Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI THƯƠNG

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 594-NT

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

 BAN HÀNH “ĐIỀU LỆ TẠM THỜI TỔ CHỨC TRẠM GIA SÚC, TRẠI CHĂN NUÔI” VÀ “MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC Ở TRẠM GIA SÚC, TRẠI CHĂN NUÔI”

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 80-CP ngày 16/7/1962 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Nội thương;
Nhằm mục đích tăng cường và cải tiến tổ chức quản lý các trạm gia súc, trại chăn nuôi, đưa việc chăn nuôi của ngành nội thương đi dần vào nề nếp;
Theo đề nghị của các ông Vụ trưởng, các Vụ Tổ chức kỹ thuật, vụ Kế toán, vụ Tài vụ, Cục trưởng cục thực phẩm;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành “Điều lệ tạm thời tổ chức trạm gia súc, trại chăn nuôi” và “Một số chế độ công tác ở trạm gia súc, trại chăn nuôi” kèm theo quyết định này.

Điều 2. Bản điều lệ và chế độ công tác có giá trị, thi hành kể từ ngày ký. Những điều quy định trước đây trái với tinh thần hai văn bản này đều bãi bỏ.

Điều 3. Ông Chánh văn phòng bộ, các ông vụ trưởng các vụ Tổ chức kỹ thuật, vụ Kế toán, vụ Tài vụ; Cục trưởng cục Thực phẩm; Giám đốc; trưởng ty các sở, ty thương nghiệp khu, thành, tỉnh. Chủ nhiệm các công ty thực phẩm, chủ nhiệm các trạm gia súc, trại chăn nuôi lớn hoặc các ông trạm trưởng, trại trưởng các trại chăn nuôi nhỏ thuộc ngành nội thương có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đào

 

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

TỔ CHỨC TRẠM GIA SÚC, TRẠI CHĂN NUÔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 594-NT ngày 31/10/1963)

MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Nhu cầu về thịt để cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu ngày càng lớn, yêu cầu về phân chuồng cho trồng trọt đòi hỏi phải phát triển chăn nuôi gia súc. Nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ 5 (tháng 4/1961) đã đề ra phương châm phát triển chăn nuôi là:

“Về lợn, gà, vịt, đặc biệt là chăn nuôi lợn, thì hiện nay lấy phát triển chăn nuôi của gia đình xã viên là chủ yếu nhưng phải tích cực gây cơ sở chăn nuôi tập thể của hợp tác xã và phát triển mạnh chăn nuôi quy mô lớn trong các nông trường quốc doanh”

Trong điều kiện sản xuất còn thấp kém; phân tán trong nhân dân, tiêu thụ lại tập trung, nông trường quốc doanh chưa đảm nhận được hết việc chăn nuôi quy mô lớn, nên việc thu mua, tập trung nguồn hàng để cung cấp còn gặp nhiều khó khăn. Để làm tròn nhiệm vụ phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống, ngành nội thương cần phải củng cố và tăng cường tổ chức thu mua; chăn nuôi, dự trữ một số gia súc cần thiết mới không bị động trước tình hình đột xuất, khó khăn khi nhân dân bán nhiều, bán ít, đảm bảo cung cấp thịt cho nhân dân thành thị và khu công nghiệp đúng chế độ tiêu chuẩn Nhà nước đã quy định cũng như cung cấp một số sản phẩm cho công nghiệp và cho xuất khẩu, đồng thời cung cấp một số phân chuồng cho sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 83-TTg ngày 20/8/1963 của Phủ Thủ tướng.

Bộ Nội thương ban hành điều lệ tổ chức trạm gia súc, trại chăn nuôi này nhằm củng cố một bước các chuồng trại chăn nuôi trong hệ thống Bộ Nội thương nhằm cải tiến quản lý kinh doanh và chăn nuôi đi vào nền nếp để hoàn thành tốt nhiệm vụ lưu thông và phân phối, khắc phục bớt những thiếu sót tồn tại.

Chương 1:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 1.Trạm gia súc và trại chăn nuôi có nhiệm vụ như sau:

1. Mua lợn của hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân trong địa phương đã được quy định theo kế hoạch, chấp hành đúng đắn các chính sách và giá cả của Nhà nước.

2. Nhận lợn của các tỉnh khác theo kế hoạch của cục Thực phẩm, phân phối và điều động theo hợp đồng kinh tế đã ký hoặc theo lệnh của cục.

3. Bảo quản, chăn nuôi, phấn đấu đảm bảo sức chứa của chuồng trại, xuất và vận chuyển kịp thời theo kế hoạch và lệnh của cục để cung cấp cho các xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ ở thành thị và khu công nghiệp, cũng như cung cấp một số sản phẩm cho công nghiệp và cho xuất khẩu.

4. Chăn nuôi lợn nái, gây giống tốt để bổ sung cho đàn lợn chăn nuôi lâu dài của trại để có thể cung cấp lợn giống cho các cơ quan khác, cho hợp tác xã nông nghiệp và cho nhân dân địa phương.

Ngoài ra, có thể chăn nuôi thêm trâu, bò, ngan, ngỗng, chim bồ câu, thả cá… để tận dụng hết khả năng chuồng trại, nhân lực, ruộng đất, nhưng vẫn phải lấy việc chăn nuôi dự trữ lợn làm chủ yếu.

5. Tổ chức vệ sinh phòng trừ bệnh dịch cho gia súc trong phạm vi xí nghiệp, đồng thời phổ biến và hướng dẫn cho nhân dân địa phương cách phòng trừ bệnh dịch, cách chế biến thức ăn cho gia súc, cung cấp phân bón cho hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân địa phương.

6. Tăng gia sản xuất tự túc, rau bèo, khoai, củ, sử dụng ruộng đất hợp lý, tăng sản lượng các loại cây trồng, nâng cao tỷ lệ tự túc rau bèo cho gia súc.

Đối với trạm gia súc thì nhiệm vụ tiếp nhận, thu mua để chăn nuôi dự trữ, vỗ béo là chủ yếu, còn nhiệm vụ chăn nuôi lâu dài là thứ yếu.

Đối với trại chăn nuôi thì nhiệm vụ chăn nuôi lâu dài là chủ yếu để tạo nguồn hàng, có thêm lực lượng hàng hóa, còn nhiệm vụ tiếp nhận, chăn nuôi dự trữ là thứ yếu.

Điều 2. Ở những nơi có điều kiện chăn nuôi tốt, vận chuyển cung cấp thuận tiện cho các thành phố, khu công nghiệp, nên tổ chức những trại chăn nuôi quy mô lớn, với sức chứa từ 4.000 con lợn trở lên. Phương hướng kinh doanh lấy chăn nuôi lâu dài từ bé đến lớn là nhiệm vụ chính nhưng cũng kiêm cả nhiệm vụ tiếp nhận, dự trữ lợn, vỗ béo, bảo đảm cung cấp kịp thời cho nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu.

- Ở những địa phương có chăn nuôi nhiều, có khả năng thu mua được nhiều để cung cấp cho Trung ương, nên tổ chức trạm gia súc quy mô trung hình, với sức chứa từ 2.000 đến 4.000 con, lấy nhiệm vụ thu mua, dự trữ lợn là chủ yếu nhưng cũng kiêm cả nhiệm vụ chăn nuôi lâu dài để hỗ trợ một phần cho nhiệm vụ thu mua, dự trữ;

- Ở những địa phương việc chăn nuôi chưa phát triển mạnh, thu mua chưa ổn định, cơ sở chăn nuôi phải làm cả hai nhiệm vụ dự trữ lợn và chăn nuôi lâu dài;

- Trạm thu mua huyện hoặc cửa hàng thực có thể có trại gia súc quy mô nhỏ, có nhiệm vụ tạm nuôi lợn mới mua được, kể cả lợn thịt và lợn giống, trong thời gian chờ vận chuyển về cơ sở chăn nuôi cấp 1 hoặc cấp 2, không có nhiệm vụ chăn nuôi lâu dài nhưng có thể kết hợp mua lợn choai để vỗ béo khi nhân dân cần bán.

Điều 3. Quan hệ lãnh đạo đối với trạm gia súc, trại chăn nuôi.

Trạm gia súc, trại chăn nuôi cấp 1 là đơn vị hạch toán kinh tế chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cục Thực phẩm về các mặt kế hoạch, vốn, phí, nghiệp vụ kinh doanh, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý cán bộ, biên chế, đồng thời chịu sự lãnh đạo của sở, ty thương nghiệp địa phương về các mặt thực hiện kế hoạch, chấp hành chính sách, bảo vệ tài sản và giáo dục cán bộ, nhân viên.

Trạm gia súc, trại chăn nuôi cấp 2 là một đơn vị hạch toán kinh tế đặt dưới sự lãnh đạo của công ty thực phẩm tỉnh, thành về mặt kế hoạch, vốn, phí, nghiệp vụ kinh doanh, quản lý cán bộ, quản lý tài sản, chấp hành chính sách.

Về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn, trại chịu sự lãnh đạo thống nhất của cục Thực phẩm.

Trại gia súc nằm trong trạm thu mua huyện; chịu sự quản lý về mọi mặt của trạm thu mua huyện đồng thời chịu sự kiểm tra giáo dục của phòng thương nghiệp huyện;

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của trạm gia súc, trại chăn nuôi.

Trạm gia súc, chăn nuôi quy mô lớn, không phân biệt cấp 1 hay cấp 2, nếu là một đơn vị hạch toán kinh tế thì được coi như một xí nghiệp thương nghiệp do một chủ nhiệm phụ trách và có một hoặc hai phó chủ nhiệm giúp việc.

Trạm gia súc, trại chăn nuôi quy mô nhỏ, chưa phải là một đơn vị hạch toán kinh tế hoàn toàn, thì do một trạm trưởng hoặc một trại trưởng phụ trách, có một hoặc hai trạm phó hoặc trại phó giúp việc.

Ở những trạm gia súc, trại chăn nuôi quy mô lớn, có những bộ phận giúp việc chủ nhiệm như sau:

1. Bộ phận quản lý:

a) Tổ kế hoạch thống kê, kế toán tài vụ

b) Tổ hành chính quản trị, nhân sự, bảo vệ.

2) Bộ phận trực tiếp sản xuất:

a) Tổ kỹ thuật (thú ý).

b) Tổ mua và nhận lợn.

c) Tổ chăn nuôi

d) Tổ trồng trọt

e) Tổ tiếp liệu

g) Tổ vận tải

h) Thủ kho lợn

i) Thủ kho dụng cụ nhiên liệu, tích liệu, thức ăn cho gia súc.

k) Tổ mổ lợn và chế biến và một số tổ khác nếu xét ra cần thiết.

Điều 5. Trạm gia súc, trại chăn nuôi được quản lý theo chế độ quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa “ thủ trưởng phụ trách quản lý xí nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xí nghiệp, công nhân viên tham gia quản lý” đã quy định.

Điều 6. Chủ nhiệm trạm gia súc, trại chăn nuôi hoặc trại trưởng chịu trách nhiệm quản lý trại về mọi mặt và chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và các thể lệ, chế độ của Nhà nước có liên quan đến trại, chịu trách nhiệm vật chất về quản lý tài sản của Nhà nước.

Ngoài nhiệm vụ chăn lo đời sống, sức khỏe của cán bộ, công nhân, viên chức, nhiệm vụ chủ yếu của chủ nhiệm hoặc trại trưởng là tổ chức chỉ đạo thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước cả về số lượng và chất lượng (kế hoạch mua, nhận, dự trữ lợn, chăn nuôi lâu dài, sản xuất thức ăn cho gia súc, vốn, phí lưu thông, phí chăn nuôi, lao động tiền lương, lợi nhuận…).

Quyền hạn của chủ nhiệm hoặc trại trưởng là: trong phạm vi trách nhiệm của mình, căn cứ vào đường lối chủ trường, chính sách của Đảng và Nhà nước, dựa theo chỉ thị, nghị quyết của cơ quan quản lý cấp trên, căn cứ vào kế hoạch đã được phê chuẩn, có quyền quyết định mọi công việc hoạt động của trại.

Điều 7. Nhiệm vụ của phó chủ nhiệm hoặc trại phó là giúp chủ nhiệm chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc những mặt công tác được phân công, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm chung với chủ nhiệm về mặt vật chất trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước.

Quyền hạn của phó chủ nhiệm hoặc trại phó:

a) Được quyền giải quyết mọi công việc trong phạm vị mình phụ trách theo chủ trương kế hoạch của thủ trưởng đơn vị và của cấp trên. Nhưng vấn đề có tầm quan trọng lớn phải do chủ nhiệm hoặc trại trưởng quyết định.

b) Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về phần công tác của mình phụ trách cho cấp dưới.

c) Được ủy nhiệm thay chủ nhiệm hoặc trại trưởng vắng mặt.

Điều 8. Nhiệm vụ của tổ kỹ thuật (thú ý):

- Giúp chủ nhiệm hoặc trại trưởng thực hiện đúng mọi chủ trương về kỹ thuật mà cục Thực phẩm đã hướng dẫn.

- Nghiên cứu đề xuất các mặt cải tiến chăn nuôi, cải tiến công cụ, và phòng chống dịch bệnh cho gia súc nhằm bảo đảm chăn nuôi lên cân, hạ giá thành, ít dịch bệnh;

- Tổ chức những thí nghiệm về thu thập và kinh nghiệm trong thực tế phổ biến kịp thời cho các tổ chăn nuôi.

- Bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, công nhân chăn nuôi, và đào tạo cán bộ chuyên môn;

- Hàng qúy, báo cáo cho cục Thực phẩm hoặc cho công ty tình hình hoạt động về mặt kỹ thuật của đơn vị, góp những sáng kiến, phát minh để cục nghiên cứu, chỉ đạo toàn ngành;

- Dự trữ thuốc chữa bệnh, dụng cụ đủ và đúng.

Điều 9. Nhiệm vụ của tổ mua và nhận lợn.

- Nắm vững tình hình chăn nuôi trong vùng để có biện pháp mua tốt đúng chính sách và vượt kế hoạch mua từng thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển;

- Chọn lọc kỹ lợn khi mua; nhận để có lợn tốt không bệnh tật; què quặt, còi cọc;

- Hướng dẫn và giúp đỡ hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân địa phương kỹ thuật và phương tiện chăn nuôi;

- Liên lạc với những tỉnh đã ký hợp đồng bán lợn cho trạm để có kế hoạch đi nhận lợn về.

Điều 10. Nhiệm vụ của thủ kho lợn.

- Nắm vững tình hình lợn hiện có trong chuồng trại của trạm ở mỗi khâu dự trữ lợn và khâu chăn nuôi lâu dài, chia ra cụ thể từng khu vực lợn mới đến, khu vực lợn lành mạnh, khu vực cách ly, và cụ thể ở mỗi tổ chăn nuôi về số đầu lợn và trọng lượng được chính xác;

- Kiểm tra đôn đốc các tổ chăn nuôi bảo quản lợn chu đáo, phòng rét, chống rét, chống mưa bão, chống lợn sổng chuồng…

- Đảm bảo xuất nhập lợn kịp thời, đúng tiêu chuẩn.

Điều 11. Nhiệm vụ của tổ tiếp liệu (mua thức ăn cho lợn và đồ đốt, đồ dùng các loại):

- Liên lạc với các ngành lương thực và công nghiệp để mua cám, khô dầu, các thứ phế phẩm chăn nuôi được;

- Góp ý kiến với tổ trồng trọt để hướng dẫn sản xuất;

- Nghiên cứu tình hình rau, bèo, cây có bột ở các hợp tác xã nông nghiệp và trong nhân dân để ký hợp đồng mua từng thời gian;

- Đảm bảo dự trữ thức ăn thường xuyên và hạ thấp phí (phối hợp với tổ trồng trọt);

- Mua nguyên vật liệu, than, củi, đồ dùng các loại cho cán bộ, công nhân chăn nuôi.

Điều 12. Nhiệm vụ của thủ kho nguyên vật liệu, đồ đốt, đồ dùng các loại, thức ăn cho gia súc…

- Sắp xếp các loại trên đây có trật tự, ngăn nắp, đúng nơi đúng chỗ trong kho, có thẻ kho, sổ sách ghi chép đầy đủ hàng ngày;

- Bảo quản tốt theo tính chất thương phẩm từng loại, không để hư hỏng, mất mát, ứ đọng;

- Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ xuất nhập, phân phối.

Điều 13. Nhiệm vụ của tổ trồng trọt:

- Hoàn thành kế hoạch trồng trọt theo thời vụ các loại cây, rau, củ, thả bèo.

Phân phối với tổ mua rau bèo ở ngoài về để cung cấp thức ăn cho lợn đầy đủ hàng ngày.

- Tận dụng hết khả năng ruộng đất, cải tạo đất để thâm canh, gối vụ, trồng xen kẽ, thường xuyên nghiên cứu cải tiến kỹ thuật canh tác để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản xuất, đưa năng suất cây trồng, rau bèo, khoai, củ lên mức cao nhất.

Điều 14. Nhiệm vụ của tổ vận tải:

- Thực hiện kế hoạch vận chuyển lợn, thức ăn cho lợn, đồ đốt, đồ dùng các loại trạm đã mua, nhận về đủ và đúng thời gian. Khi vận chuyển lợn phải chú ý bảo quản lợn tốt, bảo đảm sức khỏe cho lợn, và tận dụng công suất của xe vận chuyển như chở đủ trọng lượng, chở hai chiều…

Điều 15. Nhiệm vụ của các tổ chăn nuôi:

- Tìm mọi biện pháp, áp dụng mọi kinh nghiệm tiên tiến để chăn nuôi lợn chóng lên cân, ít bệnh tật, bảo đảm cho lợn ăn no đúng tiêu chuẩn, ở sạch, tăng năng suất lao động, hạ giá thành chăn nuôi;

- Chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy chuyên môn của tổ kỹ thuật đề ra;

- Bảo đảm lợn trong chuồng không để sổng ra ngoài, bảo quản dụng cụ, tài sản đã giao cho tổ, tự sửa chữa kịp thời đồ dùng hư hỏng nhỏ hoặc đề nghị cho sửa chữa những hư hỏng lớn.

Điều 16. Nhiệm vụ của tổ mổ thịt và chế biến:

- Mổ thịt những con lợn xét ra nuôi không có lợi, ốm què không chữa được, đã được thú y khám nghiệm và cho phép, và chế biến sản phẩm hoặc thu hồi da, mỡ để cung cấp cho các xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ hoặc cho công nghiệp.

- Ở những trại có lò mổ quy mô, tổ mổ thịt có nhiệm vụ giết lợn lành mạnh để cung cấp thẳng thịt cho cửa hàng bán lẻ theo kế hoạch để giảm phí vận chuyển lợn sống.

Điều 17. Nhiệm vụ của bộ phận thống kê, kế hoạch, kế toán tài vụ:

- Xây dựng và theo dõi đôn đốc việc thực hiện kế hoạch cả năm, từng qúy, từng tháng của trạm về các mặt: mua, nhận lợn, chăn nuôi, dự trữ, vận chuyển, phí lao động tiền lương, tài vụ…

- Thống kế những số liệu cần thiết về các mặt trên đây, giúp chủ nhiệm theo dõi và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch;

- Thực hiện đúng đắn chế độ hạch toán kinh tế, quản lý tài vụ chặt chẽ, bảo đảm sử dụng vốn hợp lý, bảo đảm việc nộp lợi nhuận, khấu hao, và nộp thuế cho Nhà nước đầy đủ và đúng kỳ hạn, quản lý và hướng dẫn sử dụng tốt các tài sản, tiết kiệm vốn, hạ thấp phí, tăng tích lũy cho Nhà nước, chống tham ô lãng phí.

Điều 18. Nhiệm vụ của bộ phận hành chính quản trị, nhân sự, bảo vệ là:

- Nhận và gửi công văn giấy tờ, giữ hồ sơ tài liệu;

- Chấp hành đúng đắn các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công nhân viên trong xí nghiệp, thuê mướn tạm thời công nhân công nhật theo hợp đồng hoặc thời vụ, sử dụng và quản lý lao động một cách hợp lý nhất;

- Chăm lo cải thiện không ngừng đời sống vật chất và văn hóa của cán bộ, công nhân viên;

- Tổ chức và thực hiện việc bảo vệ gia súc, bảo vệ tài sản, phòng gian, phòng cháy, bảo mật kinh tế;

- Theo dõi phong trào thi đua và giúp thủ trưởng nhận xét hàng năm thành tích của cán bộ, công nhân viên để thưởng phạt kịp thời.

Chương 2:

ĐỊA ĐIỂM, TRANG THIẾT BỊ CHO CHUỒNG TRẠI.

Điều 19. Địa điểm cho trạm gia súc, trại chăn nuôi phải được bố trí ở những nơi có đủ điều kiện:

- Địa điểm cao ráo, thoáng khí, đủ nước đảm bảo vệ sinh cho chuồng trại, đủ ruộng đất để sản xuất trồng trọt tự túc một phần thức ăn cho gia súc, giao thông vận chuyển dễ dàng, thuận tiện về mua, nhận lợn…

Điều 20. Trạm gia súc, trại chăn nuôi phải quy hoạch thành hai khu riêng biệt: khu ăn ở của cán bộ, nhân viên và khu chăn nuôi. Hai khu này phải cách xa nhau để bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, nhân viên.

Khu chăn nuôi cũng cần chia ra:

a) Trại chăn nuôi lợn từ bé đến lớn thuộc phạm vi sản xuất.

b) Trại mua, tiếp nhận, dự trữ lợn, chăn nuôi chờ ngày cung cấp cho thị trường, thuộc phạm vi lưu thông.

c) Ngoài ra còn có chuồng cách ly nuôi lợn ốm, chuồng nhận lợn mới đến và khu vực riêng để chăn nuôi lợn nái và tiểu gia súc.

- Mỗi khu vực trại trên đây có ít nhất hoặc nhiều chuồng tùy theo số lợn phải chăn nuôi, mỗi chuồng đều đánh số A, B,C, D…

Trong mỗi chuồng trại chia ra hai dãy, mỗi dãy có nhiều ngăn để chứa lợn theo từng lứa to, nhỏ, mỗi ngăn chứa khoảng 20, 30 lợn đều có số thứ tự.

Ví dụ: Các ngăn chuồng A có số A1, A2, A3, A4.

 B có số B1, B2, B3, B4

Dãy chia ra bên số chẵn và bên số lẽ.

Ngăn nào có lợn đều có bảng nhỏ ghi rõ số lợn hiện nuôi hàng ngày và số cân đã đạt được trong ngày cân gần nhất trước đây.

Điều 21. Chuồng trại phải quy hoạch và thiết kế, thiết bị theo sự quy định và hướng dẫn của bộ và cục Thực phẩm. Ở những trại có nuôi thêm trâu, bò, ngan, ngỗng, thỏ… phải có chuồng riêng cho từng loại con.

Điều 22. Ngoài chuồng trại để nuôi giữ lợn, trạm gia súc, trại chăn nuôi còn có:

- Kho dụng cụ vật liệu;

- Kho thức ăn cho lợn;

- Kho phân chuồng có sự quản lý chặt chẽ việc xuất nhập;

- Nơi chế biến thức ăn cho lợn, vằm cám, thái rau, ủ cám;

- Lò nấu thức ăn phải bảo đảm phòng và chống cháy;

- Lò mổ và nơi chế biến sản phẩm;

- Ruộng đất để trồng trọt thức ăn cho lợn;

- Phương tiện vận chuyển: ô tô, xe bò, xe cút kít…

- Dụng cụ: cân, cũi lợn;

- Một số thiết bị máy móc, công cụ cải tiến, tùy theo quy mô của trạm và khả năng vốn của Chính phủ cấp mà trang bị từng bước như: máy bơm nước, máy điện, máy thái rau, bèo, vằm cám, nhằm cải tiến việc chăn nuôi, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản xuất.

Chương 3:

KẾ HOẠCH CHĂN NUÔI VÀ HẠCH TOÁN LỖ LÃI

Điều 23. Trạm gia súc, trại chăn nuôi phải có kế hoạch riêng phần chăn nuôi lâu dài và phần dự trữ.

- Phần chăn nuôi lâu dài, từ bé đến lớn, thuộc phạm vi sản xuất, có kế hoạch riêng được cấp vốn theo sản xuất, hạch toán riêng và phải phấn đấu kinh doanh có lãi.

- Phần chăn nuôi dự trữ thuộc phạm vi lưu thông, cũng phải có kế hoạch riêng, được cấp vốn và hạch toán riêng và phải phấn đấu không để lỗ vốn.

Những kế hoạch này phải được cục Thực phẩm hoặc sở, ty thương nghiệp thông qua, trình bộ xét duyệt.

Điều 24. Từng thời kỳ, chủ nhiệm hoặc trại trưởng phải tổ chức tịnh kho ở mỗi phần chăn nuôi lâu dài và chăn nuôi dự trữ để tính số thịt dôi cân do kết quả chăn nuôi của từng tổ chăn nuôi.

Điều 25. Việc sản xuất trồng trọt thức ăn cho lợn cũng phải hạch toán riêng để tính được giá thành của mỗi tấn củ, rau, bèo. Các nguồn thu và hoa lợi khác nhau của trạm và trại chăn nuôi đều phải hạch toán và có sự quản lý chặt chẽ.

Điều 26. Phân là một nguồn lợi lớn của trạm gia súc cần được quản lý chặt chẽ và hạch toán riêng để bán ra cung cấp cho nông nghiệp, tăng thu hoạch cho trạm.

Chương 4:

THỨC ĂN CHO LỢN VÀ VỆ SINH CHUỒNG TRẠI

Điều 27. Việc cung cấp thức ăn cho lợn phải được bảo đảm đều đặn và dựa vào những nguồn cung cấp chắc chắn.

a) Cơ sở sản xuất trồng trọt của trạm gia súc, trại chăn nuôi phải phấn đấu tự túc với tỷ lệ cao nhất trên cơ sở diện tích sẵn có.

b) Có hợp đồng mua thức ăn cho gia súc như cám, khô dầu, bã ăn được của các ngành lương thực và công nghiệp địa phương để cung cấp điều hòa.

c) Có hợp đồng mua rau, bèo, cây, củ của hợp tác xã nông nghiệp hoặc nông dân cá thể bán cho trại được thường xuyên.

d) Có kế hoạch vận chuyển thức ăn đã mua được, bố trí đủ người, xe đi lấy về tùy nơi, tùy lúc, phối hợp với khả năng tự túc từng thời gian của trại.

Điều 28. Việc quy định khẩu phần cho đàn lợn ở từng tổ chăn nuôi do cán bộ thú y xây dựng hàng ngày, căn cứ vào loại to nhỏ, lành mạnh hoặc bệnh tật cần được bồi dưỡng, căn cứ vào từng thời kỳ chăn nuôi.

Điều 29. Chuồng trại phải luôn luôn sạch sẽ, đúng với nội quy phòng trừ bệnh, dịch. Hàng ngày, các tổ chăn nuôi phải làm vệ sinh, cọ quét ngăn nhốt lợn, cống rãnh, rửa máng cho ăn…

Kho phân phải có kế hoạch giữ được tốt, gọn gàng và vệ sinh.

Điều 30. Ở những trại chưa có máy nước phải có bệ dự trữ nước, hàng ngày các tổ chăn nuôi phải bảo đảm có đủ nước pha chế thức ăn cho lợn; nước làm vệ sinh; và dự trữ đủ nước cho ngày hôm sau.

Điều 31. Mỗi ngày sau khi nghỉ việc, tổ chăn nuôi phải soát lại việc đóng cửa chuồng, không để lợn sổng chuồng.

Những ngày mưa to, bão lụt; hoặc thay đổi thời tiết đột ngột; tổ chăn nuôi phải có người thường trực ngày đêm theo dõi chăm sóc lợn; che mưa che gió, chằng kho tàng, chuồng trại cho vững chắc.

Điều 32. Khi dịch lợn phát sinh, phải thành lập ban chống dịch gồm:

Chủ nhiệm hoặc trại trưởng: Trưởng ban

Đại diện đảng ủy:          phó ban

Đại diện công đoàn:      ủy viên

Thú y:                           ủy viên

Bảo vệ:                                     ủy viên

Để huy động toàn thể công nhân, viên chức áp dụng mọi biện pháp chống dịch.

Chủ nhiệm hoặc trại trưởng phải liên hệ với chính quyền và nhân dân địa phương để ngăn ngừa dịch lợn tràn lan.

Điều 33. Lợn ốm hoặc chết phải được thú y khám xét và tùy theo trường hợp nặng hay nhẹ, truyền nhiễm hay không mà quyết định cho:

- Đốt xác hoặc chôn sâu;

- Hủy bỏ lông, lột da;

- Luộc thịt, quay, rám mỡ;

- Hoặc bán được cho xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ.

Điều 34. Trạm gia súc, trại chăn nuôi chỉ được mổ thịt những con lợn xét ra nuôi không lớn, không có lợi do tổ chăn nuôi đề nghị và thú y cho phép.

Thịt lợn mổ ra phải hạch toán trị giá bán cho xí nghiệp thương nghiệp bán lẻ để bán cho nhân dân hoặc chế biến thành thức ăn chín.

Chương 5:

CHẾ ĐỘ XUẤT NHẬP LỢN

Điều 35. Trạm gia súc, trại chăn nuôi chỉ được xuất lợn trong những trường hợp sau đây:

a) Theo kế hoạch đã được cơ quan quản lý cấp trên duyệt.

b) Theo lệnh điều động của cơ quan quản lý cấp trên.

c) Trường hợp đặc biệt: lợn có bệnh; ốm; què như đã nói ở những điều 33 và 34 chương IV bản điều lệ này.

Trạm gia súc, trại chăn nuôi không có nhiệm vụ bán lẻ cung cấp cho thị trường, và phân phối cho người tiêu thụ nên không được tự động xuất lợn mổ thịt để bán hoặc để sử dụng.

Điều 36. Lợn chăn nuôi dự trữ chưa đủ chu kỳ quy định mà đã phải xuất theo lệnh điều động của cấp trên để phục vụ cho nhu cầu đột xuất thì trại được bù lỗ theo kế hoạch.

Nếu nuôi đã đủ chu kỳ và trại đã có kế hoạch xuất nhưng vì lý do phải giữ lợn lại để phòng khi nhu cầu đột xuất (theo lệnh của cục, công ty) thì thời gian kéo dài đó được Nhà nước bù lỗ (có văn bản quy định riêng).

Điều 37. Lợn nhập từ nơi khác về phải là giống tốt, lành mạnh. Khi nhập kho, vào chuồng, lợn phải được đếm và cân lại cho chính xác, phải nhốt ở khu lợn mới đến đủ thời gian đã quy định để kiểm dịch tiêm phòng và theo dõi trước khi đưa qua khu lợn lành mạnh.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 38. Đơn vị trại, tổ hoặc người nào trong ngành thực phẩm thuộc Bộ Nội thương chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch đều được xét khen thưởng về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất.

Điều 39. Đơn vị trại, tổ hoặc người nào trong ngành thực phẩm thuộc Bộ Nội thương vi phạm điều lệ, thiếu tinh thấn trách nhiệm làm thiệt hại về mặt chính trị và kinh tế thì tùy lỗi nặng, nhẹ, xử lý theo chế độ hiện hành.

Điều 40. Điều lệ này áp dụng cho tất cả các trạm gia súc, trại chăn nuôi thuộc hệ thống Bộ Nội thương. Ông cục trưởng Cục Thực phẩm, các ông giám đốc, trưởng ty thương nghiệp có nhiệm vụ xây dựng và quy định các chỉ tiêu kỹ thuật cho từng khâu công tác, từng tổ, từng trại khác nhau, và hướng dẫn việc xây dựng nội quy cụ thể để thi hành đối với các trại thuộc quyền quản lý của mình.

Điều 41. Một số chế độ cụ thể sẽ được ban hành kèm theo bản điều lệ này.

Ông Cục trưởng cục Thực phẩm, ông Vụ trưởng vụ Tổ chức kỹ thuật có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết việc thi hành.

Ban hành kèm theo Quyết định số 594-NT ngày 31/10/1963.

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC Ở TRẠM GIA SÚC, TRẠI CHĂN NUÔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 594-NT ngày 31/10/1963)

Để cải tiến phương pháp công tác, đưa việc chăn nuôi kinh doanh gia súc trong ngành nội thương đi dần vào nền nếp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công nhân các trạm gia súc, trại chăn nuôi nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chăn nuôi, tăng cường quản lý tài sản, nay bộ quy định một số chế độ công tác cụ thể về mua, nhận, vận chuyển chăn nuôi, bảo vệ gia súc… kèm theo điều lệ tổ chức của trạm gia súc, trại chăn nuôi.

CHẾ ĐỘ MUA VÀ NHẬN LỢN

Điều 1.

a) Trước khi mua lợn ở vùng nào hoặc đi nhận lợn ở tỉnh nào giao về, phải nắm vững tình hình dịch tễ ở nơi đó; chủ nhiệm trạm gia súc, trại chăn nuôi cần cử người đi xem xét tình hình trước rồi mới đặt kế hoạch mua và nhận về.

b) Trại chỉ được phép mua và nhận lợn lành mạnh, giống tốt. Tuyệt đối không mua và nhận lợn ốm, giống xấu, hoặc lợn ở vùng đang có dịch.

c) Nên có cán bộ thú y cùng đi với cán bộ mua, nhận lợn để có thể lựa chọn, hoặc khám lợn trước khi mua nhận về.

Điều 2. Cán bộ đi mua lợn phải nắm vững chính sách và giá cả từng loại lợn để phổ biến, giải thích chính sách thu mua và giá cả cho nhân dân, cân đúng, trừ no hợp lý, trên cơ sở thỏa thuận với người bán.

Nếu mua lợn ở chợ hay nơi tập trung, cần có bảng đen yết rõ giá từng loại, từng cấp lợn và thể lệ mua để nhân dân dễ thấy, dễ hiểu.

Điều 3. Cán bộ đi mua lợn phải thông thạo kỹ thuật chăn nuôi, biết lựa chọn giống tốt để phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, hướng dẫn cách chế biến thức ăn cho lợn, cách phòng trừ bệnh dịch cho nhân dân, giúp đỡ nhân dân giải quyết những khó khăn về chăn nuôi trong phạm vi chức năng, quyền hạn của trại.

Điều 4. Mua lợn của người nào phải viết hóa đơn để tên người ấy, có địa chỉ rõ ràng, ghi rõ trọng lượng lợn hơi, giá tiền, cả chữ số và chữ viết, hóa đơn phải là giấy in sẵn do bộ phận Kế toán cấp, có cuống hoặc bản lưu để tiện thanh toán và kiểm tra.

Điều 5. Người đi mua lợn ở quanh vùng được phép mang theo tiền mặt để trả ngay cho người bán lợn. Số tiền mặt được mang theo phải được chủ nhiệm duyệt từng chuyến và sau mỗi chuyến mua, người đi mua phải thanh toán ngay với bộ phận Kế toán.

Điều 6. Người đi mua, nhận gia sức ở tỉnh khác, không được phép mang theo tiền mặt đi đường để mua hàng mà phải lĩnh tiền chuyển khoản ở nơi mua, nhận gia súc do trại gửi qua ngân hàng. Sau khi mua, nhận, phải thanh toán dứt khoát với nhân dân và cơ quan địa phương. Số tiền còn lại cũng phải gửi chuyển khoản về trại.

Cấm mua chịu và cấm sử dụng tiền mua hàng vào những việc khác, ngoài phạm vi trách nhiệm được cơ quan giao cho.

Điều 7.

a) Việc nhận lợn ở tỉnh khác phải dựa trên cơ sở hợp đồng mua bán, có kế hoạch nhận từng nơi, từng đợt, với số lượng tương đối sát để làm kế hoạch xe vận chuyển ăn khớp với kế hoạch giao nhận lợn, tránh lãng phí vận chuyển.

b) Khi nhận lợn “tay ba” cần có mặt cả ba bên: bên giao hàng, bên nhận hàng và người có lợn bán.

c) Dù nhận lợn ở chuồng trại của công ty thực phẩm tỉnh khác hoặc ở chuồng lợn của nhân dân, người đi nhận lợn đều phải trực tiếp đếm lại số đầu lợn và cân lại toàn bộ để việc nhận và cân được chính xác.

CHẾ ĐỘ VẬN CHUYỂN LỢN VÀ THỨC ĂN CHO LỢN

Điều 8.

a) Người vận chuyển lợn phải chú ý phòng dịch và bảo đảm an toàn và sức khỏe cho lợn khi vận chuyển.

b) Nếu lợn ăn no thì vài giờ sau mới vận chuyển.

c) Trước khi xếp lợn, xe phải được sát trùng nơi chứa lợn, lót rơm rạ hoặc trấu trên xe cho êm, không để xây xát lợn.

d) Dồn lợn lên xuống xe, không được đánh đập hoặc quăng đạp lợn từ trên xe xuống đất.

e) Trong xe không được chứa quá mức, chật chội hoặc quá ít, lãng phí xe.

g) Cần vận chuyển lúc trời mát hoặc ban đêm. Tránh vận chuyển lúc nắng to, trong mùa hè, lúc giông bão.

h) Phải giữ đúng tốc độ xe đã được quy định trên các loại đường, chú ý tránh ổ gà ở mặt đường để lợn khỏi bị sóc, gặp đường xấu xe phải chạy chậm.

 i) Phải tận dụng công suất của xe. Dùng xe riêng để vận chuyển lợn và đóng cũi nhiều tầng có thể tháo lắp dễ dàng.

k) Xe vận chuyển lợn phải đi thẳng một mạch từ nơi mua, nhận lợn về trạm gia súc, trại chăn nuôi không nghỉ đỗ lan man ở dọc đường.

l) Người áp tải lợn phải chịu trách nhiệm về thừa thiếu, tổn thất, phải cân, đếm đủ số đầu lợn, khi nhận, khi giao có giấy tờ vận chuyển ký nhận với người giao, người nhận đầy đủ.

Điều 9.

a) Vận chuyển thức ăn cho lợn, than, củi, dụng cụ khác… cũng phải có kế hoạch cụ thể từng thời gian và có liên hệ trước với nơi giao để tránh lãng phí vận chuyển. Cố gắng tận dụng công suất của xe và vận chuyển hai chiều, tránh chạy xe không.

b) Chỉ vận chuyển rau bèo đã ráo nước.

c) Khi chuyển hàng lên xe phải cân lúc về đến trại, giao lại cho thủ kho cũng phải cân lại, có giao nhận hẳn hoi theo giấy tờ vận chuyển.

Điều 10. Bất kỳ xe vận chuyển lợn hoặc thứ gì khác, trước khi vào cổng trạm gia súc trại chăn nuôi đều phải lăn bánh qua đường có rắc vôi trắng để sát trùng.

CHẾ ĐỘ CHĂN NUÔI, CHĂM SÓC LỢN

Điều 11. Mỗi tổ, mỗi nguời phải phụ trách chăn nuôi, chăm sóc một số lợn nhất định theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã quy định cho từng loại lợn.

Điều 12.

a) Để chuẩn bị tiếp nhận lợn mới đến, tổ chăn nuôi phải quét rửa chuồng, ngăn sạch sẽ, tẩy uế bằng nước crésyl 5%, quét vôi trắng tường, bỏ chuồng không vài ngày.

b) Lợn mới mua hoặc nhận về phải đưa ngay đến khu vực dành cho lợn mới đến.

c) Thủ kho lợn và tổ trưởng tổ chăn nuôi trực tiếp nhận lợn của người áp tải, trực tiếp đếm đầu lợn và cân lại toàn bộ số lợn giao nhận, đối chiếu với giấy vận chuyển hoặc hóa đơn mua lợn, vào sổ rành mạch, ghi cả số con và số cân.

d) Lợn mua, nhận ở địa phương nào, về đến trạm ngày nào phải nhốt riêng để tiện theo dõi và phòng chống bệnh dịch.

e) Ở mỗi ngăn có lợn đều có bảng ghi rõ số đầu lợn hiện có và số cân đã đạt khi mới đến. Mỗi khi số đầu lợn có thay đổi, thì bảng phải được điều chỉnh ngay trong ngày ấy, đồng thời sổ của thủ kho lợn và sổ của tổ chăn nuôi cũng phải được điều chỉnh như vậy.

Điều 13. Thú y và tổ chăn nuôi, sau khi tiếp nhận lợn mới đến phải:

a) Bơm crésyl 5% tắm sạch lợn, liên tiếp trong ba ngày.

b) Phân loại lợn to nhỏ trong từng ngăn.

c) Tiêm sinh hóa toàn bộ trong hạn năm ngày kể từ ngày mới đến.

d) Cho lợn ăn thêm rau tươi và uống nước muối 3%.

Điều 14. Trong thời gian theo dõi lợn mới đến, thú y và tổ chăn nuôi phải:

a) Nhốt riêng lợn què, yếu, nhút nhát, kém ăn để chữa và bồi dưỡng.

b) Nhốt riêng và lấy nhiệt độ ngay những con bỏ ăn.

c) Đưa ngay đến khu cách ly những con lợn ốm hoặc bị nghỉ ốm, có những triệu chứng sốt, thở mạnh, nhớt rãi, nhử mắt nhiều, dấu đỏ, run rẩy, ỉa lỏng, lở loét…

Sau một thời gian theo dõi kỹ lưỡng, thú y và thủ kho lợn quyết định cho chuyển những lợn lành mạnh từ khu lợn mới đến qua khu lợn lành mạnh để chăn nuôi, loại nào theo loại ấy.

Điều 15.

a) Việc quy định khẩu phần cho đàn lợn ở từng tổ chăn nuôi do thú y xây dựng hàng ngày. Các tổ trưởng tổ chăn nuôi căn cứ bảng khẩu phần này, cử người đến kho lĩnh cám, rau, bèo… về chế biến thức ăn cho đàn lợn mình phụ trách, tùy theo chế độ bồi dưỡng và khẩu vị của lợn.

b) Ủ cám chua, ủ cám ngọt, cho ăn thức ăn sống, nấu chín… tóm lại pha chế thức ăn cho từng loại lợn to, nhỏ, khỏe ốm, đều phải theo đúng công thức đã được thú y hướng dẫn và chủ nhiệm duyệt.

c) Hàng tháng, cần có cuộc trao đổi kinh nghiệm pha chế thức ăn và chăn sóc lợn giữa các tổ chăn nuôi.

Sau một thời gian chăn nuôi, một tháng hoặc ba tháng, tổ chăn nuôi phải cân lại từng đàn lợn, so sánh với kỳ cân lần trước. Kết quả được ghi vào sổ của tổ, của thủ kho lợn và ghi trên bảng con ở mỗi ngăn chứa lợn.

Phải chuẩn bị đủ cân, cũi để cân lại toàn bộ số lợn hiện có được chính xác.

Cấm không được cân điển hình ở mỗi ngăn một vài con rồi tính ước lượng chung cho toàn ngăn, toàn chuồng.

d) Khi nhận cám, rau, bèo… của thủ kho, tổ chăn nuôi phải cân lại đúng khẩu phần đã quy định.

e) Rau bèo phải được rửa sạch trước khi băm nhỏ.

- Không băm rau, bèo thối, không giẵm bừa lên rau bèo;

- Dao thái rau, bèo phải luôn luôn sắc bén và được mài luôn;

- Mỗi người thái rau phải đạt tiêu chuẩn của trại đã quy định;

- Thái rau bèo xong, phải quét dọn sạch sân chứa rau bèo.

g) Vằm và đập cám phải chống rơi vãi, lãng phí. Mỗi người vằm và đập cám phải đạt tiêu chuẩn của trạm đã quy định.

- Sau giờ làm việc phải quét dọn sạch nơi làm việc, thu xếp dụng cụ gọn gàng và bảo quản tốt.

Điều 16. Vệ sinh khi làm việc

- Công nhân khi vào chuồng lợn phải đi qua cửa và giẵm ủng lên vôi bột;

- Khi làm việc phải mặc quần áo làm việc, mang vải che miệng, đi ủng, không ăn uống trong chuồng lợn;

- Tuyệt đối không mang đồ dùng, và đi lại từ chuồng này qua chuồng khác, sau khi dùng xong các dụng cụ phải để vào nơi đã quy định;

- Khi ra về phải rửa tay chân, giặt quần áo bằng xà phòng ở nơi quy định.

Điều 17. Vệ sinh chăm sóc lợn.

Mùa nực tắm lợn vào lúc cọ chuồng.

Mùa rét: lấy rơm xoa cọ lợn bẩn hoặc tắm vào ngày nắng.

Phát hiện kịp thời lợn ốm, theo dõi lúc cho ăn, thấy ghi phải đánh dấu, tẩy uế chuồng và báo cáo ngay với thú y.

Bôi thuốc sát trùng khi thấy lợn bị sây sát.

Buổi chiều, đếm số lợn, ghi vào bảng treo ở ngăn chứa lợn.

Soát lại cửa chuồng, đóng chặt, không để lợn sổng chuồng.

Điều 18. Vệ sinh nơi ăn, ở của gia súc Hàng ngày:

- Pha chế thức ăn đúng tiêu chuẩn cho từng loại lợn;

- Bảo đảm lợn ăn no, đủ đúng giờ, ăn rau bèo trước, ăn cám và chất bột sau.

- Rửa rau, rửa máng bằng nước vôi trong, phơi máng khô ráo;

Mùa nực: cho lợn uống nước pha muối. Che nắng cho lợn, phòng nóng, chống nóng.

Quét dọn chuồng trước và sau khi cho ăn.

Mùa rét: che chuồng kín gió, trải rơm, trấu cho lợn nằm, chú ý phòng rét, chống rét cho lợn.

- Khai thông cống rãnh, rải trắng vôi bột các cửa cống, cửa ra vào và đường đi giữa các tổ;

- Không để phân rơi vãi khắp nơi;

- Cọ rửa các bể thường xuyên, không để rêu bám, bùn đọng;

- Chuẩn bị đủ nước uống, nước pha chế thức ăn cho lợn, nước làm vệ sinh trong ngày và cho ngày hôm sau.

Hàng tuần: ngày thứ sáu, tẩy uế chuồng và tắm lợn bằng nước crésyl 5%.

Hàng tháng:

Quét vôi chuồng vào ngày đầu tháng.

Điều 19. Thú y và các tổ chăn nuôi ở khu lợn lành mạnh, ngoài nhiệm vụ chăn nuôi, chăm sóc để lợn hay ăn, chóng lớn, ít bệnh tật, vẫn phải chú ý theo dõi sức khỏe từng con lợn để có biện pháp áp dụng kịp thời như đã nói ở điều 13 trên đây.

Điều 20. Việc theo dõi và chăm sóc lợn có bệnh ở khu cách ly càng phải chặt chẽ hơn:

a) Lợn ở khu cách ly phải nhốt riêng theo từng loại bệnh.

b) Thức ăn phải nấu chín, thật nhuyễn và mỗi con ăn một máng riêng.

c) Hàng ngày: bơm tiêu độc nền chuồng, tường vách, cống rãnh, rải trắng vôi bột các cửa cống và đường đi lại, ngâm máng vào bể nước sát trùng.

d) Lợn ốm sau khi khỏi bệnh phải được bơm crésyl 5% tắm sạch và có chỗ chăn nuôi riêng, không trở về khu lợn lành mạnh.

CHẾ ĐỘ MỔ THỊT VÀ CHỐNG DỊCH

Điều 21.

a) Trạm gia súc, trại chăn nuôi không được tự tiện mổ thịt lợn để sử dụng hoặc để bán lẻ.

b) Chỉ được mổ thịt những con lợn xét ra nuôi không có lãi, lợn ốm què, không chữa được đã được thú y khám bệnh và cho phép để chế biến thức ăn chín bán cho cửa hàng bán lẻ hoặc bán thịt sống cho xưởng sản xuất.

Điều 22. Những hình thức giải quyết lợn ốm, lợn chết để phòng trừ bệnh dịch hoặc để thu hồi vốn do thú y đề nghị và chủ nhiệm duyệt gồm:

a) Đốt xác nếu lợn chết vì bệnh nhiệt thán.

b) Chôn sâu: trên vôi, dưới vôi nếu lợn chết vì bệnh truyền nhiễm nặng (dịch tả, xuyển nặng, sán gạo nặng).

c) Luộc thịt lợn nếu lợn chết vì bệnh nhẹ.

d) Hủy bỏ lòng: nếu lợn chết vì bệnh ở bộ đồ lòng (sán lá gan).

e) Lột da: nếu lợn trên 35 cân, ướp da vào muối để bán cho công nghiệp.

g) Rán mỡ: đóng thùng đánh dấu riêng bán cho công nghiệp.

Điều 23. Mỗi khi mổ thịt lợn ốm, lợn chết thú y phải lập biên bản ghi rõ số con, trọng lượng thịt, và tiền bán được thu hồi trong ngày.

Biên bản phải có chữ ký của thú y, của người mổ thịt, của kế toán và được thủ trưởng duyệt.

Ở những trại có lò mổ quy mô, có tổ chức mổ thịt lợn lành mạnh để cung cấp thịt thẳng cho các cơ quan và các cửa hàng bán lẻ thì việc quyết định mổ thịt và làm biên bản do người phụ trách bộ phận mổ thịt đảm nhiệm.

Điều 24. Hàng ngày, các dụng cụ, thùng, chậu, dao, cân… dùng trong việc mổ lợn đều phải được ngâm vào nước sát trùng. Cống rãnh phải được tiêu độc, đường lối ra vào phải được rắc vôi trắng.

Điều 25. Khi phát hiện có dịch lợn trong trại chăn nuôi hoặc ở địa phương nơi đóng trại, ngoài những biện pháp áp dụng thường xuyên như đã nói ở những điều trên, cấm ngặt xuất nhập lợn, dồn lợn lung tung, mổ thịt lợn bừa bãi, cán bộ nhân viên đi lại lộn xộn.

Hạn chế việc ra vào trại chăn nuôi, ngừng hẳn việc tham quan chuồng lợn.

Điều 26.Cán bộ thú y và các tổ chăn nuôi phải phân công có người thường trực ngày, đêm để theo dõi từng đàn lợn, phát hiện kịp thời những con có triệu chứng khả nghi để điều trị, bồi dưỡng, cách ly kịp thời.

Điều 27. Ban chống dịch của trại, phải nắm vững tình hình lợn ốm, lợn chết hàng ngày và kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các chủ trương, biện pháp đã đề ra.

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân địa phương để nhanh chóng và kịp thời dập tắt nạn dịch ngay từ khi mới phát hiện.

- Sau khi hết dịch, tổng kết kinh nghiệm, tìm nguyên nhân phát dịch để có biện pháp ngăn ngừa.

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI SẢN

Điều 29. Lợn là tài sản lớn nhất và quan trọng nhất của Nhà nước giao cho chủ nhiệm trại chăn nuôi cần được quản lý chặt chẽ và bảo quản thật tốt.

Thủ kho lợn phải có sổ ghi chép và theo dõi:

a) Tổng số đầu lợn hiện có tại trại chăn nuôi gồm:

- Số đầu lợn ở khu chăn nuôi từ bé đến lớn thuộc phạm vi sản xuất;

- Số đầu lợn ở khu dự trữ thuộc phạm vi lưu thông chia ra;

- Số đầu lợn ở khu lợn mới đến, ở khu lợn lành mạnh, ở khu cách ly.

b) Số đầu lợn giao cho từng tổ chăn nuôi, và trọng lượng của lợn hơi tồn kho từng thời gian.

c) Số lợn và trọng lượng xuất từ tổ chăn nuôi này để nhập vào tổ chăn nuôi khác, từ khu này qua khu khác, hoặc xuất để mổ thịt, xuất lợn sống theo hợp đồng…

- Thủ kho lợn kiểm tra đôn đốc các tổ chăn nuôi: ghi chép hàng ngày, những sự thay đổi về số đầu lợn trong sổ của mỗi tổ, trong bảng đen treo ở mỗi ngăn, thường xuyên đối chiếu sổ sách với số lợn thực có;

- Bảo quản, chăn nuôi, chăm sóc lợn đúng chế độ, nội quy, chống lợn xổng chuồng.

Điều 30. Thức ăn cho lợn như cám, bã, rau, bèo, khoai, củ… mua về phải có phẩm chất tốt; có thể dự trữ được lâu đối với cám bã, khoai củ, và được vài ba ngày đối với rau bèo.

- Phải có hóa đơn hợp lệ ghi rõ tên và địa chỉ người bán, loại thức ăn cho lợn, số lượng và giá tiền;

- Phải được cân khi mua, và mỗi khi giao lại cho từng khâu công tác như: thủ kho thức ăn, tổ chăn nuôi. Rau bèo chỉ được cân khi ráo nước, không ủng thối;

- Phải có sổ sách ghi chép, theo dõi việc xuất nhập hàng ngày cho từng loại;

- Phải có phương pháp bảo quản, sắp xếp, theo dõi tồn kho (thẻ kho) cho từng loại;

Điều 31. Nếu cám hoặc thức ăn bột đựng trong bao tải thì ngoài mỗi bao, phải ghi trọng lượng bằng phấn trắng sau khi cân nhập kho.

Nếu những bao thức ăn này xếp thành từng ngăn trong kho thì mỗi ngăn phải có bảng gỗ ghi rõ trọng lượng tồn kho.

Điều 32. Ngoài nhiệm vụ bảo quản cám, bột, khoai củ… tránh hao hụt, chuột cắn, mối xông, mốc ẩm, thủ kho còn phải bảo quản bao bì và có sổ theo dõi bao bì xuất nhập, tồn kho.

Điều 33. Thủ kho phải bảo đảm nguyên tắc xuất nhập:

- Chỉ được phép xuất kho khi có lệnh của chủ nhiệm hoặc của người được chủ nhiệm ủy quyền;

- Loại nào nhập trước phải xuất trước để tránh hao hụt hư hỏng, lãng phí về thức ăn cũng như về bao bì.

Điều 34. Các loại đồ dùng, dụng cụ, vật liệu khác cũng phải được bảo quản tốt và xếp mỗi loại vào một chỗ riêng biệt trong kho, bảo đảm trật tự, vệ sinh, có thẻ kho và sổ sách theo dõi việc xuất nhập hàng ngày.

Điều 35. Phân chuồng và các phế phẩm của lợn, các nguồn thu khác như: gia cầm, nuôi thêm, ao cá, hoa quả, rau, bèo… cần được các tổ chăn nuôi, tổ trồng trọt quản lý, chăm sóc tốt để tăng thu hoạch cho trạm và trại chăn nuôi.

Mỗt tổ chăn nuôi, tổ trồng trọt phải có kế hoạch thu hoạch phân chuồng, sản phẩm và hoa lợi từng tuần, từng tháng, từng qúy, coi đó là một điểm thi đua của tổ. Trạm phải có kế hoạch thực hiện và quản lý chặt chẽ, có sổ ghi chép và theo dõi.

Phân xuất cho tổ trồng trọt, rau bèo xuất cho tổ chăn nuôi cũng phải hạch toán.

Điều 36. Các loại tài sản khác: tài sản cố định, dụng cụ thiết bị, nguyên liệu, đồ đốt, vật liệu, dụng cụ các loại, vật rẻ tiền mau hỏng… cũng phải hạch toán và quản lý chặt chẽ chế độ chung đã được ban hành.

CHẾ ĐỘ BẢO VỆ TRẠM GIA SÚC VÀ TRẠI CHĂN NUÔI

Điều 37. Trại phải có nội quy bảo vệ kinh tế:

a) Xung quanh trại phải được rào kín, mọi người đều ra vào qua cổng chính có người thường trực xem giấy của khách lạ.

b) Cấm người ngoài mượn đường đi qua trại.

c) Ngoài người thường trực, bất cứ cán bộ, nhân viên nào thấy người lạ mặt trong phạm vi trại đều có nhiệm vụ hỏi giấy tờ, nếu người lạ mặt không có nhân viên bảo vệ đi kèm.

Điều 38.

a) Trại phải có nội quy phòng cháy, chữa cháy.

b) Thường xuyên giáo dục ý thức phòng cháy, chữa cháy cho toàn thể cán bộ, công nhân viên.

c) Có đủ phương tiện dụng cụ chữa cháy, tổ chức đội ngũ chữa cháy, phân công cụ thể cho từng bộ phận, từng nguời, có tập dượt thường xuyên.

Điều 39.

a) Cơ quan, đoàn thể hoặc người nào muốn đến trại tham quan phải có giấy giới thiệu hợp lệ và báo trước.

b) Trại cử người hướng dẫn khách tham quan và giữ đúng nội quy phòng dịch.

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 40. Chế độ tham gia lao động phải được thi hành đầy đủ trong trạm gia súc, trại chăm nuôi.

Hàng tuần, từ thủ trưởng đến nhân viên văn phòng phải dành nửa ngày tham gia lao động trong các bộ phận chăn nuôi và trồng trọt.

Điều 41. Chế độ công tác quy định trong bản điều lệ này áp dụng cho tất cả các trạm gia súc, trại chăn nuôi thuộc hệ thống Bộ Nội thương.

Các trạm gia súc, trại chăn nuôi căn cứ vào điều lệ tổ chức trại chăn nuôi và chế độ công tác của bộ ban hành, xây dựng nội quy cụ thể của đơn vị mình để thực hiện.

Điều 42. Những người chấp hành nghiêm chỉnh chế độ công tác, nội quy của trạm gia súc, trại chăn nuôi và có thành tích, sẽ được khen thưởng. Những người vi phạm chế độ, nội quy làm thiệt hại về chính trị và kinh tế của Nhà nước đều phải xử phạt theo chế độ hiện hành.

Ban hành kèm theo quyết định số 594-NT ngày 31 tháng 10 năm 1963

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 594-NT năm 1963 ban hành Điều lệ tạm thời tổ chức trạm gia súc, trại chăn nuôi và Một số chế độ công tác ở trạm gia súc, trại chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nội thương ban hành

  • Số hiệu: 594-NT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/10/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Nội thương
  • Người ký: Nguyễn Văn Đào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 43
  • Ngày hiệu lực: 31/10/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản