Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******

SỐ: 111-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 1963

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ PHÒNG VÀ CHỐNG DỊCH, BỆNH CHO GIA SÚC, GIA CẦM

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 1963,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo nghị định này, điều lệ phòng và chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm.

Điều 2. – Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này.

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

PHÒNG VÀ CHỐNG DỊCH, BỆNH CHO GIA SÚC, GIA CẦM

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Điều lệ này nhằm mục đích đề phòng và ngăn ngừa các bệnh dịch và bệnh truyền nhiễm lây lan từ nơi này sang nơi khác ở trong nước, từ nước ngoài vào và từ trong nước ra nước ngoài, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch phát triển chăn nuôi của Nhà nước, cung cấp ngày càng nhiều thực phẩm cho nhân dân, phân bón và sức kéo cho trồng trọt, nguyên liệu cho công nghiệp, vật tư cho xuất khẩu, đồng thời bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Điều 2. – Việc chăn nuôi, thu mua, vận chuyển, xuất, nhập khẩu gia súc, gia cầm và việc chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm phải theo đúng những yêu cầu và tiêu chuẩn vệ sinh phòng dịch do Nhà nước quy định và đặt dưới sự giám sát và kiểm soát của cơ quan chính quyền các cấp, có cơ quan chăn nuôi thú y giúp việc.

Điều 3. – Nhiệm vụ của tất cả cán bộ, nhân viên, viên chức, trước hết là của cán bộ phụ trách các cơ sở chăn nuôi, cơ sở chế biến, các cơ quan thu mua, vận chuyển, của tất cả mọi người công dân là tôn trọng và thực hiện đầy đủ những thể lệ và biện pháp vệ sinh phòng và chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành.

II. CÔNG TÁC PHÒNG DỊCH, BỆNH

A. Tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến lò mổ.

Điều 4. – Để phòng ngừa dịch, bệnh, cán bộ phụ trách các nông trường, lâm trường, trại chăn nuôi của các ngành, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện tại cơ sở mình những việc sau đây.

a) Xây dựng chuồng, trại theo đúng các tiêu chuẩn vệ sinh thú y và thi hành đầy đủ những biện pháp vệ sinh phòng, và chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm.

b) Nhốt riêng trong một thời gian ít nhất là bảy ngày những gia súc, gia cầm mới chuyển về cơ sở chăn nuôi của mình.

c) Khi có gia súc, gia cầm mắc dịch hoặc nghi là mắc dịch phải báo cho Ủy ban hành chính xã sở tại, cơ quan quản lý cấp trên của mình và cơ quan nông nghiệp gần nhất biết.

d) Những súc vật ốm phải cách ly, không được nuôi chung với những súc vật không mắc bệnh. Những súc vật chết vì bệnh truyền nhiễm phải chôn ở những địa điểm nhất định, không được mổ thịt để bán hoặc ăn.

Điều 5. – Những người chăn nuôi riêng có nhiệm vụ:

a) Thực hiện đúng những biện pháp vệ sinh phòng và chống dịch, bệnh do cơ quan nông nghiệp hướng dẫn.

b) Báo ngay cho cơ quan chính quyền gần nhất biết mỗi khi có một số gia súc chết đột ngột, nghi là mắc dịch.

Cấm mổ thịt để bán hoặc ăn thịt những súc vật ốm hoặc chết vì bệnh truyền nhiễm. Súc vật chết phải chôn theo thể thức do Bộ Nông nghiệp quy định, không được vứt xác bừa bãi.

Điều 6. - Ở các lò mổ phải có cán bộ thú y để khám súc vật trước và sau khi mổ thịt. Không được mổ, bán thịt những súc vật ốm hoặc chết vì bệnh truyền nhiễm.

Điều 7. - Ở các cơ sở chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm phải có cán bộ thú y để kiểm soát vệ sinh thú y. Khi chế biến da, lông, xương, sừng, móng, v.v…phải kiểm tra các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh nhiệt thán; nếu phát hiện có bệnh truyền nhiễm thì phải tiêu độc trước khi chế biến.

B. Trong việc xuất, nhập khẩu và trong việc thu mua, vận chuyển gia súc, gia cầm ở trong nước.

Điều 8. – Chỉ được đưa vào lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa những gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật chưa chế biến như da, lông, xương, sừng, móng,…khi đã có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước có hàng xuất và sau khi đã được kiểm dịch ở biên giới.

Điều 9. – Chỉ được xuất khẩu những gia súc, gia cầm và những sản phẩm động vật chưa chế biến như da, lông, xương, sừng, móng,…khi đã được kiểm dịch và có giấy chứng nhận của cơ quan kiểm dịch ở biên giới.

Điều 10. – Việc vận chuyển gia súc, gia cầm thành từng đàn từ tỉnh này sang tỉnh khác phải có giấy của Sở, Ty nông nghiệp cấp, chứng nhận là không mang bệnh truyền nhiễm.

Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm bị bệnh truyền nhiễm.

Điều 11. – Việc vận chuyển gia súc, gia cầm thành từng đàn bằng đường sắt, đường thủy chỉ được tiến hành ở những ga, bến nhất định do Bộ Giao thông vận tải quy định. Ở những nhà ga và bến ấy phải có những trạm tiêu độc và nơi cách ly súc vật bị bệnh theo thể thức do Bộ Nông nghiệp quy định.

Việc vận chuyển súc vật bằng đường hàng không chỉ được tiến hành khi được Bộ Nông nghiệp thỏa thuận.

Các phương tiện vận tải sau khi vận chuyển xong phải tiêu độc.

Điều 12. – Việc mua bán trâu, bò có tính chất tập trung phải tiến hành ở những địa điểm nhất định do Ủy ban hành chính từ cấp huyện trở lên quy định.

Thịt tươi đem ra thị trường bán phải có dấu kiểm soát sát sinh. Sữa tươi đem bán phải đóng vào chai có dán tem hoặc có giấy chứng nhận kiểm soát vệ sinh thực phẩm.

Điều 13. – Chỉ cán bộ thú y từ bậc trung cấp trở lên được ủy quyền làm công tác kiểm dịch mới có quyền ký giấy chứng nhận kiểm dịch đề xuất, nhập khẩu hoặc vận chuyển gia súc, gia cầm.

III. CÔNG TÁC CHỐNG DỊCH, BỆNH

Điều 14. – Khi những bệnh truyền nhiễm sau đây xảy ra thì phải công bố dịch và phải thi hành mọi biện pháp để bao vây, dập tắt:

- Bệnh dại đối với tất cả các loại gia súc

- Bệnh dịch tả trâu bò đối với tất cả các loại nhai lại và đối với lợn;

- Bệnh tụ huyết trùng, bệnh lao đối với trâu bò.

- Bệnh nhiệt thán đối với tất cả các loại tự nhiên cảm nhiễm;

- Bệnh ung khí thán đối với trâu bò;

- Bệnh lở mồm long móng đối với trâu, bò, cừu, lợn;

- Bệnh tiêu mao trùng đối với la, lừa, ngựa, trâu bò;

- Bệnh tỵ thư, tiêm la ngựa, lâm ba hệ viêm đối với la, lừa, ngựa;

- Bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, phó thương hàn, lợn đóng dấu đối với lợn;

- Bệnh lưu sản truyền nhiễm đối với dê, cừu, v.v…

Bộ Nông nghiệp sẽ quy định bổ sung vào danh sách nói trên khi có những bệnh mới cần phòng và chống như những bệnh trên đây.

Điều 15. – Khi được tin ở địa phương có dịch hoặc nghi là có dịch, Ủy ban hành chính xã phải báo cáo ngay cho Ủy ban hành chính huyện biết, chậm nhất là trong vòng sáu tiếng đồng hồ. Thời hạn báo cáo của các xã thuộc các tỉnh miền núi sẽ do Bộ Nông nghiệp quy định riêng. Nhận được báo cáo của xã, Ủy ban hành chính huyện phải cử ngay cán bộ thú y về tận nơi kiểm tra, xác minh và quyết định các biện pháp cần thiết để bao vây, dập tắt dịch, đồng thời phải báo cáo cho Ủy ban hành chính thành hoặc tỉnh, Sở hoặc Ty nông nghiệp, chậm nhất là trong vòng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận được báo cáo của xã, Ủy ban hành chính thành hoặc tỉnh, và Sở hoặc Ty nông nghiệp phải báo cáo cho Bộ Nông nghiệp biết chậm nhất là trong vòng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận được báo cáo của huyện. Báo cáo phải rõ rệt, chính xác.

Điều 16. - Ủy ban hành chính tỉnh hoặc cấp tương đương ra lệnh công bố dịch. Lệnh công bố dịch phải ghi rõ tên bệnh và những vùng có dịch. Sau khi ra lệnh công bố dịch, Ủy ban hành chính tỉnh phải báo cáo lên Bộ Nông nghiệp chậm nhất là trong vòng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi ra lệnh công bố dịch.

Lệnh công bố dịch sẽ bãi bỏ sau khi đã dập tắt được dịch và cũng do Ủy ban hành chính tỉnh hoặc cấp tương đương quyết định theo những thể thức như lúc công bố dịch.

Điều 17. – Khi đã có lệnh công bố dịch:

a) Cấm thu mua và đưa ra đưa vào vùng có dịch những gia súc, gia cầm thuộc loại dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố; cấm người không có phận sự vào nơi cách ly súc vật ốm.

b) Cấm đuổi đi bộ qua ổ dịch những gia súc, gia cầm thuộc loại dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố. Nếu vận chuyển bằng ô-tô thì xe phải đi thẳng, không được dừng lại trong ổ dịch. Ủy ban hành chính xã phải cắm biển báo hiệu vùng có dịch, đặt trạm gác và quy định những hướng đi để tránh ổ dịch.

Khi có lệnh công bố dịch ở các bến tàu, ga xe lửa, thì việc chuyển những gia súc, gia cầm thuộc loại dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố cũng phải đình chỉ ngay. Trong trường hợp này, Ủy ban hành chính thành hoặc tỉnh và các Sở hoặc Ty nông nghiệp phải lập tức báo cáo cho Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông vận tải biết, chậm nhất là trong vòng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi ra lệnh công bố dịch.

c) Cấm đem bán ở chợ hoặc trưng bày ở hội chợ trong phạm vi ổ dịch những gia súc, gia cầm thuộc loại dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố.

d) Phải triệt để thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch: cách ly những súc vật ốm; chôn hoặc đốt xác hoặc chế biến những súc vật chết; tiêu độc chuồng trại, phân, rác độn chuồng, thức ăn của những súc vật ốm hoặc chết. Bộ Nông nghiệp sẽ quy định thể lệ xử lý đối với từng loại bệnh và từng loại súc vật.

IV. BIỆN PHÁP XỬ LÝ NHỮNG TRƯỜNG HỢP VI PHẠM ĐIỀU LỆ PHÒNG VÀ CHỐNG DỊCH, BỆNH CHO GIA SÚC, GIA CẦM

Điều 18. – Những cá nhân hoặc đơn vị vi phạm điều lệ phòng và chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm sẽ tùy theo lỗi nặng hoặc nhẹ, vi phạm ít hoặc nhiều lần mà xử phạt theo những hình thức sau đây:

a) Trường hợp vi phạm nhẹ thì xử lý theo thể lệ quản lý trị an.

b) Trường hợp vi phạm nhiều lần và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và của nhân dân, thì sẽ bị truy tố trước tòa án để xử phạt theo Sắc lệnh số 125-SL ngày 11 tháng 7 năm 1950.

Điều 19. – Các cán bộ thú y, công an, hải quan đang làm nhiệm vụ, các Ủy viên Ủy ban hành chính xã phụ trách công an đều có quyền lập biên bản các trường hợp vi phạm điều lệ phòng và chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm để trình cho các cơ quan có trách nhiệm xử lý. Trước khi xử lý các vụ vi phạm các cơ quan có trách nhiệm phải cử cán bộ thú y bậc trung cấp trở lên kiểm tra, xác minh lại.

V. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ

Điều 20. – Bộ Nông nghiệp quy định những thể lệ chi tiết để thi hành điều lệ này và có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện điều lệ này đối với tất cả các cấp, các ngành.

Điều 21. – Các Bộ Nông trường, Nội thương, Ngoại thương, Công an, Giao thông vận tải, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện điều lệ phòng và chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm của Nhà nước và những điều hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình.

Điều 22. - Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện điều lệ phòng và chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của Nhà nước và những điều hướng dẫn của các Bộ, các ngành, có liên quan trong địa phương mình.

Điều 23. – Ngành chăn nuôi thú y có trách nhiệm giúp cơ quan nông nghiệp các cấp nghiên cứu để quy định và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch và bệnh cho gia súc, gia cầm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 111-CP năm 1963 ban hành điều lệ phòng và chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm do của Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 111-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/07/1963
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 07/08/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản