Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-LCT/HĐNN7

Hà Nội, ngày 26 tháng 2 năm 1983

PHÁP LỆNH

SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU VỀ THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP

Để phát huy tác dụng của chính sách thuế công thương nghiệp trong tình hình hiện nay, góp phần khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, động viên và điều tiết một cách hợp lý thu nhập về kinh doanh công thương nghiệp ;

Căn cứ vào Điều 83 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá VII, kỳ họp thứ 4, ngày 28 tháng 12 năm 1982 ;

Pháp lệnh này sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp.

Điều 1

Sửa đổi Điều 3 của Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo Nghị quyết số 200 NQ/TVQH ngày 18 tháng 1 năm 1966 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội như sau :

Điều 3 mới :

Thuế công thương nghiệp nói trong Điều lệ này gồm có thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế buôn chuyến và thuế môn bài.

Các tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên thì nộp thuế doanh nghiệp và thuế lợi tức doanh nghiệp.

Các tổ chức và các nhân buôn từng chuyến hàng thì nộp thuế buôn chuyến.

Các tổ chức và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn từng chuyến hàng đều phải nộp thuế môn bài.

Điều 2

Bãi bỏ biểu thuế doanh nghiệp kèm theo Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành theo Nghị quyết số 200 NQ/TVQH ngày 18 tháng 1 năm 1966 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Sửa đổi đoạn 1, Điều 4 của Điều lệ thuế công thương nghiệp nói trên như sau :

Đoạn 1 mới Điều 4 :

Thuế doanh nghiệp tính trên doanh thu của cơ sở kinh doanh theo thuế suất dưới đây :

- Các ngành sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải và kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp : theo thuế suất 3%, 4% và 5%, tuỳ theo ngành, nghề.

- Các ngành phục vụ : theo thuế suất 5%, 7% và 9%, tuỳ theo ngành, nghề và quy mô kinh doanh.

- Các ngành thương nghiệp, ăn uống : theo thuế suất 6%, 8% và 10%, tuỳ theo ngành, nghề và quy mô kinh doanh.

Điều 3

Sửa đổi suất miễn thu quy định ở Điều 1 của Pháp lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1980 "sửa đổi và bổ sung một số điểm về thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh" như sau :

Suất miễn thu đối với tất cả các ngành, nghề bằng mức lương bình quân của công nhân, viên chức xí nghiệp quốc doanh địa phương cùng ngành, nghề.

Điều 4

Sửa đổi Điều 16, Điều 22, Điều 24 và Điều 27 của Điều lệ thuế công thương nghiệp đã được sửa đổi theo Điều 2 của Pháp lệnh ngày 23 tháng 6 năm 1980 như sau :

Điều 16 mới :

Thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các hợp tác xã sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải và kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp thì tính theo biểu thuế lợi tức doanh nghiệp kèm theo Pháp lệnh này.

Lợi tức làm căn cứ để xác định thuế suất là lợi tức bình quân của mỗi xã viện.

Hợp tác xã được giảm thuế lợi tức từ 5% đến 20%, tuỳ theo trình độ quan hệ sản xuất và mức độ quan hệ kinh tế với Nhà nước.

Những hợp tác xã mới thành lập ở miền núi, nếu còn nhiều khó khăn, thì có thể được miễn thuế lợi tức trong 1 hoặc 2 năm, theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 22 mới :

Thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các hộ riêng lẻ sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải và kinh doanh nông nghiệp không thuộc diện nộp thuế nông nghiệp thì tính theo biểu thuế lợi tức doanh nghiệp kèm theo Pháp lệnh này.

Những hộ có quan hệ kinh tế với Nhà nước được giảm thuế lợi tức từ 5% đến 10%, tuỳ theo mức độ quan hệ.

Điều 24 mới :

Thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các hộ riêng lẻ kinh doanh các ngành phục vụ thì tính theo biểu thuế lợi tức doanh nghiệp kèm theo Pháp lệnh này.

Các hợp tác xã, tổ hợp tác phục vụ được giảm thuế lợi tức từ 5% đến 10%, tuỳ theo trình độ quan hệ sản xuất.

Điều 27 mới :

Thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các hộ riêng lẻ kinh doanh các ngành thương nghiệp, ăn uống tính theo biểu thuế lợi tức doanh nghiệp kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 5

Thêm vào Điều lệ thuế công thương nghiệp Chương IV - A về thuế môn bài, gồm các điều sau đây :

Điều 39a :

Thuế môn bài thu mỗi năm một lần vào đầu năm dương lịch theo sáu mức : 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 3.000 đồng và 5.000 đồng.

Điều 39b :

Những tổ chức và cá nhân mới ra kinh doanh trong 6 tháng đầu năm thì nộp thuế môn bài cả năm ; mới ra kinh doanh trong 6 tháng cuối năm thì nộp 50% thuế môn bài.

Những tổ chức và cá nhân kinh doanh đã nộp thuế môn bài, nếu di chuyển sang địa phương khác hoặc thay đổi ngành, nghề, mặt hàng kinh doanh thì phải kê khai và nộp lại thuế môn bài như mới ra kinh doanh. Trong trường hợp di chuyển sang địa phương khác hoặc thay đổi ngành, nghề, mặt hàng kinh doanh theo hướng Nhà nước khuyến khích thì chỉ phải đổi môn bài.

Điều 39c :

Các tổ chức và cá nhân kinh doanh phải nộp đủ thuế môn bài trong thời hạn và theo mức thuế do cơ quan thuế thông báo ; kinh doanh theo đúng địa điểm, ngành, nghề, mặt hàng đã ghi trong môn bài; khai báo ngay với cơ quan thuế mỗi khi có sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh ; không được cho thuê, cho mượn môn bài.

Điều 6

Sửa đổi Điều 44 và Điều 45 của Điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành ngày 18 tháng 1 năm 1966 như sau :

Điều 44 mới :

Người nào kinh doanh không có giấy phép, không có môn bài ; trốn tranh hoặc gian lận trong việc khai báo, tính thuế, nộp thuế ; dây dưa trong việc nộp thuế ; cản trở việc thi hành pháp luật về thuế ; hoặc có hành vi khác vi phạm Điều lệ thuế ; thì tuỳ mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử phạt theo một hoặc nhiều biện pháp sau đây :

1- Bị phạt tiền đến 5 lần số thuế thiếu ;

2- Bị thu hồi giấy phép kinh doanh và môn bài ;

3- Nếu tái phạm nhiều lần hoặc vi phạm có tình tiết nghiêm trọng, thì bị xử phạt theo Pháp lệnh ngày 30 tháng 6 năm 1982 "Trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép".

Điều 45 mới:

1- Về phạt tiền : theo biện pháp xử phạt nói ở điểm 1, Điều 44 mới, thẩm quyền xử phạt quy định như sau :

- Trưởng trạm thuế được phạt đến 500 đồng.

- Trưởng phòng thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được phạt đến 2.000 đồng. Mức phạt từ trên 2.000 đồng đến 5.000 đồng phải do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định.

- Chi cục trưởng thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương được phạt đến 10.000 đồng. Mức phạt trên 10.000 phải do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương quyết định.

2- Về thu hồi giấy phép kinh doanh và môn bài : cơ quan cấp giấy phép kinh doanh có thẩm quyền thu hồi giấy phép ; người bị thu hồi giấy phép kinh doanh thì đương nhiên bị thu hồi môn bài.

Điều 7

Thay thế biểu thuế hàng hoá ban hành theo Nghị quyết số 487NQ/QHK4 ngày 26 tháng 9 năm 1974 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội bằng biểu thuế hàng hoá mới kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 8

Sửa đổi điểm 1 Điều 15 và sửa đổi Điều 16 của Điều lệ thuế hàng hoá như sau :

Điểm 1 mới của Điều 15 :

Nếu không làm đúng những quy định về khai báo, giữ sổ sách kế toán ghi trong Điều 14 của Điều lệ thuế hàng hoá thì bị phạt tiền từ 200 đồng đến 2.000 đồng ; nếu tái phạm hoặc vi phạm có tình tiết nghiêm trọng thì bị phạt đến 5.000 đồng.

Điều 16 mới :

Theo biện pháp xử phạt nói ở Điều 15 của Điều lệ thuế hàng hoá, thẩm quyền xử phạt các vi phạm Điều lệ thuế hàng hoá quy định như sau :

- Trưởng trạm thuế được phạt đến 500 đồng.

- Trưởng phòng thuế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được phạt đến 2.000 đồng. Mức phạt từ trên 2.000 đến 5.000 đồng phải do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định.

- Chi cục trưởng thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương được phạt đến 10.000 đồng. Mức phạt trên 10.000 đồng phải do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương quyết định.

Điều 9

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.

 

 

Trường Chinh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh sửa đổi Thuế Công thương nghiệp năm 1983 do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 10-LCT/HĐNN7
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 26/02/1983
  • Nơi ban hành: Hội đồng Nhà nước
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 11/03/1983
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản