tế: 45.000 triệu đồng.

- Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư: hoàn thiện hệ thống pháp lý, chuẩn hóa thông tin; tập trung đầu tư cho một số dự án trọng điểm có tính đột phá, tạo nền móng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Trước mắt ưu tiên phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, từng bước xây dựng “nền hành chính điện tử” của tỉnh.

b) Giải pháp:

- Tập trung khai thác, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin.

- Nâng cao nhận thức về vai trò và tác động của Công nghệ thông tin đối với công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; nâng cao năng lực điều hành, quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như quá trình thực hiện cải cách hành chính cho lãnh đạo, các nhà quản lý, cán bộ công chức các cấp, các doanh nghiệp và người dân.

- Tăng cường quản lý nhà nước và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin.

- ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin phải luôn tuân theo và cập nhật các công nghệ tiên tiến, đảm bảo theo các chuẩn quốc gia và quốc tế, đảm bảo tính mở.

- Chú trọng phát triển thị trường Công nghệ thông tin .

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên doanh liên kết nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư và tranh thủ sự hỗ trợ cho ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin.

Điều 2. Giao Sở Bưu chính, Viễn thông chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu quy hoạch; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch ứng dụng và Phát triển Công nghệ thông tin tỉnh Hà Nam giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020; theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch này và kịp thời đề xuất với UBND tỉnh để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Xuân Lộc