Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-LCT/HĐNN7

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 1983

 

PHÁP LỆNH

VỀ VIỆC PHÁT HÀNH CÔNG TRÁI XÂY DỰNG TỔ QUỐC

Để động viên nguồn vốn trong nhân dân góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà;
Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng;
Pháp lệnh này quy định việc phát hành Công trái xây dựng Tổ quốc.

Điều 1

Công trái xây dựng Tổ quốc là một nguồn thu của ngân sách Nhà nước dành để đầu tư xây dựng những công trình then chốt, tạo nên cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Điều 2

Phiếu công trái phát hành hàng năm.

Việc mua công trái thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện và tuỳ theo khả năng của mỗi người, Nhà nước động viên mọi người, mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như ở ngoài nước mua công trái, góp phần vào việc xây dựng đất nước.

Điều 3

Phiếu công trái có loại thu và ghi bằng tiền, có loại thu và ghi bằng thóc, có loại thu và ghi bằng ngoại tệ.

Loại thu và ghi bằng tiền có 6 hạng: 100 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng và 50.000 đồng.

Loại thu và ghi bằng thóc có 5 hạng: 50 kilôgam, 100 kg, 500 kg, 1.000 kg và 3.000 kg.

Loại thu và ghi bằng ngoại tệ không chia hạng mà ghi theo số tiền của người mua. Nếu người mua cư trú ở nước ngoài thì phiếu công trái được bảo quản tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.

Điều 4

Nhà nước bảo đảm giá trị của tiền mua công trái. Hội đồng bộ trưởng quy định danh mục và giá cả một số mặt hàng công nghiệp thông dụng để làm căn cứ tính sức mua của đồng tiền ở thời điểm mua cũng như ở thời điểm thanh toán công trái.

Phiếu công trái thu bằng thóc, khi thanh toán sẽ tính thành tiền theo thời giá lúc thanh toán.

Phiếu công trái thu bằng tiền cũng như phiếu công trái thu bằng thóc, khi thanh toán sẽ được trả bằng tiền hoặc bằng hàng công nghiệp tuỳ theo yêu cầu của người sở hữu phiếu công trái.

Phiếu công trái thu bằng ngoại tệ chuyển đổi, khi thanh toán sẽ được trả bằng ngoại tệ cùng loại ghi ở phiếu. Nếu người sở hữu phiếu công trái muốn được trả bằng tiền Việt Nam hoặc bằng hàng công nghiệp thì quy đổi ngoại tệ sang tiền Việt Nam theo tỷ giá kiều hối ở thời điểm thanh toán và tính giá hàng bằng tiền Việt Nam.

Trong trường hợp mua phiếu công trái bằng ngoại tệ không chuyển đổi thì quy đổi ngoại tệ ấy sang tiền Việt Nam theo tỷ giá phi mậu dịch ở thời điểm mua phiếu công trái và xem như mua phiếu công trái bằng tiền Việt Nam. Khi thanh toán sẽ thanh toán như phiếu công trái thu bằng tiền Việt Nam.

Điều 5

Các loại phiếu công trái đều ghi tên người mua. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu phiếu công trái như đối với mọi tài sản riêng của công dân. Người sở hữu phiếu công trái có quyền chuyển quyền sở hữu cho người khác, theo thể thức do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 6

Các loại phiếu công trái được hưởng lãi hàng năm là 2% tính trên số tiền, số thóc hoặc số ngoại tệ ghi trên phiếu. Phiếu công trái được thanh toán đúng hạn 10 năm kể từ ngày mua, vốn và lãi thanh toán một lần.

Điều 7

Những người có đóng góp xuất sắc về công trái, những địa phương, tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động phát hành công trái được Nhà nước biểu dương, khen thưởng.

Người nào làm giả phiếu công trái, tuyên truyền xuyên tạc chính sách công trái, hoặc có hành vi khác phá hoại việc phát hành công trái thì bị xử lý theo pháp luật.

Điều 8

Thành lập Uỷ ban vận động mua công trái từ trung ương đến xã, phường gồm đại diện của các ngành, các giới. Uỷ ban vận động mua công trái phối hợp hoạt động của các ngành, các giới trong công tác truyền truyền, cổ động về công trái và vận động phong trào quần chúng mua công trái.

Điều 9

Hội đồng bộ trưởng tổ chức, chỉ đạo việc phát hành công trái và quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh này.

 

 

Trường Chinh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh Phát hành công trái xây dựng Tổ quốc năm 1983

  • Số hiệu: 12-LCT/HĐNN7
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 25/11/1983
  • Nơi ban hành: Hội đồng Nhà nước
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 28/11/1983
  • Ngày hết hiệu lực: 08/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản