Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2011/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 26 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC VÀ DỊCH VỤ NƯỚC SINH HOẠT CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN DO CÁC ĐỊA PHƯƠNG HƯỞNG LỢI TRỰC TIẾP QUẢN LÝ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003
Căn cứ Luật Tài nguyên nước được Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 3 khoá X.
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình .
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp tiêu thụ nước sạch.
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2010-2020.
Căn cứ Chỉ thị số 105/2006/CT-BNN ngày 16/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường tổ chức quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn.
Căn cứ Chỉ thị số 81/2007/CT- BNN ngày 02/7/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình; nghị định số 99/2007/NĐ-CP, ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý các dự án đầu tư.
Căn cứ quyết định số 2368/2007/QĐ-UBND, ngày 29/10/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên V/v Ban hành quy định về công tác quản lý dự án đầu tư và xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên đại bàn tỉnh Thái Nguyên
Xét đề nghị của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 59/CV-SNN, ngày 17/01/2011về việc: Ban hành quy chế quản lý, vận hành, khai thác, dịch vụ nước sinh hoạt các công trình cấp Nước sinh hoạt nông thôn do địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy chế quản lý, vận hành, khai thác và dịch vụ nước sinh hoạt các công trình cấp Nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do các địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý.

Điều 2: Giao cho sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện bản quy chế này.

Quyết định này thay thế cho Quyết định số 1331/1999/QĐ-UB ngày 08/05/1999 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Giám đốc Trung tâm nước SH và VSMT nông thôn, Chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Viết Thuần

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, KHAI THÁC, DỊCH VỤ NƯỚC SINH HOẠT CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN DO ĐỊA PHƯƠNG HƯỞNG LỢI TRỰC TIẾP QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 02/2011/QĐ-UBND, ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là tài sản của Nhà nước được đầu tư xây dựng tại địa phương từ nguồn vốn của Chính phủ, các tổ chức Quốc tế và một phần đóng góp của nhân dân.

Điều 2: Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là công trình phúc lợi tập thể, phục vụ an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của người dân trong khu vực.

Điều 3: Mỗi công trình thi công hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, tùy theo quy mô công trình UBND Tỉnh có Quyết định giao cho một đơn vị cụ thể hoặc UBND xã, phường, thị trấn hưởng lợi công trình chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và dịch vụ nước sinh hoạt cho các nhu cầu sử dụng trong vùng dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước (công trình có quy mô phục vụ cho 300 hộ gia đình trở lên sẽ giao cho đơn vị chuyên ngành quản lý, vận hành. Công trình quy mô dưới 300 hộ gia đình sẽ giao cho Địa phương quản lý, vận hành). Cơ quan Chủ đầu tư có nhiệm vụ hướng dẫn quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình và dịch vụ nước sinh hoạt.

Cơ quan chủ quản cấp trên, UBND huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đơn vị hoặc UBND địa phương được giao nhiệm vụ tiếp nhận quản lý vận hành, khai thác, dịch vụ nước sinh hoạt đảm bảo công trình hoạt động bền vững, tuân thủ quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 4: Công trình giao cho địa phương quản lý, chính quyền địa phương phải thành lập Ban quản lý vận hành có từ 2 đến 4 người làm việc bán chuyên trách, do người hưởng lợi thống nhất đề nghị và được Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập. (tùy theo quy mô công trình mà ấn định số lượng người tham gia) Chế độ quyền lợi của những người trong Ban quản lý vận hành công trình do UBND xã, phường, thị trấn quy định cụ thể trong phạm vi thu tiền sử dụng nước sinh hoạt của người hưởng lợi công trình (ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí)

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5: Nhiệm vụ của đơn vị, Ban quản lý (BQL) vận hành công trình

5.1: Vận hành thành thạo toàn bộ hệ thống công trình cấp nước đang sử dụng (bao gồm: các công việc về nguyên tắc xử lý chất lượng nước, quy mô hệ thống nguyên lý hoạt động của công trình thực hiện quy trình duy tu bảo dưỡng và công tác vệ sinh môi trường…).

5.2: Đảm bảo điều tiết nước phục vụ thường xuyên cho các điểm sử dụng nước (cụm dân cư, hộ gia đình…) giải quyết các tranh chấp về nước (nếu xảy ra) trong phạm vi công trình đang quản lý. Nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với các cấp, ngành chức năng có liên qua giải quyết xử lý kịp thời.

5.3: Bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng đột xuất. Trực tiếp bảo dưỡng theo định kỳ các phần việc mà hồ sơ thiết kế đã quy định.

5.4: Bảo vệ an toàn và có biện pháp giải quyết kịp thời đối với những tác động xấu đến chất lượng công trình và chất lượng nguồn nước, những hành vi phá hoại công trình, gây ô nhiễm nguồn nước phải ngừng cấp nước, khắc phục hậu quả và báo cáo ngay cơ quan chức năng phối hợp xử lý kịp thời.

5.5: Tổ chức phát động và khuyến khích người hưởng lợi cùng tham gia bảo vệ công trình, giữ gìn vệ sinh môi trường và huy động nhân dân khắc phục kịp thời những hậu quả do thiên tai địch họa gây ra.

5.6: Tổ chức các cuộc họp với người hưởng lợi công trình để thảo luận thống nhất: Công tác bảo vệ, giữ gìn nguồn nước, vệ sinh tại những nơi công cộng, khu xử lý nước, mức thu phí sử dụng nước…lập báo cáo đề nghị cơ quan quản lý cấp trên (UBND xã, phường, thị trấn) phê duyệt phương án quản lý, vận hành khai thác bền vững công trình, dự toán thu, chi của BQL theo quy định hiện hành để thực hiện.

Điều 6: Kinh phí hoạt động của BQL công trình trên cơ sở lấy thu bù chi, tùy thuộc vùng dân cư, khả năng kinh tế, yêu cầu của công tác quản lý, các địa phương xây dựng định mức thu cụ thể. Nhưng mức thu tối đa không vượt quá khung giá quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 7: Giá nước sạch thực hiện theo Thông tư 95/2009/TTLT-BTC-BXD- BNN ngày 19 tháng 5 năm 2009 hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.

Điều 8: Nguyên tắc hoạt động của đơn vị quản lý và BQL vận hành công trình cung cấp nước sinh hoạt thực hiện theo quy định đối với đơn vị tự trang trải về tài chính kết hợp huy động sức lao động của người hưởng lợi để thực hiện việc duy trì và chống xuống cấp công trình. Trường hợp do thiên tai lũ lụt, hoặc sự cố khác gây ra thiếu nước, hết nước. Sau khi đã huy động tối đa nội lực cũng như mức đóng góp của người hưởng lợi mà vẫn không đủ kinh phí để sửa chữa công trình, các đơn vị quản lý lập báo cáo chi tiết đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Điều 9: Trách nhiệm của người sử dụng nước:

Người sử dụng nước phải có trách nhiệm tham gia xây dựng, đóng góp kinh phí, sức lao động đầu tư cho việc cải tạo nâng cấp công trình theo quyết định của cấp thẩm quyền. Đồng thời tự giác tham gia bảo vệ công trình, bảo vệ rừng đầu nguồn, giữ vệ sinh chung. Chi trả tiền sử dụng nước sạch hàng tháng theo quy định của Nhà nước và hợp đồng đã ký kết với đơn vị quản lý công trình.

Chương III

TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Điều 10: Phân công trách nhiệm.

- Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:

+ Kiện toàn các tổ chức quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung hiện có, không để tình trạng có công trình nhưng không có chủ quản lý. Mô hình tổ chức có thể là doanh nghiệp cấp nước, hợp tác xã nước sạch, tổ chức dịch vụ nước sạch phù hợp với quy mô và điều kiện cụ thể của địa phương. Xây dựng cơ chế tài chính đảm bảo hoạt động của tổ chức quản lý vận hành, không vì mục tiêu lợi nhuận.

+ Những công trình đã có tổ chức quản lý vận hành, cần rà soát lại mô hình và cơ chế hoạt động, điều chỉnh những hạn chế về năng lực, trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế tài chính đảm bảo tổ chức quản lý vận hành khai thác hiệu quả các công trình.

+ Việc xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung phải xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng, phù hợp với điều kiện nguồn nước và công nghệ. Người sử dụng được tham gia vào các khâu từ lập kế hoạch, xây dựng, giám sát và quản lý vận hành. Trước khi khởi công xây dựng công trình phải hình thành tổ chức quản lý vận hành để làm chủ hoặc tham gia làm chủ đầu tư xây dựng, đồng thời có phương án quản lý vận hành hiệu quả, bền vững.

+ Chỉ đạo các ngành, các cấp, các tổ chức quản lý vận hành xây dựng giá dịch vụ nước sinh hoạt theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, xây dựng và ban hành khung tiền nước mà người sử dụng phải trả cho các tổ chức quản lý vận hành. Trường hợp thu không đủ chi, cân đối trong ngân sách sự nghiệp kinh tế của tỉnh để cấp bù cho các tổ chức quản lý vận hành.

+ Việc phân cấp đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung phải phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của địa phương, đồng thời tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra của các ngành chuyên môn.

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy chuẩn kỹ thuật của Nhà nước.

- Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính. Sở Kế hoạch & Đầu tư định kỳ kiểm tra việc thực hiện quy chế đối các đơn vị quản lý khai thác dịch vụ nước sinh hoạt nông thôn, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng nước, kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý những vi phạm quy chế.

- Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn ngân sách địa phương hàng năm cấp và hướng dẫn chi phí sửa chữa nâng cấp các công trình bị hư hỏng do thiên tai lũ lụt hoặc những trường hợp đặc biệt. Đối với các công trình đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn theo đề nghị của các địa phương

- UBND các huyện, thành phố, thị xã

+ Phổ biến và giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ lưu vực, bảo vệ phạm vi đất dành cho công trình và bảo vệ kết cấu công trình.

+ Phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành và các lực lượng liên quan chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng công trình để khai thác và sử dụng có hiệu quả.

+ Huy động mọi lực lượng, vật tư thiết bị để bảo vệ và khắc phục kịp thời công trình khi có sự cố sảy ra.

+ Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quản lý công trình trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

+ Phê duyệt kế hoạch hỗ trợ ngân sách hàng năm cho việc sửa chữa, bảo dưỡng các công trình trên địa bàn theo khả năng kinh phí thường xuyên của địa phương.

- UBND các xã, phường, thị trấn.

+ Quản lý, bảo vệ hệ thống công trình trên địa bàn.

+ Tuyên truyền phổ biến và giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về bảo vệ công trình.

+ Đảm bảo tính công khai, dân chủ trong quản lý khai thác và dịch vụ nước sạch. Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, phát huy khai thác các nguồn lực của người sử dụng nước cho duy tu bảo dưỡng khai thác bền vững công trình.

+ Giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quản lý, khai thác, dịch vụ nước đối với các công trình trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

+ Chỉ đạo huy động lao động tại địa phương và tham gia đóng góp kinh phí, vật tư để xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng công trình theo quy định của cấp thẩm quyền.

Điều 11: Khen thưởng và xử ký vi phạm

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình, ngăn chặn hành vi xâm hại công trình thì được biểu dương, khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước và của Tỉnh.

- Tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế này hoặc có hành vi phá hoại công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12: Điều khoản thi hành.

Các địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm thực hiện đúng Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Trung tâm nước SH và VSMT NT để báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/2011/QĐ-UBND về quy chế quản lý, vận hành, khai thác và dịch vụ nước sinh hoạt công trình cấp Nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do địa phương hưởng lợi trực tiếp quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành

  • Số hiệu: 02/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/01/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Đặng Viết Thuần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản