Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1967

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC

Hội đồng Chính phủ, trong phiên họp thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 27-01-1967, sau khi nghe ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp báo cáo, đã nhận định tình hình chăn nuôi gia súc trong thời gian qua và đề ra nhiệm vụ, phương hướng và biện pháp phát triển chăn nuôi gia súc trong thời gian tới như sau.

I. NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI GIA SÚC TRONG THỜI GIAN QUA

Chấp hành nghị quyết hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 8 của Trung ương Đảng, chỉ thị số 56 của Ban Bí thư trung ương Đảng ngày 22-10-1962 về phương hướng và biện pháp đẩy mạnh chăn nuôi trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và các chủ trương, chính sách, chế độ của Nhà nước nhằm khuyến khích chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp, các ngành có liên quan và các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo chăn nuôi nên đã thu được những kết quả đáng kể:

- Đàn gia súc, nhất là trâu, lợn, ngựa, dê, đã tăng lên rõ rệt, năm 1966 so với năm 1961 trâu tăng 14,3%, bình quân hàng năm tăng 2,7%, lợn tăng 36,4%, bình quân hàng năm tăng 6,4%, ngựa, dê, gia cầm cũng đều tăng. Trong thời gian gần đây, khắc phục những khó khăn về thời tiết và những khó khăn do chiến tranh phá hoại của dịch gây nên, nhiều nơi đã cố gắng giữ vững và phát triển chăn nuôi, đã xây dựng được một số điển hình chăn nuôi giỏi (huyện, hợp tác xã nông nghiệp, trại, nông trường). Cả 3 khu vực chăn nuôi (gia đình, tập thể, quốc doanh) đều đang trên đà phát triển.

- Cơ sở vật chất và kỹ thuật được tăng cường thêm một bước. Việc trồng cỏ, trồng cây thức ăn cho gia súc, công tác bình quyền, chọn lọc và phân phối giống, công tác vệ sinh phòng bệnh, thú y ngày càng được chú trọng; đội ngũ cán bộ chăn nuôi, thú y được đào tạo ngày càng đông; chuồng trại đã được xây dựng thêm, công cụ chăn nuôi được trang bị nhiều hơn, v.v…

Nhưng nhìn chung, so với yêu cầu và khả năng, chăn nuôi phát triển chậm, không đều và chưa cân đối với trồng trọt. Số lượng, chất lượng đàn gia súc còn kém (riêng đàn bò trong vài năm nay vẫn tiếp tục giảm), do đó chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn về sức kéo, phân chuồng, phục vụ thâm canh, tăng vụ, về thực phẩm (thịt, trứng, sữa…), về sản phẩm chăn nuôi cho công nghiệp, cho xuất khẩu.

Nguyên nhân chính là do:

- Bộ Nông nghiệp, các ngành có liên quan và các cấp chưa quán triệt đường lối phát triển nông nghiệp của Trung ương, chưa nhận thức rõ vị trí của ngành chăn nuôi trong nền sản xuất nông nghiệp toàn diện và trong tình hình chiến tranh hiện nay, cho nên chưa chú ý đi sâu vào chỉ đạo chăn nuôi, đi sâu vào hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở giải quyết những khó khăn cụ thể và chưa tăng cường bộ máy chỉ đạo chăn nuôi từ trên xuống dưới.

- Chưa chấp hành nghiêm chỉnh, đúng đắn những chủ trương, chính sách và biện pháp lớn đã được đề ra nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi, như dành 5% đất cho xã viên và 5% đất cho hợp tác xã để trồng cây thức ăn cho gia súc; phấn đấu tăng tỷ trọng diện tích và sản lượng hoa màu trong toàn bộ diện tích và sản lượng hoa màu trong toàn bộ diện tích và sản lượng lương thực; chính sách chăn nuôi lợn thịt, lợn giống, chăn nuôi trâu, bò sinh sản và sử dụng 2% sản lượng lương thực cho chăn nuôi, v.v… chưa kịp thời nghiên cứu một số chính sách mới cần thiết cho việc khuyến khích phát triển chăn nuôi.

- Chỉ đạo chăn nuôi thiếu toàn diện, chưa chú ý đúng mức đến chăn nuôi trâu, bò sinh sản và chăn nuôi bò đàn; đối với chăn nuôi lợn, chưa chú ý phát triển đúng mức chăn nuôi tập thể và chăn nuôi gia đình; còn coi nhẹ chăn nuôi gia cầm.

- Cơ sở vật chất và kỹ thuật cần thiết cho ngành chăn nuôi còn rất yếu, nhất là thức ăn, giống, thú y; việc đầu tư vốn, vật tư, trang bị công cụ, phương tiện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho ngành chăn nuôi chưa được chú ý đúng mức. Do đó năng suất lao động trong ngành chăn nuôi còn rất thấp.

II. NHIỆM VỤ, PHƯƠNG HƯỚNG VÀ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC TRONG THỜI GIAN TỚI

Trước hết, chúng ta cần phải nhận rõ nền sản xuất nông nghiệp của ta phải phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, do đó chăn nuôi phải phát triển cân đối với trồng trọt. Nhiệm vụ của chăn nuôi là phải bảo đảm những nhu cầu trước mắt ngày càng lớn như cung cấp sức kéo và phân chuồng phục vụ thâm canh, tăng vụ và cải tạo đất đai, cung cấp thực phẩm (thịt, trứng, sữa…) cho đời sống nhân dân, cung cấp sản phẩm chăn nuôi cho công nghiệp và xuất khẩu, đồng thời phải tạo cơ sở thuận lợi để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại sau này.

Trong tình hình hiện nay, mặc dù chúng ta có gặp một số khó khăn về thiên tai và địch họa, nhưng chúng ta có những thuận lợi rất to lớn: đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ đã được đề ra trong những nghị quyết, chỉ thị, nhất là nghị quyết hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 8 của Ban chấp hành trung ương Đảng, nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi, là hoàn toàn đúng; quan hệ sản xuất ở nông thôn đã được hoàn thiện hơn, hợp tác xã phần lớn đã lên bậc cao, đã mở rộng quy mô, ngày càng được củng cố, đã có kinh nghiệm bước đầu về chăn nuôi tập thể, có nhiều kinh nghiệm phong phú về chăn nuôi gia đình; ngành nông trường, qua mấy năm củng cố, đã có nhiều kinh nghiệm về phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn; về mặt khoa học kỹ thuật chăn nuôi cũng đã có tiến bộ trong việc giải quyết thức ăn, xây dựng màng lưới thú y, bình tuyển, chọn lọc giống gia súc, trang bị công cụ, kỹ thuật, v.v…

Chúng ta phải ra sức phát huy những thuận lợi và khắc phục những khó khăn nói trên, để đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi gia súc theo những phương hướng và biện pháp dưới đây:

A. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC

1. Phải phát triển chăn nuôi toàn diện.

Để tận dụng được những khả năng về đất đai, lao động, nguồn thức ăn dồi dào, chăn nuôi phải toàn diện. Phải chú trọng phát triển các loại gia súc lớn (trâu, bò, ngựa), gia súc nhỏ (lợn, dê, cừu…), gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng…). Đối với trâu, bò phải chú trọng cả trâu, bò cày kéo, trâu bò sữa, và bò thịt. Đối với gia cầm, phải chú trọng cả chăn nuôi lấy thịt và chăn nuôi lấy trứng.

2. Phải chú trọng cả ba khu vực: chăn nuôi gia đình, chăn nuôi tập thể và chăn nuôi quốc doanh.

Hết sức chú trọng hướng dẫn, giúp đỡ và khuyến khích chăn nuôi gia đình nhằm tăng nhanh đàn lợn, gia cầm; ở những nơi có điều kiện, cần khuyến khích gia đình chăn nuôi trâu bò sinh sản hoặc lấy sữa.

Ra sức phát triển chăn nuôi tập thể về cả trâu, bò, lợn và tiến tới chăn nuôi cả gia cầm nhằm chủ yếu cung cấp sức kéo, phân bón cho trồng trọt, giống tốt cho xã viên, và thực phẩm cho Nhà nước, ở những nơi có điều kiện, cần chăn nuôi tập trung để có thể đưa trang bị kỹ thuật vào nhanh hơn.

Phải đẩy mạnh chăn nuôi quốc doanh, ở các nông trường, cần làm tốt hơn nữa chăn nuôi sinh sản, chăn nuôi lấy sữa, chăn nuôi lấy thịt, trứng, nhân giống và cung cấp giống tốt cho hợp tác xã. Các trại chăn nuôi dự trữ của ngành nội thương có nhiệm vụ chăn nuôi vỗ béo, kinh doanh có lãi.

3. Phải có phương hướng cụ thể cho từng vùng, từng địa phương.

Mỗi vùng, mỗi địa phương đều có những khả năng, kinh nghiệm chăn nuôi, có những yêu cầu đối với chăn nuôi của vùng mình, của địa phương mình, phải ra sức khai thác những khả năng ấy để đẩy mạnh chăn nuôi.

Miền núi và trung du có khả năng rất lớn về chăn nuôi trâu bò, nhất là trâu bò sinh sản, ngựa, lợn, dê và các loại gia cầm. Riêng vùng trung du, kết hợp với phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản, còn có nhiệm vụ chăn nuôi trâu, bò chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng, cung cấp tốt sức kéo cho miền xuôi.

Ở đồng bằng có nhiều phụ phẩm trong nông nghiệp, cây thức ăn cho gia súc trồng được quanh năm, nên phải phát triển mạnh đàn lợn, gia cầm, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò cày kéo kết hợp với chăn nuôi sinh sản.

Ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung có nhiều phụ phẩm trong công nghiệp, có vùng nông nghiệp ngoại ô rất lớn, có khả năng trang bị kỹ thuật cho chăn nuôi, nên cần phải biết kết hợp chặt chẽ giữa chăn nuôi gia đình, chăn nuôi tập thể và chăn nuôi quốc doanh để có quy hoạch phát triển màng lưới thực phẩm vững chắc chung quanh các thành phố, khu công nghiệp.

B. BIỆN PHÁP KỸ THUẬT VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT CHO CHĂN NUÔI GIA SÚC

1. Đẩy mạnh sản xuất và chế biến thức ăn cho gia súc.

Bảo đảm thức ăn cho gia súc là một khâu rất quan trọng trong công tác chăn nuôi. Có tạo cơ sở thức ăn dồi dào và vững chắc cho gia súc thì mới có thể phát triển chăn nuôi mạnh mẽ quanh năm. Cần phải tổ chức tốt việc sản xuất trên đất đai dành cho chăn nuôi, thu hoạch và chế biến những sản phẩm phụ trong nông nghiệp, công nghiệp, tăng dần những trang bị kỹ thuật để sản xuất thức ăn cho gia súc.Trước mắt, cần phải làm tốt những việc sau đây:

a) Phải kiên quyết dành 5% đất cho chăn nuôi tập thể:

Sử dụng hợp lý và ra sức thâm canh, tăng vụ trên đất ấy để sản xuất thức ăn cho gia súc theo yêu cầu về số lượng và chất lượng. Mặt khác, phải hướng dẫn và giúp đỡ các gia đình sử dụng tốt 5% đất dành cho gia đình xã viên để trồng rau và thức ăn cho gia súc. Cần phải quản lý, chăm sóc tốt các bãi cỏ, đồng cỏ, vùng ven sông (có đê, có bãi) để có cỏ tốt cho trâu bò. Nông trường phải có kế hoạch xây dựng những đồng cỏ tốt, những cơ sở trồng thức ăn vững chắc cho gia súc. Cần nghiên cứu và phổ biến kinh nghiệm về kỹ thuật gieo trồng, những cây giống thức ăn cho gia súc có năng suất cao, dinh dưỡng nhiều.

b) Phải ra sức đẩy mạnh việc trồng màu, kiên quyết bảo đảm tỷ trọng về diện tích và về sản lượng hoa mầu trong toàn bộ diện tích, sản lượng lương thực như nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã đề ra (24% diện tích và 30% sản lượng). Mặt khác, phải tổ chức tổt việc thu hoạch, chế biến, bảo quản, dự trữ mầu và những phụ phẩm về trồng trọt để tăng nguồn thức ăn cho gia súc. Kết hợp việc trồng cây chắn gió, cây phân xanh để lấy củi đun, ưu tiên dành rơm làm thức ăn cho trâu, bò.

c) Chú trọng chế biến thức ăn cho gia súc để có đủ số lượng, chất lượng cung cấp quanh năm. Phải nghiên cứu, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm sản xuất, chế biến và dự trữ thức ăn cho gia súc, Bộ Nông nghiệp cần kết hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu cách làm thức ăn tổng hợp, nếu cần có thể sản xuất theo công nghiệp, để tận dụng những nguồn thức ăn rất dồi dào. Cần phải có chính sách dành một phần bã mắm, bã lạc, khô dầu… để cung cấp trở lại cho hợp tác xã và gia đình xã viên phát triển chăn nuôi.

2. Tăng cường công tác giống gia súc.

Yêu cầu đối với công tác giống gia súc là nắm được những đặc điểm của gia súc, vận dụng những quy luật về sinh vật học, ra sức bồi dưỡng và nâng cao chất lượng những giống tốt, thải loại dần những giống xấu, chọn lọc và xây dựng đàn gia súc có năng suất cao. Phải hết sức chú trọng và bồi dưỡng giống trong nước là chính, mặt khác cần phải nghiên cứu và có kế hoạch nhập một số giống tốt ở nước ngoài, thích ứng với điều kiện cụ thể của ta.

Trong thời gian tới, cần phải làm tốt những việc sau đây:

a) Tiếp tục tiến hành việc điều tra cơ bản để nắm cho được tình hình giống gia súc của ta, phân tích đánh giá đàn giống ở từng địa phương, từng vùng, trên cơ sở đó và căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ chăn nuôi, có kế hoạch từng bước xây dựng lại đàn giống gia súc.

b) Tiến hành thường xuyên, rộng rãi việc chọn lọc, bình tuyển giống từ cơ sở lên từng vùng, từng tỉnh để chọn ra và bồi dưỡng đàn giống, kể cả trâu, bò, lợn, ngựa, cừu, dê,… các loại gia cầm; tích cực bồi dưỡng và phát triển giống tốt, thải loại dần giống đã thoái hóa, năng suất thấp.

c) Từng bước tổ chức việc truyền giống tốt để nâng dần chất lượng đàn gia súc (tổ chức màng lưới thụ tinh nhân tạo, bố trí đủ số đực giống cho từng vùng…). Tổ chức việc điều hòa giống giữa các vùng.

d) Bộ Nông nghiệp phải có kế hoạch xây dựng đàn giống cơ bản và dựa vào các nông trường, các trại giống ở các tỉnh để nhân giống gia súc tốt, cung cấp cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có nhiệm vụ sản xuất giống đại trà bán cho xã viên trong hợp tác xã (chủ yếu là giống lợn, gia cầm). Bộ Nông nghiệp cùng với Bộ Nông trường xây dựng những cơ sở khoa học, kỹ thuật để thụ tinh nhân tạo.

3. Phải làm tốt việc bảo vệ gia súc.

Đi đôi với việc đẩy mạnh chăn nuôi, phải tăng cường việc bảo vệ đàn gia súc. Phải tích cực sản xuất thuốc men cung cấp dù cho nhu cầu phòng chống dịch, bệnh gia súc. Phải ra sức xây dựng màng lưới thú y từ trung ương đến cơ sở, tổ chức thực hiện tốt chế độ kiểm dịch gia súc, chấp hành tốt thể lệ sát sinh.

Ở mỗi hợp tác xã, xã đều phải có cán bộ kỹ thuật phụ trách về thú y và bảo vệ gia súc; có tủ thuốc và dụng cụ thú y; có nội quy về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, phòng chống đói rét và chống lạm sát trâu, bò, lợn. Các nông trường, các cơ sở chăn nuôi của Nhà nước phải tổ chức tốt công tác bảo vệ gia súc, và gương mẫu trong việc chấp hành các chế độ, thể lệ về chăn nuôi.

Ở các cấp trung ương, tỉnh, huyện cũng phải tăng cường lực lượng làm công tác thú y và kiểm dịch, có sự phân công hợp lý để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh và bảo vệ gia súc trong từng vùng, từng địa phương. Cần phải có kế hoạch và biện pháp kịp thời dập tắt những ổ dịch thường xuất hiện ở một số nơi, đồng thời phải có kế hoạch để trong từng thời gian cụ thể có thể tiêu diệt được một số dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

4. Tích cực xây dựng chuồng trại, sản xuất công cụ chăn nuôi, giải quyết nước cho gia súc.

Cần phải xây dựng đủ chuồng trại (chủ yếu bằng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương), thích hợp với từng loại gia súc, bảo đảm vệ sinh. Phải tích cực sản xuất và cung cấp những công cụ chăn nuôi (công cụ thường, công cụ cải tiến), công cụ chế biến thức ăn gia súc, dần dần áp dụng những công cụ bán cơ giới. Các nông trường phải dần dần tiến lên cơ giới hóa trong việc chăn nuôi, nhằm giảm nhẹ lao động nặng nhọc và tăng năng suất lao động trong chăn nuôi. Phải giải quyết tốt vấn đề nước cho gia súc, nhất là đối với khu vực chăn nuôi tập trung (sử dụng vào việc ăn uống và tắm rửa cho gia súc, cọ rửa chuồng trại…) và nước tưới cho cây thức ăn gia súc, tiến tới giải quyết cả nước tưới cho đồng cỏ, nhất là trong mùa khô hanh (như chỉ thị số 56 ngày 22-10-1962 của Ban Bí thư đã nêu rõ).

5. Tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách về chăn nuôi.

Cần phải ra sức tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý giúp cho các ngành, các cấp chỉ đạo về chăn nuôi, và cung cấp cho các cơ sở. Phải hướng dẫn cán bộ đi sâu vào kỹ thuật chăn nuôi đối với từng loại gia súc, đi sâu vào giải quyết những vấn đề cụ thể như thức ăn, giống, thú y… Cần phải quản lý và sử dụng tốt số cán bộ đại học, trung cấp và sơ cấp đã được đào tạo, có chính sách bồi dưỡng về kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ; đối với cán bộ kỹ thuật chăn nuôi ở hợp tác xã phải có chính sách công điểm hợp lý. Đồng thời, phải chú trọng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chăn nuôi để cung cấp cho nhu cầu phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Xây dựng nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa phải chuyển ngành chăn nuôi từ một nghề phụ trong chế độ cũ thành một ngành sản xuất quan trọng trong nông nghiệp và phải đẩy mạnh chăn nuôi phát triển cân đối với trồng trọt. Đó là một vấn đề rất lớn, các cấp, các ngành có liên quan phải nhận thức đầy đủ và ra sức tăng cường sự chỉ đạo, để đẩy mạnh chăn nuôi phát triển đúng với vị trí quan trọng của nó.

Sau đây là một số vấn đề về tổ chức và chỉ đạo thực hiện cần phải giải quyết tốt:

1. Phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, cán bộ và nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với chăn nuôi, thấy rõ khả năng và vị trí của chăn nuôi trong mỗi gia đình, mỗi hợp tác xã, mỗi địa phương và trong cả nước, ra sức động viên mọi người phát huy năng lực và sáng kiến phát triển chăn nuôi. Cần phải gây thành một phong trào rộng rãi trong quần chúng thi đua nuôi trâu, bò giỏi, nuôi lợn, nuôi gà, vịt, ngan ngỗng… giỏi. Chú trọng đúc kết những kinh nghiệm tốt về chăn nuôi của quần chúng, của các anh hùng, chiến sĩ thi đua để phổ biến kịp thời và rộng rãi.

2. Phải tăng cường bộ máy chỉ đạo chăn nuôi, có hệ thống chuyên trách từ trung ương đến địa phương, đến tận cơ sở sản xuất, nhưng phải tinh giản, có hiệu lực; phải có sự phân công, phân nhiệm rành mạch giữa các cấp, các ngành, có chỉ tiêu kế hoạch cụ thể, có thời hạn hoàn thành, có kiểm tra, đôn đốc, có kiểm điểm và báo cáo kết quả công tác từng thời gian. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần có tổ chức chuyên lo chăn nuôi, thú y, có một số cán bộ chuyên môn cung cấp, cao cấp giúp việc; ở huyện cũng phải có cán bộ chăn nuôi, thú y, phân công một phó chủ nhiệm phụ trách chăn nuôi.

3. Phải chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các chính sách khuyến khích chăn nuôi đã ban hành, ngăn ngừa những vi phạm ảnh hưởng đến chăn nuôi, đồng thời phải nghiên cứu những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi.

4. Phải đầu tư đúng mức vốn, lao động, vật tư cho chăn nuôi. Phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương, để nghiên cứu phương hướng và chính sách đầu tư cho chăn nuôi, nhằm tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ, vững chắc, quanh năm. Phải nhằm vào những khâu chủ yếu, những việc cần thiết, cấp bách, và phải chú ý tiết kiệm, sử dụng hợp lý.

5. Căn cứ vào nhiệm vụ, phương hướng và những biện pháp mà Hội đồng Chính phủ đã đề ra trên đây, Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường, Bộ Nội thương và các ngành có liên quan khác phải phối hợp chặt chẽ để có kế hoạch và biện pháp cụ thể thực hiện nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và hướng dẫn cho các địa phương chấp hành.

Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành có liên quan ở trung ương và các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh chấp hành nghị quyết này với đầy đủ trách nhiệm của ngành mình, của địa phương mình, quyết tâm đẩy mạnh chăn nuôi phát triển cân đối với trồng trọt, nhằm đáp ứng những nhu cầu ngày càng lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 62-CP về phát triển chăn nuôi gia súc do Hội đồng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 62-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/05/1967
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 01/06/1967
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản