Hệ thống pháp luật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/1999/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 1999

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 12/1999/PL-UBTVQH10 NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 1999 VỀ PHÁT HÀNH CÔNG TRÁI XÂY DỰNG TỔ QUỐC

Để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, tạo nguồn vốn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Pháp lệnh này quy định về phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Công trái xây dựng Tổ quốc do Chính phủ phát hành nhằm huy động nguồn vốn trong nhân dân để đầu tư xây dựng những công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đời sống, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước.

Điều 2

Việc mua công trái được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.

Nhà nước động viên mọi tổ chức và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua công trái, góp phần xây dựng Tổ quốc.

Nhà nước Việt Nam hoan nghênh tổ chức và cá nhân nước ngoài mua công trái.

Điều 3

Nhà nước bảo đảm giá trị công trái và bảo hộ quyền sở hữu, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người sở hữu công trái.

Điều 4

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân tham gia mua công trái xây dựng Tổ quốc.

Chương 2:

PHÁT HÀNH VÀ THANH TOÁN CÔNG TRÁI, QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI MUA CÔNG TRÁI

Điều 5

Việc phát hành công trái căn cứ vào nhu cầu huy động vốn từng thời kỳ.

Chính phủ tổ chức, chỉ đạo việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc theo Nghị quyết của Quốc hội.

Điều 6

1. Công trái gồm:

a) Công trái thu và ghi bằng tiền Việt Nam;

b) Công trái thu và ghi bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi;

c) Công trái thu và ghi bằng vàng.

2. Loại ngoại tệ tự do chuyển đổi, đơn vị đo lường, chất lượng vàng dùng để mua công trái do Chính phủ quy định khi phát hành công trái.

Điều 7

Công trái được phát hành theo hình thức sau đây:

1. Công trái có ghi tên, công trái không ghi tên;

2. Công trái có in trước mệnh giá, công trái không in trước mệnh giá.

Điều 8

Công trái có kỳ hạn năm năm, kỳ hạn mười năm.

Chính phủ quy định cụ thể kỳ hạn công trái khi phát hành.

Điều 9

Kích thước, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của công trái, việc in ấn, bảo quản, vận chuyển công trái do Chính phủ quy định.

Điều 10

1. Công trái được Nhà nước bảo đảm giá trị như sau:

a) Công trái thu và ghi bằng tiền Việt Nam được bảo đảm giá trị bằng chính số tiền ghi trên công trái cộng với mức trượt giá ở thời điểm thanh toán công trái so với thời điểm mua công trái;

b) Công trái thu và ghi bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi được bảo đảm giá trị bằng chính ngoại tệ ghi trên công trái;

c) Công trái thu và ghi bằng vàng được bảo đảm giá trị bằng chính loại vàng ghi trên công trái.

2. Người mua công trái được hưởng một tỷ lệ lãi suất không thấp hơn 1,5%/năm theo số tiền Việt Nam, số ngoại tệ tự do chuyển đổi, số lượng vàng đã được ghi trên công trái. Tỷ lệ lãi suất cụ thể cho từng đợt phát hành đối với công trái kỳ hạn năm năm, công trái kỳ hạn mười năm do Chính phủ quy định.

3. Tiền lãi thu được từ công trái quy định tại khoản 2 điều này không phải chịu thuế thu nhập.

Điều 11

1. Chính phủ tổ chức, chỉ đạo việc thanh toán công trái bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, đúng kỳ hạn; công trái được thanh toán một lần cả gốc và lãi tại hệ thống Kho bạc nhà nước hoặc tại các cơ quan, tổ chức khác do Chính phủ quy định.

2. Công trái mua bằng tiền Việt Nam được thanh toán bằng tiền Việt Nam; công trái mua bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi được thanh toán bằng ngoại tệ khi mua; công trái mua bằng vàng được thanh toán bằng vàng cùng loại khi mua.

3. Người sở hữu công trái thu và ghi bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi muốn được thanh toán bằng tiền Việt Nam thì được thanh toán theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán ghi trên công trái; người sở hữu công trái thu và ghi bằng vàng muốn thanh toán bằng tiền Việt Nam thì được thanh toán theo giá mua vàng cùng loại trên thị trường tại thời điểm thanh toán ghi trên công trái.

Điều 12

Công trái được mua, bán, tặng cho, thừa kế, cầm cố.

Người mua lại công trái; người được tặng cho, thừa kế công trái được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp như đối với người mua công trái; người nhận cầm cố công trái được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp như đối với người nhận cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc mua công trái xây dựng Tổ quốc, trong công tác vận động mua công trái, tổ chức phát hành công trái thì được Nhà nước khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 14

Người nào có hành vi làm giả công trái, cản trở việc phát hành, thanh toán công trái hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Pháp lệnh này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 15

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc phát hành, thanh toán công trái để chiếm đoạt, làm thất thoát nguồn vốn huy động từ công trái thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Pháp lệnh này thay thế Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc ngày 25 tháng 11 năm 1983 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Pháp lệnh về việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc ngày 30 tháng 5 năm 1985.

Các quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 17

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh Phát hành công trái xây dựng tổ quốc năm 1999

  • Số hiệu: 12/1999/PL-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 27/04/1999
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 22/06/1999
  • Số công báo: Số 23
  • Ngày hiệu lực: 08/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản